Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Lặn xuống Lỗ xanh. P2: Cuộc khảo sát vội vã

… Máu trong người tôi chảy rần rật. Không gian trở nên sẫm màu, sẫm như màu áo wetsuits(*). Kí hiệu “IPX” màu đỏ trên áo tôi bị mờ dần, tiếp theo là màu vàng của áo Kirk bị mờ. Sự kiện này nói với tôi rằng, ở dưới độ sâu lớn như vậy, tôi đã thuộc về một thế giới chỉ của màu xanh và đen/trắng.

Tiếp tục xuống, chúng tôi chìm vào bóng tối với tất cả các màu sắc bị mờ dần. Trước mặt tôi là bức tường đá xám bao bọc một vùng nước màu xanh dương sậm. Tôi chăm chắm nhìn đồng hồ đo độ sâu. Nhìn lên, chỉ thấy một màu xanh lờ mờ. Chúng tôi đã hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới trên cạn – nguồn gốc của cuộc sống của chúng ta.

Đã 30 mét. Đây có vẻ như một chiều sâu tôi không thể đạt được, nhưng tại đây, thậm chí tôi sẽ bị người ta dìm xuống một địa điểm sâu hơn.

Đã 34 mét, tôi đã vượt kỉ lục của chính mình, tôi nghĩ, mình đã có mặt tại một lãnh thổ sâu hơn những nơi trước đây tôi từng được tới.

Đã 36,6 mét. Bức tường đá tuyệt vời – bạn đồng hành của chúng tôi – đột ngột kết thúc tại một vỉa đá đột ngột thụt vào. Chúng tôi lặn xuống phía dưới vỉa đá đó và thấy mình lơ lửng trên trần một “giáo đường” vĩ đại với các nhũ đá khổng lồ, mục tiêu của cuộc lặn của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không còn thời giờ để lang thang, thời gian trong kế hoạch lặn đã hết. Tôi thậm chí không đủ thời gian để chụp một vài hình, vì đơn giản là chúng tôi chỉ làm một cuộc khảo sát vội vã và trốn chạy ra khỏi NÓ.

Tôi tóm lấy nút bơm hơi của BCD(*), bàn tay trái của tôi chạm vào cái nút tròn quen thuộc. Đây là lần thứ hai trong cuộc đời, tôi cầu nguyện rằng nó sẽ làm việc, khi cần. Tôi chưa từng bị hư nút bơm, nhưng nếu nó hư, tôi có thể bị giữ lại trong bóng–tối–vĩnh–cửu. Không hiểu sao máy tính lặn của chúng tôi lại chênh nhau: 39,6 mét và 38 mét. Khỏi, tôi xác nhận là 39,6 mét. Tôi đã thiết lập kỷ lục chiều sâu của mình. Chúng tôi từ từ nổi lên. Thời gian trôi qua nhanh chóng. Kirk và tôi đã phải chuyển sang dùng bình khí dự bị. Chúng tôi mất 12 phút cuối cho cú nghỉ giải áp(*). Tới mặt nước, tôi bơm khí vào BCD. Tôi nhấn nút bơm cho đến khi tin chắc là mình đã thực sự ở trên mặt nước. (còn nữa)

(*) Xin xem Tự điển lanbien ở bên phải trang blog.
H: Chúng tôi hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới trên cạn - nguồn gốc của cuộc sống của chúng ta.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Lặn xuống Lỗ xanh. P1: Một Lỗ Đen sâu nhất, một Vực Thẳm đen ngòm

Chúng tôi đã có bài giới thiệu về Blue hole tại Chủ đề CHUYỆN CỦA BIỂN. Nay xin đăng bài của một VĐV nghiệp dư lần đầu đi lặn Lỗ xanh - hang Great Blue Hole (trích).

… Tôi đứng trên boong tàu Dive Pro, nhoài qua lan can nhìn xuống nước, ở đó, nơi đáy biển thụt xuống đột ngột, là một hang động bí ẩn mà thợ lặn giải trí chỉ được xuống 40 mét. Tôi đã từng xuống độ sâu 34 mét, nhưng tôi biết hôm nay con số này sẽ bị phá. Tôi muốn đặt mình vào mạo hiểm. Hướng dẫn viên nói: “Chào mừng các bạn đến Great Blue Hole. Chúng ta sẽ xuống 39,6 mét. Chúng ta sẽ ở đó 12 phút, tính từ thời điểm mà người đầu tiên có mặt ở đó. Chúng ta phải quan sát lẫn nhau và phát hiện các dấu hiệu u mê nitơ cho nhau”.

Đã đến giờ lên đường. Tôi đứng ở “vạch xuất phát” tần ngần nhìn xuống nước: Một vùng tối sẫm so với màu vàng vàng xung quanh hang ngầm, ở đó mép hang đột ngột tụt xuống với rạn đá chạy vòng quanh miệng hang. Đó là Great Blue Hole, một vực sâu 122 mét, một Lỗ Đen sâu nhất, tối nhất, một Vực Thẳm đen ngòm.

Không thể rút lui, tôi hít một hơi thật sâu và nhảy xuống nước, ngay trên bề mặt miệng hang. Chiếc máy ảnh MX-10 và quá nhiều thiết bị đeo trên cơ thể sẽ lấy thêm nhiều nỗ lực của tôi ... Thần kinh của bạn sẽ không bao giờ thực sự có thời gian để tìm hiểu NÓ … Xung quanh tôi hàng ngàn bọt bong bóng nổi lên che khuất tầm nhìn xuống ... BCD(*) sẽ sẵn sàng đưa bạn trở lại mặt nước – trước khi bộ não của bạn hiểu được điều gì đang xảy ra.

Các thợ lặn túm tụm quanh chiếc phao định chuẩn, chờ đợi … Không khí bên trong kính lặn thì ấm còn nhiệt độ bên ngoài thì lạnh, gây ra ngưng tụ sương trên kính lặn của tôi. Tôi nghĩ phải bôi một chút nước bọt vào trong kính lặn để khắc phục đọng sương. Nước biển trong Great Blue Hole có chứa một số hóa chất độc mà bạn thực sự không muốn chúng lọt vào mắt bạn.

“Chúng ta xuống nhé” – Kirk (hướng dẫn viên) ra hiệu. Chúng tôi xả khí trong BCD. Đai chì(*) đeo quanh eo đã thắng tôi, nó dìm tôi chìm xuống ... Tôi nuốt nước miếng để cân bằng áp suất tai ... Đột nhiên có tiếng vang đều đều như của động cơ chọc vào tai tôi. Tôi ngơ ngác và Kirk ra hiệu “không sao đâu” ... Phía đáy hang như bị che phủ một màu da cam. Chúng tôi nhẹ nhàng xuống đáy hang, lơ lửng trên sàn cát cùng những mỏm đá của một thế giới xa lạ. Số lượng bọt khí từ miệng các thợ lặn tăng lên, chúng nhập lại với nhau tạo thành hình con sứa khổng lồ, xuắn lại và nổi lên mặt nước. Những con cá màu sắc rực rỡ, tỏ ra rất bận rộn, lướt qua chúng tôi và biến mất.

Kirk ra hiệu. Chúng tôi lướt trên sàn cát, bơi tới nơi vùng cát kết thúc, nơi nước biển đột ngột đổi thành màu tím. Tôi ngẩng lên nhìn bầu trời xanh thẳm lần cuối cùng. Kirk lại ra hiệu, chúng tôi lại xuống tiếp ... Trong hang, từ độ sâu 9 mét trở xuống, những dấu vết cuối cùng của sự sống bám trên vách tường đá đã biến mất, thay vào đó là sự ảm đạm ... (còn nữa)

(*) Xin xem Tự điển lanbien ở bên phải trang blog.
Hình: Hang Jungled ở "Bahama Lớn".

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Học chụp hình dưới nước. (tiếp theo)

Bài 5: Kiểm soát hình ảnh bằng thiết lập tay các tham số máy hình.



Chụp hình với chế độ tự động (auto mode) dĩ nhiên không có gì là sai. Nhiếp ảnh dưới nước thú vị và đáng kinh ngạc tới mức không phải ai cũng quan tâm tới việc thiết lập chế độ chụp bằng tay. Tuy nhiên, việc tiếp bước sang chế độ “chụp tay” (manual mode) sẽ mở ra những khả năng vô tận cho nhiếp ảnh dưới nước. Ưu thế lớn nhất của manual mode chính là cho bạn khả năng kiểm soát đầy đủ ảnh chụp của mình. Chiếc máy ảnh là công cụ, không phải trí não của bạn. Nếu bạn có một hình ảnh đặc biệt trong đầu, thì cách duy nhất để biến nó thành hiện thực là sử dụng thiết lập tay, bởi chiếc camera không đọc được ý nghĩ của bạn.

Thêm nữa, chụp theo chế độ manual làm cho bản thâm quá trình chụp hình trở nên thú vị hơn. Hãy cố tìm ra thiết lập tham số đúng, sao cho hình ảnh bạn chụp được khớp nhất với hình dung của bạn.

Thậm chí nếu bạn quyết định chụp bằng chế độ tự động thì việc hiểu cách thức hoạt động của máy chụp hình và các thiết lập tham số của nó cũng giúp nâng cao trình độ nhiếp ảnh của bạn.
Chụp với chế độ manual giúp bạn kiễm soát đầy đủ tấm hình của mình

Các biệt ngữ (The Jargon)

Những người mới chụp hình khi nghe nói đến các thuật ngữ như aperture (khẩu độ), shutter speed (tốc độ màn trập) hoặc ISO thì thường cứng người và muốn quay trở về  chế độ auto mode. Trong khi các biệt ngữ kỹ thuật nghe thật to tát,, mà nếu bạn dành chút thời gian suy nghĩ một cách logic  thì các khái niệm này lại có nhiếu trực giác.

Cho dù công nghệ sử dụng trong máy chụp hình đã thay đổi  sâu sắc kể từ những ý niệm ban đầu thì các nguyên lý căn bản về cách thức hoạt động của nó vẫn giữ nguyên. Chiếc máy ảnh đã luôn là và chẳng qua vẫn còn là một hộp kín sáng có chứa một loại phương tiện nhạy với ánh sáng. Ngày nay, phương tiện (media) này chính là sensor số bên trong máy. Ở thời điểm cách nay chưa lâu, chúng chính là film. Một cái ống kín (ống kính) được gắn với hộp máy. Chiếc ống này có một cái lỗ có thể mở đóng (màn trập) cho phép ánh sáng rọi tới sensor. Khi bạn ở chế độ chỉnh tay, còn máy trong chế độ tự động, có thể kiểm soát độ lớn của lỗ (cửa trập) và thời gian mở của lỗ (tốc độ màn trập) đặng xác định lượng ánh sáng sẽ chiếu tới sensor Kết quả là ánh sáng chiếu lên sensor sẽ được ghi lại hình ảnh được gọi là độ phơi sáng. Bạn thấy đó, thật dễ hiểu!

Tất nhiên đây là hình dung được đơn giản hóa rồi, bởi máy ảnh số có một bộ máy cơ khí tiên tiến và ống kính hiện đại chứa một hệ thống quang học phức tạp – để hiểu được nó phải cần có kiến thưc tốt về vật ký và chế tạo máy. Cũng đừng lo, bởi bạn không nhất thiết phải hiểu cặn kẽ các lý thuyết và khoa học phức tạp đằng sau hoạt động của thiết bị.
  
Còn thành phần thứ 3: ISO là độ nhạy sáng của sensor, có thể ảnh hưởng đến độ phơi sáng và sẽ được bàn sau.

Khẩu độ (độ mở của ống kính)

Khẩu độ liên quan một cái lỗ trong ống kính, được gọi là diaphragm, để cho ánh sáng đi qua. Khẩu độ đièu chỉnh lượng ánh sáng đến sensor. Độ rộng của khẩu độ được tính theo thuật ngữ f-stops hay còn gọi là f-numbers Dải giá trị các stops này như sau: f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/22, đôi.khi còn tiếp nữa. Mỗi số không nhất thiết tương ứng với một giá trị kích thước mở cụ thể của khẩu độ, mà là một số tương đối. Mỗi kích thước của khẩu độ ( gọi là stop) được đánh dấu với một số tương ứng thể hiện bằng một nửa lượng chiếu sáng của stop trước nó. Ví dụ f/8 sẽ có lượng chiếu sáng gấp hai lần lượng ánh sáng của f/11 nhưng lại chỉ bằng một nửa lượng sáng của f/5,6 Bạn không cần biết rõ mối liên quan toán học của các con số ngay lúc này. Chỉ cần biết rằng mỗi stop sẽ có lượng ánh sáng hoặc gấp đôi, hoặc bằng phân nửa lượng ánh sáng .
Đôi điều có thể gây bối rố những người mới chơi máy ảnh: f-stop càng nhỏ, thì màn trập lại càng mở rộng hơn. F/8 tương ứng với độ mở ống kính lớn hơn f/16 (như hình trên đã chỉ ra) và cho lượng ánh sáng đi qua nhiều hơn gấp bốn lần (2 stops). f-stops nhỏ hơn có khẩu độ lớn hơn, có nghĩa kích thước lỗ rộng hơn. Đây là quan hệ tỳ lệ nghịch.

Các giá trị của f-stop được nhắc tới trên đây khá là chuẩn giữa các ống kính, bạn vẫn có thể thấy một vài khác biệt tại các phần cuối của giải phổ. Một số ống kính không có cận ngoài. Trên thực tế, hầu hết máy nhắm và bắn có khầu độ lớn nhất lá f/8. Bạn có thể học cách thiết lập khẩu độ của máy ảnh thông qua hướng dẫn sử dụng.

Vậy cái gì làm thay đổi ý nghĩa của khẩu độ về mặt hình ảnh?  Vì lượng ánh sáng đến được camera phụ thuộc vào khẩu độ, độ phơi sáng tổng thể được thay đổi bằng cách thay đổi khẩu độ. Ví dụ như, nếu bạn chụp ảnh chú cá sao (starfish) với khẩu độ f/5,6 và f/8 và các tham số khác giữ nguyên thì kết quả là tấm hình chụp với khẩu độ f/5,6 sẽ sáng hơn, hay là được phơi sáng hơn là tấm hình được chụp với khẩu độ f/8 sẽ tối hơn, hay ít phơi sáng hơn


Đây là ảnh chụp với khẩu độ f/8.

Đây là cùng tấm ảnh đó nhưng với f/5,6, ta thấy nó sáng hơn do có khẩu độ lớn hơn

Đây cũng là chính tấm ảnh này nhưng với f/11 Độ phơi sáng tối hơn do khẩu độ nhỏ hơn.

Độ sâu của trường ảnh.

Kích thước của khẩu độ không chỉ ảnh hưởng tới lượng ánh sáng tới được sensor, mà còn tới độ nét của ảnh nữa.

Khi chụp ảnh, bạn phải chọn điểm lấy nét. Bất kỳ ai từng sử dụng máy ảnh đều phải làm việc này. Bạn chọn điểm ngắm bằng cách áp khung lấy nét lên đối tượng. Khi chụp cảnh nghỉ hè của người bạn, bạn thường đặt điểm lấy nét lên khuôn mặt của người bạn, Và khu vực đằng sau và phía trước điểm lấy nét này cũng sẽ nét. Khu vực này được gọi là độ sâu của trường ảnh. Độ sâu trường phụ thuộc vào khẩu độ. Khẩu độ càng lớn (f-stop nhỏ) thì độ sâu trường ảnh càng nhỏ. Có nghĩa là khu vực ta thấy nét sẽ lớn hơn khi ta chụp với khẩu độ f/8 so với f/2.8

Thực tế độ mở ống kính nhỏ dẫn đến độ sâu trường lớn là một cách suy luận, tuy nhiên khi thực hành nhiều, nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên




Chế độ ưu tiên khẩu độ.

Nếu như bạn cần có một độ sâu trường ảnh nhất định, bạn cần thiết lập máy ảnh về  chế độ “ưu tiên khẩu độ” thường được hiển thị bằng chữ A hay Tv trên vòng xoay chọn chế độ.  Trong chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn cần chọn khẩu độ bằng tay, còn máy sẽ tự động lựa tốc độ màn trập sao cho có độ phơi sáng tốt nhất.


Tốc độ màn trập.

Có hai tấm pano bên trong máy giống như rèm chống sáng trên cửa sổ, ngăn cản ánh sáng đi qua ống kính tới sensor. Khi chụp hình, bạn mở những rèm này và cho phép ánh sáng rọi tới sensor một cách tức thì.  Những rèm này được gọi là “màn trập” (shutter), và bạn có thể đặt thời gian mở ống kính theo ý mình. Độ dài thời gian này được gọi là tốc độ màn trập.  

Tốc độ màn trập được thể hiện bằng phần của giây (đôi là vài giây). Cũng tương tự như ống kính có dải khẩu độ, máy ảnh của bạn cũng có một dải tốc độ màn trập. Dải tốc độ này thường là 1/1000 s, 1/500 s, 1/250 s, 1/125 s, 1/60 s, 1/30 s, 1/15 s, 1/8 s, 1/4 s, 1/2 s, 1s, 2s, v.v. Chẳng hạn, tốc độ màn trập 1/125 có nghĩa màn trập sẽ được mở trong khoảng thời gian một phần 125 giây. Cũng giống như f-stops, tồn tại một mốt quan hệ toán học giữa các tốc độ màn trập khác nhau – mỗi tốc độ sẽ giữ trạng thái mở bắng nửa thới gian của tốc độ trên nó, hoặc bằng hai lần tốc độ dưới nó. Ví dụ, 1/30s cho phép ánh sáng đi tới sensor trong khoảng thời gian bằng nửa thời gian của 1/60s nhưng lâu gấp hai lần 1/15s 
  
Do tốc độ màn trập xác định độ dài thời gian chiếu lên sensor nên nó sẽ ảnh hưởng tới tổng thể phơi sáng của hình ảnh bằng cách giảm nửa hay tăng gấp đôi thời gian rọi sáng. Một hình ảnh được chụp với tốc độ 1/30s sẽ sáng hơn hình ảnh chụp với tốc độ 1/60s do thời gian rọi sáng qua màn trập dài gấp hai lần.



“Đóng băng” chuyển động

Tốc độ màn trập cũng ảnh hưởng tới chuyển động trong ảnh của bạn. Tốc độ chậm sẽ làm nhòe chuyển động, trong khi tốc độ nhanh sẽ “đóng băng” nó. Điều này sẽ có ý nghĩa nếu bạn để ý tới vấn đề này. Chẳng hạn như bạn chụp chú cá đang bơi với tốc độ màn trập 1 giây. Khi bạn chụp, màn trập sẽ mở nguyên một giây, đủ thời gian chú cá bơi qua khung hình. Toàn bộ vệt đường đi qua khung hình của chú cá sẽ được lưu lại, và vì nó chuyển động liên tục nên hình ảnh sẽ bị mờ Còn bây giờ, hãy hình dung cùng một bối cảnh, nhưng bạn đặt tốc độ màn trập 1/125 giây. Màn trập sẽ chỉ mở ra trong một khoảng thời gian đù để ghi hình chú cá trong một thời điểm nhất định, làm đóng băng chuyển động.

  
Các nhiếp ảnh gia dưới nước giỏi đôi khi cũng dùng tốc độ chậm để thể hiện chuyển động dưới nước.  Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp người chụp hình dưới nước thường chụp với tốc độ 1/60 s hoặc nhanh hơn để chụp các đối tượng cố định. Nếu không, sừ dụng đèn chớp (strobe), cũng có công dụng đóng băng đối tượng, chụp hình với tốc độ cao hơn có thể là cần thiết để tránh rung máy (camera shake) Ngoại trừ bạn thật cố định, điều không ai có thể làm nổi, camera của bạn chuyển động do chính bạn chuyển động. Bạn phải điều chỉnh tốc độ màn trập tùy thuộc vào việc bạn có thể giữ yên tay lâu đến đâu.





Chế độ ưu tiên tốc độ.

Nếu bạn biết cần phải có tốc độ bao nhiêu để “đóng băng” chuyển động thì bạn có thể đặt chế độ ưu tiên tốc độ (shutter priority) thường được hiển thị bằng chữ S trên bánh xe đặt chế độ chụp ảnh. Khi đặt chế độ ưu tiên tốc độ, bạn chọn tốc độ chụp và camera sẽ chọn khẩu độ được cho là phù hợp để có độ phơi sáng tốt nhất.
  

Để có độ phơi sáng (exposure) tốt  nhất.

Đẻ có được kiểm soát toàn diện hình ảnh của mình, bạn cần điều chỉnh cả tốc độ và khẩu độ kết hợp với nhau. Cần nhớ, tăng thêm một f-stop sẽ giảm lượng ánh sáng một nửa. Tăng tốc độ lên một stop cũng làm giảm lượng ánh sáng đi một nửa. Đây là một mối quan hệ toán học cốt lỗi nhưng cực kỳ đơn giản. Theo mối quan hệ này, nếu bạn tăng khẩu độ lên một stop (ví dụ từ f/5.6 lên f/8) đồng thời giảm tốc độ màn trập một stop (ví dụ từ 1/125s xuống 1/60s) bạn sẽ vẫn có cùng một độ phơi sáng như trước khi thay đổi.
  
Tất cả những tổ hợp khẩu độ và tốc độ dưới đây sẽ cho cùng một độ phơi sáng xác định, tuy nhiên độ sâu trường và thuộc tính chuyển động sẽ thay đổi.
  
Hình ành được chụp với f/5.6 và 1/125s có độ phơi sáng chính xác như ảnh được chụp với f/8 và 1/60s ( giả định là bạn không xê dịch và cùng điều kiện chiếu sáng)  Đó là vì bạn giảm nửa lượng ánh sáng đi qua cửa sổ khẩu độ, tuy nhiên bạn lại cho gấp đôi lượng sáng đi qua cửa sổ này bằng cách giữ cửa trập mở lâu hơn.

Một khi bạn tìm ra độ phơi sáng, bạn có thể điều chỉnh thiết lập để có được độ sâu của trường và tính động trên ảnh. Giả sử bạn chụp chú cá bống và nhận thấy độ phôi sáng chuẩn khi chụp tại f/2.8 và tốc độ 1/250s. Tuy nhiên, tại f/2.8 không đủ để có thể lấy nét chú cá như bạn muốn. Bạn có thể tăng f-stop lên f/4 và giảm tốc độ xuống 1/125s để tăng độ sâu trường ảnh và giữ nguyên độ phơi sáng.
  
Giờ, giả sử có thể đạt độ sâu trường ảnh hoàn hảo với khẩu độ f/5.6. Bạn cần giảm tốc độ màn trập xuống 1/60s để giữ nguyên độ phơi sáng. Tuy nhiên, việc giảm tộc độ màn chập sẽ dẫn tới xuất hiện quá nhiều sự nhòe mờ chuyển động cuả hình ảnh. Nếu như bạn giữ tốc độ chụp 1/125s, hình ảnh sẽ có thể quá tối, hình ảnh thiếu sáng. Bạn thấy đó, đây là trò xếp hình.
  
Còn một thiết lập cuối cùng mà bạn có thể thực hiện bằng tay để điều chỉnh độ phơi sáng.
  

ISO

ISO thể hiện độ nhạy cảm ánh sáng của sensor. Trong các máy chụp ảnh số hiện nay, ISO có thể trải từ ISO100 tới ISO 3200 thậm chí còn cao hơn ở những máy ảnh DSLR. ISO càng cao thì độ nhạy sáng của sensor càng tăng..

Do vậy, chụp với ISO 100 cần gấp đôi lượng ánh sáng như khi chụp với ISO 200 Có thể bạn sẽ nghĩ, “Sao ta không chỉ cần tăng ISO lên cao tối đa đủ để “đóng băng” chuyển động và độ sâu trường ảnh?”  Điều này có vẻ logic. Tuy nhiên, Có một khúc mắc khi sử dụng ISO cao hơn. Chất lượng tốt nhất của hình ảnh có được là khi sử dụng ISO thấp nhất. Với ISO cao hơn, sẽ phát sinh “nhiễu”.
  
Điều này có thể nhận thấy rõ ở những vùng đen và sẫm của hình ảnh dưới dạng các chấm nhiều màu. Nhiễu làm xuất hiện những hạt mờ trên ảnh, nhất là ở những vùng đơn sắc. Hình nền màu đen đẹp đẽ ở ISO 100 sẽ trở nên hỗn hợp những đốm nhỏ đa màu ở ISO 800. Vấn đề này thường thấy ở máy compact hơn là máy SLRs, tuy nhiên trong cả hai trường hợp, công nghệ hạn chế nhiễu đang ngày càng được cải thiện. Dòng máy DSLR cao cấp có thể chụp với ISO  3200 và cao hơn mà hầu như không thấy nhiễu.
  
Nói chung, hiếm khi bạn cần sử dụng đến hơn ISO 800 khi ở dưới nước. Có lẽ nó chỉ cần thiết khi chụp ánh sáng biên, chụp ảnh góc rộng vào buồi buổi tối, ngày âm u.
  
Mặc định, bạn hãy đặt ISO nhỏ nhất trên máy của bạn để có lượng nhiễu nhỏ nhất. Bạn chỉ tăng thêm ISO khi cần tăng độ phơi sáng, tương tự trường hợp chụp chú cá bống kể trên. Do các máy chụp hình khác nhau, bạn phải thực hành thử nghiệm để tránh những bức ảnh nhiễu.


Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Pool diving clips

 Một số hình ảnh và clips của buổi lặn hồ bơi được gom lại thành video ngắn này. Việc ghi hình được thực hiện một cách ngẫu nhiên vì thế chỉ có tính chất giải trí. Có lẽ lần sau sẽ chú ý khía cạnh học tập, luyện kỹ năng hơn vì xách máy chụp hình ra hồ bơi thì có gì thực sự đáng thu vào ống kính? :-)
 Tuy thế, trong clips này cũng có ít nhất 2 kỹ năng được biểu diễn là cảnh Coral rửa kính lặn và bác HCQ mặc áo BCD ở độ sau 2 mét, chưa kể động tác đạp ếch của bác HCQ cùng cảnh lặn vo của Computerboy và TchyA.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Blog Scuba Off-line: Pool diving

Mở đầu năm rồng bằng một chuyến lặn "hồ bơi" tại An Phú, Q2 - nhóm bạn lặn Blog Scuba năm nay đông vui hơn năm ngoái. Hai bạn trẻ mới lấy bằng lặn một sao của SSI tham gia lần này để ôn lại các kỹ năng căn bản. Bác HCQ thử nghiệm phân bố lại trọng lực bằng cách gắn các cục chì lên bình khí nén. Coral, Computerboy và tui thì chỉ là tập cân bằng nổi  trung tính và lặn nhởn, thư giãn. Hai bạn MHuy và AThu có nhiều việc phải làm hơn, từ chuẩn bị trang bị, kiểm tra an toàn, xuống nước...tới các động tác kiểm tra cân bằng trung tính, rửa kính lặn, hội thoại bằng động tác...
Đề dược lặn với giá ưu đãi, chúng tôi phải tự phục vụ.
Nơi tập kết là Hồ bơi "THiên Nga"
Thử nghiệm phân bố trọng lực trên bình khí
Thao tác chuẩn bị "khí tài"
Thở tốt, áp lực 200 bars...lặn hồ này biết bao giờ mới hết không khí đây1
Tiếp nước bằng lưng! Tay trái che gáy, tay phải giữ miệng thở và mắt kính...và
...Ủm....
He he...cũng không khó lắm nhỉ...trò tiếp nước bằng mông!
Computerboy
Coral
Bác HCQ
MHuy Và AThu lặn theo kiểu SSI
Cuối cùng là tui....AMk3
Kỹ năng rửa mắt kiếng...vẫn còn là một khó khăn của AThu
Bài tập "neutral buoyancy"
  Scuba chán rùi, chuyển qua Free-dive :)
Hoặc đơn giản chỉ là relax....dưới 2 met nước!
Cứ vậy diễn ra  buổi off-line của nhóm bạn Blog Scuba. Tui chỉ ghi nhận được các hoạt động dưới đáy nước. Lúc này bác HCQ và Coral đang say sưa luyện bơi trườn sấp trên mặt nước. Có thể bạn sẽ cười khẩy: trườn sấp là một môn bơi cổ điển mà! Nhưng vấn đề ở đây là các đ/c này luyện bơi trường sấp theo kỹ thuật của thế kỷ 21



Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Sát thủ hoàn hảo. P2: Hung thủ ẩn dưới 200 mét nước

Rồi Haraldur Sigurdsson phát hiện thấy trong nước hồ chứa hàm lượng lớn khí CO2, loại khí giết người qua đường hô hấp. Sigurdsson dựng lên giả thuyết gọi là “Hồ lật úp”, cho rằng chính hồ nước đã giải phóng một lượng lớn khí độc mà nó tích tụ được, trở thành đám sương mù giết người. Nhưng trước đó, trên thực tế chưa có trường hợp nào như thế xảy ra được ghi nhận cả, và cộng với sự hạn chế của khoa học lúc bấy giờ, đã khiến giả thuyết của Sigurdsson trở nên sơ hở. Các nhà khoa học đã phủ nhận ông. Vì vậy, khi ông đề nghị kiểm tra nồng độ CO2 của các hồ khác trong vùng thì Chính phủ Cameroon đã từ chối.

Trở lại Nyos, George Kling tin rằng giả thuyết của Sigurdsson là đúng. Ông đã độc lập tiến hành thử nghiệm nước trong hồ Nyos, và nhận thấy có một lượng lớn khí CO2 trong vùng nước sâu của hồ. Ông cho rằng, khí CO2 tự nhiên đã bốc lên thành một đám mây độc và đầu độc ba ngôi làng ven hồ. Đám mây này không mùi, di chuyển rất êm và không nhìn thấy. Ba yếu tố đó hợp lại khiến nó trở thành một sát thủ hoàn hảo. Giả thuyết này phù hợp với những vết bỏng được phát hiện trên thi thể các nạn nhân. Nó được gây ra bởi khí CO2 lạnh chứ không phải từ khí nóng. Đồng thời, không quân Mỹ đã cho biết, khi con người tiếp xúc với lượng lớn khí CO2 có thể dẫn tới ảo giác khiến họ cảm thấy rằng chúng có mùi lưu huỳnh.

Giả thuyết này đã mở đường cho các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân, như sau:

Hồ Nyos và hồ Monoun là những hồ nằm trên miệng núi lửa. Chúng được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa và do tích tụ nước mưa. Trong hầu hết các loại hồ này, các tầng nước luân chuyển từ trên mặt dưới đáy hồ và ngược lại theo một chu kỳ. Trong quá trình đó, các khí từ lòng đất xâm nhập vào đáy hồ cuối cùng sẽ được giải phóng ra bầu khí quyển. Nhưng hồ Nyos, hồ Monoun và cả hồ Kivu ở Đông Phi lại không giống như vậy. Các lớp nước hồ không có sự luân chuyển trên dưới, và vì vậy, khí độc ở đáy hồ sẽ bị giữ lại tại đây.

Khi xuất hiện cơn bão hay trận lở đất hay địa chấn, sẽ làm một lượng lớn nước trên bề mặt chìm xuống đáy và đẩy nước từ dưới đáy lên trên – hồ bị “lật úp”. Khí độc từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài, giống như bọt khí nổi lên của chai nước có ga bị mở nắp. Theo tính toán, trong sự kiện hồ Nyos, khí và nước đã bốc lên thành cột cao khoảng 80 mét, di chuyển với tốc độ 70 Km/h và lan đến ngôi làng cách đó 19 Km. Ước tính hồ đã nhả ra khoảng 1 Km3 khí CO2 đủ để lấp đầy 10 sân bóng đá. Tại hồ Monoun, đám mây khí này nhỏ hơn nhưng cũng đủ làm cho 37 người thiệt mạng. (hết).
Hình vui: Đầu hàng đi! Tui biết, hung thủ là một trong các anh!

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Blog Lặn Biển Off-line.

Chấp hành "nghị quyết" của hội đồng Cafe Scuba ngày 11 tháng 2 vừa qua tại quán "Thời @", tui đã liên hệ Rainbow Divers SG về việc tổ chức chuyến lặn hồ bơi tháng này. Xin thông báo để các thành viên rõ:
    1. Thời gian: bắt đầu lúc 14h15 Thứ 7 ngày 10 tháng 3. Tập trung lúc 14h00 tại RB - 55, Nguyen Dang Giai, An Phu, District 2 , HCMC, Vietnam.
    2. Địa điểm: Hồ bơi Thiên Nga - An Phú Q2
    3. Trang bị của RB cung cấp: BCD, Mask&Fins, Tank và Weight + Belt. Ai có trang bị riêng gì thì nên mang tới.
    4. Nội dung: Lặn giải trí, ôn lại kỹ năng và thử các trang bị, thủ thuật mới :))
    5.  Chi phí mỗi người lặn bao gồm: Trang bị như trên - 150K vnd, phí hồ bơi - 80K vnd (tui không chắc lắm, có thể hơn). Để thuận tiện, chúng ta sẽ gom tiền và chi trả trước ở cửa hàng-văn phòng RB. Sau cuốc lặn sẽ uống cafe tại quán gần đó - ai uống gì, tự trả nấy.
     6. Giải tán và hẹn gặp lại ở chuyến off-line kế tiếp ở biển (Nha Trang hoặc Whale Island)
     7. Thành phần tham gia: Các thành viên Blog Scuba và bạn bè, bất kỳ ai quan tâm. Xin đăng ký với AMk3 ( qua SMS: 016 380 43709) trước thứ 7- cần thông báo cỡ áo BCD và cỡ giày để chọn fins.

10 Điểm Lặn Đẹp Nhất Trên Thế Giới (Part 2)

6. Xác tầu đắm Yongala
Yongala là một con tầu bị đắm ngoài khơi phía nam Townsville, Australia. Bị chìm trong một cơn gió lốc năm 1911, con tầu nằm cách Townsville 90 km về hướng Đông Nam, 10km từ mũi Bowling Green trong công viên biển Great Barrier Reef.
Với chiều dài khoảng 110m, đây là một trong những xác tầu đắm lớn nhất, nguyên vẹn nhất trên thế giới.
Ngày nay Yongala đã trở thành một rặng san hô nhân tạo với số lượng san hô nhiều hơn hầu hết các hệ thống rặng san hô tự nhiên. Đây cũng là nơi cư trú của một số lượng khổng lồ các loại sinh vật rặng san hô. Cá mú Queensland, cá nục, cá nhồng, rùa, rắn biển, cá đuối …chỉ là một phần nhỏ của hệ sinh vật cư trú trong rặng san hô ở đây. Hàng năm Yongala thu hút khoảng 10.000 người tới lặn mỗi năm và là điểm lặn không thể bỏ qua trong danh sách những điểm lặn tai Australia.






7. Kailua Kona, Hawaii
Thành phố Kailua-Kona nằm dưới chân của ngọn núi lửa Hualalai, Hawaii và bờ biển Kona của nó là một trong những địa điểm tốt nhất trên thế giới nơi mà các thợ lặn có thể tới gần và quan sát loài cá đuối.
Một trong những tua lặn nổi tiếng nhất ở đây là tua lặn đêm xem cá đuối. Mỗi năm có hàng ngàn thợ lặn từ khắp nơi trên thế giới đến Kona để tham gia tua lặn này. Mỗi thợ lặn sẽ mang theo đèn pin dưới nước và chiếu ngược ánh sáng lên mặt nước. Những luồng ánh sáng này sẽ thu hút những sinh vật phù du và do đó thu hút loài cá đuối tới kiếm mồi cùng với rất nhiều loài cá khác nữa. Cách tốt nhất để giao tiếp với loài vật to lớn này là lặn với chúng. Những con cá đuối với sải vây tới hơn 3 m bơi lượn nhanh nhẹn, lộn nhào xung quanh các ánh đèn thợ lặn tạo ra những ấn tượng không thể quên cho tua lặn này.





8. Yadua Island, Fiji
Đảo Yadua nằm cách Nadi, thành phố lớn nhất và là cửa ngõ quốc tế của Fiji khoảng 15 phút bằng máy bay trực thăng. Hòn đảo nằm ở vị trí trung tâm của nhóm đảo nhỏ Mamanuca, Yadua chỉ cách các khu resorts nổi tiếng trên các đảo nhỏ lân cận khoảng 25 phút bằng ca nô.
Những bãi lặn tuyệt đẹp chỉ cách Yadua vài phút đi xuồng, ngoài ra ở đây còn có hai rặng san hô nổi tiếng nguyên vẹn là Lotomansi và Utanivono. Những rặng san hô của Yadua nằm trong số những rặng san hô tinh khiết, nhiều và đẹp nhất trên thế giới. Sự đa dạng của các loài cá rặng san hô ở đây dường như bất tận, với vô số các loài cá như white tip shark, cá heo, rùa biển và đồi mồi, cá vẹt đầu búa, cá bướm…

Một số thông tin về điểm lặn này
Tầm nhìn: 20 - 50m. Tầm nhìn tốt nhất là vào mùa đông (tháng 5 tới tháng 10) Nhiệt độ nước: 25 - 29°C Kiếu lặn: reef dive Đồ lặn thích hợp: wetsuit 3 mm vào mùa hè, 5 mm vào mùa đông Thời điểm lặn thích hợp: quanh năm



9. Công Viên Biển Quốc Gia Bunaken, Indonesia
Công viên biển quốc gia Bunaken được thành lập năm 1991 nằm ở bắc đảo Sulawesi thuộc quần đảo Indonesia. Tổng diện tích của công viên là vào khoảng 90,000 ha với tổng cộng 5 hòn đảo, trong đó diện tích của rặng san hô ở đây là vào khoảng 8 000 ha.
Quần thể sinh vật đa dạng dưới đáy biển chính là nét cuốn hút nhất của Công viên biển này. Khó lòng kể hết về tính đa dạng của quần thể sinh vật biển ở Bunaken với rặng san hô khổng lồ, vô vàn loài sinh vật không xương sống và khoảng hơn 2.500 loài cá biển

Một số thông tin về điểm lặn này
Độ sâu: 5 - 40m Tầm nhìn: 20 - 40m Dòng chảy: Thường yếu nhưng đôi khi có thể có dòng chảy mạnh Bề mặt nước: ít sóng Nhiệt độ nước: 27 - 30°C Số điểm lặn: ~25 Ưu điểm: wall dives, chụp hình dưới nước, reef life



10. Truk Lagoon, Micronesia
Truk Lagoon là một trong những điểm lặn tầu đắm đẹp nhất trên trái đất với số lượng xác tầu khổng lồ được gìn giữ gần như nguyên vẹn cùng với vẻ đẹp của chúng. Từng là căn cứ hải quân lớn của Nhật Bản trong thế chiến II, với hàng ngàn tầu chiến đóng tại đây; Một phần lớn trong số đó đã bị các cuộc tấn công của quân đội Mỹ đánh chìm trong năm 1944, biến Truk trở thành một nghĩa địa khổng lồ của tầu chiến, xe tăng, máy bay…
Truk Lagoon đã được chính phủ Micronesia tuyên bố là bảo tàng chiến tranh sống dưới nước.


Một số thông tin về điểm lặn này
Tầm nhìn: 10 - 30m.
Nhiệt độ nước: 28 - 29°C quanh năm
Sinh vật biển: cá mập xám, rùa, cá đuối, san hô… Đồ lặn thích hợp: wetsuit 3 mm
Thời điểm lặn thích hợp: quanh năm tuy nhiên thời gian tốt nhất là từ tháng 12 tới tháng 4
Kiểu lặn: wreck dive






Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

10 Điểm Lặn Đẹp Nhất Trên Thế Giới

(Theo Scuba Travel, Dive Directory, Forbes...)

1. Palau
Palau, tên địa phương: Belau, tên đầy đủ là Cộng hoà Palau, là một đảo quốc nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách Philippines 500 dặm về phía đông.
Điểm lặn nổi tiếng nhất tại Palau, Blue Corner, được xem là điểm lặn đẹp nhất trên thế giới bởi mức độ tập trung của các sinh vật đại dương. Điểm lặn này thực sự là một kỳ quan dưới nước.
Hãy thử nghe một nhận xét về điểm lặn này:
"Tại thiên đường dưới mặt nước này, tôi thấy mình đang bơi giữa vô số cá mập, cá nhồng, và rất nhiều loài sinh vật biển khác. Vẻ đẹp của nơi này thật không nơi nào sánh được. Trong tất cả các điểm lặn mà tôi đã từng lặn, đây thực sự là điểm lặn số một..."




Một số thông tin về điểm lặn này
Thời gian lặn: Quanh năm

Tầm nhìn: 10 - 40m

Dòng chảy: Trung bình tới mạnh

Nhiệt độ nước: 28 - 30°C

Phương tiện: bay tới Manila, Đài Loan rồi nối chuyến tới Palau






2. Biển Đỏ
Biển Đỏ là một trong những nơi có vô số điểm lặn đẹp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên có rất nhiều người đồng ý rằng Công Viên Biển Quốc Gia Ras Mohamed, Sharm El Sheikh, Ai Cập là điểm lặn đẹp nhất trong số những điểm lặn đẹp của Biển Đỏ.
Kho báu thiên nhiên này bao gồm những rặng san hô dầy đặc, những loài cá lạ như cá mập đầu búa, cá ngừ khổng lồ, những đàn cá nhồng… và vô số những cảnh đẹp dưới nước.
Mùa lặn tại đây kéo dài quanh năm với nhiệt độ cao nhất vào mùa hè (từ tháng sáu tới tháng tám). Thời gian còn lại trong năm nhiệt độ xuống thấp hơn.

Một số thông tin về điểm lặn này
Độ sâu: 5 - 40m

tầm nhìn: 10 - 30m

Dòng chảy: Trung bình tới mạnh

Nhiệt độ nước: 20 - 28°C

Số lượng điểm lặn: Hơn 12

Khoảng cách: 16 km (1 hr) Tây Nam Sharm El Sheikh, 65 km (4½ hrs) Đông Bắc Hurghada

Phương tiện: Lặn tour ngày từ các khu nghỉ tại Sharm El Sheikh hoặc chọn tour theo thuyền

















3. SIPADAN, MALAYSIA
Đảo Sipadan nằm ngoài khơi bờ phía đông của Đảo Boneo, thuộc bang Sabah của Malaysia.
Sipadan thường xuyên nằm trong top 10 những điểm lặn đẹp trên thế giới, với làn nước xanh trong và hệ sinh thái dưới nước tuyệt đẹp. Sipadan với hơn 3000 loài cá và hàng trăm loài san hô, trong đó đặc biệt ấn tượng ở đây là các đàn cá nhồng (barracuda), cá nục mắt lớn (big-eye trevally) với số lượng mỗi đàn tới hàng ngàn con; ngoài ra không thể không kể tới cá mập (whitetip reef shark, grey reef shark) và rùa (green and hawkbill turtle) mà số lượng nhiều tới mức có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai lặn ở đây.

Một số thông tin về điểm lặn này
Độ sâu: 5 - 30m

tầm nhìn: 10 - 40m

Dòng chảy: Trung bình tới mạnh

Bề mặt nước: Thay đổi theo thời gian trong nămNhiệt độ nước: 27 - 30°C

số lượng điểm lặn: Hơn 12

Khoảng cách: ½ giờ cano từ đảo Mabul





4. Manta Point, Maldives
Manta Point nằm ở phía Đông Nam của Lankan Finolhu và cách thủ phủ Male của quần đảo Maldives khoảng 1 giờ ca nô. Manta Point như tên gọi của nó là điểm lặn nổi tiếng bởi thu hút một lượng lớn cá thể cá đuối tới kiếm mồi.
Ở độ sâu từ 8 to 12 mét là những rặng san hô lớn, nơi đánh dấu chỗ gặp gỡ của loài cá đuối vào mùa gió mùa tây nam. Người ta gặp nhiều cá đuối ở đây trong khoảng từ cuối tháng 4 tới đầu tháng mười hai. Điểm lặn này là nơi tuyệt vời để ngắm những loài cá sống gần mặt nước như cá hàng chài Napoleon và cá mập White Tip cũng như rất nhiều rùa...

Một số thông tin về điểm lặn này
Vị trí: 40 phút từ male.
Mô tả: Bên ngoài Atoll, rặng san hô dài
Kiểu lặn: Drift dive.
Độ sâu: 10 – 30 mét
Sinh vật: Cá đuối các loại, cá mập white tip, rùa...




5. Blue Hole, Benize
Nét đặc trưng thu hút các divers từ khắp nơi, đặc biệt với những ai ưa thích hiện tượng địa lý đặc biệt, tới Benize chính là cơ hội để khám phá Lỗ Xanh nổi tiếng, The Great Blue Hole. Là một phần của hệ thống rặng san hô lớn Lighthouse, Blue Hole nằm ngoài khơi và cách thành phố Benize khoảng 60 dặm. Đây là một đảo san hô vòng nhỏ có đường kính vào khoảng 300 mét và độ sâu khoảng 124 mét nằm ngay tại trung tâm của rặng san hô Lighthouse.
Blue Hole là một điểm lặn nổi tiếng bởi làn nước xanh trong, do không bị ảnh hưởng bởi dòng chảy và thủy triều lớn nên tầm nhìn ở đây thường xuyên ở mức 50 mét (mức cao nhất trên thế giới). Các loài cá thường gặp ở đây là cá mú, cá thiên thần, một số loại cá mập…
Mùa lặn ở đây kéo dài quanh năm. Mùa mưa là từ tháng 6 tới tháng 11, nhưng những cơn mưa thường nhỏ và không ảnh hưởng tới tầm nhìn. Thời gian lặn tốt nhất có lẽ là từ tháng 4 tới tháng 6.
Nhiệt độ nước thường ổn định quanh năm trong khoảng 23-26º C.





Còn phần 2...




Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Sát thủ hoàn hảo. P1: Có 1.700 người bị giết trong một đêm

(Theo Mysterious, trích)

Đêm 21/8/1986 có 1.700 người ở ba ngôi làng ven hồ Nyos (sâu 210 mét) vùng núi hẻo lánh ở tây bắc Cameroon đã bị chết. Nhiều thi thể bị cháy. Những người sống sót nhớ lại, đêm đó họ ngửi thấy mùi lưu huỳnh. Nhân chứng sống sót sau thảm họa kể rằng “Trên thi thể những người chết không có một dấu hiệu nào chứng tỏ đã bị chấn thương hay có một cuộc đụng độ dẫn tới tử vong”.

Đây không phải là lần đầu tiên. Vào năm 1984 có 37 người dân sống ở ven hồ Monoun (sâu 97,5 mét), cách hồ Nyos 95 Km về phía Đông Nam, cũng chết một cách bí ẩn. Các nạn nhân cũng bị chết đột ngột trong đêm mà không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy đã có một cuộc đụng độ trước đó.

Giả thuyết ban đầu: George Kling, nhà khoa học Mỹ, tin rằng đã có một vụ phun trào núi lửa dưới lòng hồ Nyos và đó là nguyên nhân dẫn tới những cái chết bí ẩn. Nhưng rồi Kling lại không tìm thấy dấu vết của dòng dung nham nóng, đài phun lửa hay bất kỳ cái gì chứng tỏ rằng đã có khí núi lửa trong đêm đó, bởi khí lưu huỳnh thường đi kèm với những đợt phun trào dung nham. Hơn nữa, nhiệt độ của hồ cho thấy chúng lạnh hơn bình thường chứ không phải đã được làm nóng sau một vụ phun trào.

Nghi ngờ giả thuyết của mình, Kling chuyển hướng điều tra và hướng tới một giả thuyết đã được đưa ra trước đó của nhà nghiên cứu núi lửa người Iceland, Haraldur Sigurdsson, người đã từng đến Cameroon điều tra về một thảm kịch tương tự 2 năm trước ở hồ Monou dẫn tới cái chết bí ẩn giống nhau của 37 người dân ở đó. Sigurdsson cũng từng thăm dò để xác nhận có phải hoạt động của núi lửa là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch hay không, và xét nghiệm của ông cũng cho thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng đã có sự phun trào dung nham và khí nóng. Cuộc điều tra đi vào bế tắc.
H: Vách đá (ở Nauy) sẵn sàng giết một ai đó mon men ra bờ vực (hình minh họa).