Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Bạn không cần phải tin rằng tất cả các chuyện của thợ lặn kể ra đều đáng tin. P2 – Sự liên hệ giữa mắt và não


4. Màu xanh Haze

Khoảng cách thực tế bạn nhìn thấy trong nước chắc chắn sẽ ít hơn so với bạn nghĩ. Đó là một ảo giác quang học được tạo ra do tia sáng bị uốn cong, bị xuắn trong nước. Bất cứ điều gì bạn nhìn thấy sẽ không phải là những gì bạn sẽ có. Nó lớn hơn hoặc nhỏ hơn, dài hơn hoặc ngắn hơn, gần hơn hoặc xa hơn, đỏ hơn, xanh hơn, … so với cái có thực.  

Bạn thấy con cá mập ở xa 100 feet? 150 feet? Trừ khi lấy thước đo, còn phán đoán của bạn chắc chắn là sai. Nước phóng đại hình ảnh, làm cho con cá mập trông lớn hơn và do đó gần hơn so với thực.

Nguyên lý “Đảo ngược tầm nhìn”: Nhưng ở khoảng cách xa, đặc biệt trong nước âm u, não bộ của loài người lại áp dụng thủ thuật kỳ lạ này. Mặc dù bạn trông thấy cá mập to ra nhưng bộ não của bạn lại nghĩ rằng nó đang ở xa. Đó là kết quả suy đoán của những bộ não sống trên mặt đất – theo cách ước lượng thông dụng. Nó giống như khi bạn so sánh kích thước của một đối tượng quen thuộc đang ở rất xa. Nhưng ở dưới nước, rất hiếm đối tượng bạn đã biết rõ kích thước của chúng, chưa kể chúng xuất hiện trên một nền màu xanh mờ ảo.

Nguyên lí “Sương mù màu xanh”: Trong không khí, những thứ ở một khoảng cách mà nhìn thấy mờ, không rõ ràng và hơi xanh, thì não của bạn sẽ quy khoảng cách đó theo nguyên lí này. Dưới nước, nhất là khi nước đục, bộ não của bạn cũng sẽ giải thích theo nguyên lí này bằng cách cho là khoảng cách xa hơn. Vì vậy bạn nghĩ rằng cá mập đang ở xa 120 feet, thay vì nó chỉ cách bạn 80 feet.

Đánh giá quá cao khoảng cách làm cho bạn đánh giá quá lớn kích thước của con cá mập. Hãy nhớ rằng, hình ảnh trên võng mạc của bạn được não phóng đại. Não của bạn nói, con cá mập trông to quá và nó ở rất xa, vì vậy nó phải là rất lớn. Kết quả là con cá mập dài 20 feet ở xa 80 feet sẽ xuất hiện ở khoảng cách 120 feet, và do đó, nó dài 40 feet. Vì vậy, bạn không cần phải tin rằng tất cả các chuyện của thợ lặn kể ra đều đáng tin.

“Đảo ngược tầm nhìn” đã được thử nghiệm. Vào những năm 1960, J.Kinney đề nghị nhiều thợ lặn chuyên nghiệp đoán khoảng cách và kích cỡ những vật ở trong hồ bơi, với nước hơi đục. Bà thấy họ luôn luôn đánh giá thiếu từ 3 – 4 feet đối với những khoảng cách gần, và đánh giá dư với những khoảng cách lớn.

TS.Richard Roesch cũng thí nghiệm về “Đảo ngược tầm nhìn”. Ông cho mọi người sử dụng cánh tay robot của tàu ngầm trong làn nước hơi đục. Những kẻ tham gia đều đánh giá sai về kích thước và khoảng cách.

Những con số dị thường

Nếu có các thiết bị quan sát, đo lường trong nước thì bạn có thể nhìn được xa 100 feet, 200 feet, thậm chí 300 feet không? TS.Roesch nói: Thợ lặn NASA nói rằng họ nhìn thấy bờ bên kia của hồ dài 202 feet. Lời tuyên bố này có thật không? Có thể, nhưng đó là một hồ nông, nước ngọt và rất sạch.

Nhưng vào một đêm đầu năm 1970, trong căn phòng nghiên cứu đặt dưới đáy của rãnh biển ở Bahamas, TS.Roesch nhìn lên “trời” và thấy một tia sáng – từ độ sâu 2.012 feet: “Thật khó tin. Chúng tôi đã có tầm nhìn của một UFO? Chúng tôi không quan tâm về nguồn gốc của tia sáng cho đến khi nhìn thấy nó. Sau đó chúng tôi mới biết đó là ánh sáng của mặt trăng. Chúng tôi nhìn thấy mặt trăng từ 2.012 feet nước”. (hết)

H: Bạn thấy con cá mập dài 40 ft? Trừ phi bạn sờ tận tay.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Bạn không cần phải tin rằng tất cả các chuyện của thợ lặn kể ra đều đáng tin. P1 – Tầm nhìn trong nước

(sưu tầm, trích)

Tầm nhìn (visibility, vis) 60 feet có nghĩa bạn có thể thấy khá rõ trong khoảng cách 60 feet trên các hướng, tức bạn là tâm của khối cầu bán kính 60 feet. Nhưng vis lại không thể đặt ra một con số chính xác và duy nhất để xác nhận khả năng hiển thị bởi vì nó phụ thuộc vào một số yếu tố luôn luôn thay đổi.

1. Ánh sáng

Làm sao bạn nhìn thấy con cá mập? Không dễ trả lời, đơn giản vì giới hạn của khả năng hiển thị phụ thuộc vào độ sâu, vào thời gian trong ngày, theo hướng bạn đang tìm kiếm và những gì bạn đang tìm kiếm.

Đầu tiên, hãy xem xét số lượng tia sáng đến cá mập và phản xạ tới mắt của bạn. Nhiều tia sáng có nghĩa là tầm nhìn tốt hơn – đơn giản là như vậy. Vì vậy, khả năng hiển thị sẽ ít hơn vào một ngày nhiều mây. Ngay cả đám mây tạm thời che mặt trời cũng ảnh hưởng đến vis.

Các vị trí của mặt trời trên bầu trời cũng ảnh hưởng đến sự xâm nhập của ánh sáng vào trong nước. Tối đa sự xâm nhập là vào giữa trưa (góc chiếu 90 độ). Buổi chiều, góc chiếu của ánh sáng giảm, nhiều tia sáng bị phản xạ ở bề mặt nước, và giảm số tia sáng chiếu vào con cá mập. Về lý thuyết, khi góc tia sáng mặt trời là 48 độ (15 giờ ở vùng nhiệt đới và tùy vào mùa), tất cả tia sáng mặt trời sẽ bị phản xạ, không còn chiếu sáng cá mập và dưới nước sẽ tối như ban đêm. Thực tế thì không tối, bởi vì bề mặt nước không hoàn toàn phẳng, và thêm các con sóng nhỏ, sẽ bắt ánh sáng. Ngoài ra, bản thân ánh sáng cũng khuếch tán xuống từ tất cả các hướng.

Nói chung khả năng hiển thị dưới nước sẽ cao trong suốt buổi sáng cho đến trưa và giảm vào buổi chiều. Sẽ tốt nhất vào buổi trưa giữa một ngày nắng – mặc dù dưới nước không thay đổi.

Sâu bao nhiêu sẽ còn nhìn thấy con cá mập? Mỗi feet xâm nhập của ánh sáng mặt trời đều bị nước hấp thụ và tán xạ, để lại ít hơn lên con cá mập. Số lượng hấp thụ phụ thuộc vào phổ màu của ánh sáng: ánh sáng xanh thâm nhập tốt hơn so với màu đỏ, nhưng nói chung, dưới 60 feet  nước chỉ có 18% ánh sáng mặt trời tới nơi. Vì vậy, khả năng hiển thị tốt nhất là lặn ở vùng nước nông. Sẽ càng tốt hơn nếu đáy là cát trắng phản chiếu ánh sáng lên con cá mập.

2. Phông hình.

Khả năng hiển thị sẽ thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào việc bạn đang tìm kiếm một bạn lặn mặc wetsuit màu đen tại vách đá màu đen, hay tìm một con cá màu bạc trong tia sáng mặt trời tại vách đá màu đen.

3. Vẩn đục.

So với không khí, nước đậm đặc hơn 800 lần và đôi mắt của bạn phải xuyên qua môi trường đó.

Hơn nữa, một lít nước biển trung bình có chứa một triệu sinh vật đơn bào (thực vật phù du), một triệu đơn bào protists, một tỷ vi khuẩn và 10 tỉ virus, và đó là những sinh vật sống. Thêm vào cát, bùn, bụi, các ion, muối,… Tất cả chúng đều hấp thụ, tán xạ và uốn cong hình ảnh trước khi tới mắt bạn. Không khí hầu như không làm chậm tốc độ ánh sáng (186.000 mile/s), nhưng nước tinh khiết làm chậm lại rất nhiều, có 135.000 mile/s. 

Sinh vật phù du là một thuật ngữ chung cho các loài động, thực vật cực nhỏ ở dưới nước (Blooms). Chúng có mặt trên toàn thế giới, trong các hồ nước ngọt cũng như trong đại dương.

Nhiệt độ nước, số lượng tia sáng mặt trời và oxy, dòng chảy đem theo các vi chất đều ảnh hưởng đến vis. Blooms thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè, khi ánh sáng mặt trời vào nước nhiều hơn – chúng quang hợp. Thực vật phù du bùng nổ sinh sản, chất diệp lục của nó đã nhuộm màu xanh cho đại dương. Động vật phù du cũng bùng nổ. Trong khi đó, ngày dài nắng ấm làm nước tách ra thành các tầng (Thermocline).

Do Thermocline chia tách quần thể sinh vật phù du, nên khả năng hiển thị sẽ thay đổi rõ rệt ở các tầng khác nhau. Sự hiển thị thay đổi rõ rệt khi ở trong các tầng từ 0 – 20 feet, 40 – 60 feet. Tất nhiên mật độ sinh vật phù du có thể thay đổi theo từng ngày, từng tuần. Đôi khi chúng dày tới mức bạn sẽ cần một chiếc đèn pin. (còn nữa)

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Hòn Cứt Chim, địa điểm thuận tiện để tập lặn tự do ở Nha Trang

Nhờ anh Huy Diver giới thiệu mà ComputerBoy biết đến hòn Cứt Chim, một hòn đá trơ trọi mọc lên giữa vịnh Nha Trang cách Hòn Đỏ 1km về phía đông.

Nơi đây thường đón tiếp nhiều người ra để câu cá. Chỉ cần tới các quán dọc TL657 ngay khu vực Hòn Đỏ, hỏi anh Tí lái tàu ra hòn Cứt Chim thì bạn sẽ được đưa bằng thúng ra một chiếc thuyền loại vừa nhỏ (chở được khoảng 10 người) để đi ra hòn Cứt Chim. Giá đi tàu thì thoả thuận tuỳ theo số lượng người đi, nhưng một nhóm 4-5 người thì mỗi người trả 20 ngàn đồng là vừa.

Hòn Cứt Chim đúng là nhỏ như cục cứt chim ở giữa biển, và trên đó cũng chẳng có gì ngoài một cái bàn thờ (chứ không thấy cứt chim!) Đây là một tảng đá nguyên khối từ dưới đáy biển liền lên tới đỉnh (mặc dù phía trên có nứt ra thành một cái khe). Nhưng rất may là ông trời đã tạc sẵn một bậc thềm ngang mặt nước để làm "bến tàu" cho người ta cập thuyền để mà lên hòn được một cách thuận tiện. Ngoài việc không có chỗ tránh nắng ra thì hòn đá này có vẻ không có trở ngại gì cho người ở chơi trên hòn vào ban ngày. Ở bên dưới bàn thờ, ComputerBoy thấy người ta cũng có để sẵn một thùng nước uống tiệt trùng luôn nữa (khảo sát ngày 15/4/2013).

Với dân lặn tự do thì đây là một chỗ thuận tiện để tập (ở gần bờ) mà có khá đủ những yếu tố cần thiết cho buổi tập:
  • Mạn tây bắc chỗ "bến tàu" là một vách đá gần như dựng đứng xuống đáy (bùn) với độ sâu khoảng 15m. Ở đây đủ độ sâu cho các bạn lặn tự do mức 1 tập đi thẳng xuống theo dây.
  • Mạn đông nam là vườn đá ngầm với nhiều san hô sâu từ 2m trải dài xuống tận đáy cát sâu 10m. Chỗ này lý tưởng cho lặn khám phá, vừa ngắm san hô vừa lần theo các tảng đá xuống dần... khi nào tới đáy cát là đạt yêu cầu của lặn tự do mức 1 ;)
  • Bình thường nếu biển không động thì ở đây nước yên, không có dòng chảy, tầm nhìn khá tốt. (Hôm trước ComputerBoy đi vào lúc vẫn còn ảnh hưởng của đợt biển động đầu tháng 4 thì tầm nhìn trên mặt cũng như ở mạn đông nam khoảng 5m, ở gần đáy bùn mạn tây bắc thì giảm xuống dưới 1m, nhưng hoàn toàn không có dòng chảy.)

Hòn Cứt Chim hẳn là không thể so sánh được với sự phong phú về san hô và đa dạng về địa hình của Hòn Mun rồi, nhưng sự thuận tiện của nó thì lại vượt xa: Ở Hòn Mun muốn lặn sâu thì hoặc phải ra xa bờ (rất nguy hiểm vì có nhiều tàu qua lại như đi chợ, và gần như là không thể đối với dân lặn vo), hoặc phải ra phần ngoài (phía đông) của đảo. Nếu nhóm lặn tự do đi nhiều người thì còn có thể thương lượng với shop lặn cho ra vùng ngoài, thứ không thì họ thường quanh quẩn ở các bãi phía trong cho dễ try dive với dạy Open Water Course. Hơn nữa thời gian của mỗi ca lặn scuba thường ngắn hơn mỗi ca lặn tự do, nên nhiều lần ComputerBoy đi theo tàu lặn để lặn vo mà vừa khởi động xong (tốn khoảng 15-20 phút) thì đã phải chuẩn bị lên tàu rồi.

Ngoài ra, ở gần Hòn Cứt Chim còn có 2 bãi đá ngầm rất có thể có san hô (theo khảo sát qua ảnh vệ tinh): Một cụm đá ngầm nhỏ ở ngay sát mạn nam của hòn, và một cụm lớn hơn cách hòn 500m về phía tây nằm giữa đường từ Hòn Đỏ ra. Kết hợp với 2 rạn san hô lớn và khá đẹp ở hai bên Bãi Dương - Hòn Chồng (xem lần khảo sát trước), khu vực Hòn Chồng này có thể gọi là "trung tâm lặn tự do" của Nha Trang!

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Thủy thủ Việt nam đánh lại cướp biển


(Theo tienphong.online, trích)

Hồi 22 giờ ngày 4/11/2011, tàu đánh cá Chin Yi Wen, Đài Loan, 260 tấn, khi đang đánh cá ở khu vực gần đảo quốc Seychelles, cách Mogadishu của Somalia khoảng 1.000 hải lý về phía đông nam, thì bị cướp. Tàu có 28 thuyền viên, gồm 9 người Đài loan và Trung quốc, 8 Philippin, 6 Indonesia, 5 Việt nam.


Thuyền viên Nguyễn Văn Tiến kể: “Tôi đang ở khoang máy thì thấy mọi người trên boong tàu nháo nhào chạy xuống, có nhiều tiếng súng nổ bên ngoài. Thuyền trưởng ra lệnh vứt bỏ lưới, câu và nhổ neo để chạy nhưng không kịp. Chỉ vài phút sau, ca nô cướp biển đã áp mạn và khống chế được tàu. Chúng ra lệnh chúng tôi lên boong tàu và lục soát, thu hết đồ đạc”. Sáu tên cướp biển với 6 khẩu AK-47, lựu đạn bên hông. Sau khi khống chế được tàu, chúng lùa toàn bộ thuyền viên vào phòng thuyền trưởng. Chúng bắt tàu đi theo hướng chúng yêu cầu. “Suốt hai ngày chúng chỉ cho chúng tôi ăn mỗi ngày một bữa. Mọi hành động của chúng tôi đều bị chúng kiểm soát gắt gao”.

Đêm 5/11, Tiến nói với anh em là chỉ còn cách liều mạng với chúng. Thuyền trưởng cho biết trong hầm chứa thực phẩm khô có 6 con dao (bọn cướp chưa biết). Tiến rỉ tai với anh em kế hoạch hành động. Trong đêm đó, một thuyền viên đã “ăn trộm” được 6 con dao, mang về giấu ở phòng giam.

Sáng 6/11 tình hình nhóm cướp như sau: Hai tên đang ngủ, ba tên đứng gác, một tên xuống khoang máy giám sát thuyền trưởng và máy trưởng. Nhân máy thông gió tại phòng giam bị hư, Tiến xin ra ngoài và được tên gác đồng ý. Rồi một tên gác khác đi vệ sinh – cơ hội hành động đã tới. Năm thuyền viên Việt nam bất ngờ tấn công hai tên gác. Những thuyền viên khác lao vào tấn công tên đang đi vệ sinh và hai tên đang ngủ.

Bị bất ngờ, bọn cướp không kịp trở tay và bị tước vũ khí. Ở khoang dưới, thuyền trưởng và máy trưởng cũng tấn công tên giám sát và xô hắn xuống biển. Cả năm tên kia cũng nhảy xuống biển. Con tàu được giải thoát.

Thuyền trưởng gọi điện báo cho chủ tàu và được Cơ quan điều hành giao dịch hàng hải của Anh và lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển của Tổ chức cứu trợ hải tặc quốc tế tới ứng cứu. Về phía thuyền viên, có ba người bị thương, trong đó Tiến bị thương nhẹ ở cánh tay.

Hành động của các thuyền viên Việt nam được báo Đài Loan khen ngợi. Lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, thủy thủ đoàn bị cướp biển tấn công đã tự giải cứu thành công.

H: Đi trên thủy tinh vỡ, với thông điệp: Có những chuyện tưởng không thể làm được nhưng lại làm được (không liên quan bài viết).

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Tàu đắm có chìm xuống tới đáy đại dương không


(Theo Vật lý vui”)

Nhiều người cho rằng các con tàu đắm không chìm xuống tới tận đáy đại dương mà lơ lửng ở một độ sâu nào đó, lí do là ở đó, nước bị nén lại đặc tới mức không cho con tàu đắm đó tiếp tục chìm xuống.

Ý nghĩ nước dưới sâu là rất đặc cũng có lí, bởi vì áp suất của nước dưới sâu là cực lớn. Ở độ sâu 10 m, nước ép vào vật chìm trong nó (tăng thêm) một lực là 10 N/cm2. Ở độ sâu 1.000 m, lực ép đó là 1.000 N/cm2. Nơi sâu nhất như Vũng Marian (sâu trên 11 km) ở Thái bình dương, nước và những vật chìm trong nó ắt phải chịu một áp suất vô cùng lớn. Bạn hãy dìm một cái chai rỗng có đậy chặt nút xuống một nơi khá sâu rồi mang nó lên, thì sẽ thấy, áp suất nước ấn nút chai tọt vào trong, và chai chứa đầy nước. Từ đó bạn sẽ nghĩ rằng, áp suất lớn như nêu trên sẽ dồn ép nước lại với nhau, làm chúng đặc đến nỗi những vật nặng cũng không thể chìm ở trong đó được, giống như cục sắt không thể chìm được trong thủy ngân vậy.

Tuy nhiên, các thí nghiệm đã cho thấy, cũng như các chất lỏng nói chung, nước rất ít bị nén lại. Dưới áp suất 10 N/cm2 nước chỉ bị nén lại có 1/22.000 thể tích của nó mà thôi. Và cứ mỗi lần áp suất tăng lên một lượng như vậy, thì nó cũng chỉ bị nén chừng ấy mà thôi.

Nếu muốn nén nước đến mức để sắt không chìm ở trong nó thì cần phải tăng tỉ trọng của nước lên 8 lần. Thế nhưng muốn tăng tỉ trọng của nước dù chỉ lên 2 lần thôi, nghĩa là rút nhỏ thể tích đi một nửa, thì cần phải một áp suất 110.000 N/cm2 (với giả thuyết rằng dưới áp suất lớn như vậy, nước vẫn co lại được). Một áp suất lớn như vậy phải ở nơi biển sâu tới 110 km mới có được.

Do vậy, nước dưới biển sâu (hầu như) không bị nén lại. Ở đáy Vũng Marian, tỉ trọng khi đó của nước cũng chỉ có thể tăng được 1,1/22.000, nghĩa là lớn hơn tỉ trọng của nước bề mặt là 1/20 (5%) mà thôi. Điều này dường như không ảnh hưởng tới điều kiện nổi của các vật thể khác nhau trong đó. Đấy là chưa kể vật rắn (bị chìm trong loại nước như thế) khi đó cũng cùng phải chịu áp suất như vậy nên chúng cũng bị nén lại.

Vì vậy, không một chút nghi ngờ, hễ tàu đắm là chìm một mách xuống tận đáy biển. Gion Meray nói “vật nào đã chìm trong ly nước tất phải chìm xuống tận đáy biển, kể cả nơi sâu nhất”.

H1, H2: Không một chút nghi ngờ, hễ vật gì đắm là chìm một mách xuống tận đáy biển, bất kể đó là ai. (Ghi chú H1: Tổng thống Maldivers họp nội các dưới đáy biển).

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Lời khuyên về bơi trườn sấp


(Bài của một huấn luyện viên, trích)

Giữ cho đầu thẳng với trục cơ thể và nhìn thẳng xuống đáy hồ bơi. Đừng nhìn về phía trước vì như thế cơ thể bạn sẽ bị nâng lên làm hông và chân bị chìm.

Cảm nhận việc làm thế nào để nổi, trong đó gồm giữ hông và chân nổi mà không cần nỗ lực. Kỹ thuật bơi trườn sấp đòi hỏi bạn phải dìm đầu và ngực xuống nước. Do phổi chứa đầy không khí (làm ngực nổi lên) nên bạn phải nhấn phần trên cơ thể xuống, làm cho cơ thể chìm xuống hơn, nhằm tăng hiệu quả của hiệu ứng đòn bẩy. Từ đó sẽ bạn không cần phải dùng nhiều lực để quạt chân nữa.

Đừng ngóc đầu lên thở. Lỗi phổ biến này cũng làm hông và chân bị chìm. Hãy đngười bạn nghiêng thêm một chút cho đến khi miệng bạn lên khỏi mặt nước. Bạn sẽ cảm thấy đầu được nghỉ ngơi (nằm nghiêng) trên chiếc gối.

Khi bơi, thời gian cơ thể bạn nằm nghiêng sẽ nhiều hơn so với thời gian nằm sấp. Nghiêng từ bên này sang bên kia với mỗi lần quạt cánh tay. Điều này cho phép cơ vai được nghỉ ngơi nhiều hơn nhằm cải thiện động lực đẩy.

Để bơi có hiệu quả, bạn cần thở ra liên tục trong nước với khuôn mặt ngập trong nước (không nín hơi). Bạn sẽ không đủ thời gian để hít vào/thở ra trong giai đoạn thả lỏng cánh tay (giai đoạn phục hồi). Việc này cũng làm bạn được thư giãn nhiều hơn.

Bơi với khuỷu tay cao. Kỹ thuật này bao gồm việc cong cánh tay (quạt hình chữ S) và giữ cho khuỷu tay cao trong thời gian kéo xuống dưới, nhằm cải thiện động lực đẩy.

Trong khi cánh tay trên mặt nước đưa về phía trước, bạn không thẳng chúng, vì có thể dẫn đến vai bạn bị mỏi theo thời gian. Hãy vào nước đầu tiên với bàn tay.

Hãy chắc chắn rằng lòng bàn tay của bạn song song với mặt nước trong giai đoạn vươn duỗi cánh tay về phía trước. Một sai lầm phổ biến là xoay lòng bàn tay hướng lên vào cuối của giai đoạn phục hồi. Khi đó, trong thực tế, bạn đã đẩy nước về phía trước làm bạn bị cản lại.

H1: Vươn duỗi, thẳng tắp, y như bạn đang cố gắng với lên trái táo trên cành cây (mà nó chỉ cách bạn một tầm tay với).
H2: Thật thoải mái khi đầu được nghỉ ngơi trên chiếc gối.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Cô bé hai tuổi lênh đênh hai năm trên đại dương


(số liệu trên Phunutoday)

Trên đường đi, họ gặp không ít khó khăn. Những cơn bão, gió giật trên biển Bắc Phi đe dọa. Đó là những trải nghiệm không thể nào quên.

Họ là Dave và Hazel McCabe, công dân của Topsham, một thị trấn ở cửa sông Exe, Devon, Anh. Vùng đất này được yêu thích bởi những bí ẩn hoang dã mà người ta có thể cảm nhận rõ khi bơi thuyền dọc sông hay đi trong những khu rừng, đầm lầy heo hút.

Họ không phải là minh tinh màn bạc, đơn giản là họ thích lãng mạn. Họ có chung sở thích khám phá đại dương và quan tâm tới những gì liên quan tới biển. Tháng 5/2005, họ lấy nhau, chú rể 38 tuổi và cô dâu 33 tuổi.

Họ cải tiến chiếc thuyền đánh cá thành thuyền du lịch và thực hiện chuyến đi dài 22.530 km, qua bờ biển châu Âu, xuống Bắc Phi, vượt Đại tây dương tới quần đảo Canary và Azores, đi tới vùng Caribe. (Hải trình tiếp theo là đi lên New York và trở về Anh).

Rồi Hazel có thai trên biển. Họ phải ghé vào các bến cảng nhiều hơn, không chỉ để mua đồ ăn, nhu yếu phẩm, mà còn để khám sức khỏe thai nhi. Gần đến ngày sinh, họ bay từ đảo St Martin, Caribe, về Anh để sinh con. Ngay khi cô bé Katie chào đời và ổn định sức khỏe, cả ba lại tiếp tục chuyến hải trình Hồi quốc. Bé Katie đã trải qua hai năm đầu đời giữa biển cả và trở nên cứng cáp hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng lứa.

Cái họ tìm được không chỉ là sự bao la, bí ẩn của biển khơi, hoặc lúc đàn cá heo giúp họ vững tâm khi ở giữa đại dương, mà còn là cơ hội giúp họ hiểu thế nào là sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn, thế nào là hạnh phúc của những thời khắc bình yên.

Sau chuyến đi, họ chuyển sang kinh doanh đóng thuyền du lịch siêu nhỏ. Họ tâm sự: “Thật ra không tốn nhiều tiền như người ta tưởng thì con thuyền (của chúng tôi) mới di chuyển được. Chỉ khi dừng lại cảng bạn mới phải sử dụng tiền. Chúng tôi đã tận hưởng chuyến đi nhưng trở về nhà cũng thật tuyệt, nhất là khi được gặp lại bạn bè”.
H: Bé con đi lặn (không liên quan tới bài viết)