Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chiến dịch Puerto Galera - Philippines - Phần 1

Chiến dịch Puerto Galera - Philippines của các thành viên diễn đàn Lặn biển - Vietdivers diễn ra từ ngày 12-05 đến ngày 18-05-2013. Đây là chiến dịch lần thứ 3 của nhóm, và cũng là lần đầu tiên nhóm đi lặn cùng nhau ở nước ngoài. Puerto Galera nằm ở mặt bắc của Mindoro, một đảo lớn nằm ở phía nam Manila. Nơi đây có nhiều bãi biển và điểm lặn đẹp của Philippines.

Thành phần tham gia chiến dịch lần này là 10 người, gồm có: anh Coral (trưởng đoàn), chú Tâm, vợ chồng chú AMK3, vợ chồng chú HCQ, Hardbone, ComputerBoy, AoE và TchyA. Theo kế hoạch, nhóm sẽ có 7 ngày ở Philippines, trong đó ngày đầu tiên và ngày cuối cùng dành cho di chuyển, nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm, 5 ngày còn lại nhóm sẽ có 10 lần lặn tại các địa điểm khác nhau.

Ngày 1: Sài Gòn - Manila - Puerto Galera
23:15, các thành viên đã có mặt đông đủ ở sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục lên máy bay của hãng Cebu Airlines khởi hành từ Sài Gòn đi Manila.

13:30 máy bay cất cánh, mất khoảng 3 tiếng để tới Manila. Vì Philippines đi trước Việt Nam 1 múi giờ nên cả nhóm đến sân bay Manila vào lúc trời vừa tờ mở sáng. Xe của Action Divers, shop lặn nhóm thuê đã có mặt để đón đoàn. Từ sân bay, xe mất 2 tiếng để di chuyển đến vịnh Bantagas, từ đây đã có một chiếc Banca (loại thuyền truyền thống của Philippines) chờ sẵn để chở nhóm đến đảo Sabang, thuộc Puerto Galera. Với cặp càng 2 bên hông thuyền, chiếc Banca lướt nhẹ nhàng như bay trên mặt vịnh lặn sóng. Mất thêm khoảng 1 tiếng thì nhóm đến Sabang.

Banca, thuyền truyền thống của ngư dân Philippines với cặp càng 2 bên hông

Căn cứ của chiến dịch là resort Portofino, nằm ngay bãi biển Small La Laguna trên đảo và sát bên Action Divers nên rất thuận tiện cho việc đi lặn hàng ngày của nhóm. Ngày đầu tiên cả nhóm nghỉ ngơi và tham quan đảo, tận hưởng không khí thanh bình và sự thân thiện của người dân đảo.

Bãi biển Small La Laguna

Ngày 2: Monkey Beach - Sabang Wrecks
Mỗi ngày, các dive shop Ở Puerto Galera thực hiện 3 ca lặn vào lúc 9:00, 12:00 và 15:00. Các điểm lặn đa số ở gần bờ, chỉ cách 5 phút đi thuyền.  Nhóm thống nhất mỗi ngày sẽ lặn 2 ca vào lúc 9:00 và 12:00. Simon, một instructor thân thiện sẽ là huấn luyện viên của nhóm.

Simon đang giới thiệu các điểm lặn với nhóm

9:00, ca lặn đầu tiên tại Monkey Beach, mang tính chất khởi động làm quen, để guide xem "giò cẳng" của mọi người, tầm nhìn 20m, san hô đa dạng phong phú, và đặc biệt có rất nhiều cá nhỏ, đây là điểm khác biệt lớn so với lặn ở Hòn Mun, Nha Trang.                  










San hô ở Monkey Beach

12:00, ca lặn thứ hai, Sabang Wrecks, chỉ cách bờ khoảng 200m, 3 xác tàu Banca được đánh đắm nhân tạo ở độ sâu 18m. Đây là lần đầu tiên nhóm lặn xác tàu cùng nhau nên ai nấy đều hăm hở. Nhóm lần lượt khám phá từng xác tàu. Tuy ở đáy cát, nhưng cá tập trung rất đông xung quanh và bên trong xác tàu.

Cá quần tụ quanh xác tàu Sabang

Chú AMK3 và anh Coral tiếp cận xác tàu
 AoE và TchyA
Hardbone
Computerboy lăm lăm súng trong tay, sẵn sàng "hạ" bất cứ mục tiêu nào.


Clip chú AMK3 chui xác tàu Sabang

Giữa 2 ca lặn, trong khi mọi người trở về căn cứ nghỉ ngơi, máu freedive nổi lên, TchyA và ComputerBoy đã thực hiện chớp nhoáng một cuộc khảo sát đáy san hô gần bờ từ bãi Small La Laguna sang bãi Big La Laguna kế cận. Chỉ trong khoảng 200m gần bờ, với độ sâu 3 - 20m, san hô tương đối đa dạng, rất thích hợp cho snorkelling.

Ngày lặn đầu tiên xem như thành công tốt đẹp, hứa hẹn những điều mới lạ đang chờ đợi trong những ngày kế tiếp.

Ngày 3: Big Wreck - Drift Diving
TchyA bắt đầu ngày lặn này không suôn sẻ bằng cái bụng không tiêu. Theo quy tắt an toàn lặn, một khi cơ thể có dấu hiệu không thoải mái, bạn nên cancel buổi lặn. Nhưng do hào hứng nên TchyA đã vi phạm quy tắt này để cố gắng theo đoàn. Và những gì thu được từ ngày lặn này quả rất xứng đáng.
Đu theo dây lần xuống xác tàu dưới sâu 30m
Ca lặn lúc 9:00, huấn luyện viên Simon nhắc nhở có dòng chảy nhẹ quanh xác tàu. Vừa chìm xuống 10m nước, xác tàu sắt lớn nằm ở độ sâu 30m lù lù hiện ra trước mắt, bọt khí của các nhóm lặn đến trước càng làm cho khung cảnh thêm mờ ảo. Khung sắt hoen rỉ của tàu phủ đầy những sinh vật màu vàng trông như những bông hoa cúc khoe sắc. San hô bám trên lang cang tàu tạo thành những cổng hoa tuyệt đẹp. Phía trên boong tàu, một đàn cá chim quần tụ tò mò nhìn những vị khách lặn không mời mà tới.
 Bên trong khoang tàu tối là những chú tôm tí hon và những con cá Lion Fish lượn lờ. Tiếc là nhóm chỉ có thể ở độ sâu này trong khoảng 30 phút (ở độ sâu 30m bạn tiêu thụ một lượng khí gắp 4 lần ở trên mặt). Simon tỏ ra rất khắt khe với những quy tắt an toàn. Xác tàu mờ dần trong khi mọi người từ từ trồi lên.

Xác tàu lớn lù lù trước mặt

Chú HCQ khảo sát đáy tàu
Và bên trong lòng tàu.
Trong lần trồi lên này, TchyA được trải nghiệm cảm giác hơi ợ chua trong cái bụng khó tiêu của mình nở dần ra gây cảm giác buồn ói rất khó chịu. Tuy nhiên, sau khi lên tàu nghỉ ngơi một lúc thì cảm giác này giảm dần. Nhờ thế mà TchyA có thể tiếp tục ca lặn sau.

Ca lặn 12:00, nhóm được trải nghiệm thể loại lặn dòng chảy (drift diving) rất thú vị, mọi người chỉ việc nằm yên và để dòng chảy cuốn đi, san hô và cá khá đa dạng lướt qua trước mắt. Trong lần lặn này, TchyA nghiệm ra càng chống lại dòng chảy thì càng không hiệu quả và tốn sức, chi bằng cứ thuận theo nó đưa đẩy, mình chỉ việc thả lỏng, lâu lâu ngoặc fins bẻ lái khi cần.
 Cuốn theo dòng chảy....
Cây dương lớn này không hề ngán dòng chảy mạnh.

Ngày lặn thứ hai này cả nhóm đều hài lòng với những trải nghiệm thú vị. Buổi chiều nhóm thuê thuyền đi White Beach, một bãi biển đẹp và sầm uất. Cả nhóm đã có một bữa ăn trưa hoành tráng tại đây.

Đợi ăn trưa "dài cổ" ở White Beach

(Còn tiếp)

Lặn biển ở Punta – Argentina

(bài của một bạn lặn, sưu tầm, trích) 

Tàu lặn của Deep Blue đưa chúng tôi (tác giả bài viết) tới điểm lặn thứ nhất ở Punta, Argentina. Chúng tôi lặn xuống. Tầm nhìn 20 mét. Tôi gặp cá hề, nhím biển, cá phát quang. Tôi chưa từng gặp ở đâu nhiều nhím biển và cá đuối gai độc đến thế. Cứ mỗi vài phút bạn sẽ thấy chúng trong làn nước xanh thẳm. Tôi gặp rất nhiều Skate trên mặt cát và lươn Moray trong hốc đá.  

Lặn với Deep Blue bực bội ở chỗ, thời gian lặn mà họ giới hạn cho khách là 45 phút, trong khi phần không khí còn lại trong bình lặn cho phép tôi lặn được thêm 15-20 phút, hoặc hơn. Tôi nghĩ tôi đã trả tiền thuê bình lặn thì tất nhiên tôi phải được sử dụng nó cho tới hết, trừ phần dự trữ an toàn. Quy định 45 phút thật vô lý.

Cú lặn thứ hai ở Tortuga. Chúng tôi xuống 20 mét, bơi quanh một đỉnh núi lửa. Cá đuối gai độc lởn vởn quanh tôi. Bốn chú cá mập trắng đang nghỉ ngơi trên cát. Tôi bơi vòng quanh chúng và chụp hình. Từ đỉnh núi này, hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến một xác tàu khá lớn. Chúng tôi bơi dọc theo tàu. Tới mũi tàu, tôi thấy cả chục chú cá mập đang nghỉ ngơi trong cát. Chúng tôi trở lại vùng nước nông ở đỉnh núi và dành phần thời gian còn lại để tìm kiếm bầy lươn Moray màu vàng.

Sau chuyến lặn, tôi đăng ký thêm chuyến lặn nữa, rồi đi ra phố uống bia. Sáng hôm sau, tôi ra bãi biển, đã thấy một nhóm mười người đang chờ tàu lặn, hơi đông cho một chuyến lặn. Rất may, ba trong số họ sẽ tới quần đảo Catalina và hai kẻ khác thì đi học lặn. Rất vui vì như vậy số người lặn giải trí chỉ còn năm – con số lý tưởng. Chúng tôi ra biển xa hơn so với hôm trước, đến điểm lặn Virador. Lặn xuống, tầm nhìn lúc này đã xấu đi đáng kể so với hôm qua tới 10 mét. Nói chung điểm lặn này cũng giống như điểm lặn trước, có cá tuyết, puffers, Moray ... Khá khó khăn để tìm ra chúng và chụp hình.

Chuyến lặn cuối cùng của tôi ở Punta, Argentina, một điểm chếch về phía đông La Cruz. Một lần nữa, với tầm nhìn hạn chế, tôi gặp các loài cá giống như hôm trước, với số lượng ít hơn. Kelly, bạn tôi, phát hiện một con bạch tuộc nằm sâu giữa hai tảng đá, nhưng anh lại không gọi tôi.

Vậy là tôi đã có bốn chuyến lặn tốt đẹp ở Playas del Coco với nhiều hình ảnh của cuộc sống dưới đại dương.

Thiếu tiện nghi và chi phí cao hơn nơi khác, dịch vụ lặn ở Costa Rica đã bỏ lỡ nhiều khách lặn. Nhưng tôi … vẫn vui vì đã có cơ hội để trở về với biển, và nó giúp tôi thu lượm số liệu cho chuyến lặn trong tuần tới ở Roatan Honduras, phía Caribe Trung Mỹ.

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Đảo truyền thuyết Atlantic đã nổi lên


(Theo “Nền văn minh cổ thế giới”, trích)

Có nhà tiên tri dự báo rằng đảo Atlantic (hòn đảo truyền thuyết bị chìm dưới đáy biển) sẽ nổi lên ở một điểm gần quần đảo Bahamas vào năm 1969.

Ngày 26/2/1969, nhà thám hiểm Robert Feropormi Gran, Mỹ, đến đảo Bimili thuộc Bahamas. Họ thả neo cách bờ bắc đảo Bimili 1,4 hải lý, và bất ngờ phát hiện một mỏm đá khác lạ giữa biển, dường như do con người tạo nên. Họ lặn xuống và nhìn thấy vỉa đá dưới đáy biển rất rộng, sắp xếp quy củ. Mỗi phiến đá dài khoảng 6m, cao 3m, rộng 1,2m. Chúng được ghép liền nhau thành một "con đường" dài 213 mét. Theo dân địa phương, vào thập niên 20 của thế kỷ 20, khi xây dựng thành Maianmi, thợ lặn địa phương đã phát hiện ra chúng, nhưng chúng từ đâu ra, tại sao lại có hình thù như vậy thì không ai quan tâm.

Các nhà khảo cổ cho là những phiến đá này có ít nhất 10.000 năm tuổi. Vậy 10.000 năm trước kia, những phiến đá này là cái gì, có tác dụng gì? Có người cho rằng đó là bức tường bị đổ, nhưng sử sách chưa hề đề cập đến sự tồn tại của một thành phố vào 10.000 năm trước.

Tới tháng 7/1969, thợ lặn đã phát hiện nhiều trụ đá lớn dưới nước ở gần bờ tây đảo Bimili. Những trụ đá này có cái nằm ngang, có cái dựng đứng dưới đáy biển. Người ta đã xác định nguồn gốc của chúng không phải ở đảo Bimili.

Thợ lặn còn phát hiện cách đảo Bimili không xa có một bức tường thấp vây quanh một hòn đảo nhỏ. Các nhà khảo cổ dự đoán, từ xa xưa, trên đảo Bimili có một bức tường vây cao lớn. Vậy bức tường vây dùng để làm gì? Chúng ẩn chứa bí mật gì bên trong? Nguyên nhân gì khiến bức tường bị chìm xuống biển? Nhưng điều người ta không giải thích được, là ngoài bức tường vây này, xung quanh không còn một công trình kiến trúc nào khác.

Có người cho rằng, do đáy biển không yên tĩnh nên sự chìm nổi của đảo là chuyện thường tình. 10.000 năm là khoảng thời gian đủ để một hòn đảo nhỏ bị chìm xuống rồi lại nổi lên. Hoặc có thể bức tường vây bị sóng biển đẩy xuống biển. Tuy nhiên không hề có vết tích nào cho thấy trên đảo từng bị nước biển tràn qua. Có nhà khảo cổ cho rằng, bức tường vây được xây dưới nước, nhưng xây dưới nước để làm gì? Hay đây là tác phẩm của thiên nhiên?

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Biển cả. P2 – Chú bé con, Gió buôn bán, Lực trời khiến.

Chú bé con dễ thương.

El Nino tiếng Tây ban nha là “chú bé con dễ thương”, là hiện tượng vùng biển lạnh tự dưng ấm lên vào mùa đông, và thường xảy ra vào cuối năm, gần dịp lễ Giáng sinh. El Nino là thuật ngữ chỉ sự ấm lên của mặt biển vùng xích đạo Thái bình dương ngoài khơi biển Nam Mỹ, thường bắt đầu vào mùa đông và có chu kỳ khoảng từ 2 – 7 năm, và gây ra những bất thường về thời tiết, khí hậu trên diện rộng.

La Nina, tiếng Tây ban nha là “cô bé con dễ thương”, là hiện tượng ngược đối với El Nino. La Nina là thuật ngữ chỉ hiện tượng nhiệt độ mặt nước biển vùng xích đạo phía đông Thái bình dương lạnh đi so với điều kiện bình thường (hiện tượng “pha trộn lạnh”) và gây ra những bất thường về thời tiết và khí hậu trên diện rộng.

La Nina thường xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. La Nina là “chuyện nhiều tập” về một hải lưu lạnh đã làm lạnh nhiệt độ khí hậu của những vùng mà nó đi qua.

Chúng không chỉ là hiện tượng cục bộ ở vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ mà còn là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn và phức tạp giữa khí quyển và các đại dương.

Nguyên nhân của chúng, theo giả thiết thứ nhất, là do hậu quả của việc dư thừa nhiệt ở vùng nhiệt đới và El Nino là sự điều chỉnh của thiên nhiên để cân bằng trở lại. Giả thiết thứ hai, khởi đầu là do sự yếu đi của Gió mậu dịch; nước biển ấm lên làm gió yếu đi và gió yếu đi lại làm nước biển ấm thêm; và cứ như vậy, chúng ngày càng mạnh lên.

“Lộ trình” của El Nino: Một hải lưu ấm ở phía đông Thái bình dương chạy dọc vùng biển các quốc gia Nam Mỹ (ChilePeru, ...) đã “nạp” vào bầu khí quyển nơi đó một lượng hơi nước rất lớn, hình thành nên các đám mây mưa dày đặc, làm những nước này phải hứng chịu một lượng mưa lớn bất thường. Đồng thời, bởi những lí do nào đó, gió trên Thái bình dương bỗng đổi hướng vào thời điểm có El Nino, chúng thổi về phía Đông thay vì về phía Tây như thời tiết thông thường hàng năm.

Cơn gió “dễ thương” này đã đưa hơi nước “được gầy dựng” trên vùng biển Nam Mỹ đi tuốt qua các vùng rộng lớn ở Tây bán cầu, và mưa, bão, lũ lụt đã xảy ra tại các vùng này.

Đồng thời, do hơi nước bị “gom lại”, nên, tất nhiên, hiện tượng khô hạn sẽ xảy ra trên các vùng khác: các vùng ở Đông bán cầu bỗng dưng bị hạn hán nghiêm trọng, trong đó Việt namThái lanIndonesiaPhilippinesÚc, ... là những nước thường xuyên bị ảnh hưởng khô hạn do chúng.

Gió mậu dịch (gió traođổi hàng hóa).

Gió mậu dịch  (Trade wind, tiếng Bồ đào nha là Passat) là những cơn gió thổi thường xuyên, ổn định trong miền gần xích đạo. Gió mậu dịch là kết quả của sự di chuyển không khí từ miền áp cao ở các vĩ độ cao về vùng áp thấp xung quanh xích đạo.

Cùng với sự tác động của lực Thiên sai (hiệu ứng Coriolis), gió mậu dịch không thổi thẳng từ Đông sang Tây, mà bị xéo đi chút đỉnh: ở Bắc bán cầu, chúng thổi theo hướng Đông-Đông-Bắc sang Tây-Tây-Nam, ở Nam bán cầu chúng thổi theo hướng Đông-Đông-Nam sang Tây-Tây-Bắc.

Gió mậu dịch xuất hiện vào mùa hè, ở tầng khí quyển từ sát mặt biển tới cao độ (khoảng) 2 km. Và do vậy, tầng khí quyển cao hơn 2 km sẽ xuất hiện luồng gió thổi ngược trở lại, tạo nên sự tuần hoàn của khí trời.

Trong miền cận xích đạo, gió mậu dịch đến từ hai bán cầu gặp nhau tạo thành những dòng đối lưu bốc lên cao, tạo thành “Đới hội tụ liên chí tuyến”.

Gió mậu dịch còn được gọi là “Gió tin cậy” (tên chữ là Tín phong). Trong kỷ nguyên tàu buồm, người châu Âu đã lợi dụng chúng để vượt đại dương đi buôn bán, trao đổi hàng hóa (và “khai hóa” những vùng đất mà họ gọi là “đất mới”) – họ gọi chúng là “gió mậu dịch”. Do chúng ít khi “tráo trở” (thổi rất ổn định) nên tàu buồm có thể tin cậy vào chúng mỗi khi vượt đại dương, nên họ gọi chúng là “gió tin cậy”.

Lực Thiên sai (hiệu ứng Coriolis).

Do trái đất tự quay xung quanh mình nó, nên các dòng chảy (khí, chất lỏng) trên trái đất, nếu chảy theo hướng Nam – Bắc, sẽ bị quán tính làm chệch hướng chút đỉnh: Nếu chảy từ Nam lên Bắc, nó sẽ bị lệch về phía Đông một chút, còn nếu từ Bắc chảy về  Nam thì sẽ lệch về phía Tây một chút.

Người ta nói, bão nhiệt đới có xoáy (eyewall, hoàn lưu bão với tâm là mắt bão) cũng bởi Lực Thiên sai (và đây không phải là nguyên nhân duy nhất).

Không chỉ chất khí và chất lỏng, chất rắn (hay tất cả các vật chất có khối lượng tồn tại trên trái đất) cũng bị “trời khiến” y như vậy. Ví dụ đường sắt Bắc – Nam, khi xe lửa chạy từ Nam lên Bắc thì các bánh xe sẽ nén xuống thanh ray phía Đông nhiều hơn thanh phía Tây, chạy riết thời thanh này mòn nhiều hơn thanh kia – nếu xài đường sắt “một chiều” (tức đường Nam – Bắc và đường Bắc – Nam riêng biệt). Cũng may, ông nhà nước hiểu bản chất vấn đề, nên chỉ cho xài đường sắt “hai chiều”: Mỗi khi hai xe lửa chạy ngược chiều gặp nhau, thì anh này dừng lại uống cafe chờ anh kia vượt trạm. “Nhân định” thắng “Thiên định” chính là vậy.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Rau và nước ngọt khi sống trên biển


Chuyện của kẻ cùng hội cùng thuyền với thợ lặn.

(bài của anh Hồ Bá Đạt, trích)

… Thời gian còn lại không biết làm gì ngoài việc đọc sách và chui lên chui xuống khoang nằm ngủ, ngắm cá bơi quanh tàu. Sách thì chỉ độc có mỗi một cuốn tôi tìm được trong khoang tàu đọc đi đọc lại đến phát chán. Trên tàu hạn chế tắm rửa, nước ngọt chỉ dành riêng cho ăn uống. Lính tráng muốn tắm chỉ còn có nước nhảy xuống biển, nhưng tắm xong không được tráng nước ngọt nên người lúc nào cũng nhơm nhớp, muối đóng trên người nham nháp. Vì người như thế, nên không thể mặc quân phục quy củ. Suốt ngày cởi trần, mặc quần đùi nên da của chúng tôi bóc hết lớp này đến lớp khác do nắng nóng thiêu đốt.

Được dân chài chỉ cho chỗ có nước ngọt trên một hòn đảo gần đấy, trên tàu cuồng cẳng nên tôi và ba anh nữa xung phong đi lấy nước cho tàu. Chúng tôi chèo xuồng cao su đi gần 1 km mới tới chỗ có nước ngọt. Đây là một hòn đảo đất nằm trong vịnh. Chỗ có nước chỉ là một cái vũng nhỏ, nước trong khe chảy ra. Gần đó có mấy cái thuyền đánh cá đang đậu chờ lấy nước như chúng tôi ... Sau khi múc đầy xuồng nước, chúng tôi tranh thủ tắm. Cảm giác lúc xối nước lên người thật sướng! Mát lạnh, người thấy lâng lâng, nhẹ nhõm. Đấy là tắm.

Còn ăn, vì mỗi tháng chỉ một lần tiếp tế, nên chỉ hai ngày là hết đồ tươi, tàu bắt đầu xài đến lương thực dự trữ. Gạo là loại gạo sấy đựng trong bao nilon. Ăn nó cứ rời ra từng hạt, không nở, nên ăn giống như ăn hạt bo bo sau này (ai đã từng ăn bo bo những năm đầu 80 thì cảm giác là như thế). Chỉ một, hai ngày đầu còn lạ miệng, sau đó thì không nuốt nổi. Cảm giác đó tôi nhớ mãi! Thịt hộp chế biến cũng chỉ có 2 món kho và nấu canh là hết. Rau hoàn toàn không có. Lúc đó tôi nhớ đến cuốn "Bất khuất"của Nguyễn Đức Thuận, trong đó có viết về tình trạng thiếu rau của người tù Côn đảo khổ như thế nào. Bây giờ tôi cũng ở trong tình trạng như thế! Người cứ bủn rủn không muốn làm gì. Mấy ngày liền sống thiếu rau, không thể chờ tàu tiếp tế, chúng tôi bắt đầu đi lùng chất tươi để cải thiện bữa ăn.

Nhớ hồi mới ra đảo, hay theo anh phân đội phó hàng đêm chèo xuồng đi soi đâm cá, bắt cua về cải thiện. Có lần anh đâm được con mực nang to gần hết cái xô đựng, tôi lần đầu chứng kiến thấy con mực to quá, thở phì phì, các xúc tu quơ loằng ngoằng hoảng không dám gỡ. Con mực đó cả tàu ăn ớn đến nỗi mấy tháng sau nhìn thấy mực không dám ăn. Chờ đêm xuống, nước thủy triều rút, trơ bãi cạn, ba người chèo xuồng cập bãi, một người xách xô dầu cầm đuốc soi. Đuốc là cái gậy dài, một đầu quấn giẻ được buộc bởi dây thép nhúng dầu máy. Hai người kia bắt cua, ghẹ - nếu phát hiện ra. Đi đến gần sáng cũng được nửa thùng. Nhưng cua ghẹ chỉ có luộc, do không có gia vị ngoài muối, ăn riết cũng ngán, cái quan trọng nhất là rau xanh, thiếu rau thì cũng như không! 

Tôi nhớ hồi ở tàu vận tải, các anh lính cũ vẫn hái rau dại trên đảo về ăn, nó nhớt nhớt như rau mùng tơi hay rau đay, nhưng không nhớ là rau gì? Đành phải hỏi dân. Được họ chỉ nên hái một mớ lá về, giã cua với ghẹ nấu một nồi canh cua rau "muồng tơi"(cứ gọi là rau muồng tơi cho tiện). Nhìn canh cua, nỗi váng gạch cua vàng óng, lại có rau xanh, ai cũng thèm mà không dám ăn, sợ nhỡ mình hái không đúng loại rau đó, bị ngộ độc nên ai cũng dè chừng, người nọ nhìn người kia. Tôi nghĩ "đằng nào cũng chết", thiếu rau lâu ngày quá cũng chết, nên múc đại một chén, ăn. Cả tàu mấy chục con mắt nhìn tôi chằm chằm xem có bị sao không? Tôi thì cảm thấy bát canh ngon và ngọt vô cùng, hết chén canh mà không thấy tôi bị sao nên mọi người tự tin ăn. Chỉ một loáng, nồi canh hết sạch. Từ đó chuyện thiếu rau chỉ là chuyện nhỏ.

H: Tắm đã quá, mấy chú thủy thủ ơi - với "thông điệp": Khi ở trên biển, người ta mới cảm nhận được đầy đủ về giá trị của nước ngọt (hình không liên quan bài viết).

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Biển cả, một vài khái niệm


(sưu tầm, trích)

Đại dương (nghĩa đen là “biển lớn”) được hiểu là một vùng nước mặn rộng lớn, tạo thành thành phần cơ bản của Thủy quyển; được giới hạn bởi các lục địa bao quanh nó, các quần đảo, và tiêu chí khác. Chúng gồm các biển lớn (các đại dương: Thái bình dương, Đại tây dương, Ấn độ dương, Bắc băng dương, và có tài liệu tách một phần Thái bình dương để trở thành Nam đại dương) và các biển nhỏ, chiếm khoảng 71 % diện tích bề mặt Trái đất, tức 361 triệu km vuông, trong đó hơn một nửa diện tích có độ sâu trên 3.000 mét. Là các đại dương “độc lập” nhưng thực ra chúng nối liền với nhau tạo thành một khối nước liên tục với sự trao đổi (tương đối) tự do giữa chúng.
 
Các khu vực nhỏ hơn của đại dương gọi là biển, vịnh (và khác).

Độ mặn của đại dương vào khoảng 35 ppt (phần ngàn) và sai số khoảng từ 30 ppt (ở vùng cận cực) tới 38 ppt (vùng nhiệt đới/cận nhiệt đới).

Nước đại dương luôn luôn chuyển động do tác động của thuỷ triều gây ra bởi lực hấp dẫn của Mặt trăng và Mặt trời, do sóng, do các hải lưu và các dòng bù trừ.

(Dòng bù trừ sinh ra do sự “hao hụt” của nước, ví dụ nước của Địa trung hải bốc hơi nhưng lại được ít sông ngòi đổ vào, gây nên sự hao hụt, cộng với nước dưới sâu của Địa trung hải chảy ra Đại tây dương tăng thêm sự hao hụt, do vậy, một hải lưu bề mặt sẽ chảy ngược từ Đại tây dương trở vào Địa trung hải để bù vào hao hụt đó).

Các đại dương có ảnh hưởng lớn tới sinh quyển. Sự bốc hơi nước của các đại dương quyết định phần lớn lượng giáng thủy mà Trái đất nhận được. Nhiệt độ nước của chúng cũng quyết định phần lớn khí hậu và kiểu gió trên Trái đất.

Đại dương được chia thành các đới (vùng, tầng) như Vùng biển khơi, Vùng đáy, Vùng chiếu sáng, Vùng thiếu sáng,…

Vùng biển khơi là một khái niệm “ôm trọn” mọi khu vực chứa nước của biển cả (nhưng không gồm đáy biển), bao gồm:

Vùng duyên hải: Là khu vực biển nằm giữa mức thủy triều cao nhất và thấp nhất. Chúng là khu vực chuyển tiếp giữa các điều kiện đại dương và đất liền.

Vùng ven bờ: Là vùng biển ở ven bờ (Neritic), gồm các khối nước nằm trên các thềm lục địa. (Ngược lại, Vùng đại dương là một khái niệm bao gồm tất tật các Vùng biển khơi, trừ Vùng ven bờ).

Vùng chiếu sáng hay Vùng mặt (Epipelagic) là vùng biển khơi tính từ bề mặt cho tới độ sâu 200 mét. Đây là vùng mà sự quang hợp diễn ra phổ biến nhất và vì thế sự đa dạng sinh học ở đây là lớn nhất.

Vùng thiếu sáng là vùng biển khơi ở độ sâu dưới mức 200 mét. Do thực vật sinh tồn với quá trình quang hợp nên các sự sống tìm thấy ở đây đều phải, hoặc dựa trên các vật chất trôi nổi chìm xuống, hoặc dựa trên sự tuần hoàn lên xuống của nước do nhiệt độ, để tồn tại. Vùng thiếu sáng lại chia tiếp (có tài liệu phân theo Tầng nhiệt độ) thành:

Vùng biển khơi sâu vừa (Mesopelagic) là tầng nước ở độ sâu từ 700 – 1.000 mét.
Vùng biển khơi sâu (Bathypelagic) là tầng nước ở độ sâu từ 1.000 – 4.000 mét.
Vùng biển khơi sâu thẳm (Abyssalpelagic), nằm tại phần cao của vùng bình nguyên sâu thẳm, với ranh giới dưới là 6.000 mét.
Vùng biển khơi tăm tối (Hadalpelagic), nằm ở các rãnh đại dương, độ sâu từ 6.000 mét trở đi.

Đáy biển: “Đi kèm” các vùng biển khơi thiếu sáng là các vùng Đáy thiếu sáng, gồm:
Vùng đáy sâu che phủ sườn dốc lục địa, kéo dài xuống tới độ sâu 4.000 mét.
Vùng đáy sâu thẳm che phủ các bình nguyên sâu thẳm ở độ sâu 4.000 – 6.000 mét.
Dưới cùng là vùng đáy tăm tối tương ứng với vùng biển khơi tăm tối của các rãnh đại dương. 

H: Cột đá ở bờ biển NovaScotia, Canada.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Xuồng ba lá miền Tây Nam bộ


Miền Tây Nam bộ là vùng sông nước, người dân đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe. Các chợ nổi trên sông như chợ Quới Thiện (Cù Lao dài), chợ Trà ôn (ngã ba sông Hậu), chợ Lục sỹ (Cù Lao mây), ... là một minh chứng cho lối sống ở nơi đây. Với địa hình kênh rạch chằng chịt, rừng rậm rạp, đường bộ trắc trở của thuở xưa, thì xuồng ba lá là loại thuyền thích hợp nhất ở nơi đây.

Tên gọi “xuồng ba lá” bởi xuồng được ghép từ ba tấm ván: hai tấm be (hông thuyền) và một tấm đáy. Các “thanh cong” là các khung liên kết ba tấm ván. Đây là loại thuyền hai đầu đều là mũi, chỉ khác ở phần nổi (diện tích “ván sạp” ở lái lớn hơn ở mũi). Thiết bị đi kèm gồm cây chèo để bơi (chèo) trên sông, “dầm” để bơi trong rạnh, “sào nạng” để chống ở nơi nước xâm xấp. Quá trình hoàn thiện, kỹ năng điều khiển và những ứng dụng của xuồng ba lá đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa miền Tây Nam bộ.

Xuồng ba lá rất thích hợp ở luồng lạch hẹp. Nếu như các loại thuyền khác phải quay mũi khi trở lại, thì với loại thuyền hai đầu đều là mũi này, người ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi là xong.

Chúng tỏ ra tối ưu khi đi trên mương nhỏ, rạch cạn, chân rừng ngập nước. Đáy phẳng và cạn, chúng dễ dàng đi qua những vùng nước xâm xấp – nơi mà các loại thuyền khác đều thua. Người ta có thể dễ dàng kéo chúng băng qua ruộng trũng. Chúng không chỉ đi trong kênh nhỏ mà có thể hoạt động trên sông cái.

Mớm nước thấp và hông xuồng ngả nên xuồng ba lá dễ bị lật(*). Giữ cho chúng khỏi chòng chành, không bị lật úp là một kỹ năng được tích lũy qua một quá trình.

Trọng tải xuồng ba lá tính theo kích cỡ ván be (một con số rất tương đối). Số be càng thấp thì xuồng càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng linh hoạt càng cao, nhưng sức chở lại thấp. Thường là cỡ từ “be bảy” tới “be mười”. "Be mười" có thể chở tới 15 giạ lúa. "Be sáu" là một dạng thuyền câu nhỏ. Xuồng thông dụng dài chừng 4 mét, rộng chừng 0,8 mét, chở được 4 người lớn không kèm hàng.

Chiếc xuồng ba lá gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây như gắn bó với cuộc đời người dân nơi đây từ lúc sinh ra cho tới cuối cuộc đời. Cũng như chiếc xe gắn máy ở đô thị Việt nam, chiếc xuồng ba lá đảm nhiệm mọi việc, từ đi học, đi chơi, đi bốc thuốc, đi đám cưới, đám hỏi, thăm viếng, vận tải,… Chúng thủy chung với con người miền Tây như tấm áo mảnh khăn của họ.
 
(*) Về tới nhà, người ta dìm xuồng để tránh bị khô nứt, tới khi lên đường lại phải lắc nước ra; hay vào mùa khô, thiếu nước sinh hoạt, họ bơi xuồng ra sông cái, lắc rửa lòng xuồng, rồi lắc cú chót cho nước vô đầy xuồng và đưa về dùng. Chuyện gì chứ lắc nước vô, lắc nước ra, với xuồng ba lá, chỉ một người phụ nữ nhỏ nhắn hay một đứa trẻ “trọng trọng” đều dễ dàng làm được, bởi chúng được cấu tạo theo “kiểu dễ bị lật”.