Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Đâm cá kiểu “cướp biển”

(bài của một phóng viên, trích)

Ba giờ chiều, Hải ôm đồ nghề, gồm cái ngàm (chĩa) 12 mũi, accu, đèn pha, ... ngoắc tôi (phóng viên) xuống chiếc “cao tốc” vỏ nhôm, chạy xăng. Sau 15 phút chạy, chiếc “cao tốc” bắt đầu bị sóng biển hành hạ. Hải ngồi lái mũi hét to: “Anh vịn chặt để em cắt sóng, kẻo mặt trời lặn gió thổi mạnh, mình ra không kịp”.

Gần 4 giờ, chiếc “cao tốc” nổ khét rẹt, xé nước lao vun vút đến “tọa độ hành nghề”. Hải về số đứng, buộc sợi dây dài vào đầu cái cán ngàm: “Các thiết bị trên chiếc thuyền đều phải gọn. Từ cần số, cần ga đặt dưới chân như ô tô, vô lăng, ngàm, nút đèn đều nằm phía mũi, để mình vừa lái, vừa lao ngàm. Buộc dây ở đầu cán ngàm để khi ngàm cắm vào cá, nó sẽ chạy rất mạnh, lúc này mình thả ngàm, thả dây, chạy theo nó đến khi nó kiệt sức. Khi đó mới kéo cá lên thuyền”.

Hải đội đèn pha lên đầu, đứng hẳn lên mũi, một tay lái, mắt cứ nhìn chằm chằm dưới mặt biển. Quần đảo khoảng 30 phút mà chưa phát hiện ra mục tiêu nào. Bất ngờ Hải tăng ga chạy nhanh. Tay phải cầm ngàm đưa cao, tư thế sẵn sàng phóng. Một tiếng “chũm”, nhanh như chớp, Hải đã bắt gọn con cá nhái nặng khoảng 2 kí, hất lên khoang thuyền. “Cá loại này là em út. Gặp mấy ông nội cá cờ chạy nhanh như tên lửa, tui hơi “chờn” một chút. Đụng đầu với thứ dữ phải xử lý nhanh, phải đón đầu mới tóm nó được”.

Hải bất ngờ tăng ga, ôm cua. Chiếc “cao tốc” nghiêng qua, nước ào vào, tôi ngã vào mạn đau điếng. Chiếc “cao tốc” cứ quần đảo, vòng vèo, ánh đèn pha quét loang loáng. Sau một hồi truy kích quyết liệt, Hải hơi ngả về phía sau, tay phải cầm ngàm đưa cao, rồi phóng thẳng ngàm bay khoảng 10 mét. Con cá to dính đòn, đuôi vẫy ầm ầm. Hải thả dây và cho “cao tốc” chạy theo. Tiếng Hải hét to trong màn đêm mịt mù của biển cả: “Nó quỵ rồi”. Hải đến gần đầu “cao tốc”, thu dây lại và hai tay cầm ngàm kéo cá sát vào mạn thuyền. Nhưng con cá đâu có chịu chết dễ dàng, cứ vùng vẫy kháng cự đến cùng. Hải dùng cần móc câu dự phòng đưa xuống, lừa vào mang cắm sâu vào, rồi hì hục kéo lên. Con cá cờ dài và to nằm trọn trên khoang, đuôi vẫn đập vào thành nhôm “cao tốc” nghe cộp, cộp. “Con này khoảng 80 kí đấy. Giống cá này rất lạ, đèn pha chiếu vào mắt mà không đóng đèn (nhìn thẳng đèn và đứng yên một chỗ) làm mình phải tăng ga đón đầu mà đâm. Tui đã nhiều lần gặp cá cả tạ, truy kích đến 2 - 3 cây số mới đâm được”… 

H1: Đâm cá dưới đáy biển (không liên quan bài viết).
H2: Các phương tiện săn cá của ngư dân (không liên quan bài viết).

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Khu rừng 5 vạn năm tuổi dưới đáy biển

(theo Livescience, trích)

Một thợ lặn đã phát hiện ra khu rừng nguyên sinh được chôn dưới lớp trầm tích ngoài khơi bờ biển Alabama, Mỹ. 

Qua nghiên cứu, ông Ben Raines – một trong những thợ lặn đầu tiên khám phá khu rừng dưới nước trên, cũng là giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Bay Foundation – cho biết, khu rừng này được bảo vệ trong môi trường giàu oxy dưới lớp trầm tích của đại dương trong khoảng thời gian 50.000 năm. Rất có thể, chính cơn bão Katrina năm 2005 đã khiến khu rừng lộ ra. Các gốc cây của khu rừng nguyên sinh trải rộng trên một diện tích khoảng 1,2 km vuông, sâu khoảng 18 m bên dưới bề mặt vịnh Mexico. Hầu hết, chúng được "bảo quản" tốt và có mùi như nhựa tươi.  

Trước đây, cũng từng có một ngư dân phát hiện ra một vùng đáy biển đầy ắp các loài cá, hải quỳ, động vật giáp xác, cỏ chân ngỗng... nhưng đã giữ bí mật vì nghi ngờ rằng có cái gì đó lớn hơn ẩn ở bên dưới. Sau khi Raines biết được thông tin, ông đã xuống và khám phá ra một khu rừng cây tuyệt đẹp.  

Raine đã cung cấp thông tin này cho nhà nghiên cứu Grant Harley, Đại học Mississippi và Kristine DeLong, Đại học Louisiana, để nghiên cứu. Họ cùng tạo ra bản đồ của khu vực bằng hệ thống định vị Sonar và phân tích hai mẫu cây do Raines thu thập. Tuy nhiên, do yếu tố riêng biệt của khu rừng này, nên các thợ lặn chỉ có thể lặn tối đa 40 phút tại khu vực này.

Qua phân tích đồng vị carbon, giới khoa học kết luận, các loài cây có khoảng 52.000 tuổi. Theo họ, sự phát triển của cây tại khu rừng có thể tiết lộ nhiều điều chưa được biết về khí hậu của vịnh Mexico hàng ngàn năm trước, trong giai đoạn băng giá Wisconsin (cách đây 70.000 – 10.000 năm), khi mực nước biển thấp hơn nhiều so với hiện nay.

Hiện nhóm khoa học chưa công bố nghiên cứu trên rộng rãi và đang xin tài trợ để khám phá khu vực kỹ càng hơn trước khi nó bị tàn phá. 


H: Rừng cây dưới đáy hồ Goluboe (để minh họa)


Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Thủ thuật tránh cho kính lặn bị dò nước.

Cressi Bigeyes Mask

Nước dò rỉ vào kính (mặt nạ) lặn là điều khó chịu nhất đối với bạn lặn khi đang thưởng thức chuyến lặn ( sau đó là sự đóng hơi  nước làm mờ mắt kính). Vậy nên việc thử độ vửa vặn của kính với khuôn mặt của cá nhân mình khi mua ở của hàng đồ lặn là rất quan trọng. (tham khảo bài "Chọn và bảo quản kính lặn")
Tuy nhiên, qui trình ‘thử vừa trên cạn’ (dry-fit procedure) bằng cách đặt kính chính giữ trên mặt, kiểm tra các mép đều tiếp xúc với da bạn, sau đó hít nhẹ vào ( không cần choàng quai kính qua đầu) để kiểm tra sự kín hơi của kính lặn sẽ có thể không nhất thiết bảo đảm bạn sẽ có chuyến lặn không bị dò rỉ nước vào trong kính lặn. Trong khi có nhiều người, chỉ cần mang kính lặn rồi tiếp nước, thực hiện chuyến lặn cho tới hết ca lặn mà không cần đụng đến kính lặn thì phần lớn chúng ta để có được kính lặn kín hoàn toàn thì cần thực hiện một số tinh chỉnh cần thiết. Sau đây là một số thủ thuật để tránh sự dỏ rỉ nước vào kính lặn:
  • Sau cú nhảy từ tàu xuống nước và trồi lên bề mặt, hãy gỡ kính lặn, nhúng đầu xuống nước một lần cho ướt mặt, và dùng tay vuốt tóc ra xa mặt. Sau đó đặt kính lặn chính giữa mặt, trước khi quàng quai kính ra sau đầu. Nếu bạn mang mũ lặn, bạn có thể tém gọn tóc vào bên trong nón và dùng ngón tay chạy theo viền nón để mép kính lặn tiếp xúc với da chứ không bị chồng lên viền nón.
  • Kiểm tra kỹ để bảo đảm kính lặn ở chính giữa mặt một cách thích hợp. Nếu không được vậy, có thể bạn sẽ bị mất độ kín khi bắt đầu lặn. Cũng cần kiểm tra kỹ vị trí của quai kính ở sau đầu, sao cho không cao quá – gây lỏng lẻo mép dưới kính lặn, cũng không thấp quá, ảnh hưởng mép trên kính. Nếu quá chặt, có thể làm biến dạng mép kính và có thể làm mất độ kín.
  • Ngay trước khi đi (chìm) xuống, ấn vào mắt kính để đẩy chút khí thoát ra nhằm tạo chút áp lực nước làm kín kính. Giờ bạn đã sẵn sàng để chìm xuống. Khi đã ở dưới độ sâu dưới nước, nếu độ kín tốt, áp lực nước sẽ duy trì nó và bạn yên tâm lặn. Đôi khi, bạn sẽ cần thổi thêm chút khí vào kính lặn để cân bằng khi bạn lặn xuống sâu hơn.

Nếu làm theo các bước này, hy vọng bạn sẽ thực hiện cả chuyến lặn dài mà không phải một lần phải làm động tác thổi nước ra khỏi kính lặn.

Theo sportdiver.com


Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Live a Board - Chúng tôi gọi là "Sống trên Tàu Lặn"



Bỏ qua các giới thiệu dài dòng về SCUBA DIVING hay Lặn với bình khí, các bạn đã biết lặn bình khí là gì và thậm chí bạn là thợ lặn, bài viết này giới thiệu với các bạn đến với thế giới lặn qua một hình thức du lịch phiêu lưu khám phá: Sống trên tàu lặn – về cơ bản, là việc bạn sinh sống trên một chiếc thuyền/tàu phục vụ cho không quá 20 người trong suốt chuyến đi của bạn.

Con tàu thường được trang bị đầy đủ cho một hành trình nhỏ tập trung đặc biệt vào lặn. Hải trình sẽ là các điểm lặn kế tiếp nhau và bạn sẽ“nhào ùm ùm” xuống các điểm lặn để khám phá, và thường xuyên có cơ hội để thức hiện 3-4 ca lặn một ngày bao gồm lặn đêm.

A.    Bạn mang gì lên Tàu lặn?

Trên tàu lặn không có …cửa hàng! Do đó, chuẩn bị chắc cho bạn các vật dụng cá nhân cần thiết.  Hầu hết các nhà tổ chức của tàu lặn sẽ cung cấp trang bị cho bạn phần lớn các đồ vật, trang thiết bị thiết yếu, nhưng bạn dám chắc họ sẽ có đủ những thứ mình cần? Hãy tự trang bị cho mình trước một cách chủ động!

Tàu sẽ trang bị cho bạn:
·     Trang thiết bị lặn: Áo phao lặn – BDC, Bộ cùm thở- Regulator, Máy tính lặn – Dive Computer, Các miệng thở dự phòng, Áo lặn –wetsuit, mặt nạ lặn – mask, túi lặn, la bàn…)
·     Áo phao cứu sinh

Bạn nên mang theo:
·     Thiết bị lặn riêng của mình, hoặc ít nhất đồ “thửa”riêng: mặt nạ, chân vịt, giày lặn, nón lặn trùm đầu, găng tay, dao lặn, bằng lặn,nhật ký lặn – dive log, còi, móc neo khi lặn dòng chảy hay vách đá (reef hook)…
·     Máy ảnh và dàn đèn cho việc chụp hình dưới nước, đồ sạc pin, pin dự phòng,thẻ nhớ, silicone, đèn pin..v.v
·     Cá nhân: áo bơi, quần áo, đồ vệ sinh cá nhân,sách truyện, kính mát, tiền, kem chống nắng, thuốc/kem chống côn trùng, đồ ăn nhẹ.  
·     Đồ điện tử: máy laptop, máy ảnh trên bờ với chân máy. 
·     Các loại thuốc: thuốc bạn đang phải uống theo đơn, thuốc chống say (khi sóng lớn), thuốc đau bụng, dị ứng, vitamin..v.v
·     Giấy tờ du lịch: hộ chiếu, vé máy bay, giấy bảo hiểm (lặn)…

B.    Đi lặn ở đâu?

Có rất nhiều nhà khai thác cung cấp dịch vụ hình thức này ở khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu có thể tham khảo:

1.    Great Barrirer Reef

Đây là địa điểm lặn vĩ đại nhất và có rất nhiều dịch vụ cung cấp hình thức Sống trên tàu lặn tại khu vực này. 
Bạn sẽ có thời gian và không gian cá nhân thoải mái trên tàu, phòng có điều hoà, phòng tắm và thiết bị điện tử tiện nghi với TV và DVD riêng, thậm chí có những phòng trang bị điện thoại vệ tinh và wifi, thiết bị internet.
Thêm vào đó là dịch vụ giặt ủi miễn phí. Các con tàu được thiết kế để giảm thiểu sự chòng chành gây say sóng, giúp cho những du khách hay “bị” cảm thấy “xuống nước dễ chịu hơn” cũng vẫn thấy ổn và thoải mái khi ở trên tàu.
      
2.    Đông Nam Á

Là một trong những điểm lặn đẹp nhất thế giới và Sống trên tàu lặn ở đây là một cơhội hay ho để bạn khám phá những nơi mà hầu hết mọi người không thể đi.

Phần lớn các tàu lặn đều có các dãy phòng ở tiện nghi thoải mái với phòng tắm riêng,thông thường, với khoảng 20 người cho một chuyến đi, bạn sẽ không hề cảm thấy quá tải.

      Các tàu được cấu trúc sao cho các bạn có thể tận hưởng được thời gian của mình thoải mái trong khi tàu chạy hoặc nghỉ thư giãn, có sàn/tầng mái phơi nắng với ghế nằm.Quầy bar cho các giải trí buổi tối…

Điều đáng giá nhất là nước giải khát đóng chai thường miễn phí trên các chuyến đi, giúp bạn tiết kiêm ngân sách phần nào,các bữa ăn được phục vụ tại nhà hàng tự chọn (buffet) trên tàu đều đã bao gồm trong gói chi phí cả cuộc hải trình lặn.

C.         Viet Divers – Sống trên tàu lặn.

            Sau một thời gian hoạt động và đào tạo cũng như đi lặn cùng các bạn lặn tại Việt Nam, thì việc cùng các bạn tham gia một chuyến“Live-a-Board” – hay “Sống trên tàu lặn” - là có thể sẵn sàng. Chuyến khởi hành đầu tiên sẽ vào thời điểm mùa xuân 2014, từ 26/03 đến 30/03 đến một trong những điểm lặn thuộc top 10 các điểm lặn đẹp trên thế giới:Richelieu Rock, Thái Lan.

Chịu trách nhiệm dẫn đoàn là Phạm Duy Nhân (Chris Pham), NDL Vietnam Course Director. Trở thành người hướng dẫn lặnchuyên nghiệp (Dive Master) từ khi rất trẻ, Nhân có nhiều kinh nghiệm sâu và rộngtrong việc lặn, làm việc trong các dự án và trung tâm lặn, tham gia đào tạo tại các nước như Úc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Hiện Nhân là người đứng đầu hệ thống đào tạo thợ lặn tại Viet Divers.  

Đối tác của Viet Divers tại Phuket cho chuyến hải trình này là RumblefishAventure (http://rumblefishadventure.com/), một trung tâm lặn 5* tại Phuket, thành lập và điều hành bởi anh Thiện Đỗ (http://rumblefishadventure.com/about-us/rfa-team/), một PADICourse Director người Việt hiếm hoi trong ngành công nghiệp lặn giải trí. Trên 10 năm hoạt động, RumblefishAdventure là một trong những điểm hẹn được khách lặn quốc tế đánh giá cao về cung cấp dịchvụ lặn tiêu chuẩn và an toàn, đội ngũ lặn chuyên nghiệp, duy trì được tỉ lệ đạt 80% khách hàng quay trở lại và giới thiệu về trung tâm.

Chi tiết về chuyến đi sắp tới,các bạn tham khảo hình ảnh tờ chương trình đính kèm. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

Văn phòng CLB Viet Divers
230 Nguyễn Đình Chính, P.11 
Q. Phú [City], Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 6 279 8120
F: facebook.com/VietDivers

Hoặc các thành viên:
NgọcAnh – 0906.959.520 – contact@vietdivers.net
Duy Nhân – 0121. 861.7331 – training@vietdivers.net

Chọn và bảo quản kính lặn

P1 – Chọn kính lặn (bài của một thợ lặn)

1. Đặt kính lặn lên mặt bạn. Không đeo dây. Sờ tay để thấy rằng mép vành silicon của kính không bị gập và nằm bằng phẳng với má, môi trên và trán của bạn. Dây đeo kính không bị chèn giữa khuôn mặt của bạn và vành kính. Chắc chắn rằng tóc bạn không bị chèn trong mép vành kính. Mép dưới vành kính phải nằm trên môi trên và nằm dưới đỉnh mũi của bạn.

2. Hít bằng mũi, kính phải dính vào mặt mà bạn không cần phải giữ nó. Cảm nhận xem không khí có rò rỉ qua mép kính không. Nếu có rò rỉ khí thì kính không phù hợp với khuôn mặt của bạn.

3. Ria mép của bạn có thể gây rò rỉ nước trong khi sử dụng kính.

4. Tròng dây đeo kính qua đầu. Dây đeo nằm phía trên tai, ở vị trí giống như đeo kính mát.

5. Hít vào bằng mũi. Nếu mặt kính hơi chạm vào đỉnh mũi của bạn thì lúc lặn, áp lực nước sẽ ép mặt kính vào sống mũi bạn. Mũi của bạn có chạm vào mép của “túi mũi” (của kính) hay không. Nếu chạm, kính lặn có thể sẽ làm bạn đau mũi trong lúc lặn. (dân “da vàng mũi tẹt” hầu như không bị “pan” này – NST).

6. Bóp mũi và thổi ra tai. Hãy chắc chắn rằng, qua “túi mũi”, bạn dễ dàng bóp mũi và thấy thoải mái khi bị bóp mũi.

7. Nhìn lên trên, xuống dưới, qua trái, phải để xác nhận góc nhìn của kính. Kiểm tra xem mặt kính có trong sáng không. Một số thợ lặn thích vành silicon trong vì cho phép nhìn được rộng, nhưng số khác lại thích vành silicon màu đen – nó có vẻ chuyên nghiệp hơn.

8. Mặt kính mica dễ bị đọng sương và không bền như mặt thủy tinh. Vành kính bằng silicon sẽ ôm khít vào khuôn mặt của bạn, và sẽ ít khả năng bị lọt nước, hơn là vành kính bằng vật liệu khác.

9. Mặc dù kính lặn (có thể) làm việc tốt cho các môn thể thao mặt nước, nhưng kính chế tạo cho các môn thể thao mặt nước thường không làm việc tốt cho lặn.

P2 – Bảo quản kính lặn.

Lời góp của thợ lặn thứ hai:
Kính mới mua sẽ bị mờ vì có một lớp dầu bao phủ bên trong kính (do quá trình sản xuất). Theo đề xuất của James, bạn tôi, bạn có thể thử bằng kem đánh răng, nhưng phải cẩn thận. Tôi đã bị hư một kính lặn mới tinh, đắt tiền, chỉ vì đã chà nó bằng tấm vải thô ráp, đã gây ra các vết xước mờ mờ trong kính, nhìn không mấy dễ chịu.
Cách thứ hai tôi rất ủng hộ, là hơ lửa quẹt ga vào mắt kính. Lửa sẽ đốt các chất hữu cơ bám trên kính. Hãy cẩn thận, hãy nhẹ nhàng với lửa. Nóng quá có thể làm kính vỡ. Sau đó để kính nguội hẳn rồi rửa bằng nước.
Cuối cùng, trước khi lặn, bạn nhỏ một giọt dầu gội đầu vào kính và rửa sạch. Kính của bạn sẽ hoàn toàn trong suốt.

Lời góp của anh Quang (bên Vinadive): 
Bạn xử lí mắt kính mới mua bằng ngọn lửa quẹt ga là sự lựa chọn đúng đắn, nhưng tôi tin rằng bạn có thể sẽ phải mua ngay chiếc kính khác, nếu không biết thủ thuật sau đây: Để tránh bị sự cố nhiệt cho vành silicon, bạn hãy gỡ mắt kính ra khỏi vành silicon. Tiếp theo, bạn dùng kẹp để kẹp mép mắt kính, rồi hơ đều mắt kính trên ngọn lửa quẹt ga (để làm sạch lớp dầu bao phủ bên trong kính – từ quá trình sản xuất). Hơ xong, nếu bạn đặt mắt kính lên mặt bàn là ... bể liền. Bạn phải để mắt kính lên (vài lớp) giấy báo (đã chuẩn bị từ trước). Chờ cho mắt kính nguội hoàn toàn, bạn bôi chút dầu gội đầu lên kính và rửa sạch.

Lời góp của thợ lặn thứ tư: 
Cách tốt nhất để ngăn chặn kính lặn bị mờ sương là sử dụng defogging. Nhỏ một giọt vào bên trong mắt kính và bôi, cũng bôi cả vành silicone. Sau đó rửa trong nước sạch. Rửa một lần nữa nếu vẫn còn bị dính defogging. Cũng có thể sử dụng kem đánh răng (nhưng không phải là kem đánh răng gel) và làm theo cách như dùng defogging.

Lời góp của thợ lặn thứ năm:
Để kính không bị đọng sương trong khi lặn: Bôi một giọt defogger vào mắt kính và rửa nó. Hoặc bôi nước miếng của bạn lên bên trong mắt kính lặn rồi sử dụng luôn.
Sau mỗi khi lặn, bạn rửa sạch kính lặn bằng nước ngọt. Sau đó bôi chút kem đánh răng và dùng ngón tay chà bên trong. Sau đó rửa sạch. Không cất kính lặn ở nơi nóng nực, bị nắng.

Lời góp của thợ lặn thứ sáu:
- Để tránh nấm mốc, bạn rửa sạch kính trong nước âm ấm, và chờ nó khô hoàn toàn trước khi cất. 
- Để kính bị ép trong một thời gian dài sẽ làm cho vành silicone bị méo mó không thể hồi phục. 

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Những hòn đảo bỗng biến mất. P2 - Đảo Hòn Tro

(Theo dantri.com và vài tài liệu khác, trích)

Hòn Tro là một đảo nhỏ với diện tích khoảng 16 km², hình thành vào năm 1923, thuộc vùng quần đảo Phú quý (*) tỉnh Bình Thuận
.

Ngày 15/2/1923, vùng biển thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh, kéo dài một tuần liền, nhà cửa nghiêng ngả, người đứng không vững. Thủy thủ tàu Vacasamaru, Nhật bản, khi đi ngang cù lao này, thấy đám khói đen dựng đứng kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn 2.000 m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt. Ngày 8/3/1923 cù lao Hòn phun ra những chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn và đất. Trước mỗi đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá tung lên sáng lóa. Ngày 15/3/1923, núi lửa đã ngừng phun nhưng hòn đảo còn nóng âm ỉ. Tới ngày 20/3/1923, động đất lại xảy ra, núi lửa phun trở lại. Hòn đảo đó là Hòn Tro. Hiện Hòn Tro đã chìm.

Ngày 8/2/1923, một tàu hải quân Anh, khi đi qua vùng này, còn phát hiện thêm một hòn đảo khác với chiều dài 30,5 m, cao 0,3 m, cách Hòn Tro 3,7 km cũng đã phun lửa cao 12 m, xung quanh nước xoáy rất mạnh. Ngoài đợt hoạt động vào năm 1923, tại khu vực Hòn Tro và một số vùng xung quanh, hoạt động động đất và núi lửa đã xảy ra hai lần vào cuối thế kỷ thứ 19 và sớm hơn nữa. Các nhà khoa học cho rằng ở Nam Trung bộ vẫn có thể xuất hiện hoạt động núi lửa, đặc biệt ở khu vực Hòn Tro.

Các tài liệu khác nói về “hai hòn đảo ngoài khơi Trung bộ vào năm 1923”:

Ngày 2/3/1923, tàu máy hơi nước Wakasa Maru, Nhật, đi từ Hồng Kông đến Singapore nhìn thấy ngoài khơi bờ biển Đông Dương ở tọa độ …Bắc và …Đông, phía nam đảo Phú Quý, một cột khói mà thuyền trưởng Horikawa và các thủy thủ nghĩ là một vụ cháy tàu. Thuyền trưởng Horikawa cho thay đổi hướng đi của tàu với dự định tiếp cứu thủy thủ đoàn chiếc tàu lâm nạn. Đến gần hơn, họ nhận ra đó là một vụ phún xuất hỏa sơn. Cột hơi nước và khí lên cao đến 2.000 m.

Ngày 8/3/1923, tàu Carlisle, Anh, phát hiện ở tọa độ nói trên một đảo núi lửa nhỏ dài 450 m và cao 30 m. Ngày 13/3/1923, đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được lệnh thực hiện một cuộc thám sát hòn đảo mới. Các kết quả của cuộc thám sát, kèm theo một bản đồ, được trình cho Viện hàn lâm khoa học Pháp sau đó.

Một cuộc đổ bộ lên đảo được thực hiện ngày 17/3/1923. Đảo được hình thành bởi một đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ - hiển nhiên là tro núi lửa; và do đó đảo được gọi là Hòn Tro. Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh. Khối lớn nhất cao 0,75 m và có bề ngang 0,5 m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra. Tổng thể này vả lại ít rắn chắc và không chịu đựng được sóng biển. Miệng hố từ đó thoát ra tro và hơi nước nằm ở phía bắc đảo. Các thăm dò độ sâu cho thấy đảo nhỏ này rất dốc. Cách xa bờ 150 m, độ sâu đã ngoài 30 m. Cách xa bờ 1 km, độ sâu là 100 m. Cư dân đảo Phú Quý kể lại với đoàn khảo sát rằng nhiều địa chấn khá mạnh ở đảo này vào các ngày 10, 12, 16 tháng 2, sau đó yếu dần cho tới 22 tháng 2.

Một cuộc thám sát thứ hai, do Nha hàng hải Sài Gòn thực hiện ngày 29/3/1923, nhận thấy những thay đổi khá quan trọng so với bản đồ thiết lập bởi cuộc khảo sát đầu tiên. Đòng thời Hải quân Anh cũng khảo sát và cho biết rằng ngày 13/5/1923 núi lửa vẫn còn hoạt động và một đảo núi lửa nhỏ đã nổi lên cách đảo thứ nhất 4 km về phía nam. Sự hiện diện của một đáy biển cao cũng được xác nhận cách đảo lớn 2 km về phía tây nam. Sau đó, phún xuất núi lửa ngừng và hai hòn đảo này bị sóng biển bào mòn và chìm dưới mặt nước.

(*) Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai xứ) cách Phan Thiết 120 km về phía Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Tây Bắc, cách Cam Ranh 150 km về phía Nam, cách Côn Đảo 330 km về phía Đông Bắc, cách Vũng Tàu 200 km về phía Đông.
H: "Đội đá vá trời" với "triết lý" rằng, không phải kiệt tác nào, cũng như hòn đảo nào, cũng có thể tồn tại được mãi theo thời gian. (Hình do anh Đỗ Nghĩa cung cấp).