Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Cảm nghĩ về một người bạn xuất sắc

 (bài trên Scubadiving.com, trích dịch)

Tôi (tác giả) có người bạn là một thợ lặn được nhiều người công nhận là xuất sắc, nhưng những gì tôi quan sát được ở anh ấy lại là một chuyện khác.  

Trong một buổi chuyện phiếm, bạn tôi hỏi tôi đã lặn sâu nhất là bao nhiêu. Tôi nói 38 mét và hỏi tại sao anh muốn biết. Anh ấy nói rằng anh vừa phá kỷ lục cá nhân với độ sâu 65 mét. Tôi hỏi anh ta có biết được sự nguy hiểm như thế nào khi ở độ sâu này không. Anh ấy (dường như) cho rằng vấn đề duy nhất là hiện tượng u mê do nitơ gây ra.

Do vậy tôi hỏi anh ấy có biết về độc tính do oxy gây ra không. Té ra anh ấy chưa từng dùng chai Nitrox (chai khí nén giàu oxy) và không hề quan tâm tới tài liệu nói về tác động xấu của oxy lên cơ thể thợ lặn. Tôi giải thích cho anh ấy và anh ấy đã quan tâm, nhưng … không quan tâm về những gì anh ấy đã làm. Tôi cố gắng giải thích rằng ngộ độc oxy có thể cảnh báo bởi một cơn co giật bất ngờ ở dưới độ sâu, mà khi đó thì gần như chắc chắn tử vong, ... Và tôi dừng lại khi cảm thấy anh ấy không muốn nghe.


Tôi nghĩ rằng điều tồi tệ là anh ấy có thể thực hiện được một số lượng nhất định các cú lặn cực sâu mà cơ thể của anh ấy có lẽ sẽ không bao giờ bị tổn thương, nhưng nó sẽ làm cho anh ấy tăng nguy cơ gặp rắc rối. Và điều khác đáng lo ngại hơn, anh ấy sẽ là tấm gương về sự ẩu tả cho những thợ lặn nhập môn.

H: Kẻ lữ hành cô độc (vui một chút, không liên quan bài viết).

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Báu vật trong xác tàu đắm ở vùng biển Việt nam


(Sưu tầm, trích đăng)


Cổ vật trong xác tàu cổ ở Cà mau

76.000 cổ vật gốm sứ đời Mãn Thanh (Trung quốc)  thế kỷ thứ 18 tìm thấy trong một xác tàu đắm ở vùng biển Cà mau đã được đem bán đấu giá tại Trung tâm Đấu giá quốc tế Sotheby, Amsterdam, Hà Lan, vào năm 2007, gồm chén, dĩa, hộp, bình, tượng..., đã mang về cho Việt nam trên 3 triệu euro. Những cổ vật này được ngư dân phát hiện vào năm 1998 tại khu vực có một chiếc tàu bị đắm ở vùng biển này. Chiếc tàu đã gặp nạn vào khoảng từ năm 1723 đến 1735 khi đưa những đồ gốm sứ này sang bán tại châu Âu.

Cổ vật trong xác tàu cổ ở Hòn Cau

Năm 1990, Bộ Văn hóa (VH-TT) cho phép khai quật kho báu Hòn Cau (vùng biển Long hải, tỉnh Bà rịa - Vũng tàu), thu được 68.000 hiện vật, hầu hết là đồ gốm sứ: bình trà, bình bông, chóe, chén, dĩa... và nhiều hiện vật bằng đá, đồng và hai khẩu súng thần công. Kho báu được xác định là một chiếc tàu cổ bị chìm cách đó một thế kỷ. Số đồ cổ này có niên đại nửa sau thế kỉ 17, thời vua Khang Hy (triều Mãn Thanh). Gần 30.000 cổ vật được đưa đi giám định và bán đấu giá ở Hà lan, thu về cho Việt nam hơn 6 triệu USD. 

Cổ vật trong xác tàu cổ ở Cù lao Chàm

Trên vùng biển Cù lao Chàm (Hội an, Quảng nam), thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội phát xít Nhật bị máy bay phe đồng minh bắn chìm 158 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc chở báu vật cướp được tại các nước khu vực châu Á - Thái bình dương.

Có một thời vùng biển Cù lao Chàm là điểm thu hút các trùm buôn bán cổ vật xuyên quốc gia, bởi ở đó có xác tàu cổ chứa đầy đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải dương. Vào đầu thập niên 90, ngư dân các làng chài miền Trung cũng đã lặn lấy được vô số cổ vật từ con tàu cổ này. Cho đến nay, nơi này vẫn còn tìm được các đồ cổ và Cù lao Chàm luôn tồn tại huyền thoại về những kho báu.

Cổ vật trong xác tàu cổ ở Hòn Dầm 

Tàu cổ Hòn Dầm là con tàu được phát hiện từ trước 1975. Những năm 1990, 1991 rộ lên phong trào ngư dân đi săn tìm cổ vật, từ đó, các xác tàu cổ mới thu hút sự quan tâm của công luận. Tháng 5/1991, tỉnh Kiên giang cho khai quật tàu cổ Hòn Dầm. Tàu ở độ sâu khoảng 10m, bằng gỗ, còn khá nguyên vẹn, dài 30m, rộng 7m. Hàng hóa trên tàu chủ yếu là gốm sứ men màu xanh ngọc và một số men khác như màu chì, màu da lươn, vàng, nâu... có xuất xứ từ Thái lan, thế kỷ 15. Số lượng cổ vật 10.000 cái, với nhiều loại hình.



Kho cổ vật của một nhà sưu tầm Phú yên


Ông Thuận năm đó  65 tuổi, ở Tuy hòa, Phú yên, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú yên” (CLB). Căn nhà của ông như một bảo tàng trưng bày gần một ngàn hiện vật. Hầu hết các món đồ cổ của ông đều được ông mua lại, có những món tới 10 lượng vàng. Theo các hội viên CLB, kho đồ cổ của ông có giá trị không dưới 100 tỷ đồng.


Hơn 20 năm trước, ngư dân Quảng ngãi đã phát hiện các xác tàu đắm, ở vùng biển xã Bình trị, cách bờ khoảng 500m, chở gốm sứ cổ, ở vùng biển Bình châu (huyện Bình sơn). Tất cả đều có dấu hiệu bị cháy nham nhở. Ngư dân còn trục vớt được tiền cổ bằng đồng có lỗ vuông, thuộc nhiều niên đại khác nhau. Năm 2013, nhiều ngư dân xã đảo Tam hải, huyện Núi thành, Quảng nam, đã trục vớt được hàng ngàn cổ vật ở Rạn Nhọn, cách bờ khoảng 300m và khu vực Cửa Lở ở xã đảo Tam hải. Họ đã tìm thấy nhiều ly, tách trà, chén, đĩa, bình bằng gốm, sứ có hoa văn đẹp, tinh xảo, song vẫn chưa xác định được niên đại, xuất xứ. Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ cho rằng số cổ vật này khoảng 800 tuổi. Đặc biệt là tìm được 2 mảnh gỗ thân tàu cổ. Số cổ vật này được vớt lên ở khu vực có hai xác tàu chìm.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Trong cú lặn lần thứ một ngàn, tôi bị khó chịu không rõ nguyên nhân

(Bài của một thợ lặn, trích dịch).

Sự kiện đã xảy ra cách đây nhiều tháng và tới nay tôi (tác giả) vẫn không rõ về những gì đã xảy ra với tôi.

Trong cú lặn hôm đó, sau một lúc lặn, tôi bắt đầu thấy khô miệng. Cảm giác này hoàn toàn không giống như các triệu chứng khô miệng trước đây (của người hít nhiều không khí nén), cứ y như trong miệng có cục bông gòn to tướng hút kiệt nước trong miệng, nhưng không hẳn là giống như thế. Mặc dù khi đó tôi chỉ ở độ sâu 10 mét, nhưng tôi bỗng sợ hãi về việc ở dưới nước, một cái gì đó chưa bao giờ xảy ra trong suốt nhiều năm lặn, với cả ngàn cú lặn, của tôi. Vài phút sau, cảm xúc đó không giảm dần mà lại tăng lên. Lúc đó tôi rất muốn thoát ra khỏi môi trường nước, cùng với ý niệm rằng đây là lần lặn cuối cùng của tôi, sau này là ... EVER.

Sau nửa giờ nghỉ ngơi trên tàu, khi đã lấy lại sự thoải mái, tôi lại tiếp tục lặn. Nhưng sau 35 phút lặn, tôi có cảm giác như là bị đe dọa tính mạng, tuy chỉ xảy ra trong vài giây ngắn ngủi. Phần thời gian còn lại trong toàn bộ 50 phút lặn, tôi hoàn toàn không gặp biến cố nào.

Đương nhiên bạn sẽ nghi ngờ là bình lặn hoặc khí nạp vào bình lặn của tôi không được sạch. Tôi cam đoan rằng bình lặn của tôi rất sạch, đồng thời các bạn lặn của tôi cũng nạp bình từ máy nạp khí này lại không gặp triệu chứng tương tự. Tôi không có sự thay đổi gì trong chế độ ăn uống, không mất ngủ hoặc uống thuốc tây trước hôm lặn. Tôi có ngậm chút nước trong khi lặn. Tôi cũng không gặp những yếu tố có thể gây stress từ cuộc lặn. Hôm đó biển lặng, nước ấm và tôi chỉ đơn thuần lơ lửng ngắm cảnh chứ không thực hiện thêm một kỹ năng nào khác. Tôi thật chẳng hiểu tại sao cả.


Lời góp của bạn lặn: Trong cuộc đời bạn, sẽ có một vài lần nào đó bạn có thể bị khó chịu, hoặc bồn chồn, hoặc lo lắng nhưng không có nguyên nhân. Và sau đó cũng không để lại bất kì di chứng gì. Nhiều người cho rằng, đó là sự đột biến (xung/dao động) về tâm, sinh lý vẫn thỉnh thoảng xuất hiện ở các cá thể động vật, bao gồm cả con người. Thợ lặn cần biết điều này.

H: Trong cuộc đời bạn, sẽ có một vài lần nào đó bạn có thể bị khó chịu bởi ... bạn của bạn ... và sau đó cũng không để lại bất kì di chứng gì (vui một chút).

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Áp suất nước – kẻ thù lớn nhất của thợ lặn

(Bài của một thợ lặn, trích dịch)
1. Barotrauma: Là một chấn thương liên quan đến áp suất, và có thể xảy ra bất cứ nơi nào có khoảng trống không khí trên cơ thể. Một barotrauma điển hình là khi không khí trong tai giữa của bạn không thoát được qua ống Eustachian (ống thông giữa tai và miệng). Barotrauma có thể xảy ra khi bạn đang tăng hoặc giảm độ sâu. Do tai bạn không cân bằng áp suất nên màng nhĩ bị vỡ.
2. Tắc động mạch (Arterial gas embolism): Khi nổi lên, bạn phải thở liên tục. Nếu giữ hơi thở, không khí trong phổi bạn nở ra, sẽ có khả năng phổi bị sưng. Bọt khí từ phổi chuyển vào máu và có thể chặn việc cung cấp máu cho não. Oh, không tốt chút nào.
3. Nitơ gây xỉn: Lặn sâu, tùy theo tình trạng cơ thể lúc đó của bạn làm bạn có phản ứng khác nhau đối với áp suất cao, trong đó có thể xảy ra hiện tượng nitơ có tác động như một chất ma tuý.
4. Ngộ độc oxy: Dưới nước, trong môi trường áp suất cao, oxy liều cao có thể gây ngộ độc cho bạn.
5. Bệnh giải áp (Decompression sickness): Bệnh giải áp có lẽ là tai tiếng nhất của tai nạn lặn. Lặn xuống sâu, áp suất tăng vọt và cơ thể bạn sẽ bị bội nhiễm nitơ. Khi đi lên, nếu bạn không ở dưới nước quá lâu và lên từ từ, thì nitơ từ máu sẽ ra phổi và ra ngoài. Còn nếu bạn đã lặn quá giới hạn tối đa của bạn hoặc đi lên quá nhanh, cơ thể của bạn có thể không kịp thời loại bỏ hết nitơ. Khi này máu của bạn sẽ có bọt nitơ và có thể gây ra vấn đề tương tự như bị tắc động mạch. Bệnh giải áp sẽ đưa bạn tới buồng giải áp của bệnh viện địa phương, nơi họ sẽ nén bạn lại cho đến khi giải phóng được nitơ trong máu của bạn. Sau đó, họ sẽ từ từ giảm áp để cơ thể bạn có thời gian tiếp tục loại bỏ nitơ. Thật không hay khi phải nằm trong đó.
Tất nhiên nếu bạn gặp tình huống ngoại lệ, như rơi vào một vùng nước nguy hiểm, hoặc đang bị thương nghiêm trọng, thì việc dừng giải áp là nguy hiểm, nếu không phải là hoàn toàn không làm được.
H. Sao anh mang nhiều chai khí thế? (vui một chút).