Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Bơi - P6: Cảm giác nước và thả lỏng ở tốc độ cao

(tiếp theo và hết)
Cái mà HLV kia thấy là một phần trong phương pháp “bơi siêu chậm” của Tourestki. Tourestki giải thích phương pháp của mình bằng cách đi trong phòng theo cách bước chậm một cách cường điệu. Bằng cách chuyển động cực kì chậm, ông phải tập trung vào hoạt động của mỗi cơ một cách chính xác. Sự thăng bằng trở thành bắt buộc. “Con người có chiều hướng lảo đảo nhiều hơn khi chuyển động rất chậm, và họ phải liên tục chuyển trọng lượng để lấy lại thăng bằng”, ông nói. Điều tương tự được áp dụng ở hồ bơi, khi các VĐV có thể di chuyển một cách nhịp nhành ở tốc dộ rất chậm thì họ có thể di chuyển nhịp nhàng hơn ở tốc độ cao. Bơi siêu chậm cũng buộc VĐV phải tập trung vào động tác duỗi thẳng tay về phía trước càng xa càng tốt, để đạt được biên độ tối đa trong mỗi động tác và cải thiện khả năng thư giãn của VĐV ở tốc độ cao hơn. Khi bạn tuyệt đối chắc chắn rằng bàn tay và bàn chân bạn đặt đúng chỗ và đúng lúc thì trong các cuộc đua, các cử động điên rồ và sự lãng phí năng lượng sẽ ít hơn.Sự thư giãn thường bị xem nhẹ nhưng VĐV bơi lội vĩ đại người Mỹ Johnny Weissmuller đã từng nói “Bí mật lớn nhất của bơi sải là sự thư giãn ở tốc độ cao”. Tuorestki nói thêm “không phải mọi cơ bắp vận đông cùng một lúc, có một làn sóng các cơ co và nghỉ đồng thời”. Học cách thư giãn các cơ bắp không chỉ để tiết kiệm năg lượng mà còn để ngăn chặn mệt mỏi.

Tập luyện ở tốc độ chậm cũng giúp cho VĐV mài dũa trực giác quan trọng là “cảm giác nước” để đoán trước, điều khiển và lèo lái dòng chảy. Năng lực này được xem là năng lực thần bí của VĐV bơi, cũng như học sĩ mô tả “con mắt vàng” khi vẽ tranh. Đối với một VĐV bơi, “cảm giác nước” giúp họ biết khi nào họ tì nước chính xác với lòng bàn tay và kéo cơ thể về phía trước với lực cản tối thiểu.
Nếu bơi siêu chậm không giúp phát triển cảm giác này, Tuorestki sẽ thử cách thức đối nghịch bằng máy kéo. Máy này kéo VĐV di chuyển với tốc độ cao, vì thế họ tăng cường cảm giác về điều gì xảy ra khi họ đặt tay và chân chính xác. Nó cũng giống như khi bạn đặt bàn tay ở ngoài cửa sổ xe hơi khi xe đang chuyển động. Khi lòng bàn tay được giữ thẳng đứng, bạn cảm thấy lực đẩy của gió đẩy ngược tay bạn về sau, và khi xoay lòng bàn tay 90 độ, tay bạn sẽ cắt trong không khí.

Phương pháp của Tourestki để tối ưu hóa cái mà ông gọi là ba chữ “R”: Stroke Range (biên độ động tác), Relaxation (sự thư giãn) và Rhythm (nhịp điệu ). Nhịp điệu là yếu tố quan trọng làm giảm sự giật cục trong nước. Khi bàn tay của VĐV bơi sải kéo trong nước, tốc độ cơ thể di chuyển nâng cao, nhưng khi bàn tay rút khỏi mặt nước,tốc độ di chuyển lại giảm.Giống như động cơ một xilanh, điều này đưa đến chuyển động không đều. Biên độ thay đổi càng rộng, sự lãng phí năng lượng càng nhiều.

Những bài tập và phương pháp huấn luyện khác thường này dường như mang lại kết quả khả quan. VĐV của Toursetki không phí phạm nhiều năng lượng để tạo sóng.Ngoài những hiệu quả thấy rõ, công trình nghiên cứu của Sergei Kolmogorov, nhà khoa học đứng đầu đội bơi Nga, còn cho thấy kĩ thuật êm dịu của Popov cho phép anh ta tiêu thụ năng lượng ít hơn 30% so với những VĐV khác bơi cùng tốc độ.

Hình: Sara Campbell (nữ VĐV vô địch thế giới môn lặn vo độ sâu) đang luyện tập với "đuôi cá".

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Bơi - P5: Lực cản thứ ba

Tạo sóng: Con người không có những lợi thế như cá heo. Kẻ sát nhân thật sự của các VĐV bơi lội là dạng lực cản thứ ba xuất hiện tại mặt phân cách giữa không khí và nước, gọi là lực cản sóng. Chuyển động dọc trên bề mặt nước chắc chắn tạo thành sóng. Nói theo cách tự nhiên, VĐV bơi đánh một khối nước phía trước họ văng lên ngược với trọng lực. Điều này không chỉ cướp đoạt năng lượng của VĐV mà khi VĐV bơi càng nhanh thì ảnh hưởng của nó càng lớn!
Vấn đề ở chỗ lực cản sóng nâng cao theo lập phương của sự gia tăng tốc độ bơi. Và nó trở nên tồi tệ hơn khi VĐV bơi giật cục hoặc chuyển động không đều, hoặc bơi nhấp nhô, hoặc chuyển động sang hai bên, bởi vì điều này làm lãng phí năng lượng nhiều hơn khi họ tạo sóng. Chính vì điều này, Tourestki tin rằng việc nâng cao tốc độ bằng cách chèo mạnh hơn là vô nghĩa khi vượt quá một giới hạn nào đó. Ông nói “lực chèo mạnh hơn chỉ taọ ra sóng cao hơn, chứ không tạo ra tốc độ nhanh hơn”.

Nếu bạn không thể bắt nước quy phục, Tourestki cho rằng học cách làm thế nào để tránh tác động trở ngại của nó thì tốt hơn. Đầu tiên, giảm ma sát với nước là điều quan trọng. Đối với các VĐV bơi lội, điều này có nghĩa là họ phải tự làm thuôn dòng với các mẹo như nhấn đầu và ngực vào nước, xoay mình từ bên này sang bên kia trong mỗi động tác. Để tránh sự cản sóng, Tourestki buộc VĐV của mình phải loại trừ sự giật cục trong mỗi động tác. (Một trong những hậu quả kì lạ của lực cản sóng là nó trừng phạt những VĐV thấp bé nhiều hơn VĐV cao lớn). Để đạt được kĩ thuật làm giảm lực cản, VĐV của Tourestki được huấn luyện để cải thiện sự thăng bằng, sự chuyển động và cảm giác nước. Trọng tâm huấn luyện đặt vào chất lượng thành tích hơn là khối lượng bơi. Quan điểm của ông là với sự lập lại liên tục, những chuyển động được tập luyện chính xác trở thành bản chất thứ hai – giống như phản xạ.

Để thực hiện chính xác phương pháp huấn luyện này, đòi hỏi phải có sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tuorestki nói “Nếu bạn không thể thực hiện kỹ thuật thật chính xác thì không nên thực hiện một điều gì cả”. Ông thà để VĐV thực hiện một ít chuyển động nhưng chính xác hơn là thực hiện nhiều chuyển động không chính xác. Tourestki thường xuyên trao đổi với nhau về thuật ngữ ”trí nhớ bắp thịt”. “Trong tập luyện, nếu bạn không đạt chỉ tiêu về thành tích thì hãy thực hiện việc bơi của mình với động tác đúng càng nhiều càng tốt”.

Rất nhiều thời gian dùng vào việc kỹ thuật chính xác trước khi lấy chuẩn Olympic. Klim, Popov và các VĐV còn lại trong đội của Tourestki có những giáo án tương đối nhàn nhã, mặc dù họ vẫn phải bơi khoảng 70 km một tuần. Đối với người ngoài cuộc, phương pháp huấn luyện của ông dường như rất kì lạ. Huấn luyện viên người Mỹ, Bill Irwin một lần đã trò chuyện với phóng viên “Popov bắt lập lại nhiều lần với sự chú ý vào động tác: chính xác – chuyển động ổn định – đều – đẹp. Trong suốt ba tuần tôi không thấy anh ta thực hiện một vòng nào bơi cật lực”.

Hình: dĩ nhiên đàn cá không cần quan tâm tới lời khuyên của Tourestki.
(nếu các anh/chị/cháu cần trao đổi riêng với chúng tôi, xin mời vào chiquang.ha@gmail.com).

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Bơi - P4: Đừng tăng tần số quạt nước (Tourestki)

Tourestki nói có hai cách để bơi nhanh hơn: nâng cao lực quạt nước hoặc làm giảm lực cản nước. Cả hai cách đều liên quan đến kỹ thuật nhưng theo ông cách thứ hai tốt nhất.

Để có thể "chèo" được trong nước nhanh hơn, bạn phải tăng tần số động tác. Nhưng ở đây có một vấn đề, Tuorestki nói, bạn sẽ nhanh chóng bị hụt hơi. Ông trích dẫn một đoạn trong cuốn sách ưa thích nhất của mình, Fish Swimming của nhà động vật học John Videler thuộc trường ĐH tổng hợp Groningen Hà Lan, trong đó nêu rằng sự tiêu hao năng lượng trong nước tăng theo lập phương tốc độ động tác. Nói cách khác, nếu bạn tăng tốc đô quạt nước lên gấp đôi thì năng lượng bạn tiêu hao sẽ tăng lên gấp tám.

Hơn thế nữa, nâng cao tốc độ chắc chắn làm cho động tác quạt nước ngắn hơn. Hãy quan sát phần lớn các loài động vật xử lí như thế nào. Khi muốn di chuyển nhanh hơn, chúng tăng độ dài từng chuyển động. Trong băng hình video: các chú ngựa tăng tốc độ bằng cách tăng độ dài của mỗi bước chạy, chứ không phải tăng số bước chạy mỗi giây. Kangoroo cũng thực hiện điều tương tự trong mỗi bước nhảy trên hai chân của mình. Tourestki tin rằng các VĐV bơi cũng phải thực hiện diều tương tự như những động vật đã làm, duỗi dài động tác về phía trước càng xa càng tốt để có đoạn “kéo nước” dài nhất trong mổi động tác. Huy chương vàng đầu tiên của Popov tại Olympic Barcelona năm 1992 đã cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho cách tiếp cận này. Khi Popov đánh bại tay bơi người Mỹ Matt Biondi, Popov hoàn thành cư ly chỉ với 33 động tác so với 36 động tác của Biondi.

Nếu nâng cao tần số động tác không phải là câu trả lời tối ưu thì quạt tay mạnh hơn và ủi trong nước có tác dụng không? Cho đến thập kỉ 80, các VĐV và HLV đều nhắm vào việc nâng cao sức mạnh. Họ lấy cảm hứng từ các mô hình cơ học như cánh quạt máy bay và bánh guồng tàu thủy. VĐV bơi điển hình có vai to như VĐV cử tạ và chú trọng các buổi huấn luyện cự ly dài. Theo HLV nổi tiếng Cecil Colwin, tác giả quyển sách "Bơi lội bước vào thế kỉ 21"(Swimming into the 21th century), thì khoa học “đã nhắm hướng sai lầm vào việc tranh đua với các chuyển động của các cánh quạt, thay vì đi vào quy chế hoạt động tự nhiên của chim trời, cá nước”. Tourestki đồng ý với Colwin, vì những lý do dựa vào vật lý học. Thủy động học cho chúng ta thấy rằng lực cản phụ thuộc vào hình dạng và ma sát. Ví dụ cá heo có thể bơi nhanh vì hình dạng thuôn dòng và lớp da được thiết kế để giảm lực cản ma sát tối đa.

(Hình: không liên quan tới bài viết)

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Bơi - P3: kĩ xảo bơi trườn sấp


Bơi Krun (bơi trườn sấp, bơi "tự do", bơi sải) là môn bơi có hiệu suất cao nhất trong 4 môn bơi, đồng thời nó hỗ trợ kĩ thuật tốt nhất cho dân scuba diving.

Chữ tắt: PLực - phát lực; Lỗi TG - lỗi thường gặp của đa số những người không chuyên nghiệp.

1. Nguyên tắc giảm lực cản của nước:

a/ Đầu luôn thẳng với thân mình và “cố định” vào vai.

b/ Đỉnh đầu là mũi thuyền: bạn luôn thấy đỉnh đầu rẽ nước.

c/ Khi bơi, tuy cơ thể lắc qua lắc lại quanh trục cơ thể (như con thuyền lắc lư theo chiều ngang trong khi tiến) nhưng phải luôn thẳng với hướng tiến và luôn song song với mặt nước.

d/ Từng bộ phận của cơ thể thẳng với hướng tiến và cố gắng duỗi thẳng tay chân, trừ bộ phận đang PLực hoặc chuẩn bị PLực.

2. Kĩ xảo (bơi là a/ làm nổi và b/ tiến về phía trước).

2.1. Chân – hãy coi toàn bộ chân là cây gậy dẻo và bạn cầm phần gốc vụt nó xuống:

Chân thẳng như vũ nữ balê, bạn dùng hông-đùi và lợi dụng lúc lắc người để “vụt” chân xuống (lỗi TG: đầu gối bị gập; không lắc người; dùng cẳng chân để vụt; vụt quá sâu, quá mạnh).
Khi đó cổ chân sẽ “tự động vụt” theo nhịp của chân (lỗi TG: cổ chân bị gập, cổ chân không chịu vụt theo chân).

2.2. Tay – hãy coi cơ thể là thuyền, từ đỉnh ngón tay đến cùi chỏ là mái chèo (lỗi TG: cổ tay bị gập):

a/ Chu kì trước kết thúc: tay đang ở vị trí duỗi thẳng.

b/ Chuẩn bị PLực: tay quạt xuống và cùi chỏ gập dần thành góc 120 độ (lỗi TG: cùi chỏ thẳng), và:

c/ PLực: quạt chéo vào lòng để ôm nước (lỗi TG: quạt thẳng xuống; quạt quá mạnh),
rồi hơi “quẹo” ra (theo hình chữ “S”)
(lỗi TG: cùi chỏ bị hạ thấp).

d/ Khi mái chèo tới ngang hông thì thôi PLực (lỗi TG: vẫn quạt tiếp),
bạn rút tay lên khỏi mặt nước y như rút tay ra khỏi túi quần và đưa lên trời (lỗi TG: gập tay lại và đưa ra phía trước).

a/ Khi tay xuống nước, cánh tay thẳng với hướng tiến cho tới khi vào chu kì sau (lỗi TG: vội vàng chúc tay xuống).

2.3. Thở: Hít vào khi trong lúc cơ thể nổi chếch lên và miệng vừa lên khỏi mặt nước (lỗi TG: ngước mặt lên thở).

2.4. Tại sao phải PLực như thế:
Không phải bạn dùng tay đẩy nước về phía sau để tiến lên, mà tay bạn tạo dòng xoáy để sinh ra động lực (như dòng xoáy của chân vịt tàu thủy),
Vì vậy đường đi của bàn tay phải theo hình chữ “S”.
Khi cơ thể lắc qua lắc lại đã “vô tình” làm chân (tuy với bạn chỉ là ve vẩy lên xuống) chuyển động theo hình chữ “C”, tạo thêm dòng xoáy cho cơ thể.
Xin nhắc lại là bạn sẽ hoàn toàn sai lầm khi bạn cố gắng đẩy nước về phía sau để tiến lên.

3. Ưu nhược điểm:
Bơi krun ít bị sức cản của nước nên tiết kiệm sức nhưng do chân “vụt” liên tục để giữ nổi nên sẽ mau mỏi hơn bơi ếch. Tuy nhiên, nếu bạn đúng kĩ thuật thì sẽ “bơi dai” hơn bơi ếch.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Bơi - P2: quyết định là kĩ thuật chứ không phải thể lực

Vận động viên ở nhiều bộ môn thể thao có khuynh hướng xem bơi lội là một môn thể thao cần phải bơi đi bơi lại nhiều vòng hồ hoặc tập nặng hơn nữa. Kinh nghiệm chạy bộ và chạy xe đạp khiến bạn nghĩ rằng tập nhiều hơn là cách thức để đạt thành tích tốt hơn trong bơi lội. Nhưng bơi lội lại có nhiều điểm chung với những môn thể thao kỹ năng như quần vợt và lướt ván hơn. Có 3 lý do:

• Chính môi trường nước tạo nên sự khác biệt trong bơi lội. Nước cướp đoạt năng lượng và tính hiệu quả của VĐV. Cứ mỗi động tác bạn thực hiện thì nước lại hãm lại, cố gắng kéo bạn ngừng lại và lấy trộm năng lượng của bạn.

• Hãy suy nghĩ về điều này: nếu bạn đứng trên mặt đất và bật cao lên thì bạn đốt mất khoảng 10 calories. Chín trong số 10 calories này có tác dụng trực tiếp vào việc nâng bạn lên khỏi mặt đất. Chỉ có 1 calories bị mất vì sự hơi thiếu hiệu quả của nỗ lực cơ bắp. Bởi vì cơ co gây nên sự ma sát và điều đó tạo nên nhiệt - nguyên nhân của hiện tượng chảy mồ hôi khi có sự nỗ lực gắng sức – vì vậy một số năng lượng bị mất đi do sự thải nhiệt. Trái lại, khi bạn xuống nước và bơi một vài động tác, đốt cháy 10 calories thì chỉ có một calories có tác dụng trực tiếp vào việc đưa bạn chuyển động về trước; 9 calories khác sẽ bị mất đi do năng lượng hao phí vào việc chống lại lực cản của nước.

• Nước là một vật trung gian có tác dụng vô hiệu hóa người nào đang chuyển động trong nó, và bản chất của vật trung gian này làm cho bơi lội trở thành vấn đề nan giải khó giải quyết hơn nhiều so với chạy bộ và đạp xe. Hãy so sánh nó với chạy bộ. Một người chạy bộ, với mỗi sải chân, đạp vào một điểm tựa rắn khi chuyển động về trước xuyên qua làn không khí mỏng. Vận động viên bơi, trái lại, với mỗi động tác phải đạp tựa vào chất lỏng dường như không có gì để bấu víu ngoại trừ việc nó cuốn bạn đi khi bạn cố gắng chòi đạp vào nó. Và để tăng thêm độ khó cho bạn trong việc đẩy cơ thể tiến về trước, bạn phải đẩy mạnh cơ thể mình xuyên qua một vật trung gian có độ đậm đặc gấp 1.000 lần không khí. Đối với một người chạy bộ, điều này tương tự như việc cố gắng chạy ngược gió mạnh cấp 8.

Nước rất hiệu quả trong việc cướp đoạt sự hiệu quả của chúng ta. Các nhà khoa học đã ước lượng rằng (thậm chí) có những VĐV trình độ thế giới có lẽ chỉ đạt khoảng 9% hiệu quả cơ học, nghĩa là có 91 calories trong mỗi 100 calories bị đánh mất bởi lực cản của nước và nỗi khó khăn của việc quạt tay trong môi trường lỏng. Những VĐV mới tập có thể chỉ còn khoảng 1 hoặc 2% hiệu quả, nghĩa là có khoảng 99 trong mỗi 100 calories bị nước cướp mất.

Chính vì hiệu quả động tác là một nhân tố lớn như vậy nên những thành tích của những VĐV bơi trình độ thế giới phụ thuộc xấp xỉ 70% vào tính hiệu quả, tính kinh tế của kỹ thuật và sự phối hợp giữa tư thế cơ thể và các chuyển động của động tác, và chỉ có 30% VĐV dựa vào nhân tố sức mạnh và trạng thái thể lực. Đối với những VĐV ít kinh nghiệm hoặc có kỹ năng kém hơn, có lẽ 90% hoặc hơn, thành tích của họ sẽ được quyết định bởi sự hiệu quả hay không hiệu quả của chuyển động trong nước, trong khi chỉ có ít hơn 10% được quyết định bởi tình trạng thể lực của họ.

Chính vì vậy, nếu bạn có thể bơi một phần tư dặm trong 10 phút, nhưng muốn cải thiện thành tích còn 9 phút thì chỉ khoảng 5 đến 10 giây có thể được rút ngắn do có thể lực tốt hơn, còn 50 đến 55 giây sẽ đến từ việc học cách chuyển động trong nước như thế nào cho hiệu quả hơn.

Hiệu quả động tác cao hơn là sự kết hợp của 2 nỗ lực: tối thiểu hóa lực cản và tối đa hóa hiệu quả lực tiến về trước, trong đó tối thiểu hóa lực cản là quan trọng hơn.

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Bơi - P1: hãy tập bằng ống thở ở phía trước (ống thở ngậm phía trước)

(Martha Capwell)

Vì nó nâng cao công suất phổi của bạn. Không khí đi qua ống thở làm kéo dài khoảng cách bạn phải đưa nó vào trong phổi, điều nầy kích thích các cơ gian sườn hổ trợ cho cơ hoành, đẩy sự hô hấp của bạn lên một hoặc hai nấc cao hơn. “Tôi là một vận động viên bơi lão thành,” Clark Campbell, huấn luyện viên phó của đội bơi nam trường Đại học tổng hợp Minnesota nói, “và tôi thở dưới nước mạnh hơn nhiều từ khi tôi tập với ống thở ngậm phía trước.”

Tập luyện thiếu dưỡng khí (Hypoxic training)

Một cách thức khác mà ống thở buộc phổi của bạn phải luyện tập thì dường như mâu thuẩn với ý ban đầu: thở thông qua ống thở trong lúc bơi rất giống với bơi nín thở - cái thường được biết đến như dạng tập luyện thiếu dưỡng khí. Điều đó nghe có vẻ như do chúng ta ở dưới mặt nước quá lâu, nhưng nó gợi lại những giờ thể chất ở trường cấp hai: khi bạn thở ra, bạn thổi ra ngoài CO2. Khi bạn nín thở, bạn giữ khí CO2 trong cơ thể bạn. Với một cái ống thở, bạn thực hiện cả hai.
Cứ giữ lấy khí CO2 sẽ có cảm giác không tốt, nhưng bạn thực hiện khá nhiều việc giữ hơi trong lúc bơi, đặc biệt trong lúc lướt và đập chân sâu dưới nước sau khi vòng ngoặc. “Bơi ở tốc độ ưa khí với một ống thở cũng giống như đang tập luyện thiếu dưỡng khí, chỉ vì bạn không thể thổi tất cả khí CO2 ra khỏi ống thở,” Campbell nói, “Có nghĩa là bạn hít nó ngược trở lại, và điều nầy giúp bạn nâng cao khả năng chịu đựng khí CO2. Tôi cho rằng năng lực xử lý CO2 là một trong những lợi thế của các vận động viên cấp cao.”
Peppo Biscarini, nhiều lần vô địch thế giới về bơi chân vịt và nhảy cầu tự do, cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Nhưng ông tin rằng việc chịu đựng CO2 mang ý nghĩa về mặt tinh thần và tâm lý hơn về mặt sinh lý, cho dù bạn có biết để thực hiện điều đó hay không. Biscarini, huấn luyện viên bơi chân vịt và cố vấn cho Navy SEALS, cho rằng CO2 tích tụ sẽ kích thích hệ thần kinh gia tăng lọc máu bằng oxy để giảm lượng carbon trong dòng máu. “Nếu bạn tập luyện với ống thở, bạn sẽ có sự trao đổi không khí sâu hơn và hiệu quả hơn so với khi bạn không dùng ống thở - tất cả những điều đó sẽ nâng cao năng lực của bạn đối với sự thiếu hụt oxy,” Biscarini nói.
Khi bạn nâng cao khả năng chịu đựng khí CO2, bạn có thể cũng gia tăng ngưỡng lactat của bạn - là điểm mà tại đó lactat tích lũy trong các cơ đang vận động nhanh hơn so với khả năng cơ thể có thể thanh lọc chúng. Cho dù ngưỡng lactat của bạn không được nâng lên thì việc tập luyện với ống thở có thể giúp bạn đối phó với sự khó chịu do việc tích lũy lactat mang lại.

Sự thăng bằng tốt hơn

Tất cả việc thảo luận về CO2 có thể gây khó hiểu. May thay, có những lý do khác, đơn giản hơn để đưa ống thở vào thói quen tập luyện của bạn. Theo Debbie Potts, huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ các môn thể thao dưới nước Mission San Jose ở Fremont, California, nó giúp bạn thăng bằng và cải thiện kỹ thuật bơi. “Bơi với ống thở ngậm phía trước giữ cho đầu của bạn tốt hơn và cột sống thẳng“ - cô ta giải thích. “Vòi hơi dạy cho vận động viên cảm giác được tư thế thân người nằm thẳng đúng đắn. Nếu họ không phải xoay đầu để thở, họ có thể cảm nhận được cảm giác kiểu bơi liên tục, không đứt quãng như thế nào”. Một lý do phụ: ống thở củng cố sự thuôn dòng. “Khi bạn xoay vòng lộn, bạn phải khóa đầu ống thở vào giữa cẳng tay duỗi thẳng để ngăn cản sự dao động. Điều nầy đặt bạn vào trong tư thế thuôn dòng đúng đắn sau mỗi lần quay vòng,” Biscarini nói.
Đối với các vận động viên bơi tự do (trườn sấp, krun - NST), một ống thở ngậm phía trước có thể là một vật làm cho họ tỉnh ngộ thực sự. Nó cho họ một cơ hội độc nhất để nhìn thấy cả hai bàn tay thực hiện việc tì - và - kéo nước; nhiều người sử dụng ống thở lần đầu tiên, những người chưa bao giờ thở hai bên, vô cùng kinh ngạc khi thấy bên bàn tay và cánh tay không thuận yếu hơn như thế nào. “ống thở thật sự cải thiện sự thăng bằng của kiểu bơi vì nó loại trừ những cử động nghiêng sang bên khi thở,” Campbell nói. “Nó cho phép đầu bạn giữ ổn định khi bạn học cách bơi đều ở cả hai bên. Những vận động viên bơi tự do lơ đãng không trượt về trước trên bàn tay của họ, nhưng họ có thể chú ý nhiều hơn về cả động tác tì nước và động tác kéo nước với ống thở. Một khi bạn đã có cảm giác tốt, bạn có thể thực hiện đúng động tác khi không có ống thở.

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Một hang động ngầm khác thường (P1)

Đó là một thế giới khác thường, một” phòng thí nghiệm” thiên nhiên chỉ cách mặt nước 15m. Ngoài khơi Marseille (Pháp), một hang động ngầm dưới nước đã bất chấp mọi định luật của tự nhiên. Lạnh lẽo, khắc nghiệt, nó chứa các loài sinh vật thường chỉ sinh sống ở các vực thẳm dưới đại dương. Đó là nơi làm việc của các nhà khoa học Nicole Boury-Esnault, Jean-Georges Harmelin và Jean Vacelet ở Trung tâm Hải dương học Marseille.

Dưới làn nước sâu, một con quái vật đang bắt mồi : trong vài ngày nữa, con mồi sẽ chẳng còn lại gì vì đã bị tiêu hóa hết. Con quái vật chỉ dài 2cm, nhưng đó là một con ác thú, thách thức tất cả mọi định luật khoa học : đó là một con bọt biển. Nhưng không phải là loài bọt biển bình thường. Về nguyên tắc, nó phải giống như các đồng loại, tức là lọc nước biển để hút ra những phiêu sinh vật dinh dưỡng. Nhưng con này lại ... ăn thịt. Nó bám trụ trong một cái hang chỉ cách mặt nước vài mét, nhưng lại là một thế giới của vực thẳm : lạnh buốt và không hề có ánh sáng.

Lao người xuống làn nước ấm, ngay cạnh vách đá thẳng đứng, và chúng tôi nhận ngay ra lối vào hang ở độ sâu 15m. Cửa hang khép lại theo hình kim tự tháp trên đầu chúng tôi. Bọt biển, san hô đỏ, cá lịch, tôm và sứa gorgone, đủ cả. Trang bị 2 bình dưỡng khí, đầy đủ dụng cụ, chúng tôi cảm thấy thật kỳ cục. Chẳng có gì để dự đoán rằng bên trong là cả một thế giới khác. Nhiệt độ nước hạ xuống 100 C, tăm tối hoàn toàn. Chúng tôi rời khỏi Địa Trung Hải để đi vào thế giới của vực thẳm. Trang bị của chúng tôi hóa ra lại hữu ích.

Trong cái hang chỉ dài hơn 120m, các điều kiện giống như ở độ sâu 1.000 đến 2.000m, ngoại trừ áp suất. Độ dốc xuống của hang khiến cho nước lạnh bị giam hãm bên trong, không có sự chuyển động và nhiệt độ luôn không đổi quanh năm (130 C), và tất nhiên là tối đen như mực. Chỉ có một sơi dây do các nhà nghiên cứu giăng trên trần hang nối liền chúng tôi với cửa ra.

Dưới nền hang, một lớp bùn che phủ 700m2 của hang. Chỉ một cử động nhẹ cũng khiến bùn bốc lên mù mịt. Chúng tôi phải giữ thăng bằng thật hoàn hảo, lách qua những vách đá và không chạm vào bất cứ gì. Chúng tôi chỉ là khách tham quan của một đền đài khoa học đích thực.
(còn nữa)

(Hình chí có tính minh họa)

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Dưới đáy biển, tại sao chúng ta nhìn các vật cứ mờ mờ ảo ảo

(sưu tầm).

Nếu chiết suất của mắt bằng chiết suất của môi trường thì kẻ đó sẽ không nhìn thấy các vật xung quanh.

Chiết suất của nước là 1,34 còn chiết suất của mắt người, gồm:
Màng cứng và thủy tinh dịch là 1,34
Thủy tinh thể là 1,43
Thủy dịch là 1,34

Chiết suất của thủy tinh thể của mắt chúng ta chỉ lớn hơn chiết suất của nước một chút (khoảng 1/10), do đó ở dưới nước, tiêu điểm mà ánh sáng hình thành ở trong mắt người sẽ lùi về phía sau võng mạc, cho nên ảnh hiện trên võng mạc sẽ bị mờ làm cho người ta khó nhìn rõ những vật xung quanh. Chỉ những người cận thị nặng mới có thể nhìn rõ các vật ở dưới nước.

Vậy dưới nước, con người có thể nhờ vào những kính chiết quang “mạnh” để nhìn rõ các vật được không? Những loại kính làm bằng thủy tinh thông thường không thích hợp; chiết suất của thủy tinh là 1,5 nghĩa là chỉ lớn hơn chiết suất của nước (1,34) một chút. Những kính như thế sẽ khúc xạ ánh sáng ở dưới nước rất yếu. Cần phải sử dụng loại thủy tinh đặc biệt, có năng suất chiết quang cực mạnh, có chiết suất xấp xỉ bằng hai. Với loại kính này ta có thể nhìn tương đối rõ ở dưới nước.

Bây giờ chúng ta đã hiểu tại sao thủy tinh thể của cá lại lồi ra một cách đặc biệt: Hình cầu và chiết suất của nó là chiết suất lớn nhất trong tất cả những động vật mà chúng ta biết. Nếu không thế, loài cá có mắt cũng gần như không.

Lưu ý: Trong bài này, tác giả chỉ trao đổi với chúng ta về khả năng của mắt người, chứ chưa đề cập tới yếu tố khúc xạ, sự "phân tách màu sắc" và hàng loạt hiện tượng vật lý khác trong môi trường nước.

Hình: chim cánh cụt ở Nam cực

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Tại sao thợ lặn không bị nước ép dẹp lép

Phát biểu của bác sĩ (sưu tầm):

Mọi vật chìm xuống nước đều chịu áp suất của nước. Áp suất này tỷ lệ thuận với độ sâu: khi độ sâu tăng thêm 10 m, áp suất sẽ tăng thêm 1 atm (xấp xỉ 1 bar), nghĩa là trên mỗi diện tích 1 cm2 cơ thể sẽ tăng thêm áp lực là 1 kg. Nếu thợ lặn xuống độ sâu 30 m, trên toàn bộ thân người đó sẽ chịu một áp lực tới 45.000 kg. Dưới áp lực lớn như vậy, anh ta có ép dẹp lép không?

Cấu tạo cơ thể người có trên 60% là nước nên nước bên ngoài không thể ép lại được. Đồng thời, khi lặn xuống độ sâu, không khí nén mà người đó hít vào có áp suất bằng áp suất mà nước tác dụng vào người đó, giúp đối trọng lại sức đè này.

Tuy áp lực nước không ép nổi thợ lặn, nhưng độ lặn sâu của con người là có giới hạn. Đó là vì làm việc trong môi trường cao áp, hít thở khí cao áp. Khí ôxi trong đó bị quá trình tuần hoàn của cơ thể sẽ tiêu hao hết, còn lại khí nitơ sẽ tan vào máu, cơ thể của người. Lượng hoà tan sẽ tăng lên theo sự gia tăng của áp suất khí và thời gian ở dưới nước. Nếu người thợ lặn nổi lên nhanh, do áp suất nước giảm, nitơ trong máu bị giãn nở nhanh tạo nên những bọt khí làm nghẽn mạch máu. Hiện tượng này giống như khi ta vừa mở nắp bình nước giải khát có ga.

Do các bọt khí làm nghẽn mạch máu nên có thể sinh ra bệnh do giảm áp. Vì vậy thợ lặn làm việc ở độ sâu phải lập phương án lặn, phải căn cứ vào các thông số sức khoẻ, thời gian lặn, độ sâu, nhiệt độ nước, … để điều chỉnh thời gian giảm áp. Cuối cùng là phải từ từ nổi lên để cho các bọt khí trong người có thể thuận lợi thoát ra ngoài.

Ý kiến của người sưu tầm:

“Từ từ nổi lên” là như thế nào? Một cách định tính, ta cần nổi lên với tốc độ không nhanh hơn tốc độ các bọt khí do ta tạo ra.

Nhưng là bọt khí nào? Khi nổi lên, ta sẽ tạo ra 2 loại bọt khí: 1 loại là bong bóng (bọt to) nổi lên ùng ục, loại kia là bọt li ti (như tăm cá) nổi lên với tốc độ luôn luôn ổn định. Một cách định tính, ta cần “bám theo” bọt li ti này, chứ "bám theo" theo bọt bong bóng thì ... hỏng. Không phải vô cớ mà PADI đã khuyên "(khi nổi lên, ta phải có ít nhất) 3 phút dừng tại độ sâu 5 m".

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Truy tìm kho báu Hải tặc: P3 - Ly rượu nửa triệu USD

(tiếp theo và hết)

Giám đốc viện, Giáo sư Tiến sĩ Woren Riss, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc nghiên cứu cổ vật từ đáy các đại dương. "Có vô số những cuốn sách viết về hải tặc thời cổ - Giáo sư W.Riss nói - Nhưng hầu hết đều dựa theo các truyền thuyết. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể mục kích một cỗ tàu hải tặc thực sự. Hiện viện chúng tôi đang xúc tiến để sớm hoàn thành những bản nghiên cứu đầy đủ về Whydah".

Suốt gần 3 thế kỷ qua, có rất nhiều người đã đi tìm kho báu và con tàu của Bellamy. Nhưng tên tuổi của Barry Klifford được ghi nhận là người tìm ra nó. Ông đã dày công bỏ ra 9 năm ròng lục tìm trong các kho lưu trữ, các thư viện về hải dương học cũng như các hiệu sách hiếm, tham khảo tra cứu các bản đồ, hải đồ vẽ tay cùng các tọa độ. Thật không dễ gì áp dụng các thông số từ thế kỷ 18 vào thực tại, bởi nhiều địa danh đã biến mất theo thời gian.

Hiện kho báu của tên “vua hải tặc” Samuel Bellamy được bảo quản trong một hầm sắt lớn thuộc Bank of New England. Hàng ngàn đồng xu bằng vàng và bạc được bảo quản trong các túi nhựa kín và được ngâm trong nước để tránh sự phá hủy của ôxy trong không khí.

Một đồng xu bạc cổ thời Bellamy có giá tới cả chục nghìn USD trên thị trường chợ đen. Một đồng tiền vàng Tây Ban Nha niên hiệu 1642 giá 50.000 USD. Một ly rượu bằng gỗ mun niên đại 1352 lên tới nửa triệu USD. Giữa các hiện vật là đồ trang sức, vũ khí, những đồ đồng lớn, đồng hồ mặt trời ... Kho báu đối với B.Klifford không chỉ là tiền bạc, tuy rằng theo luật định thì Klifford có quyền hưởng 75% tổng trị giá cổ vật, 25% còn lại thuộc tiểu bang Massachusetts nơi có tàu đắm.

"Tôi muốn giữ nguyên trạng cổ vật như gìn giữ di sản của gia đình. Được bảo quản những kỷ vật từ thời Bellamy đối với tôi còn quan trọng hơn là giữ tiền. Huyền thoại về Whydah và Bellamy cần phải được mọi người biết đến", nhà thám hiểm nói. Huyền thoại Bellamy, cũng như nhiều huyền thoại khác trong lịch sử thật thú vị cho những ai muốn khám phá nó. Samuel "Black" Bellamy vốn là một thủy thủ người Anh, từng sống một thời gian dài tại Cape Cod, cùng với người bạn Poll Williams đi tìm các kho báu giấu trên quần đảo Bahamas.
(hình minh họa)