Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Xin chúc các anh-chị-bạn trong "làng lặn" cùng các anh-chị-bạn quan tâm tới môn lặn một năm mới may mắn, hạnh phúc. Xin tặng mọi người "bông hoa của biển".

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Chúc mừng năm mới 2011

Chúc tất cả các bạn lặn gần xa một năm mới may mắn, vui tươi và hạnh phúc! Keep WET!

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Lặn ở “kim tự tháp”

(sưu tầm)
Tôi là huấn luyện viên và hôm đó đi với một anh làm Advance Open Water Course (thi lên "trung sỹ"). Chúng tôi dự kiến lặn dọc vách tường đá ở độ sâu 100 feet. Tôi thích men theo vách đá đó vì khi dừng giải áp sẽ rơi vào khu vực san hô tuyệt đẹp.

Đồng nghiệp nói rằng khu vực vách đá có một điểm gọi là “kim tự tháp”, rằng để đến đó, bạn chỉ cần bơi theo vách đá phía bên phải, tuy nhiên không ai biết vị trí chính xác. Tôi quyết định sẽ tới điểm lặn mới. Học sinh của tôi là một thợ lặn có kinh nghiệm và tôi nghĩ điểm lặn mới sẽ thú vị cho anh ta và tôi.

… Chúng tôi bơi men theo vách tường đá. San hô ở đây tuyệt đẹp. Tôi hài lòng với quyết định của tôi. Chúng tôi tiếp tục bơi và thấy một khoảng đứt đoạn của vách tường đá. Chúng tôi bơi qua đó xuống độ sâu 100 feet.

… Theo kế hoạch, sau khi khảo sát, chúng tôi sẽ nổi lên tại vị trí xuất phát. Do chúng tôi bơi lệch một chút, vì vậy, tôi đã không tìm thấy chỗ vách tường bị đứt đoạn. Cho rằng vẫn còn ở quanh khu vực cũ, tôi tiếp tục bơi cho đến khi nhìn thấy túi nhựa (dùng thay cho thẻ đánh dấu-NST) một lần nữa. Tôi nhận ra rằng chúng tôi đã bơi thành vòng tròn … Hey … đừng sợ, tôi nghĩ. Vấn đề là chỗ vách tường bị đứt đoạn không có ở đó ... vì vậy, sự lựa chọn duy nhất là nổi lên (“kim tự tháp” này có hình dạng của cái nồi để ngửa).

Tới mặt nước, té ra chúng tôi đã cách khá xa vị trí xuất phát. Tôi giải thích cho học sinh những gì đã xảy ra và anh ta cười.

Sau này, tôi được biết rằng lúc đó chúng tôi đã bơi trong vòng tròn ma thuật PYRAMID.
Hình: tui nè (không liên quan bài viết)

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Diving Phuket (P1)

Tiếp theo bài giới thiệu về lặn biển ở Phuket. Tôi xin kể về lần đi lặn ở đây. Thời điểm đó, cách nay đúng một năm trong logbook của tôi mới ghi nhận được tổng cộng 9 dives! Trong số này thì mất 4 dives là chương trình thực hành và thi OWC và 4 Dives tiếp sau là thi Advanced OWC. Cà hai khóa này tôi đều học và thi lý thuyết qua PADI online và thực hành ở VinaDive rồi Rainbow Divers Nha Trang. Còn dive thứ 9 là chuyến lặn nhởn (fun dive) đầu tiên của tôi cũng cùng Rainbow Divers Nha Trang. Có thể nói tại thời điểm này, thực tế chiến trường của tôi còn rất khiêm tốn dù đã mang lon trung sỹ PADI, làm sao mà lại dám mò sang Phuket để lặn?
Sự thể là sau khi thi Advanced OWC với các chuyên ngành (specialty) như PPB, Boat Diving, Navigations, Photography, Naturalist...tôi rất muốn có thêm 2 môn specialty nữa là Nitrox và Wreck Diving. Rồi tôi cũng lấy được chứng chỉ Nitrox ỡ Rainbow Divers SG. Riêng Wreck thì thua vì ở VN chẳng còn xác tàu nào ở độ sâu phù hợp cho lặn giải trí mà không được trục vớt bán ve chai! Tình cờ, khi đó Rainbow Divers SG thông báo mở tour kết hợp đào tạo khóa lặn xác tàu 5 ngày ở Phuket  - Thailand. Tôi quyết định đăng ký tham gia. Tôi chưa từng tới các nước trong khu vực ASEAN cũng như ra nước ngoài kể từ khi tốt nghiệp, đi làm. Lí do đơn giản là không được phép do đamg tại ngũ, nay tôi đã về vưởn và hoàn toàn có thể làm gì mình thích. Lý do thứ nữa, còn chính đáng hơn là tôi muốn cùng đi với bà xã, cũng chưa tửng biết Tháiland - với bà ấy, đây là chuyến đi nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới của chúng tôi (đám cưới Bạc). Thật không may, tour "Phuket Diving trip" của RB SG phá sản do ít người đăng ký tham gia. Tôi đã rủ rê anh Chí Quang, đã hứa hẹn với bà xã...nay lại nói thôi thì thật chẳng ra sao. Qua tham khảo ý kiến chú em giám đốc công ty ScubaOEM chuyên sản xuất trang bị lặn Scuba ở Q12, hắn thường đi lặn kết hợp tiếp thỉ sản phẩm ở các nước trong khu vực như Thailand, Malay, Indo...Tôi quyết đị đi theo kiểu "Ta balo". Lên mạng tìm kiếm, hỏi chú Google, kết quả có ngay. Đi lại thì có Air Asia bay trực tiếp HCM - Phuket buổi chiều tối, chuyến về buổi sáng quãng 9h và gần trưa là về đến TSN. Ở thì khỏi lo, rất nhiều khách sạn từ 0 đến 5 sao để lựa chọn, tôi chọn Batong Lodge Hotel, một KS ba sao nhưng giá chỉ khoảng hai sao ở VN. Khâu khó nhất là chọn CLB lặn nào trong số mấy chục CLB và Trung tâm đang hoạt động ở Phuket. Có rất nhiều CLB PADI 5 sao ở đây, qua trang web cũng rất khó tìm vì các CLB này đều cung cấp dịch vụ giống giống nhau, giá cả cũng xêm xêm...Marketing thì quá trời! ví dụ: "Bạn đã lựa chọn đúng khi tin tưởng dịch vụ, đội ngũ chuyên nghiệp của chúng tôi..." Ở bài trước, các bạn đã coi clíp quảng cáo cùa Sea Bee, một CLB Scuba ở Phuket và qua đó có thể hình dung được sự chuyên nghiệp trong quảng cáo, chào hàng cũa các CLB ở đây. Lại nhờ tư vấn của ScubaOEM và được khuyên nên đi với DiveAsia. DiveAsia cũng là một CLB PADI 5sao như Raibow Diver VN nhưng ông chủ và những nhân viên chù chốt là người Đức. Thế cũng hay vỉ tiếng Anh của tôi quá tệ so với tiếng Đức dù đã 30 năm không xài tới! Tôi liền đăng ký đi lặn với DiveAsia trên trang web của họ và ngay lập tức nhận được email chào mừng và hướng dẫn chi tiết của giám đốc DiveAsia. Khác với ở Nha Trang là thay vì chỉ có một địa điểm duy nhất là Hòn Mun, và mọi CLB lặn ở Nha Trang chỉ có một hình thức dịch vụ lặn duy nhất - daytrips là đi tàu ra Hòn Mun và lặn ở các điểm lặn tại khu vực đó, sáng đi trưa về. Ở Phuket ngoài dịch vụ Daytrips như ở Nha Trang cón có dịch vụ Liveabords khi mà bạn có thể theo tàu đi lênh đênh vài ngày ở một quần đảo nào đó và lặn ở nhiều điểm trên lộ trình mà tầu đi qua. Riêng dịch vụ daytrips cũng có vài hướng đi khác nhau và thường các CLB phải lập lịch đến các điểm lặn khác nhau này để khách hàng chọn lựa.
Ví dụ Tàu Dive Asia II của DiveAsia sẽ đi đảo Phi Phi vào các ngày Chủ Nhật và thứ 3 và thực hiện 3 Dives ở đây. Tàu đi Raja Noi & Raja Yai (3 Dives) vào thứ 2 và thứ 5. Đi Shark Point (3 Dives) vào thứ 4 và đi Anemon Reff - King Cruise (2 Dive) vào thứ sáu...Điểm đi gần nhất cũng phải mất 1giờ rưỡi tàu chạy nên một chuyến đi lặn thế này mất một ngày, ăn sáng ở KS, xe của DiveAsia đưa ra cảng và lên tàu đi từ 7h:00 sáng đến tối mới về, ăn trưa trên tàu. Thường một Daytrips với 3 Dive giá khoảng tương đương 100$ - Rẻ hơn ở Nha Trang nhưng trang bị scuba đều phài thuê nên tính tổng cộng thì cũng không rẻ hơn trừ phi bạn có trang bị riêng. Tôi dự kiến đi cùng bà xã vào cuối tuần, tối thứ sáu bay, ngày thứ 7 đi chơi thăm Phuket, CN đi lặn với DiveAsia - theo lịch là đi đảo Phi Phi cả ngày. Thứ 2 ở chơi Phuket thêm 1ngày để đảm bảo chỉ bay sau khi lặn 24 tiếng. Sáng thứ 3 chúng tôi bay về HCMC.
Vậy là để đi chuyến này, tôi mua trước vé máy bay khứ hồi, đặt xe đưa rước từ sân bay về KS ở Patong, đặt KS và đăng ký đi lặn đảo Phi Phi với DiveAsia - tất cả đều qua Internet, tới ngày chỉ vác balo ra TSN và bay.
Hiện tại hình như Air Asia không còn tổ chức chuyến bay thẳng HCM-Phuket nữa, bạn sẽ phải tìm hãng giá rẻ khác hoặc bay HCM-Bankok rồi chuyển tiếp Phuket.
Ngày đầu ở Phuket, chúng tôi làm quen với thành phố, chính xác là khu Batong, khu sầm uất nhất trên đảo. Ảnh bên, tôi và mẹ Đốp tại cổng vô trung tâm mua sắm lớn nhất khu Batong, Phuket , Dưới đây là bảng giá cho mướn trang thiết bị Scuba của CLB DiveAsia cho 1 ngày (Giá tính bẳng tiền Bath khoảng 30 Bath ăn 1$ US)

BCD - THB 300
Wetsuit - THB 200
Fins - THB 100
Full Set - THB 750
Underwater Light - THB 300
Nitrox Tank - THB 200/dive
Regulator - THB 300
Mask/Snorkle - THB 100
Mask/Snorkle/Fins - THB 200
Computer - THB 300
15 Liter Air Tank - THB 100/dive
Digital U/W Camera - THB 700/dive

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Bloop, Slowdown - âm thanh bí ẩn của đại dương

(theo New Scientist)
Đại dương luôn chứa đựng những bí ẩn kỳ lạ mà con người chẳng bao giờ hiểu được tường tận. Vào năm 1997, một loạt các thiết bị ghi âm dưới nước của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) bất ngờ ghi nhận được một âm thanh bất thường trong lòng Thái Bình Dương.

Được đặt biệt danh là “Bloop”, âm thanh kéo dài khoảng 1 phút, với tần số cực thấp nhưng âm lượng lại lớn đến nỗi thiết bị cách đó khoảng 5.000 km cũng bắt được. Điều lạ lùng là “Bloop” giống như được phát ra từ một động vật nào đó, nhưng với âm lượng như thế thì chẳng động vật nào trên thế giới có thể tạo ra được. Ngay cả gã khổng lồ của đại dương là cá voi xanh, có thể phát ra âm thanh từ 150 - 180 decibels, tương đương với động cơ máy bay phản lực đang gầm rú, cũng chẳng thể nào so sánh được. Sau khi lặp đi lặp lại trong lòng biển suốt mùa hè, “Bloop” đột nhiên biến mất như lúc mới xuất hiện.

“Bloop” chưa phải là âm thanh kỳ bí nhất của đại dương. Vào tháng 5.1997, các thiết bị thu âm của chính phủ Mỹ lại bắt được một dạng âm thanh lạ lùng khác, gọi là “Slowdown”. Kéo dài khoảng 7 phút, nó dần giảm cao độ, giống như một chiếc phi cơ bay ngang rồi mất hút. Slowdown dường như được phát ta từ một nơi nào đó tại bờ Tây Nam Mỹ và vang xa cách đó đến hơn 2.000 km. Giả thuyết được đưa ra trong trường hợp này là tiếng ồn phát ra từ quá trình nứt gãy băng ở Nam Cực.

Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa tìm thấy điểm chung trong các giả thuyết của mình, và hai bí mật này vẫn còn ám ảnh họ cho đến ngày nay.
Hình: xoáy nước trên đại dương theo trí tưởng tượng của người xưa (không liên quan bài viết).

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Lặn biển Phuket, Thailand.

Phuket là một hòn đảo nằm ở phía nam Thailand bên bờ tây của "đất nước của những nụ cười". Được mệnh danh là hòn ngọc phương Nam, Phuket là đảo lớn nhất của Thái land. Với chiều dài 48km và rộng 21 km, hòn đảo này có 70% đồng bằng và 30% còn lại là cao nguyên với đỉnh núi cao nhất Mai Tao Ship Song cao 529 mét.
Nằm trên biển Andanam (thuộc Ấn Độ dương) Phuket có địa hình rất đa dạng, với núi đá, các bãi biển cát dài, các vách đá vôi nhô ra biển, các ngọn đồi phủ rừng xanh, các cửa sông, đầm phá và đủ các loại cây trái nhiệt đới. Kích thước to lớn của hòn đảo cho phép tạo ra nhiều vùng tiểu khí hậu ở các khu vực khác nhau trên đảo.
Hòn đảo này có nhiều cảnh quan và cảm xúc để bạn khám phá và thưởng thức. Từ bãi biển Kata với những quang cảnh nhiệt đới tới những ngọn phi lao oai vệ mọc ven bờ biển Nai Yang chỉ cách vài cây số về phía bắc. Từ những cánh rừng ẩm ướt cùa công viên quốc gia Khao Phra Thaeo tới đầm lầy và rừng đước ngập mặn ở Koh Siray. Những đường cắt đá vôi ở bờ đông và sỏi, cuội granite ở bờ tây. Phuket thực sự là xứ sở nhiệt đới thần tiên và có thể chào mời, thỏa mãn bất kỳ ai.

Những thông tin trên đây được dẫn từ chỉ dẫn du lịch của website DiveAsia.com nên tất nhiên được nói với giọng quảng cáo chuyên nghiệp. Tôi nghe nói, cách nay hai chục năm, Phuket rất giống với Phú Quốc ngày nay. Hai địa điểm này gần như cùng nằm trên một vĩ độ nhưng ở hai vùng biển khác nhau, Phú quốc nằm trong vịnh Thailand cùng Pattaya còn Phuket nằm trong vùng biển Andanam. Ngày nay Phuket là điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ra đường bạn chỉ gặp khách du lịch, người nước ngoài là chính, mọi thứ trên đảo, mọi dịch vụ đều là để phục vụ du khách. Là một hòn đảo với bốn bề biển cả, tất nhiên những dịch vụ giải trí dưới nước ở Phuket rất phát triển. Mối quan tâm của tôi là lặn biển và nếu bạn cũng có cùng niềm say mê thì Phuket chính là thiên đường của môn thể thao mạo hiểm này, cả lặn scuba và lặn tự do hay với ống thở. Có rất nhiều CLB lặn ở Phuket và có cả những cửa hàng chuyên về trang thiết bị lặn. Khi đã đăng ký đi lặn cùng một CLB bất kỳ ở Phuket, bạn sẽ được giảm giá khi mua đồ tại các cửa hàng của CLB và cả ở Diving Store. Cũng có thể tìm thấy những món đồ khuyến mãi, giá mềm và tôi mua một con dao lặn, một kính lặn cùng cặp chân nhái Scuba-Sub với giá chỉ khoảng một nửa nếu mua ở VN.
Kết thúc bài giới thiệu Phuket ngắn gọn này, mời các bạn coi một clip vui về lặn biển Phuket. Không thể loại bỏ được khía cạnh quảng cáo dù bạn muốn hay không :) - Clip này do See Bees một CLB lặn ở Phuket phát hành.

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Lặn tự do (lặn vo) ở Hòn Ông , vịnh Vân Phong

Nghe Nhất Trung, Bạn Trỗi miền Trung nói Vùng biển Qui Nhơn có Cù lao Xanh là điểm Phượt và lặn biển rất đẹp. Tôi đã nghĩ ngay đến kế hoạch sẽ rủ anh bạn Hà Chí tổ chức một chuyền ra QN chơi gặp bạn và thăm Cù lao Xanh. Lặn thì chưa biết thế nào nhưng đi câu cá biển cũng là một thú vui ở đây. Do ở đó chưa có CLB lặn biển nào nên chắc sẽ chỉ có thể tắm biển và lặn tự do thôi. Mặc dù vậy, lặn tự do nếu đúng chỗ cũng tuyệt lắm đó. Dạo tháng 6, tôi và anh Chí Quang có dịp đi lặn ở đảo Hòn Ông (Whale Island) trong vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Chúng tôi đi cùng gia đình nên ngoài thời gian lặn biển, cũng dành thời gian phục vụ các bà đi tắm biển ở ngay bờ biển của khu resort. Bãi biển ở đây rất đẹp, sạch sẽ và được bảo vệ kỹ nên nước trong xanh, nhiều sinh vật biển tung tăng có thể quan sát được khi đứng trên bờ. Cách bờ chừng 70 mét có một hòn đá lớn nhô lên khỏi mặt nước, dưới chân hòn đá này là cả thế giới đại dương thu nhỏ. Không cần trang bị BCD, Bình khí nén...chúng tôi lặn tự do ở đây và chụp hình, ghi hình thỏa mái như đi lặn Scuba vậy. Độ sâu chỉ khoảng 5- 6 mét nên thời gian ở dưới đáy nước cũng đủ để khảo sát kỹ "thắng cảnh" dưới chân tảng đá rộng khoảng 4 met vuông. Thực ra là hai tảng đá sát nhau vả giữa chúng có một khe tự nhiên và hình thành nhiều hang nhỏ. Ở đây có nhiều cá Hề (Chú Nemo trong phim của Walt Disney), chúng sống trong các đám Hải quì và như tôi từng nhận xét, chúng rất có ý thức bảo vệ lãnh địa của mình. Trong clip dưới đây, bạn sẽ thầy chúng tỏ ra lo lắng thế nào khi tui ghi hình chúng. Ven bờ khu resort chủ yếu là đáy cát nên không có gì thú vị khi lặn xuống. Sẽ khác hẳn nếu bạn lặn tại những chổ có các mạch đá ngầm nhô lên. Ở đây san hô phát thiển và thành hình các ốc đảo để các sinh vật khác tụ đến. Quang cảnh thật sinh động và đa sắc do khá nhiều ánh sáng còn chiếu tới được. Ra xa bờ hơn một chút, độ sâu từ 8 đến 10 mét vẫn là đáy cát là chính. Tôi cũng lặn ở đây vài hơi, như nước lạnh, không mặc wetsuite nên lại quay vể lặn quanh tảng đá - độ sâu 5 mét. Khu Resort cũng thả nhiều các bồn trồng cây bằng gốm rỗng xuống khu vực cách bờ năm chục mét. Đống các bồn sứ, gốm này tạo thành môi trường nhân tạo cho san sô và các loài sinh vật biển phát triển. Lặn ở biển khác với lặn ở hồ bơi nhiều, nhất là về mặt tâm lý. Ở hồ bơi ta có cảm giác môi trường nước rất thân thuộc và hoàn toàn thoải mái, không chút bất an. Còn khi lặn ở biển, làn nước sâu thẳm yên tĩnh, càng xuống sâu càng lạnh...tạo cảm giác hơi rợn...Những cảm giác khi ta lặn Scuba không hề có. Dù sao thì đó cũng chỉ là cảm giác ban đầu, nó qua rất nhanh chỉ sau vài hơi lặn và sau đó là niềm vui cùng sự say mê với những gì khám phá được dưới đáy nước. Mời các bạn xem những gì tôi có được sau buổi lặn tự do ờ Hòn Ông. Hoàn toàn yên tĩnh, không có tiếng bong bóng khí như khi ta lặn scuba.

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Người mẫu và free dive

Blog này có vẽ ít thư giãn quá! Giống như nhiều môn thể thao giải trí khác, lặn biển cũng cần thư giãn. Theo nghĩa đen - thả lỏng cơ thể và tập trung trí óc vào vấn đề quan tâm. Ví dụ khi lặn, bạn giữ quân bình độ nổi, thả lỏng người và tập trung vào hơi thở theo xu thế nổi lên hay chìm xuống khi ta hít vào, thở ra....Đây cũng chính là 1 trong các chỉ dẫn của khóa chuyên môn ppb (perfect performance buoyancy)!
Lặn tự do (free dive) có vẻ cũng không phổ biến ở VN, thua xa môn Scuba với hàng chục Trung tâm và CLB ở riêng Nha Trang. Trong khi các nước quanh ta đều có các CLB và các khóa đào tạo Free Dive, còn ở VN - theo tôi biết chẳng có CLB nào. Thế nhưng, ở VN lặn tự do cũng không phải là môn thể thao không có người thích. Bằng chứng là ngay cả giới người mẫu cũng có người yêu thích trò này. Mời các bạn xem clips một người mẫu Việt và Free Dive. Clip này tui lượm được trên mạng. Cô Phạm, người Thái bình - cao 1.75m.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Một sự cố dưới biển

(sưu tầm)
Trong chuyện, tôi sẽ không đề cập đến tên, địa điểm, vì tôi nghĩ rằng mọi người đã có được bài học của mình (lời tác giả):

Đây là lần thứ hai tôi tới đây. Trên tàu, chúng tôi chuẩn bị thiết bị và tôi nhận thấy van xả của BCD của tôi có sự cố (nhưng chẳng đến nỗi nào).

… Chưa đầy mười phút lặn, tôi cảm thấy việc giữ cân bằng có vấn đề. Khí ở BCD từ từ thoát ra. Tôi ra tín hiệu cho vợ tôi và Divemaster rằng tôi sẽ đi lên, còn họ cứ đi tiếp.
Lên tới mặt nước, tôi bơm BCD, và bỗng nhận ra rằng con tàu của tôi không có ở đây. Tôi thổi còi gọi tàu, nhưng vô hiệu. Tôi cố nhìn xem có bong bóng nổi lên (của nhóm lặn) không, nhưng cũng không thấy.
... Tôi tháo bỏ các cục chì. Với 2000 Psi còn trong bình khí, không biết có đủ duy trì BCD trong 30 phút nữa không? Tôi thấy mình đang ở trong một vịnh nhỏ bao quanh bởi những vách đá cao. Tôi chợt nghĩ rằng, sẽ xảy ra chuyện gì nếu có một dòng chảy đẩy tôi ra khỏi nơi này? Nếu bình khí hết và thế là BCD xẹp? ...Hey, kịch bản này làm tôi cảm thấy mệt mỏi.
... Tôi thấy rằng, phải bơi vào đảo hoang. Thà lạc trong sa mạc còn hơn chìm dưới biển. Tôi bơi về phía bờ, mắt vẫn cố ngóng con tàu. Sự khốn khổ của tôi càng gia tăng khi các chú cá con cứ lượn lờ xung quanh trêu chọc.
... Rồi con tàu xuất hiện. Tôi dừng bơi và ra tín hiệu. Tôi hi vọng trên tàu nhìn thấy tôi, nhưng … tàu lại đi về hướng khác (hướng mà vợ tôi và Divemaster nổi lên). Thật khó khăn khi phải vừa vẫy tay, vừa thổi còi và vừa bơm BCD trong cùng một lúc. Tôi lợi dụng lúc các con sóng nhỏ dồi lên để ra tín hiệu, nhưng con tàu vẫn đi theo hướng khác.
... Tôi tiếp tục bơi vào đảo. Khi tôi cách bờ chừng 2 met thì con tàu trở lại. Họ đang men theo mép đảo để tìm tôi. Tôi đau khổ ra tín hiệu lần nữa, và Divemaster đã chỉ tay về phía tôi – họ đã nhìn thấy tôi.
... Tất cả mọi người, kể cả tôi, đều nở nụ cười. Divemaster nói với tôi rằng nếu tôi vẫn ở vị trí lúc tôi nổi lên thì họ đã tìm thấy tôi sớm hơn. Tôi chỉ biết cười.
(Hình minh họa)

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Jacques-Yves Cousteau

Thuyền trưởng Jacques-Yves Cousteau đã để lại mãi mãi dấu ấn của mình trên hành tinh và các đại dương. Khi Cousteau và đội của mình tập hợp nhau trên tàu Calypso để khám phá thế giới, chưa có ai từng biết đến nguy cơ hiệu ứng ô nhiễm, sự khai thác tài nguyên quá mức và sự phát triển ven bờ biển. Những bộ phim mạo hiểm của Calypso mang lại cho công chúng sự quan tâm đến những tiềm năng thảm họa môi trường – kết quả của sự cẩu thả của con người. Cousteau thông qua cuộc sống và công việc của mình đã luôn giữ được vai trò chính trong phong trào môi trường. Mời các bạn xem chuỗi bài về Jacques Cousteu.


Tiếng gọi Đại dương


Jacques-Yves Cousteau sinh ngày 11 tháng sáu năm 1910 tại Saint-André-de-Cubzac (Gironde) nước Pháp. Ông nhập học tại Học viện Hải quân năm 1930 – tốt nghiệp và trở thành sỹ quan pháo binh. Sau đó, trong khi đang huấn luyện phi công ông bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng và từ bỏ sự nghiệp hàng không. Đó là cách đại dương đã chiếm được tâm hồn mạo hiểm này. Năm 1936 khi sống gần cảng Toulon ông hay đi lặn với kính lặn. Đây được coi là là một sự khám phá ngoạn mục.
Khi tìm kiếm cách thức để có thể khám phá dưới nước lâu hơn và tự do hơn, ông cùng kỹ sư Emile Gagnan phát triển thiết bị thở dưới nước độc lập (Self-Contained Underwater Breathing Apparatus) hay còn gọi là scuba vào năm 1943 và thế giới dưới nước đã được mở ra cho nhân loại. Sau thế chiến thứ 2, Cousteau cùng sỹ quan hải quân Philippe Tailliez và thợ lặn (diver) Frederic Duma trở thành như “3 chàng ngự lâm” của biển cả khi họ cùng nhau thực hiện các thí nghiệm lặn ở biển và trong phòng thí nghiệm. Năm 1950, con tàu Calypso được cải tạo từ một tàu gỡ mìn thành tàu nghiên cứu đại dương, được trang bị các công cụ để lặn và nghiên cứu khoa học, và cuộc phiêu lưu vĩ đại bắt đầu. Con tàu cùng thủy thủ đoàn đã khảo sát các đại dương và sông ngòi trên thế giới trong suốt 40 năm sau đó.

Sự công nhận


Những “Dĩa lặn” (Diving saucer) – những căn nhà dưới nước và quá trình cải tiến không ngừng Aqua-Lung™ đã nói lên những kỹ năng đặc biệt cùa Cousteau. Cousteau cùng giáo sư Lucien Malavard và kỹ sư Bertrand Charrier nghien cứu cách thức thiết kế bổ sung mới hệ thống năng lượng gió – Turbosail™ và trong năm 1985 con tàu Alcyone sử dụng phát minh mới này đã được hạ thủy. Hôm nay con tàu này là tàu thám hiểm của Đội Cousteau.

Hình bên: Chiếc đĩa lặn (diving saucer) đầu tiên, xe thám hiểm dưới nước.
Thông qua hơn 115 bộ phim truyền hình và 50 đầu sách, thuyền trưởng Cousteau đã mở ra cánh cửa của các đại dương cho hàng triệu người trên thế giới. Với những cống hiến của mình , thuyền trưởng Cousteau được vinh danh hiệp sỹ từ tước hiệu sỹ quan lên chỉ huy như một sự công nhận những đóng góp to lớn cùa ông cho khoa học. Là viện sỹ Viện hành lâm khoa học Mỹ, ông đồng thời là giám đốc bào tàng Đại dương học Monaco trong 30 năm. Vào năm 1977, nước Mỹ trao cho ông giải thưởng Môi trường quốc tế. Ông được nhận huân chương Tự do của tổng thống Mỹ. Sau đó, năm 1988 ông được khắc tên trong Danh sách danh dự 500 nhân vật bảo vệ môi trường trong chương trình Môi trường toàn cầu của LHQ và nhận giải thưởng của Hội Địa lý quốc gia Hoa kỳ. Với những giải thưởng này, ông được bầu vào Viện hàn lâm Pháp năm 1989.
Những con tàu thám hiểm đại dương.
                     CALYPSO                  ALCYONE                      CALYPSO 2                     


Di sản


Nhận thức được sự cần thiết phải có các nỗ lực có tổ chức để bảo vệ hành tinh, vào năm 1974, thuyền trưởng Cousteau đã thành lập Hiệp hội Cousteu, là một hội phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ. Sau đó vào năm 1981 quĩ Foundation Cousteau (sau này là Equip Cousteu) ra đời ở Pháp. Trên cơ sở này, ông đã phát động những chiến dịch kiến nghị bảo vệ Antarctica khỏi các hoạt động khai khoáng. Nỗ lực của ông đã thành công: Lục địa sơ khai này nay đang được bảo vệ, ít nhất là trong vòng 50 năm. Bằng chúng vế tầm ảnh hưởng quốc tế của ông là năm 1992 ông được mời tham dự chính thức hội nghị của LHQ về Phát triển và Môi trường tại Rio de Janeiro.
Thuyên trưởng Cousteu mất ngày 25 tháng sáu năm 1997 ở tuổi 87. Ông đã mất như thông điệp của ông sống mãi. Cousteau Society và Equipe Cousteus tiếp tục duy trì mãi mãi thông điệp của ông trong nhận thức của công đồng.

Conshelf I, II & III
Liệu con ngưới có thể sống dưới nước? Nếu có thể thì sẽ được bao lâu? Một ngày, một tuần hay một tháng? Thuyền trưởng Cousteau lấy những câu hỏi này làm thách thức của mình và phóng đội của mình vào một cuộc phiêu lưu điên rồ: Xây dựng nhà dưới biển.


Thực nghiệm tại Conshelf

Vào năm 1962, Conself được thiết lập ngoài khơi Marseilles tại độ sâu 10 met. Hai người, Albert Falco và Claude Wesly đã là những “Nhà du hành đại dương” ("oceanauts") đầu tiên sống dưới nước một tuần. Christened Diogenes - Một ống thép kỳ lạ, dài 5met và đường kính 2,5 met được sử dụng như ngôi nhà và phòng thí nghiệm cho hai cư dân.
Mặc dú kích thước nhỏ, Diogenes cung cấp mọi tiện nghi: TV, radio, thư viện và giường ngủ. Được giám sát từ trên mặt nước bởi người thứ ba, Falco và Wesly hàng ngày xuốngnước làm 5 giờ mỗi ngày, nghiên cứu các sinh vật và chăm sóc một nông trại dưới nước. Trong khi đó, các bác sỹ theo dõi sức khỏe của họ. Conself đã thành công. Đội của Cousteau bắt đầu chuẩn bị một dự án nhiều tham vọng hơn.
Đó là vào năm 1963, và lần đầu tiên loài người đã triển khai một hoạt động như vậy dưới đáy biển. Conshelf II ban đầu là một làng nhỏ, được xây dựng dưới đáy biển Hồng Hải ở độ sâu mười mét. Tòa nhà chính “Starfish” (Sao biển), tiếp theo là bể cá (aquarium), gara cho Đĩa lặn và nhà xưởng trang thiết bị. Có một trạm nghiên cứu sâu ở cách đó dưới 15 mét sâu hơn. Năm nhà “oceanauts đã sống và làm việc trong căn cứ Starfish suốt một tháng. Hai người trong số đó làm việc ở trạm sâu. Lần nữa, dự án đã thành công và Cousteau bắt đầu dự kiến dự án thứ ba.
Năm 1965, gần Nice, nước Pháp, Conshelf III ra đời. Một trăm mét sâu dưới mặt nước biển, một tòa nhà chứa sáu nhà duhành đại dương oceanauts sống trong ba tuần. Hàng ngày họ ra ngoài làm việc tại một mô hình giếng dầu và thực hiện các bài tập đánh giá về khả năng con người.
Conshelf khẳng định loài người có thể sống lâu dài dưới đại dương, tuy nhiên mặc dù có đủ khả năng vể vật lý cũng như tâm lý, loài người đã không được chuẩn bị để tồn tại ở thế giới không có mặt trời. Dù thế, Các thí nghiệm này cũng đã dẫn tới sự phát triển việc đào tạo các nhà du hành vũ trụ (astronauts ) cho thế giới của hàng tỷ mặt trời: Vũ trụ. Ở đây, Cousteau cũng là người mở đầu.
Theo cousteau.org

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Một vài chỉ dẫn để có thể ở dưới nước lâu hơn

Kéo dài lần lặn của bạn



 À Ha, lặn không giới hạn thời gian…Không phụ thuộc kiếu loại lặn scuba..., mỗi người lặn đều đặt mục tiêu cho mình ở lâu dưới nước lâu nhất có thể. Trong khi chúng ta còn chưa có thể trở thành người cá và thở được dưới nước mãi mãi ( ít nhất là cho tới nay), thì vẫn có một số kỹ thuật và công cụ để có thể kéo dài thởi gian dưới nước lâu hơn mỗi khi lặn.

  • Thả lỏng cơ thể và thở bình thường khi trên mặt nước cũng như khi dưới nước. Khi lặn xuống, cố gắng thở ra hết không khí trong phổi và loại trừ bất cứ sự căng thẳng nào bên trong. Nhanh chóng xuống nước, khi đó các trang bị lặn sẽ trở nên tiện nghi và dể dàng xoay trở hơn. Bơi chậm rãi và thưởng thức cảnh quan để giữ được khí nhiều hơn. Lặn Scuba không phải là một môn thể thao tốc độ.
  • Tinh chỉnh hệ thống tạ (weight) sao cho việc điều chỉnh sự nổi (buoyancy) trở nên dễ dàng. Khi tạ được điều chỉnh đúng và thở bình thường, bạn sẽ nổi ở mức ngang với mắt. Khi bạn thả lỏng và thở ra, và bạn tin chắc là đã đẩy hết không khí từ phổi cũng như từ áo phao BCD, bạn sẽ chìm từ từ xuống dưới mực nước biển.
  • Để điều chỉnh sự nổi, bạn có thể dể dàng thực hiện với cái bơm của BCD. Dùng các “ngụm” khí ngắn, thực hiện vài lẩn thở bình thường giữa các “ngụm” khí này để kiểm soát sự tiến bộ trước khi thêm nữa. Chỉnh tạ đúng sẽ hạn chế số lượng bạn cần bổ sung hay gỡ bớt. Thường xuyên phải thêm không khí hay xả bớt ra từ BCD do chỉnh tạ quá ký (nặng hơn cần thiết) sẽ là bất lợi lớn trong việc cung cấp khí thở.
  • Thực hành đạp chân nhái theo trục đứng và các kỹ năng nổi trung tính của khóa học chuyên môn ppb (peak performance buoyancy). Một khi bạn đã có thể duy trì trạng thái nổi trung tính mà không phải cố gắng, bạn sẽ thoải mái và sẽ tiến xa hơn.
  • Tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu những thứ treo móc theo người. Khi bơi hai tay xuôi theo thân và tập trung vào các bước đạp nhip nhàng xuất phát từ hông của bạn. Kỹ thuật ppb sẽ giữ cho bạn có dáng khí động ở dưới nước và cho phép chân nhái phát huy tác dụng. Bằng cách này, bạn sẽ bảo toàn nhiều năng lượng hơn và dung ít khi thở hơn.
  • Thở hỗn hợp giàu Oxy (Enriched Air Nitrox –EAN). EANx là tập hợp khí chứa ít Nitơ và nhiều Oxy hơn không khí thường. Bằng cách sử dụng Bảng lặn chuyên dụng EAN hay máy tính lặn khi lặn Nitrox, bân có thề ở lâu dưới nước hơn đáng kể, đặc biệt là ở độ sâu nông hơn 100 feet.
  • Hạn chế nhiều hoạt động cùng lúc. Nếu bạn muốn vừa lặn biển, chụp hình và ghi chú để nhận biết, phân loại cá …cùng một lúc, cơ hội tiêu thụ ít không khí sẽ giảm ngay. Hãy chỉ làm một thứ khi lặn biển để có thế có được thời gian dưới đáy nước nhiều nhất.
  • Duy trì ở đáy nước nông hơn nếu có thể. Do càng xuống sâu áp lực càng lớn, chúng ta sẽ dùng nhiều khí hơn từ bình khí cho mỗi lần thở khi xuống sâu hơn. Khi lặn ở độ sâu nông, bạn sẽ kéo dài chuyến lặn do nguồn khí thở cung cấp dài hơn. Thậm chí chỉ treo mình bên trên cả nhóm vài feet khi lặn vách đá (wall dive) cũng giúp bạn ở dưới nước lâu hơn.
  • Duy trì cơ thể cân đối. Dừng hút thuốc và duy trì cơ thể cân đối bằng một chương trình luyện tập phù hợp bao gồm các bài tập luyện tim mạch và thể hình. Khi hệ hô hấp và hệ tim mạch của bạn ở trạng thái tốt, cơ thể của bạn sẽ hoạt động hiệu quả và dẫn tới sử dụng không khí tốt hơn và thời gian dưới nước lâu hơn.
Theo PADI.COM

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Thi PADI OWC (P2)

Chào cả nhà, giờ mới có thời gian quay lại với blog Lặn biển. Ông bạn HCQ than quá trời vì để ổng solo miết. Thật xin lỗi, nhưng cũng phải nhận là để depart lại cũng phải mất thời gian chút ít nên tui sẽ post cái clip đi thi OWC của ông con, ngày thứ 2 gồm 2 lần lặn sau đó nhận quân hàm và chụp hình kỷ niệm ở quán RB Nha Trang.



May mà thời gian đầu tháng 10 còn chưa bị bão, lũ ở Nha Trang.

Các rặng san hô sẽ chết?

Nếu các rặng san hô chết, những kẻ lặn giải trí sẽ đi đâu, về đâu?

Theo Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (tin trên mạng), các rạn san hô sẽ chết nếu lượng CO2 trong khí quyển cứ gia tăng với tốc độ hiện nay, hấp thụ vào biển và khiến nước biển trở nên chua như axit:

Trong vài thập kỷ qua, san hô đã phải chịu những sức ép ngày một tăng từ việc nước biển ấm lên, đánh cá huỷ diệt và bệnh tật. Một nghiên cứu mới đây phát hiện thấy san hô ở Thái Bình Dương đang biến mất nhanh hơn những điều chúng ta tưởng. Các nghiên cứu đã chỉ ra một nhân tố khác đang phá huỷ thành trì sinh thái dưới nước này: đó là CO2.

Khí CO2 sinh ra từ việc đốt xăng dầu, than, củi, một phần trong số đó được hấp thụ vào các đại dương. "Khoảng 1/3 CO2 bay vào khí quyển được đại dương hấp thụ", thành viên nhóm nghiên cứu Ken Caldeira từ Viện Carnegie ở Washington, cho biết. "Quá trình này làm chậm lại hiệu ứng nhà kính, nhưng lại là tác nhân chính gây ô nhiễm biển".

Khi CO2 đi vào nước, nó sinh ra axit carbonic - loại axit dùng để tạo ra tiếng xèo xèo cho các loại nước đóng chai. Axit này cũng khiến cho một số khoáng chất dễ hoà tan hơn trong nước biển, đặc biệt là aragonite - khoáng chất được san hô và nhiều loài sinh vật biển khác dùng để tạo nên bộ khung xương.

Caldeira và cộng sự đã chạy thử các mô hình máy tính về phản ứng hoá học ở đại dương dựa trên sự thay đổi nồng độ CO2, từ 280 ppm tới 5.000 ppm. Nếu xu hướng phát thải giữ nguyên như hiện nay, 98% vùng biển có san hô hiện nay sẽ trở nên quá chua để san hô có thể sống được, vào giữa thế kỷ này. Nguy cơ lớn nhất sẽ đe doạ Rạn san hô vĩ đại - cấu trúc sống lớn nhất trái đất và là một biểu tượng của đất nước Australia, kế đến là san hô ở biển Caribbe.

Hình: san hô đen dưới đáy biển.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Thở dưới nước như thế nào

Với bình khí nén 11 lit-200bar, người này diving 60 phút vẫn còn quá dư khí, trong khi kẻ kia chỉ 35 phút là “hết veo”? Lí do:
Tôi nặng 90kg, anh 60kg nên nhu cầu oxy của tôi cao hơn của anh, bình của tôi sẽ hết trước.
Lặn sâu 30m tốn khí hơn lặn 15m.
Lặn nước lạnh tốn khí hơn lặn nước ấm.
Hôm “bay nhảy, lao động” nhiều sẽ tốn khí hơn hôm “tà tà, lững thững”.
Hôm nghĩ ngợi lung bung sẽ tốn khí hơn hôm đầu óc thư thái.

Thế nhưng, trong một “điều kiện khách quan, chủ quan” ngang bằng, tại sao kẻ này lại thở tốn khí hơn người kia? Xin kể: Hôm đó tôi lặn cùng một anh người Đức. Anh ta chừng 1,85m-85kg, tôi 1,69m-54kg. Khi xuống, bình khí nén của cả hai đều là 200bar. Khi lên, cả hai đều còn 65bar. Lạ thật, đấy là chưa “xét” tới quân hàm: anh ta Binh nhất còn tôi Trung sĩ. Đối chiếu “sổ công tác” mới biết anh ta từng diving cả trăm lần còn tôi chưa tới bốn chục lượt (cộng cả những lần lặn “chui”). Kinh nghiệm “chiến trường” đã tỏ ra hơn bằng cấp.

Xin trao đổi về kĩ năng:

Bản năng của “động vật trên cạn”: Sau khi lên Binh nhất (OWD), do “ham dzui”, ta có xu hướng bỏ qua kĩ năng thở dưới nước, ta trở về với cách thở trên cạn – “thở ngực”, tức thở đỉnh phổi. Chả sao, chỉ thiệt thòi là ở dưới nước, áp suất môi trường quá lớn (xuống 10m – áp suất tăng gấp đôi, 20m – gấp ba, 30m – gấp 4…) mà nhu cầu oxy trong máu lại tăng vọt theo độ sâu, nếu thở ngực riết thì thiếu oxy, dư CO2, lỗ vốn to.

Làm việc theo nhóm: Đi chơi “nản” nhất cảnh cả nhóm đang diving vui vẻ thì ta “nằng mặc đòi về” (bình khí của họ còn 80bar, ta còn 50bar – lượng khí dự phòng). Ta lên mình ên thì họ “không đành”, mà cả nhóm cùng lên thì sau đó họ sẽ xúm lại “xử” ta vì tội “anh em đang dzui, khi không anh phá đám”.

Sau đây là cách “thở bụng” tức "thở đáy phổi" (không phải của PADI hay của một HLV) của một kẻ có số giờ lặn rất thấp. Đây chỉ là cái cớ đưa ra để anh chị em cùng tranh luận.

Cách tốt nhất: hãy luyện thở theo cách của nghệ sĩ ô-pê-ra, hoặc yoga, hoặc khí công, sau đó áp dụng sang môn scuba diving.

Cách đơn giản hơn:

Bước 1 – Thở bụng kiểu "hai thì":
1/ Chuẩn bị: Ngồi thẳng lưng, đầu cổ thẳng, 2 tay để lên đùi, thả lỏng cơ bắp, thả lỏng đầu óc.
2/ Khởi động: Hít thở sâu vài lần theo kiểu thở ngực.
3/ Hít vào: Chậm rãi. Hãy đẩy khí xuống đáy phổi cho tới khi đầy (bụng phình ra).
4/ Thở ra: Chậm rãi. Hãy thở ra cho tới khi hết khí (bụng xẹp lại).

Thời gian tập: 15 – 20 phút cho mỗi lần tập.
Lưu ý: Không cố sức hít/thở và/hoặc cố sức phình/xẹp bụng. Hãy để cho cơ thể dường như tự nhiên.
Kết quả: Tập tới khi ta cảm thấy mình đã thở bụng được một cách tự nhiên (không gò ép, không phải suy nghĩ là sẽ thở như thế nào) thì xem như đạt.

Bước 2 – Áp dụng: Khi xả khí trong BCD và chìm xuống, ta cứ tạm hít thở “như cũ” (để "tập trung" vào kĩ năng cân bằng áp suất tai). Khi nhóm lặn chuyển sang “chúng ta bơi nhé” thì ta bắt đầu áp dụng: "hít … vào … vào ... chậm thôi, … thở … ra … ra ... không được nín thở, … hít … vào … vào ... chậm thôi, …”.

Buớc 3 – Khắc phục “hậu quả”: Khi hít vào, cơ thể có xu hướng nổi lên, khi thở ra, cơ thể có xu hướng chìm xuống. Nếu kĩ năng giữ “cân bằng trung tính” của ta kém thì khi áp dụng thở bụng, lỗi của ta sẽ bị khuyếch đại. Hãy khắc phục bằng cách nâng cao kĩ năng giữ cân bằng trung tính.

Hình: một khách của Bưu điện dưới đáy biển (độ sâu 3m).

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Chuyện của một "lính trơn" đi lặn ở Caribe

… Chìm từ từ từng 3 feet một, chúng tôi bóp mũi thở mạnh để áp suất màng nhĩ được trung hòa với áp lực nước. Thỉnh thoảng tôi thở ra bằng mũi một chút vào kính lặn, đều đều hô hấp bằng miệng cho đúng phương cách. Không khí từ bình dưỡng khí theo đường hô hấp biến thành ngàn bóng hơi lớn nhỏ đua nhau nổi lên mặt nước, hòa tan vào bầu khí quyển. Dưới mặt nước bóng hơi bốc lên ùn ùn trông rất sống động.

... Ở độ sâu 35 bộ, hướng dẫn viên tập họp mọi người rồi bơi đến rừng san hô đầy sắc mầu rực rỡ. Chúng tôi bơi qua một thung lũng san hô với núi ghềnh tuyệt đẹp. Ngay trước mặt những đàn cá tía sắc mầu bơi lội thanh thản. Chúng tôi thấy một chú cá đuối hóa trang tiệp mầu san hô. Trong hang một bác tôm hùm lớn thò hai cái râu dài nhọn rình mồi. Một cô rùa biển vỗ cánh bơi tránh lối khi chúng tôi đến gần. Tôi lỡ quệt vào một cụm san hô, lúc đang viết bài này mà da đầu gối còn ran rát. Cũng may chỉ bị trầy sơ, vì nếu chẩy máu nhiều thì chắc chú cá mập đã không tha. Ấy thế mà có một chú cá mập dài khoảng 3 feet lảng vảng gần đây. Người thợ quay phim đi với chúng đã ghi được chú cá mập này.

Thường thường hầu hết chúng ta thưởng thức cảnh biển hùng vĩ, bãi cát đẹp từ phi cơ, núi cao, trên đất liền, hoặc trên mặt nước. Nhưng đương nhiên làm sao mà thú vị cho bằng đi lặn scuba. Xem phong cảnh từ dưới đáy biển sâu vừa hồi hộp, vừa được mục quan những loài sinh vật lạ thường, thực vật, rong biển, san hô đủ hình dạng sắc mầu. Ah, sờ được đáy bể sâu thích lắm chứ! Thấy tận mắt nơi sinh sống, cách rình mồi của bác tôm hùm thì còn gì bằng? Bơi theo quấy phá mấy nàng ba ba biển, đập tay chọc ghẹo các chú cá đuối đang ẩn mình dưới cát, một cái thú nhớ đời!
Nhiều tay scuba thiện nghệ hay đi lặn về đêm, hoặc bơi vào những hang hốc tối tăm dưới đáy bể để tìm sự hồi hộp phiêu lưu. Những người lặn lão luyện còn thích đi tìm kho tàng trong những xác tầu chìm rỉ sét, đầy thách đố …

… Người hướng dẫn kiểm tra áp lực hơi bình dưỡng khí của mọi người, áp lực kế của tôi chỉ vạch đỏ, có nghĩa là phải trồi lên; các phút thần tiên trôi qua nhanh chóng. Chúng tôi nắm tay nhau thành vòng tròn, ngửa đầu nhìn lên rồi từ từ trồi lên mặt bể. Chiếc tàu vẫn đợi chúng tôi cách đó không xa ...

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Đồng hồ 67 năm dưới đáy biển vẫn chạy tốt


Sự việc xảy ra năm 1941, chiếc đồng hồ của Trung úy Bacon đã tuột khỏi tay ông khi ông quăng dây thừng mắc vào chiếc thuyền của mình tại cảng biển ở Gibraltar. Mặc dù ông đã thuê hai người thợ lặn cố mò “kho báu” đã mất nhưng cuối cùng ông cũng đành từ bỏ ý định tìm lại nó.

Sau 67 năm, chiếc đồng hồ đã được tình cờ “khai quật” khi những người công nhân tiến hành nạo vét cảng biển vào năm 2007. Do họ có được bức thư có ghi địa chỉ và miêu tả về chiếc đồng hồ quý báu của Trung úy Bacon năm xưa với mong muốn có ngày tìm lại được nó. Thế rồi, họ trả nó về với chủ. Điều kỳ lạ là ở chỗ, sau bao năm chìm dưới biển chiếc đồng hồ này vẫn chạy tốt.

“Hiện giờ, tôi vẫn đeo nó hàng ngày, nó vẫn chạy rất chuẩn. Không khi nào tôi muốn rời người bạn tri kỷ ấy nữa” - ông Bacon nói.

Hình minh họa: chùm chìa khóa đã lượn được tại xác tàu Titanic (hình trên mạng).

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Bảo tàng tàu đắm (P3)

(tiếp theo và hết)
Những ai quan tâm đến bí ẩn của những con tàu đắm, đến việc phục chế, tái hiện những trận thủy chiến hay những phát minh mới của ngành khảo cổ học dưới nước,... sẽ được thỏa sức tìm hiểu khi đến với viện bảo tàng trên.

Trong viện bảo tàng độc đáo này, người ta sẽ chia bộ sưu tập hiện vật ra làm 2 phần: Trong các giá và gian truyền thống sẽ trưng bày các hiện vật được trục vớt lên từ đáy biển như mỏ neo, những mảnh vỡ của tàu, vũ khí, tiền xu, vật dụng riêng của các thủy thủ. Phần thứ hai sẽ giới thiệu những gì hiện còn nằm dưới đáy biển. Trên những màn hình rộng, bản đồ vịnh Phần Lan được chiếu sáng, đánh dấu vị trí những con tàu đắm, giúp khách tham quan có thể quan sát diện mạo của những con tàu trước và sau khi gặp nạn cũng như hiện trạng của nó dưới làn nước sâu.

Trong số những con tàu đắm có chiến hạm “Oleg” bị nạn năm 1869 trong khi đang chở 728 người, trong đó 712 người đã được cứu sống và tàu buồm huyền thoại “Portsmut”, con tàu tiền tiêu trong trận thủy chiến Ezelski giữa chiến thuyền Nga và Thụy Điển. Theo ước tính của các chuyên gia, trong khu vực vịnh Phần Lan có gần 200 xác tàu đắm, chủ yếu là của các hạm đội Thụy Điển, Đức và Nga. Theo kế hoạch, các con tàu này sẽ được trục vớt dần trong tương lai.

Chuyên gia quản lý hiện vật, ông Vladimir Krestyaninov cho biết: Vịnh Phần Lan là địa điểm phù hợp nhất để xây dựng Viện bảo tàng lịch sử những con tàu đắm. Nơi đây có số lượng khổng lồ những vật thể bị đắm, thu hút sự quan tâm lớn về văn hóa, lịch sử và khoa học. Theo ông, những hiện vật đang nằm dưới đáy biển giúp mở rộng đáng kể kiến thức về lịch sử ngành đóng tàu, sự phát triển kỹ thuật cũng như nhiều khía cạnh của cuộc sống, bởi trong lòng những con tàu đắm này đang lưu giữ những “chứng tích” của nhiều thời kỳ lịch sử.
(hình: Lặn xác tàu - không liên quan bài viết)

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Bảo tàng tàu đắm (P2)



(tiếp) Đến thăm Viện Bảo tàng tương lai của những con tàu đắm, các vị khách sẽ thấy những mảnh, những khúc của chiến hạm “Oleg” được đóng tại Peterburg những năm 1901-1903, và bị đoàn tàu phóng ngư lôi của Anh đánh chìm vào năm 1919. Nước vịnh Phần Lan cũng giữ gìn hầu như toàn bộ những mảnh vụn của chiếc tàu thủy Đức “Frida Horn” từ nửa sau thế kỷ 19 – với mô hình hiếm của những con tàu có cầu thang xoắn ốc cùng những khoang bọc thép. Trong số các hiện vật của Bảo tàng còn có những tàn tích của con tàu Thụy Điển xuất xưởng năm 1590, và thậm chí cả di tích của những thuyền Nga cổ.

Những nhà khảo cổ học dưới nước, làm việc trong khuôn khổ đề án “Bí ẩn những con tàu đắm” vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đáy biển vùng vịnh Phần Lan, xung quanh đảo Kotlin. Không nghi ngờ gì, trước mắt sẽ còn nhiều khám phá chấn động. Như lời kể của ông Andrei Lukoshkov, mơ ước của tất cả những chuyên gia lặn và các nhà khảo cổ, vẫn là tìm lại được con tàu, vì một trận cuồng phong mà phải nằm lại dưới đáy biển, mang theo trong khoang nó bộ sưu tập hội họa Hà Lan. Những bức họa thuở ấy đựng trong ống đặc biệt, đổ sáp ong. Dù đã 2 thế kỷ nằm dưới đáy nước, những kiệt tác hội họa ấy chắc hẳn vẫn không hề hấn gì. Điều cốt yếu nhất bây giờ là tìm cho ra con tàu bị đắm này. (còn nữa)
(hình chỉ có tính minh họa về "tàu đắm")

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Về lực lượng cứu hộ của chúng ta




Chuyện về những người dũng cảm nhưng thiếu thốn (thợ lặn trục vớt chiếc xe buýt bị đắm vào ngày 18/10/2010 ở sông Lam Hà tĩnh).
(theo số liệu báo chí - trích).

Ngày 20/10. Đã xác định được vị trí chiếc xe buýt, cách điểm đắm 1 km. Thợ lặn cho biết dưới đáy sông (12-15 m) nước lạnh buốt, đục ngầu, chảy xiết.

Một thợ lặn tâm sự “sông Lam nước lũ khủng khiếp lắm, nhiều thợ lặn lành nghề cũng phải sợ. Với tôi, lúc này mong muốn đưa thi thể của nạn nhân lên bờ nhanh nhất. Sinh nghề tử nghiệp mà”. Một thợ lặn khác nói “hồi đó, có chiếc tàu gặp lốc xoáy bị nhấn chìm dưới biển sâu 35m. Chúng tôi mất gần tháng trời mới trục vớt xong con tàu. Tuy nhiên, trục vớt tàu ở biển không nguy hiểm như ở sông. Đặc biệt là lũ sông Lam chảy xiết, quá mạnh”.

9h. Hai tàu và hai xà lan chia thành hai nhóm tiếp cận vị trí chiếc xe. Các thợ lặn ngậm vòi thở và mang theo dây cáp, sẵn sàng lặn.
9h15. Thợ lăn ngoi lên mặt nước cho biết xe khách nằm ngang sông, họ sẽ móc dây cáp vào xe để chuẩn bị kéo lên.
9h50. Thợ lặn ngoi lên mặt nước cho biết, việc cột dây cáp rất khó khăn do nước xiết. Tốt nhất là cột vào bánh xe, nhưng cả 8 bánh đều bị vùi sâu trong cát. Lực lượng trục vớt hội ý tìm cách cột khác.
Tiếp tục lặn. Sau 10 phút, thợ lặn báo đã cột được 1 cáp vào bánh xe. Nhưng sau nhiều lần lặn tiếp theo, đội cứu hộ quyết định chờ tới sáng 21/10 mới có thể trục vớt. Họ tiến hành neo cố định chiếc xe khách dưới đáy sông.

Ngày 21/10. 12h06 chiếc xe đã được kéo lên tới mặt nước.

Chỉ huy đội thợ lặn cho biết, đồ nghề của họ khá đầy đủ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được. Ông nói “trong điều kiện nước sông chảy quá xiết, nếu mang bình khí nén và mặc quần áo thì sẽ bị nước cuốn trôi. Chúng tôi chỉ mặc quần đùi, khi lặn xuống thì cởi quần, cột chặt vào dây cáp rồi mới tiếp cận được chiếc xe. Khi ngoi lên lại mặc quần vào”.

Là một "dân làng lặn”, tôi vô cùng khâm phục sự dũng cảm của thợ lặn ở sông Lam, nhưng cũng đầy băn khoăn: Chẳng lẽ chúng ta, một Quốc gia có diện tích bờ biển và sông ngòi rất lớn, còn lũ lụt lại rất “phong phú” – theo “định mức” của xứ nhiệt đới gió mùa, lại không thể sắm cho thợ lặn kĩ thuật những phương tiện hiện đại hơn cái mà họ đang có (nếu quả thực họ có) hay sao?

Nhớ lại vụ tàu ngầm Kursk (K-141) của Nga bị đắm ngày 12/08/2000, nếu Cứu hộ Nga có các phương tiện cứu hộ đặc chủng thì nhiều người trong số 118 thủy thủy đã được cứu sống. Bộ phương tiện cứu hộ đó tuy rất đắt (ngang giá 1 trái tên lửa hành trình) nhưng vẫn rẻ nếu so đo với tính mạng con người (kẻ bị nạn và người cứu hộ). Về góc độ đầu tư, thay vì “sắm” 100 trái tên lửa hành trình, thì anh sắm 99 trái và 1 bộ phương tiện cứu hộ đặc chủng?!

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Thi PADI OWC ở Nha Trang.

Thằng nhỏ nhà tui vừa hoàn thành kỳ thi thực hành OWC tại Nha Trang. Cũng như chị hai, nó học và thi lý thuyết tại SG, thực hành tại hồ bơi ở An Phú - Thảo Điền Q2.
Là con trai, khỏe mạnh, bơi tốt và yêu thiên nhiên nhưng không hiểu sao tui rủ rê hắn tham gia lặn biển hoài mà hắn không chịu. Chị Hai đã lấy bằng OWC từ đầu năm mà thằng em vẫn ầm ừ khi tui kêu đi học lặn nhân dịp nghỉ học kỳ. Dịp sinh nhật 19 tuổi, tui tặng nó một món quà, là một thứ mà người nhận bị bắt buộc phải nhận. Tui đăng ký khóa PADI OWC tại Rainbow SG cho nó và thế là đành phải cắp sách (cắp đồ bơi) sang Q2 học. Qua được phần lý thuyết và thực hành hồ bơi, chúng tôi đi Nha Trang để thực hiện 4 lần lặn thự hành bắt buộc trước khi được cấp bằng. Thằng nhỏ đi thi, còn tui tranh thủ đi fun dive. Instructor vẫn là trung tá PADI Ki Ka của RG Nha Trang. Trung tá huấn luyện binh nhì một thầy một trò, thật may mắn cho chú nhỏ. ;)
Sau đây là clips ngày huấn luyện đầu tiên của binh bét TH.Anh.

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Bảo tàng tàu đắm (P1)

Tại Kronshtadt, thành phố-pháo đài ở vịnh Phần Lan, cách St-Peterburg 48 km, người ta đang chuẩn bị thành lập một Viện Bảo tàng độc đáo: bảo tàng những con tàu đắm. Hiện vật trưng bày sẽ được bố trí trong khung cảnh tự nhiên đối với chúng: trong những “thủy cung” đặc biệt, với nước biển Baltich hẳn hoi. Tại sao lại nhất thiết phải là nước biển ? Cần thận trọng như thế, vì e rằng khi tiếp xúc với không khí, những di vật sót lại của những con tàu cổ có thể bị phân rã.

Theo lời ông Andrei Lukoshkov, nhà lãnh đạo khoa học của đề án “Bí ẩn những con tàu đắm”, thứ nước bùn lầy lạnh giá của vịnh Phần Lan hóa ra gần như là một môi trường bảo quản lý tưởng. Từ đầu mùa thám hiểm, tức là từ tháng Tư, các chuyên gia lặn khảo sát đã phát hiện trên đáy vịnh những tàn tích còn sót lại của 12 con tàu thuộc những niên đại khác nhau, và cả xác một chiếc máy bay có thể thuộc loại Li-2.

Tất cả những hiện vật phát hiện được đều rất thú vị. Ví dụ như con tàu Portsmut có đại bác tuyến tính 54 phân, được đóng năm 1714 tại Amsterdam theo bản vẽ do Sa hoàng Piotr Đại đế thiết kế. Portsmut là soái hạm, ngày 24/05/1719 đã giành chiến thắng đầu tiên trên biển khơi cho hạm đội Sa hoàng trước quân Thụy Điển ở vùng đảo Ezel.
Khi nhận được tin dữ về sự hy sinh của con tàu trên đường từ Revely về Kronshtadt, Sa hoàng Piotr Đại đế đã ra lệnh phải thu hồi những mảnh vỡ của con tàu huyền thoại này. Ông Andrei Lukoshkov kể “trong kho lưu trữ, tôi đã tìm thấy bản Sắc lệnh của Sa hoàng, đề ngày tháng của năm 1730, chỉ thị phải tìm kiếm con tàu. Và bây giờ đã có thể nói rằng, sau 278 năm, chúng ta đã thực hiện được mệnh lệnh đó”. Ông nói thêm “tàu Portsmut được bảo quản cũng còn nhờ tầm nhìn hạn chế trong vịnh Phần Lan”.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Một cái chết dưới đáy biển

Trung tâm dạy lặn của David Swain ở Jamestown, Rhode Island (tiểu bang có diện tích nhỏ nhất nước Mỹ). David là người đàn ông điềm đạm, trung thực và quan tâm đến người khác, còn Shelley là một cô gái sôi nổi, nhiệt huyết. Họ kết hôn với nhau vào năm 1993.

Tháng 3-1999, hai vợ chồng đi nghỉ tại quần đảo Virgin thuộc Địa Trung Hải. Họ bơi thuyền buồm, lặn biển thám hiểm. Vợ chồng David thuê chung chiếc thuyền buồm với người bạn - gia đình anh Christian Thwaiteses.

Ngày 12-3-1999, tại bãi lặn Twin Wrecks, David cùng vợ xuống trước, lặn chụp hình quanh các vỉa đá ngầm và tai nạn đã xảy ra. Theo lời kể của David, do mải mê chụp ảnh, anh đã không để ý đến vợ. Lúc quay lại đã thấy Shelley mặt úp xuống, ống thở rời khỏi miệng. Đưa Shelley lên thuyền, Christian và David đã sơ cứu nhưng Shelley không có biểu hiện gì. Họ vội vã đưa Shelley tới bệnh viện trên đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin, nhưng đã quá muộn.

Cảnh sát Tortola tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Khám nghiệm pháp y cho thấy, nguyên nhân Shelley tử vong là do ngạt nước. Các bác sĩ kết luận đây là một vụ tai nạn. Theo đó, David được tự do rời khỏi đảo Tortola quay trở về Jamestown.

Sau cái chết của Shelley, David nhận được hơn 600.000USD tiền bảo hiểm và một số tài sản khác của vợ. Trước cái chết của con gái, ông bà Richard và Lisa Tyre nghi ngờ con rể David là thủ phạm. Họ thuê thám tử điều tra lại toàn bộ vụ việc. Sau khi tới hòn đảo Tortola điều tra, thám tử cho rằng David đã tấn công Shelley dưới nước khi tiếp cận cô từ phía sau, giật ống thở ra khỏi miệng và dìm cô cho tới chết.

Năm 2002, 3 năm sau cái chết của Shelley, gia đình Tyre làm đơn cáo buộc David liên quan đến cái chết của con gái họ. Cảnh sát Tortola rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và đã yêu cầu dẫn độ David Swain. 8 năm sau cái chết của vợ, David đã bị bắt giữ tại nhà tù Balsam Ghut ở Tortola và không được đóng tiền tại ngoại. Sau hai năm giam giữ, cuối cùng David bị đưa ra xử vào tháng 10-2009. Theo công tố viên, động cơ khiến David sát hại vợ mình là số tiền bảo hiểm hơn 600.000USD và việc David ngoại tình. Anh ta đã lén lút quan hệ với nữ bác sĩ Mary Grace Basler khi cô này tới trung tâm của David học lặn. Nhân viên điều tra cũng tìm thấy nhiều bức thư tình David viết cho Mary. Cuối cùng, tòa đã chính thức buộc David Swain tội giết vợ và tuyên phạt 25 năm tù giam.
(Hình - không liên quan tới bài viết)

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Dưới đáy biển VN - dân Scuba chậm mất rồi !

Những thợ lặn làng chài Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khi lặn sò thì bất ngờ gặp dưới đáy biển 3 khẩu thần công đẹp hơn cả những khẩu súng thần công ở cố đô Huế. Đằng sau chuyện này là số phận của con tàu cổ đã chìm gần 200 năm.
Chiều 15-8-2003, đang mò sò ở độ sâu 30m thuộc ngư trường đảo Mắt, cách cửa Nhượng 36 hải lý, thợ lặn quờ tay chạm phải một cái lư hương. Cạnh đó, nhô lên một đầu “pháo” bằng đồng. Các chủ thuyền lập tức huy động 28 thợ lặn quây thuyền lại mò.
Sau 17 ngày dưới đáy biển, sáng 2-9 thợ lặn đã khai quật được ba khẩu súng thần công. Đào xong, họ thuê tàu trọng tải 45 tấn ra tời, mất nửa ngày, mới đưa được ba khẩu thần công lên thuyền. Thợ lặn ngậm một vòi dưỡng khí dài khoảng 100m.
Vụ lặn này có sáu người bị ngất phải đi cấp cứu. Kể từ khi đưa ba khẩu thần công về làng, không ngày nào không có khách buôn đồ cổ đến săn. Các thợ lặn “trích ra” một khẩu thần công trả công trục vớt cho chủ tàu 45 tấn (người này đã mang súng ra thị trấn Can Lộc “cắm” cho dân tiêu thụ sang Trung Quốc, đã bị công an huyện thu giữ). Hai khẩu còn lại còn được lưu giữ tại vườn rau của hai chủ thuyền.
Đây là hai khẩu súng thần công đẹp chưa từng thấy. Mỗi khẩu nặng 1,4 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng 22cm. Trên đai bao quanh thân súng trang trí nhiều dải hoa văn khảm bạc gắn vào dải hoa văn khảm đồng rất tinh tế. Đuôi súng khắc dòng chữ Hán “Minh Mạng nhị niên ... đại tướng quân” (bị mất một số từ). Cuối thân súng, cạnh biểu tượng hình quả tim có “bài minh văn” bằng chữ Hán được khảm vàng.
Theo N.T.Sơn - phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, các khẩu súng này khi bị chìm còn rất mới. Toàn bộ phần bạc (khoảng 1kg/khẩu) và vàng (khoảng 10 phân/khẩu) đã bị những người trục vớt cạy mất khi vừa đưa lên khỏi mặt biển. Bốn chữ “Minh Mạng nhị niên” là năm đầu tiên Minh Mạng lên ngôi vua (1821). Theo ông Sơn, “đây là ba khẩu súng được vua Minh Mạng đúc để khẳng định đế chế khi mình lên ngôi, bị chìm trên đường vận chuyển về nước”.
Cùng với súng thần công, thợ lặn đã tìm thấy 3 nồi đốt hương, 11 lư hương (lư nặng nhất 10kg), xung quanh nồi và lư chạm hình đầu rồng; 1 ấm trà có hai chân vịt, nắp và quai chạm hình đầu rồng khá cầu kỳ.
Một thợ lặn tham gia trục vớt các khẩu thần công này cho biết, súng được chở trên một con tàu cổ dài trên 30m, đáy tàu rộng 4m, vỏ tàu được ép một lớp đồng mỏng. Vô số thanh gỗ của thân tàu bị bấy nát, những thanh còn lại đều dính dầu, dài 4,5m, rộng 40 phân. Con tàu này đang tiếp tục được các thợ lặn thăm viếng. Cổ vật họ lấy từ con tàu được giấu tại vùng biển khác để khi “yên ổn” mới đưa về.

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Sai lầm của huấn luyện viên bơi lội Vietnam

(sưu tầm, trích)
Theo tổng kết của các huấn luyện viên bơi lội Tp.HCM (HLV), trong quá trình huấn luyện cho các VĐV bơi lội trẻ (VĐV), các HLV thường mắc những sai lầm sau:

A. Sai lầm về huấn luyện kỹ thuật.

1. Rút ngắn giai đoạn “học để bơi” (learning to swim) và chuyển nhanh sang giai đoạn “học để tập luyện” (learning to train) của VĐV. Nói cách khác, HLV xem trọng yếu tố tập luyện (training) hơn yếu tố giảng dạy (pratice), mong muốn VĐV phát triển về thành tích hơn là phát triển về kỹ năng.
2. Chưa xem trọng huấn luyện kỹ thuật toàn diện trong giai đoạn huấn luyện ban đầu.
3. Trong sửa sai kỹ thuật, HLV chỉ tập trung vào việc cải thiện lực tiến (động tác đẩy nước, khủyu tay cao khi tỳ nước,…) chứ chưa để ý đến việc giảm bớt lực cản (thân người nhấp nhô, tay vào nước tạo nhiều bọt sóng, …). VĐV sẽ hiểu là “muốn bơi nhanh hơn thì phải quạt tay mạnh và đập chân nhanh hơn”.
4. Chưa chú ý đến trình độ phát triển của VĐV (trình độ sức mạnh, độ mềm dẻo, khả năng tiếp thu kỹ thuật, …) khi sữa chữa kỹ thuật động tác. Đa số HLV buộc VĐV thực hiện kỹ thuật theo ý của mình chứ không phải đúng với đặc điểm VĐV.
5. Tập trung vào tần số động tác chứ chưa chú ý đến độ dài của bước bơi. VĐV chỉ “cắm đầu cắm cổ” bám theo bọt sóng chân của VĐV phía trước mà không để ý đến động tác vươn duỗi dài của động tác tay về trước.
6. Sử dụng các công cụ tập luyện và bài tập không hiệu quả về mặt kỹ thuật. Ví dụ: bơi bàn quạt quá nặng nên VĐV không đẩy nước thẳng ra sau được; “bơi kéo xô” quá nặng nên VĐV không thể duy trì tư thế nằm ngang được; bơi kẹp ván nên VĐV trẻ không nghiêng người được (trong bơi tự do, bơi ngửa). Nguyên tắc chung khi sử dụng các bài tập là “không được phá hỏng kỹ thuật của VĐV hoặc làm hạn chế việc thực hiện kỹ thuật đúng của VĐV”.

B. Sai lầm về huấn luyện thể lực.

1. Cho VĐV trẻ tập dụng cụ quá nhiều và quá nặng.
2. Chưa chú ý phát triển mềm dẻo.

C. Sai lầm trong phương pháp huấn luyện.

1. Bơi bướm quá nhiều. Nhiều HLV xem đây là một biện pháp tăng cường sức mạnh dưới nước, hay một biện pháp “trừng phạt” VĐV. Thật ra, nó chỉ có “tác dụng” làm phá hỏng kỹ thuật của VĐV.
2. Phạt VĐV “bật cóc” quanh hồ. Biện pháp này có hại đến khớp gối và dây chằng quanh gối của VĐV.
3. Tập ngày nào cũng nặng, tập tuần nào cũng nặng (vì không nắm quy luật hồi phục của các hệ thống năng lượng). HLV thường la mắng VĐV “tại sao bơi chậm thế?” mà không biết rằng nguồn năng lượng glycogen dự trữ của VĐV đã cạn kiệt rồi, còn sức đâu nữa để mà bơi nhanh.
4. Xem khối lượng là yếu tố hàng đầu để nâng cao trình độ cho VĐV (lượng vận động cao đồng nghĩa với khối lượng cao). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cường độ là biến số huấn luyện quan trọng nhất, tiếp theo đó mới là mật độ và khối lượng.
5. Chưa chú ý đến tỉ lệ hợp lý giữa huấn luyện sức bền và huấn luyện tốc độ đối với VĐV các nhóm tuổi. Tập luyện sức bền đối với VĐV trẻ giúp tăng thể tích tâm thu (tăng kích thước tim), còn tập luyện tốc độ sẽ làm cho thành cơ tim của VĐV dày lên, hạn chế đến việc phát triển kích thước tim sau này.

Hình: Croizon, VĐV cụt tứ chi, ngày 18/9/2010 đã bơi qua eo biển Manche trong 13g30 với quãng đường 35km (xem thêm hình trong bài "Lặn trong tăm tối").

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Jacques Yves Cousteau: Người hướng dẫn thế giới về những bí ẩn dưới đáy sâu.

by Peter Bilton, factoidz.com

Nói đến Jacques Cousteau là nói đến công việc mang tính khai phá trong khảo sát đại dương, những phát minh tiên phong có tính cách mạng về lặn biển và việc đưa thế giới của những đại dương sâu nhất tới phòng khách của mọi người. Ông đồng thời cũng là nhà bảo vệ môi trường được vinh danh bởi những thành quả phi thường của mình.
Jacques Yves Cousteau sinh năm 1910 ở tây nam nước Pháp. Từ khi còn trẻ Jacques đã rất năng động và ông thường đi lặn tự do ở biển Địa Trung hải cùng nhóm bạn.
Sauk khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, ông phục vụ trong Hải quân Pháp từ 1933 với vai trò sỹ quan kỹ thuật pháo binh. Cousteau khởi đầu công việc với thiết bị lặn được gọi là lungs (lá phổi) sử dụng khí nén và các trang bị lặn khác nhau.
   Khi Pháp bị Đức chiếm đóng vào năm 1940, Cousteau được phép tiếp tục công việ của mình. Điều này cũng tạo điều kiện cho Cousteau bí mật hoạt động cho tình báo quân đồng minh, giúp tổ chức một số chiến dịch chống quân Đức. Vì những hoạt động này, Cousteau đã được tặng thưởng huân chương sau chiến tranh. Cousteau cộng tác với Emile Gagnan để phát triển bộ điều áp lặn (diving Regulator) đầu tiên trên thế giới.
Và vào năm 1943, một nhóm chuyên gia đã tập trung ở thị trấn Bandol xem ông thử thiết bị mới ở biển Địa Trung Hải. Cousteau sau này đã mô tả lại theo kiểu nói của mình việc sử dụng thành công cái mà ông gọi là Aqua-Lung.

“Tôi thở không khí một cách thoải mái dễ dàng, có tiến huýt nhẹ khi tôi hít vào, và tiếng rì rào nhẹ nhẹ của bong bong khi tôi thở ra. Bộ điều áp điều chỉnh áp lực một cách chính xác theo nhu cầu của tôi…cát biến mất vào khoảng xanh vô tận…hai cánh tay áp vào thân, tôi đạp đôi chân nhái chậm rãi và du hành xuống dưới. Tôi chạm tới đáy trong tâm trạng phấn khích….Tôi ngước nhìn lên và thấy bề mặt mước được chiếu sáng như một tấm gương bị khiếm khuyết.” Nó đã hoạt động!

Cousteau và đội của ông đã thực hiện nhiều chuyến lặn, mỗi lần lại lặn sâu hơn, cho tới khi đạt tới 240 feet (~73m). Tại độ sâu này họ bắt đầu phát hiện hiệu ứng say ni-tơ (nitrogen narcosis). Là một điều kiện gây cảm giác mất định hướng, tương tự như say rượi. Trong một môi trường nguy hiểm như thế này, đây có thể là thảm họa vì người lặn sẽ có các quyết định phi logic. Cousteau và đội của ông sau đó qua những thử ngiệm và những sai lầm, đã rút ra bài học là cần phải thở hỗn hợp khí oxy và helium khi xuống sâu dưới 150 feet (~46 meters)

Sau chiến tranh Cousteu tiếp tục làm việc cho chính phủ, cùng thời gian này ông thành lập Nhóm nghiên cứu đáy biển (Undersea Reserch Group). Ông được giao nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện tàu đắm trong thời chiến trên chiếu tầu nghiên cứu của ông: Calypso. Năm 1952 Cousteu phát hiện và khai quật một tàu buôn là tàu Grand Conglue, được đóng từ năm 230 trước công nguyên. Hàng trăm cổ vật cổ cổ đại được bảo quản nguyên vẹn do con người làm ra đã được phát hiện, và Cousteau đã chứng tỏ với thế giới rằng khảo cổ học dưới đáy biển có ý nghĩa tối quan trọng để hiểu biết rõ hơn vế quá khứ của chúng ta.

Cousteau và đội của ông ở ConshelfIII, phòng thí nghiệm dưới nước.

Conshelf: Conshelf là một thử nghiệm để tìm hiểu khả năng của con người có thể sống và làm việc lâu dài dưới độ sâu trong lòng nước. Bắt đầu là dự án conshelfI, là một phòng thí nghiệm dưới nước với hai nhà khoa học hay còn được gọi là nhà “du hành đại dương ” (oceanauts) với thời gian lên tới một tuần. Các nhà “du hành đại dương” được theo dõi sức khỏe, và Conshelf được trang bị mọi tiện nghi cần thiết như giường ngủ, thư viện, bếp và TV.
Conshelf đầu tiên được đóng năm 1962, thành công của nó dẫn tới sự ra đời của Conshelf II ở độ sâu 14 meters. Vào năm 1965 một Conshelf lớn được chế tạo đủ sức chứa sáu nhà du hành đại dương. Công trình này được đặt tại Địa Trung Hải, gần Nice, nước Pháp ở độ sâu 100 meters. Thử nghiệm Conshelf kết thúc thành công, tuy nó khẳng định con người không được thiết kế để có thể sống thiếu ánh mặt trời. Conshelf III sau đó được dùng để đào tạo các nhà du hành vũ trụ.
Đây là hình ảnh Conshelf II do Cousteu chụp cho tạp chí National Geographic.

Cousteu đã phát triển người lặn và là người đầu tiên triển khai người lặn trang bị camera. Những kỹ thuật quay phim dưới nước của ông đã tạo ra các chương trình truyền hình mang tới cho tới hàng triệu người xem quang cảnh môi trường biển dưới đáy sâu. Cousteau tiếp tục khám phá những tài nguyên thiên nhiên của đại dương. Ông trở thành nhà bảo vệ môi trường hàng đầu và tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Rio 1992.
Jacques Cousteau mất năm 1997. Ông để lại di sản hơn 120 bộ phim truyền hình và 50 đầu sách. Cousteau đã mở đường cho các nhà làm phim thời sự, và hơn thế ông đã thay đổi quan điểm cộng đồng và tạo nhận thức về môi trường thông qua việc làm của ông trong việc giữ gìn thế gới sinh thái biển mỏng manh.

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Chỉ vì không nhìn thấy đích

Đó là một buổi sáng sương mù phủ kín, ngày 4/7/1952, khi Florence Chadwick bước xuống nước bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Bơi đường trường không phải là một điều mới lạ đối với Florence, bởi cô từng vượt biển Manche (giữa nước Anh và Pháp) ở cả hai chiều.

Buổi sáng hôm đó nước lạnh cóng, còn sương mù thì dày đến nỗi cô khó có thể nhìn thấy chiếc thuyền trong đoàn. Sau khi đã bơi hơn 15 tiếng đồng hồ, cô yêu cầu mọi người kéo cô lên thuyền. Huấn luyện viên của Florence ráng hết sức để động viên cô bởi họ đã rất gần bờ, nhưng cô chỉ nhìn thấy sương mù và sương mù. Vì thế cô bỏ cuộc... khi cách đích không tới nửa dặm.

Sau đó cô tâm sự: "Không phải tôi biện hộ cho mình, nhưng nếu tôi nhìn thấy bờ, tôi đã có thể bơi đến đích". Không phải cái lạnh hay sự sợ hãi, hay sự kiệt sức đã khiến cho Florence Chadwick thất bại, mà chính là sương mù.

Hai tháng sau cũng chính tại eo biển đó, cũng là khoảng cách đó, Florence Chadwick đã lập một kỷ lục mới, bởi vì giờ đây cô có thể nhìn thấy đất liền.

Nhiều lúc chúng ta cũng thất bại, không phải vì chúng ta sợ hay bởi áp lực của những người xung quanh hay tại bất cứ điều gì, mà chỉ vì chúng ta không nhìn thấy đích của mình.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Hình độc đáo



Ghi chú: Cả 3 người mẫu này cùng các ông phó nháy đều thực sự ở dưới đáy biển (dĩ nhiên bọn họ đều là dân dive).

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Những con thú sống dưới biển

Tại sao thú biển cũng thở bằng phổi nhưng có thể lặn dưới nước được khá lâu? Dân scuba mình có thể "học hỏi" được gì ở chúng không?

Thú biển (rái cá biển, báo biển, sư tử biển, cá heo, cá voi, ...) cũng thở bằng phổi như thú trên cạn. Tuy phải thường xuyên nhô lên mặt nước, nhưng chúng có thể ở dưới nước một thời gian khá dài, từ 20-30 phút với rái cá biển, 43 phút với báo biển Wader, hay 1-2 tiếng với cá voi cỡ lớn. Tại sao ở dưới nước trong thời gian dài như vậy mà chúng không ngạt? Các nhà nghiên cứu đã phát hiện cơ thể thú biển có “kho” tích trữ oxy đặc biệt, chính là máu và cơ.

Chúng ta biết rằng, trong máu chứa một lượng lớn oxy và CO2. Mặt khác, tỷ lệ máu so với thể trọng cơ thể của thú biển thông thường lớn nhiều hơn so với động vật sống trên cạn. Ví dụ ở người, máu chiếm khoảng 7% thể trọng, còn máu của cá heo lại chiếm khoảng 10-11% thể trọng của nó, và ở báo biển là 18%.

Ngoài máu ra, cơ bắp cũng có thể tích trữ ôxy. Trong cơ của thú biển có một loại albumin cơ hồng, rất dễ kết hợp với oxy. Khi chúng nhô lên khỏi mặt nước để thay đổi không khí, oxy được hít vào, một phần kết hợp với albumin cơ hồng hình thành trạng thái kết hợp hóa học, tích trữ trong cơ. Albumin này càng nhiều, oxy được tích trữ càng lớn. So với động vật cạn, albumin cơ hồng ở thú biển cao hơn nhiều. Oxy dự trữ kiểu này có thể chiếm hơn 50% dự trữ oxy toàn thân chúng. Chính vì albumin trong cơ thịt khá nhiều, nên màu sắc của thịt cá voi và thịt báo biển đều có màu tím thẫm.

Ngoài ra, tần số thở bình thường của thú biển tuy rất thấp, nhưng khả năng hít oxy và nén khí CO2 lại rất mạnh, có lợi cho cuộc sống dưới nước của chúng. Người bình thường một lần thở chỉ có thể thay đổi 15-20% khí trong phổi, còn cá voi lại có thể thay đổi trên 80%. Đa số động vật cạn, kể cả người, rất nhạy cảm với CO2 trong máu. Nếu hàm lượng CO2 trong không khí tăng lên, thì tần suất thở của người sẽ tăng lên gấp 5 lần bình thường. Nhưng thú biển lại không như vậy, dù CO2 trong máu tăng lên cũng không xảy ra sự cưỡng chế thở. Có người từng thử nghiệm, đeo cho báo biển mặt nạ đặc biệt, để chúng hô hấp khí có giới hạn. Họ thấy khi hàm lượng CO2 trong đó cao đến 10% thì hoạt động thở của báo biển vẫn giữ được bình thường. Điều này đã giúp cho chúng ở được dưới nước trong thời gian dài.

Hình: những "thú biển" này chỉ lặn được 1-2 phút vì quá nhạy cảm với CO2 trong máu (và nhờ vậy, da thịt của chúng - thay vì tím thẫm - có màu trắng hồng).

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Tại sao rùa biển lặn sâu

Các nhà khoa học từ lâu đã đau đầu với câu hỏi tại sao rùa luýt (leatherback) lại thích lặn xuống độ sâu của vùng biển băng giá.

Jonathan Houghton cùng các cộng sự thuộc đại học Swansea tại Anh đã tiến hành thí nghiệm để tìm hiểu tại sao các sinh vật biển có dáng đi ì ạch nặng nề lại có hoạt động hiếm có như thế này. Họ đã công bố kết quả trên tờ Experimental Biology của Anh.
Máu rùa rất giàu myoglobin nên rất lý tưởng để dự trữ ôxi. Đôi khi chúng còn lao xuống dưới mặt nước đến cả kilomet (khoảng 3/4 dặm). Các nhà nghiên cứu đã lắp cho 13 chú rùa luýt máy ghi dữ liệu ghi lại địa điểm, nhiệt độ, độ lặn sâu và thời gian. Sau đó máy sẽ truyền phát thông tin đến vệ tinh khi con vật lên mặt nước. Trong số hơn 26.000 lặn sâu được ghi lại tại Bắc Đại Tây Dương, chỉ có 95 (chưa được 0,5%) số lần đạt mức sâu hơn 300 m.

Một giả thuyết khác đã đưa ra giải thích cho những lần lặn sâu bất thường. Các nhà nghiên cứu tranh luận rằng loài bò sát đẻ trứng này lặn sâu xuống nước để trốn tránh kẻ thù, trong khi những người khác lại cho rằng đơn giản là chúng đang muốn làm mát cơ thể.

Giả thuyết thứ ba đưa ra là rùa biển đi săn ở vùng biển sâu.

Nhưng những kết quả mà Houghton có được lại bác bỏ tất cả các giả thuyết trên. Nếu con rùa đang cố gắng bơi để không trở thành bữa trưa cho một con cá lớn nào đó, chắc chắn nó sẽ phải bơi nhanh hơn bình thường. Nhưng dữ liệu thu được cho thấy những con rùa chẳng hề vội vã khi lặn sâu. Hơn nữa, chúng thường dành hàng giờ trên mặt nước trước khi lặn, có lẽ là để lấy thêm nhiều ôxy làm tăng hiệu quả.
Houghton cho biết: “Lập lờ trên bề mặt là chiến lược khinh suất nếu muốn trốn tránh kẻ thù, bởi vì đó là nơi mà kẻ thù có thể phát hiện ra bóng của những con rùa”.
Nếu để giữ nhiệt độ cơ thể luôn mát mẻ thì cũng không thoả đáng bởi nhiệt độ dưới mức 350 m không giảm nhiều. Vì thế những con rùa cũng không có động cơ để lặn sâu hơn.
Nhưng với giả thuyết về thức ăn, nghiên cứu phát hiện rằng có lẽ giả thuyết này đúng một nửa. Ngay cả khi những con rùa không ăn thức ăn tìm được ở độ sâu tột cùng, chúng có lẽ cũng muốn tìm thức ăn để dự trữ về sau. Rùa luýt thích ăn loài sứa sống ở vùng nước bề mặt. Nhưng trong nhiều tháng bơi từ khu vực sinh sản vùng nhiệt đới tại Caribê đến các vùng nước mát hơn, chúng phải sống nhờ vào các loài giống sứa sống theo tập đoàn lớn ở độ sâu khoảng 600 m. Houghton cho biết rùa biển thường lặn để tìm kiếm tập đoàn nói trên khi mặt trời xuống núi, sau đó chúng trở lên mặt nước vào buổi đêm để thưởng thức bữa tiệc. Điều này có thể giải thích tại sao rùa luýt thường nấn ná tại một khu vực trong nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần sau mỗi chuyến lặn sâu như thế.
(Hình minh họa: rùa biển)

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Chai rượu sâm-panh dưới đáy biển


Nhóm thợ lặn của đảo Aland, một hòn đảo tự trị nằm giữa Phần Lan và Thụy Điển, đã thu được 30 chai trong khi thám hiểm xác một chiếc tàu bị chìm.
Trưởng nhóm Christian Ekstrom nói rằng ông tin là loại rượu này do hãng Veuve Clicquot của Pháp sản xuất cách đây khoảng 220 năm. Một chai - có hình dáng của loại chai của thế kỷ 18 - đã được gửi sang Pháp để phân tích.
Hãng Veuve Clicquot bắt đầu sản xuất sâm-panh vào năm 1772, nhưng bị gián đoạn do cuộc cách mạng năm 1789. Người ta tin rằng số sâm-panh vừa phát hiện dưới biển Baltic thuộc chuyến hàng gửi cho Hoàng gia Nga lúc bấy giờ.
Một chai đã được mở cho chuyên viên nếm thử và chuyên viên cho biết mùi vị vẫn tuyệt vời. Sâm-panh đã được bảo quản tốt trong hai thế kỷ qua nhờ nước lạnh vùng Baltic. Các chuyên viên ước tính nếu bán đấu giá, một chai có thể đến 70.000 USD.
Cho đến nay, sâm-panh lâu đời nhất mà vẫn uống được là hai chai Perrier-Jouet năm 1825, được mang ra thử ở London năm ngoái.

Lời bình: giá mà mình "vớ" được một chai nhỉ (chỉ cần "chịu cực" một chút thôi). Nhưng với giá trị 70.000usd thì chẳng biết mình có dám uống không?

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Diving Condao

Những điểm lặn ở Côn Đảo do công ty Cầu Vồng khai thác:

Côn Đảo nẳm tại điểm gặp nhau của hai dòng hải lưu nóng và lạnh của đại dương, tạo nên một hệ thống khí hậu cục bộ. Từ tháng sáu đến tháng chin, những cơn gió giật dữ dội ập vào mặt phía Tây của đảo trong khi phía Dông được che chắn kín. Trong tháng chin, dòng hải lưu và gió đổi hướng ngược lại làm khu bờ đông chịu thời tiết xấu tới tận tháng giêng. Thời tiết trở nên êm dịu trong thời gian còn lại của năm.
Kiểu mẫu thời tiết bất thường này làm cho Côn Đảo là địa điểm có thể thực hiện các hoạt động bơi, lặn biển và snorkeling quanh năm.

Thời Pháp thuộc, cai ngục buộc tù nhân khai thác san hô sống để nung vôi. Nay rặng san hô đã được hồi phục, tuy nhiên lại phải đối mặt với sự phá hoại của việc khai thác hải sản không kiểm soát. Vườn quốc gia Côn Đảo được thành lập 1977, tuy nhiên ban đầu chỉ tập trung bảo vệ quần thể động, thực vật trên đảo. Ngày nay, Vườn QG bao phủ 14 trên tổng số 16 đảo và toàn bộ vùng biển bao quanh chúng.
Đa phần rừng trên đảo là rừng rậm: với một tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn, đặc biệt là các cánh rừng ẩm ướt trên độ cao 500m so với mực nước biển.
Mặc dù việc kiểm soát khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt mới chỉ được thực thi từ 1993 và bất chấp sự phá hoại môi sinh từ thời Pháp thuộc, hơn ngàn hecta bề mặt rặng san hô của Vườn QG Côn Đảo đã được hồi phục ở vùng nước nông – một trái ngược với các vùng khác của Việt Nam với còn rất ít bề mặt vùng nước nông còn san hô bao phủ do nạn khai thác cạn kiệt và đánh cá bằng chất nổ.
Toàn bộ vùng biển Côn Đảo rất đa dạng sinh học: Hơn 1300 loài sinh vật biển đã được phát hiện ở đây. Hệ sinh thái của Côn Đảo là môi trường sống lý tưởng cho các loài hiếm thấy như Đồi mồi, Rùa xanh và Dugong, một sinh vật kỳ lạ được gọi là “bò biển” và được cho là nguồn gốc của các chuyện thần thoại về “nàng tiên cá” do thói quen phơi nắng của chúng trên các tảng đá.
Từ 1995 đã có hơn 300 000 rùa con đã được thả ra biển và có gần 1000 rùa trưởng thành đếm được ở đây.

Dugong Abu Dhabi

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Tin: diving Condao

Ngày 7-4-2010, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo và Công ty TNHH Cầu Vồng Việt Nam về việc công ty này muốn khai thác dịch vụ lặn biển tại VQG Côn Đảo.

Đại diện Công ty Cầu Vồng Việt Nam cho biết, lặn biển là loại hình du lịch rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Côn Đảo là điểm lặn biển hấp dẫn nhất Việt Nam, bởi có rạn san hô và hệ sinh thái biển đẹp, đa dạng. Theo khảo sát của công ty này, tại Côn Đảo có 30 điểm có thể tổ chức các tour lặn biển phục vụ du khách.

Theo ông Lê Xuân Ái, Giám đốc VQG Côn Đảo, từ năm 2004, đã có một số doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch lặn biển tại đây như Công ty Xuân Anh, DNTN Biển Xanh và Công ty Cầu Vồng. Hầu hết các điểm lặn biển đều nằm trong khu bảo tồn biển của VQG Côn Đảo.

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Minh Sanh đồng ý chủ trương và yêu cầu Công ty Cầu Vồng liên hệ với VQG Côn Đảo để triển khai các thủ tục đầu tư, đồng thời lưu ý việc triển khai dịch vụ này phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo tồn biển và bảo vệ môi trường.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Diving Hội An (P2)

Gọi là đi lặn Hội An, nhưng chính xác ra là lặn Cù lao Chàm. Một quần thể đảo ngoài khơi cách Hội An một giờ rưỡi chạy tàu. Nằm trên cửa ngõ ra vào Hội An, một cảng biển sầm uất trước đây Cù lao Chàm cũng là nơi tàu thuyền hay ghé trú khi có bão. Khu vực này cũng đã từng có những tàu buôn cổ được trục vớt với nhiều cổ vật giá trị. Giống như nhiều nơi ven biển VN, ở đây cũng từng bị nạn đánh cá bằng chất nổ làm hủy diệt rặng san hô của các dải đá ngầm. Sau khi được qui hoạch là khu bảo tồn biển, san hô ở Cù lao Chàm  dần hồ phục. Giờ đây khi lặn ở CLC, ta chỉ thấy san hô thân mềm là chính, rất ít san hô cứng, cá cũng ít và quang cảnh kém hơn so với ở Nha Trang hay Hòn Ông.
Cù lao Chàm, khu bảo tồn biển Việt Nam.

  Dù vậy, Cù lao Chàm vẫn thu hút được nhiều khách lặn, đa phần là những du khách tới thăm Hội An phố cổ và muốn khám phá cả vùng biển ở đây. Chuyến lặn tôi tham gia có tám khách lặn nữa, hai người thi OWC và một thi Advanced OWC còn lại là lặn chơi (fun dive). Nhóm lặn chơi do một cô DM (chuẩn úy) người Thụy Sỹ làm hướng dẫn viên lặn. Vì có tới 5 khách lặn nhởn nên RB bố trí thêm 1 chú thượng sỹ đi cùng cho đủ đội hình. Điểm lặn "Thái Sơn Bay" như tôi đã nói, không đẹp và đa dạng san hô như ở Hòn Mun, Nha Trang. Đi trong một nhóm đông thế này nên tôi cũng không có nhiều cơ hội tìm kiếm, ngó nghiêng kỹ...Dẫu vậy, cũng có những thứ đáng để ta đi cả quãng đường xa bằng máy bay, rồi xe ôm hơn 30Km và nhảy xuống nước, chìm...

Trước giờ tiếp nước! Đứng giữa là chuẩn úy PADI Vanessa


Chú cá vũ công tây ban Nha này tôi đã gặp ở đảo Hòn Ông.

San hô ở vùng biển này chủ yếu là loài thân mềm như thế này. San hô đá còn chưa phục hồi kịp

Anh ổn chứ? cô chuẩn úy hỏi.

Lần đầu tiên tôi chộp được chú Chình biển Morray

Lại còn cận cảnh nữa.
Cũng lần đầu tiên gặp xác tàu đắm (tuy không lớn)

Cũng khá hoành tráng đấy chứ.

Điểm lặn thứ hai là Mr. Wippy. Dòng chảy khá mạnh, chúng tôi bơi ngược dòng khoảng 30'. Khi quay trở lại thì khỏe, dòng chảy đưa trở về điểm xuất phát.

Cá ở vùng nước này thật hiếm hoi.

Nhưng nếu có thì lại khá độc đáo. Lần đầu tiên tôi gặp cặp cá hề như thế này.

Chú cá sư tử này mới thật lạ, đen tuyền. Đáng tiếc là không có đủ thời gian để xoay xở chọn góc chụp đẹp hơn.

Đã tới lúc lên tàu. Dòng chảy ở đây khá mạnh, bơi gần tới tàu phải bám dây để không bị trôi đi.

 Sau 2 điểm lặn, cả đoàn đổ bộ lên Cù lao Chàm nghỉ ăn trưa.

Bãi biển trên Cù lao Chàm rất đẹp, có thể lặn snorkeling từ đây.


Chuẩn úy Vanessa và tôi

Tạm biệt Cù lao Chàm

  Tàu về đến Hội An lúc 16h30. Tôi đã điện trước nên bác xe ôm chờ sẵn đón tôi ở văn phòng Rainbow Divers Hội An. Thanh toán xong, tôi nhảy xe ôm về Đà Nẵng để sáng hôm sau bay về SG, lúc đó dấu hiệu cấm bay trên đồng hồ lặn đã biến mất.