Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Bạn đã bị chết đuối bao giờ chưa

P1 – Hãy làm bất cứ điều gì để ngăn không bị hoảng loạn (sưu tầm, trích)

Bạn có bao giờ tự hỏi điều gì thực sự làm cho con người bị chết đuối? Thật khó để tưởng tượng ra một cách chết khủng khiếp hơn!

Nguyên nhân chính gây ra tử vong do đuối nước là phổi của con người không được cấu tạo để lấy oxy trong nước, và khi hít nước vào sẽ làm ngưng sự cấp không khí. Vấn đề nữa, là khi đang dần dần chết đuối, cơ thể nạn nhân bị tích tụ quá nhiều khí CO2. Sự tích tụ nhanh CO2 đầu độc trái tim, làm cho nó ngừng đập.

Hoảng loạn đóng một vai trò lớn trong việc xác định liệu người đó sẽ bị chết đuối hay không. Đó là lý do tại sao bạn luôn được cảnh báo để bình tĩnh trong tình huống như vậy. Người bị chìm dưới mặt nước, vùng vẫy để nổi lên, chỉ cố gắng một cách tự nhiên để lấy oxy – một nỗ lực bản năng nhằm bảo vệ cuộc sống. Việc này sẽ dẫn tới việc hít nước vào khí quản và kéo theo phản ứng bản năng khác của cơ thể: nuốt xuống họng. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại và đó là lý do tại sao ngay cả một người không bị chìm tới chết có thể ói ra một lượng nước đáng kể khi được cấp cứu. Cuộc đấu tranh cho sự sống dưới mặt nước cũng có tác dụng nhấn chìm cơ thể người đang chìm, thậm chí làm cho nó khó nổi lên mặt nước hơn. Càng uống nhiều nước, họ càng khó nổi lên.

Yếu tố để sống sót trong những tình huống như vậy rất đơn giản về lý thuyết, nhưng không nhiều trong thực tế. Giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn trong trường hợp thực sự bị chìm có tầm quan trọng sống còn. Điều này còn khó khăn hơn nếu tình hình nơi kẻ bị nạn đang xảy ra hỗn loạn.

Dù trong trường hợp nào, bạn hãy làm bất cứ điều gì để ngăn không bị hoảng loạn, có thể có ý nghĩa rất khác biệt giữa BỊ CHẾT và SỐNG SÓT.

(Hình: Dù trong trường hợp nào, bạn hãy làm bất cứ điều gì để khắc phục, thay vì than vãn).

P2 – Làm gì khi rơi xuống nước nhưng không biết bơi (bài của HLV Phạm Anh Tuấn).

Chết đuối là do nước sặc vào đường hô hấp gây phản ứng co thắt dẫn tới ngạt thở, gây tử vong. 
Người không biết bơi khi rơi xuống nước vẫn (có thể) tồn tại dưới nước khá lâu, chờ người đến cứu, hoặc lợi dụng dòng chảy để di chuyển vào chỗ nông hơn, nếu:

1. Bình tĩnh, nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước. Cơ thể bạn sẽ trở thành cái phao đẩy người nổi dần lên.

2. Tiếp tục thả lỏng cơ thể để nước đẩy người lên sát mặt nước, trở về tư thế bập bênh, đầu ở sát mặt nước, chân ở phía dưới.

3. Dùng tay và/hoặc chân quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước, và/hoặc có thể quạt nước xiên để di chuyển.

4. Trong qua trình bị trồi lên hụp xuống, hãy nhớ, khi đầu vừa nhô lên mặt nước là bạn nhanh chóng (chỉ dùng miệng) hít vào một hơi sâu. Khi đầu chìm dưới mặt nước, bạn ngậm miệng, thở ra từ từ bằng miệng hoặc bằng mũi.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Bơi kiểu ... sâu đo

(Bài “Tinh thần thể dục của sinh viên Việt nam ở Đại học Tổng hợp Odessa” của chị Trần Thị Phương, trích).

Thời bấy giờ chúng tôi còn trẻ, đầy sức sống nên chưa hề biết tới “suy van tĩnh mạch”, “thoát vị đĩa đệm” hay “choresterol trong máu”. Tinh thần thể dục hoàn toàn trong sáng và cao quý: vì cái Đẹp.


Thế là cứ đến lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, trút bỏ bộ đồ mùa đông dày sụ để khoác những tấm áo váy mỏng manh ra phố, thì tinh thần thể dục của chúng tôi được khởi động. Mấy cô sáng sáng rủ nhau chạy bộ. Hành trình khởi xuất từ “ốp” (kí túc xá sinh viên), qua một tiệm sửa giày dép bé tí, một khu nhà dân, một quán cafeteria nơi có thể ghé vào uống ít nước quả và ăn món pelmeny, một cửa hàng thực phẩm gastronomia, rồi sau đó băng qua con đường lát đá mang tên Primorskaya để chạy về phía biển. Ngoài bờ biển có rất nhiều cây mơ, cây dâu, sau mùa hoa nở đến mùa đậu trái. Các cuộc chạy bộ có thể đi kèm leo trèo hái mơ, hay rung dâu, thu hoạch về bỏ vào các lọ to lọ nhỏ ướp đường làm nước giải khát. Nếu chạy xuôi sườn dốc là xuống đến các bãi tắm Arkadia, Delphin.


Khi mùa thi kết thúc cũng là lúc nước đã ấm lên, sẽ có thêm môn bơi lội. Mấy bạn nữ “ốp” chúng tôi học được nhiều kiểu bơi hay lắm: ngoài bơi ếch, bơi bướm, còn có cả bơi sâu đo nữa, nghĩa là bơi uốn mình như con sâu đo, với tốc độ hai mét trong mười lăm phút.


Khi nắng hè đã dịu, gió thu sắp hiu hiu thổi về, là bắt đầu mùa bóng. Do không am hiểu lĩnh vực này lắm nên tôi không dám đánh giá trình độ chuyên môn của các cầu thủ, nhưng đội Cheer leaders của Đại học Tổng hợp thì nhất định là số một rồi. Trong khi anh em cầu thủ đang tung hoành ngang dọc quanh cầu môn nhà mình thì phía bên ngoài rộn vang tiếng gõ xô chậu kèm các câu hò vè động viên, kiểu “chuồn chuồn bay thấp thì cao, bay cao thì thấp, bay vào thì ra”, để ca ngợi các đường bóng của anh em. Tác động quan trọng của đội cổ vũ này có thể được chứng minh bằng việc khi bước sang thập niên 90, lúc một số thành viên chủ chốt của đội cổ vũ về nước, thì đội bóng của Đại học Tổng hợp đã lần đầu tiên giành ngôi vô địch giải Thành đoàn.

H: Nếu những sinh viên ĐHSP-HN này biết bơi thì đâu tới nỗi phải leo tường vô lớp (vui một chút).

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Truy tìm xác tàu HMS Ontario mất tích vào năm 1780

(sưu tầm, trích)

HMS Ontario là chiến hạm Anh quốc, loại 22 pháo, dài 24 mét, 130 người, bị chìm trong cuộc Cách mạng Mỹ. Đây là xác tàu cổ nhất của Anh được tìm thấy ở Hồ Lớn (Great Lakes) trong tình trạng còn nguyên vẹn. Sử gia Arthur Britton Smith, trong cuốn Legend of the Lake (Truyền thuyết về cái hồ) xác nhận: “Việc tìm thấy xác tàu có từ thời chiến tranh Cách mạng Mỹ trong tình trạng nguyên vẹn là chuyện không thể tin nổi. Đó là một phép màu khảo cổ học”.

Hai nhà thám hiểm, Jim Kennard và Dan Scoville, đã tìm thấy xác con tàu này, nằm ở độ sâu 150 mét: “Con tàu bị chìm trong một cơn bão lớn và nó vẫn còn gần như nguyên vẹn, thậm chí có hai cửa sổ chưa bị vỡ. Xác tàu bị nghiêng về một bên với hai cột buồm chính. “Thông thường khi tàu bị chìm trong bão nó thường bị tổn hại ít nhiều. Đó là một con tàu rất đẹp”. Họ từ chối cung cấp địa điểm chính xác nơi Ontario bị chìm.

Ontario mất tích khi gặp bão lớn vào ngày 31/10/1780. Tàu mới hạ thuỷ trước đó 5 tháng và dùng để vận chuyển binh lính và nhu yếu phẩm lên mặt trận New York. Sau khi nó mất tích, Anh tiến hành tìm kiếm, nhưng giấu kín tin tức, không để lọt vào tay đối thủ là George Washington. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, các đồ vật trên tàu như la bàn, mũ, chăn nệm bắt đầu dạt vào bờ. Năm 1781, sáu thi thể từ tàu Ontario đã được tìm thấy gần New York.

Nhưng trong vòng hai thế kỷ tiếp theo, không ai biết tin gì về con tàu này. Ngày càng có nhiều người tìm kiếm. Nhiều con tàu nổi tiếng như Titanic, Ulu Burun, Cyprus... đã được tìm thấy, nhưng Ontario vẫn biệt tăm.

Kennard, kẻ có 40 năm lặn sâu và đã tìm thấy hơn 200 xác tàu đắm, cũng đã dành tới 35 năm để tìm Ontario và đã phải bỏ cuộc. Mấy năm gần đây, sau khi lấy lại quyết tâm, Kennard cùng Scoville, dùng tàu ngầm điều khiển từ xa để tìm kiếm Ontario. Cả hai đã tìm thấy thêm 7 xác tàu khác trong hồ, nhưng Ontario vẫn biệt tăm.

Rồi họ đi thu thập tài liệu từ các bảo tàng Anh và Canada. Sau vài năm, ông đã tìm được bản thiết kế của Ontario cùng nhiều tài liệu khác. Tuy vậy, họ cũng phải mất 3 năm lùng sục trên khu vực hồ rộng gần 19.000 km2 mới tìm thấy xác con tàu này.

Sau khi xác định vị trí xác tàu bằng thiết bị siêu âm, họ sử dụng tàu ngầm điều khiển từ xa xuống kiểm tra và ghi lại hình ảnh Ontario. Xem đoạn video này, Arthur Britton Smith nói “Nếu không kể những con hà bám vào thành tàu, trông nó giống như vừa chìm vào tuần trước”. Ông cho rằng chính làn nước tối và rất lạnh đã trở thành môi trường bảo quản hoàn hảo cho Ontario. Ở độ sâu 150 mét, không có ánh sáng cũng như khí oxy nào xuống để đẩy nhanh quá trình phân rã tàu. Cũng ít có sinh vật nào ở độ sâu đó gặm nhấm các mảnh gỗ thân tàu. Vì thế xác tàu đã được bảo quản nguyên vẹn.


Sau khi tìm thấy Ontario, hai ông tuyên bố, họ sẽ không đưa con tàu lên bờ hoặc lấy đi bất kỳ thứ gì từ nó, con tàu vẫn là tài sản của Hải quân Anh và nó sẽ ở lại dưới biển như một “nấm mồ của chiến tranh”. 

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Những người thợ lặn trong “vụ án Thanh Nga”

(Nhớ lại chuyện xưa)

Vào giữa năm 1977, Sài gòn xảy ra vụ bắt cóc con trai của nghệ sĩ Kim Cương. 

Sau đó nghệ sĩ cải lương Thanh Nga (36 tuổi) và chồng bà bị bắn chết trên chiếc Volkswagen khi vừa dừng xe trước cổng nhà. Viên đạn trúng ngực trái nghệ sĩ này, được xác định là từ một khẩu súng ngắn P38. Do bà thủ vai Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm phương Bắc (vở cải lương "Tiếng trống Mê linh"), nên cảnh sát điều tra theo hướng nghi ngờ "Đại lục".

Trong lúc cảnh sát đang ráo riết điều tra, lại xảy ra vụ bắt cóc con trai của bác sĩ Lã Hỷ.

Sau nhiều tháng tầm nã, Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của cả ba vụ án trên và đồng phạm đã bị bắt. Trong các bản cung, Tân đều khai đã vứt khẩu P38 xuống sông Sài gòn khi chạy qua cầu Bình Lợi. Cảnh sát xác định đây là khẩu súng mà hung thủ đã giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, nên quyết tâm tìm cho được khẩu P38 này.

Đội cứu hộ cứu nạn đến cầu Bình Lợi lặn tìm tang vật vụ án. Các anh Nguyễn Văn Bảy, Võ Quang Hà, Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, … thay phiên nhau lặn. Tháng 5 năm đó nước sông Sài Gòn chảy mạnh và khá sâu, có chỗ đột nhiên tụt xuống 30 mét, xuất hiện vùng hiệu ứng Turbulent (nhiễu loạn không quy luật) rất nguy hiểm. Anh Tốt kể: "Cái đói, cái rét nhức nhối đến bầm da, buốt óc nhưng chúng tôi không nản chí … Chỉ riêng nỗi ám ảnh về mìn địch gài chống đặc công phá cầu (gài từ trước 30/4/1975) cũng đủ khiến mọi người lo lắng, từng giây một".

Đội cứu hộ lặn suốt hai ngày 10-11/5/1979 nhưng không có kết quả. Trong cú lặn cuối cùng, vào hồi 13h ngày 12/5/1979, anh Bảy và anh Hà lặn xuống sông ở chân cầu Bình Lợi... Rồi không thấy hai anh ngoi lên. Anh Tốt, lúc này đã gần 60 tuổi, kể: “Chỗ các đồng đội tôi lặn bỗng sôi sục như có quái vật dưới sông - dưới độ sâu ấy, mìn dưới chân cầu đã phát nổ".

Trên bờ, anh Tốt kéo sợi dây bảo hiểm ... nhẹ tênh: "Hà ơi, Bảy ơi… sao lại thế này”. Thi thể anh Hà nổi lên mặt nước, còn anh Bảy mất tích. “Mãi tới khuya chúng tôi mới tìm được anh Bảy. Anh bị kẹt ở chân cầu Bình Lợi, rất thảm thương”.

Hung thủ đã gạt cơ quan điều tra, nhưng chính lời khai man ấy đã cướp thêm hai sinh mạng nữa. Ban Chuyên án sau đó đã thu được khẩu P38 gây án ở dưới hầm cầu nhà người em của tên Tân. Ba vụ án đã khép lại cùng một lúc. 

H1: Súng ngắn P38 (để minh họa)
H2: Nhân viên cứu hộ lặn sông ở Việt nam (hình không liên quan bài viết).

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Thông báo của CLB Viet Divers


Các bạn lặn thân mến, 

Chiều Chủ Nhật ngày 16.06, thân mời các bạn đến tham gia buổi tọa đàm giới thiệu về bộ môn freedive - lặn tự do (lặn vo, lặn bộ, lặn nín thở):

. Thời gian: 15h ngày 16.06 
. Địa điểm: Văn Phòng Viet Divers C11-03, Riverview HAGL, 37 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Q2

Tại buổi tọa đàm, các bạn sẽ đến với 1 thế giới của những người thợ lặn không bị phụ thuộc vào thiết bị vật dụng nặng nề, chỉ có cơ thể tự do và một tinh thần thư thái để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, môi trường kỳ ảo và những thử thách vượt qua giới hạn của bản thân.

Buổi nói chuyện được dẫn dắt bới các bạn lặn chuyên nghiệp trong bộ môn lặn tự do, sẵn sàng giải đáp các khúc mắc cho các bạn, đồng thời Viet Divers sẽ giới thiệu các kế hoạch dành riêng cho những người quan tâm và đam mê bộ môn này tại câu lạc bộ.

Các bạn quan tâm và tham gia buổi tọa đàm này vui lòng đăng ký tại đây và xác nhận qua email đến contact@vietdivers.net - subject: Tọa đàm freediving 16.06
cho Ngọc Anh nhé đẻ bọn mình sắp xếp chỗ ngồi.

Thân mến.
Viet Divers.


Xem thêm tại đây: Tọa đàm giới thiệu Freediving


Du khách kể chuyện lặn Hòn mun

Du khách thứ nhất kể chuyện lặn ở Hòn mun  (trích)

… Cả đám bọn tôi nhốn nháo thử chân vịt với bao trò vui nhộn bởi lần đầu mang “đôi dép hàng độc” như thế. Tranh thủ thời gian trên tàu, chúng tôi tham gia “lớp học” cấp tốc về các kỹ năng khi xuống biển và ngôn ngữ giao tiếp dưới biển. Nói là “học” chứ đơn giản chỉ là việc làm sao để cân bằng áp suất khi xuống sâu, và cách giao tiếp đơn giản dưới nước. “Lớp học” kết thúc thì vừa đến Hòn Mun.

Tôi vừa lặn xuống là thiên đường hiện ra, một quang cảnh tuyệt vời mà bất kỳ cảnh đẹp nào trên đất liền đều không thể so sánh. San hô đủ loại, muôn màu sắc đong đưa trong làn biển xanh, cả không gian được bao trùm trong một màu sắc tuyệt đẹp, một thứ ánh sáng đa sắc tuyệt vời được tạo ra bởi sự khúc xạ ánh sáng trong nước biển, những tia nắng trong biển đẹp lạ. Không biết diễn tả như thế nào cho đầy đủ, chính xác, chứ quang cảnh mà tôi nhìn thấy thật tuyệt vời. Những chú cá đủ màu sắc và kích cỡ, nhưng ở tầng nước cạn này, với độ sâu khoảng 4-6m, thì con lớn nhất mà tôi nhìn thấy cũng chỉ to bằng con cá tai tượng, chúng tản bộ, nghỉ ngơi hay ngụy trang trong những rạn san hô êm đềm, nhưng chỉ cần có hành động tấn công, xâm chiếm nào đó là chúng phóng với vận tốc không ngờ, chính vì thế mà cho dù mình chỉ muốn chạm nhẹ, vuốt ve chúng cũng không được, mặc dù chúng đáng yêu vô cùng. Cảnh đẹp thế, nhưng tiếc là với lần lặn đầu tiên, tôi đã không cân bằng áp suất khí tốt nên không thể lặn sâu hơn, để ngắm gần hơn, chạm tay vào những rạn san hô đẹp hơn. Cứ mỗi lần Hướng dẫn viên (HDV) kéo tôi xuống sâu hơn thì ngón cái của tôi lại ra dấu cho anh đi lên, bởi hai tai đau nhức, khó chịu, mặc dù tôi đã bịt mũi, cố nén khí ra tai, nhưng không làm được. HDV là người hướng dẫn và lặn cùng với tôi, chính xác là anh kéo tôi theo.

Không biết vì lặn lần hai tôi có kinh nghiệm hơn, cân bằng áp suất tốt hơn, mà tôi thấy khu vực này đẹp hơn. Vẫn được bao trùm một loại ánh sáng lạ, tất cả sắc màu đều hiện diện ở đây. Những cụm san hô mềm mại đủ màu: cam, vàng, đỏ, xanh và cả những màu sắc mà tôi không thể gọi tên, chỉ biết là nó vô cùng rực rỡ và cuốn hút. Có đi lặn mới biết. Những rạn san hô mềm mượt như nhung, cứ muốn thả toàn thân lên thảm nhung đó, thật tuyệt làm sao! Nếu như HDV không kéo mình đi thì có lẽ mình sẽ ở mãi trong những bụi san hô đó. Ra khỏi cụm san hô là cả một không gian thoáng đãng với cát vàng nước trong cùng những động vật biển. Cá ở đây cũng nhiều hơn và cũng lịch sự, thân thiện hơn, bởi chúng không phóng đi khi mình đến gần. Lần đầu tiên tôi thấy hải sâm, nó to bằng quả dưa hấu dài, màu trắng đục như con mực và có vây tua tủa.

Du khách th hai kể chuyện lặn ở Hòn mun (trích)

… Khu vực lặn nước trong vắt. Những ngày nắng đẹp nhìn từ trên tàu có thể thấy cả rạn san hô dưới đáy biển. Bạn sẽ được hướng dẫn cách dùng vòi thở, cách ra dấu bằng tay khi ở dưới nước. Huấn luyện viên lặn kèm bạn và hỗ trợ khi cần thiết, nhắc nhở bạn không bẻ san hô, tránh chạm vào những sinh vật có độc như hải quỳ… và đưa bạn đến những điểm có nhiều san hô, thủy tộc đẹp để quan sát. Vùng biển này có những điểm lặn thám hiểm như “Đá Madonna”, “Đường hầm đen” và “Vườn san hô” - nơi du khách sẽ thấy thế giới muôn màu của vùng rạn san hô nhiệt đới.

Lặn xuống độ sâu bạn sẽ thấy một chốn thủy cung đẹp không thể tả với các loài cá kỳ lạ như mào tiên đuôi vằn, mặt quỷ hay cá bướm. Thấy quang cảnh đẹp lộng lẫy của rạn san hô, khách cứ tưởng là cũng đã biết nhiều về thủy cung, nhưng hướng dẫn viên cho biết đó chỉ như “thám hiểm một khu rừng mà chỉ mới đi vào bìa rừng". Trong ánh sáng mặt trời mờ ảo lọc qua làn nước xanh, những tua hải quỳ co rụt như những con rắn biển, những cụm rong lá khẽ phơ phất, và đàn cá biển sặc sỡ dạn dĩ lượn sát bên người. Có nhiều hang động để khám phá. Có hang phải dùng đèn quan sát những sinh vật biển sống trong bóng tối.

Sau một chuyến lặn, trở lên mặt nước, du khách bàn tán rôm rả về những gì họ đã thấy dưới làn nước sâu. “Lúc đó, tôi không còn cảm thấy bản thân mình, dường như mình đã hòa tan vào nước biển. Thích đến mức khi lên mặt nước tôi chỉ muốn lặn thêm một chuyến”. 

H: Một đám cưới dưới đáy biển (không liên quan bài viết)

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Anh và Tây Ban Nha tranh nhau kho báu dưới biển

(sưu tầm, trích)

Năm 1694, tàu chiến Anh HMS Sussex trọng tải 1.200 tấn, thuỷ thủ đoàn gần 500 người và 80 khẩu pháo, bị đắm cùng 12 tàu khác, khi một cơn bão tràn đến trong đêm ở ngoài khơi Gibralta. Thi thể chỉ huy tàu, đô đốc Francis Wheeler, bị cuốn lên bờ biển Tây Ban Nha hai ngày sau đó.

Vào năm 1995, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, lúc đó tàu Sussex đang chở vàng bạc để thanh toán cho Công tước xứ Savoy (nằm ở Đông Nam Pháp, Tây Thuỵ Sĩ và Tây Bắc Italy), đồng minh của Anh trong cuộc chiến chống Pháp. Ước tính kho báu trị giá 4 tỷ USD theo thời giá hiện nay.

Tháng 3/1998, chính phủ Anh cho phép công ty thăm dò Odyssey Marine Exploration (Mỹ) trục vớt tàu Sussex. Họ sẽ được hưởng 80% trong số 90 triệu USD được thu hồi đầu tiên, một nửa của số tài sản trị giá từ một tỷ USD trở xuống, hoặc sẽ được hưởng 40% nếu số tài sản thu được trị giá trên một tỷ USD. Phần còn lại thuộc chính phủ Anh. Tuy nhiên Odyssey sẽ không nhận được gì nếu trục vớt không thành công.

Odyssey đã thăm dò khu vực rộng 1.000 km2 dưới đáy Địa Trung Hải, sử dụng thiết bị định vị dưới nước bằng siêu âm và robot. Họ phát hiện 418 mục tiêu tiềm năng, trong đó có tàu của người Roman và Phinixi hơn 2.000 tuổi. Trong số đó chỉ có một tàu có pháo mà Odyssey tin tưởng đó là tàu Sussex. Hiện chi phí tìm kiếm đã lên tới hơn một triệu USD.

Xưa kia eo biển Gibralta là nơi xảy ra đụng độ giữa hải quân Anh và Tây Ban Nha. Giờ đây hai quốc gia này lại tranh chấp về xác tàu HMS Sussex. Theo luật quốc tế, nhà chức trách Anh có quyền tài phán đối với xác tàu Anh, cho dù nó nằm ở đâu. Nhưng chính quyền bang Andalucia thuộc Tây Ban Nha cho rằng, Odyssey phải có giấy phép của Tây Ban Nha thì mới được tiến hành thăm dò trong vùng biển nước họ.

H: Lặn xác tàu đắm - chiếc Tuần dương hạm Nurnberg SMS, lượng giãn nước 4.200 tấn, ở độ sâu 70m (không liên quan bài viết).