Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Cá mập cứu kẻ trôi dạt trên Thái bình dương

(Theo nld.com.vn, trích)

Ngày 27/5/2012, anh Toakai Teitoi, 41 tuổi, đáp chuyến bay từ đảo Maiana tới thủ đô Tarawa, Quốc đảo Kiribati, để nhậm chức cảnh sát. Sau buổi nhậm chức, trên chiếc thuyền gỗ gắn máy, dài 4,5 mét, anh cùng ông Falaile (chủ thuyền, "kiêm chức" anh rể của Teitoi) trở về Maiana. Chuyến về sẽ chỉ hết chừng 2 giờ nếu đi một mách. 

Để rong chơi tận hưởng cảm giác biển, họ lang thang câu cá và ngủ một đêm trên biển. Khi tỉnh dậy, họ phát hiện chiếc thuyền của họ đã bị trôi dạt rất xa Maiana. Rồi  con thuyền hết nhiên liệu. Trên thuyền còn thức ăn nhưng hết nước uống.

Tiếp theo là sức khỏe của ông Failaile, 52 tuổi, ngày càng tồi tệ do bị mất nước kéo dài. Tới ngày 4/7/2012 Failaile chết. Sáng hôm sau, Teitoi thủy táng Failaile. Một ngày sau đó, trời trở mưa nặng hạt. Teitoi hứng đầy nước vào thùng 19 lít mang theo.

Sáng 11/9 anh thấy một tàu cá xa xa, nhưng rất tiếc, họ không nhìn thấy anh. Teitoi kiệt sức. Anh chỉ còn cách núp dưới mui thuyền tránh nắng và hi vọng.

Vào một buổi chiều, Teitoi tỉnh dậy vì những tiếng cào dưới thân thuyền. Một con cá mập dài hai mét đang húc vào mạn thuyền. 
Anh đi theo nó và đã gặp tàu Marshalls 203Teitoi kể lại: “Có vẻ như con cá mập đã thấy tôi đã chú ý, nên nó bắt đầu bơi đi. Nó dẫn tôi tới một tàu cá, chiếc Marshalls 203”. 

Vì tình trạng sức khỏe của Teitoi không có dấu hiệu nguy hiểm, nên sau khi gọi điện về nhà, tàu Marshalls 203 tiếp tục đánh cá theo lịch trình, và trở về Majuro thuộc quần đảo Marshall.

Ngày 15/9/2012, Teitoi đặt được chân lên Majuro. Anh nhất quyết chọn máy bay để đi từ Majuro về Maiana và thề rằng “sẽ không bao giờ đi thuyền nữa”.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Bơi lội – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P2)

(Bài của anh misamainguyen) (tiếp theo)

2. TƯ DUY KỸ THUẬT

A. Khi bơi sải, tay quạt như chân vịt của xe đạp nước: SAI.

Hầu hết người tập bơi sải khi chưa thuần thục đều nghĩ rằng tay người sẽ quạt như cái chân vịt của xe đạp nước, nghĩa là chuyển động tròn đều, lấy tay thẳng làm mái chèo, lấy vai làm trục. Đây là sai lầm cơ bản nhất trong tư duy người mới tập bơi. Để chứng minh không khó: nếu bạn thử nằm trên mặt nước mà quạt tay kiểu này đều thì chỉ 5 phút là tối về bạn sẽ khỏi phải nhấc bát ăn cơm. Thực tế trục vai của con người không được thiết kế theo kiểu đó. Vậy mà không hiểu sao đôi khi thấy các HLV dạy các cháu động tác trên cạn vẫn bắt xoay tròn tay như thế ???

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Tay bạn không phải mái chèo hay chân vịt mà thực ra là bạn dùng bàn tay và khủy tay ÔM NƯỚC và VUỐT NƯỚC CHẠY QUANH CƠ THỂ. Để minh họa bạn có thể theo dõi trên một số động tác bơi quay chậm của kình ngư Ian Thorpe có trên Youtube sẽ thấy khá rõ.

B. Khi tay nâng lên khỏi mặt nước phải dơ cao tay lên trời: SAI.

Khi kết hợp cái sai này và cái sai nói trên thì tay người đúng là thành cái chân vịt của xe đạp nước rồi. Thực ra có vài động tác tập bơi để tay nâng thẳng lên khỏi mặt nước, nhưng đó chỉ là tập bổ trợ - giống như chạy cao gối và chạy nhấc gót trong tập chạy - chứ khi chạy không ai chạy như thế cả.

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Sau khi tay vuốt nước đến ngang hông (hoặc ngang đùi), thì sẽ nhấc bàn tay lên sát với thân người, khi đó chỉ cần: điều chỉnh bàn tay CHẠY LƯỚT trên mặt nước theo đường thẳng: từ điểm tay ra khỏi nước - đến điểm trước trán khoảng 5 cm rồi duỗi thẳng cánh tay. Khi bạn làm như vậy thì tự động cùi trỏ của bạn sẽ tạo đúng góc và di chuyển đúng chứ không cần thiết tập trung vào cùi trỏ.

C. Chân tạo động lực chủ yếu để cơ thể tiến lên phía trước: VỪA ĐÚNG VỪA SAI

ĐÚNG: Đó là khi bạn bơi thi đấu. Chương trình bơi thi đấu thường chỉ giới hạn đến 400 m, tốc độ là yếu tố tiên quyết, do đó thêm mỗi 1m/s là cả một kỷ lục, đôi chân kết hợp với tay phát huy sức mạnh toàn thể, tốc độ vẫy chân sẽ quyết định đến 30% thành tích. Nhưng đó là đối với bơi nước rút, cự ly ngắn, và các tay bơi đều ở đẳng cấp Top of the ... pool :)

SAI: Khi bạn bơi đường trường thì hoàn toàn không như vậy. Dù bạn có một nền thể lực và một hệ tuần hoàn gần với Iron Man, thì việc vẫy chân nước rút trong suốt 1.000 m cũng là điều không thể. Trong môn bơi đường trường, bạn phải điều hòa được nhịp chân, đôi chân bạn chỉ có tác dụng tốt nhất là ... giữ thẳng. Để cho đôi tay với các bài kéo xô 100 kilo sẽ hoàn thành phần lớn nhiệm vụ kéo cơ thể lên phía trước.

Để đơn giản hóa, bạn có thể hình dung công thức như thế này: NẾU BẠN ĐÃ ĐI BỘ ĐƯỢC 3 KM, THÌ BẠN SẼ BƠI SẢI ĐƯỢC 3 KM. Khi bạn đạt được mức hoàn thiện về kỹ thuật (chứ không phải thể lực) thì bạn bơi sải cũng như bạn đang đi bộ: Khi đi bộ, đôi chân bạn sẽ đóng vai trò chính, đôi tay chỉ có tác dụng phụ trợ vung vẩy bổ trợ cho động tác. Ngược lại, khi bơi, đôi tay bạn lại đóng vai trò chính, kéo cơ thể về phía trước, đôi chân chỉ là “phớt phẩy cho đẹp đội hình” mà thôi. Kỹ thuật đúng của đôi chân sẽ được trình bày trong phần BÍ QUYẾT tiếp sau.

D. Bơi sải là phải giữ thẳng thân người: VỪA ĐÚNG VỪA SAI

ĐÚNG: Một trong những câu tôi phải nói nhiều nhất với những người tin tưởng nhờ tôi hướng dẫn, đó là: Quan trọng nhất phải giữ thẳng người. Thực là trong tất cả các phương pháp bơi lội, điều quan trọng nhất là cơ thể phải thẳng, không cần biết bạn bơi kiểu gì, nếu cơ thể không giữ được thẳng thì chỉ giống như ... bạn đang nằm thư giãn trên mặt nước mà thôi 
:p

SAI: Nhiều người hiểu sai về việc giữ thẳng thân người, thẳng ở đây nghĩa là thẳng so với phương chuyển động và phương của mặt nước - chứ hoàn toàn không phải như một con thuyền Kayak với hai tay như hai mái chèo - hay để dễ hình dung - là như một cái bè được kéo trôi thẳng trên mặt nước.

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Là bạn sẽ vừa bơi vừa lật người sang hai bên theo một góc 45o, nghĩa là cơ thể bạn như cây chuối được lật đi lật lại trên mặt nước, và khoan xoáy về phía trước. Mỗi khi bạn quạt tay, cơ thể sẽ lật nghiêng một góc 45o so với phương ngang của mặt nước, và theo đó bạn lấy hơi !

Trên thực tế đã có một phương pháp bơi theo kiểu không lật mình, lấy hơi bằng cách chồm lên mặt nước, vận động viên này đã từng vô địch thế giới, nhưng điều này áp dụng cho siêu nhân người Nga. Các siêu nhân người Úc và người Mỹ đều phải vừa bơi vừa lật mình, chúng ta cũng nên như vậy.  (còn nữa)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Bơi sải – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P1)

Bài của anh misamainguyen (NST có sửa một vài chữ - không ảnh hưởng tới nội dung)

I. PHẠM VI CHỦ ĐỀ

Do hoạt động bơi lội nói chung và môn bơi sải (trườn sấp, crawl, freestyle) nói riêng đều có phạm vi rất rộng bao gồm từ kỹ thuật đến thành tích và cả hứng thú, nên tôi giới hạn chủ đề hướng dẫn này chỉ trong phạm vi hẹp là giúp đỡ các bạn đã biết cơ bản về kỹ thuật bơi sải có thể bơi dài hơn và cải thiện được quãng đường bơi sải của mình.

Vậy cải thiện là thế nào? Mức độ cải thiện mong muốn là nếu các bạn điều chỉnh được đúng các kỹ thuật trong hướng dẫn (cũng khá đơn giản), thì có thể đạt được mục tiêu bơi tối thiểu là 1 km và tối đa tùy theo thể trạng sức khỏe của mỗi người, ví dụ cơ thể như tôi hiện nay có thể bơi trong giới hạn 5 km bơi sải, ở điều kiện hồ bơi, tất nhiên là đây chỉ là ước lượng chưa đến mức mình phải kiệt sức - trung bình tôi chỉ bơi 2-3 km mỗi khi xuống bể.

II. VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

Trong các kiểu bơi thì bơi sải và bơi ếch là phổ biến nhất. Do đặc điểm của kỹ thuật bơi ếch, người biết bơi ếch đều có thể nhanh chóng bơi rất xa 1-2 km đối với cả nam và nữ, nên tự nhiên rất ít thấy có câu hỏi như "làm sao để bơi ếch được xa và không mệt (hụt hơi, mỏi cơ)?", dù trên thực tế số người bơi ếch không đúng kỹ thuật là rất nhiều, nhưng bơi đường trường - hay tạm gọi là bơi dưỡng sinh - không phải là vấn đề với những người bơi ếch.

Ngược lại, bơi sải có đặc điểm kỹ thuật khác hẳn với bơi ếch, đồng thời thêm một lý do là cách dạy bơi sải từ trước đến nay ở nước ta thường sai kỹ thuật là chủ yếu (kỹ thuật đây được hiểu là kỹ thuật chung hợp lý, đã được thế giới tổng hợp và phổ biến như một chuẩn từ rất lâu), dẫn đến hầu hết những người học xong một khóa bơi sải 3-4 tháng chỉ có thể bơi được từ 50 m tới 100 m là hết sức - dù rằng có nền thể lực rất tốt. Vì vậy vấn đề đặt ra là tại sao bạn đã được giáo viên dạy hết các kỹ thuật bơi sải, bạn có thể lực tốt hơn rất nhiều so với một bạn nữ, hay một em nhỏ kia, mà bạn chỉ bơi được 100 m đã thấy mệt hơn là chạy cả trận bóng đá, trong khi bạn nhỏ kia cứ đều đều từng sải đến cả chục vòng bể. Sau khi về nhà bạn tiếp tục tập chạy đến 10 km, tập Squat đến 80 kg, rồi ra bể bơi kết quả vẫn thế, có khi còn tệ hơn cả lúc trước.

Lúc này bạn băn khoăn là điều gì xảy ra ở đây? Cả về sức bền lẫn sức mạnh bạn đều gấp mười người khác, mà tại sao không thể cải thiện thêm dù chỉ 10 m, tôi đã nghe có bạn nói nhìn thấy người khác bơi hàng chục vòng bể như siêu nhân, nhưng thực ra làm sao lại nhiều siêu nhân đến vậy? Có thể bạn sẽ lên các diễn đàn hỏi và được rất nhiều cao nhân chỉ giáo, thậm chí cả các huấn luyện viên (HLV) chỉ lại cho bạn cách thở, cách quạt tay, đập chân ..v.v. nhưng khi áp dụng vào đều không thực hiện được. Vậy vấn đề tại sao ?

Vấn đề ở đây không phải những điều người khác chỉ cho bạn không ĐÚNG mà là những điều đó chưa TRÚNG với những gì bạn cần.

Bơi lội là một bộ môn có đặc trưng rất khác với các môn thể thao khác. Từ đó đặt ra các trở ngại việc bạn hoàn thiện kỹ thuật như sau:


III. CÁC TRỞ NGẠI CẦN NẮM RÕ KHI LUYỆN TẬP

Tại sao tôi lại đặt ra các trở ngại trước khi nói rất ngắn gọn về những kỹ thuật hầu như không phức tạp? Bởi vì với kinh nghiệm dạy cho nhiều người bơi, tôi nhận thấy những điều rất đơn giản trong môn thể thao khác chỉ phải nhắc nhở đến 10 lần thì trong môn bơi lội nhắc đến hàng trăm lần vẫn không thể sửa được. Vì có những trở ngại như sau :

1. MÔI TRƯỜNG NƯỚC

Một trong những lý do tôi yêu thích môn bơi lội là vì khi thả mình vào môi trường nước tôi hoàn toàn có thể quên đi mọi stress, thậm chí mọi việc trong cuộc sống. Nước là một môi trường rất đặc biệt, nó vừa dìm người xuống vừa nâng người lên. Đặc biệt trong môi trường nước tự bạn phải tìm kiếm oxy để thở, nếu mất tập trung hay không hoạt động bạn phải trả giá ngay. Cũng trong môi trường nước, mọi giác quan của bạn đều thay đổi từ xúc giác, khứu giác, thính giác, cho đến thị giác...v.v. Do đó, có những điều chúng ta có thể dễ dàng thực hiện trên cạn thì khi xuống nước sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và khó khăn nhất, đó là điều chỉnh động tác.

Tôi đã hàng trăm lần nói chỉ về một động tác chưa chuẩn, như khủy tay hay chân chưa thẳng với một người, mà người đó cũng không thể chỉnh được, cứ vào bơi là lại sai. Thậm chí tôi vừa bơi vừa lặn bên cạnh anh ta đúng 500 m chỉ để theo dõi mỗi khi anh ta sai là hét to lên điều chỉnh, vậy mà cũng rất lâu sau mới sửa được. Khi con người trong một môi trường khác lạ như nước, một số người có cách hành xử khác hẳn thường ngày, một số người quên một cách vô thức. Cộng thêm bạn không thể có một cái kiếng để nhìn vào khi ở trong bể được, và cũng hầu như không có ai có thể bơi cạnh bạn để điều chỉnh ngay từng động tác. Nên nói dông dài cũng chỉ để các bạn nhớ kỹ rằng: sửa một động tác sai trong nước là rất khó, vì vậy bạn phải luôn luôn hiểu và tự nhớ, tự sửa, kể cả khi đã hoàn thành ngon lành mục tiêu bơi sải 3 km rồi !

2. TƯ DUY KỸ THUẬT (còn nữa)

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Thợ lặn có thể tồn tại gần như với mọi tai nạn, nếu anh ta kiểm soát được mình

(bài trên scubadiving.com – trích).

Mike được bốn thợ lặn rủ đi lặn tại một rạn san hô ở bờ biển California. Đó là chuyến lặn từ bờ, nơi họ sẽ bơi từ bờ ra khoảng 150 mét để tới bờ vực lặn. Họ lên kế hoạch lặn, lập theo Rebreather(*). Họ biết vùng này hay gặp những tình huống phải đối mặt.

Hôm đó biển có sóng cao hơn so với kế hoạch lặn của họ. Sau khi đánh giá lại các điều kiện, hai thợ lặn trong nhóm, người địa phương, quyết định không lặn. Mike nói với hai thợ lặn còn lại là lặn vẫn tốt. Ba người kiểm tra Rebreathers, điều chỉnh lại kế hoạch lặn. Xin nói, Mike là huấn luyện viên từ tuổi 30, có 15 năm trong nghề với hàng ngàn chuyến lặn.

Mike xuống nước trước để thu thập các dữ liệu về tác động của biển ... Mike cảm thấy sóng rất mạnh và nhanh chóng nhận ra rằng anh không đủ sức để trụ vững. Mike bị quay tít như nằm trong máy giặt.

Sau nhiều lần bị sóng tung lên dập xuống, anh quyết định sẽ xuống sát đáy để bò vào bờ. Mike hít một hơi, nhưng thiết bị thở của anh bỗng mất tác dụng. Anh bị nghẹt thở. Mike chờ lúc sóng đưa lên để nhoi lên mặt nước, để cố hít một hơi thật sâu, nhưng chưa kịp hít hơi thì sóng lại quật anh xuống. Anh đấu tranh để kiểm soát sự buồn nôn dữ dội của mình, cố chịu đựng và kiểm tra thiết bị lặn. Anh đã tìm ra chỗ hư hỏng. Anh xử lí chỗ hư hỏng và sau đó đã thở được, tuy họng bị rát bỏng do hóa chất từ Rebreather chui vào họng.

Và Mike lên bờ trước sự khâm phục của mọi người. Cuộc kiểm tra y tế cho thấy, mặc dù anh bị bỏng nhẹ hóa chất ở miệng và cổ họng, nhưng phổi của anh vẫn an toàn và anh vẫn có thể tiếp tục lặn, vào một ngày khác.

Thợ lặn nói :

Lặn từ bờ tại một số điểm lặn ở California cần một kỹ năng chuyên biệt để đối phó với những con sóng đột nhiên mạnh lên. Mike tuy là thợ lặn xuất sắc nhưng chưa có kinh nghiệm lặn ở bờ biển này. Anh cũng hiểu rằng mình có thể gặp rắc rối bởi Overestimating.

Khi Mike cùng thiết bị thở bị quật xuống đáy biển, thì đầu ống dẫn khí tới bình lọc đã bị lỏng ra, làm nước nhập vào bình lọc, nên bên trong thiết bị đã xảy ra phản ứng hoá học. Trong hoàn cảnh đó, Mike đã kiểm soát được mình và đã vặn lại được đầu ống.

Mike nói đó không phải là kinh nghiệm của anh, mà do anh đã nhận được sự đào tạo nghiêm khắc từ khóa học Rebreather: “Tôi biết ơn huấn luyện viên của tôi, anh ấy đã cứu cuộc đời tôi”.

Cơ quan chức năng nói:
Kinh nghiệm của Mike bị giới hạn trong điều kiện sóng không đột nhiên lớn. Lúc đó Mike không để ý rằng, lúc sóng lớn, các thợ lặn địa phương có kỹ năng để làm cho nó trông dễ dàng, chứ không phải lặn lúc sóng đột nhiên lớn là dễ dàng.
khẩn cấp đã cho phép Mike đối phó với vấn đề. hợ lặn có thể tồn tại gần như với mọi tai nạn, nếu anh ta vẫn kiểm soát được mình. Khả năng ngăn chặn hoảng loạn của Mike đã cứu mạng sống của anh ấy.

(*) Rebreather là loại thiết bị thở tuần hoàn (thiết bị thở mạch kín). Ngoài chai khí nén và các phụ kiện như thiết bị Scuba thông dụng, chúng còn có bình hóa chất có tác dụng lọc khí CO2 từ hơi thở ra của thợ lặn, và đưa khí sạch trở về cho thợ lặn tái sử dụng. Dùng Rebreather rất “kinh tế” vì thợ lặn không cần mang theo nhiều chai khí. Tuy nhiên, hóa chất trong Rebreather có thể xem là một loại “sô đa ăn mòn da”.

Hình minh họa.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bộ đồ bơi mô phỏng da cá heo

Ngày nay, các vận động viên bơi lội (VĐV) không thể chiến thắng nếu khoảng cách tính bằng vòng bơi, mà phải giành giật nhau từng phần trăm giây một, như tại Olympic 2008, trong nội dung 100 mét bướm, Michael Phelps đã giành chiến thắng trước Milorad Cavic chỉ với 0,01 giây.

Chừng 10 năm trở lại đây, bộ đồ bơi đã xuất hiện những mẫu có cấu trúc bề mặt mang nhiều rãnh nhỏ phỏng theo da cá heo, nhờ đó lực cản nước(*) ngày càng được chế ngự. 

Một dự án mà các nhà nghiên cứu của ba châu lục đã hướng tới: Đầu tiên, họ đo kích cỡ của 400 VĐV hàng đầu thế giới để xác định hình dạng của sản phẩm tương lai. Tiếp theo, họ thí nghiệm với 100 kết hợp khác nhau từ vật liệu mới tới tạo dáng. Họ mô hình hóa và xác định các điểm trên cơ thể của VĐV bị xoáy nước nhiều nhất. Lực cản trong lúc bơi lớn đến mức người ta khó có thể tưởng tượng được. Nó tương đương với sự cảm nhận khi ta đưa đầu ra ngoài cửa xe hơi đang chạy với vận tốc 145 km/h.
Đồ bơi LZR Racer của hãng Speedo được phát triển từ dự án trên. Hãng nói rằng nó sẽ giảm 10% lực cản của nước và giúp xuất phát nhanh hơn 4%. Rằng nó được làm bằng vật liệu (vải) đặc biệt, dán bằng siêu âm. Rằng một cái giống như khung ép vào cơ thể VĐV làm cho cơ bắp cứng hơn và ổn định hơn (**). Tháng 2/2008, sự xuất hiện của đồ bơi Speedo siêu nhẹ đã gây xáo trộn trong bơi lội. Chỉ trong năm 2008 đã có 40 kỷ lục thế giới được lập với các VĐV mặc nó.

Nhưng nhiều người nghi ngờ về tác dụng thực của nó. VĐV Gary Hall (Mỹ) bày tỏ sự nghi ngờ này “Tôi tin là tất cả những lời khen ngợi về bộ áo bơi mới này chỉ để nhằm đánh lạc hướng những hiệu ứng do doping đem lại”. Tình huống này đã xảy ra vào năm 1976: Đội nữ VĐV bơi lội của CHDC Đức đã đoạt nhiều huy chương và cũng giải thích bằng áo bơi mới. Nhưng thay vào đó là doping. Nhà y học thể thao Klaus Michael Braumann nói “Áo bơi chỉ đóng một vai trò nhỏ thôi” (nhưng như thế cũng đủ để đoạt huy chương vàng rồi).

(*) Lực cản thứ nhất: Nước đặc 800 lần hơn so với không khí, sẽ tác động lập tức lên VĐV một khi anh ta “húc đầu” vào đó. 
Lực cản thứ hai: Khi chuyển động trong nước, sự tiếp xúc giữa nước và da của VĐV sinh ra các dòng xoáy hỗn loạn và từ đó hình thành lực ma sát. 
Lực cản thứ ba: Lực cản tại mặt phân cách giữa không khí và nước khi VĐV di chuyển tại biên giới này (gọi là “lực cản của sóng nước”). 
Các lực cản đều có thể suy giảm được bằng các kỹ xảo bơi lội kiểu mới, nhưng riêng lực cản thứ hai thì các nhà nghiên cứu, VĐV và huấn luyện viên đều … thua. Đó chính là lí do ra đời của bộ đồ bơi da cá heo và đó cũng là lí do để Liên đoàn Bơi lội thế giới (Federation Internationale de Natation – FINA) cấm sử dụng trong thi đấu.

Về nguyên lý: Một vật thể muốn bơi nhanh trong nước phải có hình giọt nước đang rơi. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, trên bề mặt tiếp xúc (lớp da) vẫn sinh ra lực ma sát. Nếu vật thể chuyển động chậm thì lực cản này khá nhỏ, nhưng khi chuyển động nhanh, mức độ xoáy hỗn loạn của nước trên bề mặt tiếp xúc cũng gia tăng, vì thế lực ma sát sẽ tăng vọt (theo cấp số nhân).

Về da cá heo: Sở dĩ cá heo bơi nhanh được vì lớp da của nó có cấu tạo làm giảm lực cản của nước. Bề mặt da của nó gồm ba lớp: Màng ngoài cùng làm bằng chất sừng nhẵn rất mỏng, rồi đến biểu bì và chân bì. Trên chân bì có vô số mấu rỗng ruột, tựa như những ống tròn nhỏ nằm trong lớp biểu bì. Những mấu này đàn hồi rất tốt, có thể triệt tiêu phần lớn lực ma sát nước.

Sự mô phỏng: Nếu bề mặt vật thể có độ đàn hồi phù hợp, với những lồi lõm siêu nhỏ, sẽ hấp thu và khéo léo triệt tiêu những xoáy hỗn loạn trên mặt tiếp xúc. Mô phỏng cấu trúc da cá heo, người ta chế tạo một loại (tạm gọi là) cao su đặc biệt rất đàn hồi. Bên trong có vô số mấu rỗng ruột và có ống thông giữa các mấu rỗng này, dẫn một loại dịch nhớt lan ra trên bề mặt, làm cho bề mặt có một màng mỏng trơn nhẵn, giúp giảm bớt ma sát với nước.

(**) Có thời, FINA chấp nhận cho VĐV sử dụng “đồ bơi có thể giảm lực cản của nước”. Từ Olympic 2000 tới Olympic 2008, đồ bơi LZR Racer của hãng Speedo đã vượt lên tất cả để trở thành bộ đồ bơi hỗ trợ tốc độ tốt nhất. Đồ bơi này phải đảm bảo làm giảm sức cản nước lên cơ thể VĐV; và không làm cho họ trở nên vướng víu, nặng nề hơn trong khi bơi. Hãng Speedo đã sử dụng loại vải Spandex với những ô xám trơn láng ở ngực, lưng và chân. Chúng được cấu tạo từ 3 phần (tạm gọi là) vải khâu chìm với nhau (để hạn chế các mối hàn/đường may nổi trên bề mặt bộ đồ bơi).

H1: Đồ bơi (mô phỏng da cá heo) giúp làm giảm lực cản của nước. 
H2: Đồ bơi (burkini) giúp làm … tăng lực cản của nước (vui một chút).

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Để tới đó, tôi phải chui qua 853 mét hang ngầm dưới độ sâu 44 mét

(Sưu tầm, trích)

Tôi (tác giả) biết Brian Kakuk của “Bahamas ngầm” trên tạp chí Advanced Diver hơn một năm trước. Great Marsh Harbour là thị trấn 5.000 người nhưng là thành phố lớn thứ ba của Bahamas. Tôi từng nghe nói về các lỗ xanh (Blue hole) Andros và Caverns Lucaya, về Grand Bahama, nhưng tôi chưa bao giờ coi Bahamas là điểm lặn đẹp!

... Thế rồi tôi đi lặn Bahamas.

… Tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp của hang động này. Trong đời tôi chưa từng thấy những gì đẹp hơn thế, hùng vĩ hơn thế. Hàng ngàn măng đá và nhũ đá, một số nhỏ như ngón tay, số khác lớn như cây Sê qua khổng lồ. Những tinh thể nhũ đá màu sắc sống động, từ sáng trắng đến màu đỏ và có nhiều hoa văn. Các hang động như siêu thực, như từ một bộ phim thần thoại. Tôi đã lạc vào cung điện của Thủy tề.


Chuyến lặn thứ hai với độ sâu tối đa 43 mét trong 60 phút tại một điểm khác của hang Dean. Nó khác hẳn. Nó làm tôi liên tưởng tới một phiên bản cỡ lớn của Ginnie hay Jackson Blue, với những măng đá, nhũ đá và sự hình thành tinh thể. Các hóa thạch ở khắp mọi nơi. Hang Dean quả có nhiều gương mặt.


Hôm sau chúng tôi đi lặn trễ vì hang Broken Reel đang bị tác động mạnh mẽ của thủy triều ... Chúng tôi xuống 30 mét. Broken Reel là một hang khá hẹp. Tầm nhìn gần bằng không bởi phù sa khá nhiều và bị khấy đục do dòng chảy. Nhưng chỉ vài phút sau là quan sát được. Chúng tôi đã phải hai lần chống lại dòng chảy gặp trên đường đi và về … Sinh vật biển nhan nhản khắp mọi nơi. Hàng trăm con tôm hùm, cua, cá và nhiều loại sinh vật khác. Vách đá trong hang rất sắc và đầy bọt biển. Broken Reel không đẹp như hang Dean nhưng nó khác hẳn các hang động mà tôi đã từng lặn.


Tôi lặn lần nữa ở hang Dean. Brian (hướng dẫn viên địa phương) nói với tôi rằng anh ấy mới phát hiện ra một “đại sảnh đường” mà anh đặt tên là Wrigley Field. Từ ngõ nhập, bạn phải bơi 853 mét dưới độ sâu 44 mét mới tới được “đại sảnh đường”. Đây là một thách thức lớn hơn bao giờ hết với các thợ lặn hang động. Ở đó, các cột nhũ đá cao ngang tòa nhà nhiều tầng. Brian nói hang Dean không hiếm những “sảnh” cỡ như vậy. Thuyết phục mãi, cuối cùng Brian đã đưa tôi tới đó ... Đèn chiếu không sáng nổi các bức tường ... Đây là cuộc lặn tuyệt vời nhất mà tôi đã từng lặn.


Trên đường trở về mặt nước, lúc dừng giải áp(*), tôi không ngăn được ý muốn sẽ quay lại đây nhiều lần nữa. Tâm trí của tôi đã gửi lại Wrigley Field mất rồi.

(*) Xin xem trong “Tự điển Lanbien” ở trên cùng bên phải trang tin.
H 1, 2: Các hang động ngầm ở Bahama.
H 3: Sơ đồ mặt cắt của một hang động ngầm (để ví dụ).