(bài trên mạng, trích đăng)
Mỹ Hiệp (thuộc Ninh hải - Ninh thuận) thu hút khách không chỉ Hòn Đỏ, mà còn là bờ biển: Những bãi san hô hàng triệu năm tuổi hóa đá, vách bờ biển cũng là những vách san hô cổ đã hóa đá, mà nếu không được giải thích sẽ tưởng đó là bờ đá ven biển. Dọc bãi biển Hòn Đỏ, hơn 500 mét, san hô hóa đá tạo thành rạn trên bờ, tạo thành đảo nhỏ nhô lên ven bờ, tạo thành bờ vực hùng vĩ. Ở vùng biển này san hô trên bờ thì dày đặc như núi đá, dưới biển thì như rừng rậm.
Nếu rừng trên đất
liền giúp bảo vệ sinh thái môi trường, nơi muông thú sinh sống tụ hội thì san
hô ở biển cũng có chức năng tương tự, cũng giúp tạo môi trường tốt cho biển cả
và nơi nào có nhiều san hô, nơi ấy quần tụ tôm cá phong phú.
“Cũng loài cá ấy
nhưng nếu câu được ở vùng biển san hô thì cá chất lượng thịt cao, ăn ngon hơn
cá ở các vùng biển không có san hô” – một dân chài nói, khi cùng chúng tôi ăn
món cá nhái cuốn bánh tráng, con cá dài nửa thước, to hơn bắp tay có xương màu
xanh dương rất lạ.
Trước kia, việc đánh
mìn bắt cá đã làm hư hại san hô. Ngày nào cũng nổ mìn, tới mức đàn ông trong
thôn, dù làm nghề gì thì cũng có nghề phụ là lặn bắt cá “ké”. Rồi khai thác san
hô cung cấp cho thị trường “cây kiểng”, khai thác san hô cổ trên bờ làm nền
nhà, để làm bẫy nhử tôm hùm.
Hiện tình trạng tàn
phá rạn san hô đã chấm dứt. Tổ bảo vệ rừng san hô chỉ có 6 tình nguyên viên nhưng
các gia đình ở đây đều tham gia bảo vệ. Đời sống của người dân cũng tốt hơn vì
cá tôm thấy rừng san hô yên bình nên tụ hội về nhiều hơn, ngư dân câu được
nhiều cá có giá trị hơn trước. Còn tình nguyện viên thì được “dự án” hỗ trợ
bằng cách giúp nuôi rong sụn hay nuôi con dông.
“Giữ rừng san hô dưới
biển còn khó hơn rừng trên cạn rất nhiều, mỗi năm cây san hô sống chỉ lớn thêm
bằng đốt ngón tay, mấy chỗ bị phá trước đây phải mất cả chục, hàng chục
năm san hô mới sống và lớn trở lại” – người của tổ bảo vệ nói.