(bài trên Trang tin điện tử ngành điện – trích)
Công việc của thợ lặn Thủy điện Hòa Bình là theo dõi hoạt động của máy móc dưới nước và kiểm tra biến động của địa hình lòng hồ.
Vào một chiều tháng 5/2004, sau gần 20 năm hoạt động, một trong tám tổ máy bị tê liệt. Theo chuyên gia, khó có vật thể lạ nào có thể lọt qua được các khung cửa lưới thép. Thật không may, thiết bị của đội thợ lặn đang trong quá trình bảo dưỡng, thay thế. Nhà máy phải nhờ đội thợ lặn của cảng Hải Phòng.
Thợ lặn cảng Hải phòng lặn xuống và tìm đến cửa lấy nước của tổ máy, chuẩn bị bật camera ghi hình, thì một thợ lặn phát tín hiệu cấp cứu: Nước tràn vào mũ lặn. Đội cấp cứu lập tức kéo anh lên bờ. Nước ục vào mũ lặn là một sự cố đáng sợ của thợ lặn. Không chỉ bị ngạt thở, sự cố này có thể làm thợ lặn hộc máu do áp lực của nước. Thấy công việc hoàn toàn không hợp với sở trường của mình nên họ đã rút lui (suy đoán của người viết bài-NST).
Thợ lặn của Nhà máy đành phải vào cuộc. Họ mượn thêm được một số thiết bị lặn … Họ lặn xuống, quay camera. Lòng hồ tối đen, đèn pha chỉ đủ sáng để camera hoạt động cận cảnh. Họ phát hiện ra tầng lưới thép kiên cố dùng để chắn rác trước tổ máy đã bị phá thành một lỗ hổng lớn. Một gốc cây rừng khổng lồ đã chui qua lỗ hổng đó và lọt vào lòng tổ máy. Xem phim, các chuyên gia không tin nổi: Một trong 11 tầng lưới thép cao 33m, nặng 110 tấn, với mỗi thanh thép có đường kính 100 li, lại bị hổng. Nhiều giả thiết được đặt ra, không loại trừ có kẻ phá hoại.
Thợ lặn được yêu cầu xuống lòng hồ lần nữa. Cuối cùng, tất cả đã khẳng định do lũ gây ra. Những cơn mưa lũ triền miên đã kéo theo một khối lượng củi gỗ khổng lồ cùng với rác, tạo thành một bức tường bít chặt lưới thép và ngăn không cho nước đổ vào tổ máy. Bên trong, máy vẫn hoạt động khô nước, tạo nên hiện tượng “thủy kích” phá bung tấm lưới thép chắn, để rồi, có một gốc cây đã lọt được vào tổ máy ...
Hình minh họa: Một thợ hàn dưới nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét