Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Học chụp hình dưới nước. (tiếp theo)

Bài 4: Chụp với chế độ tự động (Auto Mode) 

 Nếu như bạn làm biếng và không muốn học cách chụp hình với chế độ thiết lập bằng tay thì hãy cứ chụp bằng chế độ tự động – luôn được hiển thị bằng Auto hoặc “P” (Program) trên nút xoay chế độ. Chú ý: Nếu trên nút xoay chế độ có chỉ thị “A” thì đây không phải là chỉ thị của chế độ Auto! Chế độ tự động Auto là chế độ chụp hình dễ dàng nhất vì máy hình sẽ tự chọn thiết lập và quản lý độ nhậy sáng cho bạn. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là ngắm và bắn.

 Chế độ tự động Xanh (Auto Mode Blues) 
Vấn đề nảy sinh khi ta để cho camera tự chọn độ phơi sáng (exposure) chính là nó không được thiết kế để chụp hình dưới nước. Như ta đã thấy, ánh sáng thể hiện mình trong môi trường nước một cách khác biệt so với trên cạn, hấp thụ các màu ấm như đỏ, cam và vàng một cách khá nhanh chóng khi ta lặn xuống. Mắt bạn có thể tự điều chỉnh tới một mức độ nào đó, bạn có thế nhìn thấy bóng của sắc đỏ và vàng, tuy nhiên camera thì không, nó không thể ghi nhận được những màu như vậy. Có một số giải pháp đơn giản có thể giúp giải quyết việc khôi phục màu cho bạn, tuy nhiên nếu lựa chọn của bạn là không sử dụng chúng thì cần lưu ý: Ngoại trừ ở vùng nước rất nông vào những này nắng to, các tấm hình bạn chụp được sẽ chỉ có một màu xanh đơn thuần.

 Những tấm hình chụp bằng chế độ tự động và không có đèn chớp sẽ có màu rất xanh. 

 “Tôi có thể sử dụng đèn chớp bên trong máy ảnh?”
Ánh sáng nhân tạo là tốt nhất để chụp được những tấm hình có màu sắc rực rỡ dưới nước. Tuy nhiên, sử dụng đèn chớp bên trong của camera là không thích hợp để chụp hình dưới nước, lý do là vị trí của nó quá gần ống kính sẽ tạo ra backscatter (hình thành đám bụi li ti do sánh sáng phản chiếu các thành phần nhỏ trong nước) Đèn flash bên trong của camera cũng khá yếu để có thể sử dụng dưới nước. Vậy nên lý tưởng nhất là bạn sắm một đèn chớp gắn ngoài.
 Mua đèn flash ngoài là một sự đầu tư có tác dụng ngay lập tức và tăng cường đáng kể chất lượng ảnh chụp của bạn, thậm chí còn cải thiện nhiếu hơn cả việc nâng cấp lên camera tiên tiến hơn. Ta sẽ xem xét kỹ hơn vấn để đèn chớp ở bài “Hướng dẫn về chiếu sáng”
 Nếu là người mới bắt đầu, có thể bạn chưa quan tâm đến việc chi thêm tiến cho đèn flash gắn ngoài. Ngay cả máy camera đơn giản nhất cũng được trang bị đèn flash bên trong và bất kỳ vỏ máy chông nước nào cho máy point & shoot cũng cho phép dùng flash trong. Điều này giúp ích khi chụp macro các đối tượng nhỏ sẽ cho màu sắc thật, tuy nhiên đèn flash trong rất hạn chế khi chụp hình dưới nước. Lời khuyên của chúng tôi tất nhiên là – để loại trừ sắc xanh bạn nên mua ít nhất một đèn flash (strobe) nếu bạn thực sự muốn học chụp hình dưới nước..

 Chụp không đèn chớp 
Trong những điều kiện phù hợp, bạn sẽ có thể tạo được các bức hình dưới nước rất đẹp mà hoàn toàn không cần dùng đèn chớp, chỉ dựa trên điều kiện ánh sáng tự nhiên. Cần nhớ các điều kiện sau:

  •  Ở vị trí nông. 
  •  Chụp vào giũa trưa (giữa 10am-2pm) khi ánh mặt trời ở trên cao và có tối đa lượng ánh sáng xuyên xuống đáy nước. 
  •   Hướng chụp sao cho mặt trời chiếu từ phía sau bạn, giống như khi ở trên măt đất ( bạn cũng sẽ thấy điều này đôi khi cũng không phải luôn đúng khi ở dưới nước) 


 Sau đây là một vài thủ thuật giúp bạn tạo các bức hình được chiếu sáng tốt.

 Sử dụng kính lọc 
Kính lọc cũng là một lựa chọn khi chụp hình không có đèn flash. Kính lọc là các tấm kính màu gắn trước ống kính camera để giúp điều chỉnh sự mất màu. Có các loại kính lọc màu được thiết kế chuyên để dùng dưới nước và có thề coi là giải pháp đơn giản để có được màu sắc tốt cho hình ảnh.

 Thử sử dụng chế độ chụp dưới nước 
Có nhiếu máy chụp hình compact nay được trang bị chế độ “Underwater Mode” Chế độ này sẽ thay đổi cân bằng trắng của camera nhằm bù trử sự mất màu ở dưới sâu mà không cần có thêm nguồi sáng nhân tạo.

Chế độ Underwater mode hoạt động khác nhau trong các model máy khác nhau và nói chung đều đang được cải tiến. Báo cáo cho thấy, mức độ hiệu quả của các chế dộ chụp dưới nước có thể từ khá đến xuất sắc, tùy theo model máy camera. Phần lớn trong số chúng, làm việc tốt nhất ở độ sâu tới khoảng 8m, nơi mà còn khá nhiều ánh sáng mặt trời còn rọi tới được. Trong một số camera, chế độ chụp dưới nước thậm chí còn tự điều chỉnh được tùy theo độ sâu và mức độ được chiếu sáng. Ví dụ, Sẽ có các điều chỉnh khác nhau tại độ sâu 8m so với tại độ sau 3m do có sự khác nhau về lượng ánh sáng được chiếu tới tại các độ sâu này.

Cân bằng trắng bằng tay
Nếu camera của bạn có chế độ cân bằng trắng bằng tay (Manual White Balance) và bạn cũng có ý định học cách sử dụng chúng thì lời khuyên của chúng tôi là hãy chụp hình bằng ánh sáng tự nhiên với thiết lập cân bằng trắng tùy biến vào bất cứ khi nào có thể được.
 Thiết lập tùy biến cân bằng trắng thực ra rất dễ dàng. Việc này sẽ tạo được tối đa lượng màu sắc có thể chộp được tại một độ sâu cụ thể bất kỳ / điều kiện chiếu sáng bằng cách hiệu chỉnh lại màu sắc theo màu trắng cho ánh sáng tại độ sâu đó. Về căn bản, bạn chỉ cho camera biết độ trắng thế nào ( xét theo khía cạnh kỹ thuật, camera đọc màu trắng và điều chỉnh lại mức độ màu xám) Để thiết lập được tùy biến cân bằng trắng, bạn cần mang theo bảng trắng khi ở dưới nước. Trong trường hợp cần thiết, bạn cũng có thể tận dụng mảng cát trắng hay thậm chí là lòng bàn tay.

 Cách làm như sau.
 Chọn tùy biến cân bằng trắng (white balance) trong menu, lấy toàn bộ bảng trắng váo khung hình và nhấn nút chụp. Bạn sẽ nhận được thông báo “OK, “success” hoặc “WB set” Vậy là bạn đã thiết lập được cân bằng trắng cho một độ sâu và điếu kiện chiếu sáng cụ thề. Bạn sẽ cần phài thiết lập lại (reset) cân bằng trắng tại mỗi độ sâu vài mét hoặc mỗi khi điều kiện chiếu sáng thay đổi. Hãy nhớ là bạn vẫn sẽ không thể khôi phục được tất cả các màu tại bất kỳ độ sâu tương đối lớn nào nếu thiếu đèn chớp.

 Chọn điểm xuất phát – Macro là một ý hay.
 Trong khi bạn có thể có nhu cầu bắt đầu chộp bất kỳ thứ gì mình thấy ờ dải đá ngầm thì để học chụp hình, bạn sẽ cần phải chọn một xuất phát điểm. Rút cục thì chụp macro dễ dàng hơn so với chụp góc rộng, vậy nên đây chính là chỗ để bạn tập trung năng lực của mình.
 Bước đầu tiên để đưa camera vào chế độ macro (nếu là chụp với máy P&S – còn máy SLR cần phải có ống kính chụp macro) Hãy tìm biểu tượng bông hoa – chỉ thị của chế độ macro. Chế độ này cho phép bạn lấy nét đối tượng gần hơn so với chế độ thông thường. Bạn có thể phát hiện ra là nó lấy nét lâu hơn, do đó tốt nhất là nhắm những đồi tượng tương đối tĩnh. Tuy nhiên, khả năng lấy nét gần hơn sẽ cho phép bạn tối thiểu được lượng nước giửa đối tượng và camera của bạn và cho phép bạn chộp các đối tượng nhỏ, mà nếu chộp bằng cách thông thường sẽ trở thành các đốm nhỏ trong khung hình.
 Chế độ Macro cũng là một khu vực mà ở đó đèn flash bên trong cũng có thể giúp ích trong một vài trường hợp. Với các đối tượng nhỏ, nếu có thể chiếu sáng toàn bộ khung hình thì màu sắc sẽ được tái tạo vào hình. Tuy nhiên, nếu nước không được trong, bạn sẽ để ý thấy backscatter trong các tấm hình. Hãy xem trong hướng dẫn sử dụng để biết cách tắt mở đèn flash.
 Để có thể lấp đầy khung hình càng nhiều càng tốt, bạn hãy cố gắng sử dụng zoom quang học của máy. Càng phóng đại (zoom in) đối tượng càng lấp đầy khung hình hơn, khiến đối tượng nom lớn hơn. Càng phóng to (zoom in), tuy nhiên lại càng khó lấy nét. Bạn nhớ chắc chắn việc nhấn nửa chừng nút chụp cho tới khi lấy nét xong trong chế độ telephoto. Đừng sử dụng chế độ zoom như một cách thay thế cho việc đưa máy lại gần hơn. Đây là một lỗi khá phổ biến. Hãy nhớ - gần hơn thì tốt hơn! Sử dụng chế độ zoom số là không nên bởi bạn sẽ làm mất chất lượng hình ảnh.

 Chụp macro các đồi tượng di chuyển chậm là những nơi tốt nhất để bạn khởi sự chụp hình dưới nước. 

 Phần tiếp sau: Kiểm soát ảnh của bạn bằng chế độ thiết lập tay.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Công việc của thợ lặn Thủy điện Hòa Bình - hai trong một

(bài trên Trang tin điện tử ngành điện – trích)

Công việc của thợ lặn Thủy điện Hòa Bình là theo dõi hoạt động của máy móc dưới nước và kiểm tra biến động của địa hình lòng hồ.

Vào một chiều tháng 5/2004, sau gần 20 năm hoạt động, một trong tám tổ máy bị tê liệt. Theo chuyên gia, khó có vật thể lạ nào có thể lọt qua được các khung cửa lưới thép. Thật không may, thiết bị của đội thợ lặn đang trong quá trình bảo dưỡng, thay thế. Nhà máy phải nhờ đội thợ lặn của cảng Hải Phòng.

Thợ lặn cảng Hải phòng lặn xuống và tìm đến cửa lấy nước của tổ máy, chuẩn bị bật camera ghi hình, thì một thợ lặn phát tín hiệu cấp cứu: Nước tràn vào mũ lặn. Đội cấp cứu lập tức kéo anh lên bờ. Nước ục vào mũ lặn là một sự cố đáng sợ của thợ lặn. Không chỉ bị ngạt thở, sự cố này có thể làm thợ lặn hộc máu do áp lực của nước. Thấy công việc hoàn toàn không hợp với sở trường của mình nên họ đã rút lui (suy đoán của người viết bài-NST).

Thợ lặn của Nhà máy đành phải vào cuộc. Họ mượn thêm được một số thiết bị lặn … Họ lặn xuống, quay camera. Lòng hồ tối đen, đèn pha chỉ đủ sáng để camera hoạt động cận cảnh. Họ phát hiện ra tầng lưới thép kiên cố dùng để chắn rác trước tổ máy đã bị phá thành một lỗ hổng lớn. Một gốc cây rừng khổng lồ đã chui qua lỗ hổng đó và lọt vào lòng tổ máy. Xem phim, các chuyên gia không tin nổi: Một trong 11 tầng lưới thép cao 33m, nặng 110 tấn, với mỗi thanh thép có đường kính 100 li, lại bị hổng. Nhiều giả thiết được đặt ra, không loại trừ có kẻ phá hoại.

Thợ lặn được yêu cầu xuống lòng hồ lần nữa. Cuối cùng, tất cả đã khẳng định do lũ gây ra. Những cơn mưa lũ triền miên đã kéo theo một khối lượng củi gỗ khổng lồ cùng với rác, tạo thành một bức tường bít chặt lưới thép và ngăn không cho nước đổ vào tổ máy. Bên trong, máy vẫn hoạt động khô nước, tạo nên hiện tượng “thủy kích” phá bung tấm lưới thép chắn, để rồi, có một gốc cây đã lọt được vào tổ máy ...

Hình minh họa: Một thợ hàn dưới nước.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Quần đảo Hải tặc ở Hà tiên

Quần đảo Hải tặc gồm 16 hòn đảo nhỏ trải trên vùng biển 5 x 7 km, là Hòn Đốc, Hòn Tre, Hòn Đước, Hòn Giang, Hòn Đồi mồi, Hòn Ụ … thuộc xã đảo Tiên hải, thị xã Hà tiên, tỉnh Kiên giang. Phía đông là đảo Phú Quốc, phía tây bắc là quần đảo Bà Lụa. Cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý, cách đất liền 7 hải lý, cách Phú Quốc 16 hải lý.

Mấy trăm năm trước, quần đảo Hải tặc từng là hang ổ của những tên cướp biển khét tiếng. Có thể do địa hình đảo Hòn Tre hiểm trở, lại nằm trên vùng biên hải sát với Campuchia và là nơi nhiều tàu thuyền qua lại, nên được hải tặc chọn làm căn cứ. Đầu năm 2009, một nhóm ngư dân lặn tìm hải sản vô tình bắt gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ.

Theo nhà sử học Trương Minh Đạt, nạn cướp biển ít nhất đã có từ thế kỷ 17, thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai quản đất Hà Tiên. Cái tên “đảo Hải tặc” xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp quy mô lớn. Quần đảo Hải tặc nằm trên tuyến đường thông thương nên đã được chúng chọn làm hang ổ để phục kích đánh cướp tàu thuyền qua lại. Khi đó, Hà tiên là một thương cảng sầm uất, nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến giao thương. Thời điểm hải tặc lộng hành nhất là sau khi Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Chúng cướp táo tợn, ngang nhiên rượt đuổi các tàu buôn giữa ban ngày. Một thời gian dài, vùng biển Tây qua khu vực này đến vịnh Thái lan hầu như do hải tặc quản lý vì bộ máy chính quyền đã tê liệt.

Vào những năm 1950, người ta bắt đầu tới sinh sống ở vùng đảo này. Lúc đó vùng này rất hoang vu, là điểm đến của dân nghèo tứ xứ tới khai hoang, lập nghiệp. Gần đây quần đảo đã có 406 hộ tới đây lập nghiệp, với 1.756 nhân khẩu. Trung tâm xã đảo là Hòn Tre với 250 hộ.

Hồ sơ của Công an Kiên giang về vụ chiều tháng 3/1983: “quần chúng ở xã Tiên hải huyện Kiên hải dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo, một người Anh (Richard Charles Knight), một người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bobo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống dòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác”. Họ khai rằng họ có bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu ở đây.

Dưới con mắt của thợ lặn, đáy biển khu vực đảo Hải tặc có nhiều vết tích của những trận hải chiến và nếu ngành du lịch biết khai thác sẽ rất thú vị.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Off-line Nha Trang

Chỉ còn ít thời gian nữa là tới mùa lễ, năm mới sắp tới. Các cơn bão cũng có vẻ đang bớt dần...Nhóm bạn Blog Lanbien-Scuba có ý tưởng tổ chức một chuyến off-line lại Nha Trang -
    Trước mắt có Chí Quang, Coral, Computerboy, bé Q Anh và AMk3 muốn tham gia chuyến lặn này. Thời gian dự kiến là cuối tuần cuối cùng của tháng 11 (26-27/11), mọi người đều đang đi làm nên sẽ cố gắng tổ chức vào cuối tuần. Tối thứ 6 lên xe lửa ra Nha Trang, ngày thứ 7 và CN sẽ đi lặn cùng Rainbow Divers và tối CN lên tàu trở về HCM để sáng thứ hai có mặt lại tại nơi làm việc. Cũng dự kiến là sẽ sử dụng dịch vụ Cruiser boat Options để có thể lặn ở một số điểm theo lựa chọn của nhóm. Khi đã có người hưởng ứng, chúng ta sẽ chi tiết hóa dần chuyến đi.
Ý tưởng là như vậy, mọi người có ý kiến gì thì gửi vào phần Nhận xét nhé. 

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Vào một ngày đẹp trời, lặn hang động trở nên dễ dàng

(bài trên Scubadiving.com – trích)

Đó là một ngày đẹp trời khi Jesse và Jim tới điểm lặn quen thuộc: Một rạn san hô lớn với những sinh vật biển rất đa dạng. Jesse và Jim lặn men theo rạn san hô (cuộc lặn không có hướng dẫn viên). 20 phút sau, khi bình khí hết một phần ba, hai người quay trở về và làm một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng cho tới lúc gặp dây neo tàu. Họ xem computer lặn: Chỉ số trong vùng xanh, rất tốt. Một chuyến lặn hoàn hảo.

Họ bắt đầu nổi lên. Tranh thủ lúc đi lên, Jesse “chọc phá” những sinh vật biển mà anh bắt gặp, và vì thế, đi lên hơi nhanh. Jim ra hiệu “chậm lại” nhưng Jesse đang mải “truy kích” một con cá nhồng nhỏ nên không lưu ý. Jesse cũng không để ý tới đáy chiếc tàu lặn: Đầu anh đâm vào đáy tàu và một đám mây máu bao phủ lấy anh. Jim bơi đến, anh nhận thấy Jesse vẫn thở. BCD(*) của Jesse, do vẫn còn khí nên đã làm kẻ bị thương bị kẹt bên dưới đáy tàu. Jim xả khí trong BCD cho Jesse và giúp anh ta nổi lên. Lập tức Divemaster(*) nhảy xuống hỗ trợ.

Divemaster lo rằng nạn nhân sẽ bị dừng hô hấp hoặc có thể bị DCS(*), bởi Jesse nổi lên quá nhanh cùng với bị chấn thương đầu. Họ cho Jesse thở oxy rồi cấp tốc chuyển tới cơ sở y tế gần nhất, và anh đã qua khỏi.

Thợ lặn nói:
-Tai nạn này hiển nhiên từ ba lỗi. Trước tiên, khi đi lên, Jesse đã không dơ tay lên trời và nhìn lên. Thứ hai, anh đã không kiểm soát tốc độ đi lên của mình. Cuối cùng, anh đã không xả khí (Deflate) trong BCD lúc đi lên.
-Thợ lặn hang động chuyên nghiệp có câu nói: “Vào một ngày đẹp trời, lặn hang động trở nên dễ dàng”, nghĩa là khi mọi thứ đã hoàn hảo, bạn cho rằng các quy tắc an toàn sẽ không còn ý nghĩa, thậm chí vào lúc đang lặn trong một môi trường nguy hiểm như hang động. Jesse đã thực hiện một chuyến lặn rất tốt nên anh đã bỏ qua kỹ thuật an toàn.

Cơ quan chức năng nói: Các quy tắc an toàn lặn có vẻ vô lý khi lặn trong điều kiện hoàn hảo, nhưng các quy tắc vẫn tồn tại bởi chúng có lý do để tồn tại.

(*) xin xem trong "tự điển lanbien" ở bên phải màn hình.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Biển Sargasso trên Đại tây dương: biển quỷ, biển trong biển

(sưu tầm trên mạng)

“Biển” thường được hiểu là một vùng nước ở rìa đại dương và có không dưới một mặt tiếp giáp với lục địa, nhưng biển Sargasso ở Bắc Đại Tây Dương lại là “biển giữa đại dương”, cách Bắc Mỹ cả một vùng biển rộng, ba mặt kia cũng mênh mông mặt nước. Nó là biển duy nhất trên thế giới không có bờ, do đó cũng không có đường ranh giới rõ rệt.

Biển Sargasso ở khoảng 20-35o vĩ Bắc, 30-75o kinh Tây. Diện tích khoảng vài triệu km2. Nó được tạo thành bởi sự quây bọc của ba dòng hải lưu lớn, gồm hải lưu nóng Mexico, hải lưu nóng Bắc xích đạo và hải lưu lạnh Canari.

Trên mặt biển Sargasso phủ đầy loại tảo không có rễ màu lục, đó là tảo đuôi ngựa (Sargasso), trông giống như một cánh đồng xanh mướt, trải dài típ tắp.
Biển Sargasso là một vùng không có gió. Thuyền buồm lọt vào vùng biển này đành chịu chết, do đó người ta còn gọi là “Biển quỷ”. Ngày 3/8/1492, Colombo đã vào vùng biển này và phải mất ba tuần lễ mới thoát ra được.

Biển Sargasso cách rất xa các cửa sông nên ít phù du sinh vật, nước biển trong suốt, có thể nhìn sâu tới 66,5m, có nơi tới 72m (?), do đó biển Sargasso cũng là biển trong nhất thế giới.

Ở đây có một số loài cá đặc biệt như cá bay, cá cờ, cá ngựa, cá Sargasso, chủ yếu lấy tảo đuôi ngựa làm thức ăn. Chúng rất tài ngụy trang, đổi màu giống hệt rong biển. Kỳ lạ nhất là cá Sargasso: màu cá giống hệt tảo đuôi ngựa, mắt của nó cũng có thể đổi màu. Khi gặp kẻ thù, nó có thể uống rất nhiều nước biển làm cho thân thể mình phồng to lên khiến cho kẻ thù lo ngại.
H: Điều kì thú trên biển (không liên quan bài viết), trong hình: bình minh trên biển Bồ đào nha.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Kí hiệu trên bình lặn và sức nổi của chúng

Trên chai chứa khí nén (Air Cylinder, xin không đọc là Air Tank – tuy có nhiều thợ lặn gọi như thế) của thợ lặn có 3 hàng chữ số (ví dụ một chai của Anh quốc) như sau:
M25 x 2 _ UK _ Luxfer _ P3173V/Luxfer 1234A _ AA6061 T6
11.6mm _ 9.8kg _ 7L _ PW232 BAR _ PT348 BAR
PS287 BAR AT 60 C _ CE 0038 _ 2002 / 2

Các chữ số này được hiểu như thế nào ?

M25 x 2 – Hệ ren, bước ren, và cỡ lỗ trên đỉnh chai.
UK – Nước chế tạo (Anh quốc).
Luxfer – Tên nhà chế tạo (hãng Luxfer).
P3173V/Luxfer 1234A – Mã hiệu loại chai và số serial chai (theo quy chuẩn của Luxfer)
AA6061 T6 – Mã hiệu vật liệu chế tạo chai.
11.6mm – Độ dày thành chai.
9.8kg – Trọng lượng chai rỗng (trên bờ).
7L – Dung tích chai (lít)
PW232 BAR – Áp suất làm việc (áp suất tối đa cho phép sử dụng).
PT348 BAR – Áp suất thử nghiệm cho phép (khả năng chịu quá áp của chai – chỉ dành cho cơ quan Kiểm định).
PS287 BAR AT 60 C – Áp suất ngưỡng an toàn cho phép (dùng để đặt chế độ tự động xả của van an toàn).
CE 0038 – phù hợp với Tiêu chuẩn châu Âu 97/23/EC.
2002/2 – “Năm/tháng (hoặc quý)” của lần thử nghiệm (Kiểm định kĩ thuật) đầu tiên. Với các lần thử nghiệm tiếp theo (Kiểm định theo định kì) được hiển thị trong vòng tròn đóng vào chai.

Sức nổi của Air Cylinder trong nước lúc rỗng và lúc nạp đầy khí
Quy chuẩn: 1 lít không khí nặng 1.25g tính tại nhiệt độ 10oC.
Thuật ngữ: “Thể tích” là thể tích hình học của chai,
“Dung tích” là thể tích của một lượng không khí sẽ nén vào chai mà chai có thể chứa được.

Chai “nhôm AL 80”:
-thể tích chai 11 lít, áp suất làm việc 203 bar, dung tích 2.247 lít, trọng lượng khí (khi nạp đầy) 2,8 kg,
-trọng lượng (trên bờ) chai rỗng 14,4 kg và chai đầy 17,2 kg.
-Sức nổi chai rỗng +1,8 kg,
-Sức nổi chai đầy -1,1 kg.

Chai “nhôm AL100”:
-thể tích chai 13 lít, áp suất làm việc 203 bar, dung tích 2.584 lít, trọng lượng khí (khi nạp đầy) 3,2 kg,
-trọng lượng (trên bờ) chai rỗng 17,1 kg và chai đầy 20,3 kg.
-Sức nổi chai rỗng +1,4 kg
-Sức nổi chai đầy -1,7 kg.

Chai “thép 12 lít”:
-thể tích chai 12 lít, áp suất làm việc 200 bar, dung tích 2.400 lít, trọng lượng khí (khi nạp đầy) 3,0 kg,
-trọng lượng (trên bờ) chai rỗng 16,0 kg và chai đầy 19,0 kg.
-Sức nổi chai rỗng -1,2 kg,
-Sức nổi chai đầy -4,3 kg.

Chai “thép 15 lít”:
-thể tích chai 15 lít, áp suất làm việc 200 bar, dung tích 3.000 lít, trọng lượng khí (khi nạp đầy) 3,8 kg,
-trọng lượng (trên bờ) chai rỗng 20,0 kg và chai đầy 23,8 kg.
-Sức nổi chai rỗng -1,4 kg
-Sức nổi chai đầy -5,2 kg.