Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Lặn vo giải trí bắt bào ngư


(bài của Mr.Bord, trích)

Marco, một thành viên “lặn vo bắn cá” nói: “Một ngày lặn bắn cá tồi tệ luôn luôn tốt hơn so với một ngày làm việc tốt đẹp tại nơi làm việc”.

Con đường chạy dọc theo bờ biển với nhiều khúc cua cùi chỏ quanh co, một bên là vách núi cao và bên kia là vực biển, có nơi trên 1.000 mét. Cảnh vật rất đẹp và hùng vĩ. Tiếc là tôi không ghi lại được vì lúc đi thì trời còn tối, còn lúc về thì bỏ camera ở sau xe. Sau 3 giờ lái xe, chúng tôi đến mũi Arena, San Francisco, một cảng nhỏ và giống một cảng cá hơn là một điểm đỗ tàu cho dân câu. Ở đây không có bến tàu, mà thay vào đó là một cần cẩu khá lớn (tải trọng 5 Ton) để cẩu tàu của bạn từ xe kéo và thả xuống biển và câu tàu của bạn từ biển đặt lại vào xe.

Theo luật California, để bắt bào ngư, bạn phải mua thêm giấy phép giá 20 usd. Một năm bạn chỉ được bắt 24 con và một ngày không quá 3 con với size từ 7 inches trở lên. Nếu đem chúng lên mặt nước, đo không đủ kích thước, thì bạn không thể quăng nó xuống biển, mà phải lặn xuống để đặt nó lại chỗ cũ. (Biết đâu các “anh hai” đang dùng ống dòm theo dõi bạn từ xa, nếu bạn phạm quy thì bị phạt tới 600 usd/con và cứ thế mà nhân lên). Lặn bắt bào ngư tất nhiên là freediving (lặn vo).

Chúng tôi chuyển dụng cụ qua tàu câu, mặc bộ đồ lặn và ra khơi. Khi ra đến nơi mới thấy việc bắt bào ngư là gian nan, nguy hiểm hơn sự hiểu biết của tôi rất nhiều. Điểm bắt bào ngư là một bãi rong biển rất lớn. Bạn phải len lỏi trong bãi rong ở độ sâu khoảng 6 – 9 mét nước tìm những con bào ngư đủ size và đưa lên tàu. Thời tiết hôm nay, đúng là trời không chiều lòng người, biển động, sóng cao từ 2,4 – 3 mét, mưa phùn với nhiệt độ trên bờ khoảng 14 – 15 độ C và dưới đáy biển khoảng 4 – 5 độ C. Gió to và lại là Mix waves, nên tàu bị lắc lư mạnh và nước biển khá đục. Thời tiết này không thuận lợi cho lặn biển. Có thể đột ngột xuất hiện vùng xoáy hay sóng ngầm trong khi trên mặt biển vẫn lặng – rất nguy hiểm cho thợ lặn. Nếu bạn bị cuốn vào đám rong dầy đặc thì coi như “xong film”, vì bạn lặn không có bình dưỡng khí. Nếu thiếu kinh nghiệm, không chừa chút hơi thở cuối cùng cho các bất trắc thì lúc đó bạn có thể phải ở lại mãi mãi trong lòng đại dương ... (Có thể tác giả đã không lặn vào hôm đó, một ngày mà thời tiết nguy hiểm cho thợ lặn giải trí nghiệp dư – NST). 
H: Cá đuối Malta với sải "cánh" 7,5m.

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Chào mừng ngày Thống nhất đất nước!





                                                     

               Dịp lễ 30/4 - 1/5 này bạn đi lặn ở đâu?                                                         
                        Trường Sa nhé!

Bạn đã từng gặp Trai khổng lồ?





Trái ngược với điều một vài người thường nghĩ – Trai khổng lồ (Giant clams) không kẹp những thợ lặn cả tin! Những con trai khổng lồ có thể phát triển dài hơn 3 feet (1 m) và có thể sống ít nhất 70 tuổi. 
Bạn có biết rằng phần lớn loài trai khổng lồ là loài lưỡng tính? simultaneous hermaphrodites ( con vật có cả hai giới tính cùng lúc) Viên ngọc trai lớn nhất thế giới được tìm thấy trong trai khổng lồ và được bán ở New York với giá khoảng 10 triệu USD! Nếu như bạn lặn ở Great Barrier Reef rất có thể bạn sẽ thấy loài sinh vật đáng kinh ngạc này. Bạn đã từng nhìn thấy chúng khi lặn biển chưa? Ở đâu? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi


Theo: PADI trên FB.

Nguyên lý về Bơi chìm và Bơi nổi

(Bài của Phạm Anh Tuấn, trích)

Sai lầm của các giáo trình và phương pháp dạy bơi là tập cho ta sự “nỗ lực làm nổi”. Chính “nỗ lực làm nổi” đã tạo cho ta tâm lý “sợ chìm”, càng sợ bị chìm, ta càng dễ bị chìm hơn và ta sẽ dễ phát hoảng khi bị “chìm”. “Nỗ lực làm nổi” ban đầu được hỗ trợ bằng hai cái phao nhỏ đeo ở nách và một miếng xốp đeo ở lưng. Dần dần, khi đã quen, “nỗ lực làm nổi” sẽ được thay bằng các động tác liên hoàn để giữ cho cơ thể ta luôn nổi trên mặt nước. Đó là học bơi theo giáo trình.

Với tôi, “biết bơi” có hai thứ hạng là bơi nổi và bơi chìm.

“Bơi nổi” là cách bơi mà bạn được học khi đăng ký học bơi. Đối với những người này, dù đã biết bơi(*), nguy cơ bị chết đuối ở trong tự nhiên vẫn cao như người không biết bơi, thậm chí cao hơn.

“Bơi chìm” là cách bơi mang tính nhận thức: Bạn phải hiểu được nước, phải hòa vào nước, đi trong nước, nghe trong nước, nhìn trong nước, bạn không cần nhiều nỗ lực để “làm nổi” lên mặt nước, ngoại trừ để hít chút không khí. Khi đã thực sự biết bơi, bạn sẽ thấy nước không hề nguy hiểm, mà trái lại, là một môi trường đầy quyến rũ.

Biết bơi theo hai nghĩa trên, giống như đối với một đứa trẻ, vừa phải biết cách học giỏi vừa phải biết cách sống tốt. Mà … thực ra, chỉ cần biết cách sống tốt đã là giỏi lắm rồi.

Tôi muốn bạn bắt đầu bằng sự “chìm”.

Ở một độ sâu vừa phải (do bạn chọn), bạn hãy thả lỏng cơ thể, hít một hơi vừa phải, nhắm mắt và buông người nằm sấp để cho cơ thể chìm tự nhiên trong làn nước.

Lần thứ hai, hãy hít một hơi dài hơn, và lặp lại như lần thứ nhất, nhưng bây giờ bạn hãy mở mắt ra, và thở ra nhè nhẹ để tự mình nhìn thấy những bọt khí nổi lên trong nước.

Lần thứ ba, cũng như vậy, nhưng hãy bắt đầu nhìn ra xung quanh bạn, hãy cảm nhận cơ thể bạn trong nước, hãy đưa tay ra để nhìn ngắm bàn tay mình, thử động đậy chân.

Bạn hãy lặp lại vài lần và sẽ nhận ra rằng mình “chưa hề chìm”, cho dù mình có buông xuôi tay chân và nằm sấp trong nước, cơ thể mình vẫn nổi. Nước sẽ đưa ta nổi lên, vô điều kiện.

Vậy “nỗ lực làm nổi” là không cần thiết. Khi đã làm quen với nước, bạn sẽ cảm nhận nó, như là không khí. Bạn ở trong nước và bạn nổi, điều đó tự nhiên như khi ta đứng trên mặt đất.

Việc còn lại của bạn là học cách hít thở và di chuyển bằng những động tác đơn giản, có thể học từ một con ếch.

Cách dạy bơi của tôi rất hiệu quả, vì những người được tôi dạy chỉ mất 30 phút để bơi và bơi rất tự nhiên, như đã nói ở trên, như người ta đi bộ.

Cho tôi lạc đề chút xíu:

Trong cuộc sống nói chung, con người đều được giáo dục để ít nhiều tập được tính “nỗ lực làm nổi”. Nhưng bằng những thành công và đẳng cấp cụ thể (mà đôi khi rất hư ảo), người ta không hề nhận ra “nỗ lực làm nổi” ấy là một sự lãng phí thời gian.

Cuộc sống cũng có qui luật như tự nhiên, mà chữ “tự nhiên” bản thân nó cũng nói lên được bản chất của cuộc sống rồi. Đôi khi, cứ sống tự nhiên thôi. Sống như cái cây ngọn cỏ, như con thú trong rừng. Bớt “nỗ lực làm nổi”, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?

Đừng sợ chìm, không chìm được đâu. Khi không cảm thấy bị chìm, khi cảm thấy mình tự nhiên nổi, thì mọi việc còn lại như hít thở, khua tay, đạp chân sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng.
(*) Tác giả coi những người biết bơi theo phương pháp “nỗ lực làm nổi” là người chưa hẳn đã biết bơi.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

ADEX 2012



Chấp hành nghị quyết buổi Cafe Scuba đầu năm, Coral và tui đã làm một chuyến đi đến Singapore để tham quan triển lãm Lặn biển châu Á; ADEX 2012 (Asia Dive Expo 2012). Khác biệt đầu tiên so với năm ngoái là địa điểm tổ chức. Các năm trước ADEX được tổ chức tại Khu hội nghị và Triển lãm SUNTECH - đi từ ga tàu gần nhất là Hall City đến đó cũng khá xa, lại lên lầu cao. Năm nay ADEX được tổ chức tại khu hội nghị và triển lãm mới tại tổ hợp khách sạn Marina Bay Sands, ngay tầng trệt dễ tìm. Tui tới bằng tàu điện, Coral chạy tới bắng taxi.

Chủ đề năm nay của triển lãm là cá đuối Manta Ray - Giống cá đuối khổng lồ có nhiều ở vùng Ấn Độ dương. Có nhiều bài báo cáo về các khía cạnh sinh học, bảo vệ môi trường và sinh thái của Manta. Như mọi năm, sẽ có một lượng hạn chế "Sách Xanh" về Manta được phát hành cho khách tham quan.
Có một hội nghị chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ ADEX 2012 là TEKDIVE Conference - Sự kiện này là sự kết hợp của tiểu ban ADEX và OZTeK, tập trung vào bộ môn lặn kỹ thuật.Diễn giả là các chuyên gia hàng đầu của ngành công nghiệp lặn kỹ thuật. Tui không nhớ chính xác lắm là để có thể tham gia hội thảo này, bạn phải mua vé tham gia hơn 100 $ Sing.
Triển lãm phân ra thành nhiều khu vực khác nhau: Khu chuyên về nhiếp ảnh, video dưới nước, khu du lịch lặn và nghỉ dưỡng lặn, khu các trang thiết bị lặn (nơi tui và Coral lượn lờ nhiều nhất). Khu giáo dục- đào tạo lặn biển, các Hiệp hội lặn, các tổ chức truyền thông, bảo vệ sinh thái...
Khách thăm ADEX có thể tiếp cận rất nhiều thông tin với mọi chủ đề liên quan lặn biển, nghệ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật lặn, trang thiết bị từ những thứ thông thường như chân nhái, kính lặn ống thở đến computer lặn tích hợp hệ thống khí với mặt hiển thị màu bằng công nghệ OLED sáng và nhiều màu sắc..
Tại đây bạn cũng có thể thăm khu vực hội thảo chuyên đề về Photo/Video để thấy được rất nhiều hoạt động rất thú vị và các báo cáo rất hứng thú của các nhiếp ảnh gia dưới nước hàng đầu như: David Doubilet, Michael Aw, Stephen Frink, Leandro Blanco, Shawn Heinrichs, Mathieu Meur and Aaron Wong. Các bài nói này đề cập bao gồm một phạm vi rộng các chủ đề về nhiếp ảnh và quay video dưới nước. Cơ hội tốt để bạn có thể tiếp cận các chuyên gia - nghệ sỹ ảnh hàng đầu và trao đổi vấn đề bạn quan tâm.
Coral và tui cũng không tham gia được nhiều vào các sự kiện, chỉ lượn các gian hàng mà chủ yếu tại khu vực trang thiết bị lặn.
Hiệp hội PADI



Coral tại gian hàng của Scubapro









Lựa chọn wetsuite





Lựa chọn fins







Khu vực báo cáo chuyên đề về nhiếp ảnh dưới nước.

Hai phần cơm gà ăn trưa chống đói.

Làm thủ tục mua một chiếc vỏ máy đa năng với giá giảm 1/2 so với bình thường.

Ban giám khảo đang chấm điểm vòng chung kết cho bức ảnh đẹp nhất

Một Diver đang trình diễn thao tác chuyển tư thế bình khí Nitrox nhờ hệ thống Tech System mới được chế tạo cho thợ lặn kỹ thuật.

Tới khoảng 5:00 chiểu thì tui và Coral đều mệt nhoài. Kết quả Cocal đeo một túi trang bị nặng oằn vai (chú ấy nói thế!). Tui "khim tốn" hơn, chỉ mua 1, 2 món nhưng nếu qui ra thóc thì cũng không kém đống đồ của Coral :D

Một ngày chỉ để lượn các gian hàng, rọ giá, so sánh tính năng, thử - tháo - thử - tháo....OK, mua! Không còn thời gian để tham gia mấy cái hội thảo về nhiếp ảnh dưới nước nữa. Hôm sau chủ nhật 16/4 - ngày cuối cùng của triển lãm ADEX, Coral và tui lên đường về nước.








Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Ván diều – Kite surfing

Một HLV môn ván diều nói (trích):

… Anh đã điều khiển được diều (ở trên bờ), anh đã có cảm giác đó rồi phải không? Bây giờ, khi đứng lên được trên tấm ván, anh lại có một cảm giác lạ nữa; khi anh chạy trên mặt nước, anh có một cảm giác lạ nữa; và khi anh điều khiển diều để nó nhấc anh lên khỏi mặt nước, anh lại có một cảm giác lạ nữa. Càng về sau, anh càng có nhiều cảm giác lạ. Khi anh đã nhào lộn được rồi, hoặc sau khi anh tập được một kỹ thuật nào thành công, thì cảm giác càng lạ nữa. Những cảm giác tuyệt vời!

Nếu không biết điều khiển diều sẽ nguy hiểm. Ở đây đã từng xảy ra tai nạn, nhưng chỉ bị thương nhẹ, vì ở bãi biển Mũi Né toàn là cát nên (khi bị té) không bị sao, ngoài những trầy sướt, hoặc bị dây diều cứa chân tay, thì chưa có trường hợp nào nặng. Công việc của chúng tôi là hướng dẫn cho người chơi các quy tắc an toàn.

Nhiều người cho rằng môn này là mạo hiểm và đòi hỏi nhiều kỹ năng; nhưng đó chính là yếu tố hấp dẫn, đó là cái làm cho người ta đam mê.

Đối với người Việt mình, môn thể thao này vẫn còn mới, vì mới du nhập khoảng 10 năm thôi. Người Việt mình tham gia môn này còn ít lắm, thứ nhất là sợ nắng, thứ hai là không biết bơi, trong khi môn này chỉ chơi được ở ngoài biển, mà ngoài biển thì vừa nắng vừa gió, và phải bơi nữa. Một phần cũng vì chi phí chơi môn này còn khá đắt với người Việt. Phải nhập từ con diều, ván, thanh điều khiển, ống bơm, đai, ...

Nhiều người Việt nam đã hỏi tôi và tôi đều giới thiệu cho họ, nhưng phần lớn họ không tham gia, vì thứ nhất là giá cả, thứ hai là sợ nắng gió, sợ đen. Hy vọng năm, mười năm nữa sẽ thay đổi, họ cần thể thao nhiều hơn, và sẽ tìm tới môn thể thao này. Theo tôi thì môn thể thao này rất tốt, lại thoải mái đầu óc nữa. Chơi môn này là vận động toàn thân cộng với trí não ...

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Lặn xuống Lỗ xanh. P3: Hai bức hình trong phòng khách

Chuyến thứ hai, chúng tôi đi xuống theo lộ trình như chuyến khảo sát, cho tới khi gặp vỉa đá đột ngột thụt vào. Chúng tôi lặn xuống dưới vỉa đá đó để bước vô “giáo đường” vĩ đại và bơi về phía các nhũ đá khổng lồ. Chúng lớn hơn bất kỳ một cây sồi nào mà tôi đã từng thấy. Một cảnh rất ấn tượng. Sự xuất hiện của thợ lặn sinh ra các bong bóng khí tạt vào nó, làm các hạt cát bắt đầu tách ra như tuyết rơi xung quanh tôi. Tôi chụp hình, đèn chớp liên tục. Kirk kêu tôi đứng cạnh cột đá để anh chụp hình. Sau đó, rất thận trọng để máy không rơi, chúng tôi đổi vị trí để tôi chụp cho anh ta.


Tôi tự nhủ phải thư giãn, thư giãn ... Những hang động ngầm khác còn có chút ánh sáng chiếu rọi từ trên xuống, nhưng ở đây là hoàng hôn vĩnh cửu. Tôi nhìn thấy nhóm lặn khác đang bơi men theo vách đá, trong bóng tối âm u. Không hề thấy bóng dáng cá hay thực vật nào. Tám phút trôi qua. Tôi chiêm ngưỡng nhũ đá và cảm thấy sự thô ráp của nó, lấp lánh ánh thạch anh.

... Kirk đặt tay lên vai tôi. Tôi quay lại, anh ta đưa cạnh bàn tay lên mặt – kí hiệu này chỉ có một ý nghĩa “có–cá–mập”. Nhìn ra khoảng không màu xanh nhờ nhờ, tôi đã thấy chúng. Đó không phải là lũ cá mập Báo lười biếng và overfed mà tôi từng thấy ở rạn san hô, mà là những con Cá Mập Xám to lớn, cường tráng, đôi mắt đen nhìn xoáy vào những kẻ xâm nhập. Chúng ở hơi xa cho một cú chụp hình bằng máy MX-10. Tôi muốn lại gần, tôi không sợ. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ thoải mái hơn với một đàn cá mập hơn là gặp một con đơn độc. Chúng dường như có kế hoạch riêng và trong kế hoạch của chúng không có tôi. Tôi đoán chúng là những con cá cái tới đây tìm nơi trú ẩn an toàn để sinh nở. Tuy nhiên, tất cả các giống cái khi đẻ con thường có xu hướng dữ tợn, vì vậy, tôi quyết định giữ khoảng cách. Tôi tin rằng chúng sẽ sớm nhận ra là gặp chúng tôi sẽ buồn chán và sẽ bỏ đi. Chẳng bao lâu chúng bỏ đi thật. Bóng chúng mờ dần như những hồn ma trong ánh hoàng hôn.

Mười hai phút đã hết. Chúng tôi bắt đầu đi lên, đi về nơi của ánh sáng mặt trời ngự trị. Tốc độ đi lên chậm rãi nhưng tai tôi vẫn không kịp cân bằng. Đầu tôi bắt đầu nhức như búa bổ, kết hợp với muốn ói ... Nhưng đi lên chậm cũng cho tôi nhiều thời gian chụp hình các chú cá lang thang. Bức hình treo ở phòng khách nhà tôi là hình tôi chụp khi đi lên: một con cá mập khổng lồ bơi trong chùm tia sáng rọi thẳng từ trên xuống, và một hình ảnh khác khắc sâu trong trí nhớ của tôi, đó là cảnh đàn Cá Mập Xám đang lui dần vào bóng tối vĩnh cửu. (hết)
H: hang Great Blue Hole.

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Địa hình carxtơ (cacxtơ, Karst) - "mẹ" của Blue hole

(trong diendankhienthuc.net, trích)

Chúng tôi đã giới thiệu về Blue hole (Lỗ xanh) - những hang carxtơ sụp nóc và đã nằm lại dưới đáy biển. Nay xin giới thiệu về sự hình thành địa hình, hang carxtơ – “mẹ” của Blue hole (Sinkhole).

Từ Carxtơ hay cacxtơ trong tiếng Việt là phiên âm của Karst trong tiếng Đức.

Carxtơ là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những vùng núi đá vôi bị nước chảy ăn mòn. Sự ăn mòn không phải do cơ chế bào mòn cơ học, mà do hóa học. Khí dioxit cacbon (CO2) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hyđrô (H+) tạo thành axít cacbonic. Axít cacbonic là thủ phạm chính trong quá trình ăn mòn đá vôi. Sản phẩm của quá trình phong hóa carxtơ là các hang động phức tạp với các nhũ đá đá, sông suối ngầm,...

Địa hình carxtơ là địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng, (thường) được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất. Đây là khu vực mà nền đá có lớp bị hòa tan hoặc các lớp thường là đá cacbonat (như đá vôi hay đôlômít). Những chỗ này có rất ít hoặc không có hệ thống thoát nước bề mặt.

Chúng là kết quả của mưa axít nhẹ tác động lên nền đá vôi hay đôlômít và hòa tan một phần các chất chứa trong các loại đá này. Các hạt nước mưa đi qua khí quyển đã hòa tan khí CO2 tạo thành Axít cacbonic. Mưa ngấm qua các lớp đất thu thập thêm CO2 tạo ra dung dịch axít cacbonic yếu: H2O + CO2 → H2CO3. Axít yếu này hòa tan các chỗ đứt gãy và các lớp đá trong các tầng đá vôi. Theo thời gian, các chỗ đứt gãy này to dần lên bởi nền đá vẫn tiếp tục bị hòa tan. Các khoảng rỗng trong các lớp đá tăng dần về kích thước và hệ thống thoát nước ngầm sẽ hình thành và phát triển, sẽ cho nhiều nước đi qua hơn, làm tăng tốc độ hình thành các carxtơ ngầm, như hố sụp, thung lũng (lòng chảo khép kín), khe sâu thẳng đứng, dòng suối đột ngột biến mất.

Sự ăn mòn ở các vùng bờ biển đá vôi, thường là các vùng nhiệt đới, đã tạo ra địa hình carxtơ điển hình, bao gồm bề mặt makatea rõ nét phía trên mực nước biển và các chỗ cắt là kết quả của các hoạt động sinh học hay xói mòn sinh học tại (hoặc phía trên một chút) mực nước biển.

Nhũ đá, măng đá, cột đá: Canxi cacbonat bị hòa tan bởi nước chứa axít nhẹ có thể tích tụ lại. Trong các hang, các nhũ đá, măng đá, cột đá được hình thành nhờ sự tích tụ của canxi cacbonat và các khoáng chất bị hòa tan khác khi nước nhỏ giọt từ trên xuống, từ dưới lên, từ hai phía gặp nhau.

Những sự hình thành khác, gồm các “tấm đệm” (trong đó dòng chảy là từ các vết nứt chứ không phải là từ các điểm) và lớp cặn canxi, xuất hiện khi dòng chảy của nước giàu canxit bị cản trở làm canxit lắng xuống theo dòng chảy. Helictit là sự hình thành có dạng vòng xoắn gắn liền với mái và tường của hang. Các dạng hình thành do dòng chảy nhiều hơn là do các vũng nước đọng, chúng có dạng như cái ao và chứa nhiều tinh thể canxit hay aragonit cỡ lớn hơn – kết quả của sự bốc hơi chậm. Các con sông từ các hang đá vôi cũng có thể tạo ra các thềm khoáng chất chứa các lớp trầm tích canxit - khi nước thoát khỏi môi trường hang động giàu CO2.

Các chỗ đất sụt trong địa hình carxtơ (có thể) phát triển cho đến khi các lỗ hổng bề mặt đủ lớn làm mái hang động ngầm bị sụp bất ngờ.

Đất đai trong khu vực carxtơ có thể màu mỡ với lượng mưa đầy đủ, nhưng nước mưa sẽ nhanh chóng chui xuống các đường nứt vào trong đất, (đôi khi) làm cho mặt đất bị khô nẻ ngay trong khoảng thời gian giữa trận mưa.
H: Vịnh Hạ long - một địa hình carxtơ điển hình.