Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Bảo tàng tàu đắm (P2)



(tiếp) Đến thăm Viện Bảo tàng tương lai của những con tàu đắm, các vị khách sẽ thấy những mảnh, những khúc của chiến hạm “Oleg” được đóng tại Peterburg những năm 1901-1903, và bị đoàn tàu phóng ngư lôi của Anh đánh chìm vào năm 1919. Nước vịnh Phần Lan cũng giữ gìn hầu như toàn bộ những mảnh vụn của chiếc tàu thủy Đức “Frida Horn” từ nửa sau thế kỷ 19 – với mô hình hiếm của những con tàu có cầu thang xoắn ốc cùng những khoang bọc thép. Trong số các hiện vật của Bảo tàng còn có những tàn tích của con tàu Thụy Điển xuất xưởng năm 1590, và thậm chí cả di tích của những thuyền Nga cổ.

Những nhà khảo cổ học dưới nước, làm việc trong khuôn khổ đề án “Bí ẩn những con tàu đắm” vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đáy biển vùng vịnh Phần Lan, xung quanh đảo Kotlin. Không nghi ngờ gì, trước mắt sẽ còn nhiều khám phá chấn động. Như lời kể của ông Andrei Lukoshkov, mơ ước của tất cả những chuyên gia lặn và các nhà khảo cổ, vẫn là tìm lại được con tàu, vì một trận cuồng phong mà phải nằm lại dưới đáy biển, mang theo trong khoang nó bộ sưu tập hội họa Hà Lan. Những bức họa thuở ấy đựng trong ống đặc biệt, đổ sáp ong. Dù đã 2 thế kỷ nằm dưới đáy nước, những kiệt tác hội họa ấy chắc hẳn vẫn không hề hấn gì. Điều cốt yếu nhất bây giờ là tìm cho ra con tàu bị đắm này. (còn nữa)
(hình chỉ có tính minh họa về "tàu đắm")

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Về lực lượng cứu hộ của chúng ta




Chuyện về những người dũng cảm nhưng thiếu thốn (thợ lặn trục vớt chiếc xe buýt bị đắm vào ngày 18/10/2010 ở sông Lam Hà tĩnh).
(theo số liệu báo chí - trích).

Ngày 20/10. Đã xác định được vị trí chiếc xe buýt, cách điểm đắm 1 km. Thợ lặn cho biết dưới đáy sông (12-15 m) nước lạnh buốt, đục ngầu, chảy xiết.

Một thợ lặn tâm sự “sông Lam nước lũ khủng khiếp lắm, nhiều thợ lặn lành nghề cũng phải sợ. Với tôi, lúc này mong muốn đưa thi thể của nạn nhân lên bờ nhanh nhất. Sinh nghề tử nghiệp mà”. Một thợ lặn khác nói “hồi đó, có chiếc tàu gặp lốc xoáy bị nhấn chìm dưới biển sâu 35m. Chúng tôi mất gần tháng trời mới trục vớt xong con tàu. Tuy nhiên, trục vớt tàu ở biển không nguy hiểm như ở sông. Đặc biệt là lũ sông Lam chảy xiết, quá mạnh”.

9h. Hai tàu và hai xà lan chia thành hai nhóm tiếp cận vị trí chiếc xe. Các thợ lặn ngậm vòi thở và mang theo dây cáp, sẵn sàng lặn.
9h15. Thợ lăn ngoi lên mặt nước cho biết xe khách nằm ngang sông, họ sẽ móc dây cáp vào xe để chuẩn bị kéo lên.
9h50. Thợ lặn ngoi lên mặt nước cho biết, việc cột dây cáp rất khó khăn do nước xiết. Tốt nhất là cột vào bánh xe, nhưng cả 8 bánh đều bị vùi sâu trong cát. Lực lượng trục vớt hội ý tìm cách cột khác.
Tiếp tục lặn. Sau 10 phút, thợ lặn báo đã cột được 1 cáp vào bánh xe. Nhưng sau nhiều lần lặn tiếp theo, đội cứu hộ quyết định chờ tới sáng 21/10 mới có thể trục vớt. Họ tiến hành neo cố định chiếc xe khách dưới đáy sông.

Ngày 21/10. 12h06 chiếc xe đã được kéo lên tới mặt nước.

Chỉ huy đội thợ lặn cho biết, đồ nghề của họ khá đầy đủ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được. Ông nói “trong điều kiện nước sông chảy quá xiết, nếu mang bình khí nén và mặc quần áo thì sẽ bị nước cuốn trôi. Chúng tôi chỉ mặc quần đùi, khi lặn xuống thì cởi quần, cột chặt vào dây cáp rồi mới tiếp cận được chiếc xe. Khi ngoi lên lại mặc quần vào”.

Là một "dân làng lặn”, tôi vô cùng khâm phục sự dũng cảm của thợ lặn ở sông Lam, nhưng cũng đầy băn khoăn: Chẳng lẽ chúng ta, một Quốc gia có diện tích bờ biển và sông ngòi rất lớn, còn lũ lụt lại rất “phong phú” – theo “định mức” của xứ nhiệt đới gió mùa, lại không thể sắm cho thợ lặn kĩ thuật những phương tiện hiện đại hơn cái mà họ đang có (nếu quả thực họ có) hay sao?

Nhớ lại vụ tàu ngầm Kursk (K-141) của Nga bị đắm ngày 12/08/2000, nếu Cứu hộ Nga có các phương tiện cứu hộ đặc chủng thì nhiều người trong số 118 thủy thủy đã được cứu sống. Bộ phương tiện cứu hộ đó tuy rất đắt (ngang giá 1 trái tên lửa hành trình) nhưng vẫn rẻ nếu so đo với tính mạng con người (kẻ bị nạn và người cứu hộ). Về góc độ đầu tư, thay vì “sắm” 100 trái tên lửa hành trình, thì anh sắm 99 trái và 1 bộ phương tiện cứu hộ đặc chủng?!

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Thi PADI OWC ở Nha Trang.

Thằng nhỏ nhà tui vừa hoàn thành kỳ thi thực hành OWC tại Nha Trang. Cũng như chị hai, nó học và thi lý thuyết tại SG, thực hành tại hồ bơi ở An Phú - Thảo Điền Q2.
Là con trai, khỏe mạnh, bơi tốt và yêu thiên nhiên nhưng không hiểu sao tui rủ rê hắn tham gia lặn biển hoài mà hắn không chịu. Chị Hai đã lấy bằng OWC từ đầu năm mà thằng em vẫn ầm ừ khi tui kêu đi học lặn nhân dịp nghỉ học kỳ. Dịp sinh nhật 19 tuổi, tui tặng nó một món quà, là một thứ mà người nhận bị bắt buộc phải nhận. Tui đăng ký khóa PADI OWC tại Rainbow SG cho nó và thế là đành phải cắp sách (cắp đồ bơi) sang Q2 học. Qua được phần lý thuyết và thực hành hồ bơi, chúng tôi đi Nha Trang để thực hiện 4 lần lặn thự hành bắt buộc trước khi được cấp bằng. Thằng nhỏ đi thi, còn tui tranh thủ đi fun dive. Instructor vẫn là trung tá PADI Ki Ka của RG Nha Trang. Trung tá huấn luyện binh nhì một thầy một trò, thật may mắn cho chú nhỏ. ;)
Sau đây là clips ngày huấn luyện đầu tiên của binh bét TH.Anh.

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Bảo tàng tàu đắm (P1)

Tại Kronshtadt, thành phố-pháo đài ở vịnh Phần Lan, cách St-Peterburg 48 km, người ta đang chuẩn bị thành lập một Viện Bảo tàng độc đáo: bảo tàng những con tàu đắm. Hiện vật trưng bày sẽ được bố trí trong khung cảnh tự nhiên đối với chúng: trong những “thủy cung” đặc biệt, với nước biển Baltich hẳn hoi. Tại sao lại nhất thiết phải là nước biển ? Cần thận trọng như thế, vì e rằng khi tiếp xúc với không khí, những di vật sót lại của những con tàu cổ có thể bị phân rã.

Theo lời ông Andrei Lukoshkov, nhà lãnh đạo khoa học của đề án “Bí ẩn những con tàu đắm”, thứ nước bùn lầy lạnh giá của vịnh Phần Lan hóa ra gần như là một môi trường bảo quản lý tưởng. Từ đầu mùa thám hiểm, tức là từ tháng Tư, các chuyên gia lặn khảo sát đã phát hiện trên đáy vịnh những tàn tích còn sót lại của 12 con tàu thuộc những niên đại khác nhau, và cả xác một chiếc máy bay có thể thuộc loại Li-2.

Tất cả những hiện vật phát hiện được đều rất thú vị. Ví dụ như con tàu Portsmut có đại bác tuyến tính 54 phân, được đóng năm 1714 tại Amsterdam theo bản vẽ do Sa hoàng Piotr Đại đế thiết kế. Portsmut là soái hạm, ngày 24/05/1719 đã giành chiến thắng đầu tiên trên biển khơi cho hạm đội Sa hoàng trước quân Thụy Điển ở vùng đảo Ezel.
Khi nhận được tin dữ về sự hy sinh của con tàu trên đường từ Revely về Kronshtadt, Sa hoàng Piotr Đại đế đã ra lệnh phải thu hồi những mảnh vỡ của con tàu huyền thoại này. Ông Andrei Lukoshkov kể “trong kho lưu trữ, tôi đã tìm thấy bản Sắc lệnh của Sa hoàng, đề ngày tháng của năm 1730, chỉ thị phải tìm kiếm con tàu. Và bây giờ đã có thể nói rằng, sau 278 năm, chúng ta đã thực hiện được mệnh lệnh đó”. Ông nói thêm “tàu Portsmut được bảo quản cũng còn nhờ tầm nhìn hạn chế trong vịnh Phần Lan”.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Một cái chết dưới đáy biển

Trung tâm dạy lặn của David Swain ở Jamestown, Rhode Island (tiểu bang có diện tích nhỏ nhất nước Mỹ). David là người đàn ông điềm đạm, trung thực và quan tâm đến người khác, còn Shelley là một cô gái sôi nổi, nhiệt huyết. Họ kết hôn với nhau vào năm 1993.

Tháng 3-1999, hai vợ chồng đi nghỉ tại quần đảo Virgin thuộc Địa Trung Hải. Họ bơi thuyền buồm, lặn biển thám hiểm. Vợ chồng David thuê chung chiếc thuyền buồm với người bạn - gia đình anh Christian Thwaiteses.

Ngày 12-3-1999, tại bãi lặn Twin Wrecks, David cùng vợ xuống trước, lặn chụp hình quanh các vỉa đá ngầm và tai nạn đã xảy ra. Theo lời kể của David, do mải mê chụp ảnh, anh đã không để ý đến vợ. Lúc quay lại đã thấy Shelley mặt úp xuống, ống thở rời khỏi miệng. Đưa Shelley lên thuyền, Christian và David đã sơ cứu nhưng Shelley không có biểu hiện gì. Họ vội vã đưa Shelley tới bệnh viện trên đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin, nhưng đã quá muộn.

Cảnh sát Tortola tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Khám nghiệm pháp y cho thấy, nguyên nhân Shelley tử vong là do ngạt nước. Các bác sĩ kết luận đây là một vụ tai nạn. Theo đó, David được tự do rời khỏi đảo Tortola quay trở về Jamestown.

Sau cái chết của Shelley, David nhận được hơn 600.000USD tiền bảo hiểm và một số tài sản khác của vợ. Trước cái chết của con gái, ông bà Richard và Lisa Tyre nghi ngờ con rể David là thủ phạm. Họ thuê thám tử điều tra lại toàn bộ vụ việc. Sau khi tới hòn đảo Tortola điều tra, thám tử cho rằng David đã tấn công Shelley dưới nước khi tiếp cận cô từ phía sau, giật ống thở ra khỏi miệng và dìm cô cho tới chết.

Năm 2002, 3 năm sau cái chết của Shelley, gia đình Tyre làm đơn cáo buộc David liên quan đến cái chết của con gái họ. Cảnh sát Tortola rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và đã yêu cầu dẫn độ David Swain. 8 năm sau cái chết của vợ, David đã bị bắt giữ tại nhà tù Balsam Ghut ở Tortola và không được đóng tiền tại ngoại. Sau hai năm giam giữ, cuối cùng David bị đưa ra xử vào tháng 10-2009. Theo công tố viên, động cơ khiến David sát hại vợ mình là số tiền bảo hiểm hơn 600.000USD và việc David ngoại tình. Anh ta đã lén lút quan hệ với nữ bác sĩ Mary Grace Basler khi cô này tới trung tâm của David học lặn. Nhân viên điều tra cũng tìm thấy nhiều bức thư tình David viết cho Mary. Cuối cùng, tòa đã chính thức buộc David Swain tội giết vợ và tuyên phạt 25 năm tù giam.
(Hình - không liên quan tới bài viết)

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Dưới đáy biển VN - dân Scuba chậm mất rồi !

Những thợ lặn làng chài Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khi lặn sò thì bất ngờ gặp dưới đáy biển 3 khẩu thần công đẹp hơn cả những khẩu súng thần công ở cố đô Huế. Đằng sau chuyện này là số phận của con tàu cổ đã chìm gần 200 năm.
Chiều 15-8-2003, đang mò sò ở độ sâu 30m thuộc ngư trường đảo Mắt, cách cửa Nhượng 36 hải lý, thợ lặn quờ tay chạm phải một cái lư hương. Cạnh đó, nhô lên một đầu “pháo” bằng đồng. Các chủ thuyền lập tức huy động 28 thợ lặn quây thuyền lại mò.
Sau 17 ngày dưới đáy biển, sáng 2-9 thợ lặn đã khai quật được ba khẩu súng thần công. Đào xong, họ thuê tàu trọng tải 45 tấn ra tời, mất nửa ngày, mới đưa được ba khẩu thần công lên thuyền. Thợ lặn ngậm một vòi dưỡng khí dài khoảng 100m.
Vụ lặn này có sáu người bị ngất phải đi cấp cứu. Kể từ khi đưa ba khẩu thần công về làng, không ngày nào không có khách buôn đồ cổ đến săn. Các thợ lặn “trích ra” một khẩu thần công trả công trục vớt cho chủ tàu 45 tấn (người này đã mang súng ra thị trấn Can Lộc “cắm” cho dân tiêu thụ sang Trung Quốc, đã bị công an huyện thu giữ). Hai khẩu còn lại còn được lưu giữ tại vườn rau của hai chủ thuyền.
Đây là hai khẩu súng thần công đẹp chưa từng thấy. Mỗi khẩu nặng 1,4 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng 22cm. Trên đai bao quanh thân súng trang trí nhiều dải hoa văn khảm bạc gắn vào dải hoa văn khảm đồng rất tinh tế. Đuôi súng khắc dòng chữ Hán “Minh Mạng nhị niên ... đại tướng quân” (bị mất một số từ). Cuối thân súng, cạnh biểu tượng hình quả tim có “bài minh văn” bằng chữ Hán được khảm vàng.
Theo N.T.Sơn - phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, các khẩu súng này khi bị chìm còn rất mới. Toàn bộ phần bạc (khoảng 1kg/khẩu) và vàng (khoảng 10 phân/khẩu) đã bị những người trục vớt cạy mất khi vừa đưa lên khỏi mặt biển. Bốn chữ “Minh Mạng nhị niên” là năm đầu tiên Minh Mạng lên ngôi vua (1821). Theo ông Sơn, “đây là ba khẩu súng được vua Minh Mạng đúc để khẳng định đế chế khi mình lên ngôi, bị chìm trên đường vận chuyển về nước”.
Cùng với súng thần công, thợ lặn đã tìm thấy 3 nồi đốt hương, 11 lư hương (lư nặng nhất 10kg), xung quanh nồi và lư chạm hình đầu rồng; 1 ấm trà có hai chân vịt, nắp và quai chạm hình đầu rồng khá cầu kỳ.
Một thợ lặn tham gia trục vớt các khẩu thần công này cho biết, súng được chở trên một con tàu cổ dài trên 30m, đáy tàu rộng 4m, vỏ tàu được ép một lớp đồng mỏng. Vô số thanh gỗ của thân tàu bị bấy nát, những thanh còn lại đều dính dầu, dài 4,5m, rộng 40 phân. Con tàu này đang tiếp tục được các thợ lặn thăm viếng. Cổ vật họ lấy từ con tàu được giấu tại vùng biển khác để khi “yên ổn” mới đưa về.