Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Chuyện của một thợ lặn (P1)


(theo ted.com, trích dịch)
Đây là bức hình chụp đầu tiên trong số hai bức đặc biệt mà tôi (tác giả) sẽ cho bạn xem. Nó được chụp vào 18 năm trước. Lúc đó tôi 19 tuổi, vừa thực hiện một trong những chuyến lặn sâu nhất của mình là hơn 200 ft (60 mét) và, tôi đã “chớp” được chú cá nhỏ này ở đây. Hoá ra, đây là chú cá đầu tiên đã được bắt. Tôi không chỉ là nhà ngư học, tôi là một gã mọt sách thích cá. Và với một kẻ thích cá, đây là điều thú vị. Và điều thú vị hơn là người chụp bức ảnh này là anh Jack Randall, nhà ngư học giỏi nhất thế giới, một thần tượng của người yêu thích cá. Vì vậy, tôi rất hứng thú vào giây phút đó, nó thật sự xác định hướng đi cho cuộc đời tôi. 
Nhưng điều quan trọng nhất, sâu sắc nhất về bức hình này, là nó được chụp 2 ngày trước khi tôi bị liệt từ cổ xuống. Tôi đã phạm một sai lầm ngu ngốc như phần lớn các chàng trai 19 tuổi nghĩ rằng mình không thể chết: tôi bị bệnh “khí ép” khi lặn ở Palau, tôi bị liệt, và phải dùng máy bay đưa về bệnh viện. Tôi học được hai điều quan trọng từ ngày hôm đó. Điều đầu tiên: Tôi có thể chết, đó là điều quan trọng. Điều thứ hai tôi học được, là tôi biết, và chắc chắn rằng đây là điều tôi sẽ làm trong cả quãng đời còn lại: Tôi phải tập trung tất cả sức lực để tìm những loài động vật mới ở dưới độ sâu.
Khi nghĩ đến một rạn san hô, nhiều người thường nghĩ đến rạn san hô lớn, cứng ngắc, phức tạp, và quanh đó là những loài cá và nhiều thứ khác muôn màu sắc. Nhưng đây chỉ là đỉnh của núi băng trôi. Nếu bạn nhìn vào biểu đồ một rạn san hô, chúng ta sẽ biết nhiều về phần ở gần mặt nước, và lý do chúng ta biết nhiều về nó là vì thợ lặn rất dễ lặn xuống và tiếp cận nó.
Tuy nhiên, có một vấn đề đối với thợ lặn, là có giới hạn ở độ sâu bạn có thể lặn tới, và đó là ở độ sâu khoảng 200 ft (60 m) (tôi sẽ nói rõ lý do). Nhưng, vấn đề là đa số thợ lặn thường lặn không sâu hơn 100 ft (30 m), và hiếm khi sâu hơn mức này, ít nhất là trong trạng thái tỉnh táo. Để lặn sâu hơn, nhiều nhà sinh vật học đã chuyển sang tàu ngầm. Tàu ngầm rất tuyệt vời, kỳ diệu, nhưng bạn sẽ choáng váng khi bạn biết rằng sẽ phải trả 30.000 đô la một ngày để dùng tàu ngầm, và nó có thể lặn đến 2.000 ft (610 m), trong khi phần lớn các nghiên cứu dùng tàu ngầm thường diễn ra ở độ sâu 500 ft (152 m)
Do vậy, ở đây hiển nhiên có một vùng trống và vùng đó chính là khu vực tôi quan tâm. Tôi muốn xem có gì trong khu vực này. Chúng ta gần như chẳng biết gì về vùng này. Thợ lặn không thể đến đó, tàu ngầm thì chỉ đi ngang qua đó.
Tôi mất một năm để đi lại được sau vụ tai nạn lặn ở Palau. Trong năm đó, tôi dành thời gian để học về vật lý và sinh lý của môn lặn và tìm ra cách vượt qua những giới hạn. Tôi sẽ cho bạn biết về nguyên tắc cơ bản. Chúng ta đều đang hít thở không khí. Không khí là hỗn hợp của oxy và nitơ, khoảng 20% oxy và 80% nitơ trong phổi. Và có một hiện tượng gọi là Định luật Henry nói rằng chất khí sẽ hoà tan vào chất lỏng tương ứng với các áp lực thành phần mà bạn cho chúng tiếp xúc. Vì thế, cơ bản là khí hoà tan vào cơ thể chúng ta. Khí oxy được dùng trong trao đổi chất, để tạo ra năng lượng. Nitơ chỉ trôi trong máu và mô của chúng ta (và đó là cách mà cơ thể chúng ta đã được cấu tạo). Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn lặn xuống nước.  (còn nữa)