Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Lặn Scuba là gì ? Phần 2

2. Wet Suite, Dry Suite, and Buoyancy Control
Bộ đồ lặn ướt, Bộ đồ lặn khô và Áo phao


Để giữ ấm dưới nước, người lặn cần mặc bộ đồ cách nhiệt, có thể là bộ đồ “ướt” (wet suite) hay bộ đồ “khô” (Dry suite). Bộ wet suite giữ một lớp nước mỏng giữa lớp cao su cách nhiệt và cơ thể của bạn. Cơ thể của bạn làm nóng lớp nước và giữ ấm cho bạn. Wet suite phải vừa vặn ( Wet suite rộng sẽ gây rò rỉ lớp nước ấm ra nước lạnh). Wet suite có hai loại là ngắn (short) và dài (toàn thân).
Ngược lại với wet suite là dry suite được làm từ vật liệu hai lớp với một lớp không khí cách nhiệt ở giữa hai lớp vật liệu. Chúng được thiết kế kín (chặt) tại các vị trí cổ, cổ tay, cổ chân nhằm chống dò nước vào trong cơ thể. Chúng giữ ấm nhờ không khí cách nhiệt tốt hơn nước và vì ta có thể mặc đồ ấm bên trong.
Việc lựa chọn giữa bộ đồ ướt hay khô tùy thuộc vào nhiệt độ nước nơi ta sẽ thực hiện cuộc lặn.
• Da trần hay wet suite bằng sợi nylon khi lặn ở nước có nhiệt độ 28 – 32 độ C
• Wet suite ngắn – 25 -28 độ C.
• Wet suite dài – 20 đến 29 độ C.
• Dry Suite – thấp hơn 22 độ C.
Wet suite và Dry suite cũng có các phụ kiện bao gồm găng tay, giày ủng, áo lót hay mũ trùm đầu.

Buoyancy Control – Kiểm soát độ nổi.


Điều quan trọng ở dưới nước chính là việc kiểm soát độ sâu của bạn tại một mức đã xác định trước trong bảng kế hoạch lặn. Để làm được, bạn cần khả năng kiểm soát độ nổi (buoyancy), là lực đẩy của nước tác động lên bạn. Độ nổi được tạo do sự khác nhau về áp suất giữa phần trên và phần dưới của đối tượng. Sức nổi liên quan tới trọng lượng của đối tượng và trọng lượng của lượng nước mà đối tượng chiếm chỗ.


Để kiểm soát độ nổi, người lặn sử dụng thiết bị kiểm soát độ nổi BCD gọi nôm na là Áo Phao, và chì trọng lực (lead weights). Bộ Áo Phao BCD là áo ghi lê bao gồm bộ phao phía sau có thể được thổi hoặc xì bớt bằng không khí áp lực thấp theo cả hai chiều từ tầng một của bộ điều áp Regulator hoặc bằng mồm qua ống hơi. BCD có bộ đai sau lưng để gá bình khí nén. BCD có một số túi để đựng trang bị.
Do bản thân wet suite cũng có độ nổi nên cần thêm trọng lực để cân bằng độ nổi này. Cục chì trọng lực có thể được gắn lên một dây lưng riêng để đeo lên người lặn. Các cục chì này cũng có thể được bỏ vào các túi của BDC vả một số BCD đời mới tích hợp luôn chỉ trọng lực trong áo.

Bài sau chúng ta sẽ chuyển qua xem xét việc thở dưới nước

Xem bài đã đăng:

  1. Giới thiệu Lặn Scuba

Lặn Scuba là gì ? Phần 1

Xin giới thiệu với các bạn tổng quan về lặn Scuba. Lặn Scuba là gì? sẽ lần lượt giới thiệu các nội dung sau:


  1. Giới thiệu Lặn Scuba
  2. Bộ đồ lặn, áo phao BCD
  3. Thiết bị thở dưới nước
  1. Vật lý, sinh lý lặn và các tác hại
  2. Ảnh hưởng của lặn scuba đối với cơ thể
  3. Scuba: trang bị bổ trợ










1. Giới thiệu Lặn Scuba


Năm 1943, Nhả hải dương học nổi tiếng Jacques Cousteau , cùng với Emile Gagnan, sáng chề ra aqualung, thường được biết một cách phổ biến hơn là scuba (self-contained underwater breathing apparatus). ( Thiết bị thở dưới nước) Scuba tạo cho người lặn tính linh họat và khả năng khám phá đại dương một cách cách mạng. Từ ngày đó, nhiều cải tiến trong công nghệ scuba đã làm cho các trang bị lặn dễ sử dụng hơn, an toàn và dễ mua hơn, cho phép ngày càng nhiều người có thể tham gia trò mạo hiểm quyến rũ này. Hiệp hội các huấn luyện viên lặn chuyên nghiệp (PADI) cho biết, hàng năm có quãng 1 triệu người học và lấy chứng chỉ lặn giải trí scuba. Bạn có thể tận dụng ngày cuối tuần để khám phá xác tàu đắm ngoài khơi và các bãi san hô ngầm hoặc tham gia chuyến đi lặn tới những vùng huyền ảo, có thể gặp những sinh vật như cá mập, cá heo và cá voi.
Trong bài này, chúng ta sẽ có một cái nhìn vào thế giới dưới nước, xem xét các trang bị scuba và khám phá cách cơ thể chúng ta phản ứng với môi trường dưới nước. Bạn cũng sẽ biết cách cần phải làm gì để có thể tham gia vảo bộ môn thể thao này
Môi trưởng dưới nước không thân thiện con người với những thách thức liên quan đến sự hô hấp, kiểm soát nhiệt độ, tầm nhìn và độ nổi. Những trang bị căn bản của scuba mà chúng ta cần để lặn sẽ giúp chúng ta đối phó với môi trường dưới nước. Tổng cộng, chúng ta sẽ cần mang 27 đến 34 kg trang bị theo người khi xuống và lên khỏi mặt nước.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn vể trang bị. Đầu tiên sẽ tìm hiểu cách thức kiểm soát nhiệt độ và độ nổi.

Còn tiếp

Ai giết điệp viên 007

-->
(đây chỉ là một trong những hồ sơ về cái chết của Crapp - người nhái Anh siêu hạng).
Người nhái Lionel "Buster" Crapp, người đã tạo cảm hứng cho nhà văn Ian Fleming xây dựng nhân vật James Bond 007, đã bị chết khi đang lặn dưới tàu Tuần dương "Ordzonikidze" Liên xô đậu tại cảng Portsmouth của Anh. Lúc đó tàu đang chở Chủ tịch Nikita Khrushchev và thủ tướng Bulganin.
--> Cùng đi còn có nhà Vật lý hạt nhân nổi tiếng – cha đẻ bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô Igor Kurchatov.
Sự kiện xảy ra vào ngày 19- 4-1956, gây ra một cuộc xung đột ngoại giao lớn. Lúc đó Liên Xô tố cáo người Anh âm mưu do thám chiến hạm của họ. Dĩ nhiên, Chính phủ Anh cực lực bác bỏ lời tố cáo này. Nhiều tháng sau, người ta tìm thấy thi thể không đầu của Crabb.
Người nhận đã giết chết Crabb là Eduard Koltsov, người nhái Liên Xô lúc đó mới 23 tuổi. Koltsov kể lại với một đoàn phim tài liệu Nga rằng ông ta được lệnh điều tra những dấu hiệu đáng ngờ chung quanh chiếc tuần dương hạm Ordshonikidze chở chủ tịch Khrushchev viếng thăm chính thức nước Anh theo lời mời của thủ tướng Anh, Sir Anthony Eden, đang đậu tại cảng Portsmouth.
Koltsov, năm nay 74 tuổi, cho biết “Tôi lặn xuống nước và nhìn thấy một người nhái đang gắn một thiết bị gì đó lên vỏ tàu. Tôi bơi đến gần và thấy anh ta đang gắn một quả mìn. Tôi kéo y xuống, cắt ống thở rồi cắt cổ y. Sau đó tôi thả y trôi theo dòng chảy”. Koltsov đã cho đoàn làm phim xem con dao dùng để giết Crabb và huân chương Sao Đỏ mà ông ta được tặng sau chiến công đó. Được hỏi tại sao đến bây giờ, 51 năm sau, ông mới quyết định nói ra bí mật này, Koltsov trả lời rằng ông muốn mọi việc được làm sáng tỏ trước khi ông chết.
Bộ Quốc phòng Anh đã từ chối bình luận về lời kể của Koltsov. 51 năm nay, phía Anh giấu kín chuyện này. Tuy nhiên, trung tá Crabb, lúc đó 47 tuổi, đã được truy tặng danh hiệu anh hùng. Hai ngày trước khi “đi”, người ta thấy Crabb đến một khách sạn ở Portsmouth gặp ông Smith, một người tình nghi là điệp viên của Cục Phản gián Anh MI6. Giải thích lý do giấu kín nguyên nhân gây ra cái chết của Crabb, Sir Eden nói với hạ viện “Những diễn biến chung quanh cái chết của trung tá Crabb nằm ngoài lợi ích của công chúng”. Sự thật là thủ tướng Eden rất bực mình về hành động nông nổi của Cục Phản gián Anh. Ông đã ra lệnh án binh bất động vì chuyến viếng thăm của ông Khrushchev rất nhạy cảm. Vậy mà người ta đã phớt lờ.
Theo giải thích của hải quân Anh, Crabb đã mất tích trong một sứ mệnh thử nghiệm một thiết bị lặn bí mật cách tàu Liên Xô 3 hải lý. Một số nguồn tin khác cho rằng thật ra Crabb không phải đặt mìn mà đặt máy nghe lén vào vỏ tàu Liên Xô. Gia đình Crabb tiếp nhận nguồn tin của Koltsov một cách dè dặt. Lomond Handley, 61 tuổi, người thân trong gia đình Crabb, phát biểu trên nhật báo Daily Mail “Tôi không tin người nhái hoặc thủy thủ Liên Xô lại gây án trong lãnh hải Anh. Chuyện hải quân Anh âm mưu làm hại một tàu khách cũng không thể tin được. Có lẽ Crabb đã lặn xuống để tìm xem có mìn dưới nước có thể làm hại tàu chiến Liên Xô hay không. Nhiệm vụ của anh ấy là gỡ mìn chứ không phải đặt mìn”.

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Luật của những người lặn Scuba.


Hãy luôn nhớ LUẬT lặn biển:
Chỉ lấy đi: Những ký ức
Chỉ để lại: Bong bóng khí

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Tàu ngầm quân sự - Bà con với dân lặn scuba


Chiếc tàu ngầm chiến đấu đầu tiên trên thế giới ra đời ở Mỹ vào thế kỷ 18, trong thời gian nước này bị quân Anh chiếm đóng.


Mùa hè năm 1775, Hải quân Anh phong tỏa vịnh New York. Mọi hướng ra vào cảng đều bị tàu chiến Anh bịt kín. Đã vài lần, người Mỹ tìm cách phá vòng vây. Vào những đêm tối trời, quân Mỹ bí mật dùng một số tàu và xuồng máy loại nhỏ vượt biển nhưng không thành công. Những tàu, xuồng này hoặc bị bắn chìm hoặc bị quân Anh bắt sống. Việc tiếp tế, thông thương với bên ngoài của cảng New York lúc ấy đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn gấp bội. Đúng vào những lúc khó khăn nhất, kỹ sư hàng hải David Busnell, một sinh viên xuất sắc vừa tốt nghiệp trường Đại học Ielsk, đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc tàu đặc biệt. Chiếc tàu này có thể đi ngầm dưới mặt nước, bí mật mang mìn tiếp cập và đánh chìm các tàu chiến to lớn của Hải quân Anh, giải phóng thành phố.
Ý tưởng dù sao cũng chỉ là ý tưởng. Thực tế khi thiết kế và chế tạo mới gặp nhiều vấn đề phức tạp. Vào thời gian đó, khi khoa học-kỹ thuật công nghệ chưa phát triển thì việc chế tạo tàu ngầm đã gặp hàng loạt rắc rối lớn. Đầu tiên là phải chế tạo được vỏ tàu bằng thép dày, kín, chịu áp lực cao. Kế đó là con tàu phải lặn xuống, nổi lên và bơi ngầm được dưới mặt nước biển. Rồi phải giải quyết sự cân bằng của con tàu khi vận hành dưới mặt nước, bảo đảm đủ dưỡng khí cho kíp chiến đấu, xác định đúng phương hướng khi di chuyển, phát hiện được mục tiêu, xác định chính xác vị trí và mang mìn gắn vào mục tiêu, hẹn giờ mìn nổ và rút lui bí mật và an toàn trước khi mìn phát nổ.
Công việc chế tạo chiếc tàu ngầm tiến hành rất bí mật và được bảo vệ nghiêm nghặt tại căn cứ Seibruk, bang Connecticut. Dù gặp phải nhiều khó khăn chồng chất nhưng Busnell và người em trai của mình cũng là một kỹ sư hàng hải đã giải quyết thành công hàng loạt vấn đề kỹ thuật hóc búa. Đến mùa xuân năm 1776, chiếc tàu ngầm ra đời, có hình quả trứng, cao 2 mét, đường kính thân 0,9 mét. Tàu chỉ có một người kiêm nhiệm tất cả các nhiệm vụ của thuyền trưởng, lái tàu, hoa tiêu, thợ máy và thủy thủ chiến đấu. Thế nhưng cũng phải mất thêm vài lần thử nghiệm và hoàn thiện nữa, chiếc tàu ngầm này mới được coi là có thể sử dụng. Chiếc tầu ngầm được bí mật vận chuyển bằng đường bộ từ bang Connecticut đến New York.

Trận đánh đầu tiên trên :
Đêm 6/9/1776, Trung sỹ Hải quân Mỹ Izra Lee đã điều khiển tàu ngầm mang mìn tiến công tàu Hải quân Anh đang neo đậu ngoài khơi vịnh New York. Lee điều khiển con tàu ngầm tiếp cận được một chiếc tàu chiến Anh. Thế nhưng, anh không thành công trong hành động tiếp theo: Lớp vỏ thép đáy tàu cứng và dày đã ngăn trở không cho anh thực hiện việc khoan thủng để gắn mìn.
Mặc dù vậy, Lee không nản lòng. Sau vài lần nổi lên lấy dưỡng khí, anh lại lặn xuống tiếp tục ... khoan. Sau nhiều lần trồi lặn và làm việc quá mức, Lee kiệt sức đến nỗi không còn chú ý tới việc giữ bí mật nữa. Chiếc tàu ngầm của Lee trồi lên lộ hẳn 1/3 ngay cạnh tàu chiến Anh. Lính gác trên tàu phát hiện thấy. Mặc dù chưa hiểu là vật gì nhưng tàu chiến Anh đã bắn súng và báo động. Lee buộc phải bấm mìn hẹn giờ và đẩy khối thuốc nổ nặng 113 kg về phía tàu chiến Anh rồi lặn vào bờ. Khi Lee đã rời tàu Anh một khoảng an toàn thì mìn nổ. Ánh chớp chói lòa, tiếng nổ đinh tai rền vang mặt biển, sóng cuồn cuộn bốc lên ngay cạnh chiếc tàu chiến, lính thủy Anh kinh hoàng. Tuy chưa bị chìm nhưng các tàu chiến Anh đã cấp tốc rời xa khu vực nguy hiểm. Vòng vây trên vịnh New York được giải tỏa.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Tàu ngầm thể thao - Bà con với dân lặn scuba


(tham khảo trên mạng).

Graham Hawkes, người sáng lập hãng Hawkes Ocean Technologies, cho biết sản phẩm do ông phát minh có thể lặn xuống độ sâu 450 mét và di chuyển với tốc độ hơn 11 km/h. Super Falcon, tên con tàu, thuộc họ tàu ngầm Deep Flight.

Thông thường, tàu ngầm lấy nước vào thân để tăng tỉ trọng mỗi khi lặn, nhưng Super Falcon không hoạt động theo nguyên lý ấy. Nó nổi và chìm xuống bằng cách sử dụng đôi cánh có cấu trúc ngược so với cánh máy bay. Cặp cánh tạo ra lực đẩy hướng xuống dưới khi động cơ hoạt động, giống như máy bay sử dụng cánh lõm lên trên để tạo lực nâng. Super Falcon có thân bằng sợi carbon có khả năng chịu áp suất cao. Hawkes thiết kế hai hệ thống điều khiển độc lập. Một cặp accu cung cấp điện cho tàu.

Super Falcon có thể lặn xuống với tốc độ 1 m/giây và ngoi lên với tốc độ 2 m/giây. Hành khách sẽ không phải lo lắng về sự thay đổi áp suất trong tàu, bởi áp suất trong cabin luôn duy trì ổn định ở mức 1 atm. Nó có thể lao vọt lên, xoay theo chiều dọc của thân, di chuyển theo góc chếch. Một van tiết lưu cho phép người lái điều chỉnh độ sâu. Tàu có thể “bay” theo quỹ đạo hình tròn hoặc đường thẳng. Super Falcon còn có chế độ “quay lại” tự động, nghĩa là tàu sẽ tự động ngoi lên mặt nước nếu gặp sự cố. Lượng dưỡng khí trong tàu đủ dùng trong 24 giờ.

Super Falcon có giá bán là 1,5 triệu USD.

Hình 1: Tàu ngầm thể thao Supe Falcon, 2 người.

Hình 2: Tàu ngầm thể thao Cá heo.

Trang bị để lặn Scuba ở vùng nước ấm.

Chúng ta sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, trang bị đi lặn của chúng ta vì thế gọn nhẹ hơn nhiều so với khi lặn ở vùng ôn đới hay vùng cực. Xin giới thiệu bộ trang phục điển hình của dân lặn Scuba vùng xứ nóng như ở ta (Miền Nam).

   Hình trên đây được lấy từ trang web padi.com minh họa đồ nghề căn bản của dân đi lặn Scuba. Bài này sẽ giới thiệu tổng quan các trang bị này để có một bức tranh chung, các bài sau sẽ đi cụ thể hơn về từng thứ (tổ hợp vài thứ trang bị) để các bạn rõ.
   Từ trên xuống, ta có Mask - Kính lặn, có chức năng ngăn cách mắt và mũi với nước. Khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước, mắt chúng ta không có khả năng điều tiết để có thể nhình chính xác. Mũi là một trong các "hốc" có không khí, cần được bảo vệ khỏi áp lực của nước vì thế mắt và mũi cần có Kính lặn bảo vệ.
   Ngay tiếp dưới là Fins - Cặp chân Nhái - chú thích này trên hình không chính xác vì không trỏ tới cặp chân nhái cô bạn lặn đang xách trên tay. Chân nhái giúp chúng ta bơi dưới nước nhẹ nhàng, không tốn sức.  Có hai loại chân nhái chính, loại mái chèo hoạt động theo nguyên lý mái chèo thuyền và loại cánh quạt, hay còn gọi là đuôi cá voi hoạt động theo nguyên lý cánh quạt tàu. Cặp chân nhái của cô gái trên hình là loại đuôi cá voi.
   Kế tiếp là Snorkel - Ống thở  Ống thở là một đoạn ốn nhựa cong, ngắn giúp chúng ta thở khi bơi úp mặt xuống nước. Công dụng chính của ống thở đối với người lặn Scuba là để thở khi bơi trên mặt nước, nhất là khi sóng lớn mà không phải dùng dưỡng khí quí giá trong bình khí nén.
   Buoyancy Control Device (BDC) - Bộ điều khiển sự nổi hay Áo phao có chức năng điều tiết sự nổi của người lặn đồng thời để gắn bình khí nén và có tác dụng như một áo Ghi lê đa dụng. Khi ta lặn, cần có trạng thái nổi trung tính (lơ lửng, không chìm, không nổi) và BDC giúp ta có trạng thái này.
   Regulator - Vòi thở theo cách nói dân dã chỉ là một phần của bộ Regulator. Thực ra đây là thiết bị chuyển áp - hạ áp suất cao trong bình khí nén về áp suất môi trường và cung cấp cho người lặn thở dưới nước. Regulator gồm 2 thành phần là First Stage - Tầng 1 và Second Stage - Tầng 2. Tầng 1 chuyển áp suất cao xuống hạ áp và tầng 2 cung cấp không khí đã hạ áp cho người lặn. Vòi thở chính là tầng 2.
   Cylinder - Bình khí nén ta không nhìn thấy trên hình vì cô gái đeo nó trên lưng như ta đeo balo. Thông thường dân lặn Scuba tiêu khiển dùng bình 11 lit với khí nén ở áp suất 200 bar khi nạp đầy. Bình khí được làm từ thép hoặc nhôm (hợp kim) theo một qui trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt. Với một bình đầy loại này, người có kinh nghiệm như anh Chí của chúng ta có thể lặn được tới 60 phút ở độ sâu 10 -15 m.
    Exposure Suite - Bộ  đồ lặn Là bộ đồ làm bẳng chất liệu neopren bó sát người, giúp giữ ấm đồng thời chống nắng và bảo vệ khỏi những vật sắc, nhọn dưới đáy biển. Bộ đồ lặn có 2 loại theo chức năng là Wet Suite và Dry Suite. Wet suite dùng cho vùng nước ấm và ôn đới, khi trời không lạnh. Mặc Wet Suite, nước vẫn tràn vào nhưng bị nhốt giửa da và áo và tạo thành lớp cách nhiệt tránh cho cơ thể khỏi bị mất nhiệt. Còn Dry Suite hoàn toàn ngăn cách nước và làn da cùa người lặn tạo sự thoải mái ở vùng nước giá lạnh.
   Submercible Pressure Gause (SPG) - Đồng hồ áp suất Giúp người lặn kiểm soát liên tục lượng khí tiêu thụ trong bình. Khi kim của SPG chỉ số 50 bar, ngôn ngữ dưới nước của dân lặn chỉ trạng thái này là nắm đấm giơ ra - lúc này cần phải kết thúc cuộc lặn mà vẫn còn chút khí dự phòng.
   Alternate Air Source - Vòi thở dự phòng. Vòi thở dự phòng là trang bị bắt buộc phải có. Chức năng là để thay thế vòi thở chính khi có sự cố và thường hay sử dụng hơn cả là để chia sẽ dưỡng khí với bạn lặn khi cần thiết.
   Compass - La bàn có công dụng chủ yếu là sử dụng để định hướng khi lặn dưới nước. Nó hoạt động như la bàn thông thường nhưng được thiết kế đặc biệt để không bị ngấm nước và chịu áp suất cao.
    Dive Computer - Đồng hồ lặn Thực ra là một máy tính giúp ta theo dõi độ sâu, thời gian lặn và cho ta biết có thể ở được bao lâu tại một độ sâu nhất định mà vẫn trong giới hạn an toàn. Một số máy tính - đồng hồ lặn còn tích hợp cả tính năng của SPG - cho ta biết lượng khí tiêu thụ trong bình.
    Wistler - Còi dùng khi ở trên mặt nước để thu hút chú ý tàu thuyền đến đón. Ngoài ra còn có thể dùng gương hay phao hình trụ để làm tín hiệu.
     Còn một thứ trang bị mà tôi không thấy trên hình này đó là hệ thống chì trọng lực. Weight System  đối trọng với Áo phao BCD được dùng để cân bằng sức nổi. Trong nước biển, cơ thể chúng ta nổi lềnh bềnh chưa kể wet suite, bình khí nén và BCD đều nổi, cần có một dây lưng xỏ các cục chì nặng 1- 1,5kg để giúp ta chìm xuống.
  Trên đây là toàn bộ các trang bị cần thiết của dân lặn Scuba. Như ta thấy, chức năng chính của chúng là  thích nghi con người với môi trường nước và làm cho con người trở thành một phần của nó. Các trang bị này không làm thay chúng ta, như kính lặn không nhìn hộ ta mà cho phép ta nhìn rõ hơn dưới nước. Bộ Regulator không thở hộ chúng ta mà chỉ giúp ta thở dưới nước một cách thoải mái. Bộ wet suite không "sưởi" ấm ta nhưng cho phép cơ thể giữ nhiệt một cách hiệu quả.
   Một vài tiêu chí khi chọn lựa trang bị lặn là:
    - Phải tiện nghi, thoải mái.
    - Vừa vặn và dễ nhìn.
    - Được xem như khoản đầu tư dài hạn cho "sự nghiệp" lặn theo mục tiêu riêng của mình.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

TẾT không quên nhiệm vụ!

--
Giữa Tết, trung sỹ PADI của chúng ta vẫn chăm lo trang bị của mình. Xin giới thiệu bộ chân nhái của anh HCQ hiệu Mares Avanti Quattro - một trong những hiệu được dân lặn Scuba xài nhiều nhất (phổ biến nhất) hiện nay.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Bơi ếch


Để đi lặn giải trí, ban đầu, thường người ta sẽ "lặn khám phá (tìm hiểu)" với một Hướng dẫn viên chuyên nghiệp đi kèm và CLB lặn chẳng đòi hỏi gì ở anh về kĩ năng - ngoài một vài kĩ thuật sẽ được hướng dẫn ngay tại thực địa (thực hải). Nhưng để trở thành dân "bán chuyên" thì phải qua huấn luyện và thi lấy bằng (mức đầu tiên là "Binh nhất scuba"). Để hỗ trợ cho "chuyên môn", kẻ đi thi Binh nhất phải biết một môn hỗ trợ, đó là bơi cự li 200m (không tính thời gian và kiểu bơi). Tức biết bơi sẽ giúp ích (đắc lực) cho lặn scuba.
Vậy nay, tôi - một kẻ xưng là bơi lội khá (tính trong số "thường dân") - xin đưa hình bơi Ếch lên blog để các anh chị, các cháu tham khảo.

Chú ý Chân:
1- Chân đạp chếch sang hai bên (chứ không phải đạp thẳng về phía sau).
2- Khi kết thúc đạp chân, hãy kéo 2 gót về mông (chứ không phải gập đùi lại).

Chú ý Tay:
1- Khi quạt nước, khuỷu tay gập dần tới 90 độ và quạt chéo xuống (không quạt sang hai bên, không quạt thẳng xuống).
2- Khi quạt tới ngang hông thì nhẹ nhàng khép 2 cánh tay lại và đưa thẳng lên phía trước.

Chú ý Đầu:
1- Đầu luôn luôn "cố định" với thân (tức đầu-cổ không ngóc lên, cúi xuống).
2- Kết thúc thở ra khi miệng sắp nhô lên mặt nước và bắt đầu hít vô khi miệng đã lên khỏi mặt nước, tức hít vô khi cơ thể "bỗng dưng" nổi chéo lên (chứ không phải cố ngóc đầu lên để hít).

Nếu các anh/chị/cháu cần trao đổi riêng với chúng tôi, xin mời vào chiquang.ha@gmail.com

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Con người và môi trường nước.

TuaLinh có một nhận xét hay về trò lặn hụp này, tôi xin phép post lên đây để tiện đọc. Mấy năm trước, khi ngồi Cafe sáng cùng nhau, TL nói đại ý trong con người luôn có những năng lực tiềm ẩn có thể được kích phát khi ta gặp những trường hợp khẩn cấp. Và để ví dụ, hắn nói "Ông có thể thử nghiệm bằng cách úp mặt vào một chậu nước và nín thở cho tới lúc tưởng như không chịu nổi....và đó cũng là một cách để ông tự huy động tiềm năng của mình!" Tôi không rõ thực sự tiềm năng đó là gì, nhưng khi tập lặn nín thở (free dive) một thời gian tôi thấy quả thực có giúp ích cho sức khỏe. Đúng như nhận xét của LT dưới đây, con người có một bản năng là tự động điều chỉnh nhịp tim chậm lại để bớt tiêu thụ oxy khi cần thiết. Những người tập Yoga có thể làm việc này một cách chủ động trên cạn. Còn những người tập lặn vo thì nhờ môi trường nước để giảm nhịp tim và tăng thời gian lặn đưới nước. Nếu ngưới lặn Free Dive lại luyện cả Yoga nữa thì việc ở dưới nước 4,5 phút chỉ với một lần lấy hơi là chuyện bình thường. Ở Nga có một hội những người lặn vo và tập Yoga gọi là Yoga-Free thành viên gồm nhiều nhà vô dịch thế giới vế free dive, thường tổ chức các lớp đào tạo bộ môn này.  Với y học, khi nhịp tim giảm xuống 30 nhịp/phút thì đã là triệu chứng bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên với vận động viên lập kỷ lục thế giới về lặn "tĩnh" với thời gian lặn 8 phút một lần lấy hơi thì nhịp tim anh ta còn chậm hơn mức trên nhiều. Tôi hơi quá đà rồi, mời mọi người xem bài nhận xét của TuaLinh.


@HCQ: 'Chúng ta vốn dĩ thuộc loài "động vật trên cạn"'? Hèhè,câu này quá đúng,.. có lẽ chỉ cho...4 triệu năm trở về trước! còn xưa hơn nữa tới 8 triệu năm, thì có những chứng cứ nói rằng : tổ tiên chúng ta là loài 'hải sinh',tức 'vượn biển'!
Này nhé :
1.Khi mới chào đời, trẻ em đều có năng lực bơi lội. Trẻ mới sinh không bị chết ngộp trong nước do 1 năng lực bẩm sinh. Đây là bản năng hình thành từ thời kỳ hải sinh của tổ tiên loài người.
2.Giống như người những loài động vật sống trong biển như hải báo, cá voi, .. đều có lớp mỡ dày và da không có lông. Đó là dấu hiệu đời sống trong biển: cần lớp mỡ dày để duy trì nhiệt độ thân thể, đồng thời nâng cao lực nổi trong nước. Trái lại, loài linh trưởng hắc tinh tinh hay khỉ đột thì không có lớp mỡ dưới da này.
3.Nước mắt của loài người có thành phần muối khá lớn. Khi bơi lội, hoạt động của tim và các hoạt động của cơ thể đều giảm chậm. Hiện tượng này cũng tồn tại tương tự với các động vật sống trong nước.
Loài linh trưởng không có nước mắt.
Vở kịch 'Nàng Ápsara' có nhân vật con khỉ làm việc tốt để muốn làm con người,tuy nhiên mãi mà không thành được vì không thể khóc ra nước mắt.Cuối cùng trời cũng cảm đức tính hy sinh cho con người của khỉ mà cho nó nước mắt.Kết thúc vở kịch,khỉ khóc cho số phận chuân chuyên đã qua của nàng Ápxara thì ứa ra nước mắt.Thế là nó thành 'con người'-dù cho thân thể bề ngoài vẫn là ..khỉ! Xét về mặt sinh lý học thì kịch bản có lý đó.
4. Nhu cầu muối của các động vật trên đất liền đều được "cảm giác" khá chính xác. Một khi đủ, chúng sẽ không còn hứng thú. Nhưng khi thiếu, chúng sẽ khao khát và đồng thời biết cả cách kiềm chế điều tiết.
Trái lại con người không có cơ chế đó. Ngay cả khi thiếu muối, con người cũng không có nhu cầu bổ sung. Còn khi dư muối, con người sẽ bị sự phản tác dụng dẫn đến tim mạch. Nhưng mà con người vẫn không có cơ chế nào để tự động ngừng tiếp nhận. Điều này có thể giải thích do đời sống phong phú chất muối giữa biển cả mà con người đã trải qua.
Các loài linh trưởng sống trong rừng rậm thiếu chất muối, sự chọn lọc tự nhiên khiến chúng sản sinh cơ năng điều tiết nhu cầu này. Trái lại ,tổ tiên của loài người có lẽ đã từng sống ở đại dương - nơi có nguồn muối bất tận - nên không có cơ năng điều tiết này.
Cũng vì lý do này, không 1 loài động vật linh trưởng nào chọn phương thức đổ mồ hôi để điều tiết nhiệt độ cơ thể. Đó là sự lãng phí chất muối. Nếu tổ tiên loài người hoàn toàn sống giữa rừng rậm trong suốt quá trình tiến hoá thì cơ năng sinh lý đổ mồ hôi không xuất hiện, nó không có lợi cho tiến hoá. (đổ mồ hôi nhiều rất ảnh hưởng đến sức khoẻ và cả tính mạng)
5. Tập tính tính dục của con người là 'úp mặt' giống như cá voi,cá heo dưới nước. Còn ở loài linh trưởng là 'úp lưng'.
6.Loài linh trưởng không có 'nhân trung' như loài người.Người ta giả thiết rằng 'nhân trung' là sự thoái của cơ cấu 'mang cá' lọc nước lấy ôxi của vượn biển.

Từ 4-8 triệu năm về trước, do nước biển dâng tràn, 1 phần lục địa bị nhấn chìm. Loài vượn cổ trong khu vực ấy dần dần thích nghi đời sống trong biển và trở thành động vật hải sinh.
Ước chừng 4 triệu năm sau, nước biển rút dần, vùng ngập chìm trong nước trở thành lục địa mới.
Hà hà,..' Ngạc nghiên chưa!'..
Vì vậy 'lặn biển' không chỉ là môn thể thao trải nghiệm 'thay đổi' tập tính sống trên cạn 4 triệu năm vừa rồi của con người,mà sâu xa hơn nữa còn là 'trở dzià' trải nghiệm với môi trường sống của tổ tiên cách đây 4-8 triệu năm kia đấy!
Thế mấy biết các bác HCQ,AMk3 ghê gớm thật!

Hai ngày lặn biển (nói vui)

(bài cũ soạn lại)

-->
Số là thằng em bà con bên ngoại của bên nội của tôi có “bán” cho tôi (với giá 5 ngàn đồng) con dao lặn Pro. Con dao rất “chiến đấu”, tôi mê lắm, hiềm nỗi mấy tháng nay chưa có dịp đi biển, mà thằng em cứ hỏi thăm hoài “dao dùng có tốt không?”. Thời tiết cuối năm, biển thì động, nước thì lạnh, chưa kể mấy “thằng” hướng dẫn viên dữ tợn như cặp rằn trại giam Côn đảo thời đế quốc thực dân, đi lặn quá bằng … tù khổ sai. Nhưng không lặn thì biết ăn nói với thằng em bà con sao đây, không khéo nó nghi mình bán con dao kiếm bữa nhậu. Đành liều mạng làm 4 lượt lặn, cộng dồn hết 218 phút đồng hồ ngâm nước, bợt cả tay chân. Dưới đáy biển cứ phải bơi hoài, mỏi giò mà chả tìm được chỗ nào khô ráo để nghỉ chân một chút. Muốn uống hớp trà, ăn điếu thuốc cũng chịu. Mắc tiểu cũng không có nhà vệ sinh. Cái “ngữ” lặn biển, chỉ trồi lên ngụp xuống là đủ no nước, vui thú gì đâu để mà kể cho bà con nghe, đành chụp tấm hình mang về “làm bằng” vậy.

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Chúc mừng năm mới

Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay đồng chí chắc càng thắng to.


Ghi chú: "đồng chí" là những người cùng chung "chí hướng" lặn biển.

Hình: Năm anh em mỗi đứa một quê, đã diving là cùng một hướng.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Cha và con

Lớp cha trước, lớp con sau,
Đã thành đồng chí chung câu quân hành.

Hình: 2 cô bé này là lính "Thiếu sinh quân của binh chủng" (theo cách giải thích của AMK3)

Để lần lặn đầu tiên


Chúng ta vốn dĩ thuộc loài "động vật trên cạn" quen hít thở trực tiếp khí trời, nên khi lần đầu tiên lặn bằng bình lặn, bạn có thể gặp 4 hiện tượng "cơ bản" sau:

1- Khi ngụp xuống nước bạn bỗng cảm thấy hồi hộp. Vì vậy khi lặn, bạn hãy thả lỏng đầu óc ... hãy thả lỏng đầu óc ...

2- Khi đang lặn bạn bỗng cảm thấy ngợp thở, và, theo bản năng của "loài trên cạn", bạn sẽ vọt lên mặt nước để "lấy hơi". Gặp tình huống trên, bạn hãy từ chối ý định trồi lên và tiến hành thở chậm, thở đều (hít vào ... thở ra ... hít vào ... thở ra ... có rất nhiều không khí trong bình lặn). Thế là qua "truông".
Nhưng làm như thế, bạn băn khoăn là liệu mình có ẩu quá chăng. Không quá đâu, vì bên cạnh bạn, trong tầm tay với, luôn có một hướng dẫn viên theo sát. Anh ta dư kinh nghiệm để biết rõ "tư tưởng, hoàn cảnh" của bạn lúc đó cũng như phương án giải quyết.

3- Nước biển tự dưng chui vô miệng. Lúc này bạn chỉ việc ... nuốt vô.

4- Xuống chừng vài mét, bạn bị nước ép vô màng nhĩ, rất khó chịu, thậm chí đau nhói. Khi này bạn hãy làm đúng như hướng dẫn viên đã hướng dẫn bạn lúc ở trên tàu, tức là ngậm miệng, bóp mũi và thở ra mạnh (cho hơi nó chạy ra ... đằng tai) để cân bằng áp suất. Làm một vài lần là lại "êm trời", lại muốn ca vọng cổ "Tình anh bán chiếu".

Hình: Bình khí của em hết rồi, cho em thở chung nhé (bài huấn luyện của Binh nhất Scuba).

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Họp nội các Mandiver

Hình: Tổng thống Quốc đảo Mandiver họp Nội các dưới đáy biển.

Vậy là các Bộ trưởng bên nớ chắc phải là Binh nhất đổ lên?
Vui thiệt, mai mốt dân lặn Vietnam ta chắc cũng phải tổ chức cuộc họp dưới đáy biển Nha trang cho nó ... "hoành tráng".

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Bổ sung bài "Quân hàm "Binh chủng" PADI

Anh Chí đã có bài giới thiệu sinh động về cấp bậc và quân hàm binh chủng PADI. Tôi xin bổ sung thêm về lực lượng măng non của binh chủng này: Thiếu sinh quân PADI - với tên gọi khá "hầm hố" là "PADI Seal Team"
  Lực lượng thiếu sinh quân (TSQ) này có tuổi đời từ 8 tuổi trở lên, có thể lực tốt và say mê với các hoạt động dưới nước. Các TSQ Seal Team này phải trải qua một chương trình đào tạo gọi là Scuba AquaMission gồm các bài học hành động với kỹ thuật Scuba dười nước. Tuy chỉ thực hiện ở  hồ bơi nhưng các khoa mục cũng không khác với các khoa mục của binh nhất "Open Water Diver". Cũng có khoa mục "Giữ cân bằng lực nổi" (Buoyancy), "Định hướng" (Navigation), "Lặn xác tàu" (Wreck). "Chụp hình dưới nước" (UW Photography)...và quan trọng hơn cả là các TSQ được huấn luyện và thực hành các hoạt động trợ giúp, cấp cứu và an toàn lặn - rèn luyện tinh thần đồng đội. Chương trình Seal Team gồm 2 phần chính. Phần thứ nhất các TSQ được đào tạo về kiểm soát sự nổi (Buoyancy), làm sạch mặt nạ (Mask Cleaning), tìm lại thiết bị thở (Regulator recovery).....Sau khi thành thục với các động tác và kỹ năng căn bản, các TSQ sẽ chuyển qua phần 2 gồm các khoa mục chuyên ngành (Specialties)
    Mục tiêu của PADI Seal Team là:
    - Giúp cho trẻ em học tính trách nhiệm.
    - Dạy trẻ em về môi trường dưới nước.
    - Các trải nghiệm sinh động, thú vị dưới nước.
    - Bước chuẩn bị vững chắc dẫn tới trở thành người lặn có bằng cấp, chuyên nghiệp.
Điều kiện nào để có thể trở thành TSQ Seal Team? Không cần xét lý lịch như lính trỗi, để trở thành TSQ Seal Team chỉ cần đủ 8 tuổi. Nếu hoàn thành khóa AquaMission của Seal Team, chú hay cô bé đủ 10 tuổi có thể tham gia khóa học Junior PADI Open Water Diver  Nghĩa là binh nhất thiếu niên, có khả năng và được phép lặn biển, so với binh nhất thực thụ có một số hạn chế hơn trong tác chiến. Khi chưa đủ 10 tuổi, nếu TSQ Seal team hoàn thành 10 khoa mục Specialty của AquaMission, cô/chú bé này sẽ được phong hàm cấp  Master Seal Team 
     Các bác nào có con, cháu mê bơi lặn có thể đang ký cho chúng tham gia Seal Team của CLB lặn Rainbow Saigon, bên Thảo Điền, Quận 2.
   Dưới đây là một số hình ảnh của Seal Team Saigon.
Những "bước" đầu tiên dưới nước...
 Ngôn ngữ động tác
Giữ trái banh không nổi lên
Khoa mục"Kiểm soát độ nổi"
Khoa mục "Chụp hình dưới nước"
Khoa mục "Lặn xác tàu"
Kỹ năng tìm lại thiết bị thở
Các TSQ PADI Seal Team Saigon. 
  Đề các con tham gia TSQ Seal Team, các phụ huynh phải đóng học phí. Thời nay, học gì cũng cần đóng học phí!

Vịnh Vân phong (Vịnh Mây Gió)

Dưới chân Đèo Cả về phía nam có một doi đất vươn ra biển, và cùng với các hòn nhỏ, Hòn Lớn, chúng hình thành nên vịnh Vân phong. Vân phong biển lặng như gương cho dù bên ngoài đang trở trời, nhưng, đúng như tên gọi, nó là Hồ Lô giam mây hãm gió. Mỗi khi Vân phong thay đổi “quan điểm”, mây gió bị nhốt trong Vịnh, xoay trở tứ tung, chả ai hiểu ra sao. Dịch vụ ở đây sơ sài, nhưng bù lại, nắng, gió và biển luôn hào phóng, còn hải sản thì tươi rói, một người mua cả làng bán.

Tàu đưa đoàn tôi, 9 khách và 5 hướng dẫn viên (HDV) bao gồm cả "trợ lí hành chính-Hậu cần", du ngoạn chừng tiếng rưỡi dọc Vịnh, một vùng hoang sơ với các làng chài rải rác trên cồn cát. Chẳng hiểu nước ngọt họ lấy từ đâu. Tới Hòn Tai, nhóm tôi, gồm 2 Thượng sĩ và 2 Binh nhất chìm xuống biển. Có 2 HDV đi cùng. Tôi gạ tay HDV “chú cho anh xuống 25m nhé” (tôi binh nhất, “luật” PADI chỉ cho xuống 18m sâu, nhưng có thể hơn nếu được người có bằng Instructor, tức tay HDV này, chấp thuận). Lòng vòng ở độ sâu 14m. San hô ở đây không nhiều và đẹp bằng ở Hòn mun. Tới bờ vực, HDV quay lại hỏi “xuống nữa chứ?”. Tôi và 2 gã thượng sĩ “OK” liền, còn gã binh nhất nọ ra hiệu “đây chả hám”. HDV thứ 2 cùng gã binh nhất dơ tay chào và bơi mất dạng. Tụi tôi trườn xuống vực. Biển tối dần theo độ sâu. 25m sâu. Tụi tôi bay dọc khe núi, lượn lờ quanh các gộp đá. Quả không uổng công, bên này “đã” hơn bên Nha trang.

Tàu đưa đoàn tôi đi ngắm hoàng hôn. Dừng ở Bãi Sứ. Trời sập tối. Tụi tôi xuống biển, bật đèn pin và tan vào lòng biển. Nước luồn vào quần áo lặn, lành lạnh. 12m sâu. Tụi tôi mò mẫm bơi ... “Trời” tối thui, lia đèn pin chỉ thấy sơ sơ. Chả hiểu đang đi về phương trời nào, đành bám theo ánh đèn pin của gã HDV … , thế mà tụi nó cứ leo lẻo “Nigh Diver thú vị lắm” ... Một con cá bị đóng đèn, nó dài cả thước, ông mà có súng thì mày ... Một con nữa ve vẩy. Con này cỡ lít rưỡi rượu ... Con gì lấp lánh .... Con Sao biển ban đêm đẹp hơn ban ngày … Rọi đèn trúng con Bông huệ … “Yêu cầu dồn đội hình” – HDV quơ đèn nhắc nhở … Được 32 phút, “lên nhé”. Trồi lên. Trên tàu đèn đóm tưng bừng. Lên tàu. Gió se lạnh. Về tới “nhà”, mùi cá, tôm, sò, mực tươi nướng than củi bay lên ngào ngạt, nước miếng tuôn ồng ộc. Xơi ngay, các bạn, tắm làm chi cho cực. No say rồi, khách lẫn HDV hể hả đàn hát tới khuya.

Tàu đưa đoàn tôi tới Bãi Nhàu. Chìm xuống ... Đáy biển ở đâu cũng là đáy biển … Nó là chốn tĩnh mịch, không có sự bon chen … Nó là nơi ta được hưởng cảm giác không trọng lượng ... Không hiểu nhóm “binh nhì” lặn ra sao, chắc vui lắm … Tới một cái hang, HDV quay lại ra hiệu “zdô” rồi … tọt vào hang. Tôi trườn vào, bơi theo cặp chân nhái đang vẫy vẫy trước mặt. Phải nói tay này khá, lòn qua lách lại trơn tuột như cá chình, trong khi tôi, lúc lấy tay “ẩy” vào vách, lúc chân nhái quèn quẹt dưới sàn, lúc vương vướng bình khí nén ... Thiên địa tù mù ... Ngã ba, quẹo bên nào nhỉ, bên phải … chân nhái của gã HDV đây rồi … Mẹ kiếp, nó làm như “ai” cũng giỏi như nó. Lát sau tôi tới cửa “exit”.

Kết thúc tour, một thành viên đoàn (kẻ lần đầu đời được lặn biển) đã phát biểu “cháu thực sự đã có một chuyến đi vui vẻ, những trải nghiệm đầu tiên và không thể quên dưới đáy biển. Bây giờ nhắm mắt lại cháu vẫn thấy cá bơi và san hô vây … Cảm ơn chú và cả nhóm mình trong tour ạ”. Cảm ơn chú ?? Chả là khi lên tàu, cháu nó hồi hộp hỏi tôi “lặn biển ... cháu hơi sợ!”. Khiển tướng không bằng khích tướng, tôi gằn giọng “đã là dân nhảy Dù (nó là vận động viên Dù) thì chẳng việc … đếch gì phải sợ”. Thế là, cùng với “châm ngôn” của tôi, nó đã lặn được ba lượt khá tốt. Và trong khi tụi tôi về Saigon thì nó quẹo ra Hòn mun … lặn nữa.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Quân hàm "binh chủng" PADI

Bằng cấp của Hiệp hội lặn quốc tế gốc Úc-Mỹ (PADI) theo cách hiểu của một Trung sỹ bộ binh.

Binh nhì – Discover Scuba Diving :
Bất cứ ai đã lặn với bình lặn đều được xem là Binh nhì tức lính tập sự. Lính tập sự không có Bằng.
Anh được xuống độ sâu 6m (trường hợp đặc biệt là 10m) với thời gian lặn tối đa 30 phút (khá lâu đối với kẻ mới lặn).
Là Binh nhì, anh không có quyền suy nghĩ. Anh chẳng cần kĩ năng gì khác ngoài việc tuân lệnh. Trong “tác chiến”, anh có thể hoàn toàn yên tâm vì luôn có một kẻ “có năng lực” bám sát giúp đỡ tất tần tật theo phương thức một kèm một.

Binh nhất – Open Water Diver:
Là kẻ đã được huấn luyện các kĩ năng cơ bản của thợ lặn (lặn giải trí).
Anh được xuống độ sâu tối đa 18m với thời gian cho đến hết bình khí nén (trừ lượng khí dự phòng). Anh không bị ai kèm cặp.

Hạ sỹ - Adventure Diver:
Biết các kĩ năng cơ bản và biết hơn Binh nhất 2 kĩ năng nâng cao (trong đó có kĩ năng lặn độ sâu 30m). Anh được các đơn vị “chiến đấu” xem là kẻ đã thục luyện các yếu lĩnh cơ bản của người lính nên trong “tác chiến” sẽ không có ai “kè” anh về kĩ thuật.
Anh được xuống độ sâu tối đa 30m.
Hạ sỹ tuy không có Bằng nhưng được “Phòng tổ chức” PADI xác nhận trong hồ sơ cá nhân, nên khi xuống các đơn vị “tác chiến”, anh được quyền chơi theo đúng cấp độ của mình.
PADI cho phép “phong vượt cấp” qua cấp Hạ sỹ.

Trung sỹ - Advanced Open Water Diver:
Thành thục các kĩ năng cơ bản và biết hơn Binh nhất 5 kĩ năng nâng cao. Anh được các đơn vị “chiến đấu” xem là chiến sỹ xuất sắc.
Anh được xuống độ sâu tối đa 30m, mặc nhiên được chơi các môn trong 5 kĩ năng nâng cao.
Ngoài ra anh được chơi các môn đã “học thêm”, tức tuy cùng Trung sỹ như nhau nhưng anh này có thể được chơi nhiều môn hơn anh khác (lặn sâu 40m, lặn với bình khí nén giàu oxy, …).

Thượng sỹ – Rescue Diver:
Thành thục kĩ năng của Trung sỹ, đồng thời được huấn luyện là Nhân viên Cứu hộ (Emegency First Response).
Nếu như thi lấy Bằng Trung sỹ có thể tiến hành bằng cách thực hiện các thao tác thực dụng, thì thi lấy Bằng Thượng sỹ nhất thiết phải thi cả về lý luận chuyên môn, tức anh Thượng sỹ bắt đầu có yếu tố “trí thức”.
Anh được chơi các môn của Trung sỹ và các môn mà anh đã “học thêm”.
Tất nhiên anh hơn Trung sĩ ở chỗ có thể cứu hộ, vì vậy mỗi khi đi lặn thì anh được trọng vọng hơn viên Trung sỹ quèn.

Chuẩn úy – Divemaster:
Là thợ lặn chuyên nghiệp và được xem là sỹ quan. Anh bắt đầu có quyền bắt kẻ khác tuân lệnh.
PADI định nghĩa Chuẩn úy là “trưởng toán hành động”.
Để được thi lấy bằng, anh phải có đủ bề dày kinh nghiệm (tính theo số giờ lặn, tối thiểu 100 giờ).
Khi có bằng này, anh đi chơi “vô tư” mà không ai có quyền nhắc nhở, quở trách. Trong việc chơi bời, anh là dân da trắng ở lục địa Đen, Vàng dưới thời thực dân kiểu cũ.

Ngạch sỹ quan “không có số”:
Từ Chuẩn úy, anh có hai đường “thăng tiến”:
Hoặc anh tiến thẳng theo ngạch “sỹ quan có số” (các Instructor) để trở thành lính lê dương nhà nghề, hưởng quân hàm Thiếu-Trung-Đại úy, Thiếu-Trung-Đại tá, Thiếu tướng;

Hoặc anh tiến xeo xéo theo ngạch “sỹ quan không có số” với bằng cấp tương đương bằng cấp Instructor, nếu như anh chọn mục tiêu để đi chơi, giải trí.
Anh có thể lên tới Thiếu-Trung-Đại úy và kịch trần là Master Scuba Diver (không có chữ Trainer). Anh có đầy đủ kĩ năng tương đương với bên “có số” nhưng “không thèm biết” kĩ năng tổ chức huấn luyện.

Ngạch sỹ quan có số (Instructor):

Thiếu úy – Assistant Instructor:
Thợ lặn chuyên nghiệp, Huấn luyện viên. Anh là thầy của Nhân viên Cứu hộ (Emegency First Response Instructor).
PADI cho phép “phong vượt cấp” qua cấp Thiếu úy.

Trung úy – Open Water Scuba Instructor:
Huấn luyện viên cấp cao hơn (cũng gọi là Assistant Instructor).
Việc thi lấy bằng Instructor khá gian nan và với cơ cấu giám sát tinh vi, nhưng một khi đã là sỹ quan, anh sẽ đuợc hưởng nhiều quyền lợi.
Là sỹ quan, anh được toàn quyền hành động, có quyền chấp thuận hoặc phủ quyết ý kiến kẻ khác không cần thông qua biểu quyết.
Anh có quyền huấn luyện, chấm thi, giám sát trong việc thi lấy bằng và PADI sẽ “nhắm mắt” cấp bằng cho đối tượng theo chữ kí của anh.
Anh được cấp mã khóa lên mạng nội bộ PADI để tra cứu hồ sơ cá nhân của kẻ khác.

Đại úy – Specialty Instructor:
Chuyên gia.
Anh là huấn luyện viên cấp cao nhưng đi chuyên sâu vào một số chuyên ngành và là chuyên gia trên những lãnh vực đó.
Khi tàu ngầm bị nạn ở rìa Bắc cực và cánh Hải quân chạy qua rước anh, anh sẽ tới đó với tư cách là Chuyên gia, bởi anh có nhiều kinh nghiệm lặn sâu trong nước cực lạnh. Anh nói với viên sỹ quan Hải quân "hoặc các anh hãy làm như tôi nói, hoặc tàu ngầm của các anh trở thành tài sản của sinh vật biển".

Thiếu tá – Master Scuba Diver Trainer:
Chuyên gia cấp cao hơn. Trong chuyên môn của anh thì anh là nhất. Anh ta chẳng thèm đếm xỉa tới ý kiến của bất kì ai, kể cả Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Trung tá – IDC Staff Instructor:
Thầy của các Huấn luyện viên. Anh là "giáo sư", "nhà giáo ưu tú" và đồng thời là một chiến binh siêu hạng.

Đại tá – Master Instructor:
Chỉ huy trưởng chiến dịch. Anh tới "quân khu", đơn vị nào là may mắn, là vẻ vang cho "quân khu", đơn vị đó.

Thiếu tướng – Course Director:
Thủ trưởng Binh chủng PADI. Anh ta là Giám đốc chương trình, có quyền sửa đổi, bổ sung “Luật Binh chủng”.

Cô ấy tập lặn biển

“Hãy nhìn anh” – Mike dùng tay ra hiệu. Tôi hốt hoảng càng đạp mạnh hơn để cố nổi lên. Mike giữ lấy tôi và ra hiệu một lần nữa “Hãy nhìn anh!”.

Chúng tôi đang ở dưới đáy biển, thám hiểm rặng san hô ở Biển Phía Bắc Trung Quốc. Mike, người thầy dạy lặn của tôi, đã dạy cho tôi bài học ngắn trước khi lặn ở vùng nước cạn gần bờ biển, nhưng lúc này chúng tôi đang ở ngoài chỗ sâu ...

Lúc đầu, việc lặn xuống thế giới nước rất hấp dẫn. Những vật thể sống trước đây tôi chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh, đang phát triển rất mạnh nơi đại dương này. Trước khi lặn, tôi hỏi thầy hướng dẫn của mình “…Liệu chúng ta có thấy cá mập ở dưới đó không?”. “Nếu chúng ta may mắn!” – Mike trả lời với vẻ háo hức.

Tôi không nhắc lại cái lúc tôi hoảng sợ. Chỉ vì tôi bỗng thấy hụt hơi. Nhưng thế giới nước không thể đe dọa được tôi. Mike ra hiệu cho tôi bóp chặt mũi và thở bằng miệng, như thế sẽ cân bằng áp suất trong cơ thể của tôi. Tôi đã học bài ấy rồi, nhưng giờ nó không giúp ích được gì. Áp suất quá lớn, tôi cảm giác lồng ngực tôi đau nhói. Răng tôi cắn chặt vào ống dẫn khí đang ngậm trong miệng, nỗi sợ bị chìm tấn công tôi. Lý trí nói với tôi rằng tôi phải nổi lên để có thể thở bình thường bằng mũi.

Đúng lúc đó, anh ấy ra hiệu cho tôi hãy nhìn vào mắt anh ấy và dùng tay ra dấu bảo tôi phải thư giãn “Hít vào … thở ra”, anh ấy ra hiệu cho tôi. “Hít vào … thở ra”. Tôi không thể tin được là Mike đã không giúp tôi nổi lên mặt nước. Tôi hít vào bằng miệng một cách bình thường như não thúc giục cơ thể tôi hợp tác. Sau đó, tôi thở ra từ từ. Những bọt bong bóng phun ra từ bộ điều hòa áp suất nói với tôi rằng mọi thứ ổn. Dần dần, phổi của tôi bình thường trở lại, và không bao lâu tôi có thể thở đều.

Mike ra hiệu cho tôi bơi xuống sâu hơn để có thể nhìn thấy cá hề và những sinh vật biển khác dưới đáy đại dương. Nửa giờ đồng hồ tôi thám hiểm một thế giới xinh đẹp chứa đựng những châu báu thiên nhiên và quên hết nỗi sợ hãi ngắn ngủi. Cuối cùng, tôi nổi lên mặt nước và được giúp trèo lên thuyền. Trở lại với bầu trời, chúng tôi cười đùa cùng với những bạn đồng hành khác về chuyến phiêu lưu trong ngày. “Anh đã không cho em trồi lên để thở!” – tôi trách Mike. “Nhưng em đã ổn ngay khi em thư giãn, đúng không?” – anh ấy nở nụ cười. “Em có dư không khí trong bình. Đấy, tất cả đều do em tưởng tượng thôi. Sau khi em vượt qua được, em đã muốn ở dưới đó”. Mike có nhiều năm kinh nghiệm lặn, vì thế tôi nhận thấy anh ấy biết những gì mình đang nói. Là một giáo viên từng hướng dẫn hàng trăm người lặn lần đầu như tôi, chắc hẳn anh ấy đã chứng kiến nhiều lần cảnh hốt hoảng đó.

… Lúc này, tôi nhận thấy mình đang ở dưới đáy đại dương của NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA CUỘC SỐNG, và khi sự hốt hoảng bắt đầu tấn công, tôi bèn liên hệ Bài Học Bình Khí Nén với nguyên tắc thuộc về tinh thần trong việc thư giãn trong Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói với tôi “Hít vào … thở ra … có rất nhiều không khí trong bình”. Hầu như không phải lúc nào Ngài cũng giải thoát tôi khỏi đáy vực sâu, chí ít không phải đó là lúc Ngài giải thoát. Ngài chỉ đơn thuần nói với tôi hãy thư giãn và nhìn Ngài. Khi tôi làm như thế, tôi đã lấy lại đủ bình tĩnh ...

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Các Hiệp hội đào tạo và cấp chứng chỉ lặn Scuba.


Lặn thể thao, hay còn thường được gọi là lặn chơi, lặn nhởn không chịu quản lý và cấp chứng nhận bởi một cơ quan chức năng nào và thường là tự quản lý, và tự điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số tổ chức lớn thực hiện chức năng đào tạo và chứng nhận cho các divers và huấn luyện viên (instructor). Từ đây, rất nhiều các cuộc mua bán, dịch vụ liên quan đến lặn và thuê mướn thiết bị lặn đòi hỏi phải có sự bảo đảm bằng các bằng cấp, chứng chỉ được cấp bởi các tổ chức này, trước khi có thể thực hiện một dịch vụ hoặc sản phẩm lặn nhất định.
Các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ lặn lớn nhất hiện đang được công nhận bởi phần lớn các hãng sản xuất trang bị lặn và các cửa hàng lặn bao gồm:
American Canadian Underwater Certifications (ACUC) (trước kia là Association of Canadian Underwater Councils) –Xuất xứ Canada năm 1969 và mở rộng thành quốc tế từ 1984
British Sub Aqua Club (BSAC) – Trụ sở ở Anh quốc, thành lập 1953 và là câu lạc bộ lặn lớn nhất thế giới hiện nay.
European Committee of Professional Diving Instructors (CEDIP) Trụ sở ở châu Âu từ 1992 (see Cedip on French Wiki pages)
Confédération Mondiale des Activités Subaquatiques (CMAS), liên đoàn thế giới dưới nước..
National Association of Underwater Instructors (NAUI) – Trụ sở tại Mỹ (đối thủ cạnh tranh của PADI)
Professional Diving Instructors Corporation (PDIC) – Trụ sở tại Mỹ .
Professional Association of Diving Instructors (PADI) –Trụ sở tại Mỹ, tổ chức quốc tế về đào tạo và cấp chứng chỉ lặn lớn nhất thế giới.
Scottish Sub Aqua Club (SSAC or ScotSAC) Cơ quan quốc gia thể thao lặn tại Scotland.
International Training SDI, TDI & ERDi –trụ sở tại Mỹ, TDI là cơ quan lặn kỹ thuật lớn nhất thế giới, SDI là nhóm lặn thể thao dựa trên các phương pháp mới và đào tạo trực tuyến, và ERDi là thành phần an toàn công cộng.
Scuba Schools International (SSI) – Có trụ sở tại Mỹ với 35 trung tâm khu vực văn phòng vùng trên toàn thế giới.

Trong số các tổ chức trên đây, nổi tiến nhất và có ảnh hưởng rộng nhất trong giới lặn recreational là PADI. Các trung tâm lặn, đào tạo và hệ thống cửa hàng trang thiết bị lặn ở Việt Nam đều theo chuẩn và được chứng nhận bởi PADI. Ngoài ra, một số trung tâm lặn tại Nha trang còn đào tạo cả chương trình của SSI, với giá mềm hơn của PADI.

Lặn biển có an toàn không?






Trước hết, khi lặn xuống biển ta sẽ nhìn thấy cá, cây "kiểng" ... và ... một "động vật biển" đang len lỏi đi đâu đó ... quá đã, hơn nhậu là cái chắc.


Lặn biển nguy hiểm, nhưng đấy là chuyện của Thợ lặn công nghiệp, của Biệt kích người nhái, của Dân lặn chuyên nghiệp chuyên chơi các trò mạo hiểm,

còn với chúng ta, những kẻ đi lặn giải trí, tuy có, nhưng xac suat rủi ro chỉ cỡ hai phần mười vạn (theo một thống kê trong "binh chủng"), tức độ an toàn hơn gấp hàng ngàn lần so với việc chạy xe gắn máy ở Hà nội, Sài gòn, thậm chí an toàn hơn cả việc tập luyện "đi bộ thể thao" vào các buổi sáng sớm ở công viên.

Lặn biển theo cách hiểu của một kẻ ngoại đạo

"Lặn biển" hay "scuba diving" với ý nghĩa đầy đủ là môn thể thao lặn biển với khí tài đơn giản dành cho giải trí (cho kẻ lặn chơi, lặn nhởn).
Sau đây xin đăng bài của một người đã tham gia lặn biển, xem như món quà góp cho blog này.

Diving có hai loại chính, thứ nhất là Professonal diving. Các professonal diver hay technical diver là các diver làm việc như dò tìm, sửa chữa, cứu nạn v.v.. trong các điều kiện khó khăn như là độ sâu lớn, chui vào hầm hóc, dive khi biển động.. nói chung các diver này là diver vì cơm gạo.
Thứ hai là Recreational diving, đây chính là Scuba diving mà đa số dân chơi thích và đây cũng là cái mà chúng ta cần biết để có thể tham gia, các recreational diver là diver vì du lịch. Khác với technical diver, recreational diver phải trả tiền để được lặn.

SCUBA là thuật ngữ được viết tắt của Self-Contained Underwater Breathing Apparatus, tạm dịch là thiết bị cá nhân để thở dưới nước.

Muốn lặn thì cần gì? đầu tiên là cái mặt nạ lặn (Mask), với recreational diver thì mặt nạ lặn giúp bạn thấy được dưới nước, ngăn không cho nước và mũi bạn.
Thở như thế nào ? Diving Regulator là thiết bị điều áp cho phép bạn thở qua đường miệng (vì bạn không thể thở bằng mũi khi lặn với recreational mask). Thiết bị mà bạn thấy các diver ngậm vào miệng, nhiệm vụ chính của nó là giảm áp suất của khí nén xuống bằng áp suất xung quanh bạn để bạn có thể hít thở bình thường qua đường miệng, khi bạn thở ra khì bọt khí thoát ra tạo thành luồn bong bóng.
Vậy áp suất khí ở đâu mà cần phải giàm áp để thở? Hơi bạn dùng để thở dưới nước sẻ được nhốt vào bình ở áp xuất cao, bình này là diving cylinder gọi là bình hơi. Bình hơi có dung tích khoảng 3 đến 18 lit và áp suất bình là 200 atmosphere. Mỗi khi lặn sử dụng 1 bình, có thể thở được 30 phút trở lên và điều này tuỳ theo người thở nhiều hay ít.
Làm sao biết được bình hơi còn hay hết trong khi lặn? Bình hơi có đồng hồ đo áp suất, trong khi lặn bạn thường xuyên nhìn đồng hồ khi thấy nó chỉ mức đỏ thì chuẩn bị nổi lên là vừa, y như bạn nhìn đồng hồ xăng xe máy thôi.
Bây giờ đang lặn sâu làm sao mà nổi lên được? Bạn cần một cái BCD (Bouyancy Compensator Diving), tạm dịch thiết bị điều chỉnh độ nổi, thiết bị này rất quan trọng nó giúp bạn điều chỉnh độ nổi hay độ lơ lững của bạn dưới nước, nói cách khác nó giúp bạn nổi mà không nổi, chìm cũng không chìm do đó mà bạn có thể lặn dưới nước dể dàng. Bạn có thể bơm hơi vào cái BCD này, hơi lấy từ bình hơi nên việc mở van cho hơi vào dễ dàng như mở rô bi nê nước ở nhà vậy. Bạn có thể vẩy chân để đẩy người lên mặt nước sau đó cho hơi vào BCD để nổi trên mặt nước, nó giống một cái phao vậy, khi có hơi vào thì không cách nào làm bạn chìm được.
Ở dưới nước có lạnh không? Lạnh thì có nhưng chỉ trong chốc lát, bời vì bạn mặt đồ lặn (wetsuit) làm bằng neoprene, giúp bạn giử thân nhiệt, tránh bị cào xước và giúp bạn nổi. Một bộ đồ vừa vặn thì khi mặc vào nó bó sát với thân hình bạn như một lớp da vậy, khi xuống nước thì nước thấm giữa người bạn và áo nóng lên dần và lớp nước này bị giữ lại giúp bạn cảm giác ấm áp và tự tin.
Sau cùng là chân nhái (fins), ta cần nó vì bàn chân mình quá nhỏ không thể đẩy bản thân dưới nước.