Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Bikini từng là nơi Mỹ thử bom nguyên tử

Với nhiều người, Bikini chỉ là tên gọi của loại áo tắm hai mảnh, được giới thiệu lần đầu tiên tại Paris ngày 05/07/1946, nhưng ít người biết rằng, chỉ trước đó 5 ngày, đã xảy ra vụ thử bom nguyên tử trên một hòn đảo có tên là Bikini.

Đảo san hô vòng Bikini rộng 6 km2, thuộc quần đảo Marshall, với tổng diện tích 181 km2, gồm 34 hòn đảo nhỏ, hiện có khoàng 61.000 người sinh sống, nằm ở phía tây Thái bình dương, khoảng phía bắc Nauru, Kiribati, phía đông Liên bang Micronesia, phía nam đảo Wake.

Quần đảo này vốn là đất nước của người Micronesia. Năm 1526 nhà thám hiểm Tây Ban Nha Salazar đã phát hiện (một từ ngữ sặc mùi thực dân) ra nó. Năm 1788 nhà thám hiểm Anh Marshall đã ghé thăm. Quần đảo này từng là thuộc địa của Đức (1885 – 1914) và Nhật (1920 – 1944). Năm 1944 bị Mỹ chiếm đóng, và hai năm sau, ngày 30/06/1946, trái bom nguyên tử thứ tư của Mỹ (là trái bom nguyên tử đầu tiên sau Thế chiến thứ hai) đã thử tại đây. Tính tới ngày 08/06/1958, nơi đây đã có 67 vụ thử vũ khí nguyên tử và hạt nhân.

Năm 1966, sau khi Mỹ tuyên bố mức độ phóng xạ ở khu vực đảo Bikini đã giảm xuống mức an toàn, những cư dân thủa xưa của đảo đã trở lại đây sinh sống. Tới giữa thập kỷ 1970, họ lại phải di cư sang nơi khác vì được cảnh báo rằng, độ phóng xạ ở đây bỗng tăng lên đột ngột. Theo kết quả nghiên cứu gần đây, có thể phải tới năm 2040 đảo này mới thực sự an toàn.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Bikini là hoang đảo, nên đã tạo ra một thế giới động thực vật phong phú. Bikini do vậy trở thành một biểu tượng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của thiên nhiên – bất chấp việc đã từng bị tàn phá nặng nề.

Cộng hòa Marshall Islands (giành độc lập ngày 21/10/1986) có kế hoạch biến Bikini thành điểm du lịch Sinh thái và Lịch sử, bởi đảo này đã trở thành “Biểu tượng của chủ nghĩa thực dân hạt nhân, khi vũ khí giết người hàng loạt được thử nghiệm tại những hòn đảo Thái bình dương và trên sa mạc Australia, rất xa nước có loại vũ khi ấy”.

Số liệu:
- Tính từ ngày Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm hạt nhân (16/07/1945) cho  tới tháng 9/1996, khi Hiệp ước cấm thử toàn diện hạt nhân được thông qua, toàn thế giới đã diễn ra 2.047 lần thử hạt nhân, trong đó Mỹ thử 715 lần, Liên xô 715 lần, Pháp 210 lần, Anh 45 lần, Trung Quốc 45 lần, Ấn độ một lần vào năm 1974.
- Trái bom nguyên tử ném xuống Hirosima có tên là “Chú nhóc” (Little Boy) sức nổ tương đương 15 Kton, trái ném xuống Nagsaki có tên là “Lão béo” (Pat Man) sức nổ tương đương 21 Kton.

H1: Bikini - vụ thử bom nguyên tử (chụp từ đảo kế bên).
H2: ...và bikini.

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Hồ Chagrgo Ggagoggmanchauggagogg Chaubunagungamaugg

Đó là tên chính thức của một hồ nước thuộc một thị trấn của Webster, Massachusetts, Mỹ.

Bạn đã từng du lịch tới những hồ nước sâu nhất, lớn nhất trên thế giới như hồ Huron, hồ Baikan, hồ Titicaca, hồ Tonle sap, nhưng có thể bạn chưa đặt chân tới một hồ với tên gọi rất khó gọi. Với 45 kí tự, “Chargo Ggagoggmanchauggagogg Chaubunagungamaugg” là tên của một hồ có cái tên khó gọi nhất ở Mỹ. Nó khó gọi đến nỗi ngay cả dân địa phương cũng không dễ dầu gì nói đúng được, thậm chí có biển báo dẫn đường tới hồ cũng bị viết sai. Sau này, để “đơn giản hóa”, nhiều người gọi nó là hồ Chaubunagungamaug hay Chargo.

Hồ này được tạo nên từ sự rút lui của các dòng sông băng trong Kỷ băng hà cuối cùng. Tham quan khu vực này là một cách tuyệt vời để dành thời gian với thiên nhiên. Du khách tới đây để khám phá các đầm lầy xung quanh hồ, tìm hiểu các kiếm động vật hoang, để bơi lội và chèo thuyền trên hồ.

Hồ này được biết đến từ khá sớm với ba tên gọi khác nhau là: Chabanaguncamogue, Chaubanagogum, Chaubunagungamaug. Các nhà sử học đều thống nhất rằng ba tên gọi đó đều mang chung một ý nghĩa: “Hồ câu cá sát biên giới”. Xưa kia, hồ này thuộc quyền sở hữu của bộ lạc người da đỏ Nipmuc.

Rồi hồ này bị đổi tên khi người Anh chiếm vùng đất này làm thuộc địa. Lúc đó một người Anh tên là Samuel Slater đã xây dựng một nhà máy gần ngôi làng Manchaug và đặt tên là Monuhchogoks. Từ đó người da đỏ gọi hồ này là Chargoggaggoggmanchoggagogg với hàm ý là “Người Anh ở Manchaug”. Không lâu sau, vào năm 1795, tên gọi này đã xuất hiện trên bản đồ thị trấn Dudley. Năm 1831, cả Dudley và Oxford - hai vùng tiếp giáp hồ này - cùng điền lên bản đồ cái tên Chargoggaggoggmanchoggagogg, nhưng tới năm 1830 thì quay lại sử dụng cái tên Chaubunagungamaugg.

Cuối cùng, người ta quyết định ghép tên nguyên gốc do người da đỏ đặt (tức Chaubunagungamaugg) cùng với tên mới (tức Chargoggagoggmanchoggagogg), và ý nghĩa hoàn chỉnh của cụm từ Chargoggagoggmanchauggagogg chaubunagungamaugg này là “Người Anh ở Manchaug tại Hồ câu cá sát biên giới”. Riêng tờ Webster Times đã “dịch” nghĩa cụm từ này là “Bạn câu cá bên phía bạn, tôi câu cá bên phía tôi, và không ai câu cá ở giữa”.

Lời góp:
Nếu chỉ quan tâm tới cái tên của địa danh, thì tên dài nhất phải là tên gọi của thủ đô Thái lan. Bạn không tin ư? Bạn sẽ nói: Dóc vừa thôi cha nội, thủ đô Thailan là “Bangkok”, phiên âm Hán-Việt là “Vọng các” hay “Mạn cốc”, đâu có dài.

Thực ra “Bangkok” là tên “giao dịch” quốc tế. Trong nội bộ quốc gia, họ gọi là “Krung Thep”. Tuy nhiên Krung Thep là tên gọi tắt (kiểu như dân thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí trong văn bản của chính quyền địa phương, vẫn gọi thành phố của họ là “Thành phố”), còn tên đầy đủ được đọc như sau : Krung Thep Maha Nakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayutthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udom Ratchaniwet Mahasathan Amon Phiman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsannu Kamprasit.
(Tất nhiên họ viết bằng chữ Thái, hàng chữ trên chỉ là phiên âm tiếng Việt).

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Chuyện lẻ tẻ của thợ lặn

(Bài trên Scubadiving.com, trích dịch) 

Thiếu trang, thiết bị, BCD bị rò rỉ, đồng hồ khí bị liệt, mồm thở bị rách,… thật “chẳng là cái gì” đối với thợ lặn chuyên nghiệp, bởi họ đã từng qua mặt cả trăm sự cố thì sá chi mấy cái “chuyện lẻ tẻ”.

Matt và Jake là thợ lặn chuyên nghiệp. Họ làm công việc chăm sóc khách hàng ở một cảng du thuyền nho nhỏ. Họ giúp khách kiểm tra sơ bộ tàu thuyền; hướng dẫn chúng rời, cập cảng; tháo, cột dây giữ tàu thuyền. Đây là cơ hội để họ có chút tiền “típ”. Thu nhập này giúp họ có thêm 30 – 50 USD cho một vài giờ làm việc.

Xế chiều hôm đó, vào ngày nghỉ của Matt và Jake, một chủ du thuyền tới nhờ họ trục vớt chiếc neo tàu bị đứt. Thay vì khất tới sáng hôm sau thì h lập tức đi ngay – họ không muốn bỏ lỡ cơ hội có 100 USD “típ”. Họ theo du thuyền tới khu vực chiếc neo bị đứt. Tới nơi, Matt và Jake lặn xuống. Họ đã tới đáy ở độ sâu 24,5 mét. Mặt trời đã xuống thấp, màu nước nhanh chóng sẫm lại.

… Jake nhận thấy BCD (1) của Matt bị rò rỉ khí khá mạnh. Jake ra hiệu cho Matt “BCD của bạn bị rò rỉ khí đấy” và đề nghị “ta đi lên thôi”, nhưng Matt ra hiệu “không sao đâu”. Họ tiếp tục tìm kiếm. Lát sau Matt cạn khí thở. Anh ra hiệu cho Jake “ta cùng đi lên nhé”. Jake ra hiệu “anh cứ lên trước, tui tiếp tục tìm kiếm”. Matt bèn nổi lên một mình.

Ngồi trên du thuyền, Matt băn khoăn không rõ Jake sẽ dùng cách nào để đưa chiếc neo lên (2) ... Lát sau, bằng kinh nghiệm, Matt biết bạn mình đã gặp nguy hiểm, nhưng do không đem theo chai khí dự phòng nên anh không có cách nào để trở xuống giúp Jake. Anh gọi cứu hộ. Nửa giờ sau đội cứu hộ có mặt. Đã quá muộn.

Điều tra viên nói, chiếc neo mà Jake tìm kiếm lớn hơn những neo mà các anh đã từng vớt. Nó nặng tới 25 kí, kết nối với hơn 30 mét dây neo đường kính nửa inch. Lúc đó Jake đã xách được chiếc neo lên và đã khoác được cuộn dây neo lên mình. Do trọng lượng của neo vượt quá sức nổi của BCD của anh, nên anh phải gắng sức vẫy chân nhái để đi lên (3). Lên giữa chừng, chiếc neo bỗng tuột khỏi tay Jake và chìm nghỉm. Cuộn dây neo bị chiếc neo lôi theo đã xả ra và cuốn lấy chân anh. Đang cố sức đi lên với một BCD được bơm tối đa, Jake bị kéo giật xuống đột ngột, anh bị sặc nước ngay lập tức. Jake bị dây neo trói và bị treo lơ lửng ở độ sâu chỉ 5 mét.

Dấu hiệu tại hiện trường cho thấy Jake đã rút dao cố gắng cắt đứt sợi dây neo đang trói anh, nhưng anh đã không thể với được tay đến sợi dây để cắt nó. Con dao lặn đã được tìm thấy ở dưới đáy biển, gần chiếc neo.


Thợ lặn nói:
                                                         
- Chuẩn bị lặn: Bạn cần kiểm tra các thiết bị để chắc chắn rằng chúng làm việc tốt và bạn cần có đủ không khí cho bạn và cho việc trục vớt của bạn.
- Bạn hãy cùng làm việc với bạn lặn và cùng đi lên.
- Không tìm cách nâng vật nặng mà không sử dụng phao nâng hàng (2).

 (1) Xin xem Tự điển Lanbien ở trên cùng bên phải trang tin.
 (2) Lẽ ra họ phải dùng Lift bag (hình): loại phao bơm hơi chuyên để đưa hàng từ dưới đáy biển lên. Sau khi móc hàng vào phao, thợ lặn bơm khí vào phao, rồi cùng đi lên và khống chế tốc độ đi lên của phao.

(3) Theo thiển ý của NST, thay vì ôm chiếc neo nổi lên, Jake có thể bỏ lại chiếc neo và cầm đầu kia của sợi dây neo rồi nổi lên. Với độ dài dây hơn 30 mét (so với 24,5 mét nước), người trên thuyền sẽ dư sức lôi chiếc neo lên. Tuy nhiên, như lời một chuyên gia lặn cao cấp “Lặn sâu giống như uống thuốc an thần. Đầu tiên nó làm cho bạn ngớ ngẩn, sau đó nó làm cho bạn xử lý một cách ngu ngốc”.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Swim swim (P2)

(Bài của anh Trần Nam Trung, tiếp theo)

Không nên ăn hay uống gì ít nhất 1 giờ trước khi bơi?

Bạn có thể đã nghe những người chạy marathon ăn rất nhiều đêm trước khi chạy đua và sáng hôm sau còn ăn thêm nữa. Những người bơi marathon cũng vậy. Thực tế là với những cuộc đua kéo dài từ 3 giờ trở lên, các vận động viên bắt buộc phải tiếp nước, khoáng chất, và một số carbonhydrate thì mới hi vọng có thể tiếp tục cuộc đua. 

Mặt khác nếu bạn ăn thật no hay uống no những loại đồ uống lạnh ngay trước khi thể dục thì bạn có thể bị đau bụng dù là bạn chơi môn gì đi nữa. 
Nhưng nếu bạn chỉ ăn một bữa bình thường thì bạn không nhất thiết phải ngồi chờ bên thành bể bơi cả tiếng đồng hồ.

Khi cơ thể nóng quá bạn sẽ toát mồ hôi. Những người bơi cũng toát mồ hôi như tất cả những người khác, chỉ có điều bạn ít để ý hơn thôi. Nghe thì có vẻ lạ nhưng mất nước có thể là vấn đề nghiêm trọng với những người bơi. Nếu bạn cảm thấy mệt khi gần tập xong, đặc biệt là khi bơi trong nước ấm hay nóng, bạn nên uống một ít nước để bù lại. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì lợi ích của nó.

Bơi là môn nhàm chán vì cứ lặp đi lặp lại?

Với những người đã bơi ở biển, cách bờ hàng dặm, hay lúc biển có sóng cao sẽ nói rằng bơi chẳng hề chán tí nào. Cũng như khi bơi ở hồ trong vắt trên núi cao, khi mà bạn có thể nhìn thấy tuyết trên những ngọn núi cao xung quanh. Hay đứng ở bãi biển với hàng trăm những người bơi khác khi mặt trời bắt đầu lên. Hay đến một đất nước xa lạ để tham gia vào thi đấu quốc tế, gặp gỡ những vận động viên khác không nói cùng thứ tiếng với bạn nhưng cùng hiểu bạn nói chung một ngôn ngữ với họ? Hay chỉ là đứng lên bục trong một cuộc thi đấu ở địa phương khi trọng tài dương súng lục lên và bạn nghe thông báo “100 mét sải…vào vị trí”.

Thế còn bơi tập thể dục hàng ngày, bơi đi bơi lại thì sao, bạn có thể hỏi. Kể cả các buổi tập hàng ngày cũng vậy, có thể, và nên luôn luôn làm bạn hứng thú. Một đặc điểm của một người huấn luyện giỏi là làm thế nào để người bơi luôn cảm thấy hứng khởi, thích thú, và cảm thấy được thử thách. Bơi lội không hề nhàm chán nhưng chỉ tập không thôi thì có thể.

Để tránh nhàm chán, bạn nên thay đổi kiểu tập. Chia buổi tập ra thành những bài bơi ngắn, bơi các kiểu khác nhau, thay đổi tốc độ từ nhanh tới chậm ngay cả trong mỗi đoạn bơi hay trong các đường bơi khác nhau. Tập luyện những động tác tay hay chân mà bạn còn chưa thành thục để thay đổi “không khí”. 

Một cách nữa có thể giúp bơi lội thêm phần hứng thú, đó là phát triển các mối quan hệ. Hãy làm quen với bạn bè trong các buổi tập, hay trong các buổi thi đấu, tìm hiểu xem họ là ai. Tình bạn được hình thành trong các buổi thi đấu bơi là những tình bạn đặc biệt và nhiều người trông đợi để thi đấu vì những mối quan hệ xã hội cũng quan trọng như các lý do khác. 

Cảm thấy nhàm chán là dấu hiệu rằng sự quan tâm và nhiệt tình của bạn với môn bơi đang có vấn đề. Cách hiệu quả nhất để tránh nó là tạo ra những mục tiêu cho bản thân, để tự thách thức bản thân nhằm đạt được những mục tiêu đó. Hãy đo sự tiến bộ của bạn thường xuyên. 
Ví dụ nếu bạn muốn bơi 500 mét trong một khoảng thời gian nào đó, bạn phải xác định xem với mục đích đó thì tức là đích để bơi được 100 mét là bao lâu. Sau đó, cứ 1-2 tuần một lần, bơi 5 quãng 100 mét, nghỉ giữa các quãng bao nhiêu cũng được tùy cơ thể bạn cần và cố giảm thời gian bơi một quãng 100 mét càng gần với thời gian mục tiêu càng tốt. 
Khi bạn đã có thể duy trì được thời gian mục tiêu cho cả 5 quãng 100 mét, bạn bắt đầu tập làm sao rút bớt thời gian nghỉ giữa các quãng lại, hoặc thử bơi 3 quãng 200 mét một lần với gấp đôi thời gian của 1 quãng 100 mét. 
Cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu bơi 500 mét và từ đó, lại đặt cho mình một mục tiêu mới. Bí mật để ngăn chặn sự nhàm chán là luôn tự tạo cho mình một thách thức với những mục tiêu mới sau đó đặt kế hoạch và đo lường sự tiến bộ của mình.

Bạn chỉ cần bơi 3 lần một tuần là đã có thể đạt được tiến bộ như Aerobic?

Điều này chỉ đúng một phần. Các bác sĩ khuyên tập ít nhất 20 phút thể dục Aerobic một lần và 3 lần trong một tuần để duy trì sức khỏe tim mạch. Tập với mức này sẽ giúp một người không khỏe đạt tới mức khỏe tối thiểu. 

Nhưng tác dụng của nó chỉ dừng lại ở đó. Một khi cơ thể bạn đã đáp ứng được mức này, sự tiến bộ sẽ giảm dần và người bơi sẽ đạt tới ngưỡng, một lực cản gây thất vọng lớn cho người tập. Buổi tập không còn cảm thấy thú vị nữa và khi cơ thể ngừng đáp ứng, người bơi sẽ không cảm thấy mình bơi nhanh lên hay có thể kéo dài hơn, và bắt đầu cảm thấy nản. 
Có 3 cách để làm giảm và tránh tình trạng này: Bạn tập thường xuyên hơn, hoặc lâu hơn, hoặc với cường độ cao hơn. Biện pháp tốt nhất là kết hơp cả 3 cách mỗi thứ một ít.

(NST có sửa một vài chữ nhưng không ảnh hưởng đến nội dung).
H: quỹ đạo chuyển động của cánh tay khi quạt nước sải.

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Swim swim (P1)

(Bài của anh Trần Nam Trung)

Người Mỹ đã quá quen với cảnh người chạy bộ hay đạp xe thể dục trên đường phố, nhưng rất nhiều người trong số họ sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng các nghiên cứu luôn chỉ ra rằng bơi lội luôn là môn thể thao số 1 về số người tham gia. Không chỉ ngày càng nhiều người bơi lội như một cách thư giãn mà kể cả các vận động viên các môn khác cũng tìm tới bơi lội như một cách tuyệt vời nhằm duy trì thể lực của họ trong mùa nghỉ thi đấu, giúp hồi phục chấn thương, hay để tăng độ mềm dẻo.

Mặt khác, rất ít những người đi bơi biết được môn thể thao này đã thay đổi như thế nào trong vòng 2 thập kỉ qua. Không chỉ những thành tựu mới trong cách các vận động viên bơi lội được luyện tập và thi đấu, mà cả những lý thuyết cơ bản trong cách đẩy người trong nước, hay cách quạt tay thế nào cũng đã thay đổi hoàn toàn.

Bạn có đang ở trong tình trạng là bơi càng nhiều hơn nhưng lại đang thấy thích thú ít đi? Hay sự nhiệt tình bơi lội lúc ban đầu ngày càng bị giảm dần khi tốc độ giảm cân chậm lại và không tiến triển mấy nữa? Thành tích bơi của bạn có bị ngưng trệ và dường như không thể khá hơn làm bạn cảm thấy một chút thất vọng và tự hỏi tại sao những người khác ở làn bên kia lại có thể lướt nhanh hơn trong khi dường như họ quạt tay ít hơn và nhẹ nhàng hơn mình? Bạn sẽ nghĩ rằng kĩ thuật của bạn cần phải được nâng cao, nhưng bạn không biết bắt đầu từ đâu?

Có thể bạn đã đạt tới ngưỡng là bạn không để ý tới động tác bơi nữa. Nó trở nên một việc làm thường xuyên hàng ngày của bạn: đến bể bơi, mặc đồ, xuống bể, bơi, lên tắm, và ra về. Có thể bạn mới tập bơi và thấy hưng phấn về một môn thể thao giúp bạn đạt mục tiêu sức khỏe và sắc đẹp. Cũng có thể bạn là một người chơi môn thể thao khác tìm đến bơi lội như là cách giúp hồi phục chấn thương, hay bạn là người chơi Ba môn phối hợp (Triathlon) đang tìm cách nâng cao thành tích môn bơi (trong 3 môn) của mình. Dù bạn đến với môn bơi vì mục đích gì, có lẽ bạn cũng chẳng đọc tới dòng này nếu bạn không quan tâm tới việc nâng cao sức khỏe, kĩ thuật và thành tích.

Trong bài này, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc bàn luận một số quan điểm về môn bơi lội, sau đó nói tới những phát hiện về kĩ thuật bơi (do áp dụng camera tốc độ cao và máy tính phân tích chuyển động) của các vận động viên đoạt huy chương Olympic – những thông tin làm thay đổi cơ bản sự hiểu biết của chúng ta về việc làm sao cơ thể chúng ta có thể lướt đi trong nước. Chúng tôi sẽ bàn về những phát hiện về tâm lý học và hướng dẫn làm sao có thể áp dụng các kĩ thuật mới nhanh và dễ dàng hơn. Chúng tôi sẽ chỉ ra các cách để những người bơi và huấn luyện viên có thể áp dụng để buổi tập được hiệu quả hơn và thích thú hơn. Chúng tôi sẽ bàn về cách nhắm tới và đạt được các mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch tập luyện thế nào. Cuối cùng, chúng tôi nói về bơi lội ngoài thiên nhiên.

Tại sao bạn lại bơi?

Những lợi ích về tinh thần của tập luyện thể thao đã được nói nhiều và đón nhận rộng rãi. Thể dục giúp chúng ta cảm giác thư giãn và khỏe mạnh, và môn bơi có lẽ là môn tốt nhất giúp cho chúng ta có cảm giác này trong các môn thể thao. Các nhà tâm lý học đưa ra giả thuyết rằng việc xoay qua xoay lại trong nước và cảm giác “không trọng lượng” khi ở trong môi trường nước làm chúng ta liên hệ tới đứa bé còn ở trong bụng mẹ, giai đoạn mà mọi thứ đều dễ chịu và tốt đẹp khi mọi nhu cầu của nó được đáp ứng. Một số người còn đi xa hơn khi giải thích rằng bơi lội đánh thức trí nhớ tiềm ẩn rằng mọi động vật đều bắt nguồn từ biển cả. Dù lý do gì thì nước luôn có sự hấp dẫn đặc biệt với nhiều người. 


Những người bơi thường rơi vào tình trạng đê mê, đặc biệt với những người bơi đường dài. Sự tĩnh lặng, cảnh vật giống nhau ở xung quanh, nhịp bơi tay và chân đều đặn, cảm giác không trọng lượng làm bạn như có cảm giác hơi bị mê. Đôi khi có người còn nói các buổi bơi hàng ngày của họ như những giờ thiền.

Bạn có thể cũng nghe về nhóm chất gọi là Endorphins, một dạng Morphin nội sinh sản xuất bởi não bộ khi và sau các buổi tập nặng. Các chất này được cho là nguyên nhân gây kích thích, cảm giác sung sướng, đê mê lâng lâng mà nhiều vận động viên trải qua sau một buổi tập. Nó cũng là nguyên nhân làm cho một số vận động viên cảm thấy bứt rứt khó chịu khi họ không được tập luyện. Người ta còn ghi nhận một nguyên nhân nữa khiến não tiết ra Endorphins nhiều hơn thể dục có thể tạo ra, đó là lạnh. Đây có lẽ là lý do tại sao những người bơi ngoài trời thường có sự kích thích mạnh hơn. Họ có lẽ nhận được gấp đôi liều Endorphins.

Về mặt thể chất, có lẽ bạn đã nghe tới bơi lội đều đặn giúp dẫn tới những thay đổi vật lý nhờ thể dục Aerobic kéo dài, làm tăng khỏe mạnh tim mạch, giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi, tăng lượng máu của mỗi nhịp tim đập, giảm huyết áp, v.v... Bơi lội còn có những lợi ích riêng của nó. Khi bơi, bạn nằm ngang trên mặt nước và tim không cần phải đẩy máu đi ngược với lực hút của trái đất. Điều này rất tuyệt với những người có bệnh tim mạch hay rất yếu.


Ngoài ra, một hiện tượng gọi là "Mammalian diving reflex", bơi lội giúp người ta thở sâu hơn so với các môn khác. Bơi lội là một môn có tỉ lệ chấn thương thấp nhất trong số các môn thể thao và thường được khuyên cho người già, người bị loãng xương, và những người bị các chấn thương khớp hay hệ cơ xương do các môn thể thao khác.  (còn nữa)

(NST có sửa một vài chữ nhưng không ảnh hưởng tới nội dung).
Hình vui bơi lội.

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Bạn sẽ làm gì khi có kẻ khác bơi vượt qua bạn

(Bài trên swim.isport.com, trích dịch)

Trong hồ bơi công cộng, bạn sẽ làm gì khi bạn cảm thấy xuất hiện sóng nước ở phía cuối chân của bạn – đó là một động viên bơi nhanh hơn bạn sắp sửa vượt qua bạn. Và điều gì sẽ xảy ra với bạn khi kẻ đó từ phía sau bạn đang cố gắng vượt lên giữa hai luồng phao định chuẩn? Như một sự kích động, bạn sẽ tăng tốc độ, quyết không cho hắn ta vượt qua bạn? Cách suy nghĩ đó thật không hay đối với các tay bơi. Giữ hòa bình cách tốt hơn cả trong thể thao, và bạn hãy tin tưởng rằng rồi bạn sẽ bơi nhanh như họ trong một ngày tới.

Dưới đây là những gì bạn nên làm, nếu bạn đang ở trong cùng một đường bơi với kẻ bơi nhanh hơn bạn, kể cả trường hợp bị họ ép một chút vào làn đường của bạn:

Nếu ai đó cố gắng vượt qua bạn giữa hai
luồng phao, bạn chỉ cần tiếp tục làm bất cứ điều gì bạn đang làm. Bạn không cần phải bơi chậm lại, nhưng bạn không được tăng tốc độ. Bạn thậm chí không cần phải dịch qua để nhường làn. Vận động viên vượt qua bạn tự có trách nhiệm đánh giá liệu khi đó có an toàn để thực hiện một cú “chuyn làn” hay không. Bất kỳ động viên bơi lội nào đủ nhanh để vượt qua bạn đều phải Darn tốt và có đủ kinh nghiệm để bơi vượt qua kẻ khác, phải không.

Tiếp theo, bạn có thể nới lỏng một chút để giúp kẻ đó vượt qua dễ dàng hơn. Bạn hãy cam đoan là bạn không tăng tốc độ. Khi vượt qua bạn, kẻ đó sẽ vượt ở bên trái làn đường nên sẽ có thể gặp nguy tai nạn do va chạm. Vận động viên đang bơi trong chiều ngược lại có thể va chạm với kẻ đó nhưng cũng có thể va vào bạn (tùy theo phản ứng giữa “ba bên liên quan”). Do vậy bạn “nới lỏng” cũng chính là vì bạn. Không gì khó chịu hơn khi bị va chạm giữa hồ bơi. Không thể diễn tả hết nỗi đau khi hai cái đầu đâm “chát” vào nhau.

Tóm tắt: Trong hồ bơi công cộng có các luồng phao phân cách các làn bơi, và mỗi làn lại quy ước là nửa bên phải cho người bơi đi, nửa trái cho kẻ bơi về (*). Bỗng bạn cảm thấy một cái gì đó “quệt” vào chân bạn, đó là dấu hiệu người phía sau bạn sắp vượt qua bạn. Nếu đó là một vận động viên có kinh nghiệm hoặc đã đọc bài này, họ sẽ lách qua bên trái làn sẽ lướt qua sát cạnh bạn. Bạn không cần phải làm gì, bạn chỉ cần nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Thế rồi kẻ kia xuất hiện bên trái bạn và lướt qua bạn. Khi đó bạn nên dịch qua phải chút xíu. Bạn bơi sát luồng phao bên phải, còn kẻ kia sẽ bơi ở phía bên trái của làn bơi.

Hãy thực hiện theo quy tắc: Bơi được coi là một môn thể thao không va chạm. Bạn hãy cho phép người bơi nhanh hơn vượt qua bạn. Nếu bạn và vận động viên khác tuân thủ quy định an toàn bơi, bạn vẫn sẽ thoải mái bơi ngay cả khi phải chia sẻ một phần làn đường cho kẻ bơi nhanh hơn.

(*) Với những Quốc gia theo luật giao thông đi bên phải (trong đó có Việt nam).