Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Tại sao hầu hết người Úc biết bơi (P3)

P3. Các lời góp (tiếp theo và hết).

Lời góp 1: 

Phải nói là nông thôn ngày nay đã mất đi những kỹ năng kiến thức cần thiết mà chưa có cái gì thay thế. Không kể bơi, ngày xưa trẻ con đứa nào chả biết một ít bài thuốc dân gian: ví dụ bị chảy máu thì lấy cỏ gì đắp vào, bị rắn cắn thì phải làm sao, sâu đốt (nhất là sâu chuối, sâu sung) thì phải làm gì. Trẻ con nông thôn giờ cũng chỉ biết chơi games thôi, quay lưng lại với thiên nhiên. Hôm nọ tôi về Vân Đình, rất ngạc nhiên thấy con người bạn tôi, nhà sống ngay cạnh dòng sông Đáy, mà cả hai đứa đã hơn 10 tuổi rồi đều sợ nước.

Lời góp 2:

Câu hỏi để trẻ học bơi và biết bơi năm nào mọi người cũng hỏi, không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu long, đồng bằng sông Hồng, mà cả vùng ven biển miền Trung, và gần như khắp nơi trên đất nước mình. Chị Lê Hoàng Lan có chương trình e-bơi hay lắm, các trường học mà áp dụng được cho các cháu học bơi nhanh để xóa mù bơi thì hay quá. Hồi trước mình cũng nghe về sáng kiến bể bơi nổi trên sông của một em nào ở Đồng bằng sông Cửu long, nếu áp dụng để các cháu học bơi cũng hay lắm, nhưng ít được nghe về áp dụng thực tế thế nào.

Đọc bài của Hằng và các comment, mình lại mong “bao giờ cho đến ngày xưa”, để trở lại đắm mình với dòng sông quê hương mà như một nhà thơ nào đó viết “quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà...” còn nếu có được con Sông Quê hương “nước gương trong soi tóc những hàng tre” như của nhà thơ Tế Hanh thì còn tuyệt vời hơn!

Ngày xưa trẻ con ở nông thôn thường biết bơi, vì quanh năm vày nước, rồi mò cua bắt ốc ở sông, ở ao, không cần biết nông sâu, bẩn hay sạch. Bây giờ về quê mình thấy các cháu không đứa nào biết bơi, vì không ai dám ra Sông Hồng để học bơi nữa, mùa nước lên thì đục ngàu và nguy hiểm, mùa nước cạn thì ô nhiễm. Ao chuôm đã bị lấp nhiều và đều ô nhiễm đến cá tôm cũng không còn sống được.

Nhờ có Thủy điện Hòa bình, ít lũ lụt hơn, nhưng cũng vì vậy mà chẳng còn ai cần biết bơi nữa, nói gì đến bơi thuyền giữa dòng nước lũ kiếm củi kiếm gỗ như xưa, và không biết nếu lũ lụt thì dân miền sông nước phản ứng thế nào đây!

Ngày xưa cứ tự hào “nước sông Hồng vừa trong vừa mát, đường quê mình lắm cát dễ đi”, và đặc biệt ao vùng cát nước rất trong và mát là nơi trẻ con tắm tát suốt ngày, nên đứa nào cũng biết nổi. Ngày nay thì trẻ con thành phố lại có điều kiện học bơi hơn, vì có bể bơi và nhiêu nhà có điều kiện đi nghỉ mát ở biển.

Hoàn toàn đồng ý với Hằng, để adapt với BĐKH và cả mitigate disaster risk(*) - thì dạy bơi cho trẻ em, học bơi là một trong những biện pháp tương đối rẻ mà thiết thực, lại có tính nhân văn và vì tương lai của thế hệ mai sau. Thôi thì trước hết là dạy bơi cho con cái trong nhà, và về quê khuyến khích các cháu học bơi.

(*) BĐHK, adapt, mitigate disaster risk: Nguyên văn của lời góp.
Hình chỉ có tính minh họa.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Tại sao hầu hết người Úc biết bơi (P2)

P2. Trông người ta lại nghĩ đến mình. 

 (bài của chị Đào Thị Hằng) 

Nước ta có 3.260 km đường biển. Năm nào bão lụt cũng có người thiệt mạng và rất nhiều trong số đó là các trẻ em nông thôn. Khi lụt vào nhà, chỉ cần bố mẹ lơ là một chút là các cháu sẩy chân chết đuối.

Đi học về gặp nước lụt đang dâng, các cháu lội qua đường, không biết bơi cũng rất nguy hiểm. Nhắc đến đây mới nhớ đến hồi lớp 5, buổi sang đến trường thì chỉ có mưa, nhưng lúc về nước lênh láng đầy đồng. Thầy chủ nhiệm hai tay dắt hai em vượt qua nước lũ, nước ngang cổ, nước cứ chảy xiết như muốn nhấc chân mình lên để cuốn đi, sách vở ướt nhẹp. Điều gì sẽ xảy ra nếu hôm đó không có thầy chủ nhiệm? Hoặc có cô chủ nhiệm nhưng sức khỏe yếu và không biết bơi? Giờ nghĩ lại vẫn còn khiếp hồn, may mà chưa chết.
 
Vậy, với các cháu dưới 5 tuổi ở thành phố, thay vì buổi sáng các ông bố tụ tập, bù khú với bạn bè thì hãy mang các cháu đến hồ bơi. Nếu không có hướng dẫn viên thì cứ cho con xuống tập cho nó làm quen với nước. Nếu không thì tập hợp vài gia đình khác rồi thuê một hướng dẫn viên để tổ chức. Dần dần họ thấy nhiều người có nhu cầu thì ắt sẽ có dịch vụ. Các anh chị đang làm trong ngành giáo dục cứ mạnh dạn đưa thêm môn bơi lội vào dạy trong các trường mầm non. Khuyến khích các trường mầm non tư thục dạy bơi cho các cháu.
 
Ở các trường cấp 1, 2, 3 thì đưa môn bơi vào trong chương trình môn thể dục. Nhảy cao, nhảy xa, chạy dài rất tốt cho sức khỏe nhưng môn bơi sẽ cứu mạng sống cho các em và cứu mạng sống cho nhiều người khác. Các tiết sinh hoạt tập thể, sinh hoạt đội thì đưa các em ra ngoài sông, thuê người về dạy bơi cho các em. Thậm chí trong số đó, các em đã biết bơi sẽ dạy cho các em khác.
 
Các dự án phát triển cộng đồng, thích ứng với thiên tai và BĐKH(*) nên đưa thêm hoạt động dạy bơi cho học sinh, cho thanh niên nam nữ, cho những ai trong cộng đồng muốn học bơi để bảo vệ chính mình. Cắt giảm bớt những buổi lý thuyết, dùng tiền đó thuê người dạy bơi cho họ, tặng mỗi người mỗi bộ bikini để khuyến khích phụ nữ giữ eo, và không ngần ngại khi khoe dáng. Nước mình sông ngòi khắp nơi nên không thiếu chỗ tập.
 
Khi một loạt các cách như vậy được thực hiện thì mình sẽ bớt chứng kiến những cảnh tang thương của người dân sau mỗi cơn lũ lụt. Cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất cha … không có chi đau xót hơn những cảnh đó. Vậy nên, phải bắt tay vào làm thôi. (còn nữa).

(*) Nguyên văn của tác giả, mang nghĩa là biến đổi khí hậu.
Hình chỉ có tính minh họa. 

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Tại sao hầu hết người Úc biết bơi (P1)

(Bài của chị Đào Thị Hằng).

Sáng chủ nhật ba chị em dậy lúc 7h sáng cho kịp bắt chuyến xe bus vào lúc 7.30h ở North Terrace để đến Adelaide Aquatic Centre (AAC). Trễ bus, lại lò mò ra King William để bắt bus khác. Vật vờ mãi đến 9h mới có mặt ở AAC, khi biết trễ bus thì đi bộ cho rồi, khỏi mất công chờ.

Vào đến nơi thấy toàn trẻ con học bơi: Lứa dưới 1 tuổi, 1-3 tuổi, 3-5 tuổi đang tập bơi ở khác khu vực với các độ sâu khác nhau. Cháu nào cũng vui cười hớn hở, nghịch với nước rất thích thú, nhìn yêu không chịu nổi. Ấn tượng nhất là mấy cháu tầm 6 tháng tuổi trở lại đang học bơi với bố mẹ, có người hướng dẫn cho từng nhóm.

Mỗi nhóm có 1 hướng dẫn viên và 4 cháu có bố/mẹ bế. Nhóm thứ nhất có 3 bố và nhóm thứ hai có 4 bố. Cháu nào lúc đầu cũng sợ nước, cứ nhìn vào bố/mẹ mình, nhưng sau đó nhìn các bạn trong nhóm của mình nên cũng mạnh dạn hơn. Đầu tiên cô hướng dẫn viên chào hỏi từng cháu một, hỏi tên và cheer Hi-Fi(*) để tạo sự thân thiện với các cháu. Sau đó cùng hát các bài trẻ con, điều ngạc nhiên là các bố mẹ cũng thuộc làu làu mấy bài này. Sau đó cô hướng dẫn viên cầm một em búp bê vừa đi vòng tròn vừa chao qua chao lại búp bê, sau đó tung búp bê lên cao và các bố mẹ cũng làm tương tự. Các cháu cười thích thú lắm khi được tung lên cao và chao qua chao lại như vậy.

Tiếp đó cô hướng dẫn viên phát cho mỗi bố mẹ một cái gáo nhỏ có thủng một cái lỗ rồi bố mẹ dùng cái gáo này múc nước đổ lên đầu các cháu. Nhìn các cháu bối rối lúc bị xối nước vào đầu sau đó lại cười xòa hả hê, yêu không chịu nổi luôn. Sau đó đến tiết mục thả cho các cháu nằm ngửa trên mặt nước, bố mẹ đỡ bên dưới. Cô hướng dẫn mang một cái gương soi cho từng cháu để các cháu thấy mình giỏi như thế nào. Cháu nào cũng sợ nhưng thấy mình trong gương đều cười thich thú, đúng là con nít cười 24/24.

Tiếp đến là thả cho các cháu nằm sấp cho miệng tiếp xúc với mặt nước, có cháu thì thờ phì phò cho bong bong nổi, có cháu thì uống nước trong hồ bơi ừng ực, yêu chết mất thôi. Tiếp đến cô phát cho mỗi bố mẹ một cái phao dạng thanh, luồn cái phao này qua chân cả hai người và chơi như trò cưỡi ngựa ở nhà mình. Các cháu cười phới lới như chơi cưỡi ngựa dưới nước vậy. Tiếp đến cô trải một cái phao rộng bằng tấm chiếu, ba bạn đứng giữ ba góc. Bố đứng ở đầu kia phao, cô để một đồ chơi trên phao, cháu bò trên phao để nhặt, cô lại dịch đồ chơi về phía trước, cháu lại bò để lấy được đồ chơi. Đến cuối phao thì cô cho cháu ngụp xuống nước trước khi được bố đỡ. Tiếp đến cô cho các cháu vịn vào thành hồ bơi, sau đó thả tay ra, ngả người về phía sau cho bố/mẹ đỡ. Rồi cho các cháu đứng lên trên thành hồ bơi, nhảy xuống nước. Tiếp đó vịn và đi quanh thành hồ bơi và lên bờ. Bài tập này kéo dài trong vòng 30 phút. Các bài tập này ngoài việc tạo cho trẻ làm quen và mạnh dạn khi xuống nước, tạo tiền đề tốt cho việc học bơi sau này, nó còn rất tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ.  (còn nữa)


(*) Nguyên văn của tác giả.
Hình minh họa





Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Tản mạn nhớ chuyện bơi lội ngày xưa

(Bài của anh Trần Nam Trung)

Sau khoảng 5 tháng đi bơi, thành tích bơi của tôi đã tiến bộ hơn trước và bơi đã thay thế môn chạy trở thành môn thể thao chính vào thời điểm này. Nhớ hồi năm 1992, hồi đang học năm thứ 2 đại học, tôi cùng nhóm bạn cấp 3 đi chơi ở Đồng Mô hay Đại Lải gì đó và tôi đã cảm thấy rất thua thiệt vì không biết bơi. Ngay sau đó, tôi cùng Lê Tử Dương, bạn thân cấp 3 của tôi, đến tập bơi ở bể Tăng Bạt Hồ. Dương là người bày cho tôi bơi ếch. Còn nhớ chỉ một hai buổi đầu, tôi đã bơi được 100 mét ếch, và cứ mỗi hôm sau đó, tôi bơi được thêm 100 mét non-stop dài hơn ngày hôm trước, và sau khoảng 10 ngày, tôi đã có thể bơi một mạch 1 km (20 chiều dài bể).

Từ đó tôi say môn bơi dù chỉ biết bơi ếch. Hè năm 1992, tôi đi bơi ở Quảng Bá, cùng với nhiều bạn trường Bách Khoa, hay cùng với bạn ở khu tập thể trường Y. Sáng nào cũng đạp xe từ nhà lên Quảng Bá khoảng 11 km, vào khu nhà dân ở phía bên kia hồ đối diện với khu bơi lội Quảng Bá, ngày nào cũng vậy, mỗi hôm bơi khoảng 2 tiếng liên tục. Hồi đó làm gì có bể nước nóng như bây giờ, nên chỉ bơi được vào mùa hè và thu, còn mùa đông thì chịu. Thế nhưng có những lúc hăng lắm, đến tháng 11 trời rét căm căm, bể bơi Tăng Bạt Hổ chẳng còn ai, chỉ mỗi mình tôi bơi, nước trong bể có hôm họ chỉ để khoảng 80 cm, mà tôi vẫn bơi, một mình một bể. Đi bơi buổi sáng về nhà ăn cơm vội, rồi mang bị cói áo blue đến bệnh viện thực tập. Hồi đó mỗi tăng bơi là khoảng 45 phút, tôi hôm nào cũng bơi đều đặn 1 km không nghỉ, mất khoảng gần 35-40 phút gì đó, còn thời gian thừa thì tập nhảy cầu.

Còn nhớ có giai đoạn hồi còn học đại học, cả mấy tháng tôi toàn bơi ở hồ bảy mẫu cùng với bạn cùng khu tập thể trường Y, nghĩ lại thấy mình hồi đó "gan dạ" thật – không sợ bẩn. Tôi bơi từ phía đường Đại Cồ Việt ra đảo Hòa Bình, rồi vòng vèo giữa hồ, một tuần đi gần như cả 7 ngày. Hồi đó làm gì có kính bơi, nhưng chẳng thấy bị đau mắt gì cả.

Sang Mỹ, trường UCLA có mấy bể bơi lớn. Tôi đi bơi cùng giáo sư của tôi, người đã dạy cho tôi biết bơi sải. Giáo sư là người rất mê thể thao, một tuần đi bơi 3 buổi, chạy 3 buổi còn lại. Hồi đó chạy thì tôi kém lắm, không thể chạy cùng giáo sư được dù giáo sư cứ rủ chạy cùng. Nhưng bơi thì tôi có thể bơi ếch được. Ở Mỹ, người ta toàn bơi sải chứ không bơi ếch như ở Việt Nam, có lẽ cả bể chỉ có tôi và một vài người châu Á nữa là bơi ếch. Từ khi hơi biết bơi sải một chút, tôi bắt đầu chú ý hơn tới kĩ thuật, nhưng dù sao cũng không thật sự chuyên tâm lắm. Từ Mỹ chuyển sang Thụy Điển, tôi có đi bơi vài lần nhưng chủ yếu là bơi ngoài hồ tự nhiên, còn bể trong nhà tuy có nhưng không tiện lắm về giờ giấc. Thể là ham muốn bơi lội tắt ngấm, lại chuyển sang môn chạy, mà cũng chỉ chạy được trên máy vì thời tiết quá lạnh.

Từ khi sang Mỹ trở lại, xung quanh chỗ tôi ở chẳng có cái bể bơi nào tiện lợi cả. Thế là tiếp tục môn chạy cho tới gần đây. Thế mới biết để tập được môn thể thao mình yêu thích không chỉ cần sự ham muốn mà còn phải có điều kiện phù hợp nữa. Dù tôi yêu thích môn bơi là thế nhưng không có điều kiện thuận lợi thì cũng phải nhường cho môn khác tiện hơn. May mắn là điều kiện thuận lợi đã trở lại. Môn bơi là môn rất lợi ích và phù hợp với nhiều người, nhưng đòi hỏi cao hơn môn chạy – vốn chỉ cần xỏ giầy vào, chạy trên máy hay chạy ra đường cũng được.

Đi bơi thật khác với đi chạy. Khi chạy bộ, tôi có thể suy nghĩ đủ thứ vì không cần để ý tới động tác. Còn lúc đi bơi, tôi chẳng nghĩ được việc gì mà luôn để ý tới đường bơi, tới động tác…Có lẽ bơi ở ngoài thiên nhiên mới thư giãn hơn và đỡ phải tập trung hơn là so với bơi ở bể. Dù sao cả hai đều là môn thể thao aerobic tuyệt vời.

Ghi chú: Anh Trần Nam Trung là tác giả bài Swim swim (đã đăng trên 3-BƠI ở trang tin này).