Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Tên các cơn bão nhiệt đới


Ở một đất nước trải dài dọc theo bờ biển như Việt Nam thì khái niệm bão với lũ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Mỗi năm nước ta đón nhận cả chục cơn bão, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Thuở nhỏ, tôi chỉ biết đến bão qua những con số, nhưng khi sang bên Nhật thì lại chỉ nghe nói về bão qua những cái tên. Và những năm ở Nhật đó (2002-2009) tôi bắt đầu nghe truyền thông nước nhà đề cập đến bão bằng cả số lẫn tên, như bão Chanchu (bão Số 1 năm 2006). Lúc đó tôi cũng đã thấy hơi lạ khi có những cái tên bão rất Việt Nam như bão Saomai nhưng lại chẳng ảnh hưởng tới nước ta (nên cũng không được đánh số ở VN).

Đến bây giờ, khi tìm hiểu kỹ lại thì tôi mới biết rằng "Từ ngày 1-1-2000, 14 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương góp tên chính thức gọi bão." (theo thoitiet.net). Và từ đó thì các cơn bão ở biển Đông nói riêng và vùng Tây bắc Thái Bình Dương nói chung mới có tên quốc tế thống nhất được đặt một cách tuần tự theo danh sách được đề cử từ 14 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, bảng tên quốc tế gồm 5 cột 28 dòng (mỗi nước có 2 dòng x 5 cột = 10 tên) như sau:
Đóng góp bởi Cột 1 Cột 2 Cột 3 Cột 4 Cột 5
Cambodia Damrey Kong-rey Nakri Krovanh Sarika
China Haikui Yutu Fengshen Dujuan Haima
DPR Korea Kirogi Toraji Kalmaegi Mujigae Meari
HK, China Kai-tak Man-yi Fung-wong Choi-wan Ma-on
Japan Tembin Usagi Kammuri Koppu Tokage
Lao PDR Bolaven Pabuk Phanfone Champi Nock-ten
Macao, China Sanba Wutip Vongfong In-fa Muifa
Malaysia Jelawat Sepat Nuri Melor Merbok
Micronesia Ewiniar Fitow Sinlaku Nepartak Nanmadol
Philippines Maliksi Danas Hagupit Lupit Talas
RO Korea Gaemi Nari Jangmi Mirinae Noru
Thailand Prapiroon Wipha Mekkhala Nida Kulap
U.S.A. Maria Francisco Higos Omais Roke
Việt Nam Son-Tinh Lekima Bavi Conson Sonca
Cambodia Bopha Krosa Maysak Chanthu Nesat
China Wukong Haiyan Haishen Dianmu Haitang
DPR Korea Sonamu Podul Noul Mindulle Nalgae
HK, China Shanshan Lingling Dolphin Lionrock Banyan
Japan Yagi Kajiki Kujira Kompasu Washi
Lao PDR Leepi Faxai Chan-hom Namtheun Pakhar
Macao, China Bebinca Peipah Linfa Malou Sanvu
Malaysia Rumbia Tapah Nangka Meranti Mawar
Micronesia Soulik Mitag Soudelor Rai Guchol
Philippines Cimaron Hagibis Molave Malakas Talim
RO Korea Jebi Neoguri Goni Megi Doksuri
Thailand Mangkhut Rammasun Atsani Chaba Khanun
U.S.A. Utor Matmo Etau Aere Vicente
Việt Nam Trami Halong Vamco Songda Saola


Dựa vào bảng trên, các cơn bão được đặt tuần tự theo từng cột từ trên xuống, từ trái sang phải, liên tiếp qua các năm, và quay trở lại dòng 1 cột 1 khi hết bảng. Bắt đầu từ năm 2000, các tên sẽ được lấy tuần tự trong Cột 1 từ trên xuống, Damrey đến Soulik; Sang năm 2001, lại lấy tiếp từ Cimaron đến Trami, hết Cột 1 thì quay lên đầu Cột 2, từ Kong-rey đến Vamei (nay là Peipah);... Đến giữa mùa bão năm 2005 thì xài hết bảng (bão Saola 2005) rồi quay lại đầu bảng (bão Damrey 2005);... Đến năm nay 2012 thì bắt đầu từ Pakhar, Sanvu ở Cột 5,... lại hết bảng (bão Saola 2012) và lại quay về đầu bảng (bão Damrey 2012)...

Thực ra, bảng tên này không cố định (bảng trên là bảng dành cho năm 2012), mà sau mỗi mùa bão, người ta sẽ lọc ra những cơn bão lớn hoặc gây tổn thất nghiêm trọng để rút tên ra khỏi bảng cho nó được "lưu danh thiên cổ" và thay thế bằng tên khác. Có một điều thú vị là do tính ngẫu nhiên của thời tiết mà rất nhiều cơn bão có tên do nước này đóng góp nhưng lại "lưu danh thiên cổ" trên lãnh thổ của nước khác:
  • Saomai (Việt: hành tinh Sao Mai, Sao Kim) đổ vào Trung Quốc, thay bằng Son-Tinh (Việt: thần núi Sơn Tinh);
  • Durian (Thái: trái sầu riêng) quét qua Philippines và Việt Nam, thay bằng Mangkhut (Thái: trái măng cụt);
  • Rusa (Mã Lai: con hươu, nai) đổ vào Hàn Quốc, thay bằng Nuri (Mã Lai: một loài vẹt ở Malaysia);
  • Nabi (Hàn: con bươm bướm) đổ vào Nhật Bản, thay bằng Doksuri (Hàn: chim đại bàng, diều hâu);
  • Vamei (Hoa: chim hoét 畫眉) quét qua Malaysia, thay bằng Peipah (Hoa: một loài cá cảnh ở Macao);
  • Pongsona (Hàn: một loài hoa thơm ở Bắc Triều Tiên) quét qua đảo Guam (của Mỹ), thay bằng Noul (Hàn: vầng hồng trên bầu trời).


Ngoài hệ thống tên trong bảng trên, mỗi cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng được gán một mã số theo định dạng YYNN, với YY chỉ năm mà bão phát sinh và NN là số thứ tự của nó trong năm. Và lưu ý là số thứ tự NN này là thứ tự bão hằng năm trong toàn khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, khác với số thứ tự bão hằng năm ở nước ta chỉ được đánh cho những cơn bão đi vào vùng ảnh hưởng đến Việt Nam (biển Đông). Hơn nữa, nhiều cơn bão ảnh hưởng đến Philippines cũng được Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt tên theo hệ thống riêng của họ. Ví dụ, bão Vicente 2012 có mã 1208 là cơn bão thứ 8 trong khu vực được đặt tên quốc tế trong năm nay, cũng là bão "Số 4" tức cơn bão thứ 4 ảnh hưởng đến nước ta năm nay, và có tên Philippines là Ferdie. Sự khác biệt của các hệ thống tên và số trong khu vực cũng gây nhiều phiền toái: Những cơn bão không ảnh hưởng đến Việt Nam thì không có số (VN) nên phải dùng tên quốc tế, như cơn bão Saola được đề cập đến trong chuyến khảo sát biển vừa rồi; Ngược lại, những cơn bão nhỏ ở vùng Biển Đông có khi được VN đánh số nhưng lại không có tên quốc tế (chỉ coi là áp thấp nhiệt đới).

Ngoài khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ra, chỉ có khu vực Bắc Ấn Độ Dương là có bảng tên bão được cấu trúc một cách tương tự: các tên bão được đóng góp bởi nhiều quốc gia, thường không phải tên người và xếp thứ tự theo tên quốc gia chứ không phải theo tên bão. Còn lại thì hầu hết các vùng biển khác đều có bảng tên bão được đặt theo tên người và xếp thứ tự theo tên bão. Hầu hết các bảng tên đều có luật "rút tên" để "lưu đanh thiên cổ", nhưng ở vùng Ấn Độ Dương (Bắc Ấn Độ Dương và Tây Nam Ấn Độ Dương) thì tên bão không lặp lại nên không có luật "rút tên"!


________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Bảng tên bão dùng cho vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)
- Danh sách các tên bão đã "nghỉ hưu" trong vùng Tây Bắc Thái Bình Dương
- Các bảng tên bão trên thế giới
- [VOV] Tên các cơn bão được đặt như thế nào?
- [thoitiet.net] Bão và mấy điều cần nhớ
- Thông tin hiện tại về bão, từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
- Danh sách các mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương

Những ấn tượng sau chuyến khảo sát biển

Sau chuyến khảo sát gấp vội như "cưỡi tên lửa xem hoa", những ấn tượng đọng lại trong mình bao gồm: khái niệm mới "lặn địa hình", bắt đầu ghiền bơi lặn kiểu cá heo, những rạn san hô trải dài từ Vĩnh Hảo - Cà Ná đến Nha Trang - Vân Phong, và bổ sung nhiều kinh nghiệm về môi trường lặn như nhiệt độ, độ sâu, địa hình, luồng lạch, cách xem ảnh vệ tinh.

  • Lặn địa hình & lặn dòng chảy: Từ khi khái niệm "lặn địa hình" được dive master Hùng giới thiệu trong chiến dịch Vùng Vịnh vừa rồi, nhóm lặn nói chung và mình nói riêng có thêm một thú vui mới khi xuống dưới biển. Và trong suốt chuyến khảo sát vừa rồi, mình lại càng bị "nhiễm" thêm cái khái niệm này với ấn tượng khó quên về những tảng đá sừng sững trước mặt, cảm giác len lỏi trong không gian ba chiều của những khe đá, và khi treo mình bên những vách đá dựng đứng cheo leo... Những địa hình thú vị đã gặp vừa qua thì mình chỉ kịp lưu vào ký ức, đến cuối cùng khi ra Nha Trang, mình mới tranh thủ quay một clip ngắn để demo (làm mẫu) cho khái niệm mới này.

    Còn lặn dòng chảy (drift diving) thì mình đã được biết đến qua khoá học lặn bình hơi (scuba) rồi, nhưng đến lần này mình mới được thực hành... với lặn tự do: lặn tự do theo dòng chảy - drift freediving! Kết hợp với kiến thức về các dòng gần bờ (dòng dọc bờ và dòng rút) mà mình đã chuẩn bị trước chuyến đi, lần này mình đã có thể khảo sát cả những rạn san hô dài hơn nửa cây số trong làn nước lạnh cóng, với chiến lược "xuống một chỗ, xuôi theo dòng nước, lên một chỗ khác".

  • Bơi kiểu cá heo - cách dùng chân nhái hiệu quả trên mặt nước: Snorkeling, hay "lặn" ống thở, là món mình từng ghét nhất, một là không thích cái ống thở, và hai là vẫy chân luân phiên (như bơi trườn sấp) với chân nhái trên mặt nước là hết sức kém hiệu quả. Để vẫy chân hiệu quả thì chân nhái phải chìm hẳn xuống nước và buộc người bơi phải chìm nửa người dưới hoặc phải cong chân gập gối để đạp... là những điều mình không thích vì cảm thấy rất mỏi (không được nằm thẳng thoải mái trên mặt nước) mà lại chẳng mấy hiệu quả. Và thế là mỗi khi mang chân nhái, mình toàn phải chui xuống dưới mặt nước cỡ 1-2m để bơi... ... ... cho đến khi TchyA phát hiện ra rằng vẫy chân kiểu cá heo (2 chân vẫy đồng thời như bơi bướm) với chân nhái trên mặt nước hiệu quả ngang ngửa với vẫy chân dưới nước! Điều này đã được các vận động viên vòi hơi chân vịt (finswimming) ứng dụng từ lâu trong các cuộc thi đấu. Và nó cũng đã giúp mình vượt qua được những vùng sóng vỡ (breaker zone) nguy hiểm với những con sóng hung bạo bên trên đập xuống rạn san hô đâm chia chỉa chưa đầy nửa mét ngay bên dưới (ở Cà Ná).


  • San hô dọc bờ biển nam trung bộ: Ngoài "thủ đô lặn biển" Nha Trang ra, bắt đầu từ Vĩnh Hảo - Cà Ná trở lên, dọc bờ biển cũng có không ít những rạn san hô đẹp và phong phú. Đó là kết luận mình thu được qua kinh nghiệm khảo sát thực tế của mình và TchyA cộng với khảo sát qua ảnh vệ tinh. Chỉ có điều là những điểm lặn cách xa Nha Trang có nhiều cái bất tiện như giao thông khó khăn, sóng to gió lớn, và thiếu các dịch vụ du lịch. Trong những đường ngoằn ngoèo ở hình bên thì có vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang đã được nhóm lặn đi thực tế, bờ biển từ vịnh Vĩnh Hy (ngay dưới vịnh Cam Ranh) xuống tới bãi biển Ninh Chữ đã được TchyA khảo sát từ 2010, và dưới cùng là bãi biển Cà Ná đã được mình khảo sát trong chuyến đi đầu tháng 8/2012 vừa qua.

  • Môi trường lặn: Môi trường lặn ngoài thực tế có nhiều yếu tố gây khó khăn cho người lặn (nhất là lặn vo) rất khác với môi trường nhân tạo như hồ bơi. Về nhiệt độ thì ở ngoài biển thường có các tầng nhiệt giảm dần từ trên xuống. Ở những vùng có dòng chảy mạnh hoặc những lúc biển động thì nước lạnh ở dưới sâu thường bị cuốn lên trên mặt làm cho nước bị lạnh một cách bất thường. Về độ trong của nước thì ở những nơi có san hô nước sẽ rất trong (mặc dù xung quanh có thể rất đục), những vùng cát xốp (hạt to) thì nước trong hơn vùng cát mịn, vùng/mùa lặng sóng sẽ có nước trong (dù cho cát rất mịn như ở Dốc Lết) hơn vùng/mùa sóng lớn. Lặn ở vùng nước đục (nhất là lặn vo) thì nhất thiết phải có phao tiêu và dây tiêu để định hướng ở dưới nước, cần có chuông / ống lắc để liên lạc bằng âm thanh giữa các bạn lặn, và nếu lặn sâu thì cần có đèn lặn. Về luồng lạch thì phải biết rõ và tận dụng các dòng nước gần bờ để lập kế hoạch lặn cho phù hợp. Khi lặn ở bãi biển du lịch thì nhất thiết phải có phao tiêu và cờ hiệu để giảm nguy cơ va chạm với các tàu bè trên mặt nước, nhất là những chiếc mô-tô nước (jet ski) phóng vèo vèo rất khó lường. Về địa hình dưới nước thì ta có thể đoán được thông qua địa hình trên bờ, vì chúng thường có sự tương đồng. Và cuối cùng là kinh nghiệm tìm điểm lặn qua vệ tinh của mình và TchyA thì đã đạt tới giới hạn khi nó không thể cho mình thấy được đáy biển sâu hơn 5 mét. Tuy nhiên từ những bãi cạn và những rạn san hô nước nông ta có thể suy ra phần nào khả năng có san hô nước sâu.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Video của tuần.

Xin giời thiệu với mọi người Video Clip của tuần trên DeeperBlue.com. Với tựa đề "4 trò nghịch ngợm để dân lặn vo chọc dân scuba". Ở độ sâu 30m, clip này cho thấy các bạn lặn vo đôi khi cũng rất hài hước và thú vị. Clip cũng cho chúng ta thấy những người lặn vo đúng là dân "tự do" (free) khi nhào lượn giữa các bác scuba cồng kềnh, chậm chạp...;-) Với các bác scuba, chui vào xác tàu là một thách thức lớn trong khi anh chàng lặn vo này ra vào như không.




Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Khảo sát bờ biển từ Phan Thiết đến Nha Trang

Tình hình là đầu tháng 8 này hai thành viên của nhóm là ComputerBoy và TchyA đã có chuyến khảo sát các điểm lặn từ Phan Thiết đến Nha Trang nhân dịp du lịch hè cuối năm học: từ Mũi Né, ra đảo Phú Quý, lên Cà Ná, đến Hòn Mun, Hòn Chồng ở Nha Trang.

Mũi Né

Đi từ dưới lên trên, chuyến khảo sát bắt đầu từ khu du lịch Mũi Né vào ngày 27/7. Xem trên ảnh vệ tinh thấy khu vực resort mình ở (Lotus Muine Resort & Spa) có đá ngầm, mình và TchyA hi vọng sẽ có những khám phá thú vị, nhưng không may là cơn bão Số 4 (Vicente) vừa mới hoành hành xong vài ngày trước đó đã để lại một vùng biển lạnh cóng đầy tảo và sóng lớn khiến cho nước biển đục ngầu. Sóng lớn của bão đã cuộn làn nước lạnh và màu mỡ từ dưới đáy lên (hiện tượng nước trồi - upwelling) nhiều đến độ sóng sóng bạc đầu đưa từng mảng từng mảng bọt trôi dạt lên bờ. Thấy vậy, cả đoàn du lịch chẳng ai dám/thèm xuống biển... trừ 2 tên dị nhân cứ lao thẳng ra ngoài khơi.

Chỉ với quần bơi và kính bơi, mình cùng TchyA lao xuống làn nước lạnh để được cảm nhận cái cảm giác "lạnh ngoài da" thật ấn tượng: Da và tay chân mình cảm thấy lạnh cóng nhưng thân nhiệt bên trong vẫn ổn định. Một kẻ ốm nhom và sợ lạnh như mình mà có thể chịu được cái lạnh cóng đó trong 15-20 phút thì quả là thượng đế thật tuyệt vời! Khoảng thời gian 15-20 phút đó đã đủ cho tụi mình vượt qua vùng sóng vỡ và lặn xuống khảo sát đáy biển. Vừa cắm đầu xuống nước, mình đã nhận được cái bất ngờ thứ hai, đó là lần đầu tiên mình lặn vào một chỗ hoàn toàn tối tăm như vậy. Lặn nước đục ở các bãi biển thì đã nhiều, tuy bên trên không thể nhìn thấy đáy nhưng khi xuống dưới thì vẫn thấy được đáy cát và cảnh vật xung quanh (dù bán kính có thể dưới 1m). Chỉ có lần này mới là lần đầu tiên mình xuống đáy một cách hoàn toàn mò mẫm, không thấy đáy cát, không thấy ánh sáng bên trên, đen như mực! Tầm nhìn kém (có thể nói là bằng không) và sóng lớn đã khiến cho độ sâu 2-3m lúc đó trở thành một cái hố sâu thăm thẳm (và không kém phần rùng rợn). Khi cơ thể bắt đầu run báo hiệu cho sự giảm thân nhiệt bên trong, tụi mình bơi vào bờ và nhảy ùm xuống hồ bơi của resort... mà tưởng như đang nhảy vào một suối nước nóng! Quả thật là "trong cái rủi có cái may" khi được khám phá những điều không tưởng tượng nổi, và đã hiểu làm sao mà các freediver vẫn có thể thản nhiên ngụp lặn bên dưới mặt băng.


Ngày hôm sau ra biển Hòn Rơm, sóng đã lặng hơn gấp nhiều lần, nước đã bớt lạnh, nhưng trong nước biển vẫn còn rất nhiều sinh vật phù du hình tròn (cầu) chẳng rõ là giống chi.




Đảo Phú Quý

Ngang với Mũi Né là đảo Phú Quý, hay Cù lao Thu, Cù lao Khoai Sứ, cách Phan Thiết 100km về phía đông. Ở đây cũng có rất nhiều thứ để khám phá, nhưng một lần nữa ông trời lại nổi cơn bão tố đuổi tụi mình về đất liền trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tối 28/7 tụi mình lên tàu Quê Hương 2 ra đảo, sáng sớm tới nơi tranh thủ đi một vòng quanh đảo và khảo sát 3 điểm lặn (lặn thực tế 1 điểm), đến chiều tối lại xách túi lên tàu Bình Thuận 16 quay về để tránh áp thấp đang hình thành ngoài khơi của Philippines (tiền thân của bão Saola). Khác với Côn Đảo và Phú Quốc có đường hàng không để về trong trường hợp khẩn cấp, ở Phú Quý mà bị kẹt tàu thì chỉ có nước đợi, đợi và đợi mà thôi. Tuy chỉ có một ngày nhưng chuyến khảo sát cũng khá thành công nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình của em SV CNTT Đ.H.Phúc.


Điểm khảo sát đầu tiên là vịnh Triều Dương với bãi cát dài uốn lượn rất ngoạn mục. Nằm ở bờ nam của đảo, chếch hướng đông nam, vịnh Triều Dương hứng cả gió Tây Nam (mạnh) lẫn gió Đông Bắc (yếu) khiến cho dòng chảy cùng với hình thù của bãi cát thay đổi quanh năm. Mùa này gió Tây Nam thổi mạnh qua eo biển giữa đảo chính và Hòn Tranh (hiệu ứng Bernoulli - gió lùa khe hẹp) tạo thành dòng dọc bờ chảy mạnh đẩy cát sang hướng đông bắc vẽ nên cái "lưỡi cát" dài uốn ngược vào trong (vùng bao bởi nét chấm trắng trên ảnh vệ tinh). Cái "lưỡi cát" cong đó tạo nên một "tiểu vịnh" êm đềm lặng sóng giữa ba bề sóng gió cuồn cuộn. Và những thảm tảo biển trong cái vịnh đó đã đánh lừa tụi mình khi đứng trên bờ mà trầm trồ "À, chỗ này sâu thiệt, chắc wall dive được đây!?" để rồi nhảy xuống mới biết là nước cạn chỉ tới ngang mông! :D Đây là lần đầu tiên mình được tận mắt chứng kiến hiện tượng trôi dạt dọc bờ (longshore drift) là kết quả biến đổi địa hình do các dòng dọc bờ gây nên. Bên ngoài cái tiểu vịnh này có nhiều đá ngầm (có thể có san hô) nhưng tụi mình đã không thể khảo sát được do dòng chảy quá mạnh.


Tiếp theo là bãi Lạch Chỏi với thảm cỏ biển rộng mênh mông và nghe Phúc nói có rất nhiều san hô. Nằm ở bờ tây nam của đảo, bãi Lạch Chỏi hứng trọn ngọn gió Tây Nam để biến lạch nước nhỏ giữa 2 thảm cỏ biển thành một dòng rút mạnh hướng thẳng ra khơi. Muốn tránh dòng rút nên tụi mình đã cố công bò lỏm bỏm trên cái bãi cạn đầy cỏ biển đó, nhưng không ngờ là nó rộng quá nên đi giữa đường đành phải quay trở lại... chạy sang điểm khảo sát chính của kỳ này... Bãi Nhỏ - Gành Hang. Nghe Phúc nói là cả dọc bờ biển phía tây và tây nam này có rất nhiều san hô đẹp, nhưng mùa này thì hầu như không thể ra ngoài được. Ngược lại, vào mùa gió Đông Bắc thì ở đây nước lặng như hồ, ta có thể thoải mái bơi lặn, và bấy giờ thì các lạch nước trở thành nơi neo đậu cho những chiếc thuyền (như trong ảnh vệ tinh).


Bãi Nhỏ - Gành Hang(**) là điểm cuối cùng, cũng là điểm khảo sát chính trên đảo Phú Quý. Nằm ở bờ đông gần góc đông nam của đảo, bãi Nhỏ mùa này nhận gió Tây Nam thổi nhẹ từ bên kia qua. Tận dụng dòng dọc bờ yếu, tụi mình đã lặn dòng chảy (drift dive) từ bãi Nhỏ xéo ra phía hòn đá gần gành Hang rồi vòng ngược dòng trở vô (như đường vẽ trên ảnh vệ tinh; ảnh đã được quay 90 độ). Nhưng tiếc là do sức ép về thời gian (chiều tối phải về đất liền) nên mình đã mang theo máy chụp hình dưới nước... mà quên gắn pin (do tối qua tháo ra để sạc)! Trên đường bơi ra, tụi mình khá lưu luyến với những hòn đá và hố đá kì vĩ tạo nên một địa hình phong phú ngay bên dưới (san hô thì không phong phú lắm). Mang theo hệ thống phao tiêu tự chế, mình đo thấy 3 mét, 5 mét, rồi tới một cái hố 8 mét bên cạnh hòn đá đã chọn sẵn làm đích, tụi mình "thả neo" xuống đó để tập lặn cắm đầu xuống. Cả hai chỉ xuống tới thềm đá ở độ sâu 5 mét để ngắm cái hố sâu 3 mét bên dưới thôi, chứ lần đầu lặn sâu trong một ngày khảo sát mệt mỏi này, không ai được phép mạo hiểm xuống dưới đó. Khi ngược dòng nước bơi vào bờ, TchyA đã phát hiện ra một điều hết sức quan trọng, đó là bơi kiểu cá heo với chân nhái trên mặt nước rất hiệu quả (so với kiểu vẩy chân luân phiên).


Bên trái của bãi Nhỏ là gành Hang (như hình bên). Gành Hang bao gồm hai bức tường đá chồm ra biển, tường đá đen bên trái và tường đá đỏ bên phải kẹp lấy một cái lạch cạn ở giữa. Và phần nhô ra của hai bức tường này bao lấy một cái tiểu vịnh có "thành cao hào sâu", địa hình rất hấp dẫn.

Tiểu vịnh Gành Hang, chụp từ bên vách đá đen.


Đá đen thì cứng, còn đá đỏ thì đang phong hoá thành đất đỏ. Nên khi leo thì chớ có bám/đạp vào đá đỏ!


Có lẽ đá đỏ, đá đen và địa hình là những đặc sản của Phú Quý.



Cà Ná


Từ Phan Thiết đi lên khoảng 100km, mình dừng chân ở khách sạn Cà Ná để khảo sát vùng biển có san hô ven bờ đầu tiên (tính từ trong nam ra). Nằm trong khu bảo tồn Hòn Cau - Vĩnh Hảo (*), Cà Ná - Hòn Cau - Vĩnh Hảo tạo nên một tam giác với nhiều loài san hô, cá, sứa, rong tảo. Tuy nhiên, trong những ngày này, ảnh hưởng của bão Số 4 vừa rồi và áp thấp nhiệt đới đang hoành hành ngoài khơi đã làm cho sóng to gió lớn dữ dội. Trong 2 ngày ở đây, tận dụng dòng dọc bờ khá mạnh, mình làm 2 chuyến lặn dòng chảy như hình vẽ trên ảnh vệ tinh.

Chuyến thứ nhất vòng qua mũi đá ngăn cách khu du lịch (bên trái ảnh) với khu nhà dân (bên phải ảnh). Chuyến này mình đi vào buổi chiều ngay lúc nước ròng hết cỡ nên việc vượt qua bãi cạn là hết sức khó khăn. May nhờ phát hiện của TchyA ngoài Phú Quý mà mình đã ứng dụng cách vẫy chân cá heo (với nhịp độ nhanh) để lao ra ngoài vượt qua vùng sóng vỡ (biên giới giữa bãi cạn và triền dốc của rạn san hô). Ngay trong bãi cạn cũng đã có nhiều loài san hô đủ màu sắc rồi, nhưng phải lo "rình sóng" và chiến đấu với sóng nên chẳng có thời gian ngắm kỹ. Ra ngoài thì mình thấy có nhiều san hô khối và nhiều tảng đá mọc lên giữa bãi cát tạo nên một địa hình thú vị. Tuy nhiên, khi vào bờ thì mình lại bị con sóng xô vào một khối đá... để san hô cào trầy bụng! Nếu khi ra, mình nằm trong bãi cạn có thể chủ động "rình" lúc sóng yên để luồn lách được, thì khi vào từ vùng nước sâu và không biết trước địa hình bãi cạn, mình đã không thể chủ động tránh né được san hô.

Chuyến thứ hai, rút kinh nghiệm từ chuyến trước, mình đi vào buổi sáng khi nước còn cao, và ra vào qua những lạch/bãi cát chứ không vượt bãi cạn nữa. Tuy sóng lớn tạo nên dòng rút ở những lạch này, nhưng với sự hỗ trợ của chân nhái thì mình đã không gặp khó khăn gì khi ngược dòng quay vào bờ. Mình xuất phát từ Trạm dừng chân Mai Linh và xuôi dòng về bãi cát KS Cà Ná. Ở nửa đoạn đường đầu, mình thấy hầu như toàn là san hô cành. Trên đường đi, do sóng lớn cuộn cát lên làm tầm nhìn rất kém nên từ xa thì mình chỉ có thể xác định san hô qua tiếng lách tách của nó. Cứ đáy cát rồi lại san hô rồi lại đáy cát, hễ nghe tiếng lách tách càng lúc càng to thì biết là đang tiến tới một đám san hô. Những đám san hô cành thì kêu rất to, nhưng những hòn đá san hô khối thì hầu như không kêu (bị tiếng sóng át mất), nên có lần mình đang bơi dưới đáy cát thì bỗng thấy có cái bóng đen đen phía trước, chưa kịp nhận dạng mà tay đã chạm phải một tảng đá dựng đứng ngay trước mặt. Dòng chảy kết hợp với nước đục đã khiến mình phải "một đi qua, đầu không ngoảnh lại", bởi có mấy lần lướt qua những khối san hô đẹp liền quay lại để tìm mà hoàn toàn vô vọng. Ngay trước khi vào bãi cát của KS Cà Ná thì mình thấy một con sứa rất to (có màu hơi đỏ thì phải) đang treo mình vào một khối san hô bay phấp phới trong dòng nước rút như một con diều vậy. Nhưng hiển nhiên là cũng chỉ có thể lướt qua chứ không thể dừng lại chiêm ngưỡng nó được.

Ngoài ứng dụng lặn dòng chảy, bơi cá heo với chân nhái trên mặt nước, mình còn ứng dụng được kinh nghiệm "lạnh ngoài da" nữa. Kết hợp với hoạt động bơi dưới nước (dynamic apnea), mình đã duy trì được thân nhiệt để vượt qua 20-30 phút trong làn nước lạnh cóng do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới.

Vào buổi chiều, mình đi vòng qua biển bên Vĩnh Hảo thì thấy nước triều rút đã làm trơ lên những bãi san hô cành và đá lởm chởm:



Đi một đoạn thì lại thấy những bãi cạn nhô lên toàn xác san hô cành phơi xương trắng.


Trên đó, mình thấy một con sứa to đúng bằng con sứa mình đã thấy hồi sáng (cỡ cái máy laptop). Tuy nó bị mắc cạn nhưng hãy vẫn còn thở đều đặn, đợi con nước lớn lên sẽ trở lại với biển khơi.


Trong một vũng nước ở đó, mình cũng thấy một đơn thể san hô cành nguyên vẹn.

Nhờ đó mình mới biết được là đám san hô cành ngoài kia là quần thể gồm những đơn thể độc lập nên chúng mới nhúc nhích theo con sóng tạo ra tiếng kêu lớn đến vậy. (Lúc trước, thấy chúng nhúc nhích, mình cứ tưởng là "có vài cành bị gãy!")

Và một cái phá (lagoon) tạm trên bãi cạn đó cũng không kém phần đa dạng sinh học.




Cũng trên những bãi xác san hô này, mình được chứng kiến cảnh người dân đem xẻng ra xúc san hô đưa lên bãi cát để phơi khô và đóng bao đưa đi... hằng xe tải (chẳng biết tiêu thụ ở đâu!?)



Không chỉ có san hô cành (chủ yếu xúc trên bãi cạn) mà cả san hô khối cũng bị đục đem lên phơi...


Mặc cho bảng "cấm khai thác..."


Họ vẫn bày bán san hô ngoài đường! (Nhuộm xanh nhuộm đỏ lên bộ xương của những cây san hô tội nghiệp.)



Nha Trang

Rời Cà Ná, mình đi thẳng lên Nha Trang để kết thúc chuyến khảo sát. Đầu tiên là mình mua "gói bơi" của Vinadive để lặn vo, nhưng không ngờ là 1 giờ đồng hồ cho mỗi lần lặn lại quá ngắn cho dân lặn tự do!

Lần đầu tiên, mình vừa xuống là đã gặp ngay bạn lặn... một chú cá lau kính cứ bám sát lấy chân mình. Lắp đặt xong hệ thống phao & dây tiêu, bái bai bạn cá, mình theo dây lặn xuống độ sâu 10 mét... qua 3-5m, một làn nước hơi lạnh, đến 8-10m, mình bị sốc nhiệt khi chạm phải làn nước lạnh thứ hai khiến thao tác thông tai Frenzel của mình trở nên lúng túng và vô hiệu. Mặc dù chỉ mới xẹp có nửa phổi thôi nhưng mình đã chẳng thể nào lấy hơi lên miệng để thông tai được. Còn hai lỗ mũi thì bị áp suất âm trong khoang mũi-miệng làm xẹp lép lại (do mình bóp mũi liên tục để thông tai liên tục từ trên xuống). Nhớ là hồi nãy lúc mình đi theo triền dốc của rạn san hô xuống từ từ cũng đến gần 10m mà đã không gặp tình trạng này. Vấn đề là khi xuống thẳng với da trần, mình đã không chịu được cái sốc nhiệt lần 2. Loay hoay một tí thì đã hết giờ...

Đến lần lặn thứ hai thì mình đành phải mượn cái áo lặn 3mm của dân scuba để mặc vào. Nhờ thế mà không bị sốc nhiệt, nhưng vẫn chưa được thoải mái lắm. Mấy hôm nay qua bao nhiêu chỗ mà chưa được quay cảnh đã khảo sát, nên bây giờ tranh thủ rút máy ra thu hình làm kỷ niệm:

Đây là một hòn đá ngay dưới chỗ tàu đậu.


Còn đây là hệ thống phao & dây tiêu của mình (xuống sâu 8 mét).


Qua đoạn phim trên mình mới thấy rõ sự hấp thụ màu đỏ của nước biển: Dây đánh dấu trên mặt nước còn nguyên màu đỏ, khi xuống cái thứ 2 (-3m) thì thành đỏ sẫm, đến cái thứ 3 (-5m) thì thành hoàn toàn đen kịn!


Và trên chuyến tàu này, mình cũng gặp một spearfisher người Úc đang học... scuba! Thật là ngược, quá ngược với nhóm mình, toàn những người học scuba trước rồi mới tập lặn tự do.


Vào bờ, mình khảo sát kỹ lại bãi biển Nha Trang và thấy rằng tuy ở gần bờ thì bãi cát dốc nhanh xuống khoảng 3m nhưng từ khoảng 5m chỗ dãy phao hiệu ra ngoài thì hầu như không còn sâu thêm nữa, ra mấy trăm mét cũng chỉ 5-6m thôi. (Độ sâu này là lúc nước ròng, khi nước lớn có thể lên thêm 1,5m đến 2m nữa.) Và đi trong lúc gió bão thế này mới biết là vịnh Nha Trang được che chắn rất tốt nên hầu như lúc nào cũng yên bình. Còn tầm nhìn thì biến động từ 4m ở vùng nước sâu (xa đáy) xuống cỡ 2m khi gần đáy. Và cũng như bao lần trước, giữa bãi biển trống trơn thì cái thú lớn nhất của mình là lần theo các cọc và lưới để chơi. Nhưng lần này là lần đầu tiên mình bắt gặp một cái lưới đang sử dụng, có cả phao, cờ hiệu trên mặt nước. (Hồi đó giờ toàn gặp cọc và/hoặc lưới bỏ hoang.)

Cuối cùng, trước khi về TP.HCM, nhờ ảnh vệ tinh Google mà mình phát hiện ra một bãi lặn ngay trong bờ vịnh Nha Trang, đó là Bãi Dương - Hòn Chồng.


Như trong ảnh vệ tinh, bãi biển Hòn Chồng không dốc như chỗ khác mà lài dài ra ngoài với hai bên là hai bãi cạn rất rộngcỏ biển, san hô cứng và san hô mềm đủ màu sắc chỉ cách mặt nước từ nửa mét đến 2 mét. Ở giữa bãi san hô bên phải có mấy hòn đá nhô lên (mấy chấm trắng trong ảnh) tạo thành một "cổng đá hẹp", mình phải uốn người kiểu cá heo mới qua được mà không bị đụng chân. Ra ngoài chỗ hòn Chồng (mũi đá nhô ra biển bên góc trên phải) thì có tường đá khá hấp dẫn... Nhưng mình thử cắm đầu đi xuống theo nó thì mới được khoảng 3m đã thấy một vùng nước đục ngầu, như đang đi vào nơi vô định!? Đi chậm lại thì mới biết là đã hết tường đá và đến triền đá dốc... nước đục như thế suốt ra tới đáy cát (-5m). Vậy là ở Hòn Chồng, tuy bên trong nước trong vắt nhờ rạn san hô, nhưng ra ngoài thì vẫn đục như thường, và đáy cát thì vẫn ở độ sâu chung là 5 mét.

Vậy là ở Nha Trang, muốn lặn sâu hơn 5-7m thì buộc phải ra đảo thôi!

Cập nhật hình ảnh Bãi Dương - Hòn Chồng (8/9)
Cuối tuần vừa rồi (8-9/9), nhân dịp ra Nha Trang mình đã chụp hình, quay phim lại quang cảnh Bãi Dương - Hòn Chồng trên và dưới nước như sau.

Biển Bãi Dương - Hòn Chồng lặng sóng do thềm cát & san hô cạn trải dài, ra tới hòn Bò ngoài kia (giữa hình bên) vẫn chỉ tới ngang ngực. Bên dưới hòn Bò là một "cổng đá hẹp" ngầm dưới nước. Từ hòn Bò đi ra thì nền cát dốc nhanh xuống sâu 5m với nhiều đá ngầm lớn ở khoảng ngang với hòn Chồng.

Từ trong bờ ra tới hòn Chồng, bãi cạn san hô và địa hình đá khối như sau: (Thực ra các clip được quay theo chiều ngược lại, từ ngoài hòn Chồng vào, nên chiều di chuyển trong các clip đều đi từ ngoài vào.)

Bơi ("snorkeling" without snorkel) ở bãi cạn san hô. Rạn san hô với nhiều loài phong phú và đẹp vậy mà có bọn ác dám gán cho nó cái tên "bãi san hô chết" và đang rắp tâm giết chết nó với âm mưu san lấp các rạn san hô làm bãi đáp cho CLB Diều bay!!!


Lặn qua "cổng đá hẹp" bên dưới hòn Bò. (Dù đã chú ý nhưng khi đưa tay qua cổng đá, vẫn bị đụng tay làm khung hình bị rung lắc mạnh!)


Vừa qua "cổng đá hẹp" (phía gần bờ) thì gặp một đàn cá lấp lánh.


Ngoài cùng, ngang với hòn Chồng là những khối đá ngầm lớn, nhưng nước biển khá đục.
______________________________

(*): Khu bảo tồn Hòn Cau - Vĩnh Hảo được đề xuất từ năm 1995, nhưng mãi tới tháng 9/2011 mới được "ra mắt"!

(**): Về "Gành Hang", theo Phúc, người ở đảo Phú Quý, thì Gành Hang là cả vùng bờ biển trải dài từ mũi đá phía đông vịnh Triều Dương đến bức tường đá bên trái bãi Nhỏ. Còn trong bài viết này thì mình gọi bờ biển đó là vùng "Bãi Nhỏ - Gành Hang", tức vùng đất có tên Gành Hang ("Gành" viết hoa), để phân biệt với gành đá có hang cạn bên dưới, mình gọi là gành Hang ("gành" không viết hoa).

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Tai nạn Titanic. P4 – Một số vụ “ngang vai”


(theo Daily Beast, trích)

SS Sultana (1865).
Tàu “SS Sultana” chìm trên sông Mississippi, cách Memphis vài dặm về phía bắc vào ngày 27/4/1865. Ba trong tổng số 4 nồi hơi của tàu bị nổ vào lúc 2 giờ sáng. Tàu Sultana được chở 376 khách và 2.300 tù nhân chiến tranh của Liên minh mới được phóng thích. 1.700 người đã thiệt mạng. Vụ chìm tàu không được dư luận quan tâm vì xảy ra vào lúc gần kết thúc cuộc Nội chiến ở nước Mỹ và vụ ám sát Abraham Lincoln. 

RMS Nữ hoàng Ireland (1914).
Tàu “Nữ hoàng Ireland” chìm tại sông  St. Lawrence ở Quebec, vào ngày 29/5/1914 trong thời tiết sương mù dày đặc, sau khi va phải tàu nhỏ hơn là chiếc “Stortad”. Rất ít thuyền cứu sinh được thả thành công vì tàu đã bị nghiêng chỉ trong vòng 10 phút, và rất nhiều cửa chặn nước của tàu không thể đóng lại được. Con tàu chìm chỉ trong 14 phút. 1.012 người chết trong tổng số 1.477 người trên tàu.

RMS Lusitania (1915).
Tàu “Lusitania” là một trong số ít tàu chạy tuyến Đại Tây Dương vẫn còn hoạt động trong suốt Thế chiến thứ nhất, do được cho là có tốc độ an toàn đối với các tàu ngầm của Đức. Tốc độ của tàu vào loại nhanh nhất thế giới (chỉ sau tàu “Mauretania”) vào thời đó. Bất chấp cảnh báo của Sứ quán Đức vào sáng hôm đó, tàu Lusitania đã rời New York vào ngày 1/5/1915. Ngày 7/5/1915, tàu va phải ngư lôi (có lẽ là thủy lôi-NST) Đức. Tàu chìm sau 18 phút. 1.195 người trong số 1.959 hành khách trên tàu đã thiệt mạng, trong đó có 123 người Mỹ. Có vẻ như sau vụ này, công chúng Mỹ đã chuyển sang ủng hộ việc Mỹ tham chiến.

Mont-Blanc (1917) - vụ chìm “tại bến”.
Mờ sáng 6/12/1917, con tàu của Pháp “Mont-Blanc” đã va phải tàu của Na-Uy “Imo” tại cảng Halifax, Nova Scotia. Tàu “Mont-Blanc” đã bị cháy. Trên tàu có 2300 tấn axit picric, 200 tấn thuốc nổ TNT, 10 tấn bông thuốc súng, 35 tấn benzol. Tới 9 giờ sáng, con tàu phát nổ làm hơn 1.900 người ở khu vực lân cận thiệt mạng và phá hủy toàn bộ nhà cửa trong khu vực.

MV Doña Paz (1987).
Phà “MV Doña Paz” chìm vào ngày 20/12/1987 khi va phải tàu chở dầu tại vùng biển Philippines, khiến 4.341 người thiệt mạng. Chỉ có 24 hành khách sống sót. Người ta tố cáo rằng, tai nạn xảy ra do thủy thủ đoàn mải mê uống bia, xem truyền hình, mà không lưu ý tới hải trình.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Lặn biển Poor Knight. P2 – Hang Mặt trời, Hành lang xanh, tàu Waikato


Chúng tôi thực hiện hai cuộc lặn trong ngày ở Sun Cave và Blue Isle. Chúng tôi bơi giữa những loài sinh vật biển hiền lành, trong màu xanh lơ của đại dương là những quang cảnh đẹp đến mê hoặc, y như hình chụp trong sách hay trên các đoạn phim tư liệu mà tôi đã có dịp xem từ khi còn ở nhà. Bạn hãy thử tưởng tượng mình đang bơi chung với một đàn cá đông hàng nghìn con và chúng không thèm để ý xem mình là ai cả. Thật tuyệt! 

Ngày hôm sau chúng tôi theo tàu đến một địa điểm khác ở Tutukaka để lặn xuống rạn san hô nổi tiếng của New Zealand. Rạn san hô này mọc trên xác hai chiếc tàu lớn đã được dìm xuống khu vực này, chiếc Waikato (mang tên theo một địa danh ở New Zealand) - một tàu chiến cũ đã hết hạn sử dụng, bị dìm vào năm 2000. Chiếc kia là tàu buôn, chiếc Tui - tên một loài chim theo cách gọi của người Maori bản xứ - bị dìm năm 1998. 
 
Ý tưởng đánh chìm những con tàu cũ để tạo những rặng san hô là sáng tạo của ngành du lịch lẫn môi trường sinh thái nơi đây. Bến cảng Tutukaka có khá nhiều sóng ngầm dưới đáy nên một số sinh vật biển không thể sống được. Xác hai chiếc tàu đã tạo nên những nơi trú ẩn lý tưởng để chúng sinh sôi và phát triển. Tiến sĩ Jeron, người tổ chức đánh chìm hai con tàu trên, nói với chúng tôi: “Trong vòng vài chục năm nữa các loài sinh vật biển sẽ tiêu hủy hoàn toàn xác hai con tàu, và các vịnh san hô nhân tạo nơi đây sẽ trở thành 100% tự nhiên. Chúng tôi dự định sẽ đánh chìm thêm một con tàu nữa vào năm tới”. Còn hiện nay thì khách du lịch hết sức thích thú khi được lặn vào bên trong hai con tàu, thám hiểm mọi ngõ ngách của tàu. 

Theo qui định của nhóm “Thám hiểm dưới nước Tutukaka”, những ai có 20 lần lặn xuống chiến hạm Waikato mới được vào bên trong tham quan mọi ngõ ngách của nó. Khi lặn xuống bên chiến hạm, tôi có cảm giác mình chính là thuyền trưởng Cousteau, đang cùng đoàn thủy thủ  lặn xuống biển khơi khám phá những con tàu bị cướp biển đánh đắm thời xa xưa.  

Waikato chỉ mới chìm xuống nước có hai năm mà nhìn từ bên ngoài hầu như không thể nhận ra đó là một chiến hạm nữa. San hô, rong tảo, thủy tức, bọt biển và các loại sinh vật khác đã gặm nhấm và kết dính toàn bộ thân tàu. Bên trong tàu khá tối tăm, là nơi ẩn náu của một số loại cá và những chú tôm hùm to bằng bắp đùi người lớn. (hết)
Hình minh họa: Xác Tuần dương hạm Nurnberg SMS-4.200T ở độ sâu 70m.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Kẻ phá vỡ sự yên tĩnh của xác tàu đắm


(bài của một huấn luyện viên, trích)

Trong tầm nhìn hạn chế, các thợ lặn không biết những gì trước mặt, và đột nhiên, con tàu hiện lên trong “sương mù”. Việc đầu tiên khi nhìn thấy con tàu là sự xúc động. Những câu hỏi xuất hiện: Đây là loại tàu gì? Tên nó là gì? Tại sao nó bị đắm? Có phải nó bị trúng thủy lôi không? Thợ lặn may mắn còn có thể tìm thấy quả chuông có khắc tên con tàu. Thấy một cái chén, cái vò hoặc một cái gì đó để khẳng định nó là ai. Việc tìm ra một xác tàu “không tên” sẽ thúc đẩy thợ lặn đi tìm kiếm các hồ sơ quá khứ của nó nằm trong thư viện – những hồ sơ trước khi tàu chìm, hoặc gặp gỡ Hội Khảo cổ học hàng hải. Thật thú vị khi tìm hiểu nó. 

Tuy nhiên, bạn không bao giờ được quên sự nguy hiểm do độ sâu và thời gian ở dưới nước. Bệnh giải áp(*) luôn chờ đợi để tấn công thợ lặn, kẻ phá vỡ sự yên tĩnh của xác tàu. 

40 mét là giới hạn cho thợ lặn nghiệp dư có đủ kinh nghiệm. Cần thận trọng khi khám phá xác tàu. Lặn sâu không dành cho kẻ thiếu kinh nghiệm, bởi nó nguy hiểm. Có thể bị nguy cơ hết khí thở trong khi đang trong xác tàu, hoặc bị mắc vào lưới hay các thứ khác bên trong con tàu. 

Thợ lặn phải xem xét trước khi chui vào bên trong xác tàu – cần tìm một lối vào phù hợp. Chui qua đống đổ nát của xác tàu rất nguy hiểm. Đống đổ nát có thể được treo một cách không ổn định, nó có thể bị đổ nhào do chuyển động của chân nhái, thậm chí chỉ bởi bong bóng khí của thợ lặn. Có một thợ lặn đã bị mắc kẹt sau một cửa của con tàu và bị giam trong đó. Và anh ta đã được cứu thoát bởi các hành động nhanh chóng của bạn lặn. Nhưng đã có thợ lặn chết vì bị kẹt trong xác tàu. 

Tình huống khi lặn xác tàu diễn ra rất nhanh chóng. Nó trở nên nguy hiểm nếu không có phương pháp kiểm chứng lối ra. Chỉ cần một vài cú vẫy chân nhái ở bên trong xác tàu cũng đủ để cho tầm nhìn bị xuống độ không tuyệt đối. Bên trong một đám mù mịt, ngay cả ngọn đèn mạnh mẽ nhất mà thợ lặn mang theo cũng không giúp họ nhìn thấy lối ra. 

Xâm nhập xác tàu đắm không thích hợp với mọi thời điểm. Nó phải được lên kế hoạch cẩn thận với cùng một cách thức như lặn hang động. 

Và cần lưu ý rằng, một số xác tàu được pháp luật bảo vệ. Đó là những xác tàu có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử. Có 48 xác tàu có niên đại từ thời đại đồ đồng tới năm 1880, và mọi cuộc lặn đều bị cấm nếu không có giấy phép đặc biệt. Một trong chúng là xác tàu Henry-8 bị chìm năm 1545. Chiếc tàu này, sau khi được thợ lặn nghiệp dư tìm thấy, đã được Hội Khảo cổ học hàng hải bảo vệ. Mặc dù có thể thâm nhập những “ngôi mộ chiến tranh” nói trên, nhưng nhiều thợ lặn đã không vào trong xác tàu vì họ cho rằng có thể làm phiền những người đã khuất. 
(*) xin xem tại "Tự điển lanbien" ở bên phải trang blog.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Tai nạn Titanic. P3 – Về mặt cứu hộ


(theo vietnamnet, trích)

Thuyền cứu nạn: Khách đi tàu Titanic gồm 1.316 người, với 325 khách vé hạng nhất, 285 khách vé hạng hai và 706 khách vé hạng ba ; thủy thủ đoàn (khoảng) 900 người ; tổng cộng (khoảng) 2.216 người. Titanic có 20 thuyền cứu nạn, sức chứa tối đa 1.178 người (khoảng một nửa số người trên tàu). Theo thiết kế, Titanic phải được trang bị 32 thuyền cứu nạn (vẫn chưa đủ cho tất cả) nhưng chủ của nó – công ty White Star Line – cho rằng việc có nhiều thuyền cứu nạn sẽ làm mất mỹ quan của tàu, hơn nữa, dù sao đây cũng là một chiếc tàu không thể bị đắm. 

Số người sống sót : Có 215 người thuộc thủy thủ đoàn (24 % trên tổng số thuyền viên) ; có 498 khách (37,8 % trên tổng số khách), trong đó khoảng 2/3 số khách thuộc khoang hạng nhất và khoảng 1/4 số khách thuộc khoang hạng ba.

Titanic không “đánh” tín hiệu SOS: Lúc bị sự cố, tàu Titanic đã phát tín hiệu “CQD” để xin cứu hộ. Sau đó, khi được một hành khách đề nghị, Titanic mới phát thêm tín hiệu “SOS”. Tới lúc đó các đội cứu hộ không phải của nước Anh mới hiểu rằng Titanic đã gặp nạn.

Số liệu: Hội nghị Radiotelegraphic, Berlin, năm 1906, đã thống nhất áp dụng tín hiệu “SOS” để xin cứu hộ khẩn cấp, với quan niệm rằng, ba chấm (“S”), ba gạch ngang (“O”) và ba chấm (“S”) viết liền sẽ không thể bị hiểu sai. Tín hiệu “SOS” được thông qua bởi nó dễ nhận biết và không thể gây nhầm lẫn ý nghĩa, đồng thời đơn giản hóa cho người “đánh” tín hiệu. Mặc dù tín hiệu “SOS” được quy định áp dụng vào năm 1908, nhưng việc sử dụng tín hiệu “CQD” (xin cứu hộ khẩn cấp – theo quy chế của nước Anh) vẫn còn nán lại ở Anh cho tới năm 1935.

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Công nghệ cao cho lặn vo.

Công ty hàng không vũ trụ Smith Aerospace Corp. đã cho ra đời một sản phẩm phục vụ giới lặn vo nhờ những kiến thức và kinh nghiệm thiết kế các vật thể bay và khí động học của mình.DOL FIN -X20 là sản phẩm mới nhất đã được các vận động viên free dive hưởng ứng. Quá trình thiết kế kiểu chân bơi này đã được bắt đầu từ mười năm trước bởi Ron Smith, chánh kĩ sư và cũng là ông chủ Smith Aerospace.
Chân bơi DOL-Fin-X-20
Theo thông tin trên trang web của công ty
Kết hợp các thuộc tính hiệu năng bơi cao, dễ sử dụng, tiện nghi và độ bền bỉ khắt khe, chân bơi X-20 được chế tạo bởi qui trình sản xuất chất lượng cao thể hiện một cách rõ ràng xu thế của thiết kế khác thường về monofin. DOL -Fin -X20 rỏ ràng đã cách mạng hóa môn thể thao freediving. X-20 sử dụng giày Shimano SPD nhằm đạt tới giao diện thuận tiện tối đa với người lặn cả trong vùng nước ấm hay lạnh.


Petre Scott - free dver người Canada và chân bơi  DOL-FIN-X-20 trong một cuộc thử nghiệm.
Tui thực sự ấn tượng khả năng "lượn" của loại chân bơi này trong clip dưới đây. Khi đạt tới độ sâu nhất định, anh chàng free diver này cứ thế lướt trên bề mặt rặng san hô mà chẳng cần dùng tới sức lực của mình. Giống như bác HCQ chơi dù lượn, nhảy từ đỉnh núi xuống rồi cứ lượn lòng vòng giửa hai tầng khí áp cho tới chán thì hạ xuống. Nói theo thuật ngữ của lặn vo thì anh chàng trong clip này thực hiện "static" trong "dinamic" ;-)




 Với các "fan" lặn vo của Blog chúng ta, thứ đồ chơi công nghệ cao này còn quá tầm với (DOL-Fin-X-20 giá 850USD). Quân ta chắc vẫn cứ bằng lòng với các công cụ truyền thống mà thôi.

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Lặn biển Poor Knight. P1 – Hiệp sĩ nghèo


(sưu tầm, trích)

Tutukaka, thị trấn ven biển bắc New Zealand, là nơi hội tụ của các thợ lặn chuyên nghiệp trên thế giới, nhà khảo cứu đại dương và khách lặn. Tutukaka theo tiếng thổ dân Maori nghĩa là “Thiên đường của chim chóc và cỏ gai”. Cách Tutukaka một giờ rưỡi tàu chạy là đảo Poor Knight, nơi được nhà thám hiểm JY.Cousteau, với con tàu Calypso, xếp vào danh sách 10 đảo và vùng biển có cảnh quan dưới nước đẹp nhất thế giới. 

Cái tên Hiệp sĩ nghèo bắt nguồn từ chuyến thám hiểm của thuyền trưởng James Cook. Trong chuyến đầu tiên đến New Zealand, ông dừng lại nơi đây khi lương thực trên tàu đã cạn. Đến bữa, đầu bếp dọn cho ông một cái bánh ngô và một trứng luộc. James Cook nhìn vào bữa ăn và gọi luôn hòn đảo này là “Hiệp sĩ nghèo”.

Từ trên cao nhìn xuống, hòn đảo trông na ná như hiệp sĩ Đông ky sốt trên con chiến mã gầy còm. Đoàn chúng tôi, những sinh viên đa quốc tịch thuộc ngành hải dương học của Trường bách khoa Bay of Plenty ở Tauranga, đến với Poor Knight để dự chuyến du khảo đặc biệt trong chương trình học. Trong đoàn 30 người chúng tôi có nhóm hướng dẫn viên ở Tutukaka, trong đó có hai người là sinh viên cũ của Trường, nên chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tàu chúng tôi cũng mang tên Calypso.  

Nhìn trên mặt nước, hòn đảo không có vẻ gì khác thường, nhưng khi lặn xuống dưới nước thì quả là một thiên đường. Poor Knight có những điểm lặn nổi tiếng như Hang Mặt trời (Sun Cave), Vịnh Hi vọng (Hope Bay), Hành lang xanh (Blue Isle). Ở Sun Cave, vào đúng giữa trưa, mặt trời chiếu qua hai kè đá xuống tận đáy sâu làm cả hang động tỏa sáng màu xanh lam. Hope Bay có các vách đá bao quanh, là nơi thợ lặn tránh những đợt sóng ngầm khi biển động. Blue Isle là một rặng đá ngầm dài gần một km được phủ kín bởi một loại rong biển có màu xanh rêu. 

Không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt vời dưới nước, người lặn còn được tiếp xúc thật gần gũi với hàng nghìn loài sinh vật biển, từ những loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá đuối … cho đến những sinh vật rất nhỏ như thủy tức. Cá ở đây không sợ người. Những con cá thu to gần bằng một người lớn bơi đến bên cạnh, ngửi tay và lượn xung quanh chúng tôi. Nếu may mắn, bạn có thể gặp cá heo. Gặp cá heo là điều mơ ước của người lặn biển, bởi cá heo có thể chơi đùa với con người nhiều giờ mà không biết chán. Nhưng Poor Knight cũng có những cư dân dưới nước mà bạn không muốn gặp chút nào. Đó là những con cá bò cạp mang đầy gai độc, cá đuối điện và cá mập. Tuy nhiên, nếu không động chạm đến chúng thì cũng chẳng việc gì. Ở đây chưa ghi nhận trường hợp người lặn nào bị chúng tấn công. 

Hình: xác tàu Titanic (không liên quan bài viết)

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Tai nạn Titanic. P2 – Về mặt quản lý (hệ thống lệnh Tiller Orders và hệ thống lệnh Rudder Orders)

(Theo TG, trích)
Thiên hạ vẫn nghĩ con tàu chìm vì chạy quá nhanh nên lúc tảng băng khổng lồ xuất hiện thì đã muộn. 

Theo bài viết của Louise Patten, cháu gái của Charles Lightoller – thuyền phó hai tàu Titanic – thì tàu Titanic có dư thời gian để tránh tảng băng, nhưng do người lái tàu bẻ đã bánh lái ngược hướng. Tới khi sai lầm này đang được sửa chữa thì một bên thân tàu đã va chạm với tảng băng.
Số liệu này được công bố sau gần 100 năm sau thảm họa. Charles Lightoller đã không dám nói ra sự thật. Người mà Charles Lightoller tiết lộ là bà Sylvia Lightoller, vợ ông. Sau khi Charles qua đời, bà vẫn không dám công bố sự thật về vụ đắm tàu Titanic. 

Louise Patten cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt quan tâm tới sự kiện tàu Titanic. Bà của tôi tiết lộ với tôi những gì đã xảy ra trong đêm bi kịch đó. Và chúng tôi vẫn bàn luận về nó mãi về sau. Bà mất năm tôi 16 tuổi và mặc dù bà không hề dặn không được hé lộ điều gì, tôi cũng chẳng kể cho ai khác nghe. Mẹ tôi nhấn mạnh: Chuyện này phải tuyệt đối giữ bí mật trong phạm vi gia đình. Gần 40 năm sau, khi bà và mẹ tôi mất, tôi quyết định viết cuốn sách này, bởi tôi bị ám ảnh với ý nghĩ, tôi là người cuối cùng biết được sự thật về nguyên nhân vụ đắm tàu Titanic”. 

Thời điểm năm 1912 đã có sự thay đổi cơ bản trong ngành hàng hải quốc tế, đó là sự chuyển hẳn từ tàu buồm sang tàu máy hơi nước. Sự thay đổi ở chỗ, về mặt quản lý, có hai hệ thống lái hoạt động theo nguyên tắc khác nhau, hệ Tiller Orders – hệ thống lệnh hệ tàu buồm, và hệ Rudder Orders – hệ thống lệnh hệ tàu máy hơi nước, và hai hệ thống lệnh này khác nhau, có lúc ngược nhau (ví dụ muốn quẹo trái thì lệnh này hô xoay bánh lái qua trái nhưng lệnh kia lại hô xoay bánh lái qua phải). Một số thành viên thủy thủ đoàn tàu Titanic vẫn chưa quên phản xạ theo Tiller Orders, trong khi số khác đã hoàn thiện theo Rudder Orders. Thuyền phó nhất, William Murdoch, thấy tảng băng trôi cách tàu hai dặm, đã lệnh cho người lái tàu, ông Robert Hitchins, bẻ lái theo lệnh Rudder Orders, nhưng Hitchins đã phản ứng theo lệnh Tiller Orders, nên đã bẻ lái ngược lại. Do chỉ là một mệnh lệnh đơn giản nên viên thuyền phó đã không theo dõi kết quả thực hiện. Khi được nhắc sửa sai thì đã quá muộn.  


Và cộng thêm một quyết định sai lầm: Bruce Ismay, chủ tịch công ty White Star Line, sở hữu tàu Titanic, yêu cầu thuyền trưởng phải cho tàu đi tiếp. Việc tiếp tục di chuyển khiến nước ồ ạt tràn vào phần nứt lủng làm tàu bị đắm nhanh chóng. 


Hình: Titanic trong xưởng.