Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Kĩ thuật thực hành (P2)

MANG THIẾT BỊ

Mặc quần áo, đi giày. Mở khóa van chai (mở hết và vặn lại ½ vòng).
Đeo đai chì: Trải đai chì ngửa xuống, khóa ở bên trái (nếu thuận tay phải - để khi nguy cấp dùng tay thuận móc vào khóa đai là đai tuột ra ngay). Bước qua đai, cúi xuống cầm đai đưa lên lưng, hơi cúi người và khóa đai chì vào bụng. Xỏ phần dây dư vào đai chì (từ trên xuống, đừng xỏ hết).
Treo kính vào cổ (ống thở ở bên trái đầu mình). Đeo các phụ kiện khác.
Mặc BCD: Xỏ 2 tay vào 2 đai vai, đứng lên, hơi cúi để chịu tải, dán đai bụng. Khóa đai hỗ trợ bụng (và rút đai vai cho sát thân người), gài đồng hồ vào đai hỗ trợ (xỏ từ dưới lên). Chỉnh đai vai: nắm 2 khoen rút 2 đai xuống (kéo chéo ra ngoài) cho vừa vai. Khóa đai ngực (và rút đai).

KIẾM TRA CHÉO.

Trước khi xuống nước, 2 người đứng đối diện nhau lần lượt kiểm tra nhau, gồm:
Đai chì: Móc tay vào đai, giật - độ ôm vừa đủ, không tuột.
Đai BCD: Móc tay vào các đai từ dưới lên, giật - độ chặt vừa đủ, không tuột.
BCD: Bơm khí vào áo, bóp van “bấm xả”, giật 2 van “giật xả” xem có xả không.
Mồm thở, đồng hồ: Ngậm mồm thở, hít-thở mạnh, nhanh xem kim có giật xuống không, có hít-thở được không. Kiểm tra mồm thở dự bị.
Đếm phụ kiện: kính, ống thở, fins, la bàn, khác đã đủ chưa.

XUỐNG NƯỚC

Xuống "xuôi".
Trang thiết bị đã mang đầy đủ. Ra sát bậc xuất phát, xỏ fins, đeo kính (nhớ đeo thật trễ), ngậm mồm thở.
Tay trái giữ đai chì. Tay phải: 2 ngón giữ mắt kính, cườm bàn tay chặn mồm thở (để chống sự va đập với nước). Chân phải trụ, chân trái bước dài về phía trước để xuống. Rơi thẳng đứng. Nếu xuống từ mạn tàu khá cao thì khi rơi, chân phải cần khép chặt vào chân trái (để chống sự va đập với nước). Xong. Quay mặt về tàu ra kí hiệu “OK”.

Xuống "ngược" (xuống lưng).
Trang thiết bị đã mang đầy đủ. Ngồi trên mạn sao cho chai ra hẳn ngoài mạn, 2 chân duỗi (và không để fins sẽ vướng vào đâu). Bàn tay trái che gáy. Tay phải: 2 ngón giữ mắt kính, cườm tay giữ mồm thở. Ngả nhanh người về phía sau đồng thời đưa 2 chân lên trời. Xong. Quay mặt về tàu ra kí hiệu “OK”.

LÊN TÀU

Kéo kính lặn xuống cổ (không kéo lên trán). Tháo fins chuyển lên tàu. Tháo đai chì (cầm đầu không có khóa) chuyển lên tàu. Leo lên.
Cởi BCD. Tháo các thiết bị trên người.
Khóa van chai. Bóp van BCD và van mồm thở để xả hết khí trong áo và các ống.
Tháo chai ra khỏi BCD. Dùng khí chai thổi khô miệng van điều áp và nút đậy cao su. Lắp nút cao su vào miệng van điều áp và vặn chặt lại. Cất chai.
Gỡ chì trong 2 túi BCD. Dùng 2 tay cuộn-bóp BCD để xả hết khí trong áo. Tạn cất các thiết bị vào túi đựng và rửa chúng bằng nước ngọt - ngay khi có điều kiện.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Đi lặn ở Hòn Ông. (Tiếp theo)


Đây là lần đầu tiên HCQ và tôi cùng lặn một chuyến. Trước đây cũng đã có lần cùng đi, nhưng do tôi đang thi lên quân hàm nên mỗi tên theo một CLB. Đến nay thành ra ai quen CLB nấy, HCQ đi với Vinadive còn tôi đi với Rainbow. Lần này ra Hòn Ông, chúng tôi cùng đi với nhau theo tàu của Rainbow Divers.
Tàu của RB đón chúng tôi tại bến tàu resort.

Hai vợ chồng Sergey và Sveta bay từ Nga tới Hòn Ông đề lặn.

Hai tên cướp biển! nhưng chỉ có HCQ có vũ trang.


Trang bị của Sveta tuyền hàng xịn, BCD Tech có thể gá bình đôi, máy tính lặn Sunnto  màn hình rộng...


Trung tá PADI KiKa làm hướng dẫn viên cho 4 chúng tôi.


Anh Chí của chúng ta, tay khoanh trước ngực thật là đạo mạo.

Bên đùi trái là ống thở snorkel, bên phải là dao lặn...theo phong thái biệt kích!


Từ bãi san hô, ra sâu hơn là đáy cát.


Anh ban gấu Sergey bơi kiểu cá heo! chỉ mới được khoảng hai chục phút đã phải ngoi lên do hết khí.


Một "ốc đảo" nhỏ giữa đáy cát.
Khảo sát một cụm san hô? hay theo dõi con gì ở dưới đó?


Chú sao biển quấn bên dưới gốc San hô cứng.

Còn chú này nằm thoải mái, giang cả 5 chân ra.

Sveta đang chộp một chú Nemo bằng máy ảnh có ống kính rộng.

Con gì lạ vậy cà?

Thì ra là một chú sao biển khác thường.

Anh Chí lại phát hiện ra gì đó thú vị....

Ah, là một chú cá sư tử (Lionfish).


HCQ và tui chụp hình lưu niệm! Nhiệt độ nước 25 độ C và anh Chí mặc 2 bộ wetsuite!

 
HCQ và KiKa, lần này thì hiên ngang hơn, chụp cùng trung tá có khác :P

Rặng san hô đang hồi phục dần.

Sveta và rặng san hô trẻ. Phải nhiều chục năm mới có thể tái tạo được rặng san hô lớn cỡ cái giường cá nhân.

Sergey phải lên giữa chừng do hết khí.

KiKa đang bay qua rặng san hô.

Giống san hô "não bộ"

Anh Chí gặp vấn đề với kính lặn?

Safety Stop: Nghỉ an toàn 7 phút tại độ sâu 5 met để giảm áp trước khi nổi lên.

OK, giờ có thể nổi lên rồi. Chúng tôi kết thúc chuyến lặn tại hòn Tai sau gần 50 phút dưới đáy đại dương.

Một tiếng sau, tàu rời hòn Tai và chở chúng tôi tới bãi Sứ, hầm ngầm và hang động ỡ đây đang chờ chúng tôi.


Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Kĩ thuật thực hành (P1)

Với tài liệu PADI, những bạn không rành tiếng Anh sẽ gặp khó khăn khi cần tìm hiểu về kĩ thuật lặn. Nay xin đưa một tài liệu tiếng Việt để cùng trao đổi.
Xin lưu ý đây chỉ là tài liệu cá nhân, mang tính thực hành (thực dụng) thôi, chứ không phải tài liệu chính tắc.

Phần 1. Lắp ráp và kiểm tra các thiết bị.

Kiểm tra chai khí.
Xoay “lỗ ra khí” của chai về phía mình (để dễ quan sát) xem phớt cao su ở “lỗ ra khí” của van chai có nằm hết trong rãnh không, có bị dập không. Dùng tay trái (lúc này núm vặn ở bên trái) từ từ vặn núm van chai cho khí xì ra một chút rồi khóa lại. Giữ chai ở vị trí này.

Gá chai vào áo phao (BCD).
BCD xoay ngửa về phía mình (tức thẳng với hướng lỗ ra khí). Mở khóa “đai giữ chai” cho đai lỏng ra. Tròng đai vào chai sao cho mép trên của BCD ngang mép dưới cổ chai. Rút đai lại rồi lật ngược đai để khóa “đai giữ đai” khóa chai lại.
Kiểm tra độ chặt: Một tay nắm quai BCD nhấc chai lên một chút trong khi tay kia cầm giữ van chai (đề phòng chai rớt do đai bị lỏng).

Lắp ráp bộ “van điều áp + 4 vòi”(gồm van điều áp, 2 vòi thở, 1 vòi bơm BCD, 1 vòi đồng hồ).
Kiểm tra phớt cao su ở đầu vòi dẫn khí.
Tay phải cầm vòi (cầm lui ra khỏi phần kim loại chừng 2cm) thẳng hướng với lỗ van tương ứng, toàn bộ dây vòi thả tự do, nhẹ nhàng vặn vòi vào van. Dùng cờ lê 15 siết 1/8 vòng.
Lần lượt với các vòi khác.

Lắp bộ “van điều áp + 4 vòi” vào chai.
Cầm bộ “van điều áp + 4 vòi” sao cho vòi thở ở bên trái mình (để khi đeo thì vòi thở nằm bên phải mình), vòi bơm BCD và vòi đồng hồ nằm bên phải.
Đặt van điều áp vào gông của van chai, dùng 3 ngón tay phải (để không vặn quá chặt) vặn chặt.
Lắp vòi bơm áo phao: kéo lùi vòng hãm (ở cuối đầu vòi), cắm vào lỗ, thả ra, rồi giật nhẹ xem vòi có tuột ra không. Gài vòi bơm vào BCD (ở cùng vị trí vòi xả).
Gài vòi thở dự bị vào “móc gài” ở BCD.

Kiểm tra mức áp suất chai khí.
Tay phải cầm đồng hồ, mặt đồng hồ úp xuống (đề phòng kính nổ vỡ), tay trái từ từ mở van chai cho tới hết rồi vặn lại ½ vòng. Lật đồng hồ xem mức áp suất (định mức 200 bar).

Kiểm tra BCD.
Bóp nút bơm BCD tới khi van áo tự xì. Dừng, nghe xem áo có bị xì không.
Bóp van “bấm xả”, giật 2 van “giật xả” của áo để kiểm tra tác dụng của các van.
Kéo “khoen trên” để nới giãn 2 dây đeo vai (để dễ dàng cho lúc mặc BCD).

Kiểm tra đồng hồ, mồm thở.
Đồng hồ hơi: Khóa van chai, bóp lape của ống thở (van thứ cấp) và quan sát kim đồng hồ. Nếu kim giảm đều cho tới vạch “0” là tốt.
Đồng hồ độ sâu: xoay kim màu đỏ (núm xoay ở trục kim) về điểm “0”.
Mồm thở: Mở van chai cho đến hết và vặn lại ½ vòng. Ngậm mồm thở, hít thở mạnh xem kim có “giật” xuống không, mồm thở có hoạt động tốt không. Ngậm mồm thở dự bị, hít thở xem có hoạt động tốt không.
Khóa van chai.

Kiểm tra phụ kiện.
Gài chì vào đai chì (và vào túi BCD) sao cho trọng lượng được phân bố đều. Thử kính (mặt nạ) lặn. Kiểm tra ống thở, fins, la bàn, khác.

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Đi lặn ở Hòn Ông.

 Hòn Ông, hay Whale Island được coi là Mandives của Việt Nam vì  có nhiều điểm lặn đẹp. Điều kiện lặn ở đây rất tốt cho cả những người mới tập lặn và người nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể lặn dễ dàng và an toàn từ bãi biển của resort tới độ sâu 15 mét. Tôi đã thử lặn tự do (với chân nhái, kính lặn và ống thở) tới 10m nhưng không ra sâu hơn vì dưới đó nước rất lạnh lại không mặc wetsuite. Theo tàu ra các điểm lặn ở cửa vịnh và ngoài vịnh bạn sẽ được thưởng thức các chuyến lặn hứng thú và mạo hiểm. Lặn vách tới 40 mét, lặn vườn san hô 10-15 mét, lặn hang, lặn theo dòng chảy (drift dive), lặn đêm và không kém phần hấp dẫn là lặn xem sên biển. Không phải ngẫu nhiên mà ở Rainbow Divers có thêm môn lặn “Vietnamese Nudibranch” bên cạnh các lặn chuyên đề khác. Vietnamese Nudibranch chỉ thực hiện được ở Hòn Ông tại điểm lặn Mũi Cò – còn được gọi là ngôi nhà của sên biển.
Bản đồ các điểm lặn ở Hòn Ông. Mỗi điểm có đặc thù và và những thử thách khám phá riêng. 

Hai vợ chồng người Nga sang đây dự kiến sẽ bỏ ra 5 ngày để đi lặn. Nếu mỗi ngày lặn 2 cuốc thì cũng chưa thể hết 12 điểm lặn chính thức ở đây. HCQ và tôi chỉ có 1 ngày để lặn nên quyết định sẽ đi hai điểm không xa quá (do 2 khách Nga cùng đi mới đi một chặn đường xa tới) mà vẫn có những đặc trung của vùng nước này là Hòn Tai và Bãi Sứ. 
Hòn Tai với những bãi san hô đẹp, các bàn đá san hô lớn. Khu vực này được cho là có thể gặp được cá nhám vây trắng (chúng tôi không có may mắn gặp chúng), frogfishes đen đỏ nằm cùng sên biển. Bãi Sứ có các đường ngầm và hang ở độ sâu 15 mét. Nhhững người thích chụp hình sẽ tìm thấy nhiều loại sinh vật đa màu sắc dọc theo các vách, trườn trên đá. Tôi may mắn thu hình được một chú cá vũ công Tây Ban Nha ( Spanish dancer) bơi lượn bên trong hốc san hô. Cá hề (anh bạn Nemo trong phim hoạt hình của Walt Disney) có nhiều ỡ vùng biển này, chúng khá hiếu kỳ và sẵn sàng tấn công bạn nếu tỏ ý xâm phạm đám hải quỳ của chúng. Mời các bạn coi một số hình ảnh chộp được trong chuyến đi lặn Hòn Ông của tôi và HCQ.

Rặng san hô cứng ở hòn Tai. 

Cá Hề, rất phổ biến ở đây.

Hòn Tai: Những chú cá đen này cũng cùng họ hàng với Nemo??? 





Một vài loài sao biển ở hòn Tai.

Con quỉ gì thế này? chú cá đầu tiên tôi gặp khi vùa tụt xuống đáy 13 mét ở bãi Sứ.

Hải quỳ ở bãi Sứ.

Bãi Sứ Nudibranch.

Lặn hang (cave dive) ở bãi Sứ

Mỏm đá ngầm bãi Sứ.

Tàu rời bãi Sứ, chúng tôi quay về đảo hòn Ông
Chú cá vủ công Tây Ban Nha - Spanish dancer!



Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Khám phá Hòn Ông

Rainbow Divers Vietnam có một trung tâm lặn ở Hòn Ông (Whale Island), một hòn đảo nhỏ cách Nha Trang 80 Km về phía bắc. Trung tâm này đóng trong một Rì sọt duy nhất trên đảo với tên gọi là Whale Island Resort. Khi rủ rê anh HCQ cùng đi lặn ở đây tôi đã tưởng sẽ gây được bất ngờ thú vị vì giới thiệu được một địa điểm mới, xem trên mạng thấy rất hấp dẫn với hơn chục điểm lặn thú vị. Anh Chí cũng có vẻ khoái chí khi được mời vì nghe Whale Island có vẻ là lạ, trong số hàng chục CLB lặn biển ở VN thì chỉ duy nhất có Rainbow có trung tâm lặn ở đây.
Hai nhà hẹn gặp nhan ở Nha Trang, tập trung ở trụ sở của Rainbow Divers Nha Trang để lên đường đi Whale Island. Trên hình là Đại tá PADI Clive - Giám đốc Rainbow Nha Trang, từng huấn luyện OWC cho HCQ và tôi.

Sau 90' chạy xe, HCQ nhận ra cảnh quen quen..."Ủa đây là Vân Phong mà..." Tôi ú ớ vì chưa từng tới nơi này! Cứ tưởng gây được bất ngờ thú vị cho lão bạn lặn, hóa ra ông bạn đã từng lặn khảo sát và có bài viết ở đây về nơi này. Thật quê độ

Tàu của Resort đón chúng tôi tại cảng đồn biên phòng 368 - Đầm Môn, Vân Phong.

Anh Chí quan sát lại "chiến trường xưa"

Quang cảnh trong vịnh thật yên bình trong nắng chiều.

Phía trước là Hòn Ông (đảo cá voi) đích đến của chúng tôi.

Sau 15' chạy tảu, khu resort đã hiện ra trước mắt. Đối với dân Tây thì đây là một thiên đường nghỉ dưỡng, những mái nhà tranh nép dưới rặng dừa dọc theo mép biển.

Trung tâm lặn biển Rainbow Divers ở đây cũng là một ngôi nhà tranh đơn sơ. Liên quan đảo Hòn Ông này và môn lặn biển, bạn có biết rằng chính Jacques Cousteau đã lần đầu tiên phát hiện ra niềm đam mê lặn biển của mình là tại đảo Hòn Ông này? 

Chúng tôi sống trong ngôi nhà thế này, xung quanh là vườn cây xanh tươi.

Xanh và sạch, không khí trong lành. Không Ti Vi, không Máy lạnh, không tủ lạnh và cả điện thoại nội bộ cũng không! Sóng di động yếu ớt....Nơi lý tưởng để trốn cuộc sống đô thị ô nhiễm, ồn ào và...

...cũng là nơi lý tưởng để thiền!

Nước biển trong vắt như pha lê và thoai thoải dốc, rất hợp cho bơi và lặn với ống thở (snorkeling).

Mẹ Đốp nhà tôi thậm chì còn bắt được ghẹ ngay trên bãi biển.

Nhà HCQ, cũng lãng mạng chớ...!

Thật tình cờ, lại gặp lại trung tá PADI Kiên Kha ở đây, anh bạn đang buồn vì mấy hôm trực ở đây chưa có khách lặn. Hay quá rùi , mai ra khơi lặn thôi!

Ngày hôm sau, chúng tôi đi ra cửa vịnh để lặn, cùng đi còn có 2 khách lặn từ Nga sang. Cặp vợ chồng này bay suốt chặng Moscow - HCM - Cam Ranh rồi nhảy taxi đi Hòn Ông ngay trong đêm, tới resort lúc 1h sáng. Vậy mà sáng hôm sau đã cùng chúng tôi đi lặn được ngay. HCQ và tôi thật may vì chỉ chả cần bay hàng ngàn cây số để được lặn ở Hòn Ông.