HUẤN LUYỆN LÊN “BINH NHẤT”.
(bài cũ soạn lại)
Tôi và viên “Thiếu tá PADI” dơ tay “chào tàu”, xả khí trong áp phao và chìm. Từ bỏ bầu trời, mặt nước, chúng tôi đi vào thế giới không tiếng động, không bụi bặm, khói thải. Xuống chừng 4 mét, tai tôi bị nước ép rất khó chịu. Tôi bóp mũi “thở” mạnh vài lần, xong. Tiếp tục xuống, chậm rãi, đúng với “nguyên tắc slowy”. Xuống tới đáy, tôi xem đồng hồ: 12 mét sâu. Viên Thiếu tá quỳ xuống đáy – một bãi cát nhỏ. Tôi quỳ đối diện với hắn. Hắn ra hiệu “hãy xem tôi làm”. Hắn gỡ kính lặn quăng đi, mò tìm, đeo vào và xả nước trong kính ra, xong. Hắn ra dấu cho tôi “mời anh làm”. Tôi làm theo, có vẻ gọn gàng. Hắn ra hiệu “tốt” và đánh dấu vào thẻ nhựa kiểm soát. Hắn yêu cầu tôi nhả ống thở để dùng hai lá phổi bơm áo phao (bơm một chút thôi), và cứ thế, với vài thao tác khác. “Tốt”, hắn lầm lì đánh dấu vào thẻ nhựa. Xong một bài. Hắn ra hiệu “ta bơi nhé” ...
Chúng tôi lặng lẽ bơi giữa những vỉa san hô đủ màu sắc. Chúng mềm mại chứ không cứng đơ như trong tiệm bán đồ lưu niệm. Con hải quỳ như bông cúc trước gió, nhiều con to như cái mâm ở nhà quê. Những con cầu gai đen nhẻm nằm rải rác đâu đó. Chúng xấu xí nhưng chấm muối chanh mù tạt thì tuyệt. Ở đây không có sự bon chen, giành giật, ngoài những cái bong bóng nước xô đẩy nhau nổi lên ... Tôi ngó lên “trời”, trên tôi chừng 6 mét sâu là một anh “Mỹ la tinh” đang bì bõm “lặn khám phá” (Discover Diving). Nhìn cảnh anh ta, kềnh càng như con hải tượng, bị cậu hướng dẫn viên nhỏ thó “dong” đi, mà phì cười, bong bóng nổi lên ùng ục ...
Khi kí hợp đồng “luyện thi và thi”, trung tâm lặn biển “trao” tôi cho viên Thiếu tá này, một “thằng Mẽo” trên trăm kí lô, cùng lời “đe dọa”: “Hắn rất khó tính, không biết nhân nhượng là gì. Nếu chú không thích, tụi con sẽ đổi người khác”. Nhìn bộ dạng của hắn, một gương mặt lạnh lùng của lính lê dương nhà nghề, người ngợm chằng chịt vết xăm, cánh tay to như bắp vế dân Việt ta, mà thấy ngài ngại, cái ngài ngại của gã đàn ông ngoài sáu mươi, xộc xệch, đứng bên cô hoa hậu hoàn vũ. Tôi ngập ngừng “cứ để chú thằng này”.
Chúng tôi bơi tới bờ vực có màu nước thẫm hơn. Hắn quay lại hỏi “bình anh còn bao nhiêu khí?”. Tôi nhìn đồng hồ “còn 130 bar” (bình chúng tôi nạp 200 bar khí). Hắn ra hiệu “tốt” và hỏi tiếp “xuống nữa chứ?”. Tôi “đồng ý”. Chúng tôi trườn xuống. Chừng 18 mét sâu hắn không cho xuống nữa. Chúng tôi bay trên lớp thảm thực vật, nhẹ nhàng trườn qua các tảng đá bám đầy sinh vật biển. Một con cá “gộc” thao láo nhìn tôi, dò xét. Con cá chình thập thò. Con bạch tuộc trầm tư. Một đàn cá liu riu ào ào phóng qua mặt tôi. Lũ nhóc ở đâu cũng vậy, hiếu động. Chúng tôi len lỏi bên vách đá rêu phong trầm mặc. Cảnh vật hư hư thực thực, như khói như sương ...
Khi trở thành loài đi bằng hai chi sau, con người bị trả giá bằng chứng đau lưng. Trong lòng biển, anh ta không trọng lượng, anh ta trở về điểm khởi thủy, cái lưng được giải phóng.
Trong lòng biển, người ta không đi mà bay ... Tôi khoái trá “kéo” từng ngụm không khí từ bình lặn rồi thong thả nhả ra, đĩnh đạc như anh thợ cày kéo thuốc lào. Hai lá phổi được rửa sạch, thật sảng khoái. Khái niệm thời gian biến mất. Việc gì phải tìm cõi Thiên đường ở tận đâu đâu ... Hắn đưa tôi tới khu vực khác với các vỉa san hô khác nhau. Như một chủ nhà hiếu khách, hắn dẫn tôi xem các đồ gia bảo “của hắn”, gương mặt rạng rỡ ...
Bỗng hắn quay lại “chúng ta lên nhé?”. Tôi xỉa đồng hồ vào mặt hắn “mày nhìn này, bình tao còn nhiều khí, tại sao phải lên?”. Hắn nhìn xói vào mặt tôi “chúng ta phải lên!”. Ừ thì lên. Phản đối thằng này chỉ tổ mang họa. Tôi từ từ trồi lên. Tai lại đau đau, lại bóp mũi “thở”. Y bám theo, ra hiệu “chậm thôi”. Tới mặt nước, chúng tôi bơm hơi vào áo phao và lềnh phềnh áp vào mạn tàu.
Bữa đó tôi lặn 45 phút với độ sâu 17,6 mét. Tôi hỏi hắn “sao không lặn sâu hơn một chút cho nó tròn số?”. Hắn xua tay “PADI đã giới hạn ở độ sâu 18 mét” (đối với người lấy chứng chỉ “Binh nhất” tức Open Water Diver). Vậy là hắn đã “xén” bớt một “bàn chân” vì sợ đụng vô “hàng rào pháp lý”. Tụi chuyên nghiệp cứng nhắc, chẳng biết “vận dụng” là gì.
Cuối “khoá”, hắn bắt tay tôi, mỉm cười (sau bốn lần lặn nay mới thấy hắn cười): “Chúc mừng. Anh đã đạt yêu cầu của PADI. Bên đó sẽ gửi chứng chỉ về cho anh”.
5 nhận xét:
Ghi chú: Hình đăng kèm bài viết, cho vui thôi, không liên quan gì tới tôi và gã "Thiếu tá" cả.
HCQuang
Tui đến với PADI qua con đường online. Do học elearning chỉ giải quyết được phần ní nuận, người học bắt buộc phải đăng ký học thực hành tại một trung tâm ủy quyền của PADI. Ở VN có hơn chục trung tâm PADI từ 2-3 sao đến 5 sao...chọn ai bi giờ? May thay, qua blog bán trời tôi phát hiện có một đại ca quân hàm binh nhất đàng hoàng quảng cáo: Vinadive...ngon bổ rẻ! thế là tôi chọn Vinadive và ngay lập tức nhận được một email chúc mừng tôi đã chọn học làm binh nhất PADI và và hứa hẹn sẽ huấn luyện tôi thành Diver thực thụ. Ký tên: trung tá PADI Clive Carter. Gã thiếu tá trong bài này chính là Clive, tôi đã có chuyện về lần đi học và thi thực hành với Clive
Đề nghị chú AMK3 xem lại phong chữ (đọc không được).
Chỉ cần máy chạy Windows coq hỗ trợ Unicode thì sẽ không bị vấn đề font chữ.
Tôi vừa "phát hiện" ra anh bạn "nặc danh" chính là một HDV của CLB Vinadive, hiện là "Chuẩn úy padi".
Xin chào người bạn Vinadive.
HCQuang
Đăng nhận xét