Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Diễn đàn thảo luận Lặn biển

Chào mọi người,

ComputerBoy vừa nhúng diễn đàn vào trang blog của nhóm. Mọi người hãy vào diễn đàn thông qua tab "Diễn đàn" bên cạnh tab "Trang chủ" trên thanh tab bên trên (ngay dưới tiêu đề chính của trang web).

Đây là diễn đàn mở cho mọi người quan tâm đến môn lặn có thể thảo luận, nên chỉ cần đăng ký là có thể tham gia thảo luận (giống như phần bình luận cho bài viết trên blog vậy). Riêng các thành viên trong nhóm sẽ có nhiều quyền hơn trong việc viết bài.

Cụ thể việc phân quyền như sau:

  • Mọi người (kể cả không đăng ký): Đọc bài viết (blog, forum); Bình luận (comment) về bài viết trên blog, thảo luận về một chủ đề đã có sẵn trong forum; Tạo chủ đề thảo luận mới trong mục "Linh tinh..." của forum.
  • Người đã đăng ký (có tài khoản forum & blogger): Tạo chủ đề thảo luận mới trong các mục "Chuyên mục..." và mục "Mua bán - Trao đổi" của forum.
  • Thành viên của nhóm: Viết bài trên blog; Tạo chủ đề thảo luận mới trong các mục "Gallery" và "Thảo luận Blog" của forum.
  • Tác giả: Quản lý bài viết và comment của mình trên blog; Quản lý các chủ đề & bài thảo luận của mình trên forum.
  • Moderators: Quản lý bài viết và comment của mọi người trên blog; Quản lý các chủ đề & bài thảo luận của mọi người trên forum.

Việc đầu tiên là mời mọi người đăng ký tài khoản trên forum với tên trùng tên trên blog (đáng lẽ phải lấy luôn tài khoản blogger, nhưng diễn đàn Nabble này chưa hỗ trợ việc đó). Tiếp theo là mọi người hãy thử nghiệm các tính năng của diễn đàn bằng cách post bài lên mục "Linh tinh...".

Và từ giờ về sau, chúng ta hãy trả các comment trên blog lại cho đúng vai trò của nó là để bình luận về bài viết trên blog. Còn khi có bất kỳ ý nào khác chúng ta muốn thảo luận với nhau xoay quanh một bài viết trên blog thì hãy tạo một chủ đề thảo luận trong mục "Thảo luận Blog" như sau: (Tham khảo chủ đề Về "Nghị sự của buổi Off tại Cafe Show U")

  • Bài đầu tiên gồm trích lược / tóm tắt bài viết trên blog cùng với link (được tạo bởi bất kỳ thành viên nào muốn thảo luận, bằng cách nhấp "New Topic"). Công việc này đáng lẽ làm tự động được (chỉ cần bấm 1 nút thôi) nhưng vì Nabble chưa hỗ trợ nên chúng ta chịu khó làm thủ công (copy - dán - tạo link) vậy
  • Tiếp theo là 1 phản hồi (reply) của thành viên đó nói về ý mình muốn thảo luận (nhấp "reply" ở góc trên bên phải của bài viết khởi đầu).
  • Rồi các thành viên khác sẽ reply trực tiếp cho các ý kiến trước đó (nhấp "reply" ở góc trên bên phải của ý kiến mà mình muốn phản hồi).

Còn mọi thảo luận về chính chủ đề này thì xin post bài ở chủ đề Về "Diễn đàn thảo luận Lặn biển" nhé. (Các ý bình luận riêng cho bài viết này thì vẫn đăng "nhận xét" ở bên dưới.)

Thân ái.

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Thông tin điểm lặn Côn Đảo

Hôm rồi mình tình cờ lên mạng có tìm được một trung tâm lặn tại Côn Đảo có tên là DIVE! DIVE! DIVE! địa chỉ website là: www.dive-condao.com (theo mình biết thì DIVE! DIVE! DIVE! cùng với Rainbow là 2 trung tâm lặn duy nhất tại Côn Đảo). Sau đó mình có nói chuyện với Larry là chủ của trung tâm lặn này và được một số thông tin như sau:
- Côn Đảo có thể lặn scuba được quanh năm tuy nhiên thời gian lặn đẹp nhất tại Côn Đảo là từ tháng 3 tới tháng 6 nếu cân nhắc chung các yếu tố như: sóng biển êm, nước trong, tấm nhìn tốt. Từ cuối tháng 6 tới tháng 9 là mùa mưa nên đôi khi tầm nhìn có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên tháng 7 tháng 8 là 2 tháng mà cơ hội quan sát rùa tại khu bảo tồn rùa là cao nhất (Thời gian rùa đẻ trứng). Từ tháng 11 tới tháng 1 là mùa khô và là mùa biển động nên việc có lặn được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết từng ngày. Tuy nhiên đây cũng là mùa mà tầm nhìn dưới nước tốt nhất trong năm.
- Giá lặn tại DIVE! DIVE! DIVE! tại thời điểm này là 180 USD/2 dives gồm cả thiết bị (đắt quá!!!)

Về chất lượng các điểm lặn ở đây, mình trích một số ý kiến của một số người đã lặn ở đây để mọi người tham khảo:
- “Superb. A must do” Khu bảo tồn rùa thật tuyệt vời. Quan sát rùa làm tổ và những con rùa con mới nở là một trong những khoảnh khắc trong đời bạn sẽ không bao giờ quên (nhận xét của DaiPugh, UK).
- “Well looked after” Chúng tôi đã có một số lần lặn quang các hòn đảo ở đây và ngạc nhiên bởi vẻ nguyên sơ và sự đa dạng của hệ san hô cả cứng và mềm ở đây (nhận xét của M, UK)
“Wicked good times!” Cảnh dưới nước quả là đẹp nín thở. Chúng tôi đã quan sát được rất nhiều sinh vật biển và lặn không chán trên những rặng san hô tuyệt đẹp.(nhận xét của Mike J, USA)
“Best Dive Ever!” san hô và sinh vật biển ở đây thật tuyệt vời. Mình may mắn quan sát được một con cá  whale shark trưởng thành ở đây (nhận xét của Nabonne)



Côn Đảo quả là điểm lặn tuyệt vời! Hy vọng cả nhóm lặn sẽ có dịp trải nghiệm ở đây vào một ngày không xa.


Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Rescue skills

Mọi người ơi thống nhất là Nhân sẽ "ra mắt" các thành viên bằng một buổi lặn trong hồ bơi, giới thiệu một số kĩ năng cấp cứu cứu hộ thông thường ( 1 phần của khóa Rescue Diver). Mọi người xem thống nhất về thời gian, địa diểm và số lượng nhé

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Nghị sự của buổi Off tại Cafe Show U

Về nhân sự, sẽ có thêm một sỹ quan SSI, một newbie đàn em AoE và các thành viên Blog Lặn biển - scuba.
Sẽ có hai dự án được trình bày tại hội nghị, một "in-shore" và một "off-shore" :)

   1. Dự án 1: Puerto Galera - Chủ dự án Coral

Puerto Galera là một tầm nhìn nhẹ nhàng của biển lung linh bao quanh bởi các dãy núi tươi xanh. Được coi là một trong những bãi biển khu nghỉ mát đẹp nhất và phát triển cộng đồng tốt nhất của Philippines.
 Có rất nhiều thứ mà du khách có thể thưởng thức, trải nghiệm ở đây, nhưng chắc chắn điều kỳ diệu nhất chính là nước. Nước ở đây trong vắt như pha lê và mát rượi vào mùa hè. Biển Puerto Galera rất lý tưởng để bơi, chơi thuyền, lướt sóng, lặn snorkling và lặn scuba. Thực ra, thậm chí người ta không cần phải đi tàu để ra các điểm lặn. Trong vòng một Km từ bờ biển có hàng đàn cá Moorish idols, cá kèn, cá cóc, cá sư tử và cá lá bơi lội trong các rặng san hô phát triển đông đúc cùng các loại hải quì chân ngỗng và sao biển trắng - từ những đốm nhỏ đỏ và trắng tới những giống xanh sáng thái bình dương nằm rải rác dưới đấy cát.

Đến đó như thế nào? Từ HCMC chúng ta bay Cebu Air tới Manila, thủ đô Philippines. Từ Manila có 3 phương tiện để tới Puerto Galera: 1. Phương tiện giao thông công cộng (xe Bus). 2. Bằng phương tiện thuê riêng và 3. Bằng dịch vụ  xe nhỏ và phà. 

Rẻ nhất lả đi xe Bus, máy lạnh. Xe đưa ta thẵng tử Manila đến bến tàu Batangas bằng đường cao tốc Kalabarzon. Sẽ mất khoãng 2 tiếng đồng hồ để đến bến tàu Batangas giá vé dưới 200 peso.
Khi tới bến tàu Batangas, ta tới Terminal 3 và lấy vé phà đi Puerto Galera.

 Có nhiều hãng tảu thực hiện cac chuyến phà tới Puerto Galera, giá trung bình khoảng 250-280 peso một chiếu.

Có tới 4 khu resort tại Puerto Galera, ta sẽ chọn chỗ nảo phù hợp để đạt chỗ trườc. Giá KS có nhiểu loại cho ta chọn.






Lặn ở Puerto Galera: 
1) Dry Dock (21-28m)
2) La Laguna Pt (5-20m)
3) Alma Jane Wreck (20-30m)
4) St. Christopher Wreck (20-24m)
5) Sabang Reef (38-50m)
6) Sabang Wreck (5-20m)
7) Sabang Pt (5-25m)
8] Monkey Wreck (40-45m)
9) Monkey Beach (5-24m)
10) Ernie’s Pt (5-24m)
11) Dungon Beach/Wall (5-28m)
12) Wreck Pt (5-18m)
13) West Escarceo (5-35m)
14) Fish Bowl (38-48m)
15) Canyons (22-32m)
16) Hole in the Wall (5-20m)
17) Pink Wall (5-15m)
18) Shark Cave (26m)
--------------------------- ---------------
Xem tên thôi cũng đã thấy hấp dẫn!


19) Atoll (18-32m)
20) Kilima Beach/Steps (5-40m)
21) Sinandigan Wall (5-35m)
22) Turtle Rock (40m)
23) Coral Cove (5-22m)
24) Boulders (5-30m)
25) Japanese Wreck (42m)
26) The Hill (5-15m)
27) Batangas Channel (5-15m)
28) Mamuds Reef (25-45m)
29) Sweet Lips Corner (40-60m)
30) Marcos Cave (40-50m)
31) Coral Garden (5-12m)
32) Manila Channel (5-24m)
33) Odies Wall (22-35m)
34) Hot Spring (5-20m)
35) Verde Island (5-80m)
36) Hibo Reef (14-85m)



1. Dự án 2: "Sống nơi hoang đảo" Chủ dự án Phương Pro.

TOUR DÃ NGOẠI : “ ROBINSON CRUSOE TRÊN HOANG ĐẢO"
Địa điểm : Vịnh Nha Trang – Khánh Hòa
Số lượng người tham gia : Dự kiến 10 người ( ủng hộ việc dẫn vợ/chồng tham gia)
Nội dung hành trình:
Ngày 01 :

Đến Nha Trang lúc 7h00 sáng
Cả đoàn ăn sáng ( Tự chọn ). Sau đó uống café tại café Hòn Chồng, thống nhất lần cuối nội dung lịch trình
11h dùng cơm trưa ( đặc sản Cơm gà Nha Trang)
13h toàn đội tập trung tại Cảng Cầu Đá, lên Cano cao tốc ra điểm lặn ( dự kiến phía Nam Hòn Nọc, có thể thay đổi tùy thời tiết )
Tại điểm lặn, đội triển khai lặn freedive. Các spearfishingman bắt đầu lặn bắn cá, thu họach nhum sọ,hàu điếu,ốc biển. ( Mọi người trong đội có thể thử cảm giác làm spearfishingman )
17h, Cano đưa đội vào đảo ( dự kiến là Hòn Một vì trên đảo có nước ngọt ). Sau khi đổ bộ lên đảo,các spearfishingman sẽ chế biến món ăn tối ( sashimi cá sống,nhum sống,hàu sống, cá nướng, cá chiên, canh chua). Trong lúc đó đội chúng ta sẽ thử làm ngư dân,quăng lưới bắt cá
18h30 đại tiệc hải sản bắt đầu
20g, chương trình liveshow “ The Voice – Tiếng thét trên hoang đảo “
21g , chương trình nightfreedive, thử cảm giác lặn đêm, bắt cá ngủ trong rạn san hô
Phục vụ cháo khuya ( cháo nhum,cháo cá)
Thư giản trà khuya,ngắm trăng,nói chuyện biển cả
24h nghỉ đêm trên đảo ( có chuẩn bị sẵn lều ngủ dã ngoại)
Ngày 02:
6h đón bình minh trên đảo,vệ sinh cá nhân
7g dùng điểm tâm, café sáng
9g Tàu Orca (Vinadive) sẽ đón toàn đội tại đảo,di chuyển đến điểm lặn
10g thực hiện 2 dive lặn scuba
12g dùng cơm trưa trên tàu Orca
Di chuyển về Cảng Cầu Đá. Kết thúc hành trình.Cả đội có thể di chuyển đến nhà chú Minh (AMk3), nghỉ ngơi thay quần áo. Đến 16g dung cơm chiều (tự chọn). Di chuyển ra bến xe về SG
Ngày khởi hành : Sẽ thống nhất sau ( thu xếp đi vào tối thứ sáu,sáng thứ 2 về đến SG )
Chi phí : Sẽ tính toán cụ thể khi xác định số lượng thành viên tham gia ( khoảng 3.000.000đ/người)


Cả hai dự án này sẽ được các chủ dự án trình bày tại buỗi Off vào chiếu thứ 7 này.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Cafe nào! Địa điểm?

 Xung quang khu hồ bơi TTTTHK có nhiều quán Cafe. Tui thấy quán này có vẻ phù hợp vì có chỗ đậu xe hơi, không xa khu hồ bơi và có vẻ rộng rãi.


  Trước mắt ta gặp nhau tại đây nhé. Lúc 14h00 ngày thứ bảy 24/11 này. Hẹn gặp mọi người.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Hai ngàn dặm dưới đáy biển


Trích tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Hai ngàn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne, 1870, để bạn đối chiếu với những gì bạn đã trải nghiệm.

Bộ đồ lặn khá nặng bằng cao su không thấm nước, gồm một cái mũ trùm kín đầu, một áo, một quần và một đôi giày có đế cao bằng chì. Cổ áo được lắp một cái vòng bằng đồng có lỗ để vít chặt với chiếc mũ sắt hình cầu. Khi quay đầu, có thể nhìn ra bốn phía qua ba tấm kính dày ở mũ ... Bộ đồ lặn nặng nề và đặc biệt là đôi giày được đổ chì ghìm chặt chân tôi xuống sàn.

… Khi chìm xuống nước, các vật đều bị mất đi một trọng lượng bằng trọng lượng của nước bị chúng chiếm chỗ. Tôi sẵn sàng ca ngợi định luật Ác-si-mét. Nhờ nó tôi không còn là một khối ì nữa, mà đã có thể cử động tương đối dễ dàng. Ánh sáng do đèn phát ra chiếu sáng trưng đáy biển. Tất cả những vật ở cách xa một trăm mét đều rõ mồn một. Môi trường quanh tôi trông tựa không khí, tuy đặc hơn nhưng cũng trong như vậy. Phía trên tôi là mặt biển lặng sóng. Chúng tôi đi trên nền cát mịn phẳng lì mà nước triều lên xuống không để lại một vết tích gì. Tấm thảm cát này quả là cái gương phản chiếu những tia sáng mặt trời. Khi tôi nói rằng ở độ sâu 10 mét đáy biển cũng sáng như mặt đất ban ngày, chẳng biết có ai tin không? Chúng tôi đi đã được 15 phút trên mặt cát lấp lánh. Thân tàu Nau-ti-lúx nhìn xa trông như một dải đá ngầm mờ dần đi, nhưng ánh sáng do đèn pha trên tàu chiếu ra sẽ chỉ đường cho chúng tôi về tàu khi trời tối. Ai đã quen với thứ ánh sáng điện tản mạn, lạnh lùng của các thành phố trên mặt đất thì khó hình dung được sức phản chiếu ánh sáng ở đáy biển. Trên mặt biển, ánh điện xuyên qua không khí chứa đầy bụi, làm chúng ta có cảm tưởng như đứng trước đám sương mù sáng đục. Nhưng trên mặt biển cũng như dưới biển sâu, ánh sáng điện có sức mạnh rất lớn.

Chúng tôi đi mãi trên dải cát mênh mông. Tôi lấy tay khỏa nước sau lưng, áp lực nước trong nháy mắt xóa sạch vết chân tôi trên cát. Một lúc sau, ở phía xa dần dần hiện lên hình thù mọi vật. Tôi phân biệt được bóng dáng hùng vĩ của những mỏm đá ngầm và bị lóa mắt bởi hiện tượng ánh sáng đặc biệt chỉ có ở môi trường nước. Lúc đó là 10 giờ sáng. Những tia sáng mặt trời chênh chếch bị khúc xạ trong nước giống như qua một lăng kính và tô điểm mép ngoài các mỏm đá, các vỏ ốc, trai  bằng cả bảy sắc của quang phổ mặt trời.

Một lát sau, tính chất đáy biển thay đổi. Nền cát phẳng phiu nhường chỗ cho lớp bùn dính nhơm nhớp. Tiếp đó, chúng tôi đi ngang qua một bãi tảo dày đặc. Về độ mềm, những bãi tảo dưới đáy biển có thể sánh được với loại thảm dệt khéo nhất. Tảo chẳng những trải ra dưới chân mà còn giăng ngang trên đầu. Những cây cỏ dưới biển đan quấn vào nhau tạo thành những vòm màu xanh ở mặt nước.

Bây giờ đã gần trưa. Tôi đoán như vậy là căn cứ vào những tia sáng mặt trời thẳng đứng không bị khúc xạ trong nước nữa. Các màu sắc huyền ảo đã biến mất. Chúng tôi đi, mỗi bước chân đều vang lên trong nước. Một tiếng động nhỏ cũng lan ra với tốc độ mà tai chúng ta không quen. Nước là môi trường dẫn âm thanh nhanh hơn không khí bốn lần. Đường đi vẫn dốc xuống. Ánh sáng mặt trời đã mất hiệu lực. Chúng tôi ở độ sâu 100 mét và chịu thêm áp suất 10 át-mốt-phe. Nhưng bộ đồ lặn đã giúp chúng tôi thắng được áp lực đó. Tuy vậy, tôi cũng cảm thấy hơi đau ở các đốt tay, nhưng cảm giác đó cũng chỉ thoáng qua. Ở độ sâu 100 mét, tôi vẫn cảm thấy những tia phản chiếu cuối cùng của mặt trời đang lặn và nhường chỗ cho hoàng hôn.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Cà phê nào!


Free diver, luôn tạo nên những hình tượng phóng khoáng, tự do như bản chất của nó!

 Cho dù chỉ là trong  "thủy" gian nhỏ hẹp của hồ bơi TTTTHK, những động tác lặn vo vẫn luôn gây cho ta ấn tượng mạnh mẽ vì sự tự do "bay lượn" trong không gian ba chiều với màu xanh của biển cả và ánh sáng chói trang của mặt trời! ComputerBoy sáng chủ nhật 18/11. Hình chụp bằng GoPro.
   
    Mơ màng với lặn vo một xíu, xin quay lại với chủ để của bài: 
   
    Trong buổi tập chiều thứ bảy 17/11 vừa qua, Coral đề xuất một buồi Cafe Off-line để bàn chi tiết về chuyến đi lặn hải ngoại. Điểm đến là Puerto Galera (Philipines), một trong 10 điểm lặn nổi tiếng thế giới. Thời gian vào đầu năm dương lịch 2013. Vì toàn bộ nhóm lặn vo (cả Phương P) đều có mặt lúc đó nên mọi người thống nhất sẽ gặp nhau lúc 14h00 chiều thứ 7 tới (24/11) tại một quán  Cafe trên đường Hồng Hà, gần Hồ bơi TTTTHK để sau đó mọi người tiếp tục đi tập. Tui sẽ tìm hiểu và thông báo địa chỉ cụ thể của quán. Ngoài ra, trưởng toán ComputerBoy cũng sẽ có một bài lý thuyết về thở và cân bằng tai để giúp các bạn lặn cải thiện khả năng của mình. 
   Từ nay đến đó, Coral nên đưa trước những thông tin về chuyến đi lên đây để mọi người tham gia ý kiến.
    Trân trọng kính mời các thành viên Blog và bất cứ ai quan tâm tới dự buổi Cafe off-line chiều thứ bảy này. Bác HCQ nên mang theo quần bơi để sau đó cùng ra hồ TTTTHK.

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Video chuyến off Nha Trang tháng 9

 Trong lần off-line đi lặn Nha Trang của các thành viên Blog lặn biển hồi tháng 9 có sự tham gia của một thành viên mới vừa nhập nhóm. Phương P là một thợ lặn thực thụ của công ty Hồng Hà, chuyên làm các công việc về quay phim. chụp hình dưới nước.Ngay trong chuyến cùng đi với nhóm Blog lặn biển, Phương P đã thực hiện một DVD về các hoạt động của nhóm Blog lặn biển để tặng mọi người coi như một món quà ra mắt! Nay mọi người ai cũng đã có DVD này trong tay (còn thiếu ai, nhờ báo lại tui sẽ gửi cho).
 Nay tui muốn giới thiệu DVD này với các bạn đọc Blog lặn biển. Vì chỉ có trong tay DVD nên tui phải chuyển ngược trở lại dạng MP4 để có thể up lên YT. Để dễ theo dõi, tui cũng tách thành 2 clip là Ngày lặn vo và ngày Scuba.

1. Ngày thứ nhất: Lặn vo ở Moray Beach.




 2. Ngày thứ hai: Lặn Scuba ở Madonna Rock.
 Lần này, video do Phương P quay, nên đôi khi tui được thấy lại bản thân mình :)


Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Đảo chắn – con đê biển tự nhiên.


Đảo chắn là những dải cát ở ngoài biển, dài, hẹp, thấp, nằm song song với bờ biển, nhưng ngăn cách với đất liền bởi các vịnh, phá hay cửa sông. Không giống địa hình tĩnh, các đảo chắn được hình thành, xói mòn, dịch chuyển và tái hình thành theo thời gian do sóng biển, thuỷ triều, các dòng chảy và các quá trình vật lý khác trong môi trường biển mở.  
Đảo chắn giúp bảo vệ các bờ biển đất liền thấp chống lại sự xói mòi và những thiệt hại do bão gây ra. Chúng có thể trở thành môi trường sống quan trọng của động vật hoang dã.

Từ các hình ảnh vệ tinh, bản đồ địa hình và bản đồ hàng hải, Đại học Duke và Meredith Bắc Carolina, Mỹ, đã xác định rằng, hiện trái đất có 2.149 đảo chắn, nhiều hơn 657 so với những gì người ta vẫn tin trước đó. Con số này hơn hẳn tổng số 1.492 đảo chắn được xác định trong cuộc điều tra năm 2001 được thực hiện không có sự trợ giúp của vệ tinh.

Các đảo chắn trên khắp thế giới có chiều dài tổng cộng 21.000km. Chúng được tìm thấy dọc tất cả các lục địa (trừ Nam cực) và trong các đại dương. Các đảo chắn có độ dài bằng 10% chiều dài bờ biển lục địa của trái đất. 74% các đảo này nằm ở Bắc bán cầu. Mỹ là nước có nhiều đảo chắn nhất, với 405 đảo.

Đại học Meredith cho biết, những đảo chắn mới được phát hiện đã tồn tại từ lâu nhưng bị bỏ sót hoặc bị phân loại nhầm trong các cuộc khảo sát trước đó. Ví dụ trước đó các nhà khoa học tin rằng các đảo chắn không thể tồn tại trong các vùng biển có thuỷ triều theo mùa cao trên 4 mét. Nhưng nghiên cứu mới đã xác định rằng chuỗi đảo chắn dài nhất thế giới nằm dọc một dải bờ biển xích đạo của Brazil, nơi thuỷ triều vào mùa xuân lên tới 7 mét.

Các phát hiện mới đã cho thấy cần phải có một biện pháp phân loại, nghiên cứu đảo chắn, nhờ đó các nhà khoa học có thể dự đoán được đảo nào có nguy cơ biến mất trong tương lai.

H: đảo chắn của bé (không liên quan bài viết) - hình dachoak7 chụp.

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Tại sao thợ lặn cứ phải ra kí hiệu “OK”


(bài trên Scubadiving.com – trích)

Jack là một thợ lặn có đẳng cấp. Anh vừa sắm một giàn thiết bị mới: bình thép đôi 104 foot khối cùng các thiết bị tương ứng. Jack biết không nên lặn sâu với thiết bị lần đầu tiên sử dụng, nhưng không vấn đề, anh đã không ít lần lặn sâu trên 40 mét.

Sáng hôm sau, Jack và bạn bè làm một chuyến lặn xác tàu đắm ở độ sâu 43 mét (cuộc lặn không có Divemaster (DM)(*). DM địa phương nhắc, rằng sau khi nhảy xuống nước, các bạn ra kí hiệu “OK” với tàu lặn rồi hãy đi xuống; rằng các nhóm lặn nên đi xuống theo dây neo; rằng khi tới đáy cần xác nhận “OK” với nhau, rồi hãy bơi đến xác tàu, bắt đầu khảo sát từ mũi xác tàu.

Hôm đó thời tiết rất hoàn hảo nên không một ai quan tâm tới động tác “OK” này, kể cả nhân viên giám sát lặn của tàu. Jack là người đầu tiên nhảy xuống nước. Hai bạn lặn trong nhóm anh, Jim và Al, khi nhảy xuống đã không thấy Jack, và ngạc nhiên hơn, cho tới lúc chạm đáy vẫn không thấy Jack chờ họ tại chân dây neo như quy ước. Họ bèn bơi về phía mũi xác tàu.

 

Khi Jim và Al tới mũi xác tàu, họ thấy bên kia xác tàu có một dòng bong bóng khí sục lên từ đáy biển. Vượt qua mặt bong xác tàu, họ thực sự bị sốc khi trông thấy Jack đang bò trên đáy biển. Sau một cuộc trao đổi bằng tín hiệu tay, Jim và Al thống nhất phương án rằng, Al sẽ đi tới Jack, còn Jim chờ ở gần mũi xác tàu để giám sát và để sẵn sàng hỗ trợ. Al bơi tới, đưa mồm thở dự bị(*) cho Jack. Anh vòng tay ôm lấy Jack, bơm khí vào BCD(*) của mình để nâng Jack lên một chút và bơi về phía Jim, nơi các anh sẽ đưa Jack lên. Với sự hỗ trợ của hai bạn lặn, Jack đã hoàn thành chuyến đi lên với cú dừng giải áp. Cuối cùng, cả ba đã lên tàu an toàn.


Té ra BCD của Jack đã không giữ được nổi. Ngay khi xuống nước, tấm kim loại sau lưng Jack (thay cho đai chì(*) cùng các thiết bị nặng nề đã lập tức dìm anh chìm nghỉm. Jack quạt chân nhái như điên để giữ nổi, nhưng các nỗ lực của anh đã không thành công. Khi chìm tới đáy, Jack biết rõ nếu đi lên cấp tốc từ độ sâu này (43 mét) sẽ là một sự rủi ro quá lớn, vì vậy anh chọn phương án là bò tới mũi xác tàu rồi tìm về dây neo của tàu lặn, và theo nó để đi lên có kiểm soát.

Cuộc điều tra cho thấy, BCD của Jack (kiểu back inflation) có lỗi. Một trong hai cánh của BCD không phồng lên khi bơm hơi (đường thông giữa hai cánh bị dính mặt trong), nên khi bơm BCD, không khí chỉ vào một cánh rồi ra van xả. Do đó BCD đã không đủ bù nổi đối với giàn thiết bị nặng nề – chúng tới 100 pound.

 

Thợ lặn nói:

-Lẽ ra Jack nên làm một chuyến lặn nông để thích nghi với giàn thiết bị mới của mình. Thậm chí anh cũng không thèm thử nghiệm chúng tại hồ bơi.
-Nhân viên cửa hàng thiết bị lặn đã có lỗi, họ đã không bơm thật căng BCD để xem nó hoạt động có tốt hay không, hoặc họ phải chuẩn đoán được vấn đề này.

Rất may, lỗi này đã được khắc phục bởi phản ứng bình tĩnh của hai bạn lặn, và cũng do hôm đó tầm nhìn dưới đáy là tuyệt vời.

(*) xin xem trong “Tự điển lanbien” ở bên phải trang blog.
H: "đồ đạc" lủng củng (chỉ có tính minh họa)

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Nên làm gì khi đi với một CLB lặn chưa quen biết


(bài của một thợ lặn, trích)

Lựa chỗ ngồi: Trên tàu lặn, ai đến trước sẽ được phục vụ trước. Và sau khi mọi người đã yên vị thì các thợ lặn khác thường sẽ thừa nhận chỗ đó là của bạn.

Kiểm tra trước khi khởi hành: Bạn đã có tất cả mọi thứ bạn cần chưa? Càng sớm càng tốt, bạn hãy lắp ráp các regs và BCD của bạn vào bình lặn của tàu lặn để kiểm tra chúng. Nếu một chi tiết từ chối nhiệm vụ, bạn vẫn còn hy vọng thay thế trước khi tàu rời bến.
An toàn: Sau khi gắn BCD vào bình lặn, bạn hãy đặt chúng vào nơi quy định, hoặc cột dây thun hay làm bất cứ điều gì để chúng sẽ không bị đổ. Đặt đai chì dưới gầm ghế của bạn hoặc cứ việc để lên mặt ghế để rồi nó sẽ rớt lên ngón chân của một ai đó. Hãy để túi đồ của bạn dưới gầm ghế của bạn – một túi đồ choáng lối đi có thể không được phép. 

Đồ của người khác: Bạn muốn tìm hiểu một dụng cụ của đồng nghiệp, nhưng đó lại là thiết bị hỗ trợ sự sống của anh ta, nên sẽ dễ gây ra hiểu lầm. Một nguyên tắc là không bao giờ chạm vào bất cứ dụng cụ của kẻ khác nếu không được họ đồng ý. 

Cuộc họp phổ biến kế hoạch lặn: Trong các phàn nàn của hướng dẫn viên (HDV) thì “Khách không lắng nghe cuộc họp” là gần đầu danh sách. Một HDV than phiền rằng anh ta cứ phải đi tìm khách lặn đi lạc, mà bạn đi lạc chỉ  bởi bạn không nghe kế hoạch lặn phổ biến, rằng tàu sẽ neo tại nơi 20 feet nước, rằng rạn san hô nông dần về phía Đông, rằng chúng trải dài theo hướng Bắc – Nam.

Sự thoải mái: Hầu hết những nơi lặn là nóng, ẩm. Mặc wetsuit sớm sẽ thúc đẩy ra mồ hôi và mất nước, nâng cao nguy cơ DCS. Hãy ở dưới bóng râm hoặc với chiếc nón trong thời gian trên tàu. Nhớ uống nước. 

Chuẩn bị Deboat: Đó chính là lúc mặc Wetsuit, đeo tất cả mọi thứ, trừ chân nhái và kính lặn. Kính lặn đeo trên cổ chứ không phải trên trán. Bạn cầm hai chân nhái bằng một bàn tay. Bạn cần xác nhận ai là HDV của bạn.

Reboard: Khi trở về tàu, bạn sẽ leo lên thang và sẽ khá nguy hiểm nếu có sóng lớn: Bạn thì mệt còn thang thì cứ nhảy lên hụp xuống. Bạn có thể tiếp cận thang từ bên dưới mặt nước (bạn có thể nhìn thấy nó ở dưới mặt nước) và nắm chặt ly nó. Đừng theo đuổi sự dao động của nó, hãy chờ cho tới khi nó trở lại với bạn. Bạn không được tháo chân nhái khi tay chưa nắm được vào thang.
Khi đã bám được vào thang, bạn đưa đai chì, chân nhái, và nếu có thể (tùy “gu” từng tàu) là bình khí cùng BCD lên cho tàu. Chỉ đưa chúng lên khi bạn thấy có một bàn tay xuất hiện ở phía trên. 

Trên tàu: Sau khi thu thập các trang bị của bạn, bạn hãy về chỗ để nghỉ ngơi. Hãy coi đây là một cú dừng giải nén. Cứ nằm nếu bạn muốn, nhưng không được ngủ, vì sẽ làm giảm tuần hoàn. Hãy tận dụng khi đồ ăn nhẹ và nước giải khát xuất hiện.

Giữ ấm: Cơn gió lúc này sẽ giống như ở máy lạnh. Lúc này mà bạn muốn được lạnh là sai lầm, bởi vì lạnh sẽ giảm tuần hoàn và làm chậm Offgassing Nito. 
Về tới bến: Khi tàu cặp bến, bạn chớ vội vã nhảy lên bờ. Với sự lắc lư của tàu, bước đi lảo đảo của bạn có thể sẽ dứt bàn chân của bạn ra khỏi cơ thể bạn.