Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Cứu hộ lướt ván cứu sinh


(sưu tầm, trích)

Katherine Waterhouse, đội trưởng đội Cứu hộ lướt ván cứu sinh Australia tại Đà nẵng đã 13 năm nay: “Tôi muốn giúp người dân địa phương và người nước ngoài gây dựng phong trào lướt ván cứu sinh tại Đà nẵng, dù nhiều khu vực bãi biển này đã có đội dân phòng giám sát, các khu nghỉ dưỡng cũng triển khai cứu hộ, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn bơi lội vẫn cần được cải thiện và hỗ trợ”. 

Cô cho rằng các nhân viên cứu hộ đang làm một công việc tuyệt vời, nhưng số lượng du khách mà họ phải giám sát trên bãi biển quá lớn, trong khi họ thiếu được đào tạo chính thức, “dù người dân miền Trung rất thích tắm biển nhưng phần đa không biết bơi hoặc bơi kém, rất dễ gặp nguy hiểm. Biển Đà nẵng không khác ở Australia nhiều, cũng có nhiều chỗ nước xoáy, dải cát và những rãnh sâu”.

Xây dựng dự án này là một nhóm người Australia, trong đó có Duncan MacLean – “Quản lý chung” của Khu nghỉ dưỡng Furama, Đà nẵng. Khi “Hội cứu sinh Australia” tổ chức “Hội nghị thế giới về việc chết đuối” tại khu nghỉ dưỡng này, ông đã nhận thức được về vấn đề an toàn bãi biển và hình thành ý tưởng thành lập câu lạc bộ lướt ván cứu sinh ở Việt nam. Ông tin rằng dự án này “không chỉ giúp giảm số lượng chết đuối mà còn khuyến khích thanh niên sống tốt hơn, khỏe hơn và có trách nhiệm hơn”.

Lướt ván cứu sinh là một trong các dự án tình nguyện ở châu Á Thái bình dương có sự hợp tác từ Australia. Chương trình hoạt động của tổ chức này dành cho những người từ 18 tới 30 tuổi đã tốt nghiệp đại học hoặc đã có kinh nghiệm làm việc, cho đến những chương trình dành cho người nhiều tuổi hơn hoặc đã nghỉ hưu.

Katherine nói: “Chúng tôi thường nghe các tình nguyện viên chia sẻ rằng họ đã nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi khi trở về sau mỗi chuyến tình nguyện ... Họ được mở rộng các kỹ năng, tìm hiểu về giao tiếp liên văn hóa và cách thay đổi cũng như phát triển khi chỉ có rất ít nguồn lực trong tay”.

Công việc của cô là “giáo viên dạy cứu hộ bãi biển”. Sự xuất hiện của giáo viên dạy bơi người nước ngoài không lạ với người địa phương, nhưng chức danh này vẫn là một khái niệm mới mẻ đối với cộng đồng dân cư – những người chưa có nhận thức tốt về an toàn bãi biển. Tuy nhiên, sự quan tâm và ủng hộ của người dân địa phương đối với chương trình này đang ngày một tăng lên.

Katherine biết vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua, trong đó có việc chờ phê duyệt để dự án này hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận.

H1: Katherine và đội cứu hộ lướt ván cứu sinh ở Đà nẵng.
H2: Lướt ván sóng 12m ở Ha oai (không cứu sinh).

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Lặn xác tàu đắm - Ai chịu trách nhiệm về an toàn cho bạn


(bài trên scubadiving.com, trích)


Tàu đến điểm lặn – một vùng biển yên tĩnh, nước ấm, tầm nhìn rất tốt. Xác tàu đắm ở độ sâu 36,6 mét. Divemaster (DM)(1) lên kế hoạch: … (cuộc lặn không có DM) Từ mũi xác tàu, các bạn sẽ lặn dọc theo chiều dài của xác tàu và bơi dọc trên mặt bong; chỉ xuống độ sâu 30 mét; tới đuôi xác tàu thì đi lên. Khi tới bề mặt, các bạn sẽ thấy tàu lặn đang chờ ở đó. DM cảnh báo rằng thợ lặn phải thường xuyên kiểm tra nguồn cung cấp không khí; không được xuống sâu hơn 30 mét; không được chui vào bên trong xác tàu dù trong bất kỳ trường hợp nào.

Cuộc lặn bắt đầu. Tất cả đều không gặp bất kì một khó khăn nào, và dường như sẽ kết thúc theo cách tương tự. Cuộc lặn kết thúc, nhân viên giám sát lặn phát hiện thấy thiếu Jan và Alex.

Một DM lập tức lặn xuống tìm cặp bạn mất tích. Bơi dọc xác tàu đắm, anh bỗng nghe thấy tiếng gõ vào thân tàu. Anh bơi đến một porthole (cửa sổ nhỏ) và nhìn vào trong: Thợ lặn mất tích đang ở đó, trong trang thái tuyệt vọng và sắp hết khí thở. Anh luồn qua porthole hai chai “mõm ngựa” nhỏ (chai khí dự phòng độc lập) cho họ, rồi nổi lên để báo cáo tình tình. Tàu lặn kêu gọi cứu hộ chuyên nghiệp, còn DM lại lặn xuống với các chai “mõm ngựa” nhỏ. Anh biết chai lớn sẽ không qua được porthole.

Trong khi chờ cứu hộ chuyên nghiệp, DM vẫn ở bên ngoài xác tàu, cạnh porthole, để trấn an và đảm bảo nguồn khí thở cho kẻ bị nạn. Anh giao tiếp với Alex, nhưng Alex không sao “kể” được tình trạng Jan hiện ra sao.

Cứu hộ chuyên nghiệp tới. Họ kéo theo cả một hệ thống cấp khí để sẵn sàng bổ sung cho các thợ lặn. Nhân viên cứu hộ thâm nhập vào trong xác tàu và thấy Jan nằm trên sàn, bất tỉnh, không thở, chai “mõm ngựa” ở bên cạnh. Anh đặt Jan vào Companionway(2), rồi đưa Alex ra khỏi xác tàu. Sau đó Jan cũng được đưa lên bề mặt.

Những nỗ lực hồi sức cấp cứu bắt đầu. Alex được cấp cứu trong buồng giải nén(1). Cả hai biểu hiện triệu chứng của sự hạ thân nhiệt nghiêm trọng. Cứu hộ chuyển hai nạn nhân tới bệnh viện. Jan đã chết, còn Alex tuy qua cơn nguy kịch nhưng có thể bị liệt.

Thợ lặn nói:

- Những gì đã xảy ra cho đôi bạn này có thể sẽ không bao giờ được biết rõ, nhưng rõ ràng họ đã chui vào trong xác tàu. Cả hai chưa hề được đào tạo loại hình lặn này. Sau khi chui vào, họ quẫy chân nhái làm bùn và rỉ sắt bên trong xác tàu bị khấy đục, khiến tầm nhìn chỉ còn một vài feet, đã làm họ bị mất phương hướng. Họ cố tìm cách thoát ra. Sự hoảng loạn và những nỗ lực của họ làm họ cạn kiệt khí thở. May là DM đã tìm thấy họ.

- Nhân viên cứu hộ rất đúng khi chọn Alex để cứu trước, và họ cũng đã cứu được Jan. Cái mà chúng ta không hiểu, đó là tại sao Jan bị chết ngạt trong khi chai khí đã có sẵn cho cô ấy.

Cơ quan chức năng nói:

-  Lặn thâm nhập xác tàu đắm là một hình thức lặn nguy hiểm, cần sự đào tạo thích hợp, phải có các thiết bị chuyên dụng và cần có kinh nghiệm.

 - Khi đã thâm nhập và nếu tầm nhìn bị giảm xuống bằng không, thì bạn chỉ có thể thoát ra bằng cách lần theo sợi dây đã rải ra trong lúc chui vào.

-  Thợ lặn thâm nhập, ngoài lượng khí dự phòng để đi lên và giải áp, thì phải có đủ khí dự phòng cho trường hợp khẩn cấp.

-  Bạn chịu trách nhiệm về sự an toàn của chính bạn. Gặp trường hợp bạn lặn bị mắc kẹt, tốt nhất là bạn nổi lên để báo cho tàu lặn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bỏ rơi bạn bè. Hai trường hợp tử vong không bao giờ tốt hơn một.

(1) Xin xem Tự điển Lanbien ở trên cùng bên phải trang tin.
(2) NST không dịch được từ này.

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Về sự tồn tại của động thực vật biển

GS. Callum Roberts, Đại học York, Canada, nói: Trên hành tinh xanh chỉ có 0,1% bề mặt các đại dương là được hoàn toàn được bảo vệ khỏi mọi sự khai thác ... Chúng tôi có nhiều bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ cho thấy hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa và chúng cần được bảo vệ ... Ngày nay, tình trạng đánh bắt thủy sản đang diễn ra tại mọi ngóc ngách của đại dương và biến đổi khí hậu là hai trong số những nguyên nhân làm nguy hại cho sự sống biển cả. Cách duy nhất để cứu nguy chúng là thiết lập nhiều khu bảo tồn biển hơn nữa.

David Ritter, chuyên gia nghiên cứu về đa dạng sinh học của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), nói: Không còn nghi ngờ gì nữa, các đại dương đang gặp khủng hoảng. Chúng tôi nhận thấy sự suy giảm có hệ thống của môi trường biển ở khắp nơi. Đánh bắt không chủ đích đã làm giảm 80% sản lượng cá trên toàn cầu ... Trữ lượng cá đang bị khai thác đến cạn kiệt, đặc biệt là các loài cá săn mồi bậc cao nhất trong chuỗi thức ăn đại dương như cá mập, cá ngừ và cá kiếm. Hiện tại, có nhiều loài cá nhỏ và động vật giáp xác thống trị một số vùng biển vì kẻ thù của chúng đã bị con người tiêu diệt, dần dần các loài này cũng sẽ biến mất nếu tình trạng khai thác vô tội vạ không được ngăn chặn, và một kết cuộc thảm hại có thể xảy ra với tình huống là các đại dương chỉ còn lại những con sâu biển.

Theo Greenpeace, có đến 90% trữ lượng các loài cá săn mồi to lớn của đại dương đã biến mất và 90% trữ lượng cá đã bị đánh bắt hết trong khu vực các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Nhóm Môi trường Pew đã lập dự án GOL với mục đích thuyết phục chính phủ các nước thành lập 4 Khu bảo tồn biển là Khu bảo tồn Biển San hô ngoài bờ đông bắc Úc (1.061.895 km2), Khu bảo tồn biển bao quanh quần đảo Kermadec, gần New Zealand (637.137 km2), rãnh (vực) Mariana - rãnh sâu nhất thế giới ở vùng biển Hoa Kỳ, Thái Bình Dương và Khu bảo tồn biển bao quanh quần đảo Chagos, Ấn Độ Dương (544.000 km2). Cho đến nay, việc thành lập 2 trong số 4 khu bảo tồn của dự án đã thành công là rãnh Mariana và quần đảo Chagos. Tháng 4/2010, quần đảo Chagos đã trở thành Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới hiện nay.

Jay Nelson, giám đốc dự án GOL, nói: Các khu bảo tồn biển được thành lập tương đối dễ dàng đối với các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, vì các chính phủ có thể hành động đơn phương. Tuy nhiên, nó sẽ phức tạp hơn đối với các hải phận quốc tế bởi đòi hỏi sự giám sát và hợp tác giữa các quốc gia. Sự theo dõi và thi hành luật pháp trong hải phận quốc tế là đặc biệt khó khăn ... Khu bảo tồn biển có diện tích khoảng 93.240 km2 đã được thành lập vào năm ngoái trong hải phận quốc tế xung quanh quần đảo Nam Orkney thuộc Nam đại dương (bán đảo Nam cực) đạt được kết quả tốt đẹp và hiện nó đang được tiến hành áp dụng đối với những vùng biển khác trên thế giới.

Hình minh họa: Kể cả chúa tể Bắc cực cũng phải mòn mỏi kiếm sống.

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Đầu năm khai Fins :) - Lặn vo và scuba ở Hòn Mun.

Tết năm nay được nghỉ dài ngót chục ngày. Dân tình tha hồ đi chơi, thăm thú các nơi. Sau mồng tết, tui và Hardbone ra Nha Trang lặn biển. Đông ơi là đông...đường Trần Phú ven biển ngày thường thông thoáng vậy mà dịp tết kẹt xe. Khách du lịch chen nhau ra đảo chơi, tàu ca nô nườm nượp. Khi chúng tôi ra Nha Trang thì Nhân P và Hardbone đã ở đó còn Phương P thì đã ra từ ngày 2 tết cúng Thủy Tề cùng Vinadive ở Hòn Mun (sẽ có clips trình mọi người :). Tui ra sau một ngày, chỉ mua được vé ra, còn về thì mù tịt vì chẳng còn vé xe đò NT-SG nữa :(. Thôi thì cứ đi lặn đã, mọi thứ khác tính sau - mấy khi có dịp nghỉ dài ngày.
    Kỳ này tui quyết định sẽ lặn vo cả hai ngày còn Hardbone thì tranh thủ học lên Advance trong ba ngày. Ngày thứ nhất là ngày xui xẻo đầu năm cho ba tên Bạn Lặn Việt. Thời tiết không tốt lắm, gió rất mạnh và nước có tầm nhìn tàm tạm. Tui lặn vo đến đáy 11m ở Hòn Một còn nhìn được cảnh quan là đáy cát và san hô thưa thớt. Rất nhiều rác do khách nhậu trên bãi và bè cá thải xuống. Gió to và sóng làm tui rớt mất cái ống thở lúc nào không hay, không tìm lại được. Nhóm scuba còn thê thảm hơn, lặn deep dive mà nước chảy và tối chú Nhân suýt chộp phải cá nóc! Do đi nhờ xuồng cao tốc của anh bạn Robin Lộc lại đúng dịp quá tải khách ra đảo nên nhóm Scuba cũng vất vả khi di chuyển thay điểm lặn và nhất là đoạn leo trở lại xuồng.
   Ngày thứ hai và ngày thứ 3 mọi thứ đều ổn khi đi theo CLB "Con Rùa" cùng anh bạn HLV Hùng vui tính. Tui tiếp tục lặn vo tại những điểm tàu thả khách lặn còn Hardbone là Nhân P tiếp tục các bài thực hành của mình. Trong khi lặn vo (đi một mình nên đành solo :)) tui gặp lại hai bạn lặn scuba ở dưới đáy biển, chúng tôi còn chụp hình với nhau ở dưới đó nữa. Lần này tui cũng có cơ hội test cái Magic Filter cho máy quay GoPro Hero ở ngoài biển. Nói chung là màu sắc được cải thiện nhiều, nhất là ở sâu 10-12M. Một số hình ảnh lặn của ngày thứ 2 (mồng 8 tết) - hoàn toàn bắng GoPro trừ tấm hình "scuba diver free diver" :)


Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Lớp lặn biển đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh - OWC class.

Nói là khóa học lặn scuba đầu tiên tại TP HCM thì chưa chính xác vì trước đây CLB Rainbow SG đã có dạy lặn ở đây rồi. Tuy nhiên Rainbow dạy bằng tiếng Anh và chủ yếu nhắm đến người nước ngoài. Lớp học lặn của CLB Bạn Lặn Việt (VietDivers) được tổ chức dành cho người Việt, do Huấn Luyện Viên (HLV) người Việt hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Ngay sau buổi lặn thử đầu năm cũng do CLB VietDivers tổ chức đã có 8 bạn đăng ký lớp học lặn Scuba. Lớp đầu tiên đã được tổ chức ngay sau một tuần vào ngày chủ nhật 3/3/2013 tại HAGL-Reverview Q2. Đây là ngày học lý thuyết và thực hành hồ bơi bao gồm một buổi lý thuyết - thảo luận và làm trắc nghiệm kiến thức và buổi chiều học các kỹ năng lặn căn bản trong hồ bơi. Cuối tháng (30-31/3), CLB ViêtDivers sẽ tổ chức cho các bạn học viên ra Nha Trang và thực hiện 2 ngày 5 lần lặn thực hành ở Hòn Mun. Kết thúc 2 ngày lặn ở "vùng nước mở" (open water) là biển Hòn Mun. Các học viên sẽ được cấp bằng OWC của NDL, chính thức có một sao trên áo! Các bạn này sẽ là những Bạn Lặn Việt đầu tiên được VietDivers đào tạo và được chứng nhận có chứng chỉ quốc tế.
Buổi học lý thuyết - thoải mái trao đổi, vui và  hữu ích.

HLV Nhân luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của bạn.

Mọi kiến thức về môi trường nước, các đặc điểm lý-sinh khi lặn, trang thiết bị và các kỹ năng sử dụng, bảo quản, các tình huống và sự cố cùng cách xử lý. Tất cả được tổng hợp, củng cố lại thông qua bài test trắc nghiệm.

Buổi chiều là phần thực hành các kỹ năng và kiến thức học được tại hồ bơi. Đây cũng là phần rất vui của ngày học. Các học viên được trang bị đầy đủ : áo quần lặn (wetsuit) áo phao (BCD), bộ cùm thở (regulator set) chân ếch (fins) kính lặn (mask) và đai chì (weight belt). Sau phần thực hành hồ bơi này, các học viên đã sẵn sàng để ra biển thực hành toàn bộ các kỹ năng đã học dưới sự hướng dẫn của HLV. Dưới đây là những hình ảnh ghi được trong buổi tập tại hồ bơi. Hẹn gặp tất cả vào ngày 30 và 31 tháng này tại Nha Trang!


Để biết thêm thông tin về các khóa học lặn của CLB VietDiver,
 xin liên hệ Ngọc Anh 0908830030 email: contact@vietdivers.net

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Phải chăng loài người ban đầu là động vật biển


(lời góp của anh Tuấn Linh)

Chúng ta vốn dĩ thuộc loài "động vật trên cạn"'? Câu này quá đúng ... nhưng có lẽ chỉ cho ... 4 triệu năm trở về trước! Còn xưa hơn nữa tới 8 triệu năm thì có những chứng cứ nói rằng: tổ tiên chúng ta là loài “hải sinh”, tức “vượn biển”! Này nhé :




1. Khi mới chào đời, trẻ em đều có năng lực bơi lội. Trẻ mới sinh không bị chết ngộp trong nước do một năng lực bẩm sinh. Đây là bản năng hình thành từ thời kỳ hải sinh của tổ tiên loài người.

2. Giống như người, những loài động vật sống trong biển như hải báo, cá voi, ... đều có lớp mỡ dày và da không có lông. Đó là dấu hiệu đời sống trong biển: cần lớp mỡ dày để duy trì nhiệt độ thân thể, đồng thời nâng cao lực nổi trong nước. Trái lại, loài linh trưởng, hắc tinh tinh hay khỉ đột thì không có lớp mỡ dưới da này.

3. Nước mắt của loài người có thành phần muối khá lớn. Khi bơi lội, hoạt động của tim và các hoạt động của cơ thể đều giảm chậm. Hiện tượng này cũng tồn tại tương tự với các động vật sống trong nước.
Còn loài linh trưởng không có nước mắt.
Vở kịch “Nàng Ápsara” có nhân vật con khỉ làm việc tốt để muốn làm con người, tuy nhiên mãi mà không thành được vì không thể khóc ra nước mắt.Cuối cùng trời cũng cảm đức tính hy sinh cho con người của khỉ mà cho nó nước mắt. Kết thúc vở kịch, khỉ khóc cho số phận chuân chuyên đã qua của nàng Ápxara thì ứa ra nước mắt. Thế là nó thành “con người” - dù cho thân thể bề ngoài vẫn là … khỉ! Xét về mặt sinh lý học thì kịch bản có lý đó.

4. Nhu cầu muối của các động vật trên đất liền đều được “cảm giác” khá chính xác. Một khi đủ, chúng sẽ không còn hứng thú. Nhưng khi thiếu, chúng sẽ khao khát và đồng thời biết cả cách kiềm chế điều tiết.
Trái lại con người không có cơ chế đó. Ngay cả khi thiếu muối, con người cũng không có nhu cầu bổ sung. Còn khi dư muối, con người sẽ bị sự phản tác dụng dẫn đến tim mạch. Nhưng mà con người vẫn không có cơ chế nào để tự động ngừng tiếp nhận. Điều này có thể giải thích do đời sống phong phú chất muối giữa biển cả mà con người đã trải qua.
Các loài linh trưởng sống trong rừng rậm thiếu chất muối, sự chọn lọc tự nhiên khiến chúng sản sinh cơ năng điều tiết nhu cầu này. Trái lại ,tổ tiên của loài người có lẽ đã từng sống ở đại dương - nơi có nguồn muối bất tận - nên không có cơ năng điều tiết này.
Cũng vì lý do này, không một loài động vật linh trưởng nào chọn phương thức đổ mồ hôi để điều tiết nhiệt độ cơ thể. Đó là sự lãng phí chất muối. Nếu tổ tiên loài người hoàn toàn sống giữa rừng rậm trong suốt quá trình tiến hoá thì cơ năng sinh lý đổ mồ hôi không xuất hiện, nó không có lợi cho tiến hoá. (Đổ mồ hôi nhiều ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ và cả tính mạng).

5. Tập tính tính dục của con người là “úp mặt” giống như cá voi, cá heo (loài dưới nước). Còn ở loài linh trưởng thường là “úp lưng”.

6. Loài linh trưởng không có “nhân trung” như loài người. Người ta giả thiết rằng “nhân trung” là sự thoái của cơ cấu “mang cá” lọc nước lấy ôxy của “vượn biển”.

Từ 4-8 triệu năm về trước, do nước biển dâng tràn, một phần lục địa bị nhấn chìm. Loài vượn cổ trong khu vực ấy dần dần thích nghi đời sống trong biển và trở thành động vật hải sinh. Ước chừng 4 triệu năm sau, nước biển rút dần, vùng ngập chìm trong nước trở thành lục địa mới.

Vì vậy “lặn biển” không chỉ là môn thể thao trải nghiệm sự “thay đổi” tập tính sống trên cạn 4 triệu năm vừa rồi của con người, mà sâu xa hơn nữa còn là “trở về” (trải nghiệm) với môi trường sống của tổ tiên chúng ta cách đây 4-8 triệu năm!

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Huấn luyện bơi lội trong “lò rèn”


Trung quốc có khoảng 3.000 trường và trung tâm huấn luyện thể thao. Mỗi nơi (thường) chuyên về một bộ môn. Từ 1984 họ đẩy mạnh chính sách tìm kiếm và đào tạo vận động viên (VĐV) cho Olympic ngay từ khi còn rất nhỏ. Các trường phổ thông, bắt đầu từ mẫu giáo, được yêu cầu theo dõi học sinh để phát hiện năng khiếu thể thao bẩm sinh.

Từ những “lò rèn” này đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ, đơn cử tại Olympic London 2012, VĐV Ye Shiwen, 16 tuổi, phá kỷ lục thế giới và  kỷ lục Olympic ở cự li bơi 200 mét và 400 mét hỗn hợp, giành 2 huy chương vàng. VÐV nhảy cầu Khâu Ba, vào “lò rèn” hồi lên 5 và 13 tuổi trở thành kiện tướng nhảy cầu Quốc gia.

Các “lò rèn” vận hành như thế nào? VĐV Ye Shiwen nói: Trong 9 năm qua, đông cũng như hè, ngày nào cô cũng bơi 2 tiếng rưỡi vào buổi sáng, 2 tiếng rưỡi vào buổi chiều. Bé Schneider, sau khi được xác định là năng khiếu, bị cách ly gia đình để vào “lò rèn”. Ở đó, bé được nhận dạng bằng con số – VĐV số 137 – thay cho tên họ do cha mẹ đặt. Ở đó, để tăng khả năng hấp thụ oxy, bé phải bơi hàng giờ trong một thiết bị đặc biệt, tuân theo chế độ ăn uống giàu protein và thường xuyên bị tiêm steroid.


Chuyện của bé Schneider khiến nhiều người liên tưởng rằng, liệu có phải VĐV Diệp Thi Văn, vô địch bơi trườn sấp 400 mét, cũng đã được lập trình tương tự? Bé Diệp vào “lò rèn” năm lên 7 và 11 tuổi đã giành được huy chương vàng. Suốt 6 năm, bé phải chịu một chế độ luyện tập không ngừng nghỉ và vô cùng khắc nghiệt, phải kéo xà đơn 20 cái/lần, phải bơi nhiều giờ mỗi ngày và chỉ được nghỉ khi hồ bơi cần được làm sạch. Điều an ủi duy nhất của bé là “cơm rất ngon” (chế độ ăn uống có hàm lượng dinh dưỡng rất cao so với các bạn đồng lứa bên ngoài). “Dù sao ở đó nó cũng có cơm để ăn. Gia đình tôi nghèo quá” – mẹ bé tâm sự về việc phải cho con rời gia đình quá sớm(*).

Trước các phương tiện thông tin, các VĐV Trung quốc không tiết lộ bất cứ điều gì bất lợi cho “lò rèn”. Họ được dạy khi bị phỏng vấn phải giữ nét mặt bình thản, không để lộ điểm yếu, không để lộ mình đang bị đau đớn. Không một ai biết “lò rèn” vận hành như thế nào.

Ủy ban Olympic Quốc tế hứa hẹn sẽ làm rõ các cáo buộc về việc Trung quốc bắt trẻ em rời xa cha mẹ từ quá nhỏ và chúng phải thực hiện các chương trình tập luyện quá hà khắc, thậm chí bị đánh đập. Tuy nhiên, sau 7 năm, Ủy ban này không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào.
 
Một hai năm gần đây, trên internet xuất hiện những hình ảnh VĐV nhi đồng Trung quốc khóc trong đau đớn khi tập luyện, đã cho thấy cách huấn luyện của họ. Các bé được dạy rằng, nhiệm vụ duy nhất của chúng là đánh bại Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.

Rồi một số ít VĐV đã phá vỡ sự im lặng. VĐV bơi lội Lục Huỳnh (23 tuổi) có thể sẽ không an toàn khi trở về nhà, vì cô đã phát ngôn rằng cô thích chương trình tự do tập luyện và thú vị ở Úc, nơi cô được đến tập huấn trước giải Olympic. VÐV bơi lặn Guo Jingjing từ giã thể thao ở tuổi 29 với thành tích 4 huy chương vàng Olympic. Cô cho biết cô không muốn chuyển qua huấn luyện viên bởi tính tình cô mềm mỏng, không đủ nghiêm khắc!!

Những bộ môn khác cũng không ngoại lệ. VÐV chạy marathon Ngải Ðông Mai thường xuyên bị huấn luyện viên đánh đập. Mẹ của VĐV đua thuyền Dương Văn Quân, huy chương vàng Olypic 2004 và 2008, nói: “ Nếu điều kiện gia đình khá hơn một chút, tôi đã không để nó theo nghiệp thể thao(*)”.

Các VĐV đã tố cáo về các chương trình tập luyện khắc nghiệt mà họ phải tuân thủ, nhưng không được bảo đảm về cuộc sống sau này một khi sự nghiệp kết thúc, hoặc khi không gặt hái được thành công, hoặc sau khi bị tai nạn nghề nghiệp. VĐV thể dục dụng cụ Trương Thượng Vũ nhập “lò rèn” lúc 5 tuổi, 12 tuổi được vào đội tuyển Quốc gia, đã bị đứt gân A-sin trong huấn luyện. Giải nghệ, cậu được “trợ cấp một lần” 38 ngàn NDT (5.950 USD) và không thể tìm được việc làm. VĐV Dương Văn Quân xin thôi việc nhưng đã bị đe dọa sẽ mất lương Hưu nếu không chịu tiếp tục nghiệp thể thao.

Theo báo chí Trung quốc, hiện họ có khoảng 50.000 VĐV chuyên nghiệp, mỗi năm có ít nhất 3.000 người giải nghệ, và gần 80% trong số 300.000 VĐV giải nghệ phải đối mặt với nguy cơ không tìm được việc làm, bệnh tật, nghèo khó.

Các VĐV còn phải sử dụng chất kích thích. Năm 1994, họ giành được 14 trong 16 huy chương vàng bơi lội tại Rome. Nhưng sau đó, tại giải đấu của khu vực châu Á, 11 VĐV nước này đã bị phát hiện dương tính với chất kích thích cấm sử dụng (testosterone) và đã bị tước 9 trong tổng số 23 huy chương vàng. Năm 1998 người ta tìm thấy 13 lọ hormone tăng trưởng dành cho người (đủ để dùng cho cả đội) trong túi một nữ VĐV bơi lội Trung Quốc tại sân bay Sydney. VĐV bơi lội Lý Triết Tư (16 tuổi) bị bắt quả tang dùng chất kích thích (gọi là EPO) gây tăng trưởng tế bào hồng cầu nhằm cải thiện khả năng hấp thụ oxy.

Trở lại với Guo Jingjing và Schneider. Guo bị “khiếm thị nghiêm trọng do phải luyện tập cực kỳ khổ ải từ năm 6 tuổi, khi võng mạc chưa phát triển hoàn thiện”. Schneider bị “bệnh cứng cơ bắp, nhịp tim bất thường, cholestorol cao bất thường và bị đau lưng liên tục, khả năng sinh nở có vấn đề”.

H: Xem hình, tôi cứ thẫn thờ nghĩ rằng, tối nay bé sẽ bật khóc: “Mẹ ơi, con không thích ăn cơm ngon nữa đâu”.
(*) Khi gặp nhau, người dân các nước thường chào “anh khỏe chứ”, còn người dân nông thôn Trung quốc vẫn chào “anh đã ăn cơm chưa” (Nì_sư_phan_lờ_mấy_zẩu).