Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Tam đại đồng đường, hay: scuba diving tại Hawaii

Bài của chị Lê Thanh Hoàng Dân (my.opera.com/Le Thanh Hoang Dan/blog)

Đảo Hawaii của Mỹ rất đẹp, được người Mỹ nhắc đến như là Thiên đàng trên thế gian này. Mặc dầu là một tiểu bang của Mỹ, nhung Hawaii bơ vơ ngoài biển Thái Bình Dương, tách rời hẳn với lục địa Hoa Kỳ. Dân số ở đây đa số là da vàng, khác hẳn những nơi khác ở Mỹ ở đó dân đa số là da trắng, da đen. Mỹ có hai tiểu bang tách rời hẳn với đất Mỹ, là Alaska và Hawaii. Alaska rất lạnh. Hawaii rất ấm, nắng ấm quanh năm. Nắng ấm đến độ có lần tôi thấy hình Ông Già Noel ở gần bãi biển Waikiki Hawaii được vẽ mặc áo tắm. Điểm đặc biệt khiến nhiều người thích Hawaii là đảo này mùa đông ấm, mùa hè mát mẻ dễ chịu. Đúng là thiên đàng. Hawaii bao gồm 19 đảo và đảo san hô dài hơn 2.400 cây số. Các đảo Hawaii do núi lửa tạo thành, nền đất đai rất phì nhiêu, bông hoa nở rất đẹp, phong cánh rừng rậm, suối, và biển không nơi nào bằng, nên người Mỹ coi Hawaii là một thiên đường.

Đảo Hawaii nằm trọn trong miền nhiệt đới, xung quanh là biển Thái Bình Đường rất đẹp. Thế giới dưới biển quanh Hawaii đẹp tuyệt vời. Mấy năm trước con cháu của tôi đã đi scuba diving ở Hawaii, cho biết thế giới dưới biển tuyệt vời, rất vui.

Cuộc đời đáng sống lắm.

Hình: Gia đình của tác giả đang scuba diving ở Hawaii.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Hoàng sa, Trường sa, cá mập và dân chài Ghềnh cả

(sưu tầm, trích)
Hồi xưa dân chài Ghềnh cả lặn theo lối “thủ công”: cột cục đá vào mình rồi lặn. Sau này họ trang bị đồ nghề “tối tân” như bình khí nén, kính lặn, áo lặn, chân nhái ... và điểm hành nghề không dừng lại ở ven bờ mà vươn ra các xã đảo Lý Sơn. Ghềnh Cả là một làng ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi và hầu hết chỉ làm một nghề: Lặn đêm.

Khoảng 10 năm gần đây, nhiều hộ đã sắm tàu công suất lớn, ra các vùng quanh Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện Ghềnh cả có 40 chiếc với trên 400 thợ lặn, đi ngư trường xa. Mỗi chuyến ra khơi 15-20 ngày. Mỗi năm mỗi chiếc đi được ít nhất 10 chuyến ... “Bảy chục thước, lặn chỗ này không?” - thuyền trưởng hỏi. Nếu anh em thấy có sức thì xuống, còn không thì kiếm chỗ sâu chừng ba, bốn chục thước. Bắt đầu một cuộc dạo dưới đáy biển. Phiên lặn đầu tiên từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng. Để dạo dưới đáy biển, họ sử dụng “giàn đèn” đưa xuống (không rõ có đảm bảo về an toàn điện không), đáy biển sáng bừng. Vùng biển đêm phản chiếu một quầng sáng trên biển, vàng rực.

Dưới đáy biển chỗ nào rừng đẹp, có san hô nhiều màu, chỗ nào nhiều hang động thì phải hỏi ngư dân Gành Cả. Đôi khi họ gặp những “mê cung” thần bí: “Ở dưới biển cũng có hang hốc ghê lắm. Đáy biển có nhiều đoạn bằng phẳng nhưng thỉnh thoảng cũng có những cái hố rộng như sân vận động, màu nước đen ngòm. Gặp mấy cái hố này, tụi tui dạt đi chỗ khác cho an toàn”.

Ánh đèn giúp ngư dân “nhặt nhạnh” dưới đáy biển nhưng cũng thu hút cá mập. Họ nói: “Hoàng Sa ít cá mập bự nhưng cá cỡ đứa trẻ thì bầy bầy. Mỗi lần phóng lao trúng một con cá cam, cá thu cỡ chục ký, mình chưa kịp đến, cá mập đã nhào vô giành và chạy mất. Đâm được ba con thì bị cá mập giành mất một”. Ngư dân khác cười ngất: “Lặn đêm thỉnh thoảng ngoảnh lại sau lưng là thấy cả đàn cá mập lẽo đẽo bám theo, y như con nít vậy. Nó nghe mùi máu cá tươi, đi theo giành cá, với lại ánh sáng đèn nên nó tới. Đuổi thì nó chạy, một lát lại mò tới”. Mỗi thợ lặn đêm mang theo một khẩu súng bắn tên và một cây xiên cá. “Lâu lâu mình chọc nhứ một cái, thế là cả đàn cá mập xô nhau chạy”.

Cá mập tưởng đáng sợ, hóa ra chỉ đùa giỡn. Một số loại tưởng vô hại hóa ra lại “xấu chơi”. Một ngư dân cho biết: Con đồi mồi lên bờ thì nằm hiền khô một cục, nhưng dưới nước chuyên chơi xấu dân lặn. Ban đêm, khi thấy ánh sáng, mấy con đồi mồi cứ xẹt ngang, xẹt dọc trước mặt. Hễ con đồi mồi nào từ phía sau lưng tiến tới và đi ẻo lả thì phải coi chừng. Thấy mình lơ là, từ phía sau, con đồi mồi xẹt ngang mặt, cái mai nó sắc như dao cứa vô mặt mình rồi … lủi.
Hình: Thợ lặn nói với Cá mập voi "Con đi chơi chỗ khác cho mấy chú mần ăn".

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Bạn sẽ làm gì khi gặp cá mập

(Bài của một Huấn luyện viên - trích)

Trước hết, khi đang lặn, nếu gặp cá mập thì bạn cần nghĩ rằng mình gặp may.

Có một vấn đề là các cuộc tiếp xúc với cá mập ở dưới nước thường bị thổi phồng. Kể ra cũng có người bị tai nạn trong cuộc tiếp xúc với cá mập, nhưng kì thực rất hiếm tình huống cá mập chống lại thợ lặn. Ngoài ra, những con cá mập bé nhỏ chắc chắn không phải là mối đe dọa.

Khi lặn gặp cá mập, bạn phải có ngay … máy chụp hình. Nó là một cái gì đó để bạn có bằng chứng khi kể lại với bạn bè lúc ngồi trong quán rượu. Đừng hoảng sợ nhưng không nên làm những chuyện ngớ ngẩn. Với tôi, thật đáng buồn, tôi ít khi được gặp cá mập. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần lặn trong vùng biển có cá mập và đã từng nắm vây chúng để chia tay với chúng.

Ngoài việc chụp hình để gửi lại cho hậu thế thì bạn nên làm gì? Có rất nhiều tình huống, phụ thuộc vào loài cá mập sống trong khu vực đó. Thợ lặn ở đó sẽ cho bạn biết những gì về chúng và biện pháp phòng ngừa cụ thể.

Theo kinh nghiệm của tôi, cá mập trong khu vực lặn giải trí thường nhút nhát và thuộc diện hưu trí. Nói chung chúng không quan tâm đến thợ lặn, vì chúng thích tấn công những con mồi (bạn không phải là mồi của chúng) hoặc các động vật bị thương hoặc đang bơi trên mặt nước. Vì vậy khi đang lặn, bạn không nên lo lắng về việc cá mập đang đến gần bạn.

Hãy chắc chắn rằng bạn có thể nhìn thấy chúng nếu chúng tiến đến bạn, ít nhất nhìn thấy chúng từ một hướng, và nhìn thẳng vào mắt chúng nếu chúng bắt đầu tiếp cận bạn, nhưng bạn không được tỏ thái độ khiêu khích chúng. Hãy tránh việc nổi lềnh bềnh trên mặt nước và trông như một con vật chết. Nếu đã lên tới mặt nước thì bạn vẫn phải đeo kính lặn để quan sát những gì đang xảy ra bên dưới bạn.

Tất nhiên có một số loài cá mập có “danh tiếng” và bạn phải tích cực hơn, nhưng nói chung bạn sẽ không bị chúng làm phiền – nếu bạn không làm phiền chúng.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Phú quốc, Cá mập, Săn bắt và Bảo tồn

(sưu tầm, trích)

Mấy năm trước, trong một lần dong tàu từ cảng Dương Đông về bắc đảo Phú Quốc, tình cờ Tiến lạc vào vùng biển này. Sau 45 phút hải trình, anh cho tàu thả neo trước một mũi đá. Lặn xuống mười mấy mét nước, anh lạc vào một rừng san hô. Đi tới một điểm có lẽ là ranh giới của đám san hô. Nó dường như được phân định bởi một dải cát mịn. Bên kia dải cát là một thế giới khác. Chằng chịt những khóm đá được phủ rong rêu và xác thủy sinh. Tôm cá cũng ít lởn vởn như những nơi khác. Một vùng nước lạnh lẽo và hoang tịch. Tiến đã phát hiện ở các hốc đá những đôi mắt xám đục đang theo dõi người lạ … hàng trăm đôi mắt, quá nhiều cá mập (bamboo shark). Anh như người tìm được kho báu. Tiến đặt tên nơi này là “vịnh cá mập”.

Những lần sau, khi tàu neo lại mũi đá phía bắc đảo, Tiến lại qua dải cát mịn để đến với vùng biển lạnh. Vẫn từ hốc đá là hằng hà những đôi mắt dò xét. Anh vuốt ve những thân hình sần sùi, gai góc. Hai năm nay, không biết từ khi nào, cá mập ở đây đã không nhát bóng người. Chúng có thể theo con người rời hang và dạn dĩ với những bàn tay trìu mến.

“Lặn chỗ anh có gì hay không?”. “Có san hô tuyệt đẹp”. “Cái đó nơi khác cũng có”. “Nhưng chỗ tui có bamboo shark”. “Chắc gặp không?”. “Chắc!”. “OK, nếu thật vậy thì tuyệt!”. Đó là lần đầu tiên Tiến kiếm tiền từ việc đưa khách lặn đến vịnh cá mập – một cách rất ngẫu nhiên.

Khi vào khu vực cá mập, khách lặn sướng như phát cuồng. Có lần, một du khách vô tình làm đau cá mập, lập tức chúng “không còn bạn bè gì nữa”, may Tiến kịp có mặt để “giải hòa”. Những lần sau, khi đưa khách lặn đến nơi này, anh dặn họ tránh xâm hại nơi cư trú và không can thiệp vào cuộc sống tự nhiên của cá. Và đám cá cũng càng trở nên thân thiện với con người. Vịnh cá mập trở thành “trang trại” của Tiến.

Thức ăn của chúng là các loài tôm cá. Chúng thường theo các đàn cá con vào mé để kiếm ăn nên mắc lưới là chuyện thường. Là một tay săn cá nhưng thấy người ta tóm cá mập bỏ vào bao mà con cá cũng không bỏ chạy, thì anh buồn như thể họ vào vườn bắt thú nuôi của mình. “May là chưa ai tìm ra chỗ ở của đám cá mập”, rồi Tiến chợt chùng xuống: “Chưa phát hiện chứ không phải là không thể phát hiện. Và điều lo lắng nhất là các ghe lưới cào có thể san bằng bãi đá san hô – chốn cư ngụ cuối cùng của chúng”.

Những chuyến đến vịnh cá mập, nhóm thợ lặn nhẹ nhõm khi dưới những khóm san hô vẫn còn những đôi mắt thụp, ló quan sát. Nhưng cũng có những lần bầy cá thưa thớt hẳn. Các anh biết làm gì hơn để bảo vệ vương quốc cá mập kỳ thú này.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Trung quốc lúc nào cũng muốn làm hoàng đế

Tuy tiêu chí của blog chúng ta là chỉ nói chuyện về lặn, nhưng xã hội ta hiện đang bức xúc với cái "lưỡi bò" mà Trung quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, nên cho phép tôi có chút lạc đề:

(vietnamquansu, trích) ... Từ thực tế trên, tác giả nhắc lại rằng, Mendès France (Thủ tướng Pháp, vào năm 1954-NST) khi đàm phán với Chu Ân Lai, đã tin tưởng là Trung Quốc rõ ràng tán thành chia cắt lâu dài Việt Nam, tán thành sự tồn tại của phía nam Trung Quốc nhiều quốc gia đa dạng. Cho nên Bắc Kinh đã hạn chế các yêu sách của Việt Minh ở hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt đã gây sức ép với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải giảm bớt “tham vọng” đối với miền Nam Việt Nam và đối với các nước khác ở Đông Dương, để tạo nên một sự cân bằng mới ở ngay Việt Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Ý đồ của Bắc Kinh còn ở chỗ là “bị cắt mất vùng lúa gạo thừa thãi ở Nam kỳ, Bắc Việt chỉ còn có thể hướng về Trung Quốc để bổ sung nguồn thực phẩm còn thiếu”; “sau khi Việt Nam bị chia cắt, miền Bắc gắn bó mật thiết hơn với nền kinh tế Trung Quốc từ nay duy nhất có khả năng cung cấp cho những nhu cầu chủ yếu của một nước không thể tự cung tự cấp được. Tình trạng đó từ nay sẽ là một chủ bài quan trọng đối với chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam".

Về chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương, sự khác nhau cũng thể hiện ngay trên các tuyên bố công khai. Từ đó, tác giả cho rằng quan điểm của Trung Quốc về một Đông Dương đa dạng có nghĩa là “Lào và Cam-pu-chia phải là đối trọng với Việt Nam". Và “Lập trường của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa muốn tạo ra nhiều nước riêng biệt ở Đông Dương, muốn Ban-căng hoá Đông Dương dĩ nhiên dẫn đến sự chia rẽ tình đoàn kết giữa những người yêu nước ở các nước Đông Dương, làm suy yếu các mặt trận cách mạng và dân chủ ở Lào và Cam-pu-chia đang hướng về chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Đó là: “một chính sách Đông Dương nối tiếp chính sách của các triều đại hoàng đế xưa kia”, mà một trng những nét nổi bật nhất của chính sách đó là ý muốn thường xuyên duy trì hoà bình ở sườn phía nam, dựa trên thế cân bằng lập ra từ nhiều sự cạnh tranh giữa các nước khác nhau ở trong vùng… một chính sách khá gần gũi với chính sách chia để trị cổ xưa”.
Hình: lính Trung quốc bị bắt khi xâm lược Việt nam.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Một ngày của tỉ phú (P2)

Những chuyện không phải của tỉ phú:

Tại Phú quốc xa xôi, giá của RB và VE cho một khách là 75 USD/2 lần lặn, khách quen giảm 10%. Tôi đưa ra “chứng cứ” về sự quen biết nên được VE bớt. Tỉ phú đi chơi một ngày mất dăm ngàn USD như không, còn tôi chỉ bỏ ra có 67,5 USD mà một mình một tàu, và hơn thế, một mình … một biển (không tính dân chài), quả là “trên cơ” anh tỉ phú.

Chì “đối trọng” đeo quanh bụng.
DM đưa tôi 4 kí chì. Tôi xua tay: “Với Wetsuit (áo thợ lặn) 3 li thì chú phải đeo 7 kí”. Hai bên “trả giá” qua lại và tiến tới “thỏa thuận chung” là 6 kí (với thể trạng của tôi, tới bất cứ đâu cũng bị người ta khẳng định “4 kí là dư rồi”). Chúng tôi nhảy xuống biển. DM ra hiệu “lặn nhé” rồi chìm, bong bóng lục bục nổi lên, còn tôi chỉ … ngập đầu. DM trồi lên, bắt tôi cắm đầu xuống, đưa chân lên trời nhưng vẫn không khá hơn. Anh ta lôi tôi chìm xuống hơn mét rồi thả tay ra, tôi từ từ … nổi lên. “Chú kì quá hén” – DM cười ha há. “Chú nói rồi, tại tụi bay không tin” – tôi cười to hơn. DM gài thêm cho tôi 1 kí chì và cả hai ... chìm nghỉm.

Món quà của tôi.
Lần lặn thứ hai, tôi bị rớt con dao lặn (loại bao dao không có nhíp khóa tự động và tôi quên khóa lại sau khi “giới thiệu” con dao với DM và Boatswain). Lên tàu tôi tần ngần: “Cho chú xuống tìm con dao. Chú sẽ trả tiền lần lặn thứ ba”. DM đồng ý nhưng nét mặt thoáng buồn. A há, tôi hiểu rồi, anh chàng rất khoái dao lặn. Tôi quyết định: “Thôi, khỏi lặn, chú cho tụi con bao dao, luôn bộ dây đeo. Nếu con tìm được dao, thì xem như quà chú tặng”. DM vung tay: “Sáng mai VE có hai khách, thế nào con cũng tìm được, dễ mà”.

Món quà của anh bạn tôi.
Sau chuyến đi Phú quốc của nhà tỉ phú (là tôi), anh Đạt, dân gốc thủy thủ, với thái độ thông cảm, đã tặng tôi (dưới danh nghĩa “bán ra” với giá 5 ngàn VND) con dao lặn Wenoka nhíp khóa tự động.

Món quà của DM.
Lúc chia tay, DM nói: “Đi với chú dzui thiệt. Lần sau chú ra, con sẽ đưa chú tới điểm có cá mập. Đặc sản đấy, “tụi nó” không biết đâu”. Không rõ “tụi nó” bao gồm những ai?
Mãi sau này tôi mới biết, đó là “vịnh cá mập” (“lãnh hải” của các Bamboo Shark) rất ít người biết, kể cả thổ dân. Tuy nhiên, cho tới nay, tôi vẫn chưa có dịp trở lại Phú quốc để hưởng món quà của DM tặng.
(sẽ có bài mô tả về “vịnh cá mập”).
Hình: đáy biển Phú quốc.

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Một ngày của tỉ phú (P1)

Nói tới tỉ phú, người ta nghĩ ngay tới chiếc du thuyền sang trọng với một thủy thủy đoàn chuyên nghiệp, cần mẫn để phục vụ chỉ cho MỘT NGƯỜI. Chỉ riêng ngày 23/5/2009 thôi, tôi đã như vậy.

Tôi ra Phú quốc đúng dịp thời tiết không tốt lắm cho lặn giải trí. Đảo có hai câu lạc bộ lặn là RainBow (RB) và Vietnam Explore (VE). RB đang "nghỉ phép" nên, dĩ nhiên, tôi đi với VE.

Buổi sáng xe VE ghé rước tôi, chạy thẳng xuống Nam đảo. Té ra toàn đảo hôm nay chỉ có một khách lặn là tôi. Tới cảng, chiếc tàu lặn trắng toát với đầy đủ phòng VIP, cabin Pilot, bếp, hầm máy, WC, bong, cùng kíp Thủy thủ đoàn: Captain, Chief Engineer, Chef Cook, Divemaster (DM), Boatswain kiêm Rescue Diver (*). Rất chuyên nghiệp. Tàu căng cờ, thẳng ra biển. Tôi một mình trong phòng VIP, trái cây, cafe, trà, nước suối và … thùng rác. Trời nắng, nước biển xanh thẳm, sóng chưa tới cấp 3. DM bước vào thông báo số liệu về tầm nhìn, dòng chảy, địa hình, các động thực vật biển.

Chúng tôi lặn men theo bình độ. Nước mát, tầm nhìn 7 mét do có nhiều vẩn đục ... Cây cối, dây nhợ dưới đáy biển vươn lên ngất nghểu. Len lỏi qua khu rừng này cũng đã thú vị rồi ... Cá ở đây khá to. Một chú cá cỡ mười mấy kí bơi ngang nhe răng cười chế nhạo ... Anh cá đuối đen nhẻm, sải cánh hơn mét, y như chiếc B2 ném bom chiến lược, từ tốn lướt qua đầu tôi … Gã cá nóc nép bên khe đá. DM hô: “Chú chính diện, con vu hồi”. Chúng tôi khép gọng kìm, gã cá nóc thụt vào hốc. Tôi lượm nhánh cây thọc thọc, gã vọt ra ngách kia, bị DM tóm cổ. Chúng tôi vuốt vuốt lưng gã rồi thả. Gã phình bụng, dương gai tua tủa cảnh cáo du khách và đĩnh đạc rút lui ... Tôi lang thang trên một “thảo nguyên” dưới độ sâu khoảng 13 mét ... DM chỉ lên trời: “Tàu kia rồi, lên chứ?”. Tôi la làng: “Còn 80 bar khí lận” (thực ra còn 85 bar, nhưng kí hiệu 85 thì … Padi không có). DM kéo tôi đi thăm lão cá chình chuyên dở trò nhát ma thiên hạ.

Chuyến hai, DM đưa tay: “Nếu chú lặn được dòng chảy thì đi hướng này, còn không thì đi hướng kia”. Tôi vỗ vai DM: “Vậy ta đi hướng “Này” ... Dòng chảy hơi mạnh, tôi phải quạt chân nhái ác liệt. Có lẽ do tôi thường xuyên luyện tập với chân nhái, chứ không thì … tạt ngang rồi. Biết thế đi hướng “Kia” cho khỏe … Tuyệt vời, một địa hình phong phú những khe hẻm, hang hốc, gộp đá. Tôi mê mải chui luồn, bay lượn … Không còn nhớ hướng nào là hướng nào, như lạc vào mê cung ... Gặp con Đẻn (rắn biển), tôi lúng túng. Trên bờ thì ngọn roi tre, còn dưới này … DM xua tay: “Không phải … con đó đâu”. Té ra gã bạch tuộc đang đánh nghi binh, cái vòi của gã giống như con Đẻn vậy. Hê hê, khối kẻ bị gã lừa.

Sau 110 phút lặn ngụp “vất vả”, tôi đói ngấu trước một bàn hải sản tươi rói và bia lạnh. “Anh em cùng ăn cho vui” – tôi mời. “Dạ, nhưng nội quy không cho phép” – Chef Cook lễ phép. Một mình một bàn. Tôi ngó ra sau lái: thủy thủ đoàn đang ăn trưa, không rõ VE có chu đáo với họ không? Xong bữa. Tàu nhổ neo, về cảng. DM và Boatswain lên gặp tôi, trao đổi về chuyến lặn và những gì mà dân lặn quan tâm.

(*) Chiếc tàu composit nhỏ nhắn với 5 thuyền viên: Thuyền trưởng, Máy trưởng, Bếp trưởng, “Chuẩn úy” Hướng dẫn viên, Thủy thủ trưởng kiêm Cứu hộ.
Hình minh họa: bạch tuộc nghi binh thành con Đẻn.