Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014! CHÚC CÁC BẠN LẶN GẦN XA MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC VÀ NHIỀU NIỀM VUI KHÁM PHÁ THẾ GIỚI ĐẠI DƯƠNG BAO LA VÀ BÍ ẨN.


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Lặn sâu giống như uống thuốc an thần

(Bài của một huấn luyện viên cấp cao, trích)

Những tác động tiêu cực khi lặn sâu giống như uống thuốc an thần. Đầu tiên nó làm cho bạn ngớ ngẩn, sau đó nó làm cho bạn xử lý một cách ngu ngốc.


1. Có ba hiệu ứng “ngớ ngẩn” như sau:


Làm quá trình tư duy chậm lại: Lặn đòi hỏi phải có tư duy rõ ràng, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể hấp tấp, và nếu bạn đang bị tác động bởi trạng thái mê man (narced), bạn có nhiều khả năng mắc sai lầm.


Mất khả năng đa nhiệm: Nó trở nên khó khăn hơn để suy nghĩ về vài điều trong cùng một lúc, và bạn có xu hướng gắn chặt vào một ý tưởng duy nhất. Lặn là một hoạt động đa nhiệm. Trong khi bạn đang lặn và bởi những gì bạn cần tìm kiếm, thì bạn đồng thời cũng phải cảm nhận về độ cân bằng của bạn, về độ sâu, về lượng khí trong chai, bạn phải cảm nhận tới cả bạn lặn, và nhiều thứ nữa. Nếu có phát sinh, bạn phải cân nhắc và nhanh chóng thay đổi một vài chi tiết trong kế hoạch lặn. Người ta rèn luyện thợ lặn bằng cách cho họ vào buồng áp suất và trả lời các câu hỏi. Nhưng người trong buồng áp suất lại không bị lo lắng về việc cung cấp khí thở, độ sâu, thời gian lặn.


Mất trí nhớ tạm thời: Trong quá trình làm việc, thợ lặn bỗng quên một số chi tiết có trong kế hoạch lặn, và khi lên tàu, họ mới “ô, tôi quên”. Họ có xu hướng thao tác ít nhất.


2. Làm sao bạn biết bạn đang bị narced?


Trạng thái mê man nitơ được gọi với nhiều từ ngữ “nhiễm độc khí nén”, “sự sung sướng của độ sâu”, “trạng thái mê man khí trơ”, bởi bất kỳ loại khí trơ và cả một số loại khí không trơ có thể sẽ gây ra nó.


Chóng mặt, ù tai, tê môi, khó đếm con số, lo âu, mất trí nhớ tạm thời, ngứa ran môi hoặc bàn tay, bàn chân – đó là triệu chứng của trạng thái mê man nitơ. Mặc dù đã có nhiều chương trình về nó, nhưng cơ chế chính xác của trạng thái mê man nitơ hiện vẫn là một bí ẩn, nhưng thợ lặn có thể kiểm soát được chúng.


Giả sử bạn bắt đầu bị narced. Tùy thuộc mức độ bạn bị, bạn sẽ khó nhận biết được những gì là không an toàn. Thợ lặn đôi khi bị narced thể nhẹ ở độ sâu 18 mét, nhưng tới 30 mét thì không ít. Tại 40 mét, khá nhiều thợ lặn sẽ bị narced, mặc dù họ vẫn kiểm soát được bản thân. Họ có thể không nhận ra điều này, nhưng một người khác sẽ dễ dàng phát hiện ra cho họ.


3. Cách khắc phục.


Tránh Loading task. Ví dụ bạn mới sắm máy chụp hình, bạn cần làm quen với nó ở vùng nước nông trước khi bạn định chụp hình ở độ sâu 30-40 mét. Nếu bạn phải suy nghĩ về cách sử dụng nó, trí não bạn sẽ không tập trung xử lí những điều nhỏ nhặt khác, ví dụ kiểm tra lượng khí trong bình. Lặn “chỉ với một chuyện mới” luôn luôn là nguyên tắc.


Ôn tập kỹ năng. Trước hết là kỹ năng an toàn. Bạn nên cùng bạn bè thực hành các kỹ năng cơ bản như ditching trọng lượng và chia sẻ khí thở. Nó chỉ là một thao tác đơn giản, nhưng nếu không trở thành bản năng, bạn có thể không nhớ ra khi bạn đang narced. Bạn không nên lệ thuộc vào trí nhớ của bạn (bây giờ mình sẽ phải làm gì nhỉ?). Rất ít người trong chúng ta ôn tập kỹ năng an toàn. Tương tự, một máy tính lặn mới sắm sẽ có thể trở sẽ nên khó hiểu trong khi lặn – bạn cần làm quen với nó.


Sử dụng phiếu ghi nhớ Bạn nên ghi lại các quy trình vào phiếu cá nhân, ví dụ ghi lại một vài chức năng điều khiển camera mới sắm. Nó sẽ có ích cho bạn khi đang lặn.


Theo dõi lẫn nhau. Khi lặn sâu, bạn thống nhất với bạn lặn, là cứ mỗi vài phút sẽ kiểm tra lẫn nhau. Hãy đánh giá nhau bằng mắt và kí hiệu trao đổi OK.


Xuống từ từ. Có một số bằng chứng cho thấy đi xuống nhanh sẽ dễ bị narced hơn.


Cơ thể tỉnh táo. Thuốc tây có thể thúc đẩy trạng thái narced. Nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống say tàu xe, dường như bị tương tác với nitơ để tăng tính nhạy cảm và cường độ narced. Một số chuyên gia cho rằng sự tương tác giữa nitơ và rượu đặc biệt mạnh mẽ bởi chúng có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh của bạn. Một khó chịu ngoại lai cũng có thể thúc đẩy trạng thái mê man nitơ.


Bạn tôi, Lawrence Martin, cho rằng kiêng cữ chúng trong vòng 24 giờ trước khi lặn là tốt. Bị lạnh, mệt mỏi và lo lắng sẽ gia tăng trạng thái mê man nitơ, mặc dù chúng có nguyên nhân không rõ ràng. Đây là một lý do tại sao cú lặn cuối cùng trong ngày không nên lặn sâu.


Mức cao của CO2 dường như làm trạng thái mê man tăng lên. Bạn hãy cố gắng thở chậm, sâu.

Lên một mét. Thông thường, khi cảm thấy bị narced, bạn hãy nổi lên 1 mét. Sau đó bạn sẽ đi xuống với trạng thái mê man gần như chấm dứt.

Cách kiểm tra lẫn nhau: 


Giới hạn tiếp cận: Mỗi thợ lặn có kinh nghiệm và trạng thái mê man khác nhau, và ở độ sâu khác nhau. Một số bị nhạy cảm hơn những người khác. Bạn không cần quan tâm tới chứng chỉ của bạn lặn là đã lặn ở độ sâu 130 feet. Thay vào đó, bạn kiểm tra theo gia số 10 feet: Bạn cảm thấy thế nào lúc ở 70 feet, 80 feet, 90 feet? Có bất kỳ triệu chứng gì của trạng thái mê man không? Bạn thấy có điều gì xảy ra khác với kế hoạch lặn không? Bạn có thực hiện một động tác sai lầm nào, hoặc cảm thấy bối rối tại một thời điểm nào không? Lặn giải trí không phải là một cuộc tranh đua đạt đến 130 feet.


Ghi nhận: Cứ sau vài phút, bạn xem đồng hồ độ sâu và áp lực khí của bạn, và ghi lại số liệu lên tấm bảng đeo, rồi đưa cho bạn lặn xem. Bạn lặn của bạn cũng làm như vậy và đưa cho bạn xem. Qua đó, bạn sẽ đánh giá được tình trạng của mình và của bạn lặn.


Cộng một: Bạn tôi, Bret Gilliam, đề nghị: Cứ sau vài phút, các bạn ra tín hiệu kiểm tra lẫn nhau, giả sử bạn dơ 3 ngón tay, thì bạn lặn phải trả lời là 3 cộng 1 (tức 4 ngón tay). Báo hại tác giả, bạn lặn dơ 5 ngón tay, thế là Gilling đã phải sử dụng cả hai tay (đang cầm camera) để đến với một phản ứng 6 ngón tay.


Ngớ ngẩn hoặc hưng phấn: Bạn lặn có hành vi ngớ ngẩn hoặc phấn khích đều phải được cảnh giác. Lặn giải trí để được vui vẻ, tất nhiên, nhưng quá vui dưới đáy biển thì coi chừng.


Đôi khi trạng thái mê man có dạng lo lắng (thay vì hưng phấn), và có thể dễ dàng phát hiện. Bạn có thấy mình liên tục lấy tay giữ mồm thở, hoặc cầm khư khư đồng hồ áp suất, … Nếu không có lý do khách quan nào, thì bạn có thể đang bị narced.



Có thể thích ứng với trạng thái mê man nitơ không?

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, sức đề kháng trạng thái mê man là một sự thích ứng. Thợ lặn thường xuyên lặn sâu đã phát triển cách thức để bù đắp những tác động của trạng thái mê man. Kết quả là họ đã ít lo lắng hơn và đã thích ứng hơn. Nhiều khả năng những thợ lặn có mong muốn chinh phục trạng thái mê man, thì cơ thể sẽ tự giảm nguy cơ này. 

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Cuộc thử nghiệm 65 ngày trên biển

Vào tháng 10 năm 1951, Alain Bombard, 27 tuổi, bác sĩ, một mình trên thuyền cao su, không nước uống, không lương thực: Anh tự nguyện lênh đênh trên đại dương trong vai “người bị đắm tàu” để thí nghiệm về giới hạn chịu đựng của con người. 

Thuyền anh trôi lênh đênh theo chiều gió và bị đưa đẩy bởi các dòng hải lưu. Anh câu cá ăn, uống nước ép từ thân cá và uống nước biển, ăn rong tảo. Sau 65 ngày vật lộn với sóng, gió, mưa, nắng, đói, khát, bệnh tật, và ghê gớm nhất là sự cô đơn, sợ hãi, cuối cùng, anh cập bờ vào một nơi thuộc quần đảo Antilles, Trung Mỹ, tuy kiệt sức nhưng vẫn tỉnh táo.

Kỳ công của Alain Bombard đã giải quyết mấy vấn đề quan trọng nhằm giúp những người lâm nạn trên biển có thể sống sót: 

- Người ta có thể đối phó với sóng lừng và bão tố chỉ với thuyền cao su.
- Giải quyết cơn khát bằng nước ép từ thân cá (nó không mặn như chúng ta nghĩ), rong tảo và nước mưa.
- Bác bỏ định kiến cho rằng con người không thể uống được nước biển (anh đã uống nước biển trong tuần đầu trong khi chờ mưa). Tuy nhiên về vấn đề này … các nhà khoa học vẫn khẳng định là nước biển không uống được. 
- Thực phẩm thì lấy từ cá, rong tảo và chim biển.
- Quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tư tưởng. Phải giữ được lòng tin và tinh thần phấn đấu.
 
Anh nói, phần lớn nạn nhân bị chết vì lo sợ dẫn đến hoảng loạn. Họ chết trước khi nguồn sinh học trong cơ thể họ thực sự cạn kiệt. Họ cần phải tin tưởng rằng, với ý chí và nghị lực, họ có thể làm nên những chuyện phi thường. 

H: Cậu bé 2 tuổi đang trôi dạt trên đại dương chiến tranh (Kenya 7-2011) - hình không liên quan bài viết.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Sự hình thành một biển mới ở Ethiopia

(Sưu tầm, trích)  

Theo các nhà nghiên cứu, châu Phi hiện đang chứng kiến sự hình thành của một biển mới sẽ khiến lục địa này bị nhỏ đi. Các nhà địa chất làm việc tài vùng Afar, Ethiopia, cho hay, thậm chí đại dương sẽ xẻ lục địa đen làm đôi. Tất nhiên quá trình này còn dài (sau khoảng 10 triệu năm). Tại Triển lãm mùa hè của Xã hội Hoàng gia Anh (Học viện Khoa học quốc gia Anh), TS. Tim Wright  nói “sự kiện là thực sự đáng tin cậy”. Họ cho biết, họ đã vô cùng may mắn khi có thể chứng kiến sự hình thành của một biển mới, bởi quá trình này thường bị giấu kín bên dưới các vùng biển.

TS. Wright đã theo dõi và thấy sự thay đổi này ở Afar trong 5 năm qua. Tại đây đất bị mở ra, khá rõ dưới chân họ. Năm 2005, một vạt dài 60 m, rộng 8 m đã được mở rộng trong khoảng thời gian có 10 ngày. Đá nóng chảy sâu bên trong trái đất đang chảy dần lên trên bề mặt và tạo ra sự chia cắt. Những đợt phun trào dưới lòng đất vẫn tiếp tục và cuối cùng vùng sừng châu Phi sẽ bị xẻ đôi và một biển mới sẽ được hình thành ở giữa.
  
TS. James Hammond, Đại học Bristol, Mỹ, đã làm việc ở Afar, cho hay, nhiều khu vực của vùng nằm dưới mực nước biển và đại dương đã lấy mất khoảng 20 m đất ở Eritrea. “Cuối cùng vùng này sẽ bị đẩy tách ra. Biển sẽ tràn vào và sẽ bắt đầu tạo ra biển mới”. “Vùng sẽ bị xẻ ra, chìm dần dần ngày càng sâu xuống và cuối cùng  nhiều vùng ở nam Ethoopia, Somalia sẽ bị … trôi dạt ra xa, tạo thành đảo mới. Chúng ta sẽ có một Phi châu nhỏ hơn và một hòn đảo rất lớn “trôi nổi” giữa Ấn độ dương”.

Nhóm nghiên cứu hi vọng sẽ tiến hành các thử nghiệm ở trong khu vực, nhằm giúp hiểu được bề mặt trái đất được hình thành như thế nào. Họ cũng tin rằng thông tin thu thập được từ việc quan sát sự hình thành trái đất sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các thảm họa tự nhiên, như động đất, núi lửa.

Lời góp (vui) của Diver 1: Sau 10 triệu năm nữa, thợ lặn sẽ có thêm một điểm lặn hấp dẫn.
Hình (vui) của Diver 2: Đây là thác Angel, Venexuela, cao 807 mét và 979 mét (2 nhánh), Diver 2 nghĩ rằng sau 10 triệu năm nữa, thác Angel sẽ xẻ ngọn núi này thành hai.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Lặn vo độ sâu

(sưu tầm, trích)

… Hít một ngụm nhỏ không khí, anh trượt xuống dọc theo một dây cáp với vận tốc 1,7 m/s. Có tay phanh để đề phòng trượt quá mau. Anh canh trong vòng 3 phút để xuống sâu 150 mét và lên lại mặt nước. Anh cảm thấy rất nhanh. Ánh sáng mờ dần. Vượt quá độ sâu 50 mét hầu như tối đen. Nước ép vào màng nhĩ, đau khủng khiếp. Phổi như bị nghiến bẹp, bụng bị giật lắc do những cơn co giật – cơ thể của anh đang cần ôxy.

Loic Leferme (người lặn sâu nhất thế giới vào tháng 10/2002, độ sâu 162 mét) nói: “Cuộc lặn vo như địa ngục đối với người mới bắt đầu, nhưng đem lại cảm giác ngây ngất cho những ai thành thạo”.

Trang bị của thợ lặn vo là sự luyện tập đều đặn. Yếu tố đầu tiên được chia sẻ giữa tất cả những động vật có xương sống, gồm cả con người và cá voi, đó là nhịp tim phản xạ chậm. Khi thợ lặn tiếp xúc với nước lạnh, đa số các mạch máu ở tay, chân và hệ tiêu hóa đều co lại, nhưng sự co mạch này không ảnh hưởng gì đến tim, phổi và nhất là não. Tức là ôxy sẽ tạm ngừng tiếp tế cho phần ngoại vi của cơ thể, để tập trung cho các cơ quan mang tính sống còn (đến 90% nguồn cung cấp).

Vì sự tuần hoàn giảm mạnh, nhịp tim có thể bị sụt. Thợ lặn vo chuyên nghiệp, nhịp tim có thể chuyển từ 80 lần/phút khi ở mặt nước xuống còn 40 lần/phút ở dưới nước, ngay khi xuống vài mét nước đầu tiên. Ngay cả khi không có kinh nghiệm về lặn, độ giảm nhịp đập tim có thể đạt từ 20-30%. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí trên bề mặt nước và nước càng lớn, thì phản xạ càng mạnh. Ngay từ lúc bắt đầu ngừng thở, tim có thể đập chậm lại đến mức tối thiểu.  

Tình trạng nhịp tim phản xạ chậm có thể được cải thiện nhờ tập luyện. Chế độ tập luyện đều đặn giúp thợ lặn ít nhạy cảm với sự mất ôxy. Thợ lặn vo khi nín thở chứa trong phổi khoảng 5 lít không khí, trong đó chỉ có 1 lít ôxy. Trong khi lặn, ôxy được tiêu thụ bởi những tế bào của cơ thể và được thay thế bởi khí thải CO2. Khi tỷ lệ CO2 trong máu quá lớn, các cơ quan cảm thụ ở não ra lệnh thở, nhưng thợ lặn nhà nghề có thể chịu đựng lượng CO2 cao hơn.

Theo Erika Schagatay, sự khác biệt giữa thợ lặn nín thở 7 phút và người chỉ 1 phút 30 giây, chính là sự tập luyện. Nhưng Erika Schagatay lại không rõ là sự tập luyện đó liệu có thể cải thiện khả năng tiềm ẩn của lá lách không. Cơ quan này lưu giữ thường xuyên 20 – 30 cl máu. Do tác động của các cơ, lá lách cung cấp một lượng hồng cầu giúp cải thiện thành tích của người lặn vo. 

H: Lặn vo sâu 116m trong 249s - WilliamTrubridge (để minh họa)

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Nơi thủy triều dâng cao 16 mét

Rất tiếc là phải tới giữa tháng 6 hàng năm, khu vực mực nước thủy triều cao nhất thế giới Hopewell Rocks, Vịnh Fundy, thành phố New Brunswick, Canada, mới mở cửa nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, tôi (tác giả) vẫn quyết dạo chơi dưới đáy biển. (Theo tienphong.online, trích)

Jane, một phụ nữ Canada, nói chúng tôi tới New Brunswick mà không ngắm cảnh kì vĩ này thì coi như chưa hiểu gì về thành phố lâu đời nhất Canada. Jane thận trọng chọn giúp chúng tôi một ngày nắng đẹp vào cuối tháng 5. Chị tìm kiếm thông tin, ghi chép từng giờ nước lên, nước rút và khuyên chúng tôi nên có mặt tại Hopewell Rocks trước 8 giờ: “Vậy các bạn phải khởi hành trước 6 giờ”.

Từ trung tâm thành phố đến Hopewell Rocks gần 200 cây số với 2 giờ chạy xe hơi ... Một cảnh tượng lạ kỳ diễn ra trước mắt, nửa dòng nước xanh trong phía đông đang bị nửa dòng nước đỏ quạch pha loãng ra. Dòng nước đỏ rút rất nhanh dưới ánh nắng mặt trời để lộ dần đáy biển với thảm rong biển ngay dưới nơi chúng tôi đứng. Đám cá, tôm tung tẩy bơi nhảy theo dòng nước. Những đàn chim từ trên cao lượn xuống kiếm mồi.

Đang loay hoay trước biển cấm và cảnh báo những nguy hiểm, nhóm bạn trẻ đến từ thành phố Halifax, ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Để xuống dưới đáy đại dương, chúng tôi cẩn thận theo hàng trăm bậc thang kiên cố từ lưng chừng núi xuống.

Nước vừa rút, theo từng bước chân chúng tôi có tiếng lép bép vui tai. Tiếng kêu đó là do những quả khí của đám rong biển mọc tràn dưới thềm đại dương. Loại rong ở đây mọc thành tảng lớn, ôm lấy những nền đất, mỏm đá khổng lồ và thường được Canada khai thác làm nguyên liệu chế biến thuốc và các loại thực phẩm chức năng.

Thận trọng tránh trơn trượt, một người dân bản địa chỉ cho chúng tôi những điểm trắng phía trên cao, phải ngửa cổ, nheo mắt mới nhìn thấy: Đó là điểm đánh dấu mực nước lên hàng đêm ở khu vực này. Trung bình, mực thủy triều dâng từ 10 đến 14m.

Mức triều cao nhất ở đây có thể trên 16m. Đây là chiều cao của tòa nhà năm lầu và là mức thủy triều cao nhất thế giới với khối lượng nước đổ về lên tới hàng nghìn tỷ tấn. Thủy triều dâng rất nhanh và được tính từng phút, nên muốn dạo chơi dưới thềm đại dương đều phải nắm rất chắc thời gian nước lên – nếu không muốn bị kẹt lại dưới đáy biển.

Xuống tới đáy, cả không gian rộng lớn với những kiệt tác thiên tạo khổng lồ hiện ra trước mắt. Chú “khủng long” cả trăm người ôm mới xuể. Những hình thù to lớn được đặt tên như lâu đài đá, mẹ thiên nhiên, quả táo, viên kim cương, con gấu... Xa xa, một lọ hoa bằng đá khổng lồ lúc nào cũng được bài trí hoa tươi, bởi đó là mảnh đất được tách rời ra và phía trên mặt đất cây cối mọc xanh tươi.

Điều khiến du khách hào hứng là được leo trèo lên những hình khối khổng lồ mà không gặp biển cấm hay nhắc nhở của nhân viên hướng dẫn. Quan điểm của Ban quản lý nơi này là những gì thuộc về tự nhiên sẽ luôn là của thiên nhiên, còn bạn thì cần thận trọng để bảo đảm sự an toàn của chính mình. Chúng tôi trèo lên những viên kim cương, đu đẩy những chồng bát đĩa xếp thành dãy dài dưới sàn nhà của biển.

Hopewell Rocks là góc đặc biệt nhất nằm trên Vịnh Fundy, có 600 triệu năm tuổi. Theo thời gian, những ngọn núi bị xói mòn, đá và sỏi rửa xuống từ núi tạo thành một thung lũng rộng. Chính vì đặc điểm lượng nước lớn đổ dồn về thung lũng trong thời gian ngắn mà Hopewell Rocks được ví như chiếc bồn tắm khổng lồ. Qua hàng triệu năm, những lớp đá, sỏi kết với nhau thành một thềm đá lớn xen kẽ với các lớp sa thạch. Đó chính là đáy đại dương, nơi du khách dạo chơi mỗi khi nước rút. 

H: Các cột đá bazan thiên tạo ở Irelend (không liên quan bài viết)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Chia sẻ về kỹ thuật bơi trườn sấp (bơi sải) - P2

P2- Ba kiểu quạt tay tiêu biểu (lời góp của bạn Tumador, trích)

Kiểu thứ nhất là một kiểu rất tự nhiên, nói đến bơi sải thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến nó: Một tay quạt xuống nước là lúc tay kia đưa lên khỏi mặt nước, rất đều và nhịp nhàng. Giống như chèo thuyền kayak, không thì cũng gần gần như thế. Chuyên môn gọi nó là “Shoulder driven”, nôm na là “chèo thuyền”. Đây là kiểu bơi rất phổ biến trong thi đấu cho đến những năm 90 với đại diện đỉnh cao là Alexander Popov (Nga).

Kiểu thứ hai gọi là Front Quadrant Swimming (FQS) hoặc “Hip driven”. Kiểu bơi này được khởi xướng vào những năm 90 từ Úc, như Murray Rose, Kieren Perkins, Ian Thorpe hay Grant Hackett. Kiểu bơi này có hai điểm giúp nhận ra một cách rõ ràng là, thứ nhất, vào một lúc nào đó, cả hai bàn tay của người bơi sẽ nằm ở phía trước vai. Điểm thứ hai nằm ở tay quạt nước, người bơi tìm cách dướn vai lên, sau đó gập cánh tay ở chỗ khuỷu tay để kéo nước về đằng sau. Điểm này tương đối khó để nhận biết được lúc xem video. Lợi thế của kiểu bơi này là người được trườn dài trên mặt nước và lướt tốt hơn (thời gian lướt nước lâu hơn) so với kiểu chèo thuyền, tuy nhiên có nhược điểm là vì trong nhịp có thời điểm hai tay ở phía trước nên sẽ có lúc người không có lực đẩy nên sẽ bị cản lại một chút.

Kiểu thứ ba là kiểu “tay cứng”. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là khi tay đưa lên không và chém xuống nước thì thẳng đơ ra chứ không gập lại (lúc chèo ở dưới mặt nước thì gập như thường). Đại diện cho kiểu bơi này là Stefan Nystrand, Michael Klim và Hisayoshi Sato (là người châu Á đầu tiên bơi 100 m dưới 49 s). Ở kiểu bơi này, do tay trên không và chém xuống phải giữ thẳng nên người bơi phải “quẫy” cả người, và chính cái quẫy này làm cho người lướt đi (thực ra tui chả hiểu “quẫy” thì lướt đi thế nào, nhưng cứ tưởng tượng cảnh con cá nó quẫy để lướt đi thì chắc kiểu này cũng na ná như vậy).

Về thở:
 
Lúc bạn nghiêng người sang một bên để thở thì dễ bị nước vào miệng. Điều này có nghĩa là tay quạt nước của bạn chưa được hiệu quả lắm. Giả sử như bạn thở bên phải, lúc quay sang phải để hít hơi cũng là lúc tay phải kéo về (bạn tưởng tượng bằng cách đưa hai cánh tay ra phía trước, bây giờ tay phải bơi một nhịp đồng thời nghiêng sang phải để thở ý tui muốn nói tại thời điểm này), nếu tay quạt hiệu quả thì chỉ cần nghiêng mình sang một bên là miệng bạn hoàn toàn không chìm trong nước rồi.

Nhiều người nghĩ là mặt nước thì lúc nào cũng phẳng, nên nếu muốn thở mà không bị nước vào miệng thì miệng phải cao hơn mặt nước. Thực ra khi bơi, đặc biệt là lúc quạt nước và nghiêng sang một bên, phía đầu bạn sẽ có một đoạn sóng nhỏ và phần nước ở khoảng khoảng mặt bạn sẽ bị đẩy đi và làm cho chỗ nước ở mặt bạn trũng xuống và bạn có đủ chỗ để thở rồi.

H1: Kiểu quạt tay thịnh hành vào thời 1935.
H2: Kiểu quạt tay “Swimming into the 21th century” với 2 tay gặp nhau ở phía trước. Trong hình là trường phái quạt tay Total Immersion. 
H3: Một biến thể “Swimming into the 21th century” kiểu quạt tay với 2 tay gặp nhau ở (3/4) phía trước. Đa số VĐV (dường như) đã áp dụng kiểu này.