Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lặn vo bắn cá ở sông Nhật lệ

(Bài của một phóng viên, trích)

Các con sông ở miền trung tuy không sâu nhưng sự biến động dòng chảy rất phức tạp và ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm cho thợ lặn chuyên nghiệp. Lặn ở các sông này phải có những kỹ năng chuyên biệt (lời anh Cù Sinh Huy – Sỹ quan Không quân, nguyên thợ lặn vo kiếm sống bán chuyên nghiệp ở Hà tĩnh).

Khi tôi (phóng viên) tò mò tìm hiểu về nghề săn cá, Vượng, 23 tuổi, với thâm niên gần 10 năm trong nghề săn cá, cho tôi xem: Chỉ gồm khẩu “súng” gỗ thon dài cỡ 80 cm, nặng chừng một kí. Hai phần ba thân súng phía đầu nòng cột bốn sợi thun “dép râu”, đuôi súng có một thanh hãm làm cò. Hai mũi tên nhọn hoắt, nhỉnh hơn chiếc đũa ăn, dài một mét, bằng inox. Mũi tên có ngạnh sắc dùng để bắn cá dưới 10 kí, còn mũi tên không có ngạnh dùng để bắn cá to hơn. Sợi dây thép nhỏ cột vào đuôi mũi tên, có gắn hai cục phao to bằng hai nắm tay làm hiệu, để khi tên găm vào cá, nó bỏ chạy, nhưng với sợi dây cột vào mũi tên, chúng sẽ không thoát. Ngoài ra là chân nhái và kính lặn.

Với dụng cụ này, Vượng đã hạ không biết bao nhiêu cá. Tuệ, em trai Vượng, phụ việc kiêm học nghề, cho tôi hay, Vượng là thiện xạ số một và kình ngư số một trong nghề này. Vượng chính thức kế nghiệp bố kể từ sau khi ông bố qua đời. Vùng Quán Hàu ai cũng biết đến tài bơi, lặn của anh. Hơi lặn của Vượng làm người trên bờ cứ tưởng anh đang trải chiếu nằm dưới đáy sông. Tôi hỏi sao không dùng bình ôxy, Vượng nói “mang bình ôxy bị dòng chảy cản dữ lắm, chỉ có nước lặn “tay bo”, với lại dùng bình ôxy sẽ tạo bong bóng khí nên cá sợ bỏ chạy”.

Vượng thích chinh phục độ sâu của sông. Khu vực nước càng sâu, càng tĩnh lặng thì càng có nhiều loài cá to trú ngụ. Làm nghề này chẳng phải ngày nào cũng gặp cá vì phải bám vào con nước. Khi nước đục sẽ không thấy cá và bắn không chính xác. Bắn trượt sẽ kinh động bầy cá, lần sau gặp lại chúng sẽ bỏ chạy.

Anh đã nhiều lần hạ được cá hàng chục kí. Năm kia (2005) hai anh em Vượng vòng đường biển đến cầu sông Gianh, sâu 5 sải nước, nằm phục dưới mố cầu gần nửa ngày mới hạ được chú cá trồi (cá vược) nặng 35 kí, phải vật lộn gần một giờ mới lôi được nó lên thuyền. Vượng nói, cá vài chục kí trúng tên có thể kéo thuyền đi hàng chục mét. Những vực sâu, bến cảng ở Quảng Bình, Vượng đều đã lui tới. Săn ở vùng Thanh Khê, sông Gianh, là đã nhất. Ngay dưới chân cầu Gianh, cá to và hầu hết là những loài có giá cao như cá nâu, cá vược, cá hênh, cá hồng. “Ở đấy không gặp thì thôi, chứ gặp thì phải cỡ 20 – 30 kí trở lên, đưa được một con lên bờ có giá vài ba triệu chứ ít đâu. Vả lại “đầu ra” lúc nào cũng thuận lợi, đám nhà hàng giành nhau mua”.

Còn sông Nhật Lệ thì không đâu họ không tới. Khúc sông dài gần 20 km có cá 2 – 3 kí, đôi khi 10 –15 kí. Khu vực quen thuộc là chân cầu Quán Hàu, ngã ba Trần Xá, hay ngược lên sông Đại Giang ngay chân cầu Long Đại. Những loài cá to chỉ thích môi trường yên tĩnh, ở quanh các mố cầu, các hang hốc, vực sâu, nên phải mất nhiều sức. 

Anh kể lại những tình huống oái oăm: … Khi gặp cá quá to, nó cứ nhìn trừng từng vào mũi tên, đối mặt nó thậm chí bị “khớp”, trong khi mình phải đến thật gần. Cá cỡ trên 15 kí bị tên găm vẫn vùng vẫy chạy thoát. Con cá chạy quấn vào đá, cứa đứt sợi dây, thế là “xôi hỏng bỏng không” ... Tối kỵ khi bắt cá vược là không để tay vào mang của chúng, cái mang sắc ngọt như dao, có khi cứa đứt lìa bàn tay ... Cá bị trúng tên rồi thế nào cũng chết, nhưng mất công bám theo chúng. Cá mà thoát, nếu vào chài lưới nhà nào thì nhà đó hưởng. Cá mình bắn có mũi tên làm chứng hẳn hoi, nhưng mà chim trời cá nước, ai gặp nấy hưởng.


Hình: Sát thủ lặn vo bắn cá.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Cảm nghĩ về lặn scuba giải trí

(lời góp của bạn lặn)

Thợ lặn thứ nhất:

Tôi Montreal. Tôi là một quản trị viên khá thành công trong ngành công nghiệp IT sân bay. Tôi có hai con, đứa lớn 25 đứa bé 18 tuổi. Niềm đam mê của tôi khúc côn cầu, bóng đá, khiêu vũ, và cuối cùng, nhưng chắc chắn không hề thua kém, đó là lặn scuba.
Trước kia, tôi cho là mình quá bận rộn nên không thể dành thời gian cho thể thao. Nhưng nay tôi đã quyết định phải thêm một chút gia vị cho cuộc sống, cũng để cân bằng trong công việc ngày thường.

Thợ lặn thứ hai:

Tôi đã thấy rằng chúng ta có niềm đam mê chung, đó là lặn scuba.

Sau khi
lanh quanh tìm hiểu để cố gắng tìm được một cái đó mới, tôi đã đến với môn lặn scuba, cùng với những kinh nghiệm tuyệt vời, thú vị và chắc chắn một đề tài thường xuyên mỗi khi chúng tôi tới văn phòng. Một người bạn của tôi cuối cùng đã thuyết phục được tôi. Rồi chúng tôi tham gia và hoàn thành khóa học lặn (rất quan trọng phải không, các bạn). Chúng tôi đã trải qua nhiều giờ học thú vị và quan trọng. Chúng tôi đã thở hơi đầu tiên dưới nước, tại hồ bơi, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Một cảm giác thật đặc biệt.

Dưới độ sâu 60 feet, tại vùng Saint Lawrence Seaway Canada, chúng tôi khảo sát một xác tàu đắm. Nó đứng yên lặng, trong vinh quang bất diệt. Chúng tôi khảo sát chiếc Gaskin Robert, một xà lan bằng gỗ mà số phận của nó đã bị định đoạt vào năm 1889. Nó vẫn còn nguyên vẹn. Vậy đó, chúng tôi đã lặn với nhiều loại hình khác nhau, mà một c thực thụ cũng không thể có nhiều sự kiện tới như vậy.

Trong những năm qua, kể từ
khi có bằng lặn, chúng tôi đã lặn Carribean, Mexico và một số vùng nhiệt đới khác trên thế giới. Và trong cùng thời gian đó, chúng tôi đã cảm nhận được những cách sống, và cảm nhận các nền văn hóa của những địa phương mà chúng tôi đã tới.

Chúng tôi có mục tiêu dài hạn là đầu tư điều hành một câu lạc bộ lặn một nơi nào đó trong vùng biển Caribbean, nơi mà chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ hội để gặp các bạn trong một ngày nào đó.đến thời điểm đó, chỉ cần thế thôi là chúng tôi đã đủ để để chia sẻ niềm vui của lặn scuba, và tiến hành những cuộc du lịch giao lưu giữa chúng tôi với các bạn. Chúng tôi cũng hy vọng kinh nghiệm lặn của chúng tôi và của các bạn sẽ được thông tin giá trị cho nhau.

Hình (không liên quan bài viết): Thợ lặn và phi công vũ trụ - ai khoái hơn ai? 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Một chút về biển Nha trang

(bài của anh Đỗ Nghĩa)

Giang Bay cách Nha Trang chừng hơn bốn chục cây số về phía Tây Nam. Đó là một điểm du lịch mới được đưa vào chương trình được vài năm nay. Khu du lịch Giang Bay gồm một tổ hợp du lịch đang được hoàn thiện trên điểm nhấn là dòng thác Giang Bay, nơi thượng nguồn của con sông Cầu.

Ai ơi chớ nhầm lẫn thị xã Sông Cầu ở gần đó của tỉnh Phú Yên, hàng xóm Khánh Hòa và cũng không có bà con với con sông Cầu nước chảy lơ thơ của xứ quan họ Kinh Bắc. Dòng thác Giang Bay nằm giữa khu rừng nguyên sinh nơi những người dân tộc Raglai sinh sống thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, hòa cùng các dòng suối khác làm nên con sông Cầu, đổ về sông Cái rồi chảy qua thành phố Nha Trang xinh đẹp để ra nơi cửa biển.

Tới Giang Bay, du khách có một vài thú vui như câu ở trại cá sấu nước ngọt, là câu giỡn chơi cho cá sấu ngáp và cười, hoặc coi đua heo, hay chơi với đám đà điểu, xem trại gấu ở đây nuôi đã từ lâu. Bạn cũng được thưởng thức giàn nhạc dân tộc, đàn đá Khánh Sơn hay ngồi quán ven suối nhâm nhi thịt cá sấu, thưởng thức món đà điểu của nơi đây nuôi được. Các bạn trẻ lên tới đỉnh thác, kiếm một tảng đá lớn bày ra những món ăn ta mang theo từ nhà và cây đàn ghi ta để hội hè. sau rồi thả mình dưới hồ nước trong mát dưới kia. Khỏe mạnh và ưa khám phá, ta đi sâu thêm vào khu rừng nguyên sinh tìm hiểu các loài thảo mộc, để bất chợt nghe tiếng chim gọi bạn và những tiếng ve chợt rộ lên thưa thớt cuối mùa Hè. 

Dòng thác Giang Bay không lớn lao hùng vĩ, đủ làm một chỗ vui chơi, thư giãn. Nếu được khai thác thêm, tiềm năng khu du lịch Giang Bay còn có nguồn suối nước nóng, nước khoáng và tắm bùn hay những khám phá trong khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn đằng xa kia, khu du lịch này sẽ là hấp dẫn.

Đi ca nô sau mười phút từ cảng Cầu Đá là ra tới Hòn Tằm, hòn đảo mang hình dáng một con tằm quay đầu ra biển, nên được mang tên vậy. Hơn mười năm trước là đảo hoang, nay Hòn Tằm được đầu tư thành một khu vui chơi và nghỉ dưỡng hợp lý.

Ai đó ham mê khám phá đại dương thì đi lặn biển. Có thể lặn biển ở đâu đó, nhưng tốt nhất ta đến Hòn Mun, nơi nước sâu, xanh ngắt và có những vỉa san hô cùng nhiều sinh vật biển. Mang vào mình một bình khí, choàng thêm chiếc thắt lưng chì nặng trĩu, mang kính lặn vào rồi lao xuống đại dương sâu hút để ngắm nhìn những đàn cá muôn vàn màu sắc bơi lội tung tăng quanh mình. Ta sẽ phát hiện được lòng biển khơi thật là sặc sỡ và kỳ ảo. Những dải san hô đủ màu loe ngoe và các chú cá con bạo dạn, coi ta như bạn. Nhưng ai ơi, nhớ tránh ve vuốt giỡn đùa những nàng san hô sặc sỡ ấy nhiều bởi đôi khi sẽ gặp cô nàng khó tính, gây ngứa cho ta. Ngày biển êm, thích nhất là lấy một chiếc thuyền kayak bơi đi chơi tung tăng ra thật xa. Mệt rồi, ngả lưng trên thuyền, thả mình giữa vịnh ngắm trời mây, chỉ mình ta với trời với nước, không một tiếng động đời. 

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bơi lội – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P4)

(bài của anh misamainguyen, (tiếp theo)

Mỗi một nhịp quạt tay cần có một pha nghỉ :

Hãy nhớ: ĐÂY LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT. Đôi vai bạn hay bất cứ cơ phận nào, ngoài cơ tim, đều không thiết kế cho việc vận động liên tục 2-3 giờ đồng hồ. Kể cả cơ tim cũng có pha (phase) nghỉ của nó. Hãy nhớ rằng: Dù bạn bơi sải, ếch, hay kể cả bướm, cũng phải có ít nhất một pha nghỉ dù chỉ trong 0,5 giây – đó là lúc cơ phận của bạn hoàn toàn thả lỏng. Khi có pha nghỉ này thì dù bạn vận động cả tiếng đồng hồ bạn vẫn thấy bình thường, nếu không chỉ 5 phút là hết chuyện – bạn cứ thử giơ ngang tay 5 phút là thấy rõ.

Khi bơi ếch, bạn dễ dàng tìm thấy pha nghỉ này, đó là ngay sau khi bạn quạt tay, tay giơ ra phía trước và tập trung cho chân đạp ếch. Nhưng bơi sải thì hơi khác, VẬY PHA NGHỈ CỦA TAY SẢI NẰM Ở ĐÂU ? Nói luôn cho dễ nhớ: đó là khi tay của bạn vươn thẳng ra hết phía trước và nằm ngay song song mặt nước. Lúc đó bạn đừng quạt (ôm nước) ngay, mà hãy mặc kệ, hãy thả lỏng toàn bộ cánh tay (vẫn duỗi thẳng nhé), khi đó cánh tay bạn sẽ chìm dần xuống nước (trong khi tay kia đang bắt đầu quạt và ôm). Khi tay bạn chìm trong nước tạo thành một góc 45 độ là lúc thích hợp nhất để ôm nước vào rồi đó. Trong 4 pha của tay, bạn đã có 1 pha nghỉ, cánh tay đã tái sản xuất sức lao động đầy đủ, sẽ phục vụ bạn tận tình và trung thành trong 3 pha kia.

Đây là điều quan trọng nhất trong bơi sải: BẠN PHẢI TÌM ĐƯỢC 1 PHA NGHỈ để cơ tay hồi phục, hay làm chính xác (như tôi nói ở trên) thì bạn sẽ không bao giờ phải lên internet hỏi rằng "tại sao tôi luôn bị mỏi vai khi bơi sải ?". Tất nhiên bạn sẽ mỏi, nhưng là sau khi bơi 2 km đàng hoàng ở bể và đã về nằm nghỉ ở nhà trước bữa cơm tối
.

Nói thêm vê quạt tay sải: Quạt sải gồm 4 pha (phase) tính từ lúc tay thẳng hoàn toàn ra phía trước:

- PHA 1: THẢ CHÌM TAY (pha nghỉ) tay thả chìm dần trong 1,5-2 s đến khi tạo thành 1 góc 45 độ so với phương mặt nước.
- PHA 2: ÔM NƯỚC: khi cánh tay thẳng tạo thành 1 góc 45 độ so với cơ thể (cũng là mặt nước) rồi, thì cổ tay giữ thẳng, bàn tay khép, khủy gập, tay ôm mạnh về phía bụng, kéo nước từ đầu xuống bụng, đến ngang rốn.
- PHA 3: VUỐT NƯỚC: Khi tay ôm đến ngang rốn, bàn tay sát gần rốn nhất, thì tiếp tục duỗi thẳng khủy, vuốt nước ra sau đến khi bàn tay sát với hông - xương chậu, hoặc đùi.
- PHA 4: VƯƠN TAY: ngay sau khi tay ở vị trí hông - đùi, thì rút tay rời khỏi mặt nước, mũi bàn tay LƯỚT trên mặt nước chạy thẳng tới trước trán 10-20 cm rồi duỗi thẳng trên mặt nước.
- TIẾP TỤC PHA 1.

Lưu ý: trong tất cả các pha, chỉ vai và khủy tay gập, cổ tay luôn giữ thẳng, bàn tay khép (như bàn tay người lính trong tư thế chào cờ). Mỗi khi cảm thấy mỏi vai, hãy nhớ cho vai thư giãn hoàn toàn trong pha 1 (bằng 1/4 thời gian vận động), bạn nhé.

Nếu bạn đã đọc đến đây, trước khi sang phần phụ (sẽ đăng, với tựa đề: 
CÁC KỸ THUẬT CẦN CÓ KHI BƠI ĐƯỜNG DÀI ), vui lòng đọc kỹ lại
ba kỹ thuật trên, và khi đã nắm vững được, bạn hoàn toàn có thể cải thiện được quãng đường bơi của mình gấp 5 hay 10 lần. Tất nhiên phải ít nhất 3 buổi vất vả để tự điều chỉnh.

Ba điều trên chính là nội dung Key của bài viết này, quan trọng đến mức tôi buộc phải nhắc lại một lần nữa:

A. ĐÔI CHÂN THÍCH ĐẬP THÌ ĐẬP KHÔNG THÍCH ĐẬP THÌ THÔI.
B. KHI MỆT NGHĨA LÀ BẠN ĐANG THIẾU OXY.
C. MỖI 1 NHỊP QUẠT TAY CẦN CÓ 1 PHA NGHỈ.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tướng Giáp


Người nước ngoài gọi tướng Giáp là ngọn núi lửa phủ băng tuyết.
Người dân Việt gọi tướng Giáp là ông Thánh.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đường qua biển - Hiện tượng đặc biệt của tự nhiên

Đường qua biển – Điều kì diệu tưởng như chỉ có trong kinh thánh.

Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này đều đặn diễn ra tại Hàn Quốc. Hai lần trong năm, thủy triều sẽ xuống thấp đặc biệt, và một dải dất dài 2,8 km, rộng 40 mét lộ ra, hình thành một “con đường” nối hai đảo Jindo và Modo với nhau trong vài giờ. Người ta có thể đi bộ trên “con đường” này.

Theo truyền thuyết của Hàn Quốc, ngôi làng ở Jindo bị cọp dữ tấn công và người dân phải chạy sang đảo Modo ẩn náu. Tất cả đều đã ra đi, trừ một bà cụ già bị bỏ rơi. Trong cơn tuyệt vọng, bà cầu nguyện, và ông trời của người Hàn quốc đã tạo ra con đường nối liền hai đảo để giúp bà thoát nạn.

Cây cầu của Rama.

"Cây cầu của Rama” hay “Ram Setu” hay “cây cầu của Adam”, nối liền Tamil Nadu, Ấn Độ, với Mannar, Sri Lanka. Người Ấn Độ nói rằng “cây cầu” dài 48 km này đã 17.000 tới 25.000 năm tuổi. Biển tại vị trí đó rất nông, chỉ từ 1 tới 10 mét tùy theo mùa.

Công trình huyền thoại này nay một dải đá vôi và bãi cát ngầm chỉ nhô lên khi thủy triều xuống. Theo những văn bản ghi chép tại những ngôi đền, con đường nổi thiên nhiên này trước kia đã tồn tại, nhưng đã bị một cơn bão mạnh (có thể là một cơn lốc xoáy) năm 1480 phá huỷ.

Nền văn minh Ấn độ ra đời khoảng 7.000 năm, cùng thời đại của những nền văn minh xuất hiện sớm, như Lưỡng Hà, Ai cập, Trung hoa. Tuy nhiên người Ấn Độ không chấp nhận quan điểm đó. Theo họ, nền văn minh Ấn Độ đã bắt nguồn từ những thời đại vô cùng xa xôi, vượt xa tất cả những trí tưởng tượng phong phú nhất của Tây phương.


Sử thi Ramayana của Ấn Độ nói về “chiếc cầu Rama”: Từ xa xưa, vua Rama đã xây một cây cầu bằng “đá nổi”, vượt qua eo biển để tấn công vua Ravena nhằm giải cứu nàng Sita, vợ của Rama bị Ravena bắt cóc. Ravena là kẻ tham lam vô độ, bị ám ảnh bởi sự giàu sang và quyền lực, chìm đắm trong dục vọng. Một cuộc chiến lớn đã diễn ra, và cuối cùng Rama đã chiến thắng, cứu được nàng Sita. Câu chuyện trở thành một biểu tượng chiến thắng của cái Tốt trước cái Xấu, cái Thiện trước cái Ác, của Ánh sáng trước Bóng tối.


H1. Đường qua biển ở Hàn quốc. 
H2-3. Đường qua biển ở Ấn độ.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Cân bằng, thăng bằng và những kẻ không bình thường

Từ lời góp của ba huấn luyện viên (HLV) về một số mẹo lặn scuba, tôi xin trích về chuyện cân bằng và thăng bằng của thợ lặn, để bạn đọc tham khảo.

Cân bằng (cân bằng trung tính, Buoyancy).

Kỹ năng cân bằng giúp thợ lặn (Diver) ở trong trạng thái lơ lửng trong nước mà không cần sự tích cực của họ, nhằm giữ cho cơ thể của họ không nổi không chìm.

Để cân bằng thì một trong các việc cần làm là lặn với một BCD xẹp và một trọng lượng chì tối thiểu – ở mức mà cấu trúc của cơ thể Diver cùng các thiết bị mà họ đang sử dụng chấp nhận: Đeo đầy đủ trang, thiết bị và bình lặn đầy khí, bạn xuống nước, xả hết khí trong BCD, không cụ cựa, không hít thở sâu. Nếu chìm tới mức ngang trán thì chì của bạn đã vừa đủ. Bạn đã “cân” xong.

Nếu bạn xài bình lặn vỏ thép thì có lẽ ổn rồi, vì độ nổi khi rỗng của bình thép luôn luôn âm, nhưng với bình nhôm thì chưa chắc, bởi nó có độ nổi dương khi gần hết khí. Cụ thể bình thép 12 lít có sức nổi khi rỗng là -1,2 kg, bình nhôm AL80 (11 lít) có sức nổi khi rỗng là +1,8 kg.

Do vậy, HLV khuyên nên “cân” ở độ sâu 5 mét với bình lặn gần rỗng. Bạn cứ việc rong chơi dưới đáy biển với lượng chì mà bạn đã quen thuộc, và dừng ở độ sâu 5 mét, cho tới khi bình lặn còn chừng 50 bar, thì tiến hành “cân”: Xả hết khí trong BCD, bạn bớt một cục chì 0,5 kg và cảm nhận sự cân bằng trong một phút. Bạn tiếp tục bớt/thêm chì và cảm nhận trong một phút cho mỗi lần, cho tới khi đạt được cân bằng. Bạn đã “cân” xong.
Nếu bạn không sẵn cục chì 0,5 kí cùng bình lặn gần rỗng, thì bạn có thể “cân” bằng cách “đối chiếu ảo/cảm nhận” với cục 1 kí, với sự hỗ trợ của Divemaster.

Nhưng tại sao nhiều Diver chỉ cần “cân” ở bề mặt là ổn rồi? Theo HLV, với Divers có cấu trúc cơ thể “không bình thường” (những kẻ “nằm ngoài” thống kê của giáo án) sẽ phải chấp nhận nhiều thủ tục hơn so với Divers có cấu trúc cơ thể “phổ cập” (những kẻ “nằm trong” thống kê của giáo án). Ngoài ra, HLV khuyên mọi Diver nên “cân thêm” ở độ sâu 5 mét thì mới hoàn toàn “ăn chắc”.

Thăng bằng (trim).

Thăng bằng là việc cơ thể Diver nằm ngang bằng trong nước một cách tự nhiên, tức bạn không cần nỗ lực điều chỉnh “cái sự thăng bằng” của mình. Trong lúc lặn mà lúc nào cũng đầu cao chân thấp (trừ phi có lí do “chính đáng”) thì bạn sẽ không hoàn toàn được thoải mái.

Tại sao bạn lại không thăng bằng? Những Diver có trọng tâm nằm ở vùng thắt lưng và họ đeo chì ở đó là ổn, nhưng có khối kẻ đeo vậy thì bị “ngỏng đầu”, tức trọng tâm của anh này bị “xích lên” phía đầu (do cấu trúc cơ thể của anh ta chứ nào phải tại lỗi của anh ta).


Với Divers này, HLV khuyên họ hãy tự xác định trọng tâm của mình. Theo nguyên lý về mô men trọng lực hay lực đòn bẩy, thì “một pound chì đặt ở vị trí sai sẽ tác động rất lớn về thăng bằng của thợ lặn”: Thay vì đeo tất tật chì ở vùng thắt lưng, bạn lấy ra một cục 0,5 kí (kẹt quá thì đành 1 kí vậy) và giữ nó trong lòng bàn tay. Trong khi rong ruổi, đầu tiên bạn giữ cục chì này ở vùng thắt lưng và cảm nhận trong một phút để “ôn lại chuyện cũ”. Rồi bạn đưa lên vùng ngực và cảm nhận trong một phút, rồi ngang mặt, rồi duỗi thẳng cánh tay về phía trước.


Khi đã cảm nhận được sự thăng bằng và không thăng bằng tại các vị trí khác nhau, bạn hãy nghĩ cách chuyển một số chì lên phía trên. Chuyển tới vị trí nào và chuyển bao nhiêu chì sẽ do bạn tự quyết.

Lời góp của NST: Cục chì cần dịch chuyển sẽ gá vô chỗ nào? Vị trí thấp nhất chính là đai chì đeo ở vùng thắt lưng, và (tùy từng loại BCD) cao hơn chút xíu là 2 túi chì “dễ dàng giật ra trong tình huống khần cấp” nằm hai bên sườn của BCD; cao hơn nữa là 2 túi chì nằm phía sau lưng của BCD (túi đựng chì “dằn BCD”); cao hơn nữa thì BCDs đều … hết túi. Với những BCD có 2 đai gá bình lặn thì bạn có thể đeo túi chì (tự chế) vào đai phía trên. Muốn cao hơn nữa thì … từ từ tính tiếp.

Lời kể của HLV Hùng: Có lần HLV Hùng dẫn một “cô tây” đi lặn. Cô này có cơ thể thấp bé nhưng đeo cả chục kí chì, trong đó 2 cục đeo trên vai (HLV Hùng không để ý là cô ta gá vào vai bằng cách nào), 2 cục đeo đâu đó ở vùng ngực, số còn lại “bỏ tùm lum” vô các chỗ khác. Với hàng trăm cú lặn và nhiều cú lặn thâm nhập (coi Dive Log), ắt hẳn cô ấy đã cân đo đong đếm chì khá tỉ mỉ rồi. Ảnh tiếc là không chụp hình vị khách này để kỉ niệm về một thợ lặn “không bình thường”.

H1-2: "tút se" (bao đạn) cuối cùng của người lính cuối cùng (vui).
H3: Diver này đeo chì ở đâu ta (vui)?