Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Thuyền bằng sậy của người xưa vận chuyển đá tảng 10 tấn

Ven hồ Titicaca (*) của Bolivia, nơi mệnh danh là "nước mắt Thần Mặt trời", có các di tích cổ của thành phố Tiwanaku với những tác phẩm điêu khắc đá nguyên khối có tuổi đời lên đến 1.500 năm. Điều khiến cho di tích này trở nên đặc biệt không chỉ là kích thước, khối lượng của những tảng đá mà là xuất xứ của chúng. Với nhiều nhà khoa học, cách để những tảng đá nặng từ 9 - 40 tấn được vận chuyển qua một quãng đường khoảng 90 km là một bí ẩn.

Một nghiên cứu cho rằng, những tảng đá này đã được mang tới bằng thuyền làm từ cây sậy. Để kiểm chứng giả thuyết của mình, nhiếp ảnh gia Chris Knutson đã tham gia vào cuộc thám hiểm mang tên Yampu Qala - dự án nghiên cứu hành trình kỳ lạ của những tảng đá vượt hồ Titicaca.

Để tái hiện lại cuộc hành trình của những tảng đá, đoàn thám hiểm đã thuê gia đình Estebans làm thuyền sậy truyền thống một cách chính xác nhất để dựng lại chiếc thuyền lịch sử. Họ có đầy đủ kinh nghiệm và uy tín để tạo ra con thuyền vững chãi và kín nước, có khả năng đi ngày dài trên biển hay mang theo những vật nặng. Chiếc thuyền sậy Yampu Qala có chiều dài 14m, rộng 4,5m và cao khoảng 1,8m. Cần 3.000 bó sậy totora để làm chiếc thuyền này. Chiếc thuyền gồm hai bó sậy to bên ngoài được trói vào khung gỗ và bên trong là các bó sậy nhỏ hơn. Tất cả được buộc lại bằng dây thừng để không chỉ tạo ra hình dáng đặc trưng của con thuyền mà còn tăng tính chắc chắn. 

Trong khi con thuyền được đóng ở Huatajata, thì tại một thành phố gần Copacabana đã chuẩn bị cầu tàu và lối đi để đưa tảng đá lên thuyền. Mỗi tảng đá nặng 9-10 tấn. Để đảm bảo việc tái dựng chính xác theo phương pháp của người xưa, dự án đã di chuyển tảng đá bằng dây thừng, cây gỗ, chiếc rìu “ushu” truyền thống và rất nhiều nhân lực.

Họ sử dụng các cây gỗ tròn làm cây lăn cho tảng đá trượt lên. Họ đẩy từ phía sau và dùng dây thừng kéo tảng đá. Giây phút tảng đá 10 tấn khổng lồ này nằm gọn trong chiếc thuyền đã chứng minh giả thuyết đúng đắn của họ. Thay vì chìm ngay dưới sức nặng khủng khiếp, chiếc thuyền làm bằng sậy này vẫn nguyên vẹn, vững chãi. Mặc dù bị chậm trễ nhiều ngày do thời tiết xấu, việc hạ thủy của tảng đá đã diễn ra một cách tốt đẹp và thành công.

Con thuyền sậy Yampu Qala đã hoàn thành chặng đường 90 km, từ Copacabana đến Santa Rosa trên bán đảo Taraco, nhờ những cây sậy totora hấp thụ nước và đóng vai trò như một chiếc dằn tàu hoàn hảo. Chiếc thuyền đã mang theo tảng đá cập bến một cách dễ dàng. Điều này giúp nhóm nghiên cứu kết luận rằng, những chiếc thuyền với kích thước tương tự có thể đã thực hiện chuyến đi với gấp đôi trọng tải. Vì vậy sẽ là không khó khăn gì cho những chiếc thuyền to hơn có thể di chuyển các tảng đá khổng lồ đã được tìm thấy tại Tiwanaku. 

(*) Bạn đọc có thể vào đường dẫn "Titicaca" ở trên để biết về thuyền sậy truyền thống ở hồ "Nước mắt thần mặt trời", một hồ có diện tích 8.330 km2, độ sâu trung bình 100 m, sâu nhất 304 m.  

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Đảo Cayman với 325 xác tàu đắm

Quần đảo Cayman gồm đảo Grand Cayman (197 km2), Cayman Brac (38 km2), Little Cayman (28,5 km2), nằm ở phía Tây vùng biển Caribbean, cách Miami 700 km về phía Nam, cách Cuba 366 km về phía Nam, cách Jamaica 500 km về phía Tây, trong đó Grand Cayman là đảo sầm uất nhất.

Sự
thu hút của quần đảo Cayman là lặn biển. Đảo này là nơi nhô lên của ngọn núi lớn, với sườn khá dốc, một số nơi thẳng đứng, với độ cao vài trăm mét so với mặt biển. Bức tường đá tự nhiên này được bao phủ bởi các rạn san hô, với nhiều loài cá và các sinh vật biển khác.
 
Thú vị nhất là khám phá xác tàu đắm. Có 325 con tàu chìm xung quanh Cayman, gồm những con tàu chìm "tự nhiên" và chìm "nhân tạo"(*). 

Năm 1970, một cặp vợ chồng trong khi bơi ở Grand Cayman đã phát hiện xác tàu 450 năm tuổi, bị mất tích vào năm 1522 trên đường từ Mexico tới Tây Ban Nha. Con tàu chứa 135 kg vàng, bạc, bạch kim và đồ trang sức.

Điểm lặn hấp dẫn nhất ở Cayman Brac là xác Khu trục hạm Keith Tibbetts, Nga, được Cayman dìm vào năm 1996, đã trở thành rạn san hô và là nhà của cá Grouper, Grunts cùng hơn 100 loài khác. Dài trên 100 m, Keith Tibbetts như một cao nguyên mini, kế bên vách đá thẳng đứng.

Xác tàu Cali ở độ sâu 6 mét trong vùng nước tĩnh và cách bờ chỉ 30 mét. Được chế tạo vào năm 1944, Cali là tàu buồm với cột buồm cao 66 mét, vào năm 1957 do bị đánh giá không đạt chuẩn vận hành, nên đã bị Anh tiêu hủy. Đây cũng là nơi có lượng sinh vật biển phong phú sinh sống.

Xác tàu sân bay USS Kittiwake. Đầu năm 2011, khi hết hạn sử dụng, Kittiwake được kéo đến phía Tây đảo Grand Cayman và dìm xuống biển. Kittiwake nằm gần như hoàn toàn thẳng đứng ở độ sâu 18 mét.

Hình: Xác tàu đắm ở Cayman.
(*) Trong bài, chìm "tự nhiên" gồm những con tàu bị chìm do thiên tai, địch họa, sự cố kỹ thuật nghiêm trọng. Thâm nhập xác tàu đắm rất nguy hiểm, thợ lặn cần được huấn luyện và bổ sung các trang, thiết bị cần thiết.
Chìm "nhân tạo" là do đơn vị làm dịch vụ lặn dìm xuống - sau khi đã làm vệ sinh và xử lí kĩ thuật để khách lặn có thể thâm nhập mà không bị nguy hiểm.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Cá nhà táng lập nhà trẻ

(Theo khoahoc.com.vn, trích)

Cá nhà táng là loài có bộ não lớn nhất so với mọi loài trên quả đất và là loài kiếm ăn ở độ sâu. Chúng có thể lặn xuống độ sâu 600 mét và ở đó một tiếng đồng hồ để tìm kiếm thức ăn.

Cá nhà táng có tốc độ sinh sản chậm. Hai lần đẻ liên tiếp của chúng cách nhau tới 5 năm. con nặng xấp xỉ một tấn và uống chừng 200 lít sữa mỗi ngày (tùy mức độ trưởng thành). Tuy nhiên, những con non không thể lặn sâu và phải chờ đợi mẹ trên mặt nước. Trong lúc chờ mẹ, chúng sẽ trở thành mồi của các loài cá ăn thịt. 

Các nhà sinh vật học, Đại học St Andrews (Scotland), Đại học Durham (Anh), Đại học Dalhousie (Canada), phát hiện ra rằng một số cá nhà táng mẹ nhận trách nhiệm trông nom lũ cá con trong khi những con khác đi kiếm ăn.

Họ theo dõi 23 cá nhà táng sơ sinh và gia đình chúng trên biển Sargasso, phía bắc Đại tây dương, trong 2 năm trời bằng tàu ngầm nghiên cứu. Họ thấy trong mọi thời điểm chỉ có vài cá mẹ ở trên mặt nước để chăm sóc tất cả con non trong đàn. Sau đó chúng đi kiếm mồi khi một số con khác thay thế. 

Họ còn nhìn thấy một cá mẹ cho nhiều con non trong đàn bú mà trong đó chỉ có một con do nó sinh ra. Trong những đàn nhỏ, trách nhiệm chăm sóc lũ cá con được giao cho một con. Trong đàn lớn, các con mẹ thay phiên nhau trông con non. Hành vi đó được thực hiện theo kiểu có qua có lại.


Tuy cá cái hợp tác với nhau khi chăm sóc con, nhưng cá đực lại có xu hướng sống đơn độc. Chúng chỉ cặp với con cái trong mùa sinh sản.

H: Cá nhà táng đang chiến đấu với con mực dài 9 mét dưới độ sâu thăm thẳm (chụp vào ngày 15/10/2010).

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Người nhái quân sự đi tập huấn

(bài của anh Nguyễn Hoài Vân, trích).

Tôi (tác giả) đi tập huấn 5 tuần tại Trung tâm Huấn luyện Người nhái St Mandrier của Hải quân Pháp. Sáng một giờ chạy bộ, lên xuống rồi lại lên xuống các ngọn đồi ở St Mandrier. Rồi đi lặn. Mỗi ngày có một mục tiêu huấn luyện. Không đạt được thì hôm sau phải thực hiện mục tiêu hôm trước cộng với mục tiêu của ngày hôm đó. Thất bại nữa thì hôm thứ ba phải đạt mục tiêu của cả ba ngày. Vẫn không thành công thì ... bị đuổi học. Buổi chiều học lý thuyết xong thì tập lặn hay tập bơi biển. Tuần đầu bơi 1 cây số, tuần thứ hai 2 cây số, tuần thứ ba 3 cây số, tuần thứ tư 4 cây số. Đến tuần cuối tàu bỏ chúng tôi ngoài khơi cách bờ 5 cây số, tự bơi về. Coi giờ tính điểm. 
(Các khóa trước còn có màn nhảy từ trực thăng xuống biển, tới khóa tôi thì bãi bỏ).

Hồ tập của trường có ba tàu cũ: Một tầu ngầm, một hộ tống hạm và một tàu đổ bộ đáy bằng. Màn nín hơi lặn qua đáy hai chiếc tàu tương đối gay cấn (khóa trước có một anh bị kẹt ở dưới). Một màn gay go khác là lặn xuống 18 thước, bỏ vòi thở, rồi vừa thở ra rất từ từ (để khỏi bể phổi), vừa trồi lên đến dưới chiếc tàu đáy bằng, tiếp đó bơi ngang ra để nổi lên mặt nước và ... thưởng thức không khí trời cho.

Tập chui qua mắt lưới phòng thủ quân cảng: Tháo quai đeo bình hơi, nhưng vẫn ngậm mồm thở, đưa bình hơi ra phía trước, qua mắt lưới, rồi bạn chui qua mắt lưới. Thường huấn luyện viên (HLV) chờ bên kia lưới, cướp bình hơi, lột kính lặn (có khi cướp luôn kính lặn), rồi bơi ra cách đó khoảng chục thước để thử phản ứng của học sinh. Bạn phải đeo lại kính, xả nước trong kính, rồi ngó xem HLV đang ở đâu để bơi đến “năn nỉ” xin lại bình hơi.

Mệt nhất là màn cứu người dưới 10 thước sâu. Không mang bình hơi, bạn phải đưa nạn nhân lên mặt nước rồi kéo hắn đi 50 thước (không dùng phao cá nhân Fenzi (1). Phải bơi sao cho nạn nhân không bị chìm xuống uống nước, nếu không phải làm lại từ đầu (và sau ba lần thì bị loại).

Ngại nhất là màn ở dưới sâu 30 thước, rồi vừa nổi lên (17 thước một phút) vừa dùng mồm thở bơm khí (bơm chút xíu thôi) vào phao cá nhân Fenzi. Nếu hơi vào nhiều thì phao sẽ nổi lên nhanh và bạn có thể bị tai nạn (bể phổi), đồng thời bạn phải “lọc” nước khi hít vào, vì mồm thở (4) “thời tiền sử” này đưa vào miệng nhiều nước hơn là không khí (2).

... Sau khi ra trường, có lần tôi gặp một vụ tai nạn khá hiếm hoi. Tàu chúng tôi đến gần đảo Porquerolles thì gặp một nhóm người nhái dân sự kêu cứu. Chúng tôi xuốn thuyền phao Zodiac đến nơi, thấy một người mê man, mang những triệu chứng bể phổi (surpression pulmonaire). Nạn nhân là HLV của nhóm này. Anh ấy lặn với một học trò. Dưới sâu, học trò bị hư mồm thở. HLV đưa mồm thở của mình cho học trò, và trong lúc hai người đi lên với một mồm thở (3), người học trò do bị hoảng loạn nên đã nhất quyết không trả lại mồm thở cho HLV, buộc HLV phải đi lên cấp tốc. Chúng tôi đưa anh về tàu và gọi trực thăng đến câu ảnh về bệnh viện.

(1) Khi chưa phát minh ra BCD (4), thợ lặn đeo trên cổ chiếc phao bơm, và khi ở trên mặt nước thì thổi hơi vào phao để giữ nổi.
(2) Tác giả muốn nói thiết bị dành cho huấn luyện có lỗi, thường do HLV “đánh pan” và/hoặc do quá cũ.
(3) Loại bình lặn chỉ có 1 mồm thở. Khi bạn lặn bị sự cố về thở, thợ lặn sẽ đưa mồm thở của mình cho bạn lặn để thở chung (đưa qua đưa lại).
(4) Xin xem tại “Tự điển Lanbien” ở trên cùng bên phải trang tin.

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Chủ nhật xanh dưới đáy biển – dưới một góc nhìn

Chủ nhật xanh dưới đáy biển là chuyện đi lượm rác dưới đáy biển, cộng với lời nhắn “hãy cùng nhau giữ gìn môi trường biển xanh, sạch, đẹp”, còn ở đây, tôi xin nói về các cuộc “nghiệm thử” (để chuyện không quá lạt, tôi có bỏ vô chút muối tiêu).

Lượm rác không dễ như … lượm rác:

Rác dưới đáy biển đa phần bị phù sa che lấp, trừ phi chúng bám trên san hô, trên đá tảng. Nếu bạn dùng “công nghệ” lượm rác trên đất liền thì dễ dầu gì gặp chúng. Lúc đầu tôi đi mãi mà chẳng thấy rác đâu. Thế là thế nào? Chắc mình đui nên không thấy? Phải một lúc lâu sau tôi mới thấy rác … để mà lượm.

Lại nữa, khi lôi rác lên khỏi mặt cát, tức thì một màn phù sa bốc lên mịt mù, bạn vội vã lấy tay bịt mũi, may chiếc kính lặn nó chặn lại, chứ không thì … làm thật. Mà phải dòm cho kĩ nhen, kẻo quơ trúng ngạnh của một chú cá “giang hồ” nào đó, nó chích một phát la thấu trời (thấu đáy biển). Lôi miểng sắt, miểng gốm sứ lên coi chừng bị chém tay. Đừng quá tin vào chiếc găng tay bảo hộ lao động mà bạn đang đeo.

Dao thợ lặn cắt lưới:

Gỡ mảnh lưới đánh cá ra khỏi vỉa san hô không đơn giản, dùng dao thợ lặn cũng không dễ dàng gì, bởi nó bó chặt thân san hô, lựa thế cắt hoài không xiết, mà giật mạnh thì … cũng vậy, chưa kể sẽ làm hư san hô. Chà, nếu mình bị mảnh lưới trói lại và neo tuốt dưới đáy biển cho tới khi chai lặn hết khí thì sao nhỉ.

Cuộc lặn “solo”:

Lặn giải trí, bạn đi với Divemaster(*) – một anh chàng “thóc mách”, cứ một chặp lại lục vấn “Chai của bạn còn bao nhiêu khí vậy?”. Đi chặp nữa lại nhăn nhó “Đề nghị dồn đội hình”. Chẳng là khách khứa mải ngắm, mải nghía, đâm ra mỗi anh mỗi nẻo, không gom lại thì dễ bị lạc đường. Tai nạn thường gặp của Divemaster là khách bị lạc nhóm.

Còn đi lượm rác thì khác hẳn, mạnh ai nấy bới, nấy lượm. Bạn cứ việc tới tới mà không hề bị ai ràng buộc. Nó tạo cho bạn cảm giác như đang lặn solo vậy – mặc dù bạn không hề một mình, mặc dù bạn đã thông qua kế hoạch lặn: Nào là không xuống quá 10 mét, nào là đi theo hướng Nam và trở về theo hướng Bắc, nào là bạn hãy tự chọn cho mình một “tổ công tác”, nào là …
 
Trượt độ sâu:

Hình: Tay cầm bầu rượu, nắm nem,
Mải vui quên hết lời em dặn dò.

Nếu đáy biển ở đó có độ sâu bằng với độ sâu trong kế hoạch lặn thì không vấn đề, nhưng nếu bạn đi men theo bình độ và phải canh sao cho đúng với độ sâu trong kế hoạch, thì có thể có chuyện. Men theo bình độ, bạn mải mê tìm rác nên có thể dần dần di chuyển xuống dốc. Đó là trường hợp của “tổ” tôi, cứ đi xuống dần dần và cuối cùng là ở độ sâu 18 mét (quá 10 mét so với kế hoạch). Thế đấy, mải vui quên hết lời em (Divemaster) dặn dò là cần ngó chừng đồng hồ đo độ sâu.

Nửa chai ít hơn nửa chai:

Bạn đang xài chai nhôm 80 foot khối, nạp 200 bar, tức có 2,26 mét khối khí trời được nén vô trỏng. Sau cú lặn, chai còn 100 bar, tức còn phân nửa lượng khí. Cú lặn tiếp theo, với cùng thời gian và độ sâu như chuyến trước, bạn dự kiến sẽ xài nốt 1,13 m3 khí còn lại. Nếu bạn mong muốn cú lặn sau vẫn sẽ y hệt như cú lặn trước, thì có thể sai lầm.

Kết thúc cú lặn, chai của tôi còn 110 bar, chai của Ngọc Anh cũng vậy, chai của anh chàng Định – khá hơn – còn 130 bar. Cú lặn sau, tụi tôi lôi ra xài nốt. Lặn một chập, tôi coi đồng hồ giờ, vẫn còn thời gian để lặn trở lui (so sánh áng chừng với các cú lặn trước) ... Bỗng có kẻ vỗ vai, tôi ngó qua: Ngọc Anh ra hiệu “Con chỉ còn 20 bar khí, con đi lên đây”. Tôi dụi mắt coi đồng hồ khí của tôi “Ồ, chú cũng chỉ còn 20 bar, cùng đi lên nhé”. Tôi ngó quanh, gần đó có một thợ lặn khác. Tôi bơi tới, té ra Định. Tôi ra hiệu “Chú đi lên đây, con có đi lên cho dzui không?”. Hắn xua tay “Chú lên trước đi, con ở lại bới rác, dzui hơn”. 

Tôi và Ngọc Anh đi lên từ độ sâu 18 mét với 20 bar khí, lên chậm rãi đúng như sách đã biểu. Tới bề mặt, hai chú cháu bơm chút khí vào BCD là chai khí dường như vừa hết. 


Đường về tàu xa xôi diệu vợi, mà nằm đây chờ tàu tới rước thì tới Tết Công gô. Được cái, ông chú là “thợ bơi xuất sắc” nên dư sức kéo cô cháu cùng trở về tàu. Lên tàu, Divemaster nói “Tụi con nghiệm hoài rồi, nửa chai sau hết lẹ hơn nửa chai đầu”, còn tôi thì ngắn gọn rằng "nửa chai (sau) ít hơn nửa chai (đầu)".

(*) Xin xem “Tự điển Lanbien” ở trên cùng bên phải trang tin.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Căn bệnh sợ nước kinh niên và phác đồ “điều trị”

P3 – Học mà chơi, chơi mà học (bài trên Pi–C&E, trích).

Nước luôn luôn muốn nâng bạn lên, đó là bản chất của nước. Nước giúp bạn biết rằng, khi bạn vượt qua nỗi sợ nước, thì dù bạn nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu, thì nước vẫn nâng bạn lên chẳng chút khó khăn gì.

Chọn bạn học: Bạn nên cùng một ai đó luyện tập (nếu có thể) và nếu kẻ đó cũng sợ nước như bạn thì thật tuyệt. Quan trọng là hai người phải là cổ động viên của nhau. Người đó sẽ không nói với bạn rằng sự sợ hãi của bạn là ngu ngốc. Ngược lại người đó sẽ khuyến khích bạn nhưng không ép bạn tập nhanh hơn ý bạn muốn. Người đó cũng là kẻ giúp bạn cảm thấy thích thú, bởi vui chơi là một khía cạnh chủ yếu của luyện tập. Bạn hãy luôn tự tán thưởng mình trong quá trình tập luyện.

Làm quen với nước: Bạn ngồi trên thành bể bơi, thả chân xuống nước, hít thở, thư giãn, sau đó xuống nước tại độ sâu mà bạn muốn, nhưng không sâu hơn ngực. Nếu bạn muốn đứng đó và tán dóc, thì cứ việc. Tới khi nào bạn cảm thấy mình đã sẵn sàng thì mới bước vào luyện tập.
 
Mục tiêu hành động: Bạn nổi được, bơi được một cách thoải mái theo lối bản năng, và di chuyển lòng vòng chừng 20 phút. 
Hình: Bạn chớ đặt ra mục tiêu phấn đấu, vì có phấn đấu nghĩa là có thúc dục, có ép uổng.

Bước 1 – Co chân: Nước ngang tầm ngực, bạn quay mặt vào thành bể và vịn hai tay vào thành bể. Tất cả những gì bạn phải làm là co một chân ra phía sau, co đầu gối một cách thoải mái và để nó rơi xuống. Nhắm mắt và cảm nhận nước đang nâng đỡ chân bạn như thế nào. Co và thả, co và thả. Rồi bạn thử với chân kia.

Bước 2 – Ấn tay: Đứng ở độ sâu như cũ, bạn quay lưng vào thành bể và vịn hai tay vào thành bể sao cho cơ thể hơi ngả ra phía ngoài. Hai cánh tay không tỳ vào sườn. Rồi bạn buông tay ra và ấn chúng xuống nước. Rồi thả lỏng chúng (giống như thả chân ở Bước 1). Ấn và thả, ấn và thả. Bạn sẽ cảm nhận rằng khi ấn cánh tay xuống nước, tay sẽ được nước đẩy trở lên. Càng ấn mạnh, tay càng được nước đẩy lên mạnh hơn.

Bước 3 – Nhảy: Đứng ở độ sâu như cũ, bạn nhẹ nhàng nhảy lên trong nước. Khi này hai tay hoạt động tùy theo ý thích của bạn. Bạn chú ý xem cơ thể bạn cảm thấy thế nào dưới nước. Nếu bạn làm động tác này cùng với người bạn sẽ giúp bạn khỏi bị xung quanh cho là bị "mát”, hoặc bạn đi với trẻ nhỏ - chúng sẽ là vỏ bọc cho hành vi “mát” này.
                                                                          
Bước 4 – Nhảy và co chân: Bạn ra chỗ sâu hơn (không nên sâu quá vai). Bạn nhảy lên như Bước 3. Thỉnh thoảng bạn nhảy cao hơn và co hai đầu gối vào sát ngực. Cú nhảy cao hơn này cho bạn cảm giác giống cú “bật nhảy”. Cứ nhảy và tăng dần khoảng thời gian chân bạn không chạm sàn bể.

Bước 5 – Nhảy và ấn tay: Bạn “bật nhảy” như Bước 4. Bạn ấn hai tay xuống nước (như Bước 2) khi cơ thể đi lên. Cứ chân nhảy lên thì tay ấn xuống. Bạn cảm thấy điều gì? Ấn tay xuống dường như nước đẩy bạn lên – bởi vì nước luôn luôn nâng bạn lên.

Bước 6 – Quạt tay: Bạn đứng yên dưới nước và quạt hai tay (sang hai bên) theo lối bản năng, khuỷu tay co lại và bàn tay hơi khum. Tất cả những gì bạn phải làm là quạt hai tay: Chúng đang thư giãn, chúng đang ở phía trước bạn. Bạn cảm thấy nước đang tiến lại với bạn.

Bước 7 – Nhảy và quạt tay: “Bật nhảy” kết hợp quạt hai tay theo bản năng. Hãy tăng dần thời gian chân bạn rời khỏi sàn bể bơi. Cứ làm cho tới khi bạn cảm thấy thoải mái như có thể.

Bước 8 – Di chuyển: Bây giờ bạn hãy bơi theo lối bơi bản năng (bơi chó) với hai chân hoàn toàn rời khỏi đáy bể. Bạn hãy thư giãn. Khi bơi, bạn dìm ngực xuống nước và cho mông nổi lên. Bạn thực hiện các động tác như thế nào không quan trọng, miễn bạn nổi là được. Bạn cảm thấy chân bạn đang chuyển động ở phía sau cơ thể; việc quạt tay giúp chân bạn nâng lên; việc dìm ngực xuống sẽ giúp cơ thể nâng lên; càng bơi bạn càng thấy mình nổi thật dễ dàng.

Bước 9. Vậy là bạn đã cảm thấy thoải mái trong nước rồi đó. Bạn hãy đăng kí học bơi đi thôi, có thể bắt đầu bằng kỹ thuật bơi trườn sấp cơ bản.

Điều mấu chốt: Trong quá trình luyện tập, bạn cần cảm thấy mình luôn ở trạng thái thoải mái. Bất cứ thời điểm nào bạn cảm thấy không thoải mái thì hãy quay lại một trong các bước trước đó và tiếp tục từ đó.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Căn bệnh sợ nước kinh niên và phác đồ "điều trị"

P1 – Căn bệnh sợ nước (bài trên Pi–C&E, trích)

Sợ nước (Aquaphobia) là thuật ngữ ghép gốc của ngôn ngữ La tinh cổ là "aqua" (nước) và ngôn ngữ Hy lạp cổ là "phobos" (sợ). Người mắc bệnh sợ nước cảm thấy lo lắng khi họ nhìn thấy nước ở biển, sông, hồ, suối, hoặc thậm chí là bồn tắm – một nỗi sợ dai dẳng và không bình thường. Họ tránh các hoạt động có liên quan tới nước.

Sợ nước, một trạng thái làm cơ thể cứng ngắc, một cảm giác tiêu cực, một phản ứng không mong muốn, ngăn cản họ xuống nước một cách thoải mái. Mức độ nhẹ của sợ nước là thiếu tự tin, và nặng hơn, đó là chứng sợ nước kinh niên.

Có thể sợ nước hình thành từ kết quả của những sự tiếp nhận các trải nghiệm trực tiếp, gián tiếp hoặc qua quá trình tiếp nhận của tiềm thức.

Tiếp nhận trực tiếp: Có nguồn gốc xúc giác, mà bạn đã từng thấy nó, trải nghiệm nó về mặt vật lý.

Tiếp nhận gián tiếp: Có nguồn gốc (của phương thức) thị giác, ví dụ như bạn đã từng chứng kiến vụ tai nạn chết đuối, xem phim (về đắm tàu, cá mập, cá Piranhas), sự ám ảnh trong giấc mơ về đuối nước,... và/hoặc có nguồn gốc (của phương thức) thính giác như thông qua trao đổi, nghe kể (và đọc chuyện).

Tiếp nhận của tiềm thức: Các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, giấc mơ từ thủa nhỏ, tự vệ theo bản năng (những cảm xúc và thái độ) khi đối mặt với vùng nước lớn.

P2 – Bạn cần biết nước là như thế nào.

Bạn học bơi để làm gì? Phải chăng để được an toàn khi ở trên tàu đang bị chìm? Bạn tính học bơi ếch hay bơi trườn sấp? Phải chăng bạn cần biết những gì để được an toàn trên mặt nước?

Không ít huấn luyện viên cho rằng, nếu sợ nước thì chỉ cần học bơi là xong. Trong hơn một trăm năm kể từ khi việc học bơi được dạy chính quy, một áp dụng phổ biến đối với những kẻ học bơi nhưng sợ nước đều bắt đầu từ tiên đề: Nếu luyện tập đủ lâu về một cái gì đó không dễ chịu, thì nó sẽ trở nên dễ chịu. (Thật sai lầm nếu bạn áp dụng điều này).

Phải chăng bạn cần biết cách quạt nước để mà bơi? Không, quạt nước chưa cần thiết. Bạn cần biết rằng, nếu bị rơi xuống nước thì đó không phải là tình huống khẩn cấp, bởi nước sẽ đẩy bạn trở lại bề mặt. Con người không thể ở lại dưới độ sâu để đi bộ dưới đó – nước không hoạt động theo cách đó.
                                                      
Ngay cả khi cơ thể bạn không có tính nổi cho lắm, hoặc bạn đang mặc nhiều quần áo, thì bạn có thể không nổi nhanh lên bề mặt hoặc thậm chí không nổi lên. Nhưng bạn đừng lo, điều này không nguy hiểm và bạn không có lý do để hoảng hốt – những người biết về nước đều biết rõ điều đó. Nhưng có bao nhiêu người biết về nước? Hầu hết những người bị chết đuối không biết về điều đó. Hầu hết những người hoảng sợ không biết điều đó. Do vậy, bạn cần hiểu cơ chế hoạt động của nước, đó là một trong các điểm chủ yếu trong học bơi.

Trong giờ học bơi đầu tiên (theo phác đồ này), hầu hết học viên đều ngạc nhiên khi được biết rằng nước làm cho cơ thể của họ rất khó chạm tới đáy bể bơi. Bởi những người sợ nước tin rằng nước hoạt động giống như không khí: Nó để cho cơ thể bạn rơi xuống tận đáy hồ và bạn sẽ ở lại đó – mà bạn chả cần phải làm gì cả.

Vừa rồi báo chí đăng tin có một người đàn ông, biết bơi, bị chết đuối chỉ trong bốn phút. Tôi nghĩ ông ấy cần biết thêm một vài điều nữa. Ông ấy (lúc đó) cần cảm nhận được sự khó chịu đang tiến tới ông ấy, và nhận thức rằng đã đến lúc chấm dứt sự mất kiểm soát bản thân. Còn nếu ông ấy cố vùng vẫy do sợ hãi, ông ấy sẽ không nhận được tín hiệu của cơ thể. Chắc chắn cơ thể đã báo cho ông ấy – giá như ông ấy chú ý.

Một tín hiệu nữa, là con người vốn có tính nổi: Trong bốn phút, ông ấy không thể chìm xuống đáy được. Một tín hiệu khác, đó là không khí luôn ở gần bên ông ấy (vì lúc đó ông ấy vẫn ở sát bề mặt nước). Nhưng khi bạn hoảng sợ thì hiển nhiên là bạn sẽ không biết gì nữa. Nếu bạn không biết làm thế nào để ngăn chặn hoảng sợ, thì bạn không thể chú ý đến các thông điệp an toàn mà cơ thể gửi tới cho bạn. Ngăn ngừa hoảng loạn là điều mà các bài học bơi cần có.

Một khi bạn hiểu về nước thì nước sẽ là một nơi vui thú. Nhưng vui thú không phải là lợi ích duy nhất. Biết về nước còn là vấn đề của an toàn và kỹ năng sống. Tuy nhiên, bạn không thể hiểu về nước, không thể học bơi, mà không được trải nghiệm với nước. Bạn cần có cảm giác nước. Khi có cảm giác nước, hiểu về nước, thì bạn có thể biết được nhiều quy luật khác biệt của nó. Nước không ứng xử (với bạn) giống như đất liền và trọng lực đâu.
(H1: Bạn cần biết làm thế nào để có thể cảm thấy an toàn, làm thế nào để cảm thấy thoải mái trong nước). 

Người sợ nước không cảm nhận được nước. Tâm lý của họ có xu hướng nghiêng về phía hoảng sợ. Mối quan tâm chính của họ là tránh bị chết đuối. Khi đó tâm trí của họ làm sao mà có thể dành chỗ cho họ vẫy chân và hít thở nhịp nhàng. Người sợ nước cần biết làm thế nào để có thể cảm thấy an toàn, làm thế nào để cảm thấy thoải mái trong nước, và có thể kiểm soát được mình trong nước – như khi ở trên bờ. Tới lúc đó tự bạn sẽ biết, rằng không được hít nước vào mũi, rằng không có lý do gì để hoảng sợ, rằng bạn sẽ nổi. Nếu bạn là người có tính nổi kém, thì cũng không sao, có những kỹ thuật đơn giản để giúp bạn nổi lên và ở lại trên mặt nước.

Vẫy chân và thở đều là một phần của tập bơi, và bạn lướt tới nhờ sức lực của bản thân – họ đã dạy cho bạn điều đó trước khi họ dạy cho bạn rằng nước hoạt động ra sao và làm thế nào để giữ được bình tĩnh. Đó là chuyện ngược đời giống như đặt chiếc xe bò đứng trước con bò. Tập như thế không giúp bạn nổi trên mặt nước được đâu!

Vậy tại sao bạn sợ nước nhưng lại muốn xuống nước? Tại sao bạn tự nguyện úp mặt xuống nước mà chân không chạm tới đáy bể? Bởi vì bạn muốn học bơi, bởi vì bạn cảm thấy đã được an toàn, bởi vì bạn biết bạn vẫn kiểm soát được bản thân trong khi học bơi, và bạn sẽ được trợ giúp khi cần. 
(H2: Tại sao bạn cảm thấy thoải mái khi ở trên bờ, bởi vì bạn thấy được an toàn).