Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Chia sẻ kinh nghiệm bơi sải (trườn sấp, krun, tự do) - P3

(bài của Sherlock Lam, trích).

Qua clip đi kèm, tác giả phân tích:

Kĩ thuật quạt tay: bao gồm hình dáng cánh tay quạt dưới nước và đặc biệt, khi kéo tay về phía sau, các bạn hãy kéo hết ra sau (đụng đùi) rồi mới recover lại để phát huy tối đa lực và tránh mỏi.

Khi bơi sải, mỗi lần duỗi, bạn rướn tay về phía trước, nhớ lắc (xoay) người quanh trục cơ thể về phía tay đó để có cảm giác như thân người là một viên đạn đang xoáy vào lòng nước chứ không phải như một tấm ván nằm ngang xè. Điều này giúp tăng tốc và giảm lực cản rất nhiều trong bơi sải, bạn sẽ thấy mình lướt đi rất nhanh và mạnh.

Khi quạt tay, bạn cố gắng giữ cho vị trí cùi chỏ cao so với mặt nước khi co tay quạt để tránh mất sức và tránh cho phần thân trước bị chìm sâu dưới nước. Ngoài ra khi bắt đầu đè nước, bạn nên hơi co cổ tay một chút thì sẽ dễ dàng "bắt nước" hơn là để cổ tay thẳng đuột.

Khi kéo tay ra phía sau, bạn phải kéo cho hết, đến khi chạm đùi thì mới đưa lên khỏi mặt nước để phát huy hết lực và cho cơ thể thời gian lướt đi trong nước. Tránh trường hợp kéo tay nữa chừng đã đưa lên khỏi mặt nước. Đây là lỗi rất rất thường gặp trong bơi sải. Đừng quạt tay liên tục như mái chèo.

Nếu mới học bơi sải, bạn sẽ gặp chút khó khăn trong việc thực hiện các động tác trên. Tuy nhiên, hãy cố gắng hoàn thiện nó và bạn sẽ cảm nhận được sự sức mạnh và hiệu quả của bài tập.

Bạn có thể sử dụng kèm với phao kẹp chân hoặc chân vịt để hỗ trợ cho phần thân sau dễ dàng nổi và tập trung vào quạt tay. Còn nếu bạn đã hoàn thiện được kĩ thuật đập chân sải thì có thể vừa đạp chân vừa quạt tay luôn cũng được. Để giữ hơi dài dưới nước, bạn có thể dùng ống thở. (hết)

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Chia sẻ kinh nghiệm bơi sải (trườn sấp, krun, tự do) - P2

(bài của Sherlock Lam, trích)

3. Thở.

Lúc ngoi đầu lên thở, bạn chú ý hít nhiều không khí bằng miệng và khi chìm trong nước thì thở mạnh ra bằng mũi, nếu các bạn không thở ra thì lúc ngoi đầu lên lại mất một nhịp để thở ra rồi mới hít vào, khiến cho không khí không hít đủ.
Điều lưu ý là khi thở dưới nước các bạn nên thở bằng mũi thay vì bằng miệng, như thế sẽ không bị sặc nước và khi ngoi lên thở thì phải hít bằng miệng thì mới được nhiều dưỡng khí. Tóm lại cứ nhớ là thở bằng mũi dưới nước, hít bằng miệng khi ngoi đầu.

4. Ngoi đầu.

Đa số người thuận tay phải thì ngoi đầu bên phải (như một phản xạ tự nhiên), khi tay trái chìm dưới nước thì nghiêng người sang phải khoảng một góc 45 độ (hoặc lớn hơn) so với mặt nước, chú ý là bạn nghiêng cả người và đầu nhé, nó sẽ giúp cơ thể đồng nhất giúp hạn chế lực cản nước, đừng nghiêng mỗi đầu vì như thế sẽ góp phần cản nước.

5. Đạp chân.

Hai chân đạp lên xuống, đè vào nước. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bơi để rèn luyện sức khỏe thì các bạn không nên đạp quá mạnh và quá nhiều, sẽ khiến người mau mệt và dễ bị chuột rút, nên đạp vừa phải đủ để cơ thể bơi đi không quá chậm mà cũng không quá nhanh, chủ yếu là sức bền.

6. Bình tĩnh.

Trong quá trình bơi sẽ có trường hợp bị sặc, chuột rút... thì điều quan trọng nhất đó là bình tĩnh. Nếu bị chuột rút hãy nhanh chóng tìm nơi có thể bấu vào gần nhất (dây phao, bờ...) và dùng hai tay bơi đến.
Chẳng may bị sặc nước trong quá trình ngoi đầu lên thở thì bạn cứ bình tĩnh, nếu trong miệng có nước thì uống luôn, đừng ngại gì vì khi ngoi đầu lên bạn chỉ có một cơ hội đó là phun ra hoặc hít thở không khí vào.

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Chia sẻ kinh nghiệm bơi sải (trườn sấp, krun, tự do) - P1

Gần đây tôi có gặp anh N.Nhân và V.Định – những kẻ xưa kia không hề thua chị kém em (trừ dân chuyên nghiệp) trong làng bơi lội, đã bỏ “nghề” vài chục năm, nay trở lại khi đã tròn sáu chục. Các anh cười “Tui bơi ếch thì được, chứ bơi sải sao mau mệt quá”. Bơi ếch là kiểu bơi bị cản nước lớn nhất, còn bơi sải thì ngược lại. Lẽ ra các anh bơi ếch phải mau mệt hơn mới đúng chứ?

Theo Swimming into the 21th century (Bơi lội bước vào thế kỉ 21), các nhà khoa học đã ước lượng rằng có những VĐV trình độ thế giới có lẽ chỉ đạt khoảng 9% hiệu quả cơ học, nghĩa là có 91 calo trong mỗi 100 calo bị đánh cắp bởi lực cản của nước … Như vậy nếu bạn có thể bơi 400 mét trong 10 phút, nhưng muốn cải thiện thành tích còn 9 phút thì chỉ có khoảng 10 – 5 giây được rút ngắn do sử dụng cơ bắp nhiều hơn, còn 50 – 55 giây có được là do biết cách chuyển động trong nước như thế nào cho hiệu quả hơn … Và trong đó, bơi sải không còn là biện pháp quyết liệt đẩy nước về phía sau (tạo phản lực) để tiến về phía trước nữa, mà là "khoan xoáy”, là "thư giãn" ...

Để minh họa cho nguyên lý của Cecil Colwin và Tourestki, xin đăng bài của Sherlock Lam. Lam không mong chúng ta theo đuổi chiếc huy chương Ôlempic mà giúp chúng ta về việc củng cố sức khỏe và bổ túc kỹ năng ứng xử trên sông nước. Lam cũng khuyên rằng, do mỗi người mỗi tật, nên chúng ta cần hướng tới kỹ xảo riêng của mình (và tôi, với tư cách là NST, cũng không phải đã ủng hộ 100% lời khuyên của tác giả).

Bài của Sherlock Lam – một người xuất sắc trong làng bơi lội (trích):

1. Luôn giữ người nổi ngang với mặt nước.

Khi bơi bạn chỉ cần nhìn thằng mặt với đáy, mắt vuông góc với đáy, nếu hồ bơi có làn bơi chìm dưới nước thì nhìn làn bơi mà bơi sẽ không bị lệch (hoặc bị lệch rất ít). Nếu bạn bơi sải mà mắt không vuông góc với đáy thì dễ khiến thân sau bị chìm sâu trong nước, cảm giác như cả khối người phía trước kéo theo một cái đuôi nặng nề phía sau.

2. Quạt tay.

Khi quạt tay, bạn giữ cho vị trí cùi chỏ cao so với mặt nước khi co tay quạt để tránh mất sức và tránh cho phần thân trước bị chìm sâu dưới nước. Ngoài ra khi bắt đầu đè nước, bạn nên hơi co cổ tay một chút thì sẽ dễ dàng "bắt nước" hơn là để cổ tay thẳng đuột.

Khi kéo tay ra phía sau, bạn kéo cho hết, đến khi chạm đùi thì mới đưa lên để phát huy hết lực và cho cơ thể thời gian lướt đi trong nước. Tránh trường hợp kéo tay nữa chừng đã đưa lên khỏi mặt nước. Đây là lỗi rất rất thường gặp trong bơi sải. Đừng quạt tay thẳng tắp như mái chèo của xuồng ghe.

Khi xoay người quạt tay thì thân người cũng nghiêng một bên sang phía quạt, cả cơ thể như một mũi tên lao thẳng, xoáy vào nước tựa như không gì cản nổi. Nếu bạn quạt tay đúng kiểu thì dù đang bơi bị chuột rút thì cơ thể vẫn bơi được. (còn nữa)

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Luyện tập bơi nghệ thuật

Bơi nghệ thuật (Bơi đồng bộ) là một bộ môn thể thao nghệ thuật dưới nước. Có tài liệu liệt bộ môn này vào một nhánh trong lặn tự do (Freedive). Qua các kiểu phân loại này, ta thấy luyện tập môn này không đơn giản. Ít nhất vận động viên phải thành thục cả bơi và lặn.Quá trình luyện tập cũng rất công phu và gian khổ. Mời các bạn xem một clip giới thiệu hoạt động luyện tập bơi nghệ thuật của các vận động viên Nhật Bản.


Mệt mỏi, hoảng sợ trong khi lặn (P2)

(Bài của một Huấn luyện viên, trích)

Sự hoảng sợ ở dưới nước có thể đe dọa tính mạng của bạn. Nhiều chuyên gia tin rằng hoảng sợ là nguyên nhân hàng đầu của tử vong trong khi lặn. Các thể hiện của hoảng sợ (và hoảng loạn) có thể là bị mất phương hướng, cảm giác sợ hãi rất mãnh liệt và nhịp tim nhanh.

Chế ngự nỗi hoảng loạn cần bắt đầu với ý thức rằng mình đã thận trọng khi lặn, thiết bị lặn vẫn hoàn hảo, mình vẫn đang lặn trong giới hạn kinh nghiệm của mình. Thứ hai, không được nản lòng hay trách móc chính mình, nếu bạn có lo lắng trong khi lặn.

Làm thế nào để ngăn ngừa hoặc kiểm soát được hoảng loạn?

Chọn sự đào tạo: Hãy chọn một khóa học đủ dài để bạn có đủ thời gian tiếp nhận các kỹ năng, chứ không phải bị nhồi nhét mọi thứ chỉ trong một tuần hoặc ít hơn. Cũng quan trọng khi chọn một huấn luyện viên mà bạn cảm thấy thoải mái, và sau đó cặp đôi với một bạn lặn tự tin và thoải mái khi lặn.

Sức khỏe trước khi lặn: Bạn cần nghỉ ngơi và ăn uống đúng cách trước khi đi lặn. Sẽ không tốt cho bạn nếu mệt mỏi, thở khó và đầy bụng. Sẽ rắc rối nếu bạn cùng lặn với căn bệnh cảm lạnh.

Hình dung cuộc lặn: Nghe phổ biến, sau đó hình dung ra nó và luyện tập nó trong tâm trí của bạn trước khi lặn. Hãy đặt câu hỏi nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ gì. Một chuyên gia có kinh nghiệm có thể giúp xua tan sự nghi ngờ và sợ hãi của bạn.

Kiểm tra thiết bị: Hãy chắc chắn rằng thiết bị của bạn là thoải mái cho bạn và có hiệu quả.

Kiểm tra bạn lặn: Hãy cho bạn lặn một sự tin tưởng rằng thiết bị của họ đã làm việc đúng cách, sẽ làm tăng sự tự tin đối với họ.

Thích nghi dần dần: Bắt đầu thở chậm, thở sâu trước khi xuống nước. Dừng trên mặt nước một lát trước khi ngụp xuống. Điều này đặc biệt hữu ích khi lặn vùng nước lạnh.

Tránh quá tải: Điều chỉnh (Equalize) áp lực lên tai của bạn ngay khi nhập nước và lúc nổi lên. Kính lặn trong sáng và thắt chặt đai chì(*) khi còn trên mặt nước, sẽ cho phép bạn tập trung vào việc chính.

Xuống thận trọng: Xuống từ từ, xuống thẳng, xả khí trong BCD(*) ra từ từ. Nếu cảm thấy nhịp tim của bạn tăng lên, thì hãy tìm ra lí do làm bạn stress, và loại bỏ nguồn gốc của nó. Một số thợ lặn thấy nguôi “đau khổ” khi khoanh hai tay ôm chặt lấy mình. Nếu vẫn hoảng sợ mặc dù đã nỗ lực và bạn cảm thấy muốn nổi lên, thì cố gắng thở đều, liên tục.

Nếu bạn bị sự hoảng loạn tấn công, bất chấp mọi nỗ lực của bạn, thì bạn nên làm gì tiếp theo?

Trao đổi dưới nước: Bạn trao đổi (ra kí hiệu) với hướng dẫn viên/bạn lặn những gì xảy ra. Anh ta sẽ nhìn ánh mắt của bạn để hiểu bạn, để đưa ra các hướng dẫn và trợ giúp.

Lặn ở một nơi khác: Nếu bạn quá lo lắng với điểm lặn này thì nên chuyển sang lặn ở một điểm khác an toàn hơn.
(*) xin xem trong "tự điển lanbien" ở bên phải màn hình.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Kinh doanh lặn cá mập ở Bahamas

(sưu tầm, trích)

Nhiều người cho rằng cá mập khoái thịt người và phim “Hàm cá mập” đã nâng nỗi sợ này thành một cơn sốt. Nhưng bạn đừng quá sợ, cũng đừng cho là thịt của mình ngon đến thế, cá mập chỉ cắn người trong một hoàn cảnh rất đặc biệt mà thôi. Đại dương có hơn 300 loài cá mập, nhưng chỉ 30 loài là nguy hiểm. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100 người bị cá mập tấn công(*) với 15 người bị chết, trong khi số người chết vì ong đốt và sét đánh hơn gấp hàng chục lần. Tuy vậy, dù sao cá mập cũng là tay sát thủ đáng gờm. Nếu bạn không muốn đóng vai chính trong “Hàm cá mập” thì hãy tránh bơi vào lúc chập tối hay rạng sáng ở những vùng biển sâu hay cửa sông.

Tên Bahamas có gốc từ tiếng Tây ban nha là “Baja Mar” nghĩa là “biển cạn”. Nước biển ở đây rất xanh và sạch. Bahamas có chừng 700 đảo rải rác trong 500 dặm về phía đông nam Florida. Ở vùng biển này, cá mập là loài phổ biến. Ernest Hemingway, nhà văn hào ẩn dật tại quần đảo Bahamas vào giữa thập niên 1930, đã có nhiều cảm hứng về cá, trời và cánh buồm lướt đi trong gió. Tuy rất ghét loài cá mập, nhưng có lúc ông đã viết về chúng với sự tôn trọng: “Mọi thứ về chúng đều đẹp, trừ miệng của chúng ... Chúng không phải là kẻ chuyên ăn xác thối, cũng không phải là kẻ tham ăn ... Chúng đẹp, không sợ bất cứ gì ...”.

Môn lặn scuba là ngành công nghiệp mang lại cả tỉ đô la cho Bahamas và cá mập là nguồn thu hút chính hấp dẫn du khách. Có khoảng 40 loại cá mập sống ở đây như "hổ", "đầu búa", "bò đực",... Thỉnh thoảng cá mập voi và cá voi xanh cũng "di cư" qua đây. Ở Bahamas việc đánh bắt cá mập được cho là hành động bất hợp pháp kể từ năm 1993, đồng thời không được phép xuất khẩu các sản phẩm từ chúng.

(*) Riêng năm 2010 số người bị cá mập tấn công tăng ở mức cao nhất trong thập kỷ qua, cụ thể là 115 người, trong đó có 36 trường hợp người chủ động tấn công trước, 79 trường hợp cá mập chủ động tấn công trước.
H1: Ai biểu chụp hình cá mập mà không xin phép nó (tịch thu!);
H2: Nhưng nó đã trả lại máy (nhắc nhở một chút thôi).

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Sự vĩ đại trong con người nhỏ bé

Chuyện anh Nguyễn bạn tôi (hơn tôi 3 tuổi), một người dáng nhỏ bé, chỉ với sự luyện tập đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo (mà các bác sỹ xuất sắc của Sài gòn đã phải bó tay) thì vĩ đại rồi. Nhưng kể chuyện vĩ đại thì … lớn quá, cho nên, tôi xin kể về một chuyện không “lớn quá”: Chuyện về vợ của anh Nguyễn, một người BÌNH THƯỜNG.

Chị sinh năm 1950, dáng nhỏ nhắn và mắc một số bệnh. Năm 55 tuổi, chị được người ta khuyên điều trị bằng phương pháp bơi lội. Thế là, hàng ngày, bất kể nắng mưa, chị ra hồ bơi luyện tập. Sau vài năm, “gái có công, trời chẳng phụ”, các bệnh của chị dường như mất hẳn: Các xét nghiệm y khoa đều kết luận sức khỏe “trong vùng xanh”.

Mạnh mẽ hơn, chị đăng kí thi bơi lội giải người cao tuổi cấp Quận, “hạng cân” 55-59 tuổi. Nếu như môn Boxing, trong một hạng cân (Weight class), người nặng kí có ưu thế hơn kẻ nhẹ cân bởi cú đấm của anh ta nặng kí hơn, thì với bơi lội, người “tuổi nặng kí” sẽ thiệt thòi so với kẻ có “tuổi nhẹ cân”. Và cộng với việc lần đầu tiên trong đời đi thi đấu sẽ rất dễ về chót, “quê độ”. Bạn bơi khuyên chị chờ tới sáu chục hãy thi (thi ở “hạng cân” 60-64 tuổi), lúc đó ưu thế sẽ thuộc về mình. Nhưng chờ tới đó thì phải năm tới, lâu quá, chị “cứ” thi. Năm đó chị đoạt giải nhất. “Tiện thể”, chị đi thi cấp Thành phố và giành huy chương Vàng. Rồi chị tham gia giải bơi lội hội người cao tuổi toàn quốc và được huy chương Vàng. Cứ thế, đều đặn hàng năm, cho tới bây giờ, chị đều giành được huy chương Vàng (cũng có lần được huy chương Bạc, Đồng) cấp Thành phố và toàn quốc.

Gần đây tôi có gặp chị: Một người mạnh mẽ và có lẽ trong tự điển cá nhân không có chữ “bệnh”. Nghe chị bình luận về bơi lội mà ngạc nhiên. Người lớn tuổi vốn bị xem là bảo thủ, nếu chị kể về những kỹ năng cổ điển thì … đương nhiên, đằng này, chị trao đổi những kỹ xảo mới mẻ về “khoan xoáy”, “lướt nước”, về “thư giãn” trong môn bơi trườn sấp. Chị dẫn chứng động tác của “cậu Mai-cồ-Pheo” – vô địch thế giới về bơi lội.

Có thời tôi cứ băn khoăn rằng, tài sản có giá trị nhất của con người là cái giống gì? Tiền bạc ư? Địa vị ư? Rượu nồng, dê béo và gái/trai đẹp ư? Với chị, thật đơn giản, chị nói rằng: Quả có đúng, nhưng sẽ chẳng đáng giá một xu nếu không có SỨC KHỎE.

Hình: Cầu vồng, đẹp đấy, nhưng chỉ là ảo ảnh, còn cây, xù xì đấy, nhưng có thật.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Lặn tại Công Viên Biển Quốc Gia Bunaken, Indonesia

Bunaken từ lâu đã cuốn hút tôi như là một điểm lặn không thể không đến trong danh sách những điểm lặn trên thế giới. Với những thông tin có được qua mạng cũng như theo ý kiến của một số divers mà tôi có dịp trao đổi thì Bunaken xứng đáng là một trong những điểm lặn đẹp nhất Đông Nam Á, đồng nghĩa là một trong những điểm lặn đẹp nhất trên thế giới.
Tôi đã phải trải qua một hành trình sóng gió khi bay tới đây vào tháng 7 năm 2010; máy bay của SilkAir đã gặp một cơn mưa giông trước khi hạ cách xuống Monado. Sau 2 lần hạ cánh không được khiến hành khách thót tim và nhiều người đã lầm rầm cầu nguyện thì tới lần thứ 3 máy bay cũng đã hạ cánh được trong tiếng vỗ tay của các hành khách “thoát nạn”.
Mất gần một tiếng chờ đợi một chú khách tây bị lạc hành lý, một tiếng nữa để đi từ sân bay tới bến cảng, cuối cùng thì tôi cũng đã có thể thư giãn một chút trên chiếc thuyền của khu resort Living Colours để ra đảo Bunaken.
Nếu Manado có dáng vẻ của một thành phố điển hình của Indonesia với giao thông đông đúc, nhiều xe hơi cũ và đường phố không được sạch sẽ lắm thì Bunaken đã cho tôi ấn tượng hoàn toàn ngược lại, ở khía cạnh tích cực. Một hòn đảo nhỏ bé và thanh bình, hầu như không có tiếng động cơ ở nơi đây, ngoại trừ âm thanh của những chiếc thuyền chở khách lặn. Không có bất cứ một dịch vụ giải trí hiện đại nào trên đảo nhưng điều đó không quan trọng vì mọi người từ khắp nơi trên thế giới đền đây chỉ với một đam mê duy nhất là lặn và chỉ lặn mà thôi…..I love diving!!!

Để mọi người biết thêm thông tin về Bunaken thì đây:

Công viên biển quốc gia Bunaken được thành lập năm 1991 nằm ở bắc đảo Sulawesi thuộc quần đảo Indonesia. Tổng diện tích của công viên là vào khoảng 90,000 ha với tổng cộng 5 hòn đảo, trong đó diện tích của rặng san hô ở đây là vào khoảng 8 000 ha.



Đảo Bunaken nhìn từ ngoài




Khu diving resort Living Colours



Một góc đảo Bunaken với bờ biển được bao phủ bởi rừng đước


Bunaken có mức độ đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới với khoảng hơn 300 loại san hô và khoảng 3000 loài cá và sinh vật biển. Những loài cá thường thấy ở đây là các loài cá đặc trưng của rạn san hô như cá nemo, cá thiên thần… ngoài ra còn có cá cá heo, rùa biển, Dugongs …

Để được phép vào công viên quốc gia Bunaken, mỗi khách lặn sẽ phải trả một khoản lệ phí là 150,000 Rp (tương đương hơn 300,000 đ Việt Nam). Khoản phí này nghe nói là có giá trị trong vòng 1 năm, có nghĩa là nếu bạn quay lại Bunaken trong thời hạn 1 năm thì bạn sẽ không phải trả phí nữa.


Một chú cá bướm (butterflyfish)



Một đàn cá triggerfish

Rùa biển

Bunaken thu hút khách lặn ở khắp nơi trên thế giới nhờ sự đa dạng sinh học, điều kiện khí hậu với nhiệt độ quanh năm trong khoảng 27°C và 30°C, tầm nhìn dưới nước khoảng 25 m, đây thực sự là nơi lý tưởng cho những người yêu thích chụp ảnh dưới nước.
Lặn ở Bunaken chủ yếu là wall diving và drift diving nhưng ngoài ra ở đây cũng có những dải san hô dốc tuyệt đẹp. Tổng cộng có khoảng trên dưới 30 điểm lặn trong phạm vi của công viên.


San hô thân mềm




San hô thân mềm



Rặng san hô

San hô rạng quạt



Các điểm lặn ở đây nằm rải rác quanh các đảo Bunaken, Manado Tua, Siladen…với thời gian đi tới các điểm lặn chỉ trong vòng vài phút, điểm lặn xa nhất cũng chỉ cách Bunaken chừng nửa tiếng đi tầu. Bên dưới mặt nước chỉ chừng 1m xung quanh đảo Bunaken là các rặng san hô mới đang phát triển và được gìn giữ rất tốt, nếu bạn là người yêu thích snorkelling thì đây quả là địa điểm lý tưởng để ngắm các rặng san hô từ khoảng cách rất gần.



On the way to the dive site

Enjoy the sun before diving

Ready to go…




Wall diving

Để tới được Bunaken từ Việt Nam, theo kinh nghiệm của tôi cách dễ dàng nhất là bay sang Singapore (với Vietnam Airlines, Singapore Airlines hoặc Tiger Airways nếu bạn tìm được giá rẻ) và từ Singapore bay với SilkAir tới Manado. Ngoài ra Manado cũng kết nối với các thành phố khác của Indonesia; do đó bạn cũng có thể bay dễ dàng từ Jakarta, Bali… tới Manado.