Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Jeju - đảo thợ lặn

(Bài của một du khách, trích đăng)

Jeju rộng 1.845 km2, là đảo lớn nhất của Hàn Quốc, hình thành từ những đợt phun trào núi lửa, vì thế cảnh quan Jeju là đá đen. Đâu đâu cũng thấy đá đen nên những vườn quýt trĩu quả vàng ươm có nền để nổi bật. Chính các mỏm đá có hình thù đặc biệt và miệng núi lửa của đảo là nơi thu hút khách du lịch. 

Nền địa chất ở đây đã tạo cho Jeju một sự “bí hiểm” với “con đường ma quái” được phát hiện cách đây không lâu bởi một người tài xế taxi. Ma quái vì là một con dốc nhưng khi đi ngược dốc, dù xe tải, xe khách lớn hay taxi, xe đạp cũng tự leo lên được, không cần sức người, sức máy. Cũng có người giải thích đây chỉ là hiện tượng mang tính ảo giác. Nhưng dù là lý do gì thì người dân ở đây cũng thu bộn tiền từ việc bán vé đậu xe và bán các món ăn nhẹ dân dã như bắp nướng, bánh bao, khô mực… bởi bất cứ đoàn khách du lịch nào đến Jeju cũng ghé đến đây.

Seongeup là một bảo tàng sống về nhà cửa và cuộc sống của người dân Jeju thời kỳ trước, ở đây vẫn còn nguyên xi những nếp nhà lợp rơm, vại nước mưa được hứng từ trên cây bằng những bện rơm vàng óng, chiếc cầu tiêu đặc thù với con heo đen luẩn quẩn bên chiếc chuồng rộng phía dưới bảo vệ con người khỏi bị rắn tấn công, những lu nước địu trên lưng và cả chiếc nôi của trẻ con, được thiết kế rất tiện dụng cho mẹ chúng có thể vừa ru chúng ngủ vừa làm được những công việc khác…

Tiếp theo là đỉnh Seongsan nằm ở phía Đông Bắc cuối đảo, vốn là miệng núi lửa đã phun trào lần cuối cùng cách đây 100.000 năm. Đường lên đỉnh núi rất đẹp với những thảm cỏ trải rộng ngay sát bờ biển. Nhưng vốn không thích độ cao lắm nên tôi chọn con đường rẽ xuống biển, tôi muốn thăm những người phụ nữ lặn biển - các nàng tiên cá của Jeju... Có lẽ họ là những người phụ nữ lặn biển cuối cùng của Jeju, bởi phụ nữ trẻ ngày nay không ai mưu sinh bằng cái nghề nguy hiểm này nữa. Chẳng biết là nên buồn hay nên vui

H: Nữ thợ lặn (hình chỉ có tính minh họa).

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Các loài cá biển có uống nước không

(Theo Những bí ẩn quanh ta”)

Các loài cá biển, trước hết là các loài động vật có vú sống ở biển, đều sống trong môi trường nước mặn, tức môi trường hoàn toàn không có nước ngọt. Vậy phải chăng do quá trình tiến hóa mà chúng không có nhu cầu về nước ngọt? Còn nếu chúng cần thì chúng kiếm đâu ra?


Các loài động vật có vú sống ở biển chủ yếu dựa vào lượng nước có trong thực phẩm chúng ăn, chứ không phải uống. Ví dụ thức ăn chủ yếu của cá heo là các loài tôm, cá. Một tỷ lệ rất lớn mô cơ thể của tôm và cá là nước. Cá voi có răng thường ăn mực và cá lớn, trong khi cá voi sừng tấm nuốt một lượng lớn nước biển, và chắt lại thức ăn thông qua cấu tạo tấm sừng ở miệng, một bộ phận giống như cái lược chải tóc.


Đối với các loài cá "thực sự”, chúng hấp thụ nước thông qua bề mặt cơ thể. Mang và các lớp mô cho phép chuyển nước theo cách thẩm thấu. Vì nước biển có hàm lượng muối cao hơn hàm lượng muối trong cơ thể cá, nên lớp mô bán thấm này sẽ cho phép nước đi qua mà giữ phần lớn muối ở lại bên ngoài. Sau đó cá phải dự trữ lượng nước ngọt đã qua xử lý này, vì vậy chúng thải ra rất ít (tức gần như không “đi tiểu”) – chúng dùng rất ít nước cho quá trình dị hóa.

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Sông ngầm và hang động ngầm ở Puerto Princesa, Philippines

(vnexpress.net, trích đăng)
Quần đảo Palawan, thủ phủ là Puerto Princesa, thành phố xanh, sạch nhất Philippines, với 2/3 diện tích rừng bao phủ. Nơi đây có Vườn quốc gia sông ngầm, nằm trong dãy núi St Paul về phía tây bắc của đảo. 
Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa là nơi bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh vật núi - biển quan trọng nhất của Philippines. Điều đặc biệt nhất của vườn là cảnh quan đá vôi ngoạn mục, hệ thống sông ngầm dài và hang ngầm rộng lớn. Dòng sông ngầm bắt nguồn từ núi St Paul, ở độ cao 100 m, chảy ngầm 8,2 km trước khi đổ ra biển.
Chuyến đi một vòng của du khách nước ngoài trong đoạn hang dài hơn 2 km, kéo dài 45 phút, giống như cuộc trò chuyện với thượng đế, bởi sự hình thành các vòm, cột, vách đá, nhũ và măng đá cùng màu sắc tự nhiên tạo nên rất nhiều hình ảnh tôn giáo trong kinh thánh, như Mẹ Maria, gương mặt chúa Jesus, gia đình thánh, các thiên thần, ba vị vua chào đón chúa hài đồng và cây nến. Vòm hang được ví như những mái vòm của các thánh đường với nhiều hốc hang cao 60 m, rộng đến 120 m.
Những cây cột đá khổng lồ. Những cột nấm lớn, hình thù đại bàng, gà, ngựa, mèo, rắn... cho đến hoa chuối, ngọn núi, hoặc phụ nữ khoe những đường cong tuyệt mỹ đều được hướng dẫn viên đưa vào câu chuyện. Những giọt nước chảy xuống từ đỉnh cao nhất của vòm hang giống như những giọt nước thánh trong lành.
Có nhiều hốc, khoang nhỏ trong hang mà thuyền không thể tiến vào để du khách tham quan. Có những vách ngăn chạm mặt nước cản trở du khách. Nhưng những điều này lại lý tưởng đối với các nhà nhà khoa học, nghiên cứu và nhà thám hiểm về giá trị của quần thể đối với kiến tạo trái đất.
Trước năm 2010, hệ thống sông và hang ngầm đá vôi ở đây chưa được ai nhắc tới. Trong hành trình “khám phá hàng loạt điều kỳ diệu của trái đất”, các nhà khoa học Italia đã tìm ra chúng. Họ đưa ra 6 điều độc đáo của chúng:
Thứ nhất, đây là dòng sông ngầm hiếm hoi có dòng chảy trực tiếp ra biển. Thủy triều ảnh hưởng đến mực nước ngầm với hơn 5 km, nguồn nước lợ nằm ở phần dưới của sông do sự pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn.
Thứ hai, dòng sông có hệ thống núi đá vôi, hang động phức tạp. Hàng triệu chim yến và dơi sống trong hang cùng với sinh vật biển theo thủy triều vào hang tạo nên cuộc sống nhiệt đới hang ngầm phong phú. Hệ thống sinh vật, ít khi sống tại những hang động sâu, được tìm thấy trong hang cho thấy sự đa dạng sinh học tại đây.
Thứ ba, hang ngầm chứa nguồn năng lượng lớn nhờ vị trí địa lý tại đường xích đạo ấm cộng khí hậu siêu hải dương, khiến môi trường trong hang ấm áp. Uớc tính dòng khí lưu thông phù hợp cho 150.000 lượt người ra vào hang mỗi ngày.
Thứ tư, hang động chứa những đặc trưng về sự hình thành hang động độc đáo về thẩm mỹ và khoa học. Hệ đá vôi của hang động bên trên sông ngầm là một ngoại lệ trên thế giới. Khoáng vật tự nhiên Robertsite mới được tìm thấy, hứa hẹn về việc tìm ra những khoáng sản mới thuộc về hang động.
Thứ năm, dòng sông sở hữu những hình thái vĩ mô, vi mô đặc biệt của vùng đá vôi và sự hình thành hang động, giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về sự thay đổi của trái đất.
Thứ sáu, hóa thạch động vật biển có vú Sorenia (bò biển), được tìm thấy trong hang có tình trạng tốt. Hóa thạch 20 triệu năm tuổi này trồi ngay trên vách hang, do sự xói mòn của đá vôi trong hang động.

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Trong lòng biển thợ lặn thở như thế nào

(Bài của một vận động viên, trích dịch)

Hình thức cơ bản nhất của kỹ năng lặn scuba là điều khiển chuyển động của cơ thể dưới nước. Đối với một cú lặn hoàn hảo, điều quan trọng là bạn biết làm thế nào để di chuyển mà không gặp nguy cơ bị khó thở hoặc mệt mỏi.

Nước đặc hơn không khí và kết quả là khả năng bạn chống lại lực cản của nước là rất lớn. Bạn hãy dùng một mức năng lượng khi di chuyển dưới nước giống như lúc bạn di chuyển trên đất liền xem nào? Bạn sẽ làm được điều này nếu di chuyển chậm và ổn định. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem làm thế nào để bạn được thoải mái khi lặn. Sự cố gắng hoặc bơi lẹ sẽ chỉ khiến bạn mất nhiều năng lượng, sẽ làm cho bạn nhanh chóng mệt mỏi.

Trái ngược với những gì bạn cho là đúng, việc dùng tay quạt nước, trên thực tế, sẽ làm giảm động lực tiến của bạn ở dưới nước.

Để cải thiện các kỹ năng, khi lặn, cơ thể bạn nên ở vị trí nằm ngang (Trim). Tránh thay đổi hướng đột ngột. Hãy duy trì ở một độ sâu và thẳng hướng. Thân mình nằm ngang giúp bạn làm chủ được mình. Kiểm soát độ nổi trung tính(*) là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bạn cần nắm vững. Bạn đã được học khi nhập môn, nhưng điều quan trọng là bạn cần luyện tập để thực sự duy trì độ nổi trung tính.

Thở dưới nước là một bước quan trọng trong việc thích nghi với môi trường nước. Vì phải dùng không khí mang theo, nên bạn phải biết cách bảo tồn càng nhiều càng tốt lượng không khí mang theo đó. Hít thở chậm và sâu sẽ có hiệu quả. Không bao giờ giữ hơi thở khi lặn. Bạn phải hiểu rằng cơ thể có cái gọi là “không khí chết”. Vì không khí phải đi qua cổ họng và miệng rồi mới ra/vào phổi bạn, nên trong quá trình hít thở sẽ tồn đọng một lượng khí đã được làm giàu CO2, với nồng độ càng ngày càng tăng. Để bù đắp sự thiếu hụt oxy cho phổi, bạn sẽ phải hít thở nhiều hơn. Nếu bạn hít thở nông, bạn sẽ được hưởng lượng không khí chết này. Trường hợp này, mỗi hơi thở của bạn sẽ có một lượng tương đối cao CO2. Nếu hít thở sâu, bạn sẽ hít được nhiều không khí và bạn sẽ nhận được không khí trong lành với một tỷ lệ lớn hơn – trong mỗi hơi thở. Vì vậy, khi lặn, bạn nên hít thở chậm hơn và sâu hơn bình thường.

Thở không chỉ là hít vào và thở ra (bài của vận động viên thứ hai, trích dịch)

Khi ở dưới nước, bạn sẽ bị các lực đẩy từ mọi phía. Hãy tưởng tượng đang có một người đang đẩy bạn từ phía trước, người thứ hai đẩy bạn từ phía sau và hai người khác đẩy bạn từ bên phải và trái. Tức là cơ thể bạn phải đối phó với áp lực từ tất cả các hướng. Lồng ngực và các cơ bắp, dây chằng của bạn sẽ cứu bạn – chúng phải chịu áp lực rất lớn. Điều quan trọng là bạn phải hiểu được áp lực nước. Có vẻ như không thể tin được khi tôi nói có gần 6-7 kg lực trên một inch vuông khi bạn lặn sâu 10 mét.

Tuy nhiên, bởi vì các xương sườn và cơ bắp rất linh hoạt, chúng trở nên vững chắc để cân bằng áp lực bên ngoài và trong. Điều này đã tác động trực tiếp vào phổi, là nguyên nhân gây ép khí với bạn. Vì vậy, phổi của bạn không thể hoạt động ở công suất bình thường khi ở dưới nước. Và khi bạn tiếp tục xuống sâu hơn, phổi của bạn càng gặp khó khăn hơn.

Mặt khác, áp lực của nước sẽ nén không khí trong phổi của bạn tới mức độ nào đó. Do đó, phổi của bạn bạn phải làm việc nhiều hơn để có đủ lượng oxy cho cơ thể.

Thiết bị lặn sẽ giải thoát cho bạn. Chai khí nén cung cấp không khí cho bạn ở mức bằng áp lực của nước, và bạn có thể thở dễ dàng dưới độ sâu trung bình. Bạn cần nhiều ôxy hơn vì áp lực của nước. Vì vậy, bạn phải học kỹ năng bảo tồn oxy, trong đó, bạn có thể làm bằng cách bơi chậm và sử dụng thiết bị một cách khéo léo.

Ngoài ra, bạn phải giữ bình tĩnh dưới nước để giữ cho nhịp tim ổn định. Nếu bạn hưng phấn hoặc bị căng thẳng, thì bạn sẽ cần nhiều oxy hơn. Vì vậy, bạn sẽ thấy hơi thở dưới nước không phải chỉ là hít vào và thở ra.

(*) Xin xem trong Tự điển Lanbien ở trên cùng bên phải trang tin này.

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Lặn biển scuba - Một thú chơi lạ

(Bài của bạn Việt, trích đăng)

... Nước lạnh và mặn bất chợt ùa vào mặt. Tôi đâm ra hoảng loạn ở độ sâu 4 mét. Anh Trị (hướng dẫn viên lặn) giữ chặt vai tôi, giúp tôi bình tĩnh và ra hiệu cho tôi hít vào bằng đường miệng để thở tiếp.

Tháo rửa kính là một trong những thao tác cơ bản mà một người muốn gắn bó lâu dài với thú vui lặn biển cần học. Kỹ năng này được dùng trong trường hợp mặt kính bị đọng sương, hoặc nước bị lọt vào trong kính. Ba nội dung cụ thể là cho nước vào lưng chừng kính lặn, rồi thở ra bằng mũi để đẩy nước ra ngoài; cho nước vào đầy kính; cuối cùng là tháo hẳn kính ra, đeo vào và đẩy hết nước ra. Trong trường hợp người lặn không kiểm soát được bản thân sẽ thở ra đường mũi hay qua đường miệng, lúc thở ra nước sẽ vẫn ở trong mắt kính, sau đó hít vào lại hít bằng mũi thì sẽ bị sặc nước. Ngoài ra, người đam mê lặn biển còn cần trang bị các kĩ năng như tháo lắp thiết bị, mặc và cởi thiết bị lặn BCD, bơm và xả BCD để đạt độ cân bằng dưới nước, đeo và tháo dây chì … Nhưng bài học chủ yếu là không hoảng hốt khi đang ở dưới nước. Nếu rơi vào trạng thái hoang mang hoặc sợ hãi khi đang lặn bạn thì hãy dừng lại và thư giãn.

Dưới làn nước xanh trong suốt cùng tiếng rì rào huyền hoặc của biển cả, đàn cá tung tăng bơi lượn quanh những cụm san hô với đủ loại màu sắc, hình dạng “hớp hồn” không ít kẻ săn tìm cảm giác lạ dưới đáy đại dương.

Lặn đêm thì cũng không đi nhanh và xa được, chỉ là bám sát đáy biển, nhìn la bàn, soi đèn pin gặp con gì thấy con nấy thôi. Được cái buổi tối thì cá phần lớn hơi lờ đờ nên nó đứng yên ngủ cho mình nhìn...

H: Dưới đáy biển, kẻ lần đầu tiên lặn scuba ở tuổi 60 này đang chuẩn bị ra một “đòn” mà võ Kungfu gọi là “mãnh hổ vồ mồi” (nói vui). (Hình do anh Hoàng Quang cung cấp).

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Lặn giúp giảm căng thẳng và khởi động các động lực bảo vệ cơ thể

(Theo Tiếng nói nước Nga, trích dịch)

Các nhà khoa học St Petersburg, Nga, qua nhiều năm nghiên cứu các động vật có vú biết lặn, đã đi tới kết luận rằng, ngụp lặn trong nước lạnh giúp giảm bớt căng thẳng và khởi động các động lực bảo vệ cơ thể. Họ quan sát rái cá, hải ly, chuột nước và hàng loạt động vật có vú biết bơi lặn khác. Giống với con người, khi đắm mình trong nước lạnh, các động vật cũng chịu hàng loạt tác động cực đoan. Nhờ giai đoạn tiến hóa dài, chúng đã tôi luyện cho bản thân cơ chế bảo vệ hệ thống tim mạch.

Khi lặn vào nước, các động vật chuyển sang chế độ tiêu thụ tiết kiệm oxy, nhịp tim đập chậm lại và lưu lượng máu tuần hoàn cũng giảm. Cơ thể tái phân phối máu từ các chi đổ về những cơ quan không thể thiếu oxy là tim và não. Quá trình ngược lại diễn ra khi động vật bơi ngoi lên bề mặt nước: máu rút bớt khỏi não và tim, phân bổ đều khắp các cơ quan của cơ thể.

Cơ chế điều tiết này cũng có ở con người (nhưng đã bị con người lãng quên khi trở thành “động vật trên cạn”), gọi là “phản xạ lặn”. Các bác sĩ ghi nhận trong quá trình ngụp lặn, tần số nhịp tim sẽ giảm –có thể tới một nửa, hay nói cách khác tức là hiệu quả hô hấp tăng, hay nói cách khác “đánh thức phản xạ lặn”. Ngoài ra, phản xạ lặn kích hoạt cơ chế bảo vệ chống căng thẳng và hạn chế tiết ra quá nhiều Adrenaline dẫn tới làm suy nhược cơ thể. Tất nhiên trước khi tập lặn, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, đặc biệt là xác định chế độ và tần số lặn. (Tần số: số lần phải tác động trong một khoảng thời gian xác định).

Với những người không có điều kiện đi lặn thì, đơn giản hơn, có thể ngâm mặt trong nước lạnh nhằm giúp giải phóng khỏi chuyện nhịp tim đập nhanh, xóa căng thẳng và nâng sức miễn dịch. Phương pháp này hỗ trợ những người bệnh bị hạn chế tập luyện thể dục.