Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Đặc công nước: P3 - Cá sấu săn đêm

(Bài của một cựu đặc công nước - trích).

Về chiến khu Rừng Sác, du khách đi xuồng vào thăm khu di tích (phục dựng) của Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Từ cụm tượng đài trung tâm đi ra phía đìa hố bom, nhìn xuống đầm, sẽ thấy một tượng đài dưới nước: chiến sĩ đặc công nước mình trần, giữa hai hàm răng cá sấu. Anh thọc dao găm vào mắt con quái vật. Đó là hình tượng Hoàng Dương Chương trong trận chiến trên sông Lòng Tàu tháng 5/1966.

…Trước kia đặc công nước Rừng Sác qua lại sông ông Kèo gặp cá sấu nhiều lần nhưng vô hại, dường như chúng không quan tâm đến con người. Nhưng rồi những xác người bỏ lại sông ông Kèo sau trận đánh ngày 24/06/1968 đã gây một hậu quả tai hại: lũ chúa nước đã tìm ra một nguồn thức ăn mới. Từ đó cá sấu vùng sông ông Kèo trở nên hung hãn...

…tổ chiến đấu đang vượt sông thì đụng biệt kích Mỹ, anh em “đạp xuồng” lặn xuống nước. Chương bị một con cá sấu lao tới cắn vào bên vai phải dìm xuống sâu, anh dùng tay trái lần hết tầm tay thì gặp mắt nó, anh móc mạnh, sấu thả con mồi ra. Chương trồi lên mặt nước, lại bị nó lao đến gắp vào vai trái lôi đi. Anh rút dao dùng hết sức tay phải đâm vào mắt nó. Sấu nhả con mồi lặn mất...

…Nghĩa đang nhẹ nhàng bơi, bỗng một con sấu không rõ lớn cỡ nào lao thẳng vào “gắp” ngang người, chỉ nghe tiếng quậy nước và rồi im lặng, anh đã mất hút trong đêm thanh vắng...

...một con cá sấu với cặp mắt đỏ lừ lao thẳng tới, hai hàm răng sắc nhọn quặp ngay vào đầu gối. Anh đâm vào mắt nó, nó lặn mất. Anh vào được bờ, chân đau nhức, máu ra đầm đìa, và nằm mê man bất tỉnh giữa rừng chà là rậm rạp. Tỉnh lại, nghe tiếng chuống nhà thờ ngân vang hướng lộ 19 quận Nhơn Trạch, anh mới biết mình còn sống...

…đến vàm Rạch Lá đụng hoả lực của biệt kích Nhà bè mai phục, anh “đạp ghe” lặn xuống nước, mấy hơi qua khỏi lưới lửa, thì con sấu từ đâu lao tới gắp ngay vào đùi. Nhớ đến kinh nghiệm của Chương đâm mắt cá sấu thoát nạn, nhưng anh không có dao găm, chỉ còn cây đèn đeo nơi thắt lưng, anh rút ra đút thẳng vào miệng nó. Cá sấu nhả mồi…

Số liệu: Các nhà thống kê khẳng định, "với cá mập thì dễ tránh nhưng với cá sấu thì dịp may sống sót là hiếm hoi". Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 15 người chết vì cá mập, 200 người chết vì hà mã, 250 người chết vì voi, 150 người chết vì bị ong chích, thì nạn nhân chết vì cá sấu tới 2.500 người. Với con số đó, có thể nói cá sấu nguy hiểm với con người gấp 168 lần so với cá mập. (Số liệu này được lập trong những năm gần đây, và dĩ nhiên, không bao gồm số liệu trong chiến tranh ở Việt nam).
(Hết)
Hình chỉ có tính minh họa (bàn tay người nuôi cá sấu - sở thú Đài loan).

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Đặc công nước: P2 - Huấn luyện

(bài của một cựu đặc công nước - trích).


…Tháng 1/1970, trời lạnh 12 độ mà toàn đơn vị vẫn xuống nước vẫy vùng hàng chục cây số dọc con sông nhỏ nước lợ ra tới cửa biển nước trong xanh mặn chát (ở ngoài này nước ấm hơn trong sông một chút). “Đánh nhái” là khoa mục khó, học viên nằm ngửa không được khua khắng chân tay mỗi khi cảm thấy sắp chìm lỉm. Mới đầu các anh chỉ gượng được một phút, sau nâng dần lên năm phút, mười phút ... rồi mấy giờ liền, tới cả buổi, là cả một quá trình khổ luyện. Bơi cho trúng mục tiêu (cọc hoặc đèn hiệu) phải mất hàng tháng. Tiếp đó tập mang theo trái mìn hàng chục kí ...

…Tập thuần thục ở Tiên Yên mấy tháng, đơn vị chuyển về Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Các anh tiếp tục tập trên sông Giá, sông Đá Bạc, sông Chanh. Rồi bơi đoạn bến Bính, bến Kiều xuôi ra tận cửa Nam Triệu. Sau đó, họ hai lần bơi từ Cát Bà tới Đồ Sơn trên quãng đường biển mấy chục cây số, trong đội hình “hành tiến chiến đấu”. Với sức lực và nghị lực, các anh đã vượt qua được thử thách … Sau đúng một năm tập luyện, gần hai trăm “Yết Kiêu” đã có thể sống dưới nước, bơi và chiến đấu nhiều giờ liền trong nhiều tình huống khác nhau.

Và thực hành - Chiến thuật tổ ba người.

Long bơi đầu, cầm một đầu sợi dây nilông. Anh là người chịu trách nhiệm cột đầu dây đó vào neo mũi tàu. Tổ trưởng Thiều ôm trái mìn 18 kí loại C4 bơi giữa, Thoan bơi cuối cầm cuối đoạn dây. Vào 1 giờ đêm, tổ xuống nước, bơi theo đội hình hàng dọc. Nước sông chảy với vận tốc 2 mét/giây đẩy cả tổ trôi xuôi. Lúc mới xuất phát thì bơi trên mặt nước. Nghe tiếng xuồng tuần tra trên sông hoặc khi ánh đèn pha quét tới, các anh mới lặn xuống thở bằng ống thở. Nước đục ngầu, bèo lục bình trôi từng cụm cũng hạn chế sự quan sát của địch.

Cứ thế tổ tiếp cận tàu giặc. Nước chảy cuộn xoáy khiến các anh rất khó chạm vào tàu. Lính gác trên tàu chiếu đèn nhưng thường chỉ canh ra xa chứ không nhìn xuống theo sườn tàu (vát vào trong) nên không thấy các anh. Long buộc đầu sợi dây nilông vào dây neo mũi, rồi giật giật làm hiệu “đã làm xong”.

Khi Long cột xong đầu dây thì do hiệu ứng nước đẩy, nước lập tức dìm Thiều và trái mìn xuống, làm Thiều suýt ngộp. Thiều ôm mìn bơi ép sát sườn tàu, khi xác định đã ở đúng khoang máy thì dừng lại, giật dây báo hiệu cho Thoan.

Thoan cột đoạn cuối dây vào bánh lái chân vịt rồi giật dây báo hiệu “đã làm xong”. Thiều điểm hỏa, hẹn kíp 1 giờ sau sẽ kích nổ, rồi báo cho tổ “đã làm xong”.

Cả ba ngậm ống thở, thả trôi ngầm một quãng xa, ngoài tầm quan sát của địch mới trồi lên. Các anh bơi xuôi, ngang qua các đồn bót địch, rồi gặp đồng đội đón ở địa điểm hẹn trước. Đúng 4 giờ sáng, mìn nổ ...

Hình: Đặc công miền tây (Nam bộ).
P3 sẽ nói về đặc công nước gặp cá sấu (bài của một cựu đặc công khác).

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Đặc công nước: P1 - Kĩ thuật tiếp cận gài mìn

Trong giới thợ lặn, có một lực lượng mà chỉ cần xét về mặt kĩ thuật thôi cũng đã rất đặc biệt rồi, đó là Đặc công nước Việt nam.
(bài của một cựu đặc công nước - trích)

… Cái khó là vận chuyển thuốc nổ, phải làm thế nào để khối thuốc nổ không nổi trên mặt nước mà phải ở lưng chừng mặt nước để địch không phát hiện. Lúc đầu vận chuyển bằng phao, sau chúng tôi gò thùng tôn, hàn kín và làm một lỗ để điều khiển nước vào bằng cái “lưỡi gà”. Quả mìn nổi thì cho nước vào và nếu chìm sâu thì hút nước ra. Chiến sĩ đặc công nước (đánh đêm) khi xuống nước ngậm ống thở dài chừng 30cm bằng một ống tre nhỏ, một đầu có “ngoàm” ngậm vào miệng, đầu kia nổi lên mặt nước 2-3cm, nghi trang bằng bèo lục bình.

Trong những năm chiến tranh, nơi vàm sông Bến Tre ra sông Hàm Luông, tàu chiến Mỹ thường tập trung rất đông, vì mực nước ở đây sâu, lòng sông rộng, địa hình trống trải, từ đây tàu địch có thể cơ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên một khu vực rộng lớn.

Tổ đặc công nước do Hoàng Lam chỉ huy nhận được lệnh đánh tàu 883, dài 110m, rộng 25m - một cơ xưởng nổi sửa chữa tàu - đang đậu tại đây. Địch canh phòng rất cẩn mật. Giữa dòng chảy xiết của sông Hàm Luông, chúng bố trí đèn pha cực mạnh có thể phát hiện những vật di động lớn nhỏ trên mặt nước. Cứ năm phút, lính gác ném xuống quanh tàu lựu đạn và mìn hơi. Chúng còn dùng dòng điện cực mạnh phóng xuống nước đề phòng đặc công đột nhập cụm tàu đang bỏ neo. Trên bờ sông có bót Giồng Xoài, do một đại đội bảo an phối hợp cùng mật vụ canh gác khu vực này, nhằm ngăn chặn sự thâm nhập từ bờ.

Sau nhiều đêm nghiên cứu, tận tay xem xét vỏ tàu, đêm 23/11/1967, tổ đặc công nước đã vượt qua các màng lưới bố phòng của địch, kể cả máy bay trực thăng rọi đèn từ trên cao và các tàu tuần tiễu quần đảo, đưa khối thuốc nổ 200 kg áp vào thành tàu (gần khu vực buồng máy của tàu). Đúng 2 giờ, một tiếng nổ long trời dội vào tận thị xã và vùng phụ cận. Một nước cao ngất phụt lên không trung. Lửa cháy lan cả một khúc sông. Tàu 883 cùng 10 chiếc tàu nhỏ đậu xung quanh bị nhận chìm xuống dòng nước Hàm Luông.

P2 sẽ nói thêm về kĩ thuật tiếp cận này (trích từ bài của một cựu đặc công khác).
Hình: Đặc công Rừng Sác trên đường ra trận.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Lặn trong tăm tối – chuyện ở Phá Tam giang

(sưu tầm, trích)

Ông Nguyễn Dê, 66 tuổi, ngư dân xã Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế xưa, là người từng chèo đò đưa du kích, vận chuyển lương thực vượt phá Tam Giang. Sau chiến tranh, ông là ngư dân giỏi trong việc đánh cá, lặn trìa trên đầm phá. Ông bị mù hai mắt từ nhỏ.

Lên 9 tuổi, ông bị mù. Lên 10 tuổi, ông theo cha mẹ đánh cá trên phá Tam Giang. Năm ông 18 tuổi (1964) thì chiến tranh bắt đầu ác liệt, xã Vinh Giang trở thành căn cứ cách mạng trong lòng địch. Đêm đêm ông cùng 3 người em đưa du kích, vận chuyển lương thực vượt phá Tam Giang. Vào một đêm cuối năm 1968, đò của ông bị địch bắn chìm. Các ông nhảy xuống nước lánh đạn. Ông kể: “Trời mùa đông nước lạnh như đá, tui mù không thấy đường nên khi nhảy xuống nước là cứ lặn một hơi dài sau đó theo cảm tính mà bơi vào bờ. Phải hai tiếng đồng hồ bơi, lặn trên phá tôi mới lên tới bờ”.

Chiến tranh đi qua, ông trở về cuộc đời ngư phủ trên phá Tam Giang. Nói về tài lặn trìa thì ở xã Vinh Hưng chưa chắc có người nào bằng ông. Mỗi ngày ông mò được gần 40 kg trìa đem về bán. Bà con cho biết: “Ông mù nhưng lặn giỏi lắm. Ai đánh rơi đồ đạc hay lưới vướng cây dưới nước đều nhờ ông lặn mò”. Cách đây hai năm, ông đắp hồ (hơn 1 ha) nuôi cua cá trên phá Tam Giang. Ông thuê 20 nhân công về làm nhưng vẫn ra lặn mò đất đắp bờ cho đỡ ngày công.

Hình: ông Nguyễn Dê và vợ trên Phá Tam giang

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Ranh giới giữa đạt và không đạt.

Cuối tháng 3 vừa rồi, AMK3 và tôi đi Nha trang. Mọi năm “cữ” này biển đã khá đẹp, nhưng năm nay thời tiết không thuận. Điểm lặn Hòn mun biển hơi động, trời xám xịt, biển xám xịt, nước đục lừ, nhiệt độ đáy biển thấp, lại thêm gió lạnh phương Bắc nên thấy ơn ớn. Divemaster (DM) nói: “Nước đục, tầm nhìn 1 mét, xuống 15 mét thôi. Dòng chảy mạnh, coi chừng bị lạc”. DM cầm theo đèn pin, còn AMK3 và tôi thì ... chưa cần.
Sang sớm ra khơi.
Chuẩn bị hạ thủy...nom còn hiên ngang lắm :(
Chúng tôi chìm xuống, nước luồn vào wetsuit, khá lạnh … Nước sẫm dần … rồi tối thui, tối như “đêm ba mươi” (chính xác là “đêm 29”) ... Một vật đen đen lập lờ, tôi tóm lấy, té ra ông bạn AMK3. AMK3 chỉ chỉ tay vào đồng hồ (chúng tôi “lỡ tụt” xuống 25,4 mét). DM trờ tới, tay đèn pin, tay ra hiệu “đi lên một chút”. Tôi quậy chân nhái nổi lên … Cảm giác rõ dòng chảy đang thúc vào người ... 15 mét sâu đây rồi. Tôi quờ tay xung quanh: chẳng thấy ai, lạc rồi … Một phút sau, tôi nổi lên, gặp DM và AMK3 cũng nổi lên ...
DM ra hiệu: Xuống nha!

DM nói: “Xuống nhé. Bám sát nhau”. Tôi cầm tay AMK3, cùng chìm xuống khoảng 15 mét và bơi đi. DM bơi trước, lia đèn. Tôi bỏ tay AMK3 ra, nhìn chăm chăm vào chân nhái của hắn để bám theo. AMK3 bơi sát bên trái ... Nước đục lừ, chẳng thấy gì ngoài cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện của bạn lặn … Bên phải xuất hiện mảng đen đen, tôi sờ sờ: té ra vách đá … Tôi quay lại: Hai gã biến đâu mất rồi ... Tôi cố nhìn xem ánh đèn pin ở phía nào, nhưng không thấy (thực ra nước quá đục nên ánh sáng đèn bị phản xạ không đi xa được) … Quay qua quay lại một chút thì DM bơi tới (kĩ năng tìm kiếm của tay này khá thiệt) ra hiệu “đi về phía này”. Tôi bám theo, gặp AMK3 … Nghĩ mà khâm phục đặc công nước thời kháng chiến chống Mỹ: lặn đêm, phù sa đục ngầu, chẳng có trang bị gì ngoài ống thở bằng thân cây trúc, mà tiềm nhập đâu vào đấy …

Chứng tôi bơi … Chẳng có gì ngoài một màn nước đục lờ … Tôi bám riết theo “dấu chân” của DM, mấy lần bị chân nhái của gã vụt giữa mặt … Tôi cúi xuống: một mỏm đá nhô lên trên hướng bơi. Sờ trúng con cầu gai, lập tức 2 mũi gai cắm vào tay, khỉ thật … Tôi ngẩng lên: Hai cha kia đâu mất rồi … Tôi cố nhìn xem ánh đèn pin ở phía nào … Tôi lay hoay tìm kiếm, lần này chắc “tới phiên” nó lạc mình đây … Một phút sau tôi nổi lên … Tới mặt nước, “lại” gặp hai gã ...

Đã bị trôi xa tàu lặn, DM hô “bơi về tàu đã”. Dòng chảy xéo góc, chúng tôi cố gắng di chuyển. Thực tình thì thợ lặn di chuyển dưới mặt nước khỏe hơn bơi trên mặt nước, nhưng DM đã quyết định đúng: Để hai ông chú tiếp tục chìm xuống thì khéo lại … lạc tiếp. Tôi hỏi DM: “Xuống nữa chứ?”. DM kiểm tra đồng hồ khí rồi tần ngần: “Sợ không đủ thời gian”. Thôi vậy. Chúng tôi men theo sợi dây phao trên tàu thả xuống để về tàu.

Lên tàu, DM nói: “Nước đục quá, cháu lia đèn mà (chú hoặc cháu) chẳng thấy” – rồi tiếp – “Hôm nay chắc các chú lặn không thỏa mãn”.
Tôi nói: “Nếu cho là đi lặn giải trí thì không đạt, nhưng nếu đi luyện tập thì đạt”.
“Tất cả là do quan niệm. Mà mấy khi dân lặn giải trí được luyện tập trong điều kiện "lý tưởng" như thế này” – AMK3 cười và nói tiếp – “Không biết lão mù (trong bài “Lặn trong tăm tối”) định hướng ra sao nhỉ, mò về tới tận cầu thang tàu, siêu thật. Mình phải rèn kỹ năng lặn đêm (*) mới được”.

(*) Ý tụi tôi muốn nói là tập “lặn với tầm nhìn gần bằng không”, vì trường hợp này khác với “lặn đêm ở vùng nước trong”. Quả là "nghề chơi cũng lắm công phu".
Sau cú lặn chưa đạt! (hoặc là đã đạt!) của chúng tôi, chỉ còn bọn học thi OWC và AOWC xuống nước ở vùng gần bờ, nơi tầm nhìn khá hơn để hoàn thành nối bài thi. Tui chỉ còn ngồi ngắm cô bé bạn lặn, không lặn được thì nhảy cầu chơi!


Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Lặn thời tiết xấu - Nha Trang tháng 3.

Cuối tháng 3 vừa qua, HCQuang và tui quyết định đi lặn ở Nha Trang. Đó là dịp cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật ngày 26 và 27 tháng 3. Tuy cùng hẹn nhau đi, nhưng do hoàn cảnh hai người chỉ cùng lặn chung ngày CN 27/3. Ông bạn HCQ tối thứ 7 mới lên đường để sáng CN đi lặn và ở thêm ngày thứ 2 (28/3) mới về. Tôi khởi hành trước 1 hôm, váo tối thứ 6 bằng xe lửa và  sáng sớm thứ 7 đến Nha trang, kịp chạy qua Rainbow để đi lặn trước 1 hôm. Có điều đáng tiếc là 2// Padi Kika đúng dịp cuối tuần đó lại có lớp đào tạo OWC tại Sài Gòn nên không cùng đi lặn với chúng tôi. Tuy nhiên, xui xẻo lớn nhất lại là thời tiết. Cả tuần ròng rã mưa mù và nước lạnh, tầm nhìm xấu! Sáng thứ sáu khi tui tới Nha Trang thì trời đã hết mưa, tuy nhiên mây mù, biển động nhẹ không hứa hẹn một chuyến lặn vui vẻ. Nước biển 23độ C, cả ta vẫn Tây phải mặc 2 Wetsuite để giữ ấm. Tui mặc thêm bên ngoài bộ cộc tay một bộ dài nữa. Với tôi, mặc một lúc hai bộ wetsuite thật khó chịu. Thực ra thì sự khó chịu này chỉ là lúc trên tàu, khi đã xuống nước thì lại thật thoải mái, không phải rơi vào cảnh run cầm cập vì lạnh! Phần lớn khách lặn chuyến này là các học viên OWC hoặc AOWC. Tui lặn giải trí (fun dive) với Thưởng - chuẩn úy PADI có thâm niên 2 năm ở Rainbow Divers. DM Thưởng là một HDV lặn nhiệt tình và chu đáo. Khi cùng lặn - Thường chỉ cho tui nhiều điểm  hay mà những lần trước chưa từng gặp.
Điểm lặn duy nhất có thể lặn vào lúc thời tiết xấu tại Hòn Mun là Debbie's Beach.  Trời mây mù, không ánh nắng và tầm nhìn thấp (3-4 metres ) là những trở ngại chính đối với chụp hình dưới nước. Có một điều thú vị là lần lặn này lại đúng dịp tui thử nghiệm chế độ chụp hình có flash (internal). Trước đây, tui chưa từng dùng flash khi chụp hình dưới nước do khi đặt chế độ chụp dưới nước, máy Sealife sẽ tự động bù màu cho hình ảnh và khóa chế độ Flash trong máy. Môi trường nước đậm đặc hơn không khí và chứa nhiều "hạt" bụi, rác li ti - khi ta dùng flash, ánh sáng cường độ cao của đèn sẽ bị phản xạ bời các phần tử li ti này và tạo hiệu ứng đốm sáng rất khó chụi cho tấm hình. Để khắc phục điều này, ta phải dùng đèn flash gắn ngoài, soi đối tượng theo một góc khác, tránh phản xạ trực tiếp vào ống kính. Còn phương án giúp hạn chế hiệu ứng "scatter" kể trên cho đèn flash bên trong là dùng một tấm lọc diffuser che trước đèn flash để khuếch tán bớt ánh sáng, làm dịu độ chiếu sáng  đối tượng. Do chưa đủ khả năng mua đèn flash chuyên dụng, tui đặt mua tấm diffuser này cũng của Sealife qua mạng và quyết định thử nghiệm chế độ chụp hình với flash bên trong máy.
 Một khi đã dùng flash bên trong thì không cần đặt chế độ chụp dưới nước cho máy Sealife nữa Máy sẽ tự động lấy tham số theo chế độ chụp có flash bên trong. Trong suốt hai lần lặn của ngày thứ bảy, tui chụp với chế độ đèn flash trong điều kiện thiếu sáng do mây mù và tầm nhìn kém. Độ sâu khoảng 15 đến 18 meters. Kết quả cũng không đến nỗi nào, một vài tấm có thể so với ảnh chụp bằng chế độ UW hôm đẹp trời. Tuy không thể loại bỏ hẳn được hiệu ứng scatter nhưng cũng hạn chế tương đối  nhiều, đôi khi chỉ nhận thấy khi zoom lớn hình lên. Một hạn chế nữa là không thể thực hiện quay video do không đủ ánh sáng và Flash không giúp được ở đây. Lần đầu tiên, sau hai lần lặn tui không có đoạn video dưới nước naào. Sau đây là một số hình tui chộp được trong lần lặn ngày thứ 7 với flash trong.
 Trời âm u, không có ánh sáng mặt trời! Trên mặt nước thế này, dưới nước sẽ còn tệ hơn! Tuy nhiên ngày hôm nay vẫn còn may vì tầm nhìn dưới nước còn khoảng 4 mét. Ngày hôm sau tui và HCQ đi lặn mới thê thảm.
Với đèn flash, màu sắc con sao biển này thể hiện đúng với tự nhiên vốn có của nó. Ở độ sâu hơn 10 mét, bằng mắt thường ta cũng chẳng thể thấy màu đỏ ở đây.
Ở độ sâu 15 mét, cây san hô này nhìn buồn tẻ vì chỉ có một màu xanh.
Chuẩn úy PADI Thưởng. Thấy rõ khung kính lặn của anh ta màu cam :)
Cá Sư tử ( Lion Fish) thoạt nhìn khá ổn, tuy nhiên khi click vào hình để coi ảnh lớn bạn sẽ thấy hiệu ứng "scatter" rất rõ, làm xấu toàn cảnh tấm hình.
Với cảnh xa hơn 2 mét, đèn Flash trong không còn tác dụng do diffuser giảm cường độ đèn nhiều lần. Cảnh này chủ yếu nhờ ánh sáng tự nhiên.
Tui thậm chí chộp được "chân dung" chú cá Hề Nemo này :))
Và một chú tôm Tít thập thò cửa hang. Cám ơn đẻn Flash! 
Kết thúc ngày lặn, tàu trở về cảng Cầu Đá. Trời vẫn âm u buồn não!
Tui và chuẩn úy PADI Thưởng - Dive Master Rainbow Divers Nha Trang. Chộp có flash ngán gì ngược sáng :))
Bé Tuyền - Nhân viên văn phòng Rainbow Nha Trang (PADI DM): "Mai chú lặn cùng chú Quang hà? Hy vọng thời tiết sẽ tốt hơn hôm nay :)" Tui cũng hy vọng thế.

Ngày hôm sau, tui và ông bạn lặn HCQ hăm hở ra khơi cùng Rainbow Divers Team. Ông bạn còn cắp theo một ổ bánh Bông Lan lớn do bà xã Q Thái làm cho từ hôm trước - thật khí thế!
Kết quả ngày lặn CN thế nào, nhường bác Chí Quang tường thuật lại. bác ấy đã có bài lặn đêm đề chuẩn bị tinh thần cho mọi người ;) He he Diving - đâu chỉ có niềm vui và và sự phấn chấn!

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Xác tàu quân Nguyên ở vịnh Hạ long

Bài “Kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long” của Hồ Đắc Duy trên Tạp chí Xưa và Nay có đề cập tới trận đánh năm 1288 trên vịnh Hạ Long tiêu diệt đoàn thuyền lương của quân Nguyên - Mông. Vậy những xác thuyền và vũ khí, quân dụng hiện nằm ở đâu?

Trận thủy chiến Vân Đồn do Trần Khánh Dư chỉ huy đã tiêu diệt đoàn thuyền lương Ô Mã Nhi là một chiến công góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 năm 1288, với trận quyết định là trận đại thắng Bạch Đằng ngày 8-3-1288.

Theo tác giả, những lái buôn Trung Quốc, đã sinh sống lâu đời bằng nghề buôn bán và đánh cá ở vùng thương cảng Vân Đồn là những người lập hải trình cho Ô Mã Nhi đi từ Trung Quốc vào vịnh Hạ Long và đến sông Bạch Đằng. Họ biết rõ địa hình, địa vật, con nước thủy triều lên xuống, con đường an toàn nhất, ngắn nhất.

Đối chiếu các tư liệu lịch sử của Viêt nam, Trung Quốc và trên thực tế địa lý, địa hình vịnh Hạ Long, tác giả cho rằng trận hải chiến trên xảy ra vào ngày 3-1-1288 đến ngày 6-1-1288. Vị trí diễn ra trận quyết định ở tọa độ 107 độ 23 phút kinh đông và 20 độ 44 phút vĩ bắc, tức là ở khoảng giữa các đảo Thượng Mai, Hạ Mai, Phượng Hoàng, Nấc Đất. Nơi đây giống như cái túi có bán kính khoảng 2,5km. Cách đó không xa, đảo Cô Tô như một đài quan sát mà chỉ cần một mũi tấn công ngang sườn từ đảo Cô Tô là đoàn thuyền lương của Ô Mã Nhi sẽ dạt vào điểm phục kích này.

Như vậy dưới đáy vịnh Hạ long ắt có xác thuyền của quân Nguyên – Mông và những hiện vật khác.
Hình vẽ: Trận Bạch đằng TK13.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Nước mắm lú

Hồi xưa dân chài không có Wetsuit (áo lặn), trước khi lặn, để chống lại cái rét trong ngày đông, tháng giá, họ đã uống nước mắm lú.

Bài của Kim Oanh (có chỉnh sửa).

Bà chủ tiệm nước mắm nổi tiếng một thời, Hồng Hương, tiếp chúng tôi trong căn nhà đã từng san sát mái vú, thùng chượp. Câu chuyện về nghề không đầy đủ bởi vì cuộc "cải tạo công - thương nghiệp" năm nào đã khiến gia đình bà chuyển nghề, bây giờ với bà, nó chỉ là kỷ niệm không muốn khơi gợi. Chúng tôi chỉ biết rằng cũng con cá cơm, cá nục ấy nhưng mỗi nhà có một cách chế biến khác nhau và như thế hương vị từng hãng cũng khác nhau, có ngon, có dở hoặc không đạt với khẩu vị người này mà lại quá tuyệt với người kia.

Bà chủ mang ra một chai thủy tinh đen sì, nhẹ nhàng nghiêng chai, một thứ nước màu cánh gián chảy ra. Mùi vị của thứ nước mắm lú này chẳng thơm, chẳng bốc như nước mắm nhĩ. Chúng khăn khẳn, mùi sắc, nhọn, xộc vào mũi khiến ta phải nhăn mặt. Bà mỉm cười "Không dễ uống đâu nhưng lát nữa sẽ ấm người lên đấy". Tôi nếm đủ một muỗng cà phê và "chữa cháy" bằng nước lạnh. Chiếc muỗng đi chưa giáp vòng, câu nói của bà đã được chứng minh. Người tôi nóng lên một cách rất dễ chịu, ấm áp từ bên trong, rất nồng nàn nhưng cũng rất nhẹ, không giống như uống rượu. Bà rót cho mỗi đứa một chai nhỏ với lời dặn: "Khi nào viêm họng ngậm một chút sẽ đỡ ngay, khi lạnh trong người cũng dùng được nhưng không được dùng nhiều. Sức các cô, cậu thì chỉ một muỗng thôi".

… Người ta chọn thứ nước mắm nhĩ, loại tinh chất nhất để làm nước mắm lú. Nói là làm chứ thực ra chỉ cất đi mà thôi, chừng 10 năm, tức là quên đi, bỏ đâu đó mà lú lẫn không nhớ sẽ thành nước mắm lú . Vị mặn bớt rất nhiều, mùi thơm cũng mất đi nhưng giá trị dinh dưỡng thì tăng lên, điều đó khiến cho nước mắm lú chuyển sang vai trò mới, đó là làm thuốc. Người đi lặn biển vào mùa lạnh uống một ngụm thì cơ thể sẽ ấm lên, ngâm lâu cũng không bị lạnh.

… Người chuẩn bị lên một câu vọng cổ, một chút nước mắm lú sẽ khiến giọng thanh hơn, sức trường hơn. Bởi vậy Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương… đều đã dùng nước mắm lú. Đáp lại cái trợn mắt ngạc nhiên tỏ vẻ không tin của tôi, người “thuyết trình” khẳng định: “Thật mà, cô cứ uống một chút rồi xem giọng mình thế nào". Tất nhiên là tôi uống thử và cũng tất nhiên là chất giọng chẳng lên được chút nào. Cũng phải thôi, tôi đâu có là ca sĩ. Và tôi cũng không chắc rằng các giọng ca cải lương mùi mẫn có uống nước mắm lú không. (Những câu chuyện dân gian thường được phủ lên lớp bụi huyền thoại nên chúng mang một sắc thái kỳ bí, nửa hư nửa thực, khó coi đó là chính xác 100% nhưng lại là nguồn đề tài cho những người yêu quê hương tha thiết).

Bẵng đi đến 2-3 năm sau, tôi bị một trận viêm họng nặng, cổ đau rát, nuốt nước miếng còn nhăn mặt. Uống thuốc tây mãi chẳng đỡ, tình cờ dọn dẹp tủ đựng ly chén mới thấy chai nước mắm lú bụi phủ mờ. Tôi lấy đúng một muỗng cà phê mang ra bàn ngồi ngắm nghía rồi đổ vào miệng. Cảm giác khét và đắng vẫn còn, vị mặn không đáng kể còn mùi vị thì phảng phất như có con gián đang bò bên cạnh. Một phút sau người tôi nóng dần lên, cổ họng dịu lại một cách rõ rệt, không thấy rát nữa. Ngày hôm sau bệnh viêm họng ra đi không chào tạm biệt.

Hình (không liên quan bài viết): Ánh mắt, với "thông điệp": không nhất thiết mọi chuyện đều cứ phải lộ diện, mà có khi chỉ cần một chút ... thoảng qua.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Xảo thuật lặn đêm

Một Instructor có lời khuyên về lặn đêm như sau:

1. Chuẩn bị lặn.

-Điểm lặn quen thuộc: Bạn nên chọn một điểm lặn đã từng lặn ban ngày. Như vậy bạn sẽ có khái niệm về khu vực này và sẽ cảm thấy ít sợ hãi.

-Tới lúc còn sáng: Nên tới điểm lặn trước khi mặt trời lặn. Bạn sẽ có thời gian chuẩn bị các trang, thiết bị lặn với chút ánh sáng tự nhiên còn lại. Bạn sẽ cảm thấy ít sự đe dọa khi bắt đầu xuống nước. Bạn cần lập kế hoạch lặn trước khi sập tối.

-Không lặn sâu: Nếu khả năng lặn sâu của bạn là 18 met thì khi lặn đêm chỉ nên xuống 12 met.

-Đèn lặn: Hãy cho tôi một đèn chính và một đèn dự phòng.

-Băng phản quang: Có thể dán nó vào bình khí nén. Mỗi nhóm nên có một màu phân biệt Trưởng toán có thể có thêm màu khác. Như vậy bạn sẽ yên tâm khi thấy bạn lặn ở cạnh mình. Nếu bạn muốn, cũng có thể nắm tay bạn lặn; hoặc dùng sợi dây, một đầu cột vào cổ tay bạn, đầu kia cột vào cổ tay bạn lặn; hoặc với các cách khác - miễn bạn cảm thấy thoải mái.

-Tín hiệu tay: Trước khi lặn, bạn thống nhất với nhóm lặn về tín hiệu dưới nước. Nên nhớ là dưới đó, bạn lặn sẽ không thể nhìn thấy bàn tay của bạn. Bạn hãy chiếu đèn vào bàn tay bạn đang ra tín hiệu, và như vậy bạn lặn sẽ nhìn thấy. Hãy sử dụng các tín hiệu đèn (xoay vòng tròn, lắc ngang, lắc dọc).

2. Trong khi lặn.

-Bơi chậm: Ban đêm có rất nhiều thứ để xem. Bạn sẽ thấy một thế giới hoàn toàn khác với ban ngày. Các sinh vật biển rực rỡ hơn và đầy màu sắc dưới ánh đèn. Hãy dành thời gian nhìn vào những ngóc ngách, khe đá.

-Không chiếu đèn vào mặt bạn lặn: vì sẽ làm bạn lặn bị mù trong giây lát, và làm bạn lặn phải điều tiết mắt một lần nữa.

-Xem đồng hồ lặn: Bạn úp đèn vào mặt đồng hồ (để đồng hồ nhận năng lượng từ đèn) rồi tắt đèn(*). Ánh dạ quang hiện trên đồng hồ giúp bạn đọc được các số chỉ thị.

-Bị lạc: Nếu nhóm lặn khuất khỏi mắt bạn, bạn hãy tắt đèn(*) và sẽ nhìn thấy ánh đèn của bạn lặn.

-Thỉnh thoảng không cần ánh sáng: Bạn tắt đèn(*) và để cho mắt của bạn thích nghi với bóng tối. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì bạn nhìn thấy. Tất nhiên bạn chỉ thực hiện việc này nếu bạn đã cảm thấy thật sự thoải mái.

3. Khi nổi lên.

-Đèn trên tàu: Trên tàu cần có đèn nhấp nháy để thợ lặn dễ phát hiện. Đèn rọi đáy cho biết đáy tàu ở đâu để tránh cho thợ lặn bị đập đầu khi nổi lên.

-Đèn của bạn: Khi đã nổi lên mặt nước, bạn phải rọi đèn vào mình để các tàu nhìn thấy bạn.

-Đèn trên bờ: Nếu lặn từ bờ, bạn dùng đèn đánh dấu điểm về. Cần 2 đèn cho đánh dấu và sao cho có thể phân biệt với đèn của những đối tượng khác. Đèn phải ở vị trí sao cho không bị một kẻ nào đó trên bờ vô ý che khuất.

(*)Mr.Hùng, HLV Vinadive, có lời khuyên: Để an toàn, đặc biệt là về mặt tâm lý, thì bạn không tắt đèn trong mọi trường hợp, mà hãy úp đèn vào bụng bạn (nếu cần bóng tối).

Hình: Lính SEAL nói "mấy người nhìn tui nè, phải trang bị như thế này chứ".