Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Buổi lặn thử đầu năm.

 Cũng là lần đầu tiên Bạn Lặn Việt tổ chức lặn thử với chủ để "Thử thách với Scuba Diver" được đưa ra tại buổi giao lưu với nhóm Phượt Mơ.  Nhóm BLV cũng đã rất cố gắng để tổ chức được buổi Try Dive đầu tay này. Tham gia "thử sức"có 6 bạn phượt (không) tử đã từng giao lưu bữa đó với BLV. Mọi người rất hào hứng thử sức với các Divers Nhân và Phương P. Trên FB, không khí bàn luận về buổi về cuộc thử thách với Scuba Diver thật hào hứng. Tui xin đưa lên đây những hình ảnh động về các hoạt động dưới nước của buổi lặn đó. Bạn sẽ tự đánh giá được kết quả chuyến lặn thử sức này qua nhân vật Snail. Hãy xem động tác bơi dưới đáy nước rất buồn cười của Snail khi đạp những chân fins đầu tiên và bạn sẽ không tin vào mắt mình khi xem đoạn cuối của clip - Snail đạp fins và bơi một cách thoải mái và tự tin như một diver đẳng cấp!



Hãy thử sức cùng chúng tôi.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

"Thủ đô" Scuba diving ở một quần đảo với 4.500 Cayo


(Bài của chị Lê Thanh Hoàng Dân)

Florida Keys là một quần đảo (Archipelago) gồm 4.500 đảo nhỏ (Keys), chạy dài từ điểm cực Đông-Nam của bang Florida đến gần Cuba.

Trên đường đi từ Miami đến Key West, đảo cuối cùng của quần đảo này, tôi và người tình trăm năm đã đi qua nhiều đảo lớn, chạy giữa đại dương đẹp không thể tưởng. Key West là đảo lớn nhất và đẹp nhất của quần đảo này.

Trên đường đến Key West, ngồi trên xe bus nhìn cảnh Vịnh Mexico một bên và bên kia Đại tây dương nước trong xanh, thấy dân chúng chạy tàu ngoài biển vui hưởng cuộc đời, tôi cảm thấy cuộc đời đáng sống quá.

Đảo Key Largo, thiên đàng của Scuba diving: Những rặng san hô ở Key Largo đẹp không bằng ở Key West, nhưng cũng rất đẹp. Key Largo có biệt danh là thủ đô Scuba Diving của thế giới. Tại sao? Tại vì nhiều người thích đến đây scuba diving hơn Key West. Lý do là vì Key Largo gần Miami hơn, cách Miami vài chục miles thay vì Key West khoảng 160 miles. Tại sao gọi các đảo này là Keys? Người da trắng đầu tiên đặt chân đến vùng đất này là người Tây ban nha. Họ gọi các đảo nhỏ này là “Cayo”. Sau này những người da trắng khác đọc sai, “Cayo” thành “Keys”.

Key West là đảo lớn nhất trong quần đảo Florida Keys. Điểm cực Nam của đảo này chỉ cách Cuba 90 miles, so với 160 miles cách thành phố Miami. Key West còn được biết đến với tên “Cộng hoà Ốc xà cừ” (Conch Republic). Dân cư sống ở Key West có biệt danh “Ốc xà cừ” (a Conch).


Quốc Lộ số 1 (US 1) chạy dài gần 160 miles nối liền các đảo này từ Key West đến gần Miami, từ đó chạy thẳng lên miền Bắc đến tận biên giới Canada. Đoạn đường chạy qua các đảo này rất đẹp, một bên là Vịnh Mexico (Gulf Of Mexico), và bên kia là biến Đại Tây Dương.

Key West rất đẹp, sống nhờ du lịch. Ngày xưa đảo này làm giàu nhờ nghề cứu tàu chìm (Wrecking). Key West là một địa điểm chiến lược trong sự giao thương buôn bán với Cuba và các đảo Bahamas, cũng như trên đường giao thương phát xuất từ thành phố.

Cuối thế kỷ 19, nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, tàu bè ít bị chìm hơn, nên Key West không còn phồn thịnh nữa. Ngày nay đây là một địa điểm du lịch nhiều du khách thế giới ưa thích. Các rặng san hô dưới biển Key West được kể như đẹp nhất thế giới.

H: Rừng cây dưới đáy hồ Goluboe (hình chỉ có tính minh họa).

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Khi bạn muốn lặn sâu. P2 – Trong quá trình thao tác

4.  Trong lòng biển.


Xem xét sự cân bằng(1) của bạn: Độ cân bằng của bạn sẽ biến đổi rất nhanh theo độ sâu.

Theo dõi nhịp thở (breathing rate) của bạn: Hít thở sâu, từ từ, thoải mái là đặc biệt quan trọng trong lặn sâu, vì không khí bạn đang thở đã đặc hơn rất nhiều theo độ sâu. Bao gồm:

- Xuống sâu, khí trong bình lặn sẽ đặc hơn, nghĩa là với mỗi hơi thở, bạn sẽ hít nhiều khí hơn so với khi ở vùng nông. Thở nhanh có thể làm phổi bạn bị “trượt qua” khả năng hấp thụ oxy mà lẽ ra nó vẫn có khả năng duy trì, và bạn ngày càng phải thở gấp hơn.
- Thở nông, thở nhanh dẫn đến tồn đọng CO2 trong cơ thể. CO2 tồn đọng trong phổi sẽ pha loãng sự trong lành của khí thở đến với bạn trong lần thở tiếp theo. Cứ thế, bạn rơi vào vòng luẩn quẩn và ngày càng nhận được oxy ít hơn và nhiều CO2 hơn.
- Cuối cùng, thở nông, thở nhanh là một dấu hiệu của sự lo lắng. Khi hơi thở trở nên khó khăn hơn cũng có thể làm bạn trở nên hoảng loạn.
- Phải làm gì? Hãy “dừng lại” (Stop finning). Hãy hít thở chậm, sâu để “rửa” lại phổi. Hãy làm điều đó cho đến khi bạn được thư giãn.

Kiểm tra đồng hồ: Các thông số áp suất và thời gian sẽ biến đổi nhanh hơn khi càng xuống sâu. Đồng thời, khi này các lỗi (nếu có) sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Hãy kiểm tra đồng hồ nhiều hơn lúc lặn nông.

Kiểm tra bạn lặn: Quan sát bạn lặn thường xuyên hơn so với lặn nông. Tìm dấu hiệu của sự lo lắng, như thở nhanh, mắt có biểu hiện quá hưng phấn, các thao tác không bình thường của họ. Kiểm tra đồng hồ của bạn lặn theo định kì, và yêu cầu bạn lặn kiểm tra lại mình.

Kế hoạch lặn: Thực hiện theo đúng kế hoạch lặn đã thông qua nhóm, độ sâu tối đa, thời gian lặn, thời gian và khí dự phòng cho giải áp khi nổi lên(1).

Lên thẳng và từ từ: Sự nguy hiểm lớn nhất của lặn sâu có lẽ là lúc đi lên. Sự thay đổi khi nổi lên sẽ diễn biến rất nhanh làm bạn dễ bị mất kiểm soát tốc độ đi lên và nhịp thở của bạn. Và do ở độ sâu bạn thở rất tốn không khí, nên nếu bạn không thường xuyên xem đồng hồ áp lực hơi, sẽ có thể dẫn tới hết khí và bạn phải thực hiện một cuộc đi lên khẩn cấp đầy nguy hiểm.

- Để kiểm soát tốc độ đi lên, bạn có thể men theo dây neo tàu. Không sử dụng sự nổi của BCD(1) để đi lên, mà thay vào đó, bạn dùng chân nhái để lên.
- Một số thợ lặn thực hiện “quy tắc một phần ba”: 1/3 không khí cho lượt đi, 1/3 để trở về, 1/3 cuối cùng cho cú đi lên có dừng giải áp và để dự phòng.

Hãy nhớ rằng các cuộc lặn sâu đều cần một sự giải áp thực sự(2). Lên chậm và dừng an toàn tại 15 feet có cùng mục đích của kế hoạch giải áp.

5. Sau khi lặn sâu: Vấn đề còn lại, là mặc dù bạn không vi phạm luật giải áp, nhưng bạn đã có một lượng nito khá lớn trong máu, và bị DCS(1) là hoàn toàn có thể. Cần nghỉ ngơi ít nhất một giờ và uống nhiều nước. (hết)

H: Độ cân bằng của bạn sẽ biến đổi rất nhanh theo độ sâu (hình chỉ có tính minh họa).

(1) Xin xem trong Tự điển Lanbien ở bên phải trên cùng màn hình.

(2) Hải quân Mỹ đã thí nghiệm trên nhiều thợ lặn và kết quả là đã có một số trường hợp xuất hiện hiện tượng u mê nito khi ở độ sâu chỉ 100 feet.

Một Instructor khuyên: Khi đang đi xuống, nếu bạn thấy có vẻ bị rơi vào trạng thái u mê nito thì bạn hãy nổi lên 4 feet là các triệu chứng sẽ suy giảm gần như ngay lập tức. Sau đó bạn có thể trở xuống độ sâu hồi nãy mà không gặp lại các triệu chứng đó nữa. 

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Khi bạn muốn lặn sâu. P1 - Chuẩn bị


(bài của một Huấn luyện viên Padi, trích)

1. Để quyết định xem mình đã sẵn sàng cho cuộc lặn sâu hay chưa, bạn hãy tự xem xét:

Kinh nghiệm lặn: Bạn đã lặn được nhiều chưa? Bạn cần thực sự thoải mái với các cú lặn nông trước khi định lặn sâu. Nên dành nhiều thời gian thực hành kỹ năng tại độ sâu 60 feet.

Tăng dần: Tập tăng độ sâu dần dần. Vài lần lặn 80 feet trước khi bạn cố gắng 110 feet. Và nếu bạn không thấy thoải mái ở 80 feet thì chớ mong đợi sẽ chữa được bệnh này bằng cách lặn 110 feet.

Thiết bị: Phải được trang bị đúng và chúng phải trong tình trạng tốt. Để giữ bình tĩnh và có thể xử lý bất trắc, bạn không nên khai thác chúng ở mức tối đa. Độ sâu 110 feet không phải là nơi để bạn xử lí BCD(*) bị xì hoặc kính lặn bị hở.

Kinh nghiệm của bạn lặn: Tránh vội vàng vượt quá mức độ thoải mái của bạn lặn của bạn. Khi bạn lặn của bạn lo sợ về cuộc lặn sâu, bạn có thể cùng phải chịu hậu quả.

Môi trường lặn: Độ sâu là khái niệm rất tương đối, ví dụ lặn 110 feet vùng nước ấm rõ ràng không bị thách thức như lặn 70 feet vùng nước lạnh. Độ sâu là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng, vì nó lạnh, khả năng hiển thị thấp, sự lo lắng, sự mệt mỏi và nhiều hơn nữa.

Người hỗ trợ: Có ai ở lại tàu lặn để đảm bảo rằng tàu vẫn neo ở đó? Tàu có bình khí dự phòng không? Tàu có thể liên lạc được với đất liền không? Divemaster(*) và thuyền trưởng có tạo niềm tin cho bạn không?

Động cơ: Cuối cùng, hãy tự hỏi, vì sao bạn muốn lặn sâu?

2.  Chuẩn bị cho cuộc lặn sâu.

Tinh chỉnh chì đối trọng(*): Bạn cần trọng lượng tối thiểu của đai chì cho phép bạn cân bằng ở 15 feet với một bình gần hết khí.

So sánh việc tiêu thụ khí: Ai thở tốn khí hơn, bạn hay bạn lặn của bạn? 

Xác nhận lỗi của thiết bị: Cuộc lặn nông là cơ hội để đảm bảo rằng thiết bị của bạn đã tốt và đã được điều chỉnh đúng.

3.  Trước khi lặn.

Cần nghỉ ngơi trước ngày lặn sâu: Mệt mỏi làm tăng nguy cơ DCS(*), dễ bị say nitơ hơn, và quan trọng hơn cả, đó là gia tăng sự bất cẩn. Hạn chế uống rượu từ đêm trước.

Hãy uống nước: Cơ thể mất nước cũng làm tăng nguy cơ DCS và dẫn đến mệt mỏi sớm hơn.

Hãy ở trong vùng xanh: Đó là vùng tô màu xanh lá cây trên máy tính lặn (vùng an toàn).

Kế hoạch: Hãy lên kế hoạch theo giới hạn của người lặn kém nhất trong nhóm. Cũng quan trọng như nội dung kế hoạch về thời gian, độ sâu và lộ trình, nếu bạn hoặc bạn lặn có bất kỳ nghi ngờ gì thì cả hai nên chấm dứt chuyến lặn sâu.

Kĩ năng nhóm: Phải chắc chắn rằng, mỗi người trong nhóm đều nhớ các kĩ năng cần thiết, ví dụ kí hiệu tay, kĩ năng thay bình khí ở dưới đáy biển, ... (còn nữa)

H: Nếu bạn không thấy thoải mái ở 80 feet thì chớ mong đợi sẽ chữa được bệnh này bằng cách lặn 110 feet (hình chỉ có tính minh họa).
(*) Xin xem trong Tự điển Lanbien ở bên phải trên cùng màn hình.

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Lặn xuôi dòng chảy dưới đáy biển (lặn trôi). P2 – Những vấn đề cần quan tâm

(Bài của một huấn luyện viên, trích)

DCS (*) – rất hy hữu, nhưng có thể xảy ra trong trường hợp thủy triều thay đổi quy luật, cộng với nhiệt độ nước giảm đột ngột (có thể xảy ra sau khi mưa lớn, hoặc khi đi ngang qua cửa sông). Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các thông số thẳng đứng của dòng nước và có thể làm bạn hoảng sợ.  

Và nếu dòng chảy ven bờ đi ngang cửa sông, vùng nước lợ làm thay đổ tỷ trọng nước, làm bạn đột nhiên bị thay đổi độ sâu. Nếu bạn không biết trước về điều này, bạn sẽ hoảng sợ. Một nguy cơ khác là dòng chảy của sông sẽ đẩy bạn ra quá xa bờ. Nếu xảy ra vào cuối cuộc lặn, sự trôi dạt này có thể làm bạn vội vã nổi lên. Chúng đều tạo thêm nguy cơ DCS.

Lạc - bạn có thể bị lạc nhóm khi lặn trôi (sẽ dễ xảy ra hơn so với lặn vùng nước tĩnh). Nếu có một thợ lặn bị lạc thì sau khi cả nhóm nổi lên, hãy thả trôi thành một nhóm, vì nếu không, thuyền sẽ không thể theo dõi cho tất cả. Nói chung, bạn chỉ nên lặn trôi khi tầm nhìn tốt. Ngoài ra mỗi người cần có thiết bị báo hiệu cho riêng mình.

Va chạm – Vì bạn trôi xuôi dòng trong một không gian ba chiều và di chuyển khá nhanh, nên bạn phải chú ý quan sát kẻo bị va quệt, không chỉ bị va vào vỉa san hô hay tảng đá, mà có thể cả sinh vật biển.

Kiệt sức - Mặc dù lặn trôi là một trò chơi lười biếng, nhưng đôi khi nó có thể yêu cầu nỗ lực khá lớn của thợ lặn, ví dụ bạn bơi vào một chỗ không xuôi theo dòng để xem cái gì đó, hoặc đuổi theo để bắt kịp nhóm, hoặc để thoát khỏi dòng chảy. Đôi khi không có chỗ khả thi để bạn neo tại một chỗ và vì thế bạn đành phải chống lại dòng chảy. Bạn cần biết, bơi chống đối dòng chảy lại là một bản năng của con người, nhưng đó là cơn ác mộng. Coi chừng bạn bị kiệt sức.

Một vài kỹ thuật riêng biệt

Stern line. Khi thợ lặn gặp thuyền, họ có nguy cơ bị trôi tiếp và bị vượt qua thuyền. Thuyền cần thả phao hỗ trợ (stern line - một sợi dây nối với phao và đầu kia cột vào thuyền). Nó tăng cơ hội để các thợ lặn “bắt” vào thuyền. Nó cũng là nơi để các thợ lặn tập kết trên mặt nước để chờ bạn lặn nhảy xuống nước hoặc chờ leo lên thuyền.

Nhập vào dòng chảy.
Cách 1: Sau khi nhảy xuống nước, các thợ lặn bám vào phao hỗ trợ và khẳng định rằng thiết bị của mình không có vấn đề gì. Sau đó cùng đi xuống và tìm cách ở sát bên nhau (ví dụ móc dây vào nhau) để tránh bị lạc nhóm ngay khi bắt đầu.

Cách 2: Cả nhóm cùng nhảy xuống nước với BCD(*) xẹp và mỗi người phải tự kiểm soát độ nổi của mình. Việc này giúp cả nhóm đi xuống một cách nhanh chóng – để đảm bảo rằng cả nhóm sẽ cùng tới đáy tại một chỗ. Cách này chỉ áp dụng cho những thợ lặn có kinh nghiệm, bởi nếu không đủ kinh nghiệm, bạn sẽ gặp khó khăn để cân bằng tai và có thể bị chìm như một cục đá. (hết)

H: Hai Divers này có thể cùng tới đáy tại một chỗ không - nếu như họ gặp dòng chảy? (hình  không liên quan tới bài viết).
(*) Xin xem trong Tự điển Lanbien ở trên cùng bên phải màn hình.

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013



  Măm mới Quý Tỵ đã tới,
 VietDivers xin chúc các bạn lặn và tất cả mọi người một năm mới

     Xuân Quý Tỵ 2013.
           VietDivers

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Giao lưu với Cafe Phượt Mơ 30.01.2013


Thân chào mọi người,


Tối thứ Tư, ngày 30.01 vừa qua hội Viet Divers nhà mình đã có buổi giao lưu đầm ấm với nhóm các thành viên bên Cafe Phượt Mơ.

Xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu về bộ môn lặn biển scuba của các thành viên bên nhóm phượt, và mong muốn được giới thiệu, phổ biến niềm đam mê lặn biển của Viet Divers đến đông đảo cộng đồng, chị Mơ của cafe Phượt Mơ đã thu xếp hẹn và tạo điều kiện cho các "niềm đam mê gặp nhau".

Sau 1 tuần thông báo, số lượng đăng ký tham dự bên phượt đã lên đến con số 20-21 người, Viet Divers cũng suýt kéo hết cả quân sang (gần 10 mạng)... cuối cùng, Viet Divers nhà mình đã kéo quân sang đâý với 5 mạng: AMK3, Coral, Phương, Nhân và Hardbone, tiếp đón VietDivers là khoảng 25 thành viên từ nhóm kia... hic... một số bạn đã phải ngồi dưới nhà, HB thì ngồi cửa...:D

Sau đây là 1 số hình ảnh và trình tự chương trình giao lưu buổi hôm đó:


Cafe Mơ Phượt - 62/19 Huỳnh Tịnh Của, P19, Q. Bình Thạnh
Là nơi hẹn hò, gặp gỡ của nhóm phượt ở Sài Gòn
Những thành viên có mặt sớm - Phượt Mơ
A Coral trưởng nhóm Scuba và HLV lặn Nhân - Viet Divers

AMK3 - Chủ nhiệm blog và diễn đàn lặn biển - Viet Divers
AMK3 đã giới thiệu đôi nét về sự ra đời và các hoạt động của Viet Divers đang nhắm tới.
Clip giới thiệu tới các bạn ngày hôm đó được AMK3 chọn để chiếu là về buổi lặn freedive của nhóm tại Moray Beach. Clip hoàn chỉnh trên youtube:

(phiên bản chiếu hôm giao lưu đã đc rút ngắn lại)
Coral trình bày giới thiệu về bộ môn lặn biển scuba...
... Với sự minh họa và giải thích của Nhân

HB đứng cửa chụp vào... @@
Mọi người rất sôi nổi hào hứng
bạn Snail (Phượt Mơ) đầu giờ ngồi gần cửa đến giữa buổi đã chui vào trung tâm để mục kích bằng đc các speakers ^^
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về Bộ môn scuba: từ kỹ thuật, thiết bị, hệ thống bằng cấp, tới .... làm sao để gặp cá mập :D
Có mini chewy junior tiếp sức...
tập trung 
hỏi đáp
chú ý...
Bạn Tròn Xoe: tui ngồi gần cửa sợ phải về sớm... cuối cùng bạn ngồi tới hêt buổi luôn, đưa cả hình cá bạn chụp được khi đi biển hỏi các viet divers xem: "cá gì đây"... hic... thiệt mướt mồ hôi quá... :D 


Phần tiếp theo của chương trình là lời mời tham gia tiết mục "Thử thách với Scuba Diver" Clip ngắn về minh họa các kỹ năng đơn giản cho scuba diver tại hồ bơi. 



(...đang cập nhật...)
Cuối buôỉ giao lưu, Viet Divers đã gửi tặng một món quà nhỏ tới Cafe Mơ Phượt, rất cám ơn chị Mơ đã tạo điều kiện tổ chức 1 buổi tối vui vẻ và hữu ích cho mọi người.




Viet Divers rất vui đã được giao lưu với các bạn để có cơ hội giới thiệu và trao đổi các niềm đam mê với các bạn. Chắc chắn trong tương lai gần bọn mình sẽ có nhiều cơ hội để cùng tham gia hoạt động 
với nhau, cùng hướng về thiên nhiên tươi đẹp và chia sẻ các niềm đam mê sở thích.

Mọi thắc mắc, yêu cầu, góp ý, các bạn có thể liên lạc tại đây, trên blog này, diễn đàn, facebook hay email đến bọn mình contact@vietdivers.net. Các bạn muốn tham gia tiếp các chương trình giao lưu khác hay tiếp tục với các buôỉ "Thử sức với Scuba Diver" cũng gửi yêu cầu và liên lạc của các bạn lại cho bọn mình nhé. Thông tin sẽ được cập nhật tiếp tục.

Thân mến.
HB


Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Lặn xuôi dòng chảy dưới đáy biển (lặn trôi). P1 – Cuộc lặn lười biếng

(Bài của một huấn luyện viên Padi, trích)

Dưới đáy biển có các dòng chảy nhẹ và thợ lặn có thể dễ dàng khắc phục, nhưng dòng chảy nhanh, kéo dài, sẽ gây khó khăn cho họ. Gặp trường hợp này, bạn có thể bơi vuông góc với dòng chảy, có nghĩa là chấm dứt cuộc lặn. Hoặc bạn tận dụng lợi thế của sự khác biệt về tốc độ của dòng chảy ở các độ sâu khác nhau, thường là chậm hơn ở phía dưới. Khi đó bạn cố gắng neo lại dưới đáy, bám vào tảng đá hay cát để bò ngược dòng một chút rồi nổi lên … và về tàu.

Một số thợ lặn muốn hưởng cảm giác thách thức và thành tích. Nhưng tôi không thích thế, tôi muốn thưởng thức một cuộc lặn dễ dàng. Lặn trôi là sự tuyệt vời của lười biếng, bởi ngoài một vài cú vẫy chân nhái thì bạn chẳng phải làm gì. Nhưng một khi thợ lặn đã rơi vào dòng chảy, bạn sẽ bị hút theo và chỉ còn cách là cầu xin lòng thương hại của biển. Và nếu phải bơi ngược dòng thì cuộc lặn của bạn sẽ giống như chạy trên Máy chạy bộ.


Lặn trôi thú vị hơn lặn vùng nước tĩnh, là ở chỗ, trong cùng một thời gian, bạn có thể di chuyển trong không gian lớn hơn, và có thể ở dưới nước lâu hơn bởi cơ bắp của bạn không bị mệt mỏi. Nghĩa là bạn sẽ có cơ hội cao hơn để tìm kiếm những sinh vật biển, trong khi bạn chỉ phải làm mỗi một việc là thư giãn và tận hưởng.

Ngoài các thiết bị thông dụng, lặn trôi có yêu cầu riêng về sự hỗ trợ:

Có người đón – Không nghi ngờ rằng lặn trôi là rất thú vị, tuy nhiên, sẽ không vui, nếu bạn lặn từ bờ và trôi ba dặm theo dòng chảy ven bờ, thì sau đó bạn phải thực hiện một cuộc đi bộ ba dặm trở về. Không ai muốn đổ mồ hôi vác thiết bị lặn đi bộ ba dặm. Bạn cần một chiếc thuyền đi theo tuyến lặn của bạn, hoặc nhờ bạn bè lái xe dọc theo bờ biển để đón bạn.

Phao tín hiệu – Dùng thuyền để đón bạn ở vị trí bạn mong muốn là gần như không thể, nếu như người trên thuyền phải bám theo bạn bằng cách quan sát vệt di chuyển của bọt khí do nhóm lặn thở ra. Cách khắc phục là thợ lặn dùng một sợi dây để kéo theo phao nổi, có cờ/đèn hiệu. Thuyền hoặc xe hơi sẽ theo phao đó để đón bạn.
Sợi dây nên có độ dài bằng hai lần chiều sâu trong kế hoạch lặn của bạn, bởi phao sẽ bị dịch chuyển về phía trước bạn (dòng bề mặt thường nhanh hơn so với dòng dưới đáy).

Dao lặn – Trong quá trình lặn trôi, có lúc bạn sẽ phải bơi lệch dòng. Lúc đó bạn sẽ neo mình vào một cái gì đó. Tốt nhất là dùng dao lặn cắm xuống đáy. Nếu bạn đang ở trên một rạn san hô thì việc cắm con dao sẽ khó khăn, nhưng nó vẫn tốt hơn là bị đẩy đi. (còn nữa)
H: Thợ lặn và bầu trời (không liên quan tới bài viết)