Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

64 tuổi bơi "một hơi" 180km từ Cu ba tới Mỹ

 Theo Guardian, bà Diana Nyad, 64 tuổi, chiều qua (thời điểm đăng bài) về đến bãi biển Key West, Florida, Mỹ, sau khi hoàn tất chặng bơi dài gần 180 km.

"Đây là giấc mơ lớn trong cuộc đời tôi và tôi vô cùng hạnh phúc vì đã thực hiện được nó", bà nói. 

Nyad bắt đầu bơi từ sáng 31/8/2013 từ bờ biển Marina Hemingway, Cuba, và bơi thẳng đến bờ biển Florida trong suốt 52 tiếng đồng hồ trừ những lúc được cung cấp thức ăn và nước thông qua một chiếc ống.

Nyad thực hiện giấc mơ bơi từ Cuba đến Mỹ lần đầu tiên vào năm 1978 khi bà 28 tuổi với sự hỗ trợ của lồng chống cá mập. Tuy nhiên, bà phải dừng bơi sau khoảng 120 km. Nữ vận động viên tiếp tục thử sức vào năm 2011 nhưng phải bỏ cuộc sau vì bị sứa độc tấn công và bệnh hen suyễn.

Tháng 8/2011, Nyad cố gắng ở lần thứ 4 nhưng cũng phải từ bỏ sau khi bị sứa đốt. Bà cho biết thứ nọc độc của loại sứa này gây cảm giác toàn cơ thể như bốc cháy. Trong nửa thế kỷ qua, loại sứa độc đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả cá mập.

Trước khi đối mặt với thử thách lần này, Nyad cho biết đây là lần cuối cùng bà thử sức dù thành công hay thất bại. Vượt qua chặng đường gần 180 km, Nyad trở thành người đầu tiên bơi từ Cuba sang Mỹ mà không cần lồng chống cá mập. Bà phá kỷ lục của Susie Maroney, người vượt qua đường bơi tương tự nhưng phải dùng thiết bị chống cá mập vào năm 1997.

Nyad cũng cho biết khi mới 8 tuổi, bà đã có ước mơ bơi đến eo biển Floria. Nữ vận động viên từng chiến thắng ở nhiều hạng mục bơi lội và là một trong những người phụ nữ đầu tiên bơi vòng quanh đảo Manhattan.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gửi lời chúc mừng tới vận động viên bơi lội vì kỷ lục này. 

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Người khuyết tật và bơi lặn




 Chúng tôi coi hình của họ và nghĩ về mình.
H1: cô giáo và học trò.
H2, H3, H4: ôi, chân cẳng "hụt chút xíu" không ảnh hưởng gì tới bơi lặn đâu bạn.



Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Để có được bằng scuba

(bài của bạn chip xù, trích đăng)

Để có được bằng scuba, bạn sẽ trải qua ba giai đoạn: học lý thuyết, thực hành ở hồ bơi và đi thi ở biển.

Học lý thuyết trong một buổi thôi, cô giáo sẽ cho bạn biết hết tất tần tật mọi thứ từ chuyện học lặn dui như thế nào đến nguy hiểm như thế nào. Học scuba thực chất theo tui nghĩ là học điều khiển một cỗ máy đơn giản bao gồm cái BCD (áo phao), cùm thở để bạn thở dưới nước và bình khí sau lưng. Nếu tập trung và ghi nhớ, diver sẽ trở thành người tinh thông thiên văn am tường địa lý (biển) vì nắm được nguyên tắc của sóng gió trời trăng mây nước hàng tỉ loài cá hàng trăm loài san hô. Nhưng cũng trong buổi học đó, cô giáo sẽ dành 80% thời gian để nói về nguy cơ: nổi lên nhanh quá sẽ có bong bóng nito trong mạch máu, thở nhiều quá hoảng loạn quá sẽ bị say nito, chạm vào con nọ con kia dưới đáy biển đi rồi ở lại dưới thủy cung mãi mãi…


Hết buổi học lý thuyết, trong đầu tui hiện lên  hai suy nghĩ: tại sao tui lại không đi học cái này sớm hơn, quá nhiều chiện hay ho mà tui lẽ ra nên biết từ lâu, tui muốn đi lặn liền, muốn ra biển liền. Nhưng tui không thể nào nhớ được hết cái BCD có bao nhiêu dây, áp suất bề mặt với áp suất dưới đáy khác nhau như thế nào, tui không phân biệt được mặc áo phao đeo bình khí phải làm cái nào trước cái nào sau, tất cả mơ hồ, vì quá nhiều thứ phải nhớ, học thuộc lòng hôm trước hôm sau quên, mà học lặn là phải nhớ được từng cái nhỏ nhất, đúng thứ tự vì nếu thao tác sai là banh bét hết, dưới đáy biển nhiều khi không có cơ hội thứ hai. Cô giáo tui ghê gớm lắm, vừa học lý thuyết xong trong khi đám học sinh còn đang xoay mòng mòng thì cổ đã bắt từng đứa ra chụp hình, chi dạ, đặng mốt làm bằng có hình liền. Chỉ vậy thôi đó mà tui thấy đời tươi sáng lên một chút, lẽ nào cái hình tui chụp với con Chuột đẹp quá mà lại bỏ đó không xài, tui phải có được cái bằng để đem hình đó đi khoe khắp nơi chứ.

 Vậy là cắm đầu về nhà học lý thuyết, ngày nào cũng nhai, mà không phải nhai kiểu tụng kinh, tui cố gắng đọc rồi suy nghĩ thiệt tường tận về cái tui đang đọc. Chẳng hạn như hồi xưa, có nhiều ông thợ lặn lặng bằng ống thở xe đạp, đi lặn về lăn ra bất tỉnh, người ta nói là do lặn trúng luồng nước độc thật ra nước nào mà độc, là vì bị giảm áp, nito giãn nở thành bong bóng khí trong mạch máu nên bị tắc chỗ nọ chỗ kia thôi. Cả trong bữa ăn trước Noel, tui với bạn kia cũng ngồi ôn bài trong tiệm sushi, chắc người ta tưởng khùng, hai đứa đi ăn sushi mà cứ nói về chuyện cùm thở với bình khí, haizzz. Để tự tạo áp lực cho mình, tui đã đồng ý sẽ đi thi vào đúng ngày sinh nhật. Nếu lấy được cái bằng lặn, tui sẽ có một sinh nhật đáng nhớ nhất từ trước tới giờ, còn nếu không là từng ngày trôi qua trong lặng im thôi. Thiệt mông lung như một trò đùa.

Đi quay Dalat, ráng quàng khăn uống nước nóng cho không bị cảm, vì cảm là tiêu, tắc ống tai, không thổi ra để cân bằng tai được là 3m cũng không xuống được là nghỉ khỏe ha. Trời thương sao mà dù đi quay lạnh ngắt rồi về Saigon dang nắng quay tiếp mà tui vẫn không bị cảm, chứ bình thường tháng nào cũng  bị cảm năm ngày. đúng ngày còn hơn ngày dịu dàng. Đi quay rã rời 1 tuần về là giật bắn khói vì tới tết Tây là đúng ngày đi test vòng hồ  bơi. Tui không thể ăn tết Tây luôn đó vì tui quá lo lắng. Test hồ bơi là bạn sẽ phải: tự ráp thiết bị, thở dưới nước, quăng ống thở ra rồi lượm lại thở đều, cân bằng để không trôi không chìm, cởi chì, cởi áo BCD rồi mặc lại.

Sáng sớm hôm đó, tui quay mòng mòng dưới nắng suốt một tiếng, mồ hôi đổ ròng ròng mới lắp được cái BCD vào cái bình khí: một đống dây phải nhớ, cùm thở, đồng hồ áp suất, van xả không được sai cái nào trước cái nào sau. Hai đứa con trai học chung nó lắp nhanh như xiếc, còn tui đụng tới mấy cái thiết bị này là chập mạch hà. Vậy mà nào giờ tui cứ nghĩ, đi lặn là lên tàu, người ta lắp thiết bị, mình chỉ đeo vô lặn thôi, giống như mấy cái dive lặn kèm mà người ta hay bán ngoài Nha Trang. Tui chán quá xong tui nghĩ chứ thôi cứ làm đại, sai thì có người sửa, không lẽ không lắp được người ta không cho mình lặn. Bởi cái đứa làm biếng trong mình lúc nào nó cũng mạnh mẽ hơn cái đứa ngoan hiền chăm chỉ muốn phấn đấu tiến lên hết đó. Nhưng rồi tui nhớ lại chuyện tui từng nói với bạn kia, tui muốn đi học lặn vì tui muốn tự mình lặn, tự mình lướt tới chỗ nào mình thích, chứ chờ người ta đeo thiết bị rồi câu mình xuống biển, lôi mình xềnh xệch đi theo người ta thì mình khác gì thú nuôi đâu. Vậy nên cũng bặm mắt bặm môi lắp, lắp một lần không được thì hai lần, ba lần, tới lần thứ tư là nhớ.

 Ở dưới nước, mọi người phải quỳ vòng tròn xung quanh thầy, thầy chỉ ai người đó làm skill, không thể nói chuyện, chỉ giao tiếp bằng tay, có nhiều lúc tui hổng hiểu thầy muốn gì, chỉ cần thầy tiến lại gần, nhìn vô mắt thầy qua mắt kính thôi là thấy run rẩy. Sặc nước và trồi đầu lên khoảng ba lần thì mới làm được cái skill tháo mồm thở. Tui làm được skill đó thì hai đứa con trai đã làm xong tất cả skill. Một mình tui phải test tiếp tất cả các skill còn lại, trong sự tủi thân vì thấy mình quá yếu kém

 Mặc kệ thầy đã nói thôi vậy qua hết skill rồi, ra biển tính tiếp, tui cảm thấy mặc cảm vô cùng, về đi ăn mà tui thấy đồ ăn cứ tắc lại ngay cổ họng, tui đã biết trước mình sẽ chật vật, nhưng hổng nghĩ mình kém tới như vậy. Học chung như vậy, tui thấy phiền mọi người. Lúc đứng tắm lại trong hồ bơi, tui bị chảy máu cam, tui thấy sợ điếng người. Và tui muốn bỏ cuộc. Tui sẽ ở Saigon ăn sinh nhật, tui không cần phải cố gắng và tự làm mình mệt, mình sợ như vậy nữa. Tui đi lặn vì tui thích đi biển, nếu mà cứ như vậy, ra biển sẽ thành nỗi ám ảnh, có cần phải như vậy không?

Nhưng rồi tui nói với một người tui đang sợ lắm, người đó, dù không biết đi học lặn là khó tới cỡ nào, nhưng chỉ hỏi tui lại một câu thôi: Ủa cái đó có chết không? Tui tưởng ổng bị khùng không, nghĩ sao mà chết. Ổng chỉ kêu là ờ tại nghĩ chưa tới mức chết thì chưa sợ lắm. Cái đoạn nói chiện xàm dở dang đó làm cho tui tỉnh ra nhiều thứ. Vì tui thấy nếu so sánh chuyện đi lặn với nhiều chuyện khác tui từng trải qua, ngay trong năm nay thôi, thì đi lặn còn dui hơn nhiều, vậy tại sao tui phải sợ. Đi lặn thực chất là đi chơi, đi chơi dưới đáy biển nơi tui rất thích, vậy thì sợ cái gì? Chỉ cần nghĩ vậy là có thể đứng dậy phủi mông dọn đồ chuẩn bị đi Phú Quốc. Nhưng trước khi đi Phú Quốc, tui cần phải chắc chắn là tui làm được hết mọi skill, không bị nợ môn, vậy là nhắm mắt nhắm mũi xin cô giáo cho đi học thêm một buổi hồ bơi nữa với thầy trợ giảng. Lần này không học ở hồ Cộng Hòa nữa mà đổi sang hồ Trần Văn Ơn, nước hồ không bị chua loét dễ chịu hơn nên mấy skill đầu dù lóng ngóng tui cũng làm lại được, đỡ thất vọng hơn bữa đầu. Tiếp theo là học hai skill mới: cởi áo BCD dưới nước mặc lại và thổi một hơi đạp chân lên 8m.

Bữa đó chắc nhờ bình tĩnh hơn và quyết tâm dữ dội nên tui đã làm được tàm tạm tất cả các skill. Phải cảm ơn thầy trợ giảng đã rất kiên trì với tui luôn, túm cổ kéo lên rồi hụp xuống không biết bao nhiêu lần mà bắt phải làm cho bằng được. Bây giờ chỉ hi vọng ra biển sẽ bình tĩnh để không bị lạc trôi.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Dive Buddy – 5 điều không nên làm

 

(bài của Danielle Schofield, trích dịch)  

(bài cũ soạn lại)

1 - Thêm áp lực
cho bạn lặn

Bạn
sắp lặn với một người có ít kinh nghiệm hơn bạn, hoặc có lẽ trong thời gian gần đây họ không thật thoải mái khi ở trong lòng biển. Có thể họ bị giảm đi đôi chút sự thiếu tự tin của một thợ lặn. Dù lý do nào, nếu bạn lặn của bạn không cảm thấy thoải mái với kế hoạch lặn, thì bạn không nên xô đẩy họ làm việc đó. Ngược lại, bạn lặn cũng nên đối xử với bạn như vậy. Nên nhớ rằng, lặn không phải là môn thể thao cạnh tranh – thợ lặn cần thư giãn, nhịp độ thoải mái và bạn sẽ có một cuộc lặn thú vị hơn nhiều.

2 - Không chú ý đến các hoạt động chuẩn bị
.

Nếu bạn
mải trò chuyện với một thợ lặn khác, hoặc quá bận rộn với máy tính lặn của bạn, trong khi nhóm lặn của bạn đang thảo luận kế hoạch lặn (BWRAF) của nhóm, thì rất có thể bạn sẽ bị bỏ lỡ một thông tin quan trọng mà bạn sẽ cần tới nó trong chuyến lặn. Nó có thể chỉ là một cái gì đó đơn giản, như thống nhất về tín hiệu tay trong nhóm (mỗi Hiệp hội lặn sẽ có một vài kí hiệu không giống nhau), nhưng do không thống nhất sẽ có thể dẫn đến các vấn đề rắc rối khi ở dưới đáy, ví dụ bạn ra hiệu tình huống khẩn cấp nhưng bạn không hiểu để giúp bạn. Hãy chú ý khi còn ở trên bề mặt và bạn sẽ được an toàn hơn khi ở dưới đáy.

3 - Không
bơi gần nhau trong lúc lặn

Lặn xuống độ sâu không có nghĩa là bạn hoàn toàn tự do, mà bạn cũng cần chú ý tới bạn lặn của bạn trong suốt lặn. Nghĩa là bạn cần ở đủ gần bạn lặn để cung cấp sự giúp đỡ cho bạn lặn khi họ cần nó – bạn không nên cứ việc lang thang mà không hề nhìn lại. Hãy chắc chắn rằng bạn cần để một mắt cho việc theo dõi bạn lặn, như các dấu hiệu của tình trạng mê man, căng thẳng của bạn lặn, và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng bạn lặn vẫn đang đủ khí thở. Gần gũi cũng làm cho bạn được nhìn thấy những sinh vật biển mà bạn lặn vừa nhìn thấy.

4 -
Đùa giỡn khi chuẩn bị lặn là nguy hiểm

Bạn thường xuyên lặn với một ai đó, và cả hai vẫn thường xuyên đùa cợt và tận hưởng những trò đùa với nhau ở trên bề mặt. Nhưng khi hai bạn đang chuẩn bị thiết bị cho chuyến lặn, thì sự tán dóc xung quanh thiết bị, đùa giỡn, xô đẩy nhau, giành nhau nhảy xuống nước trước, là những ý tưởng tiềm tàng nỗi nguy hiểm. Các bạn hãy để dành nó cho sau chuyến lặnhãy tập trung để thưởng thức những trải nghiệm.

5 - Ích kỷ

Cùng với điều 1 nói trên, một trong những điều có liên quan đến nhóm lặn là liên kết các kế hoạch riêng của mỗi người lại với nhau. Nhóm lặn có hai thợ lặn có nghĩa rằng sẽ có hai mục tiêu lặn hai mức độ kinh nghiệm lặn khác nhau, và có thể sẽ không luôn luôn phù hợp với nhau. Bạn thích ngắm xác tàu đắm, còn bạn lặn của bạn thích ngắm rạn san hô. Bạn có thể dành cả giờ phục kích ở một chỗ để chụp hình, còn bạn lặn lại muốn lang bang. Dùsự khác biệt, nhưng cần chắc chắn rằng, các bạn cần xem xét sở thích của nhau và đi đến một thỏa hiệp hợp lý để mỗi bạn đều có thể thưởng thức các thứ mà bạn muốn trải nghiệm. Nếu hai bạn không thể thống nhất về quan điểm, thì tại sao bạn lại không thể đăng ký một chuyến lặn khác.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Bơi 10 km (P2)


(tiếp theo và hết)

Các sự kiện tiếp theo theo trí nhớ láng máng của tôi:
- Phóng viên Khuu đến lúc khoảng 2h
- 1 bác già bơi ếch và 1 vài em nhỏ vào làn bơi cùng chúng tôi
- 1 nhát xô vào hình như là Cao Hà làm đồng hồ chuyển sang chế độ drill log. May là có kinh nghiệm từ lần trước nên tôi dừng lại kiểm tra ngay
- Bác Thủy béo khựng lại giữa bể lúc tầm 3h. Sau tôi mới biết là bị chuột rút
- 3 anh em bơi nối tiếp nhau được vài lap khá là đẹp, lợi dụng được chút drafting của 2 người bơi trước nên nhàn hơn. Tuy nhiên tôi chỉ theo được vài lap rồi lại bị bỏ lại đằng sau.
- Tôi vượt được 1 bác mũ trắng bơi sải, đang mừng thầm tưởng qua được Thủy béo thì hóa ra lại là 1 ông nào làn bên join vào bơi cùng
- Được khoảng 3h thì Cao Hà nghỉ do đau lưng nhưng lý do chinh chắc là hẹn với gia đình về lúc 11h.
- Bác Thủy finish sau 3h30 và còn lại 1 mình tôi bơi tiếp, lúc này mới được 7k và dự kiến còn 1h30’ nữa
- Bác Khưu mua giúp them chai nước để pha oresol
Tôi duy trì pace khá tốt, mỗi lần dừng nghỉ đều thấy tối thiểu được 700m. 1 vài lần dừng đột ngột, 1 lần chuyển drill log làm cho đồng hồ đếm sai vài lap nên tôi dự định sẽ bơi them 2-300m nữa cho đủ 10k. Tuy nhiên cuối cùng thì tôi đếm từng lượt bể, dừng lại khi đồng hồ chạm 10k và tự nhủ thế là được rồi, mình không nói thì ai biết 

Khác với các cuộc thi marathon, ironman, lúc về đích ở đây không có MC hô vang You are Ironman, you are marathoner, You did it, không có cheer team vẫy hoa và hight five mà chỉ có 1 mình tôi trong bể lúc 11h30 cùng bác cứu hộ hờ hững quay sang hỏi thăm “Xong rồi đấy à” 
Anw, từ giờ tôi có thể tự hào chém gió “I’m a marathon swimmer”
Chung cuộc, tổng cộng tôi bơi hết 4:47:59, thời gian bơi thực sự 4:26:01.
Tốc độ trung binh: 2’41 cho 100m
Tổng số lượng sải: 5.153 x 2 = 10.306 Stk
Số sải cho 1 chiều dài bể 25m - Stroke per length: 13 x 2 = 26 Stk
Quãng đường đi của 1 sải cỡ ~ 1m
Tốc độ sải: 19 x 2 = 38 sải trong 1 phút. Đúng chất đủng đỉnh TI:)

Thing go right:
- Bơi dài trong bể 6.8k để chuẩn bị hồi tháng 7
- Pace strategy. Kết quả avg pace 2’41 đúng dự định
- Nutrition plan (5 Gel + 1.5 lít oresol)
- Bơi trong event có đồng đội đỡ nản hơn hẳn solo
Thing need to improve
- Kính bơi và phụ kiện cần chuẩn bị tốt hơn, kỹ càng hơn
- Thường xuyên sử dụng để quen với việc đội mũ bơi, đặc biệt là khi bơi dài hay open water
- Thường xuyên bơi dài hơn, ít nhất 1 lần 5k/ tháng để có nhiều thử nghiệm hơn.
Quan trọng nhất là tôi dường như đã tới hạn với tình trạng bơi hiện tại, cần cải thiện kỹ thuật để tăng tốc độ chứ không chơi bài cứ nhân đôi thời gian thì ra quãng đường mãi thế này được.
Dự kiến cho 2017 cũng vẫn 10k thôi nhưng sẽ là sub 4h
Đường lấy kinh còn xa, bao khó khăn đang chờ ta.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Bơi 10 km (P1)

(bài của anh Đặng Ngọc Lâm - nhóm bơi distance swimmer)

Khi đã tập bơi rồi thì tôi chắc Bác nào cũng muốn được gọi là kình ngư bơi đường trường (distance swimmer như tên gọi của nhóm). Tuy nhiên định nghĩa như thế nào thì hình như không có, hoặc không rõ rang, nên thôi, cứ khi nào ta bơi dài hơn các cự ly của các cuộc thi chinh thức trong bể bơi thì gọi là distance swimmer hay bơi trên 1.500m thì là kình ngư.

Mỗi môn chơi đều có các mốc nhất định, ví dụ như chạy đường trường sẽ là 42km Marathon thần thánh, 100 km rồi 100 dặm tăng dần lên, triathlon là 5150, 70.3, 140.6, 520, thì bơi cũng thế, bạn phải chinh phục các cự ly 2km, 3.8km (ironman swim leg distance), 5km và khi nào bạn đạt 10km sẽ được gọi là marathon swimmer. Cái này có định nghĩa hẳn hoi của FINA chứ không phải bịa đâu nha. 

10km cũng là một chỉ tiêu mà tôi đặt ra cho năm 2016. Nếu như năm ngoái tôi bơi 5km nhưng vẫn failed KPI vì ôm đồm thêm mốc 2h nên năm nay tôi dấu béng tốc độ đi, chỉ tập trung vào cự ly. Do một vài lý do nên buổi bơi chỉ có 3 người tham gia, gồm anh Thuy BeoCao Cao Ha và tôi. Tôi cũng tự nhủ, chỉ cần về đích là mình trong top 3 và có huy chương. Ha ha ha.

Lần bơi dài nhất của tôi trước đó là 6.8km vào tháng 7 hết 3h20 phút ~ 2km/h hay pace 3’/100m. Trong suốt quá trình tập luyện cho (chuyến đi) Langkawi tôi cũng chỉ bơi 2 buổi/ tuần trong 1h đồng hồ với cự ly khoảng 1km. Các buổi bơi đấy đều là chơi đùa với ku Beo, tập nếu có thì nhẹ nhàng sao cho có thể bơi thong thả nhất chứ không chú trọng tới tốc độ và thành tích. Sức bền và tâm lý sẽ cậy nhờ vào các bài tập chạy bộ, đạp xe và gym. 3 buổi bơi dài duy nhất trước challeng là:
- Hồ Núi Cốc, Thái nguyên: Cự ly 3km, thời gian 1h30, tốc độ 2km/h và pace 3’/100m
- Hồ Đồng Quang, Sóc sơn: Cự ly 3.4km, thời gian 1h40, tốc độ 2km/h và pace 3’/100m
- Sau đó là Langkawi: cự ly 3.8km, thời gian 1h40, tốc độ 2.25km/h, pace 2’40/100m

Nếu như chạy tôi có biệt hiệu (mà anh em hay gọi) là Lâm 1:90 vì đó là thành tích HM bất biến của tôi trong 2 năm gần đây, thì dường như 2km/h là tốc độ bơi cố định bất kể bơi dài hay ngắn, bơi bể hay open water, lake or ocean, nên dự kiến tôi mất 5h cho cái challenge 10k này. Đối với mấy món đường trường này, nhất là cự ly mình chưa chơi bao giờ thì negative split là không thể, nên tôi quyết định bơi nhanh hơn chút ở 1-2h đầu, tầm 2.25km/h ~ pace 2’40/100. Với pace này thì mỗi 20’ tôi sẽ bơi được chừng 750 – 800m. Đồng hồ Garmin tôi cũng set alert 20’ để nghỉ mà không cần quan tâm tới quãng đường.

Giống như (hồi nhóm đi bơi ở) Langkawi, tôi dự kiến uống nước mỗi 20’ và ăn 1 gói gel mỗi 60’ nên tôi mang theo 2 bình nước xe đạp pha sẵn oresol và 5 gói gel. Tai nghe Ipod được ông em nạp thêm ít nhạc nhõe vì máy tính tôi không có Itune. Bảo nó nạp cho ít nhạc nhẹ nhàng thư giãn, chủ quan không kiểm tra nên nó lại load cho một đống nhạc rap nghe nhức hết cả đầu.  

 6h47, 3 anh em chụp phát ảnh tự sướng úp FB rồi xuất phát. Bác Thủy béo mũ trắng đỏ, thương hiệu đội bơi của bác ý, Cao Hà đội mũ vàng còn tôi đầu trần do không quen đội mũ. 3 tuần liên tiếp không xuống nước, cũng không kiểm tra lại quân tư trang nên bơi vài vòng tôi phát hiện ra kính bơi Biofuse bị vào nước. Chỉnh choạc các kiểu vẫn không ổn nên tôi thay tôi sang kính gương mang dự phòng mặc dù biết rằng đeo kính này tối um, gần như không thấy đường. Thêm được vài vòng thì cảm thấy không ổn, bơi căng thẳng quá thì làm sao trụ nổi cho 5h đồng hồ nên tôi thay lại kính cũ, chấp nhận dừng lại chỉnh kính thường xuyên để đỡ vào nước. tạm thời tôi tập trung vào bơi để quên đi cái kính vào nước. Cao hà và Thủy béo bơi rất đều và nhanh, trung bình 2 bác này vượt tôi sau khoảng 3 vòng tức là bơi với tốc độ gấp 4/3 lần tôi ~ 3km/h. Không đua được với 2 ông này nên tôi cứ tập trung bơi theo pace rùa đã định của mình. 

Được khoảng hơn 1h đồng hồ tôi bỗng thấy bác Thủy béo bơi ngửa, hơi ngạc nhiên nhưng tôi tự nhủ bơi dài nhiều vấn đề xảy ra và có thể đấy là chiến thuật của bác ý. Một lúc sau lại thấy bác Thủy chuyển sang bơi bướm làm tôi đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Áp lực quá nên tôi dừng lại làm ngụm nước và quan sát kỹ 2 đối thủ. Cao Hà mũ vàng vẫn thế nhưng nhân vật mũ đỏ là giáo sư Thịnh Hói chứ ko phải Thủy béo. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mất công lên bờ ăn gel nên tôi đánh liều đến hỏi bác cứu hộ xem có cái kính dự phòng nào không, may quá bác có 1 kính bơi Phoenix xanh khá là ngon lành nên từ đó tới cuối buổi tôi có thể thong thả bơi như những lần trước mà không cần phải tập trung vào kính và nước nữa. (còn nữa)

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Chuyện của một thợ lặn (P4)

(tiếp theo và hết)
... Đây, loại cá này – nó rất xấu xí. Ngay cả khi bạn lờ đi giá trị khoa học của nó, mà chỉ nhìn vào giá trị kinh tế của nó: Một số con này được bán làm cá cảnh ở Nhật bản với giá 15.000 đô-la một con, tức nửa triệu đô la một pound (0.45kg).
Đây là một loại cá thiên thần. Chúng tôi tìm ra loài này từ những ngày xưa, khi còn thở bằng bình khí nén thông thường. Chúng tôi ở độ sâu 360ft và tôi nhớ khi nổi lên, gặp trận “sương mù” và bị mê man một lúc (như bạn đã biết) rồi tan biến đi. Và đã để lại trong tôi một hồi ức mơ hồ khi nhìn thấy những con cá vàng có chấm đen, và tôi nghĩ: "Tệ thật, tôi lẽ ra nên bắt một con". Tôi nghĩ đó là một loài mới. Và sau đó, tôi nhìn quanh tìm cái xô. Thật sự, tôi đã bắt được một con. Tôi đặt tên nó là Centropyge narcosis (cá thiên thần mê man), và đó là tên khoa học chính thức của nó vì thói quen lặn sâu của nó.
Và đây là một loài tuyệt vời khác. Khi tìm thấy nó lần đầu, chúng tôi không chắc nó thuộc họ nào, nên chúng tôi chỉ gọi là cá Dr.Seuss bởi vì nó trông như những thứ trong truyện thần thoại.
Loài này thì rất tuyệt. Nếu bạn đến Papua New Guinea và lặn sâu 300ft, bạn sẽ nhìn thấy những ụ đất lớn. Và có thể sẽ thấy các luống đất vòng tròn, đường kính vài mét. Nếu bạn nhìn kĩ hơn, bạn sẽ thấy có một con cá trắng nhỏ và cá xám đang bơi ở gần đó. Hoá ra con cá trắng nhỏ này đã một mình xây các luống đất lớn đó. Thật phi thường khi nhìn thấy điều này. Bạn không chỉ thấy những loài mới, mà còn là thói quen mới, hệ sinh thái mới, mọi cái mới.
Tôi sẽ cho bạn xem. Chỉ là mẫu của một ít loài mới mà chúng tôi đã khám phá được. Điều phi thường không chỉ là số lượng tuyệt đối của các loài chúng ta đang tìm kiếm, dù bạn thấy nó rất tuyệt, nhưng đây chỉ là một nửa những gì chúng tôi tìm thấy. Điều tuyệt vời là chúng tôi tìm được nhanh thế nào ở độ sâu đó. Chúng tôi tìm được đến bảy loài mới chỉ trong một giờ. Nếu bạn đến rừng Amazon và tìm một cái cây, bạn sẽ thấy rất nhiều loài bọ, nhưng với cá, không có nơi nào trên thế giới bạn có thể tìm được bảy loài mới trong một giờ. Một phép cộng đơn giản, ta thấy đã có khoảng 2.000 đến 2.500 loài mới, ở biển Indonexia - Thái Bình Dương. Chỉ có khoảng năm đến sáu ngàn loài con người đã biết và còn một phần lớn loài khác chưa được biết tới. Đó là sự đa dạng cá ở các rạn san hô.
Lúc đầu tôi nói là tôi sẽ cho bạn xem hai bức ảnh phi thường. Đây là bức ảnh phi thường thứ hai. Bức này được chụp lúc tôi ở dưới nước quay phim lũ cá mập. Nó được chụp ở độ sâu 300 ft. Lý do bức ảnh này đặc biệt là vì nó chụp khoảnh khắc cuối cùng của một đời người. Chưa đến 60 giây sau khi bức ảnh được chụp, anh chàng này đã chết. Khi khám nghiệm, chúng tôi tìm ra điều gì đã sai. Anh ấy phạm một sai lầm cơ bản. Anh ấy vặn nhầm van khi làm đầy xilanh: anh ấy có 80% oxy trong bình khí khi chỉ nên có 40% thôi. Anh ấy bị tai biến do ngộ độc oxy và anh ấy chết đuối.
Lý do tôi chiếu bức ảnh này không phải để làm mọi thứ buồn đi nhưng tôi chỉ muốn dùng nó để gút lại triết lý cuộc đời chung của tôi, đó là chúng ta đều có hai mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên chúng ta chia sẻ với mọi sinh vật sống trên hành tinh này đó là tồn tại. Tôi gọi đó là sự vĩnh cửu sự tồn tại của các sinh vật và sự tồn tại của chúng ta bởi vì chúng ta đều muốn duy trì bộ gen của mình. Và mục tiêu thứ hai, cho những ai đã đạt được mục tiêu đầu tiên là - bạn gọi là sự thoả mãn về tinh thần, có thể là thành công tài chính, có thể là bất cứ điều gì khác Tôi gọi là đi tìm niềm vui sự mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy, tôi cho là anh ấy đã sống hết mình, anh ấy đã sống như vậy. Bạn phải cân bằng hai mục tiêu đó. Nếu sống cả cuộc đời trong sợ hãi, thì cuộc sống đó chỉ là một thứ bệnh lây truyền qua đường tình dục với tỷ lệ tử vong 100%. 
Nhưng, cùng lúc đó bạn không muốn tập trung vào điều thứ hai hoặc mục tiêu thứ hai, mà thờ ơ với mục tiêu thứ nhất, bởi vì khi bạn chết, bạn không thể tận hưởng bất kì thứ gì nữa. Tôi chúc các bạn những điều may mắn nhất trong việc duy trì được sự cân bằng trong nỗ lực tương lai của bạn.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Chuyện của một thợ lặn (P3)


(tiếp theo) 
Bộ phận chính thứ hai của mạch kín là hệ thống chứa không khí. Vai trò của nó là cung cấp thêm ôxy cho cơ thể. Đó là chai (xylinder) chứa oxy. Nhưng nếu chỉ có một chai oxy thì chúng ta không thể lặn sâu vì chúng ta sẽ bị nhiễm độc ôxy rất nhanh, nên phải có thêm một khí khác pha loãng oxy. Trong ứng dụng, ta thường dùng ni tơ, vì nó rất rẻ và dễ kiếm. Nhưng, nếu ta muốn xuống sâu hơn, ta cần thêm nguồn khí: heli, mà thường là một chai to hơn gắn bên ngoài bình khí. Ta cũng nên có một chai oxy thứ hai, để dự phòng trường hợp có vấn đề với nguồn oxy thứ nhất. Khống chế việc chuyển đổi 2 chai này bởi các nút van. Điều bạn cần làm là bấm nút chuyển đúng lúc. Thường thì bạn không phải thao tác vì mọi thứ đều tự động.
Phần quan trọng nhất của bình khí là “cục” cảm biến oxy. Bạn cần ba cái, nếu một cái bị hư, bạn biết đó là cái nào để bạn chọn một cái theo suy luận lô-gic. Bạn cần ba bộ vi xử lý. Mỗi bộ vi xử lí có thể chạy cho toàn bộ hệ thống, nên nếu bạn bị hỏng hai cái vẫn còn một cái dự phòng. Và có màn hình để đưa thông tin đến thợ lặn. Đây là tiện ích công nghệ cao cho phép ta làm điều cần làm trong những chuyến lặn rất sâu.
Tôi sẽ cùng bạn làm một chuyến lặn sâu. Tôi sẽ cho bạn thấy khi lặn sâu chúng ta thường làm thế nào. Ta ở trên tàu lặn, mang trên mình những công nghệ đắt tiền, và nhào xuống nước qua mạn tàu. Rồi chúng ta đi xuống theo chiều thẳng đứng, cứ lửng lơ đi xuống giống như phim quay chậm cảnh nhảy dù. Dường như đó là cảm giác rất tuyệt.
Khi bạn xuống rất sâu, bạn sẽ thấy nước rất sạch, cực kì sạch. Nhưng khi bật đèn pin lên, nhìn xung quanh các hang động, thì đột nhiên bạn đối mặt với một sự đa dạng lớn hơn bất kì sự việc nào mà mọi người có thể tin. Không phải tất cả chúng đều là sinh vật mới đối với bạn, như chú cá có sọc trắng mà bạn thấy – đó là một loài động vật bạn đã biết – nhưng bạn hãy nhìn kĩ hơn vào các khe hở, bạn sẽ thấy những con gì đó nhỏ xíu bơi qua. Có một sự đa dạng không thể tin được. Không chỉ là cá, mà có Huệ biển, Bọt biển, San hô đen. Có thêm một vài loài cá mà những con cá bạn thấy là loài mới. Đó là biển Papua New Guinea.
Cá nhỏ và động vật không xương không phải những thứ duy nhất ta thấy dưới đó. Ta sẽ thấy cá mập thường xuyên hơn chúng ta mong đợi. Cái tôi muốn bạn làm ngay bây giờ, là hãy tưởng tượng bạn đang ở 400ft với các dụng cụ công nghệ cao trên lưng, vây quanh là đàn cá mập.
Chúng ta đang ở độ sâu 400ft. Nhìn thẳng lên trên, bạn thấy mặt nước xa vời vợi như thế nào. Và nếu bạn là nhà sinh vật học và bạn biết về cá mập, bạn sẽ đánh giá nguy cơ của chúng ta lớn tới thế nào. Những câu hỏi hiện lên trong đầu bạn ngay lập tức, đó là: Đó là loại cá mập nào? Cá mập mũi bạc phải không.
Cá mập mũi bạc! Thực ra có ba loại cá mập ở đây, cá mập mũi bạc có sọc trắng trên vây, có cá mập xám rạn san hô, cá mập đầu búa. Và bạn có một chút lo sợ.
Bạn đã xem nhiều phim về cá mập trên TV – nó thật đáng sợ, và tôi nghĩ nó khiến ta hiểu sai về cá mập. Cá mập thực ra không quá nguy hiểm và đó là lý do vì sao chúng ta không cần lo lắng lắm. Nhiều người chết vì heo cắn, chết vì sét đánh, chết vì cổ động cho bóng đá. Bạn có thể chết vì nhiều lý do: Trái dừa! Bạn có thể chết vì một trái dừa rớt trúng đầu dễ hơn vì một con cá mập. (còn nữa)

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Chuyện của một thợ lặn (P2)

(Tiếp theo) 
Khi bạn lặn xuống càng sâu, áp lực càng lớn. Nếu bạn phải lặn đến độ sâu khoảng 130 ft (40 m), là độ sâu giới hạn gợi ý cho thợ lặn, bạn sẽ gặp hiệu ứng áp lực này. Và hiệu ứng áp lực là: khi bạn bị tăng mật độ số phân tử khí trong mỗi hơi thở của bạn. Sau một khoảng thời gian lặn, số phân tử khí này tan vào máu và các mô, và bất đầu làm đầy cơ thể bạn. Nếu bạn lặn sâu đến 300 ft (91 m) thì số phân tử khí có trong phổi bạn không phải gấp 5 lần mà là 10 lần. Và, chắc rằng, chúng cũng tan vào máu và các mô của bạn. Và nếu bạn lặn sâu trên 15 lần thì vấn đề càng trầm trọng thêm. Sự giới hạn trong việc lặn, tóm lại là ôxy và nitơ trong cơ thể bạn.
Có ba giới hạn cơ bản của việc lặn. Giới hạn đầu tiên là độc tính của oxy. Ta đều biết bài hát “Tình yêu như oxy” – không đủ oxy để thở, bạn sẽ chết. Trong khi lặn, có quá nhiều oxy bạn cũng sẽ chết. Bạn chết vì độc tính của oxy có thể gây tai biến làm cho bạn co quắp dưới nước. Đó không phải là một điều tốt. Nó xảy ra chỉ vì có quá nhiều oxy trong cơ thể bạn.
Vấn đề thứ hai là nitơ, mà Jacques Cousteau gọi là “say độ sâu”. Nito gây mê man cho bạn. Nó làm bạn không tỉnh táo. Bạn càng xuống sâu, bạn càng dễ bị điên rồ. Bạn không muốn lái xe hơi hay lặn khi đang say xỉn. Để đề phòng sự mê man nitơ, bạn hãy thay khí nitơ trong chai lặn bằng khí heli. Heli không làm bạn mê man. Đó là cơ chế chính mà tôi dùng.
Vấn đề thứ ba là điều tôi đã tìm ra được một cách khó khăn ở Palau, đó là bệnh “khí ép”. Nhưng, lý thuyết thì dễ, phần khó là việc thực hiện.
Cỡ 15 năm trước, tôi chế tạo chiếc “giàn”. Thú thực đó không phải là sự khởi đầu tốt nhất, nhưng bạn phải bắt đầu từ ở đâu đó chứ. Khi đó, tôi không phải là người duy nhất không biết mình đang làm gì – hầu như không ai biết cả. Chiếc giàn này đã được sử dụng trong lần lặn 300 ft. Sau một thời gian, chúng tôi đã cải thiện nó, và đã tạo ra chiếc giàn trông rất tinh xảo như bạn đã thấy.
Chiếc giàn với 4 bể lặn, 5 bảng điều khiển và những chi tiết hoàn hảo. Nó cho phép lặn sâu để chúng tôi đi tìm những sinh vật mới. Bức ảnh này (một loại cá mới) được chụp ở độ sâu 300 ft,. Nhưng, vấn đề là chiếc giàn không cho chúng tôi nhiều thời gian. Với trọng tải và kích thước của nó, chúng tôi chỉ có nhiều nhất là 15 phút ở độ sâu nói trên. Phải có một thiết bị lặn được lâu hơn.
Năm 1994, tôi may mắn được tiếp xúc với nguyên mẫu các loại “bình lặn mạch kín”. Bình lặn mạch kín khác chai khí nén thông dụng ở điểm nào và tại sao nó tốt hơn? Nó có ba ưu điểm: Một, chúng yên lặng, chúng không gây ồn. Hai, chúng cho phép bạn ở dưới nước lâu hơn. Ba, chúng cho phép bạn lặn sâu hơn. Làm sao chúng làm được điều đó? 
Bình lặn mạch kín có ba hệ thống chính. Cái cơ bản nhất gọi là “vòng tuần hoàn thở”. Nó là một vòng thở tuần hoàn vì bạn thở ra, và vì nó là một vòng kín, nên khí thải ra sẽ được lọc sạch, và trở lại phổi (tuần hoàn). Khi thở, chúng ta tạo ra các-bon đi-ô-xít và khí này được làm sạch bởi bộ lọc hoá chất. (còn nữa)

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Chuyện của một thợ lặn (P1)


(theo ted.com, trích dịch)
Đây là bức hình chụp đầu tiên trong số hai bức đặc biệt mà tôi (tác giả) sẽ cho bạn xem. Nó được chụp vào 18 năm trước. Lúc đó tôi 19 tuổi, vừa thực hiện một trong những chuyến lặn sâu nhất của mình là hơn 200 ft (60 mét) và, tôi đã “chớp” được chú cá nhỏ này ở đây. Hoá ra, đây là chú cá đầu tiên đã được bắt. Tôi không chỉ là nhà ngư học, tôi là một gã mọt sách thích cá. Và với một kẻ thích cá, đây là điều thú vị. Và điều thú vị hơn là người chụp bức ảnh này là anh Jack Randall, nhà ngư học giỏi nhất thế giới, một thần tượng của người yêu thích cá. Vì vậy, tôi rất hứng thú vào giây phút đó, nó thật sự xác định hướng đi cho cuộc đời tôi. 
Nhưng điều quan trọng nhất, sâu sắc nhất về bức hình này, là nó được chụp 2 ngày trước khi tôi bị liệt từ cổ xuống. Tôi đã phạm một sai lầm ngu ngốc như phần lớn các chàng trai 19 tuổi nghĩ rằng mình không thể chết: tôi bị bệnh “khí ép” khi lặn ở Palau, tôi bị liệt, và phải dùng máy bay đưa về bệnh viện. Tôi học được hai điều quan trọng từ ngày hôm đó. Điều đầu tiên: Tôi có thể chết, đó là điều quan trọng. Điều thứ hai tôi học được, là tôi biết, và chắc chắn rằng đây là điều tôi sẽ làm trong cả quãng đời còn lại: Tôi phải tập trung tất cả sức lực để tìm những loài động vật mới ở dưới độ sâu.
Khi nghĩ đến một rạn san hô, nhiều người thường nghĩ đến rạn san hô lớn, cứng ngắc, phức tạp, và quanh đó là những loài cá và nhiều thứ khác muôn màu sắc. Nhưng đây chỉ là đỉnh của núi băng trôi. Nếu bạn nhìn vào biểu đồ một rạn san hô, chúng ta sẽ biết nhiều về phần ở gần mặt nước, và lý do chúng ta biết nhiều về nó là vì thợ lặn rất dễ lặn xuống và tiếp cận nó.
Tuy nhiên, có một vấn đề đối với thợ lặn, là có giới hạn ở độ sâu bạn có thể lặn tới, và đó là ở độ sâu khoảng 200 ft (60 m) (tôi sẽ nói rõ lý do). Nhưng, vấn đề là đa số thợ lặn thường lặn không sâu hơn 100 ft (30 m), và hiếm khi sâu hơn mức này, ít nhất là trong trạng thái tỉnh táo. Để lặn sâu hơn, nhiều nhà sinh vật học đã chuyển sang tàu ngầm. Tàu ngầm rất tuyệt vời, kỳ diệu, nhưng bạn sẽ choáng váng khi bạn biết rằng sẽ phải trả 30.000 đô la một ngày để dùng tàu ngầm, và nó có thể lặn đến 2.000 ft (610 m), trong khi phần lớn các nghiên cứu dùng tàu ngầm thường diễn ra ở độ sâu 500 ft (152 m)
Do vậy, ở đây hiển nhiên có một vùng trống và vùng đó chính là khu vực tôi quan tâm. Tôi muốn xem có gì trong khu vực này. Chúng ta gần như chẳng biết gì về vùng này. Thợ lặn không thể đến đó, tàu ngầm thì chỉ đi ngang qua đó.
Tôi mất một năm để đi lại được sau vụ tai nạn lặn ở Palau. Trong năm đó, tôi dành thời gian để học về vật lý và sinh lý của môn lặn và tìm ra cách vượt qua những giới hạn. Tôi sẽ cho bạn biết về nguyên tắc cơ bản. Chúng ta đều đang hít thở không khí. Không khí là hỗn hợp của oxy và nitơ, khoảng 20% oxy và 80% nitơ trong phổi. Và có một hiện tượng gọi là Định luật Henry nói rằng chất khí sẽ hoà tan vào chất lỏng tương ứng với các áp lực thành phần mà bạn cho chúng tiếp xúc. Vì thế, cơ bản là khí hoà tan vào cơ thể chúng ta. Khí oxy được dùng trong trao đổi chất, để tạo ra năng lượng. Nitơ chỉ trôi trong máu và mô của chúng ta (và đó là cách mà cơ thể chúng ta đã được cấu tạo). Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn lặn xuống nước.  (còn nữa)