Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Tôi học bơi Bướm – Phương pháp của Shaw. P2 – Ba nguyên tắc chủ đạo

Sau khi coi kỹ 3 clip nói trên, tôi mới dám quyết định học bơi bướm. Theo chỉ dẫn của thầy Shaw và cô trợ lí, sau 3 buổi, tôi đã quăng được 2 cái tay ra khỏi mặt nước, khá là ì ạch vì mình mập quá mà. Hơn 1 tháng sau nhờ chị bạn sửa cho, tôi có thể đi bơi quạt bướm mà không sợ bị chê (khen thì chưa). Tới giờ tôi cũng chỉ bơi được quá nửa hồ là rớt, nhưng tôi rất vui.

Ghi chú: 
Ở Mỹ có Terry Laughlin với phương pháp TI, ở Anh có Steven Shaw với phương pháp Shaw. Cả hai đều dạy bơi. Nổi tiếng gần như ngang nhau. Vì tài liệu ít quá, chỉ biết Shaw dựa trên những nguyên tắc về Kỹ thuật động học cơ thể Alexander: Kỹ thuật về những cử động hợp lý của cơ bắp và trí não sao cho không gây ra căng thẳng. Phương pháp này đề cao sự thư giãn hơn nữa.
Ví dụ: Shaw dạy bơi sải theo nguyên tắc Alexander, tay đưa cao ra khỏi nước, cho là hợp lý cử động hơn, còn như theo TI thì có thể gây căng thẳng.
Phương pháp Shaw dạy chủ yếu về thực hành bơi, không nói lý thuyết nhiều như TI, HLV bơi uốn nắn cụ thể cho từng học viên.
Riêng tôi thấy thì cốt lõi 2 phương pháp này không khác nhau mấy. Thói đời ăn cây nào rào cây nấy, các đệ tử của 2 thầy này không đến nỗi cãi nhau, nhưng “dìm hàng” nhau thì có. Còn tôi thì học chùa nên tôi cảm ơn cả hai thầy.

HỌC BƠI BƯỚM KHÔNG QUÁ KHÓ NHƯ TA NGHĨ.
Muốn bơi bướm đúng, bạn phải tập cho được:

1. Uốn làn sóng:
Uốn làn sóng mô phỏng chuyển động của cá heo, hay là cách mà con sâu đo co mình để đi tới. Muốn uốn làn sóng được đầu tiên phải biết: 
NHẤC CÁI MÔNG LÊN. Coi cái clip số 1, tưởng như thầy Steven và cô Trợ giảng gập đôi người cho ló cái mông ra khỏi nước. Không phải đâu. Họ nhấc cái mông lên đó, chân co nhẹ và vẫy cũng nhẹ. NHẤC MÔNG–CO CHÂN–CHÌM NGỰC. Uốn làn sóng là vậy.

Bạn thành công khi cơ thể nằm ngang, tay thẳng ra trước: NHẤC MÔNG–CO CHÂN–CHÌM NGỰC. Cả thân người của bạn uốn lượn theo một hình sin với biên độ theo chiều đứng
(y) càng nhỏ càng tốt (Balance), mà bạn vẫn đi tới được. Vậy là bạn đã thành công. Uốn sóng mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm thì tùy, nhưng nhứt thiết là phải có làn sóng. Và nhận biết nó là bạn nằm trên mặt nước và bạn NHẤC MÔNG LÊN ĐƯỢC.

Uốn sóng được thì bơi mới nhẹ nhàng được. Điều kiện tiên quyết là vậy.
Không uốn sóng thì vẫn bơi “bướm” được thôi, nhưng xin tạm gọi là bơi “Đại bàng”. Những người bơi đại bàng có sức khỏe cực kỳ tốt, đập chân như sấm sét, quăng mình lên cao đâu có thua ai, dũng mãnh cực kỳ. Già yếu như tôi không mơ làm được vậy.
Coi cái clip số 2, vào lúc cuối, lượn hình sin đưa lên, và nương theo đà lên, cô trợ giảng quạt tay và quăng tay ra trước nhẹ như không. Nhờ uốn sóng đó.

2. Bơi bướm có 1 lần quạt tay và 2 lần vẫy chân. Lần vẫy chân thứ 1 gần như đồng thời (sớm một tích tắc) với tay vuốt nước ra sau (bạn nên coi lại nhiều lần mấy cái clip để học), cái vẫy này thì nhẹ nhàng, lúc này đầu ngoi lên thở (thầy hay nói: cần cổ nằm ngang, mặt nhìn ra trước như đang cãi nhau). Lần vẫy thứ 2 kia là gần đồng thời (sau một tích tắc) với 2 tay vào nước, lần này vẫy mạnh hơn. Tôi dùng chữ “vẫy” thay vì “đập” để nhấn mạnh là mình đang uốn sóng.

3. Hai tay quăng ra trước, cánh tay phải thẳng, động tác như cây gạt bột dư lúc đổ khuôn bánh vậy. 2 cánh tay bay là là hay chạm nhẹ mặt nước cũng được. Do uốn sóng nên 
ĐẦU VÀO NƯỚC TRƯỚC 2 TAY. Nhận biết: 2 cánh tay dang ra ngang 2 vai thì đầu đã cuối xuống rồi, hay mắt không nhìn thấy 2 cánh tay vào nước.

Nhờ đầu vào nước trước nên không bị cản nước do lúc này cái vẫy thứ 2 tác động và 2 cánh tay được thoải mái quăng hết về phía trước, lúc này gọi là phục hồi (
Recovery) tức là pha nghỉ của bơi bướm. Không cho đầu vào nước trước, nên có người quăng 2 cánh tay ra trước cong như chữ U theo kiểu “đại bàng gãy cánh” là vậy.

Mai bạn ra hồ bơi, kiểm tra lại xem, hầu hết dân nghiệp dư khi “bơi bướm” rất ít có ai cho đầu vào nước trước 2 cánh tay hết. Giống tôi hồi đầu vậy thôi. Đầu ngoi lên “ăn cơm tháng” trên mặt nước, mắt còn ngó láo liên lấy làm đã đã nữa! Không chịu tập uốn sóng hay không biết uốn sóng thì sửa không được đâu.

Quên, xin nói thêm: Trong bơi bướm, hai cẳng chân và hai bàn chân luôn luôn phải khép khít lại làm một. (hết)
Hình minh họa.

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Tôi học bơi Bướm – Phương pháp của Shaw. P1 – Già vẫn điều chỉnh được kỹ thuật bơi.

(Bài của anh tangatdi).

Giới thiệu: Với giọng văn dí dỏm, khiêm tốn, anh tangatdi giúp chúng ta, những vận động viên “chân đất”, hiểu được rằng bơi lội không chỉ dựa vào thể lực, không chỉ dựa vào các kỹ thuật mà mình đã được học, mà còn là những lý thuyết mới đã được loài người phát hiện gần đây; rằng bơi bướm không quá khó nếu nắm được nguyên lý của nó. Bài viết đã được nhiều vận động viên bơi lội xuất sắc đánh giá cao. Sau đây là bài của tác giả:
(NST có sửa một vài chữ, không ảnh hưởng tới nội dung).

Trích trên báo:
“…Bơi ếch phù hợp cho những người mới tập bơi vì động tác dễ hơn những kiểu bơi khác. Tốc độ kiểu bơi này chậm đều nên cũng phù hợp với người lớn tuổi. Để tăng cường thể lực, sức bền, cần kết hợp thêm kiểu bơi sải, bơi ngửa. Hai kiểu bơi này tạo ra sức khỏe hoàn chỉnh, giúp bơi được nhiều vòng hơn, dài hơn trong cùng một ca bơi. Trong 100 người bơi nghiệp dư thì chỉ có khoảng một người có thể bơi bướm, chủ yếu là nam. Kiểu bơi này đòi hỏi cơ khớp phải thật dẻo dai, sự phối hợp ăn ý động tác giữa các bộ phận tay chân thân; chỉ cần sai một động tác là không nhấc người lên nổi. Để có thể bơi kiểu này cần được tập từ bé, khi hệ cơ xương khớp vẫn còn mềm dẻo” (TS Chung Tấn Phong, Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.Hồ Chí Minh).

Tôi đọc bài nói trên lúc tôi 59 tuổi.

Lúc này tuy đã tương đối thấm nhuần “Cửu âm và Cửu dương chân kinh” của Terry Laughlin và thêm “Giáng long thập bát chưởng” của misamainguyen, tôi cũng không dám mơ một ngày mình dám học và bơi bướm – dẫu là theo kiểu "đại bàng gãy cánh". Lên trên mạng coi mấy cây đa, cây đề bơi bướm thiệt là phát hãi. Phải khỏe như trâu mới bơi như họ được. Coi mấy sư phụ TI bơi bướm cũng hùng hục thấy phát ớn.

Nhưng ở đời có một chữ “duyên”. 

Tôi thường bơi vào sáng sớm, khi đó trong hồ có chừng 7
8 anh em bơi bướm (sau này tìm hiểu thì họ bơi chưa giống anh Phelps nhưng ngon quá rồi), trong đó có chừng 2 người là bơi được hết 50m. Có 3 chị bơi bướm, 2 chị thì tay quơ lên cong vòng như hết hơi, giống đại bàng gãy cánh hơn. Chỉ có 1 chị (sau này tôi làm quen được) nhỏ hơn tôi chừng 3 tuổi. Chị ấy cao chưa tới 1m50, nặng xấp xỉ tôi, tức tròn quay. Ngày nào vô bơi chị ấy cũng “súc miệng” trước bằng 25m bướm (nửa hồ). Chị ấy bơi rất chuẩn và cũng khá nhẹ nhàng. 

Vấn đề hình dạng cơ thể.
Tôi lại đọc trên báo, có một vị tên BS Tản, ông ấy nói mình cũng mập, bụng phệ và khi đã trọng tuổi mới tập bơi bướm và đã thành công. 

Vấn đề tuổi tác.
Lâu lâu, có một chú cựu gác hồ, chừng ba mấy tuổi vô bơi, chú ấy bơi bướm lạ lắm, nhẹ như sương khói. Tôi lân la làm quen, rồi đánh bạo hỏi: "Qua muốn học bơi bướm được không em". Chú ấy im một hồi rồi thở dài, hỏi tuổi, rồi ngó cái form của tôi, chú ấy lắc đầu nhè nhẹ, không nói gì. 
Một ngày nọ, chú ấy dắt cô con gái nhỏ vô bơi, hỏi ra chỉ mới hơn 4 tuổi. Con bé xinh thật là xinh, nhưng bé như nắm xôi. Không biết được dạy từ hồi nào. Con bé bơi ếch rồi sải, dĩ nhiên còn non nớt chưa chuẩn. Nhưng nửa hồ bơi (khách bơi) đã trầm trồ rồi.
Đến lúc này chú mới biểu con bé: “Con bơi bướm cho mấy bác coi chơi”. Con bé nhóc nhách bơi tỉnh queo hết một chiều dài hồ, dĩ nhiên 2 cái tay cũng quơ như 2 chị nói ở trên. Ba nó chậm chậm theo, nhắc luôn miệng: “Nhấc cái mông lên con, nhấc cái mông lên con,...”. Cả hồ lặng trang bái phục. 

Vấn đề thể lực.
Tôi đã lên mạng tìm hiểu, đọc các bài viết, coi nát các clip. Rồi gặp được 3 cái clip: NHỮNG BÀI HƯỚNG DẪN CỦA STEVEN SHAW VỀ BƠI BƯỚM. (còn nữa)

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI BÍNH THÂN!


Chúc các bạn lặn một năm mới An Khang và May Mắn!

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Bạn chỉ nên lặn với một cái mới

(sưu tầm, trích dịch)

James thích lặn biển. Anh thích các thiết bị mới tới nỗi bạn bè anh cho rằng anh theo đuổi môn lặn hang động chỉ vì khoái chơi các thiết bị hiện đại – chứ không phải chỉ vì mức độ kỹ thuật cần thiết của những cuộc lặn đó. Anh thường mang theo nhiều thiết bị hơn so với yêu cầu của một môi trường cụ thể nào đó. Nhược điểm duy nhất là anh không dành đủ thời gian khai thác các tính năng của thiết bị mới.

Một hôm James thấy một nhóm thợ lặn sử dụng DPV (Desert Patrol Vehicle, mô tơ lặn) khi lặn trong hệ thống hang động mà anh quen thuộc, anh quyết định mua một cái. Ngay sau khi mua được thiết bị, James lập tức sạc pin cho nó và rủ bạn bè đi lặn hang động. Có hai bạn lặn sẽ cùng tham gia với James, nhưng không có DPV. Nhóm của James lên kế hoạch, trong đó James sẽ có lúc sử dụng DPV một mình. Đây là một hang động mà cả ba đều quen thuộc.

Lúc đó là mùa xuân và mùa này người ta hiếm khi xuống quá 15 mét sâu. Nhưng bù cho “mất mát” về chiều sâu, hang động này kéo dài hàng dặm qua các núi đá vôi và chia nhánh ra mọi hướng như những gân lá của chiếc lá cây. Các thợ lặn địa phương đã khám phá hang động này trong nhiều năm, đã đánh dấu các tuyến đường và có các chỉ dẫn chi tiết, tuy nhiên vẫn còn có nhiều ngách rẽ chưa khảo sát.

Kế hoạch của James là nhóm sẽ lặn dọc theo trục chính của hệ thống hang ngầm, và tới điểm nào thấy khoái thì James sẽ xài DPV – đi và trở lại với nhóm sau vài phút.

Nhóm lặn nhập nước, thư giãn và vui vẻ trước khi vào hang ngầm. Tại vùng nước mở, James dùng DPV lượn lờ chừng vài phút để cảm nhận thiết bị mới. Sau vài vòng lượn, James đã sẵn sàng. Ba thợ lặn chui vào hang. Tại thời điểm này, dòng chảy từ hang đi ra là khá mạnh làm hai bạn lặn phải nỗ lực chống lại dòng chảy. Trong sự phấn khích vì món đồ chơi mới của mình, James đã không nhận ra là anh đã bỏ nhóm lại đằng sau gần như ngay lập tức.

Sau khi lướt qua vài ngã rẽ, James tắt máy. DPV, với một chút độ nổi tiêu cực, từ từ kéo anh xuống đáy hang. James bơm chút không khí vào BCD. Độ nổi tích cực của BCD lại nâng anh lên đụng trần hang. Anh lại xả chút khí để chìm xuống.

Chiếu đèn sang xung quanh, James ngạc nhiên với cảnh quan thanh lịch tại đây. Không có chút gì tỏ ra là quen thuộc  dù chỉ rất mơ hồ ... Anh hiểu rằng, đây là một ngách hang mà anh chưa từng thâm nhập. James kiểm tra máy tính lặn và nhận ra rằng anh đã nhập hang được 20 phút – lâu hơn so với kế hoạch. Anh xem đồng hồ khí và nhẹ nhõm khi thấy vẫn còn rất nhiều khí thở. Đúng là xài DPV không tốn calo và được hoàn toàn thư giãn.

James quét đèn một lần nữa. Đó là một ngách hang cao rộng khoảng 3 mét, nhưng dường như nó đi mãi mãi, ít nhất là trong phạm vi ánh đèn của anh, cả về hai hướng. Anh không chắc chắn hướng thoát ra ở phía nào. Anh lò mò đi tìm kí hiệu chỉ dẫn. Thường tại các ngã rẽ trong hang động, người ta đặt các mũi tên chỉ hướng trở ra hang trục chính và lối đi lên bề mặt ... Hoàn toàn không có kí hiệu nào. James nhận ra rằng anh đã lạc vào ngách chưa được khảo sát – những ngách có gắn kí hiệu “không vào” nhưng anh đã không để ý. Anh không chắc chắn sẽ tìm thấy lối ra. Anh đã gặp rắc rối. Anh bắt đầu hoảng sợ.

Rồi 2 bạn lặn nhận ra rằng James đã đi quá lâu so với kế hoạch, họ trở lại bề mặt và gọi cứu hộ. Đội thợ lặn địa phương lập tức xuống nước. Đây là những thợ lặn chuyên lặn hang động và có nhiều kinh nghiệm ở hệ thống hang động này. Sau khi tìm thấy James, nhân viên cứu hộ phát hiện ra rằng chai khí bên trái của anh vẫn còn nguyên, chứng tỏ anh chưa phải dùng tới nó. Chỉ có thể giả thuyết rằng, khi James đã hoảng loạn, và bất tỉnh, dẫn tới chết đuối.

Thợ lặn nói. 

Thợ lặn hoảng loạn sẽ đưa ra quyết định sai lầm. Sự hoảng loạn đã không gây ra James gặp rắc rối lúc ban đầu, nhưng cuối cùng đã dẫn đến cái chết của anh ta. Gặp sự cố, thợ lặn cần “dừng lại, hít thở, suy tính và sau đó hành động”. James đã dùng một thiết bị chưa quen thuộc để vào một môi trường nguy hiểm, trong khi lại không bổ sung cho kế hoạch lặn của mình. Anh di chuyển quá nhanh và đã bỏ lại bạn lặn ở phía sau mà không hề nhận ra điều đó.

Bài học

1. Hãy làm quen với thiết bị của bạn: Nếu đó là thiết bị mới, bạn cần tìm hiểu làm thế nào để sử dụng nó. Hãy suy nghĩ là nó sẽ thay đổi cách bạn sẽ lặn như thế nào.

2. Kế hoạch: James và bạn lặn đã lập một kế hoạch lặn không đầy đủ, mà chỉ đơn giản rằng James sẽ xài DPV vài phút và sau đó quay về với nhóm. Nhưng ngay cả kế hoạch không đầy đủ này, James cũng không theo.

3. Tuân thủ các quy tắc: Khi bước vào một tình huống nguy hiểm (như vào một hang động, xác tàu), bạn phải thực hiện theo các quy tắc chuyên ngành.

4. Hãy chắc chắn rằng bạn lặn của bạn được trang bị tương tự và có mức độ kinh nghiệm tương tự bạn. Khi các thợ lặn trong một nhóm không được trang bị cùng một loại thiết bị hoặc không cùng một trình độ kỹ năng, thì họ không thể hoạt động như một nhóm.

5. Thực chất James đã lặn solo kể từ lúc anh xài DPV.