Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Nguyên lý bơi lội của thế kỷ 21 – Kỹ năng thay thế cơ bắp (P2)

(Tiếp theo và hết)

5. Luôn thả lỏng (thư giãn, Relaxation) trong khi bơi.

Trong TK20, để bơi nhanh hơn, VĐV phải căng các cơ bắp nên nhanh chóng bị kiệt sức. Colwin khuyên hãy để cơ thể bạn có nhóm cơ vận động và nhóm cơ nghỉ ngơi theo chu kì. Luân phiên thả lỏng từng bộ phận cơ thể không chỉ để tiết kiệm năng lượng mà còn để ngăn chặn mệt mỏi. VĐV J.Weissmuller nói “bí quyết lớn nhất của bơi sải là sự thả lỏng (ngay cả khi bơi) ở tốc độ cao”.

6. Cần hình thành “cảm giác nước”.

Con người có xu hướng lảo đảo khi chuyển động rất chậm và họ phải liên tục chuyển trọng tâm để lấy lại thăng bằng. Khi VĐV bơi di chuyển nhịp nhàng ở tốc độ rất chậm thì họ sẽ di chuyển nhịp nhàng ở tốc độ cao. Bơi siêu chậm buộc VĐV phải tập trung vào động tác duỗi thẳng tay về phía trước, hết cỡ, để đạt được biên độ tối đa trong mỗi động tác và cải thiện khả năng thả lỏng của VĐV ở tốc độ cao. Hãy dành thời gian cho việc này.

Việc này còn giúp VĐV mài dũa trực giác quan trọng là “cảm giác nước” để đoán trước, điều khiển và lái dòng chảy. Cảm giác nước giúp VĐV biết khi nào họ tì nước chính xác và kéo cơ thể về phía trước với lực cản tối thiểu. Nó là “năng lượng tiềm ẩn của VĐV bơi”.

7. Cần ổn định nhịp điệu (rhythm) bơi.

Khi bơi, nhịp điệu ổn định sẽ loại trừ sự giật cục trong mỗi chu kì. Lúc tay VĐV kéo nước, tốc độ cơ thể di chuyển tăng, nhưng lúc tay rút khỏi mặt nước, tốc độ di chuyển lại giảm, điều này đưa đến sự chuyển động không đều. Sự không đều càng lớn thì sự lãng phí năng lượng càng nhiều. HLV Tourestki đề nghị VĐV lướt đi êm dịu với sự “chuyển động Chính xác – Ổn định – Đều – Đẹp” (**).

8. Lực cản thứ hai: Khi chuyển động trong nước, sự tiếp xúc giữa nước và da của VĐV sinh ra lực ma sát. Người ta khắc chế lực này bằng bộ đồ bơi công nghệ cao mô phỏng da cá heo.

Rút cục: Nếu bạn có khả năng bơi 400 mét trong 10 phút nhưng muốn cải thiện thành tích còn 9 phút, thì chỉ có 10 – 5 giây được rút ngắn do nỗ lực của cơ bắp, 50 – 55 giây còn lại có được từ việc bạn chuyển động trong nước như thế nào cho hiệu quả.

(**) Bạn sẽ khó thực hiện được hoàn hảo đồng thời cả 4 “tiêu chuẩn” trên, vì vậy bạn cần chọn cho riêng mình một “bộ tiêu chuẩn” ở những cấp độ bạn có thể và theo những tỷ lệ “kén chọn” hợp lí với thể chất của bạn. Ví dụ kỹ xảo “2 cánh tay gặp nhau ở phía trước hoặc ở 3/4 phía trước”: nếu bạn áp dụng hoàn hảo 100% thì sẽ bị ảnh hưởng tới kỹ xảo “lướt đi đều đặn”. Chẳng có gì là 100% cả, vấn đề là tiến tới sự tối ưu.

Nguyên lý của Swimming into the 21th century (ra đời trong mấy năm cuối của TK20, mà nay đã được gọi là cổ điển) là một cuộc cách mạng về bơi lội, đã làm đảo lộn các kỹ thuật bơi lội, mặc dù các động tác trông có vẻ vẫn giống như hồi xưa. Nó áp dụng thành công cho bơi ngửa, bơi bướm và đặc biệt là bơi sải (***), nhưng tiếc là chỉ thành công phần nào cho bơi ếch – một kiểu bơi có quá nhiều lực cản nước (trong khi nguyên lý này chủ yếu nhằm chế ngự lực cản nước).

(***) Nó thành công tới mức, nếu như các VĐV thi bơi marathon (cự li 10 km hoặc hơn) hồi TK20 đều áp dụng kiểu bơi ếch (một kiểu bơi đỡ tốn sức nhất), thì các VĐV ngày nay đều áp dụng kiểu bơi sải trong thi marathon, mà không một kẻ nào “dám” áp dụng kiểu ếch (một kiểu bơi quá tốn sức).

Lưu ý: Nếu bạn cần trao đổi "tay đôi" thì có thể vào chiquang.ha@gmail.com

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Nguyên lý bơi lội của thế kỷ 21 – Kỹ năng thay thế cơ bắp (P1)

(Bài cũ soạn lại) Mến tặng những bạn “yêu nước” và bạn bè của chúng tôi.

Trong suốt TK20, các huấn luyện viên bơi lội đều tin rằng, bơi là đẩy nước về phía sau tạo phản lực đẩy cơ thể tiến về phía trước (giống như chạy bộ vậy). Nhưng nước có độ đậm đặc gấp hơn 800 lần không khí, tức vận động viên (VĐV) bơi lội giống như VĐV chạy bộ chạy ngược cơn bão cấp 8 (*).
Để tăng tốc độ, VĐV chỉ có cách tăng công suất cơ bắp. Bơi lội trở thành môn thi đấu về thể lực.

Bước vào cửa ngõ TK21, Cecil Colwin, tác giả của “Swimming into the 21th century”, cho rằng “bơi lội là môn thể thao kỹ năng chứ không phải là môn thể thao thể lực”:

1. Nước đặc quá – Lực cản thứ nhất.

VĐV chạy bộ đạp chân vào đất cứng để lao về phía trước, anh ta chỉ mất có 1% năng lượng để thắng lực ma sát. VĐV nhảy cao, 90 trong số 100 calo có tác dụng trực tiếp nâng họ lên khỏi mặt đất. Còn VĐV bơi lội bỏ ra 100 calo thì chỉ có 10 – 9 calo có tác dụng trực tiếp đưa VĐV tiến về trước, 90 – 91 calo còn lại bị nước tước đoạt. Đó là VĐV đẳng cấp quốc tế, còn người mới có thể chỉ còn 2 – 1% có hiệu quả, nghĩa là 98 – 99 trong mỗi 100 calo đã bị nước tước đoạt.
Do vậy, nếu VĐV tăng công suất cơ bắp thêm 10 calo thì chỉ có thêm 1 calo có tác dụng đưa họ tiến lên.

Nếu bạn áp dụng các kĩ xảo sao cho lực cản của nước giảm được 1 calo (quy đổi) thì bạn sẽ không bị mất thêm 10 calo nhưng lại cùng tốc độ với kẻ phải bỏ ra thêm 10 calo. Colwin gọi đó là “kĩ năng bơi không dùng (nhiều) sức”, như áp dụng các kỹ năng làm thuôn dòng cơ thể, tạo dòng xoáy nước, thư giãn ở tốc độ cao, dành sự nghỉ ngơi luân phiên cho các nhóm cơ bắp trong khi bơi,...

2. Nước lỏng quá, VĐV không thể tựa vào nó được.

Bạn chạy bộ trên đầm lầy và sẽ thấy các cú đạp chân vào sình không giúp bạn lao về phía trước như VĐV chạy bộ đạp vào đất cứng, đạp càng mạnh càng … lỗ. VĐV bơi lội quạt, đạp vào nước cũng có kết quả kém khả quan ít ra là như vậy. Colwin khuyên VĐV dùng kỹ xảo tạo dòng xoáy nước quanh cơ thể, thay vì cố sức quạt, đạp về phía sau.
Hình: Kỹ xảo quạt tay bơi sải của TK20 làm ta liên tưởng tới chiếc tàu thủy máy hơi nước với guồng quạt nước, còn kỹ xảo TK21 giúp ta hình dung ra chiếc “chân vịt” (của tàu thủy đời sau) tạo ra dòng xoáy tròn.

3. Càng tăng tần số quạt nước thì … càng lỗ.

Trong TK20, để bơi nhanh hơn, VĐV tăng tần số quạt nước (quạt nhiều lần hơn). Nhưng sự tiêu hao năng lượng trong nước tăng theo lập phương tần số động tác, tức nếu tăng tần số quạt nước lên gấp đôi thì năng lượng tiêu hao sẽ tăng lên gấp tám. VĐV sẽ nhanh chóng bị vắt kiệt sức. Colwin khuyên VĐV vươn duỗi dài cánh tay về phía trước, hết cỡ, để sau đó có đoạn kéo nước dài nhất cho mỗi động tác.

4. Lực cản tại mặt phân cách giữa không khí và nước – Lực cản thứ ba.

Đó là “lực cản của sóng”. Chuyển động dọc theo bề mặt nước chắc chắn tạo thành sóng. VĐV bơi đánh một khối nước phía trước họ văng lên ngược với lực tiến. Nó không chỉ cướp đoạt năng lượng của bạn mà khi bạn bơi càng nhanh thì tác động của nó càng lớn. Vấn đề là ở chỗ, lực cản của sóng tăng theo lập phương của sự gia tăng tốc độ bơi. Nó “là kẻ sát nhân của VĐV bơi lội”.

Và sự việc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu VĐV bơi giật cục, chuyển động không đều, hoặc bơi nhấp nhổm, hoặc bơi lắc qua lắc lại sang hai bên. “Tới một giới hạn nào đó, việc nâng cao tốc độ bằng cách chèo mạnh hơn sẽ chỉ tạo ra sóng cao hơn chứ (hầu như) không tạo ra tốc độ cao hơn”. Colwin khuyên VĐV dùng kĩ xảo lướt đi êm dịu để giảm thiểu sự tạo sóng.

Tàu bè “né” mặt phân cách này bằng cách nhấc lên khỏi mặt nước (tàu cánh ngầm), còn VĐV bơi sải của TK21 thì “chui” xuống dưới mặt nước “bằng các mẹo như đầu và ngực chìm trong nước (bơi “chìm”, ngược với bơi hồi TK20 là càng nổi càng tốt), ... 


(*) Bạn có thể tự kiểm nghiệm bằng cách bơi với tốc độ 3,7 km/h (khá cao so với dân nghiệp dư) trong 6 phút thôi là sẽ biết ngay sức mạnh ghê gớm của “bão cấp 8”. Bạn có là nhân viên cứu hộ bãi biển chuyên nghiệp thì kết quả kiểm nghiệm cũng … vẫn như vậy.





Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

Lặn vo 100m trong nước băng giá của hang động ngầm

(Theo vn.sputniknews.com, trích đăng)

Trong lòng nước băng giá và bóng tối sâu thẳm, Vladimir Fedorov, thợ lặn, thành phố Izhevsk, vùng Urals, đã thực hiện chuyến lặn nguy hiểm: Trong thủy mê cung của hang động Ordinski dài nhất nước Nga, anh di chuyển nhẹ nhàng từ động này sang động khác, đã lặn vo qua một khoảng cách 100 mét. Trên người anh chỉ có bộ quần áo lặn phổ thông, chân nhái và kính lặn có ống thở.

Và mặc dù khoảng cách có vẻ không lớn lắm, nhưng các điều kiện lặn rất khắc nghiệt: nhiệt độ nước chỉ trên 0 độ một chút, phía trên là vòm đá, mà trong trường hợp xấu có thể cản trở việc ngoi lên mặt nước. Chuyến lặn như vậy có thể so sánh với việc bơi dưới đáy mặt hồ đã đóng băng. Tuy nhiên “người cá”, như các đồng nghiệp gọi Vladimir, thì hoàn toàn bình tĩnh. Không có một chuyển động đột ngột nào, không luống cuống. Anh như một khách du lịch thư thái thưởng thức vẻ đẹp của vương quốc hang động dưới nước.

Là một thợ lặn và chuyên gia hang động nhiều kinh nghiệm, Vladimir đã khá quen thuộc với mê cung của hang động Ordinsky. Anh thường xuyên tham gia giảng dạy và đã thực hiện hơn một trăm lần lặn vào không gian vô tận của động này. Trước khi thực hiện chuyến lặn kỷ lục, anh đã luyện tập hai tháng liền với chân nhái thông dụng, và sau đó là chân nhái mono được thiết kế riêng. Anh đã vượt 100 mét trong 2 phút. Anh đã đạt được kỷ lục này nhờ vào kỹ thuật thở mà anh tự phát triển. 

Việc tồn tại mà không có thiết bị đặc biệt trong một hang động lạnh khi nhiệt độ bên ngoài là âm 20 độ, và nhiệt độ nước trên 0 độ một chút có thể coi như kì tích về sức chịu đựng của con người. Thí nghiệm ban đầu được đặt ra với mục đích nghiên cứu khả năng sinh lý của con người.

Trong thời gian thực hiện, một đội thợ lặn scuba đã bảo hiểm cho Vladimir. Chuyến lặn đã kết thúc thành công, phổi anh vẫn làm việc bình thường và hơi thở đã khôi phục nhanh chóng. Trước anh không một ai có thể nín thở và bơi một trăm mét trong điều kiện tương tự mà không cần đến thiết bị chuyên dụng.

Vladimir tuyên bố chưa dừng lại ở thành tích này. Anh chuẩn bị cho một chuyến lặn vo 800 mét cũng trong hang động Ordinsky. Tuyến đường mới đã được thiết lập và người thợ lặn dũng cảm đã bắt đầu bắt tay vào tập luyện.