Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Tin: diving Condao

Ngày 7-4-2010, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo và Công ty TNHH Cầu Vồng Việt Nam về việc công ty này muốn khai thác dịch vụ lặn biển tại VQG Côn Đảo.

Đại diện Công ty Cầu Vồng Việt Nam cho biết, lặn biển là loại hình du lịch rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Côn Đảo là điểm lặn biển hấp dẫn nhất Việt Nam, bởi có rạn san hô và hệ sinh thái biển đẹp, đa dạng. Theo khảo sát của công ty này, tại Côn Đảo có 30 điểm có thể tổ chức các tour lặn biển phục vụ du khách.

Theo ông Lê Xuân Ái, Giám đốc VQG Côn Đảo, từ năm 2004, đã có một số doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch lặn biển tại đây như Công ty Xuân Anh, DNTN Biển Xanh và Công ty Cầu Vồng. Hầu hết các điểm lặn biển đều nằm trong khu bảo tồn biển của VQG Côn Đảo.

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Minh Sanh đồng ý chủ trương và yêu cầu Công ty Cầu Vồng liên hệ với VQG Côn Đảo để triển khai các thủ tục đầu tư, đồng thời lưu ý việc triển khai dịch vụ này phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo tồn biển và bảo vệ môi trường.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Diving Hội An (P2)

Gọi là đi lặn Hội An, nhưng chính xác ra là lặn Cù lao Chàm. Một quần thể đảo ngoài khơi cách Hội An một giờ rưỡi chạy tàu. Nằm trên cửa ngõ ra vào Hội An, một cảng biển sầm uất trước đây Cù lao Chàm cũng là nơi tàu thuyền hay ghé trú khi có bão. Khu vực này cũng đã từng có những tàu buôn cổ được trục vớt với nhiều cổ vật giá trị. Giống như nhiều nơi ven biển VN, ở đây cũng từng bị nạn đánh cá bằng chất nổ làm hủy diệt rặng san hô của các dải đá ngầm. Sau khi được qui hoạch là khu bảo tồn biển, san hô ở Cù lao Chàm  dần hồ phục. Giờ đây khi lặn ở CLC, ta chỉ thấy san hô thân mềm là chính, rất ít san hô cứng, cá cũng ít và quang cảnh kém hơn so với ở Nha Trang hay Hòn Ông.
Cù lao Chàm, khu bảo tồn biển Việt Nam.

  Dù vậy, Cù lao Chàm vẫn thu hút được nhiều khách lặn, đa phần là những du khách tới thăm Hội An phố cổ và muốn khám phá cả vùng biển ở đây. Chuyến lặn tôi tham gia có tám khách lặn nữa, hai người thi OWC và một thi Advanced OWC còn lại là lặn chơi (fun dive). Nhóm lặn chơi do một cô DM (chuẩn úy) người Thụy Sỹ làm hướng dẫn viên lặn. Vì có tới 5 khách lặn nhởn nên RB bố trí thêm 1 chú thượng sỹ đi cùng cho đủ đội hình. Điểm lặn "Thái Sơn Bay" như tôi đã nói, không đẹp và đa dạng san hô như ở Hòn Mun, Nha Trang. Đi trong một nhóm đông thế này nên tôi cũng không có nhiều cơ hội tìm kiếm, ngó nghiêng kỹ...Dẫu vậy, cũng có những thứ đáng để ta đi cả quãng đường xa bằng máy bay, rồi xe ôm hơn 30Km và nhảy xuống nước, chìm...

Trước giờ tiếp nước! Đứng giữa là chuẩn úy PADI Vanessa


Chú cá vũ công tây ban Nha này tôi đã gặp ở đảo Hòn Ông.

San hô ở vùng biển này chủ yếu là loài thân mềm như thế này. San hô đá còn chưa phục hồi kịp

Anh ổn chứ? cô chuẩn úy hỏi.

Lần đầu tiên tôi chộp được chú Chình biển Morray

Lại còn cận cảnh nữa.
Cũng lần đầu tiên gặp xác tàu đắm (tuy không lớn)

Cũng khá hoành tráng đấy chứ.

Điểm lặn thứ hai là Mr. Wippy. Dòng chảy khá mạnh, chúng tôi bơi ngược dòng khoảng 30'. Khi quay trở lại thì khỏe, dòng chảy đưa trở về điểm xuất phát.

Cá ở vùng nước này thật hiếm hoi.

Nhưng nếu có thì lại khá độc đáo. Lần đầu tiên tôi gặp cặp cá hề như thế này.

Chú cá sư tử này mới thật lạ, đen tuyền. Đáng tiếc là không có đủ thời gian để xoay xở chọn góc chụp đẹp hơn.

Đã tới lúc lên tàu. Dòng chảy ở đây khá mạnh, bơi gần tới tàu phải bám dây để không bị trôi đi.

 Sau 2 điểm lặn, cả đoàn đổ bộ lên Cù lao Chàm nghỉ ăn trưa.

Bãi biển trên Cù lao Chàm rất đẹp, có thể lặn snorkeling từ đây.


Chuẩn úy Vanessa và tôi

Tạm biệt Cù lao Chàm

  Tàu về đến Hội An lúc 16h30. Tôi đã điện trước nên bác xe ôm chờ sẵn đón tôi ở văn phòng Rainbow Divers Hội An. Thanh toán xong, tôi nhảy xe ôm về Đà Nẵng để sáng hôm sau bay về SG, lúc đó dấu hiệu cấm bay trên đồng hồ lặn đã biến mất.


Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Khoang chìm (P2)

(tiếp theo và hết)
Theo tính toán, khoang chìm nói trên có thể lặn sâu tối đa là 400m trong khi nhu cầu tham quan của du khách (không mang tính chất nghiên cứu khoa học) chỉ khoảng 25-30m là tối đa (ở Nha Trang dịch vụ lặn biển chỉ cho du khách chưa qua huấn luyện lặn chừng 5-7m).
Ngoài ra, "Khoang chìm" do kỹ sư Nguyễn Đăng Lương sáng chế còn nhiều điểm mới so với các tàu ngầm, tủ lặn khác, cụ thể những người ngồi trong tàu ngầm hoặc các loại tủ lặn theo nguyên lý chung đều phải hít thở bằng khí nén, trong khi khoang chìm của kỹ sư Nguyễn Đăng Lương lại cho phép hít thở thoải mái bằng khí trời bởi hệ thống ống dẫn khí nối liền từ khoang chìm lên phao nổi trên mặt nước.

Điểm mới thứ hai là, các loại tủ lặn hiện nay có trên thế giới chỉ có thể chứa tối đa 2 người với giá khoảng hơn 1 triệu USD/chiếc và chỉ những người có thể lực tốt mới được phép vào tủ lặn để lặn tham quan. Còn "khoang chìm" do kỹ sư Nguyễn Đăng Lương sáng chế có giá thành chỉ 50.000 USD/chiếc và cho phép mọi người vào và lặn tham quan đáy biển.

Một ưu điểm khác là, so với tàu ngầm và tủ lặn hiện có trên thế giới, nếu muốn giao tiếp, thông tin với nhau thì phải dùng biện pháp duy nhất là sóng siêu âm, còn "khoang chìm" vẫn có thể giao tiếp bằng điện thoại bởi ăng ten được gắn trên phao. Ngoài ra, modul khoang chìm còn có thế phát hiện dưới lòng thũy đạo những vật cản bởi modul rà soát, trong khi các tàu ngầm khác cũng có thể làm điều đó nhưng chi phí sẽ rất tốn kém.

Trung bình một modul khoang chìm nhỏ nhất chứa được 1 người, loại trung bình có thể chứa được 1 lớp học gồm cô giáo và 30 học sinh. Kỹ sư Nguyễn Đăng Lương cho biết, hoàn toàn có thể chế tạo loại lớn hơn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Theo dự toán, khi triển khai chế tạo hàng loạt thì giá thành xuất xưởng của một modul sẽ chỉ bằng giá một chiếc xe du lịch loại rẻ hiện bán trên thị trường.

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Khoang chìm (P1)

(xin gửi thông tin này cho những người yêu thích biển nhưng chưa muốn lặn)

Sáng chế với tên gọi "Khoang chìm quan sát sâu phía dưới mặt nước" cho phép đưa người tham quan sâu hàng chục mét dưới đáy biển. Đây là nghiên cứu của một người Việt Nam và được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế.

Modul khoang chìm do kỹ sư Nguyễn Đăng Lương sáng chế là một loại thiết bị lặn dưới dạng khoang đơn, khoang đôi sử dụng cho hàng chục người xuống tham quan du khảo những thủy vực có các hệ động thực vật thủy sinh phong phú. Giải pháp "khoang chìm" này cũng có thể dùng vào mục đích thiết kế thành những phòng ngủ, phòng tân hôn dưới thủy cung.

Ngoài ra, thiết bị này có đắc dụng đối với việc nghiên cứu khảo sát thềm lục địa, nghiên cứu khảo sát theo dõi tiềm năng tài nguyên thuỷ hải sản, kiểm tra hiện trạng những phần chìm của các dàn khoan, các tuyến ống chìm khai thác dầu khí ngoài khơi và các loại hình công trình thủy khác, quan trắc địa mạo và những chướng ngại vật trong lòng các thuỷ đạo.

Nguyên liệu dùng để làm "Khoang chìm" chủ yếu bằng inox và thuỷ tinh hữu cơ, có thể hoạt động bằng máy phát điện gắn trên phao nổi được đặt trên mặt nước cung cấp năng lượng theo đường ống dẫn xuống khoang chìm, hoặc bằng năng lượng mặt trời do những tấm mái tôn lợp gắn trên phao. Phao nổi (kích thước tùy vào độ lớn của khoang chìm) có tác dụng dùng làm trạm để có thể lên hoặc xuống khoang chìm, nếu không thích tham quan dưới lòng đại dương, du khách có thể lên trên phao ngắm cảnh trên phao có gắn đèn. Trong trường hợp nguy hiểm, phao tiêu chính là dấu hiệu dễ nhận biết để kịp thời ứng cứu.
Khi đưa "khoang chìm" vào hoạt động, người ta dùng ca nô hoặc thuyền kéo ra biển, đưa tới vị trí cần lặn rồi thả xuống mặt nước. Du khách ở trong khoang chìm có thể tự điều khiển bởi hệ thống chỉ dẫn được dán trong khoang, hoặc tuân theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên trên bờ. Dưới mặt nước, du khách có thể tự lặn xuống sâu dưới lòng biển hoặc trồi lên bằng động cơ (bơm điện).
Hiện tại khoang chìm chỉ có thể dùng để tham quan trên hoặc dưới mặt nước, chứ chưa thể vào các hang động bởi khi khoang chìm lặn dưới mặt nước thì phía trên vẫn phải có ca nô đi theo. Trong trường hợp khẩn cấp, ống dẫn xuống khoang chìm sẽ "hút" khách lên nếu du khách gặp vấn đề về sức khoẻ.

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Diving Hội An

 Nhân phải ra Đà Nẵng tham gia báo cáo tại Hội thảo "An toàn bảo mật thông tin doanh nghiệp" do VCCI tổ chức, tôi tranh thủ tận dụng cơ hội này để đi lặn ở Hội An.
Hội An nổi tiếng là một điểm du lịch hấp dẫn ở miền Trung với những phố cổ, nhà cổ được bảo tồn và cộng đống cư dân có ý thức trong việc bảo vệ di sản văn hóa và thân thiện với du khách. Tôi đã đặt trước tour lặn với Rainbow Divers Hội An bằng email khi còn ở nhà. Sau khi xong công việc với hội thảo vào sáng thứ 5, tôi tìm hiểu và phát hiện ra rằng tốt nhất là chuyển đến Hội An để làm mấy thủ tục giấy tờ đi lặn tại văn phòng Rainbow và ngủ đêm tại Hội An để hôm sau theo xe  ra cảng. Di chuyển đến Hội An chỉ có thể bằng taxi, xe buýt hoặc xe ôm. Taxi tính theo Km thì đắt quá, 350.000 đ cho quãng đường ba chục cây số từ DN đến HA. Xe buýt thì khó bắt mà thời gian chạy không biết thế nào, đến muộn quá văn phòng Rainbow Divers đóng cửa thì toi. Cuối cùng tôi chạy xe ôm với giá 80.000 từ khách sạn đến ngay văn phòng Rainbow Divers. Cái túi đồ nghề của tôi khá cồng kềnh, ông xe ôm phải để phía trước, tôi ngồi sau đeo thêm túi hành lý của mình. Đến nơi, tôi tip thêm cho ông xe hai chục nữa vì cái túi đồ cồng kềnh của mình.
   Cô bé ở văn phòng Rainbow Divers Hội An đã đặt giup tôi một phòng khách sạn với giá rất mềm (so với mặt bằng giá khách sạn ở đây) là 250k /đêm. Tắm rửa xong, tôi bắt đầu ra phố, khám phá Hội An về đêm. Nói cho ngay, tôi đã từng đến Hội An hai lần nhưng đều là vào ban ngày. Lần này là Hội An ban đêm. không khí mát mẻ, dễ chịu. Các cửa hàng vải vóc, tơ lụa trang phục vẫn mở rộng cửa đón du khách thăm quan, mua sắm. Những ngọn đèn lồng màu sắc lung linh tô điểm các căn nhà kiến trúc cổ thật thơ mộng. Nhưng vào giờ này, các quán ăn dọc theo sông Hội mới là lúc nhộn nhịp du khách ăn uống, thưởng thức các món ăn đặc sản miền Trung và Việt Nam.
Khu phố cổ về đêm.
Với cửa hàng vải vóc, quần áo
Và cửa hàng ăn uống trên đường Lê Lợi
Tuy nhien, quang cành phố xá dọc theo sông Hội về đêm mới thực sự nên thơ.
Với các quán ăn đông đúc thực khách tây.
Tôi ghé một quán nhỏ, sau khi đọc menu ngoài cửa thấy có món Cao lâu đặc sản HA
Điều thú vị là khi bước vô tôi thấy 2 "nhân viên" tây đang chuẩn bị món ăn...
Hóa ra lại là hai du khách đang tham gia lớp nấu ăn (cooking class) các món truyền thống VN
Sau khi hoàn thành một món, họ được thường thức ngay thành quả của mình.
Tôi cũng thưởng thức món Cao lâu và cá nướng bọc lá chuối rất ngon. Cô bé tiếp viên vui tính chúc tôi ngon miệng và dặn "bác ăn cá thôi, đừng có ăn lá nha! có nhiều khách đã chén cả lá chuối. hi hi"
Có rất nhiều quán ăn dọc theo bờ sông, tất cả đều nhỏ nhắn, lịch sự và ấm cúng. Không xô bồ như các quán ăn nhậu ở Đà Nẵng hay Sài Gòn;
Tôi còn tranh thủ dạo trên cây cầu bắc qua sông, ngắm đèn lồng hình cá chép, cọp, rồng...
Và cả cây đèn lồng to lớn, màu đỏ treo giữa cầu, nơi các bạn trẻ thích tụ tập chụp hình.
Tôi còn lượn quanh mấy con phố nhỏ, ngắm nhìn các loại đèn lồng đa dạng, màu sắc tươi tắn trước khi về khách sạn ngủ, chuẩn bị sức cho buổi lặn vào sáng hôm sau.