Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Không nên có nhiều “lần đầu tiên” trong một cú lặn

(bài trên Scubadiving.com – trích)

Khi Tom và Brett về tới khách sạn thì Tom nghe lỏm được chuyện hai thợ lặn trao đổi về một hang động ngầm thú vị, một cuộc lặn từ bờ. Nghe xong, Tôm lập tức tìm Brett để thuyết phục cùng đi.

Sáng hôm sau hai người tới điểm lặn. Đó là một hang động không sâu, không phức tạp, mặt cửa động là một vách đá thẳng đứng như bức tường. Nhiều thợ lặn đã có mặt trên bãi biển. Brett và Tom mặc bộ wetsuit(*) rất dày mà họ mới sắm tối qua (người ta nói nước ở đây rất lạnh). Họ gài thêm chì để bù nổi(*) cho wetsuit. Do lần đầu tiên sử dụng, không rõ phải bù bao nhiêu, nên họ tăng gấp đôi chì so với wetsuit cũ.

Tom và Brett bơi ra phía vách đá. Vùng biển này tương đối yên tĩnh nhưng hôm nay bỗng có sóng lớn. Brett và Tom đã phải chống chọi với những cơn sóng. Họ bị xô đẩy trên mặt nước. Họ đã tới sát vách đá, nhưng sóng biển cứ xô đẩy họ, lúc đẩy ra, lúc xô vào vách đá.

Hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn khi lặn xuống, Brett và Tom xả khí trong BCD(*) và đi xuống. Họ không nhận ra rằng, lúc đó sóng đã đẩy họ vào sát vách đá. Sự kết hợp của sóng và “quá tải” (overweighted) đã đẩy họ trôi nhanh hơn so với dự tính của họ. Một đợt sóng đẩy Brett vào đá. Anh quờ quạng tìm chỗ bám nhưng bọt sóng biển sôi sùng sục làm anh không nhìn thấy gì xung quanh. Đợt sóng tiếp theo đập anh vào vách đá, đầu anh va vào đá và mất ý thức ...

Tom cũng gặp rắc rối tương tự, nhưng anh đã khéo léo lánh ra nên không bị sóng đập vào vách đá, vì vậy anh vẫn ổn. Rồi Tom phát hiện Brett bỗng biến đâu mất. Khi sóng biển dịu xuống, anh nhìn thấy Brett nằm sõng sượt dưới đáy biển. Tom vội vã chìm xuống, lao nhanh về phía Brett, quên bẵng việc phải cân bằng áp suất tai(*) ... Tom thấy đau buốt ghê gớm trong tai, anh vội vã cân bằng tai. Đã quá muộn, màng nhĩ đã lủng. Nước lạnh buốt tràn vào tai giữa làm anh mất khả năng định hướng trong giây lát. Anh bị lộn nhào trong nước và trôi về phía vách đá khi một đợt sóng xô tới, đập đầu anh vào vách đá. 

Khi hai người bị sóng đập vào vách đá và chết đuối, thì không một ai nhìn thấy họ. Mãi tới khi người ta thấy có đồ đạc vô chủ trên bãi biển, mới nhận ra rằng đã có hai người không trở về.

Thợ lặn nói:

- Tai nạn này có thể ngăn chặn nếu có một cuộc trò chuyện đơn giản với Divemaster(*) địa phương. Nói chuyện với họ, Brett và Tom sẽ nhanh chóng biết được cách xử lí với những cơn sóng bề mặt. Họ sẽ cho biết rằng, cách để tiếp cận là bơi ở ngoài xa và lặn xuống sát đáy, rồi men về phía vách đá.
- Hai thợ lặn này đã có quá nhiều “lần đầu tiên”: Lần đầu tiên họ lặn từ bờ có sóng mạnh. Lần đầu tiên họ lặn ở địa điểm đó. Lần đầu tiên họ lặn trong nước rất lạnh. Lần đầu tiên họ mặc wetsuits dày hơn trước kia. Từng vấn đề đều có thể dễ dàng khắc phục, nhưng cộng lại, họ đã có quá nhiều thứ phải cảm nhận trong cùng một lúc.

Cơ quan chức năng nói:

- Nên tham khảo sự chỉ dẫn của thợ lặn địa phương trước khi lặn ở một vị trí mới, hoặc một loại hình lặn ngoài kinh nghiệm của bạn. Lặn là một môn thể thao xã hội, bạn đừng ngại khi phải nói “tôi không biết làm thế nào để làm được điều đó”.
- Sự đào tạo và kinh nghiệm lặn trong một loại hình lặn sẽ không thích hợp cho những loại hình lặn khác, ví dụ bạn mới chỉ lặn trong nước ấm thì bạn sẽ không đủ điều kiện để lặn vùng nước rất lạnh. Bạn cần biết những hạn chế của bạn.
- Không nên có nhiều “lần đầu tiên” trong một cú lặn, và ngay cả overweighted cũng cần được thích nghi.

(*) Xin xem Tự điển Lanbien ở trên cùng bên phải trang tin.
Hình minh họa (không liên quan bài viết).

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Những người lính hy sinh giữa thời bình, hay: Chuyện về nhà giàn DK-1/3 đêm 4/12/1990

"... Khi nhà giàn sụp, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Anh đã nhường phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội và hi sinh vào ngày 5/12/1990. Đó là Trần Hữu Quảng – Trung úy Trạm phó Chính trị nhà giàn DK-1/3 ...", cùng hai đồng đội là Cơ điện Hồ Văn Hiền và Quân y sĩ Trần Văn Là. (Bài trên Tuổi trẻ, trích).

Nhà giàn DK-1/3 hồi đó có diện tích sử dụng 144m2, cách mặt nước biển lúc triều cường là 10,5m, đặt tại bãi ngầm “Phúc Tần”(*). Hoàn thành ngày 10/6/1989 sau hơn 6 tháng xây dựng. Đây là nhà giàn trên biển đầu tiên, do Bộ Xây dựng thiết kế và thi công, kết cấu dã chiến, dạng pông-tông nổi lập lờ và được neo lại.

Anh (a) Bùi Xuân Bổng, hồi đó là Trạm trưởng DK-1/3 nhớ lại: 23g30 ngày 4/12/1990 sóng mỗi lúc một mạnh, mặt biển đen ngòm. Sóng ập vào nhà giàn ngày càng dữ dội. Nhà nghiêng dần, nghiêng dần. Vật dụng trên nhà bị xô từ góc này sang góc khác. Anh em đã sẵn sàng rời khỏi khi nhà giàn sụp. Có tám người nhưng áo phao chỉ còn năm, còn lại do ngấm nước biển lâu ngày đã bục. Phao cứu sinh bơm lên bị nổ. Vẫn còn phao bè (loại vỏ nhôm độn xốp bên trong).

Đêm ngày 4/12/1990, bão số 10 (cấp 11) đã gây nên các ngọn sóng cao tới 15m, đánh nghiêng 15 độ, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới của nhà giàn. Khoảng 2g ngày 5/12 những trận sóng trùm lên tận mái rồi quật xuống khiến nhà giàn sụp hẳn. Tất cả đồng loạt nhảy khỏi giàn, lao xuống con sóng đang quăng quật dữ dội. Phao bè vừa thả xuống bị sóng đánh vỡ. A.Bổng không có áo phao nhưng ôm được mảnh phao bè. Đêm mịt mùng, không nhìn thấy bóng ai, sóng biển át tiếng gọi nhau, giục nhau nương theo dòng chảy ra phía nước sâu, chỗ ấy sóng êm hơn. Mảnh phao mà a.Bổng có được đã đưa tới cho a.Quỳnh và a.Công cùng bám vào.

Chiếc áo phao của a.Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa. A.Công bị say sóng sặc nước, chuẩn bị buông tay rời bè, a.Bổng phải xé áo cột a.Công vào mảnh phao. Dầm mình trong sóng biển suốt từ mờ sáng tới chiều ngày 5/12, mấy anh em động viên nhau “cố sức bám trụ, thế nào cũng có tàu đến cứu”.

Do sóng to, gió lớn, việc cứu nạn rất khó khăn, tàu HQ-711 (đang trực trên vùng biển này) không tìm thấy các đồng đội bị sóng đánh trôi dạt. 17g ngày 5/12, tàu tìm được a.Bổng, a.Quỳnh, a.Công và a.Báu. 18g gặp a.Trung. Vẫn còn ba đồng đội.

Hải quân điều thêm tàu HQ-07, HQ-11, HQ-682 phối hợp tìm kiếm. Thêm mấy ngày nhưng không tìm thấy a.Quảng, a.Hiền và a.Là. Ba anh là những chiến sĩ đầu tiên hi sinh ở DK-1.

 (*) Bãi ngầm Phúc Tần nằm trong khoảng vĩ độ từ 08004’24”N – 08009’44”N và kinh độ 110028’10”E – 110035’47”E, cách Vũng Tàu 243 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi ngầm Quế Đường 22 hải lý về phía Bắc. Điểm nhô cao nhất của bãi Phúc Tần ở dưới mặt nước 5,5m.

Khu vực DK-1 là một bãi ngầm thoải dần từ độ sâu từ 5,5m đến độ sâu 200m. Từ độ sâu trên 200m trở ra, đáy biển có độ dốc rất lớn. Có một dãy cồn cao gần sát mép nước, tạo thành những rạn san hô nổi, các điểm nhô cao cách mặt nước trong khoảng 3m-20m. Có 9 bãi ngầm được đặt tên là Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh. Các bãi này hình thành, phát triển theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

(*) Về việc xây dựng nhà giàn:

Năm 1989: xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính (Lô 1), Phúc Tần (Lô 3) và Ba Kè (Lô 6).
Năm 1990-1991: xây dựng 3 nhà giàn trên bãi ngầm Phúc Nguyên (Lô 2); Huyền Trân (Lô 4) và Quế Đường (Lô 5).
Năm 1993-1998: xây dựng, nâng cao chất lượng bền vững và năng lực của các nhà giàn trên bãi ngầm Lô 1, Lô 2, Lô 3, Lô 4, Lô 5, Lô 6, bao gồm:
- Lô 1 (Tư Chính): ngoài DK-1/1A và DK-1/1B, năm 1994, 1995, xây thêm DK-1/11, DK-1/12 và DK-1/14.
- Lô 2 (Phúc Nguyên): ngoài DK-1/6, năm 1995 xây DK-1/15.
- Lô 3 (Phúc Tần): năm 1993 xây lại DK-1/3 (hiện là DK-1/2 Phúc Tần A), năm 1996, 1997 xây DK-1/16, DK-1/17, DK-1/18.
- Lô 4 (Huyền Trân): năm 1991 xây DK-1/7.
- Lô 5 (Quế Đường): ngoài DK-1/8, năm 1997 xây DK-1/19.
- Lô 6 (Ba Kè): ngoài DK-1/3, năm 1993 xây DK-1/9, năm 1998 xây DK-1/20 và DK-1/21.

Tính đến năm 2010, tại khu vực DK-1 đã có 20 nhà giàn, gồm 15 nhà giàn xây mới, diện bền vững và 5 nhà giàn quá khứ là:
DK-1/3 (Phúc Tần) bị sụp năm 1990 làm 3 chiến sĩ hy sinh,
DK-1/6 (Phúc Nguyên) bị sụp năm 1998,
DK-1/5 (Tư Chính) bị sụp năm 1999,
DK-1/4 (Ba Kè) bị sụp năm 2000 làm 6 chiến sĩ hy sinh,
DK-1/1 (Tư Chính) không còn nguyên vẹn (bị nghiêng do bão tố), khi sóng to bị rung lắc mạnh.

H1-2: Nhà giàn DK-1 đời đầu (dã chiến) và DK-1 đời mới (bền vững).
H3: Những người "lính vác đá" xây dựng công trình ở Trường sa hồi ấy.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Trường sa mùa xuân năm 1988

(Bài của anh Đỗ Nghĩa)

Mùa xuân năm 1988, gặp bạn ở Cầu Đá, Nha Trang. Ngày đó chúng tôi cùng đi biển và bây giờ bạn vẫn đang đi biển. Chơi thân với nhau suốt từ ngày đi thiếu sinh quân cùng một trung đội, tới giờ đã 45 năm.

Lần ấy, con tàu “Tây Đô” của tôi và tàu “Vàm Cỏ 24” của bạn cặp mạn nhau ở cảng Cầu Đá. Bạn mới chở đá ra Trường Sa về, chuẩn bị chuyến biển nữa ra đảo, còn tôi chuẩn bị nhận hàng đi Singapore. Hai đứa kéo nhau ra quán ngồi nhâm nhi, nói chuyện đời.

Chiếc Vàm Cỏ 24 của công ty Vitranchat được Bộ Tư lệnh Hải quân trưng dụng phục vụ chiến đấu Trường Sa thời gian 5 tháng. Trước khi ra đảo, tàu vào Ba Son sửa chữa hoàn thiện và đăng kiểm. Những ngày này, tin tức của trận hải chiến Trường Sa với những tên tuổi, quê quán của 64 chiến sỹ hy sinh, mất tích trên ba con tàu của hải quân Việt Nam chiến đấu với hải quân Trung Quốc, được phát đi phát lại suốt trên hệ thống phát thanh của hai chiếc tàu săn ngầm đang cặp sát chiếc 24 ở công xưởng Ba Son, chắc là đang trong thời gian tìm kiếm thi hài của những chiến sỹ Hải quân mất tích. Hai thủy thủ tàu Vàm Cỏ 24 nghe những tin tức trận hải chiến mới xảy ra ngoài đảo vội vã lên bờ vì sợ hãi. Sau này khi kết thúc chiến dịch chở cát đá xi măng ra đảo, hai thủy thủ ấy bị công ty sa thải. Bạn tôi kể đến đây cười “Mình thì con nhà nòi rồi”.

Chiếc Vàm Cỏ 24 của bạn chuyến ấy chở 2.000 tấn đá xanh ra đảo chìm Đá Nam để xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. Bạn còn chuyên chở các thiết bị và người làm việc cho trạm dự báo khí tượng đầu tiên trên đảo này. Tàu cũng qua Song Tử Tây là hòn đảo nổi lớn hơn.

Ra Đá Nam, thấy nhiều tàu chiến Trung Quốc lởn vởn phía ngoài xa xa. Hải quân ta trên đảo trong tư thế sẵn sàng nhả đạn nếu tàu bên ấy tiến vào gần hơn. Những ngày bạn tôi ra đảo không gặp súng nổ, khả năng phía lính Trung Quốc thấy Vàm cỏ là tàu buôn nên không lại gần.

Kéo anh em lính trẻ lên tàu, Vàm Cỏ 24 có thứ gì được là lôi ra “nhậu” ráo. Kể cả nước ngọt, gạo, chén bát đến dép giày sách báo sang tên hết cho lính. Anh em ở đảo cực và thiếu thốn đủ thứ, họ nói rằng lên con tàu họ tưởng như là đi lạc tới một thành phố nào đó.

Những ngày ở đảo, bạn sống như người lính thực thụ, sống với lính những ngày rất lính. Bạn có nụ cười thật tự hào bên ụ pháo của cỗ xe tăng được ngụy trang kín đáo dưới hầm để bảo vệ đảo. Bạn kịp ghi lại kỷ niệm bên cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây cùng các sỹ quan, chiến sỹ Hải quân canh giữ đảo.

Hai đứa chơi với nhau được ít ngày khi tàu đang làm hàng. Nói với bạn “Tao thèm được đi Trường Sa như mày quá, không dóc miếng nào, bác Đồng Sỹ Nguyên đang ở cảng Nha Trang trực tiếp điều động tàu đấy”. Bạn cười chân thật xen chút tự hào “Có gì đâu, vậy mà nhiều người, cả sỹ quan, thuyền trưởng, một vài ông sỹ quan Hải quân nữa, nói tới ra đảo mấy người dám đi”. Sau này bạn được tặng một kỷ niệm chương Trường Sa. Lâu lâu kể chuyện thời đi biển, chúng tôi trân trọng bạn về những ngày bạn đã ra đảo mùa xuân năm 1988.

Trở lại những ngày ở cảng Cầu Đá năm ấy. Ngày hôm sau bác Nguyên lệnh cho tàu Tây Đô của tôi gỡ bỏ hàng xuất khẩu, chở gạo gấp ra Bắc cứu đói. Tàu đầy hàng, hai đứa chào nhau đi hai hướng, tôi trực chỉ phương Bắc chở gạo ra Hải Phòng còn bạn tôi nhắm biển Đông chở chuyến hàng đầy đá và xi măng tiếp tục chuyến biển ra Trường Sa xây đảo. 

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Vụ chìm tàu Thetis

 (theo NYT, trích)

Ngày 01/06/1939, tàu ngầm Thetis của Anh, dài 84 mét, lớp T, hiện đại nhất thế giới hồi đó, thực hiện chuyến thử nghiệm đầu tiên trong vịnh Liverpool. Rời cảng chừng 65 km, thuyền trưởng Frederick Woods ra lệnh lặn xuống. Tàu không chìm xuống vì “nhẹ” quá. Thuyền trưởng lệnh mở cửa khoang ngư lôi (khoang rỗng - chưa có ngư lôi) cho nước biển vào (để tăng tỷ trọng tàu) ... Tàu chìm xuống … Frederick thấy có một làn gió mát thổi qua người, ông biết đã xảy ra một sai sót nào đó, nhưng ông không biết chính xác đó là gì. Nước biển tràn vào đầy khoang số 1 và khoang số 2, làm mũi tàu Thetis chúi xuống và … chìm nghỉm.

Tín hiệu cấp cứu phát đi. Chiến dịch cứu hộ được triển khai, nhưng tàu cứu hộ gần nhất cũng cách nơi xảy ra tai nạn hàng trăm km. Đồng thời máy bay trinh sát lại báo sai tọa độ Thetis gặp nạn, làm công tác cứu hộ đã muộn lại thêm muộn.

Lượng khí thở trên tàu được tính cho một kíp 53 người, giờ phải chia cho 103 người, gồm thuỷ thủ đoàn 63 người (thêm 10 người), 8 thực tập sinh, 32 kỹ sư và kỹ thuật viên. Nhằm tiết kiệm khí thở, ngoài những người làm nhiệm vụ bơm 60 tấn nước và dầu máy ra khỏi tàu để giúp phần đuôi Thetis nổi lên, tất cả được lệnh nằm im.

13 giờ sau, lượng CO2 đã lên tới ngưỡng nguy hiểm. 17 giờ sau đuôi tàu Thetis đã nổi lên. Thuyền trưởng cùng ba người tình nguyện mạo hiểm mở cửa ngoài của khoang ngư lôi mà họ đoán có thể đã ở lên mặt nước. Cửa mở ra, té ra đuôi tàu còn nằm dưới mặt nước 6 mét. Nhóm tình nguyện thì lên được bề mặt, nhưng cánh cửa khoang ngư lôi bị kẹt không thể đóng lại được nữa. Thetis lại chìm xuống mang theo 99 người còn lại. Hơn 4 tháng sau, xác của họ mới được đưa lên.

Nguyên nhân Thetis bị đắm thật "không giống ai": Vào trước chuyến đi, Thetis được kiểm tra, hiệu chỉnh lần chót, trong đó có việc sơn “dặm” cánh cửa trong của khoang ngư lôi. Sơn xong, thợ sơn đã không đóng nó lại (và thuyền trưởng cũng không kiểm tra), do đó khi cánh cửa ngoài của khoang ngư lôi được mở, nước biển tràn vào khoang này, qua cửa đã "mở sẵn", vào khoang số 1 và khoang số 2, khiến Thetis bị chìm.

Tony Booth, tác giả cuốn “Vụ chìm tàu Thetis – Cái chết mòn mỏi của một chiếc tàu”, cho rằng, khi đó người Anh hoàn toàn có thể dùng máy khoan, khoan xuyên qua lớp vỏ tàu Thetis và luồn ống dẫn khí thở vào trong cho thủy thủ đoàn, sau đó dùng máy cắt để mở cửa cứu người kẹt bên trong. Nhưng “điều này không được thực hiện tới khi mọi vấn đề trở nên tuyệt vọng nhằm đảm bảo (chỉ) cho chiếc tàu ngầm càng bị ít tổn hại càng tốt”.

Bà Joyce Bentley, có anh trai là John Tumer tử nạn trên tàu, nói: “Thật là hổ thẹn khi nguyên nhân thực sự đã bị ỉm đi. Bàn tay của Hải quân đã nhuốm máu”. Barbara Moore, con gái của Arthur Robinson, máy trưởng tàu Thetis, hy vọng những thông tin mới sẽ giúp mở lại hồ sơ điều tra vụ chìm tàu Thetis.

H1: Bên trong một tàu ngầm (để minh họa).
H2: Xác tàu ngầm Kursk (để minh họa).

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Kho báu của cướp biển ở biển Trung Mỹ

(sưu tầm, trích)
                                                                     
Cướp biển William Thompson.

Năm 1820, thành Lima, Peru xảy ra biến cố lớn. Để đảm bảo an toàn, Tổng trấn thành Lima cho chuyển toàn bộ đồ quý của Lima tới Mexico. “Kho báu Lima” gồm nhiều đá quý và đồ trang sức, cùng hai bức tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng bằng vàng, với tổng trị giá khoảng 60 triệu USD, đã được chất lên 11 con thuyền. Thuyền trưởng William Thompson được chỉ huy đoàn thuyền.

Khi đoàn thuyền rời thành Lima không xa, Thompson hiện nguyên hình là cướp biển. Nhóm của y giết các vệ sỹ áp tải hàng rồi cho đoàn thuyền đi về phía đảo Cocos, Ấn Độ Dương. Sau đó Thompson và đồng bọn bị bắt. Tất cả bị treo cổ, trừ Thompson và một người thân cận của y, vì đã đồng ý chỉ đường cho người Tây ban nha tới nơi giấu kho báu. Hai người đã dẫn đường tới đảo Cocos, nhưng … đã trốn mất vào rừng sâu của đảo Cocos. Cả hai tên này cùng kho báu đã vĩnh viễn biến mất.

Cho tới nay, đã có hơn 300 cuộc tìm kiếm “kho báu Lima” nhưng đều thất bại. Nhiều người tin rằng kho báu không dấu trên đảo Cocos mà ở một hòn đảo khác ngoài khơi biển Trung Mỹ.

Cướp biển Râu đen.

Râu đen, một tướng cướp ở khu vực Tây Ấn và bờ biển Đại tây dương phía Bắc Mỹ, với địa bàn hoạt động chính là Bahamas và Bắc Carolina. Vụ án cướp biển Râu đen chấm dứt vào tháng 11/1718 khi y bị Lieutenant Robert Maynard (người Anh) chặt đầu và treo lên boong tàu.

Râu đen chỉ có hai năm (1716-1718) cướp bóc trên vùng biển Caribbe và ven bờ Đại tây dương, nhưng đã tích lũy được một kho báu khổng lồ. Trong khi người Tây ban nha bận rộn vơ vét tài sản của Mexico và Nam Mỹ, thì Râu đen, một kẻ cơ hội, lại kiên nhẫn chờ đợi, cướp những chiếc thuyền chở vàng, bạc trên đường trở về Tây ban nha.

Không ai biết tài sản của Râu đen ở đâu. Cho tới lúc bị giết, y vẫn không khai địa chỉ kho báu. Cho tới tận ngày nay, những cuộc săn tìm kho báu của Râu đen vẫn chưa chấm dứt. Con tàu Queen Anne's Revenge của Râu đen bị chìm đã được tìm thấy gần Beaufort, Bắc Carolina vào năm 1996 nhưng không có kho báu nào trên tàu. Có thể kho báu đã được chôn ở một nơi nào đó trên đảo Caribbe, hay Vịnh Chesapeake (Virginia), hoặc trong các hang động nào đó ở đảo Cayman.

Hình minh họa: Cướp biển William Kidd (1699) dấu vàng trên một hoang đảo nào đó thuộc một vùng biển nào đó.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Bơi lội – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P3)

(Bài của anh misamainguyen) (tiếp theo)

IV. BÍ QUYẾT BƠI SẢI ĐƯỜNG TRƯỜNG

Sau khi đã hiểu và đồng ý loại bỏ những sai lầm trong tư duy kỹ thuật ở trên, tôi sẽ đề xuất với các bạn ba bí quyết mà nếu áp dụng chính xác ba điều này, bạn có thể ngay lập tức tăng quãng đường bơi sải của bạn từ 100 m lên 1.000 m trong vòng 3 buổi tập (tất nhiên, chỉ khi các bạn đã bơi sải được theo cách chính thống từ 50-100 m).

Cách thức tôi đề cập đã được rút ra từ kinh nghiệm của bản thân và được chứng thực bằng quá trình dạy bơi cho nhiều người khác. Điển hình là cậu em trai ruột chỉ trong một buổi được tôi dạy bơi sải, đã bơi được 500 m (trước đó 10 năm tôi đã dạy nó bơi ếch và chưa thử bơi sải bao giờ). 


Cách thức này có thể nhiều bạn đã biết và cũng có thể khá nực cười với những bạn được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Vì thực ra, với nền thể lực tốt và môi trường luyện tập chung tốt, đặc biệt là ở Mỹ, việc bơi sải đường dài không phải là khó, đến mức, đôi khi người bơi không nhận ra đã hoàn thiện quá trình như thế nào. Nhưng với những bạn đã và đang tìm hiểu phương pháp ở Việt nam, cách thức tôi đề cập là rất hiệu quả.

1. BA BÍ QUYẾT TRONG BƠI SẢI ĐƯỜNG TRƯỜNG.

Như đã nói ở trên, điều mà trên cạn chỉ phải nói 10 lần thì dưới nước phải nói 100 lần vẫn chưa đủ. Do đó, người luyện tập nên nhớ kỹ ba điều sau và liên tục tự điều chỉnh trong quá trình luyện tập.

A. Đôi chân thích đập thì đập, không thích đập thì thôi.

Hãy nhớ kỹ điều này. Trong bơi đường trường không phải là thi đấu tốc độ, đôi chân bạn có một chức năng quan trọng nhất đó là giữ thẳng với cơ thể, nếu bạn có sức khỏe, bạn có thể vẫy nhanh một chút, nếu bạn không đủ sức, thì bạn chỉ cần ve vẩy, cũng không sao. Có rất nhiều lý do và lý thuyết xác đáng để bạn phải giữ thẳng chân mà bạn có thể tin cậy khi tìm thấy trong những tài liệu hay bài viết khác. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều, HÃY GIỮ THẲNG CHÂN (bao gồm cả 2 bàn chân).



Hãy tưởng tượng khi bơi, bạn là con thuyền độc mộc, đôi tay bạn (suốt từ cùi chỏ tới đầu ngón tay) là mái chèo, vì con thuyền độc mộc là thẳng, nên bạn chèo rất nhẹ thì nó cũng lướt êm ru trên mặt nước. Ngược lại nếu là con thuyền thúng câu mực ở Hạ Long, dù bạn có là vô địch Olympic về chèo thuyền cũng bó tay mà thôi. Do đó, hãy giữ thẳng chân, đập khi nào bạn muốn, ngay khi mỏi hay mệt thì hãy đập thật chậm lại, chỉ cần ve vẩy cũng được, mà không đập cũng chả sao. Đến đây có thể nhiều bạn thấy nực cười và coi rằng vô lý. Nhưng dù rằng qua internet tôi cũng có một cách chứng minh: nếu không tin, bạn hãy ôm thử 1 cái phao để thở được trên mặt nước, và chỉ đập chân để đi hết 100 m chiều dài bể bơi, đảm bảo bạn sẽ không cười nổi nữa, và bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, đập chân sải không có nhiều tác dụng khi bơi đường dài.

Hãy đập chân nhẹ thôi, và dừng đập bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt. Nhưng hãy nhớ luôn giữ thẳng đôi chân - vì cơ thể bạn là một chiếc thuyền độc mộc, mà thuyền độc mộc thì luôn thẳng, không cong bao giờ. MỘT MÁCH NƯỚC CHO BẠN: Để giữ được thẳng chân, hãy luôn cố gắng để hai đầu gối chạm nhau khi vẫy. Mỗi khi hai đầu gối không tìm thấy nhau nghĩa là chân bạn đã vô thức mà xoắn quẩy vào rồi
;). Nhớ đấy.


Tôi cũng xin nhắc nhớ trong trường hợp các bạn quên: Đừng đập chân như đuôi cá, vẫy chân chỉ bằng mũi - cái đó là dành cho Phelp, cho Ian... hãy thẳng đầu gối ra mà đập cả cẳng chân chứ đừng cong đầu gối nhé - biên độ chỉ (tối đa) 40 cm 
là đủ. 


B. Khi mệt nghĩa là bạn đang thiếu oxy.


Đôi khi bạn thấy chân tay rã rời, mặc dù không mỏi. Đừng nghĩ bạn đang đuối sức, chỉ là bạn thiếu oxy mà thôi. Cách thức hiệu quả nhất là : Bơi chậm lại hết mức có thể, mỗi khi lấy hơi bạn cố hớp nhanh thật nhiều không khí, khi úp mặt xuống thì thở ra bằng mũi cho hết sạch phổi. Đừng dừng lại, chỉ cần 10 hơi như vậy bạn sẽ thấy bình thường trở lại và lại tiếp tục sải từng bước chậm rãi, nhịp nhàng. Hãy nhớ kỹ điều này: Hít nhiều hơi nhất mỗi khi thấy mệt, và tự nhủ với mình "ngay lập tức nó sẽ qua nhanh thôi".


Mách nước nhỏ về việc lấy hơi: Cũng như chạy bộ, mỗi người, tùy theo được huấn luyện, sẽ có cách thở của riêng mình. Các HLV thường khuyên học viên nên sau 3 nhịp sải lấy hơi 1 lần, như vậy các bạn có thể lấy hơi đều cả hai bên trái, phải. Nhưng tôi nghĩ, lấy hơi chỉ một bên sau 2 nhịp sải sẽ tốt hơn, vì như thế bạn sẽ không bao giờ thiếu oxy và sẽ không bao giờ thấy mệt. Đây cũng là cách lấy hơi của Phelp, lên youtube mà xem.

:)
Cái bạn cần là bơi dài, không mệt, bạn cần đủ oxy, nên ngay từ đầu, bạn thử tạm quên các HLV đi, vì dù sao họ cũng là dân chuyên nghiệp, và lúc đó, hình như họ không chỉ cho bạn cách bơi đường dài. (còn nữa).


H: Hãy làm mọi cách để tối thiểu hóa diện tích mặt cắt của cơ thể (theo hướng dòng chảy) bởi các cử động tối ưu ; và giảm thiểu dòng xoáy quẩn ở phía sau bạn bằng kỹ thuật khoan xoáy.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Ván diều

(Lời bàn của một huấn luyện viên môn ván diều, trích)

Mũi né, Phan thiết, là nơi chơi ván diều (Kitesurfing, Kiteboarding) từ tháng 10 đến cuối tháng 3. Buổi chiều ra bãi biển là có cả trăm cao thủ từ nhiều nơi trên thế giới đến thi thố. Việt nam ta có mấy Beach boys chơi rất cừ. Nếu các bác muốn chơi môn này thì phải mướn thầy chuyên nghiệp dạy về cách chơi an toàn, để tránh những trường hợp đáng tiếc. Sợ nhất là bị gió giông, gió giựt. Cách đây không lâu, ở Vũng tàu, một anh cỡ 50 tuổi nhưng rất “máu”, chơi ngày gần 8 tiếng luôn. Chiều hôm đó, trời chuyển giông nhưng anh ấy còn ráng chơi, chưa chịu xếp diều, thì bị gió thổi ra khơi. Thời điểm đó anh ấy chơi chưa giỏi lắm, cho nên bị dây diều quấn mà không thoát ra được. Bà xã lo quýnh, tính mướn trực thăng đi tìm nhưng thấy “kêu giá” gần 4.000 đô nên “nín” luôn. Cũng may sao anh ấy cầm cự và bơi được vào bờ. Lúc này là 4 giờ sáng. Chuyện này coi như huyền thoại ở Vũng tàu, dạng Urban Legend:4.

Nếu có đủ người (nhóm chơi), em đề nghị làm một chuyến ra Mũi né, book một Beach boy để nó hướng dẫn. Thằng này có 6–7 năm kinh nghiệm, nên bảo đảm. Mướn mấy Beach boy người Việt cho nó rẻ, chứ mướn “thầy tây” thì khá đắt, mà chất lượng cũng không hơn gì. Học khoảng chừng 10 giờ là tạm đủ (dĩ nhiên còn tùy vào sự cảm nhận của mỗi người), sau đó mình tự tập luyện với nhau là OK rồi. Tập luyện thì Mũi né là number one. Nếu ngại đi xa thì ra Vũng tàu, nhưng không bằng Mũi né, vì bãi biển không rộng và dài như Mũi né, người thì đông, và nhất là gió thì thua xa Mũi né. 

Chơi môn này phải cần gió tốt. Gió tốt nhất là gió thổi dọc theo bờ biển gọi là Cross Shore, kế đến là gió thổi vào bờ nhưng xéo khoảng 45 độ gọi là On Shore. Bãi sau Vũng tàu chỉ toàn On Shore. Gió xấu nhất là gió thổi thẳng vào bờ theo góc 90 độ, vì nó sẽ đưa ta vào bờ mà không ra biển được. Gió thổi từ trong bờ ra ngoài khơi rất nguy hiểm, vì gió sẽ đưa ta ra khơi mà không vô bờ được. Khi đã chơi giỏi thì biển Vũng tàu cũng OK không thua gì Mũi né. Vì lúc giỏi tức là lúc đã dám cởi (chế ngự, thoát li) Board (tấm ván) được và như vậy là có thể ra xa bờ mà tha hồ bay lượn (vút lên không và lượn trên bề mặt nước).

Em nói trước, chơi môn này ghiền lắm nhưng nhan sắc cũng mau xuống cấp vì đen thui. Bù lại sức khỏe sẽ tốt hơn. Nhưng cái ghiền nhất là Life style (
phong cách sống). Carefree. Stressfree. Không gì thú vị hơn là được vu vi trên ván, hay bay bổng theo diều, sau đó ngồi bên dĩa mực nướng, vài lon bia ướp lạnh, gió thổi nhè nhẹ trên má và ngắm nhìn mặt trời chầm chậm biến mất ở xa xa. Thích hợp với phong cách của các CVers lắm lắm.

H2: Anh dân chài này chẳng cần biết tới surf hay board nhưng vẫn nhẹ nhàng lướt đi trên mặt biển không thua kém "ai" (vui một chút).