Bé Hai nhà tui đã được nhận quân hàm binh nhất PADI sau một khóa huấn luyện OWC (Open Water Certification) tại Raibow Divers VN. Đó là theo cách nói của chúng tôi, những cựu binh già gọi các cấp bậc của PADI theo hệ quân đội. Còn bé Hai lại cho rằng mình vừa mới thực hiện được ước mơ của "cô cá ngựa" - Chả là "Cá Ngựa" là linh vật được săm trên tay cô bé.
Tui đã ghi lại "giấc mơ" này theo thứ tự thời gian, xin post lên đây để các bạn, những ai quan tâm lặn Scuba mà chưa có điều kiện tham gia có thể hình dung việc học và lấy bằng OWC của PADI không khó lại vui nữa.
Chương trình huấn luyện tân binh trở thành binh nhất gồm 3 bước chính. Sau khi có đủ các điều kiện căn bản về sức khỏe, biết bơi thông thường, bạn sẽ được cung cấp tài liệu học lý thuyết scuba. Đi kèm tải liệu có Video minh họa một cách trực quan. Chương trình lý thuyết gồm 5 chương giới thiệu cặn kẽ về môi trường nước, các trang thiết bị scuba cần thiết, các kỹ năng lập kế hoạch, thực hành lặn và các khả năng rủi ro, cách phòng tránh. Sau mỗi đề mục sẽ có các câu hỏi củng cố kiến thức, sau mỗi chương có bài test kiểm tra và cuối cùng là bài thi trắc nghiệm vài chục câu hỏi liên quan kiến thức cả 5 chương. Bạn có thể học lý thuyết bao lâu tùy theo khả năng và điều kiện, miễn khi thi trắc nghiệm đạt 85% kết quả đúng. Bé Hai mất 2 ngày học tại Rainbow SG.
Bước thứ 2. Sau khi thi đạt lý thuyết bạn sẽ được huấn luyện tại hồ bơi. Phần huấn luyện này được gọi là "Confined Water Training". Bé Hai được huấn luyện viên Max - người Bỉ hướng dẫn các kỹ năng căn bản nhất trên bờ: Chuẩn bị trang thiết bị, kiểm tra lẫn nhau với bạn lặn, cách thức sử dụng, bào quản trang bị... Các kỹ năng dưới nước : Điều khiển độ nổi, rửa kính lặn, tìm ống thở, sử dụng nguồn không khí của bạn lặn, qui trình lặn xuống, nổi lên, xử lý tình huống.... Tóm lại là mọi kỹ năng lặn căn bản, chỉ có là thực hành trong vùng nước đóng (hồ bơi).
Mời các bạn xem phần 1 huấn luyện B1 PADI: Lý thuyết chỉ có hình ảnh tại lớp để bạn hình dung lớp học (hơi nóng bức do không có máy lạnh!). Chủ yếu là giới thiệu thực hành hồ bơi. Vì clip làm theo chủ đề "Giấc mơ của cô cá ngựa" nên không phải là tài liệu học tập - chỉ để các bạn tham khảo thôi.
2 nhận xét:
Qua tiến trình huấn luyện Binh nhất của cô bé "cá ngựa", tui thấy rằng:
Tập và thi lên Binh nhất ngay tại "bổn hãng" sẽ gồm 3 ngày: 1 buổi sáng xem DVD, 1 buổi chiều tập ở hồ bơi, 2 buổi sáng đi thực địa (thực hải) với 4 lần lặn, chiều làm bài kiểm tra.
Với người đã sẵn sàng cho cuộc thi, như bơi đã đạt yêu cầu, đã biết xài ống thở, đã tìm hiểu trước (chút ít) về lí thuyết, thì với 3 ngày là ngon rồi.
Nhưng với người chưa sẵn sàng thì 3 ngày chỉ có thể đạt được ở mức tối thiểu, tức tuy đạt nhưng rất "lụp bụp".
Vì vậy, như cách học của cô bé "cá ngựa" có lẽ tốt hơn cả, tức là tách rời việc học lí thuyết + thực tập ở hồ bơi với đi thực hải. Cứ việc học lí thuyết, nghiên cứu, phân tích cho đầy đủ, rồi thực hành ở hồ bơi cho "chuẩn" đã. Khi "đâu vào đấy" rồi thì ra biển đi 4 cú lặn là ngon.
Cách này rất hay, và hơn thế, có thể chia thời gian huấn luyện thành 2 đợt, nên những người bận rộn dễ đeo đuổi hơn là học một lèo.
Tuy nhiên, cách trên sẽ làm tăng giá thành sản phẩm (thêm gần trăm đô), làm khách hàng hơi ... băn khoăn, nhất là khách người Việt.
Và vì vậy, cách huấn luyện một lèo vẫn được bá tánh ưa chuộng hơn.
Tất nhiên, với cả 2 cách huấn luyện, đặc biệt là cách huấn luyện một lèo, thì học viên sau khi đã "tốt nghiệp" nhất thiết phải đi lặn nhiều nhiều thì mới ngon được.
Văn ôn võ luyện mà.
Phần lý thuyết thực ra rất nhiều, bé Hai phải mất 2 ngày học (theo sách) còn video đã được xem trước rồi.
Với người đã "tốt nghiệp" thì đi lặn và coi lại lý thuyết cần như nhau, luôn tìm thấy cái mới trong đó :P
Đăng nhận xét