Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Quá lâu không lặn và sau cú khởi động lại: P1 - Sau sáu năm

Bài của Phan Thanh Tâm với tựa đề Nhật kí Biển Đỏ (trích).

Sharm el Sheikh nằm ở mỏm phía Nam bán đảo Sinai thuộc biển Đỏ. Nước biển ở đây trong suốt như pha lê với 250 bãi san hô và hơn 1.000 loài cá biển. Với khí hậu nắng ấm quanh năm, đây là thiên đường của những người đam mê lặn biển khám phá thế giới đại dương đầy màu sắc. Thời điểm đầu tháng 11 không phải là mùa cao điểm nhưng các resort 5 sao đều kín phòng. Khách du lịch đến đây phần lớn là người Nga, phần còn lại là người Anh, Pháp, Đức, Ý ... Phải nói đây là một điểm nghỉ mát lý tưởng cho mọi đối tượng, từ gia đình đông con, người già về hưu cho đến thanh niên độc thân hay những đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật.

Tôi đến đây với chồng và con nhỏ, nhưng điều đó không ngăn trở việc đi lặn biển, môn thể thao yêu thích của tôi. Tôi học lấy bằng PADI từ năm 2002 và lần cuối cùng tôi lặn là năm 2004 ở Hikkaduwa, Sri Lanka. Vậy là đã 6 năm rồi, tôi không chắc là mình còn nắm vững những kỹ thuật lặn. Tuy nhiên tôi vẫn đăng ký đi lặn với CLB lặn Sinai ở đây.

Hôm đó rất đông, khoảng hơn 20 người trên chiếc xe buýt đưa chúng tôi ra bến cảng. Tới bến cảng tôi mới nhận ra rằng 20 người chúng tôi chỉ là con số lẻ trong đám đông hàng trăm người đang xếp hàng ra tàu. Có lẽ không nơi nào như nơi đây các du khách đều là thợ lặn, từ phụ nữ mập mạp tuổi trung tuần đến cô gái yểu điệu thướt tha trong chiếc váy mỏng tang. Họ làm tôi thực sự phấn chấn.

Lúc chuẩn bị đồ lặn, ráp “bạch tuộc” vào bình ôxy, tôi hơi lúng túng vì không nhớ rõ thao tác, phải nhờ chồng giúp. Khi đó tôi cảm nhận rằng tôi chưa sẵn sàng cho chuyến lặn này. Tuy nhiên tôi không có lý do gì để rút lui, mọi thứ đã sẵn sàng. Và tôi đã nhảy xuống nước như một thợ lặn.

Hướng dẫn viên (HDV) ra hiệu cho mọi người chìm dần xuống, tôi vẫn nhớ xả hết không khí trong áo phao, cân bằng áp suất ... Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Xuống tới đáy chúng tôi ra hiệu OK và mọi người bắt đầu bơi theo HDV. Chưa đầy 1 phút, nước bắt đầu tràn vào kính lặn, tôi nhớ lại phương pháp “rửa kính lặn” – cho kính hở ra một chút rồi thở mạnh ra từ mũi. Có lẽ tôi mở quá nhiều nên nước tràn vào càng nhiều hơn, tôi hơi hoảng nhưng vẫn cố thử lại lần nữa, lần này nước vào ồ ạt và ngập đầy kính lặn, nước bắt đầu tràn vào mũi rồi xuống họng mặn chát, tôi không thể thở được nữa vì mỗi lần hít vào tôi lại bị sặc nước. Tôi rối rít xua tay báo hiệu “có điều bất ổn” và bơi lên mặt nước khẩn cấp. HDV lập tức nổi lên ngay sau tôi và hỏi có vấn đề gì. Tôi kể lại sự cố và nói tôi chưa sẵn sàng, tôi không muốn làm ảnh hưởng tới cả nhóm, và tôi sẽ không tham gia buổi lặn ngày hôm nay.

Tôi thấy rõ sự thất vọng của HDV và trong lòng tôi cũng rất thất vọng về mình. Tôi bơi về tàu và quyết định tôi phải tham gia khóa học khởi động lại, tôi phải vượt qua nỗi sợ hãi này và tôi phải tìm lại được niềm vui lặn biển.
(P2. Refreshing course).

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Học chụp hình dưới nước. (tiếp theo)



Bài 1. Lựa chọn chiếc máy chụp hình dưới nước đầu tiên.(tiếp theo)
 

Các tính năng của máy chụp hình dưới nước. 

 Bước đầu tiên, cũng là khó khăn nhất khi mua máy ảnh dưới nước chính là quyết định xem bạn sẽ đạt tới đâu trong nhiếp ảnh của bạn. Càng đòi hỏi nhiều đối với những hình ảnh bạn chụp, càng nhiều lựa chọn mà bạn sẽ phải quyết định. Bước này cũng rất khó vì nó đòi hỏi bạn phải dự tính trước cả năm hoặc hơn thế.
 Các nhà sản xuất luôn luôn nhồi nhét thêm nhiều tính năng vào cái máy nhỏ nhất với giá cả tốt nhất, tuy nhiên luôn vẫn có sự thỏa hiệp ở đây. Đặt mức độ ưu tiên cho các tính năng nào là cần cho bạn nhất chính là bước đi đầu tiên tốt nhất. Sau đây là danh sách các xuất phát điểm chọn lựa máy ảnh tốt nhất.

 Sự có sẵn của vỏ chống nước.

 Ngay cả khi có sẵn các vỏ hộp cho một loại máy ảnh, bạn vẫn cần nghiên cứu các tính năng mà vỏ máy của bạn có. Có thể truy cập mọi nút điều khiển máy không? Có những kết nối nào cho đèn chớp lắp ngoài? Có khả năng gắn thêm ống kính để chụp góc rộng, hay macro gần? Có đầy đủ các khoản mục quan trọng để khảo sát. Có một số máy compact chỉ có một loại vỏ máy trong khi những máy “ngắm và bắn” cao cấp hơn hoặc máy DSLR luôn có vài loại vỏ hộp để lựa chọn.

 Ba loại vỏ hộp khác nhau cho máy Canon G10 

Các nút điều khiển bằng tay (Manual controle).

Đây chính là chọn lựa quan trọng nhất khi bạn lựa chọn máy chụp dưới nước.. Trong khi bạn có thể chụp trên mặt đất với chế độ tự động mà không có vấn để gì, thì trường hợp lý tưởng mà bạn cần khi chụp dưới nước lại là phải có nhiều kiểm soát hơn đối với hình chụp. Đó là vì hai nguyên nhân chính sau:

 Nguyên nhân thứ nhất: Đơn giản là chế độ tự động không hoạt động tốt trong môi trường nước như trên mặt đất. Sử dụng các tính năng của máy để đạt được màu sắc và độ phơi sáng tốt là cách hiệu quả nhất khi chụp dưới nước vì máy ảnh không được thiết kế để làm việc với ánh sáng trong nước

Nguyên nhân thứ nhì: Nhiếp ảnh dưới nước có sự khác biệt. Phần lớn các nhiếp ành gia dưới nước đều muốn có nhiều bức hình họ chụp minh chứng cho những cuộc lặn của họ - họ muốn có thể tự hào với những bức hình này.
 “ Tôi đã có một chuyến đi lặn cùng một phụ nữ, cô này mượn được một máy ảnh compact cho chuyến đi. Cô ấy nói chỉ muốn để mẹ xem những gì cô ấy thấy và không muốn phải “phát cuồng” với chiếc máy ảnh trong khi lặn. Cô bắt đầu bằng chế độ tự động, nhưng càng lúc càng trở nên không vừa ý với chiếc máy ảnh. Tới ngày thứ năm thì chúng tôi chuyển sang chế độ chụp tay. Vào ngày thứ 11 cô ấy đã chụp được những tấm hình đẹp hơn và bắt đầu thích thú với chụp hình và xin lời khuyên nên mua loại máy ảnh nào” Như vậy là, cho dù bạn nghĩ rằng bạn sẽ chỉ chụp hình với chế độ tự động thì việc ở dưới nước sẽ nhanh chóng làm thay đổi điều này.
 Cũng phải nói lại là chụp chế độ tự động còn hơn là không có gì. Với những ai chỉ chụp hình với chế độ tự động thì chỉ cần hiểu những hạn chế trước khi mua máy ảnh không có chế độ chụp tay.
 Nếu bạn chọn máy chụp hình hoàn toàn tự động, thì nhiều khả năng bạn không quan tâm các tính năng khác và chỉ cần chọn khích thước và giá cả.

 Cân bằn trắng bằng tay. (Manual White Balance)

 Cân bằng trắng bằng tay trở nên quan trọng nếu như bạn dự định sẽ chụp hình không có đèn chớp và chỉ dựa trên ánh sáng tự nhiên. Do đặc tính của môi trường nước, hình ảnh dưới nước chỉ dùng ánh sáng tự nhiên sẽ lên màu xanh. Việc điều chình cân bằng trắng bằng tay sẽ loại bỏ được được màu thừa này.
Nếu bạn dự kiến sẽ mua đèn flash, cân bằng trắng sẽ không còn quan trọng nữa.
 Tôi dùng tính năng cân bằng trắng (white Balance) để lấy lại màu sắc hình ảnh khi không dùng dèn chớp.

Lựa chọn ống kính.

Nếu bạn dự kiến sẽ chụp hình bằng máy “nhắm và bắn”, bạn sẽ cần chọn loại vỏ có khả năng lắp thêm “ống kính ướt” (“wet lenses”). Ống kính ướt là loại ống kính bổ sung được gắn ở cổng trước vỏ hộp chống nước để cho khả năng chụp góc rộng hoặc macro gần. Nếu bạn quan tâm chụp góc rộng hay Macro, lý tưởng nhất là bạn nên chọn loại vỏ hộp có thể gắn được ống kính mắt cá loại ướt (fisheye wet lense) của hãng thứ ba, Những ống kính này cho phép bạn tiếp cận gần đối tượng nhất có thể đồng thời cho ảnh kết quả với nhiều màu sắc và chi tiết hơn.

 Nếu chọn lựa của bạn là máy DSLR, mỗi thương hiệu máy đều có các ống kính chất lượng và sự lựa chọn ống kính sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết dịnh chọn máy nào. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo sử dụng đúng loại ngàm tương ứng cho ống kính.

 Sự trễ của màn trập (Shutter Lag)

 Máy chụp hình compact có một sự trễ cố hữu giữa thời điểm khi ta nhấp nút chụp và khi tấm hình thực sự được chụp. Độ trễ này khác nhau tùy theo model. Sự trễ này có thể gây bực dọc khi chụp hình các đối tượng chuyển động như cá hay các động vật hoang dã khác vì khi ta nhấn nút chụp thì đối tượng đã chuyển mất. Hãy kiếm loại máy có độ trễ ít nhất có thể. Máy compact càng cao cấp thì càng được cải thiện và độ trễ càng thấp.

 RAW Files

 Các loại máy khác nhau cho ra các tệp ảnh khác loại nhau. Nếu bạn không có ý định dành nhiều thời gian chỉnh sửa hình ảnh chụp được bằng Photoshop hay phần mềm chỉnh sửa ảnh nào đó thì sự chọn lựa loại tệp ảnh JPEG là ổn. Nếu bạn dự kiến sẽ chỉnh sửa ảnh của mình chụp thì nên chọn loại máy có thể tạo tệp dạng RAW, là loại tệp không nén và giữ lại nhiều dữ kiện nhất có thể vì đó chính là các thuộc tính quí giá khi bạn chỉnh sử hình ảnh.

 Hình ảnh nảy được chụp bằng máy Olympus 5060 và đèn chớp Sealife 960. Một trong các lý do tôi chọn máy Olympus 5060 chính là khả năng chụp ảnh RAW. 

Megapixels 

 Đừng nên để bị gạt bởi Megapixels. Việc gấp đôi số Megapixels không hể gấp đôi độ phân giải, mà chỉ tăng độ phân giải thêm khoảng 40%. Vậy nên từ 8 MP lên 10 MP chỉ tăng độ phân giải quãng 8%. Khía cạnh khác của máy chụp hình, chính là kích thước của sensor quyết định chất lượng của hình ảnh mà nó tạo ra ( Vì thế mà máy DSLR 10 megapixels tạo ra các hình ảnh chất lượng cao hơn hẳn máy compact cũng 10 megapixels Máy DSLR có sensor lớn hơn và mỗi pixel của nó cũng lớn hơn, lưu trữ được nhiều thông tin hơn, và bởi thế nên chất lượng ảnh cũng tốt hơn) Năm 2009 đánh dấu xu thế một số thương hiệu máy ảnh giảm số megapixel của một số dòng máy. Ví dụ như, Canon cho ra G11, con chủ bài của dòng máy point & shoot, với số megapixels ít hơn dòng G10, nhưng với sensor tốt hơn và do đó cải thiện chất lượng ảnh. Trừ phi có nhu cầu in ảnh rất lớn và ưu tiên của bạn là chất lượng ảnh in thì bạn không cần phải lo lắng về megapixels tại thời điểm này.

 Video 

 Nay chúng ta không còn chỉ giới hạn ở hình tĩnh. Phần lớn các máy ảnh loại compact có chế độ video cho phép quay các đoạn phim ngắn, còn hôm nay thì các máy DSLR cũng được trang bị chế độ Video. Quyết định bạn cần có lúc này là chọn chất lượng video theo yêu cầu của mình – là chất lượng chuẩn hay HD thấp trên máy Point & Shoot hay là HD và Full HD trên máy DSLR. Cần nhớ là phim bao gờ cũng có kích thước tệp rất lớn và sử dụng máy ảnh để quay video không phải là lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, một số máy DSLR có tính năng HD có thể tạo video có chất lượng của điện ảnh.

 Kích thước.

 Với một số người, kích thước rất có ý nghĩa. Với những người phải mang lỉnh kỉnh các trang bị lặn và quần áo, thì việc thêm cái máy chụp hình to đùng là quá nhiều, không chịu nổi. May mắn là có cả những máy ảnh có thể bỏ vừa vặn trong túi quần, và vỏ hộp chịu nước nhẹ và nhỏ đủ để có thể đính, treo theo người. Những camera này thường có các tính năng hạn chế, tuy nhiên vẫn còn tiếp tục được cải thiện.
 Nếu như bạn quyết định sẽ lên đường với các phụ tùng như đèn chớp, ống kính bổ sung…thì kích thước của máy ảnh hầu như không còn là vấn đề nữa.

 Một số thứ cần phải để mắt đến…

 Ngày nay, máy ảnh số chịu nước đã khá phổ biến trong giới tiêu dùng, dẫn đến sự tăng vọt các lựa chọn. Máy ảnh chịu nước (waterproof camera), đôi khi được gọi là máy lưỡng cư, được thiết kế sao cho không cần phải dùng tới vỏ máy khi dùng dưới nước. Nhược điểm chính của máy chụp hình chịu nước là nó chỉ cho phép hoạt động ở vùng nước nông. Máy tốt nhất loại này chỉ chịu được tối đa độ sâu 10m/33feet Mặc dù hạn chế được sự đắt đỏ và cồng kềnh của vỏ máy chống nước, sự lựa chọn những máy ảnh chịu nước này chỉ đáp ứng được các chuyến lặn nước nông mà thôi. Tuy nhiên những máy mày rất tuyệt để mang theo khi đi tắm biển, trên du thuyền hoặc lặn với ống thở (snorkeling). Tương lai của những dòng máy chịu nước này sẽ theo hướng nào? Chúng ta hãy cùng chờ xem. Liệu trong tương lai gần có xuất hiện các dòng máy chịu nước được xếp vào hạng máy chụp ảnh cho lặn gải trí? Cũng có thể vậy sau vài năm nữa. Và điều này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thị trường máy hình dưới nước.

 Giá thành trang bị nhiếp ảnh dưới nước.

 Hiển nhiên nhiếp ảnh dưới nước đòi hỏi nặng về trang bị. Giá cả phần lớn các lựa chọn chiếc máy ảnh đầu tiên của chúng có thể đang giảm. Thật không may là ngay cả khi ta chọn thứ rẻ nhất trong những thứ tốt, không có nghĩa ta luôn có thể mua nổi chúng.
Nhiếp ảnh dưới nước không phải là thú chơi rẻ. Vỏ máy, đèn Flash, ngoàm (ports), đèn lấy nét (focus lights), cánh tay đèn và những phụ kiện khác có thể cộng thêm vào chiếc máy ảnh vốn đã đắt tiền trở nên còn đắt hơn nữa. Có hai thứ cần cân nhắc khi đề cập vấn đề ngân sách.

 Ngân sách và cộng thêm 50% 

 Cái đầu tiên cần tính đến là sẽ phải trả nhiều hơn một chút so với ngân sách ban đầu bạn có, đặc biệt là nếu bạn nghĩ rằng sẽ có thể bạn cần nâng cấp máy trong tương lai không quá xa. Nếu như ban đầu bạn mua một chiếc máy nhỏ, đơn giản, chỉ sáu tháng sau bạn lại muốn những tính năng của những máy phức tạp và đắt tiền hơn, thì kết quả là bạn sẽ phải tốn kém hơn. Đây là vấn đề thường xảy ra. Không cần thiết phải có nhiều phức tạp với nhiều tính năng hơn, thì bạn đã có thể luôn tiến bộ cùng chiếc máy ảnh.

 Đừng quên đèn chớp. 

 Chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ: luôn có ít nhất một đèn chớp trong hành lý của bạn. Việc bổ sung thêm đèn chớp (strobe) sẽ tăng chất lượng hình ảnh của bạn nhiều hơn là nâng cấp lên chiếc máy ảnh “tốt hơn". Lý tưởng nhất là mua một đèn chớp hạng trung để bạn có thể chuyển đổi giữa máy, vỏ và các nâng cấp của nó. Cần nhắc lại, chúng ta đã không nhấn mạnh đầy đủ tầm quan trọng của đèn chớp.

 Phụ kiện

 Trong khi các phụ kiện có vẻ được coi chỉ là lựa chọn thêm, thì trong nhiếp ảnh dưới nước nhiều phụ kiện sẽ giúp việc chụp hình thuận tiện và hiệu quả hơn. Ống kính ướt (wet lenses), gá máy (camera stray), cánh tay đèn chớp (strobe arms), và hộp đựng máy chỉ là một vài trong số các phụ kiện phụ giúp bạn chinh phục nhiếp ảnh dưới nước.

 Kế hoạch cho định luật Murphy 

 Nhiếp ảnh dưới nước và định luật Murphy là những kẻ đồng sàng. Hãy lên kế hoạch mua thêm pin dự phòng, vài linh kiện dự trữ và dụng cụ. Đôi khi nên có một bộ dụng cụ sửa chữa nhỏ đi kèm. Lạt nhựa (cable ties), cọ nhỏ, bóng thổi bụi, vài miếng vá tự làm là những thứ hữu ích khi luật Murphy được áp dụng.
 Nhất thiết phải mang theo thẻ nhớ dự phòng, và không quên mang máy laptop hay ổ đĩa cứng. Thứ cuối cùng bạn không muốn xảy ra là làm mất hoặc hỏng thẻ nhớ với tất cả hình ảnh trên đó. Vậy đừng bao giờ quên lưu trữ dự phòng, lưu trử dự phòng , lưu trử dự phòng và bạn sẽ không thể sai.
 Như bạn có thể thấy, khi mua chiếc máy chụp hình dưới nước, tất cả nhữ điều trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi của các trang thiết bị mà bạn cần…

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Lặn xác tàu đắm, tại sao thợ lặn giải trí thích

Tại sao thợ lặn thích lặn thám hiểm xác tàu đắm?

1. Xác tàu đắm tạo ra một môi trường sống cho nhiều loại sinh vật biển. Nó thường dẫn tới việc hình thành một rạn san hô mới.
2. Nó thường là một cấu trúc đồ sộ với nhiều chi tiết, máy móc thú vị - mà thông thường bạn không có điều kiện để được quan sát kĩ khi chúng đang còn nổi.
3. Nó thường có một bi kịch hoặc lịch sử thú vị.
4. Là một thách thức về kỹ năng mới cho thợ lặn (lặn thâm nhập xác tàu là môn lặn rủi ro cao).
5. Đó là một phần của di sản văn hóa và có thể là một nguồn khảo cổ dưới nước quan trọng.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Học chụp hình dưới nước. ( tiếp theo)

Bài 1. Lựa chọn chiếc máy chụp hình dưới nước đầu tiên.

Chọn một chiếc máy chụp hình đưới nước không hề đơn giản. Không có cái máy ảnh chụp dưới nước tốt nhất hay phù hợp nhất, mà chỉ có cái tốt nhất hay phù hợp nhất đối với nhu cầu hay ngân sách của bạn. May thay, cùng với sự phát triển của nhiếp ảnh dưới nước, các nhà sản xuất buộc phải chế ra nhiều chủng loại máy ảnh để đáp ứng một giải rộng nhu cầu và đòi hỏi khác nhau, tạo ra sự lựa chọn cho mỗi đẳng cấp nhiếp ảnh dưới nước.

 Có điều rõ ràng là, khác với các dòng máy ảnh chụp phim đã ngưng được sản xuất, nay hoàn toàn không có máy ảnh dưới nước. Để chụp hình dưới nước bạn cần một máy ảnh kỹ thuật số và một hộp vỏ chịu nước được chế riêng cho chiếc máy đó. Đôi khi máy ảnh vả hộp vỏ được bán cùng nhau, nhưng thường thì không như vậy, cũng có thể nhà cung cấp vỏ hộp chịu nước là bên thứ 3 của thương hiệu máy ảnh. Ngày nay đã có  nhà sản xuất bắt đầu chế tạo các máy ảnh chịu nước, tuy nhiên chỉ hạn chế độ sâu tối đa là 30 feet (10 met) hoặc thậm chí nông hơn.
 Tài liệu hướng dẫn này sẽ chỉ đề cập đến máy ảnh chụp đưới nước là loại máy ảnh kết hợp máy và vỏ hộp chống nước để có thể chụp hình dưới nước.
 Lời khuyên tốt nhất để chọn lựa máy ảnh chụp dưới nước là dựa trên các lựa chọn vỏ hộp máy và phụ kiện. Nếu như bạn đã sở hữu một chiếc máy ảnh và thường sử dụng nó để chụp hình trên bộ và bạn vừa ý với nó, thì cho dù là máy “ngắm và chụp” hay DSRL, sẽ có vỏ máy chụp dưới nước cho nó. Bạn có thể tra cứu ở đây Underwater Photography Equipment Guide để tìm chiếc vỏ hợp phù hợp. Tuy nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn bắt đầu với một chiếc máy ảnh khác dựa theo những tiêu chí và khuyến cáo trong hướng dẫn này.
 Đây là tấm hình được chụp bởi chiếc máy đầu tiên của tác giả bài viết, máy Olympus 5060 với vỏ hộp Olympus 

 Máy Compact hay máy DSLR?

Nếu bạn là người mới bắt đầu chụp hình nói chung thì có lẽ máy compact “nhắm và bắn” là phù hợp nhất vì dễ sử dụng và đa năng. Có các cấp độ máy chụp hình compact khác nhau, từ loại căn bản đến đầy đủ tính năng. Xét về nhiếp ảnh, trong khi máy ảnh DSLR tạo các bức ảnh nói chung có chất lượng tốt hơn máy compact thì về mặt thiết bị chúng lại chẳng có vấn đề gì phải tranh cãi. Nên nhớ là chỉ thiết bị không thôi thì không giúp chúng ta tạo những tấm hình tốt nhất.
DSRL cho phép ta thay đổi các ống kính chất lượng, nhưng không có độ trễmàn trập tốt hơn. DSRL Nói chung có sensor tốt hơn, nhưng lại có giá thành khá cao, nặng nề, kềnh càng và phức tạp.

 Có ba yếu tố cần cân nhắc khi chọn máy ảnh.
 • Các tính năng
 • Ngân sách
 • Kích thước và trọng lượng.

Việc tìm ra sự kết hợp đúng ba yếu tố này tùy thuộc vào sở thích cá nhân và xu hướng chụp hình của bạn. Bước đầu tiên, bạn cần là xác định những tình năng nào là quan trọng nhất đối với bạn. Có thể kích thước gọn là tiêu chí của bạn, mà cũng có thể là ngân sách, vì hạn chế về ngân sách sẽ hạn chế các tính năng mà bạn có thể có cho máy ảnh của mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng sẽ cần tham khảo bài “Các nguyên tắc căn bản của nhiếp ảnh dưới nước” sẽ được giới thiệp sau bài này để làm quen với những đòi hỏi và thách thức của nhiếp ảnh dưới nước mà bạn phải vượt qua.

  Còn tiếp : Các tính năng căn bản của máy ảnh cần quan tâm khi chụo hình dưới nước

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Học chụp hình dưới nước (mở đầu)


Chào mừng bạn tới thế giới diệu kỳ của nhiếp ảnh dưới nước! Giống như nhiều bạn lặn scuba khác, chắc bạn cũng đã từng say mê với vẻ đẹp, sự bí ẩn và kỳ ảo của thế giới dưới nước. Giờ đây bạn đã sẵn sàng để bước tiếp vào hàng ngũ những người chia sẻ niềm đam mê ghi nhận những hình ảnh của môi trường đặc trưng này. Nhiếp ảnh dưới nước có thể sẽ là cuộc phiêu lưu cả đời, có những ý nghĩa rất khác nhau đối với mỗi chúng ta. Cho dù bạn muốn chụp ảnh chỉ để cho bạn bè và gia đình xem, hay là để tạo các tấm hình nghệ thuậtcủa thế giới bên dưới, du hành tới những điểm đến kỳ lạ, hoặc chỉ là chộp lại các tấm hình đứa trẻ chơi đùa trong hồ bơi thì bạn cũng vẫn phải bắt đầu theo một cách nào đấy. Vậy ta bắt đầu chuyến hành trình cùng “Hướng dẫn nhập môn” nhiếp ảnh dưới nước của DivePhotoGuide.


Nào ta bắt đầu Chụp hình dưới nước

 Lúc này hay lúc khác, phần lớn các bạn lặn đều nghĩ tới việc học chụp hình dưới nước. Với giá cả chấp nhận được của máy ảnh kỹ thuật số và khả năng ngay lập tức thấy được thành quả của sự nỗ lực đã hạn chế những rào cản của việc học và thử nghiệm tới mức gần như bằng không. Việc thêm khả năng quay video clip cho các máy ngắm và chụp càng tăng thêm sự hấp dẫn và khả năng ghi lại các thời điểm và cảm nhận đáng nhớ của các chuyến lặn. Học nhiếp ảnh dưới nước có thể rất bổ ích và đôi khi cũng rất thách thức.

DivePhotoGuide sẽ hướng dẫn bạn hiểu được bằng cách nào và bắt đầu từ đâu với niếp ảnh dưới nước. Hướng dẫn này cũng cung cấp các lời khuyên thực hành để bắt đầu nhiếp ảnh đưới nước.

Để chụp hình dưới nước, ta cần được trang bị thiết bị nhiếp ảnh dưới nước. Vậy bài sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những trang bị này

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Góp bài cho blog

Võ sư Hoàng Quang cùng gia đình đang luyện võ (tui nghĩ vậy) dưới đáy đại dương. Trong hình, kẻ đang tự bóp mũi mình chính là "khổ chủ".
(hình do a.Hoàng Quang - một trong những kẻ lần đầu lặn biển ở tuổi sáu chục - cung cấp).

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Cafe Scuba: Thông báo

Chào các bạn blogger.

Mời các bạn tham dự buổi gặp mặt offline tại Caffee "Thư giãn thời @" - 21/3 Lý Chính Thắng - Q3 (gần ngã ba Hai Bà Trưng X LCThắng). Thời gian lúc 16h30 ngày thứ sáu 23/09/2011. Có nhiều thông tin muốn chia sẻ: Chuyến khảo sát Côn Đảo của ComputerBoy và đặc biệt là chuyến Dive Sipadan, Malaysia. Chúng ta cũng sẽ cùng trao đổi các cách thức, biện pháp để tăng cường các hoạt động hữu ích của môn thể thao này.
Xin mời tất cả những ai quan tâm đến dự buổi giao lưu cafe này.
Thông tin liên hệ: xin gửi sms đến 016 380 43709


"Giấc mơ đại dương" Mời thưởng thức một clip của EPSON - làm tại biển Đỏ - Israel

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Sự thật đau lòng

Lặn biển ở Việt Nam có một thiệt thòi lớn, đó là do sự đánh bắt thủy sản theo kiểu "tận diệt" đã làm cho bờ biển VN không còn cá lớn. Các rặng san hô đang được hồi phục dần tại các vườn quốc gia, tuy nhiên cá cũng chỉ có các giống be bé. Chúng ta có thể đọc được những tin như thế này thường xuyên, trên báo giấy cũng như báo mạng.

 Một con cá Whale Shark nặng 2 tấn bị ngư dân Cà Mau kéo lên cạn. Chỉ mấy phút sau con cá chết.


Lời góp về lanbien-scuba

(bài trên mạng)
Sáng hôm nay là một ngày đẹp trời cho chuyến lặn của chúng tôi.
Chuyến đầu tiên là lặn vào hang động. Lúc này thủy triều đã dâng tới đỉnh và dòng chảy gần như đã ngừng. Vào cuối cuộc lặn, khi chúng tôi trở về, dòng chảy bị đảo chiều. Tuy gặp khó khăn ở lúc bơi vào và bơi ra, nhưng chúng tôi vẫn có một thời gian tuyệt vời, với nhiều động vật biển như rùa đốm, morays, một quần thể moorish, trevally, và những cá vẹt to lớn. Là thợ lặn thực tuyệt vời, họ có điều kiện để mắt tới cuộc sống ở dưới biển.
Chuyến thứ hai lặn dọc rạn san hô. Bạn lặn trong nhóm tôi, Angler, gặp chút khó khăn bởi những đợt sóng biển ngày càng tăng. Nhóm lặn đã thành công xuất sắc, men theo rạn san hô và nhìn thấy rất nhiều tôm hùm, morays, cá bọ cạp, sò ốc, bọt biển, cua.
Cảm ơn vì tất cả.
Larry.
Hình minh họa: hai chàng thợ săn.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

LẶN BIỂN TẠI SIPADAN, MALAYSIA

Đảo Sipadan nằm ngoài khơi bờ phía đông của Đảo Boneo, thuộc bang Sabah của Malaysia.
Đảo Sipadan từ lâu đã đươc biết tới như là thiên đường cho những người yêu thích môn lặn biển. Hòn đảo này đã được nhiều tạp chí lặn trên thế giới bầu là một trong những điểm lặn đẹp nhất trên thế giới. Sipadan với hơn 3000 loài cá và hàng trăm loài san hô, trong đó đặc biệt ấn tượng ở đây là các đàn cá nhồng (barracuda), cá nục mắt lớn (big-eye trevally) với số lượng mỗi đàn tới hàng ngàn con; ngoài ra không thể không kể tới cá mập (whitetip reef shark, grey reef shark) và rùa (green and hawkbill turtle) mà số lượng nhiều tới mức có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai lặn ở đây.

Đảo Sipadan



Sipadan thực chất là một công viên biển nên mọi người không được phép sinh sống trên đảo. Khách du lịch lặn biển tới khu vực này phải ở trên đảo Mabul hoặc Kapalai, cách Sipadan khoảng 30 phút đi ca nô. Các điểm lặn ở đây nằm rải rác quanh các đảo Mabul, Kapalai và Sipadan và là sự kết hợp của các bãi cạn gần bờ với các bờ dốc đứng.

Các điểm lặn đẹp nhất là các điểm lặn xung quang đảo Sipadan trong đó điểm lặn nổi tiếng nhất là Barracuda Point nơi có những rặng san hô tuyệt đẹp, cơ hội để chiêm ngưỡng những đàn barracuda, jackfish, bumhead parrotfish và white tip shark và cả hammerhead shark nếu bạn may mắn.

Bigeyes Travelli

School of barracuda


Khi bạn lặn giữa đàn cá barracuda hay với năm hay sáu con cá mập bơi xung quanh thì cảm giác thật là đặc biệt, khá là hồi hộp nhưng cũng đầy phấn khích.


Whitetip shark


Green turtle



Soft coral tại đảo Kapalai


Với mục đích bảo vệ hệ sinh thái ở đây, mỗi ngày chỉ có một số lượng khách tối đa khoảng 120 người được phép tới lặn, snorkelling ở đảo Sipadan. Số khách này được chia đều cho khoảng 4 resort lớn trên đảo Mabul, một resort trên đảo Kapalai. Ngoài ra có một số nhà nghỉ dành cho khách du lịch bụi (backpackers) trên đảo Mabul.
Để được phép lặn tại Sipadan mỗi khách lặn sẽ phải trả một khoản phí là 40 Ringit một ngày, tương đương với khoảng 270 ngàn Đồng Việt Nam.
Sipadan thu hút khách lặn biển từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều divers đã trở lại đây hàng năm để được lặn tại Sipadan.

Trên dive boat

Trên đảo Sipadan với một diver người Nhật


Ngoài Sipadan thì đảo Mabul và Kapalai cũng là những điểm lặn khá đẹp, nơi mà rặng san hô đang phát triển ngay bên dưới các khu resort gần bờ và chỉ cần bước xuống nước là bạn đã có thể bắt đầu ngay chuyến thám hiểm của mình. Các loại cá như lionfish, frogfish, scorpionfish, moray eels…có thể thấy khá nhiều ở đây.

Coral trên đảo Mabul

Tại Sipadan Water Village Resort nơi tôi ở có cả một dive center được tổ chức chuyên nghiệp để phục vụ cho khách của resort đi lặn. Trung bình một người ở đây sẽ đi lặn khoảng 3 dives mỗi ngày, ngoài ra khách có thể chọn thêm tour lặn đêm nếu muốn.
Trong 5 ngày ở tại đảo Mabul, trừ ngày đầu tiên có một lần lặn thử tại đảo Mabul, tôi đã có 2 ngày lặn tại đảo Sipadan và một ngày lặn tại đảo Kapalai và Mabul, tổng cộng là 10 lần lặn. Thời điểm này trong năm biển tại đây khá động và dòng chảy tại các bãi lặn khá mạnh khiến cho tầm nhìn dưới nước bị hạn chế khá nhiều (mùa lặn biển tốt nhất hàng năm ở đây là trong khoảng từ tháng 3 tới tháng 7, trong khoảng thời gian này biển sẽ ít động hơn và tầm nhìn cũng tốt hơn).
Lần đầu tiên tôi nhận ra những trang thiết bị sau đây là cần thiết hơn mình đã tưởng: một bộ wet suit dài để bảo vệ tay và chân khỏi tiếp xúc với sứa hay những loài có độc. Găng tay rất có ích khi lặn trong điều kiện dòng chảy mạnh, có thể giúp nắm chắc vào các tảng đá mà không sợ tổn thương tay. Tôi đã phải trả giá kha khá trong khi lặn tại đây vì không có cả hai thứ trên đây. Ngoài ra một camera với đèn flash cũng nên có vì thật đáng tiếc nếu không chụp lại đươc những bức ảnh tại những điểm lặn đẹp như vây.

Trong thời gian ở đây tôi đã được lặn cùng khá nhiều những divers kinh nghiệm, những người đã có hàng ngàn lần lặn; những người quay phim chuyên nghiệp với thiết bị chụp hình và quay phim dưới nước hiện đại, quả là một dịp được mở rộng tầm mắt.


Đảo Mabul

Dive center

Tôi được các nhân viên trên đảo cho biết là hàng năm trên đảo có tổ chức các hoạt động bảo tồn như là trồng san hô quanh đảo, các cây san hô này đươc đánh số và theo dõi sự phát triển (tôi đã có dịp chứng kiến điều này trong các lần lặn). Tuy nhiên các cửa hàng trên đảo Mabul lại bán khá nhiều các sản phẩm như là san hô, các loại vỏ ốc…có vẻ như khá nghịch lý.

Một shop bán đồ lưu niệm trên đảo Mabul
Một chú cá bigeye travelli


Một nhà nghỉ cho backpackers


Để tới được Mabul từ Việt Nam, có lẽ cách dễ dàng nhất là bay sang Kuala Lumpur rồi từ đó bay với Air Asia hoặc Malaysia Airlines tới Tawau. Từ Tawau mất khoảng hơn một giờ xe chạy để tới được Semporna, một thị trấn cảng nhỏ để đón tầu ra đảo Mabul; Từ Semporna mất khoảng chừng 45 phút chạy ca nô nữa để tới đươc đảo Mabul. Các resorts trên đảo Mabul đều có dịch vụ đón khách tại Tawau.
Hy vọng là tôi đã có vài dòng hữu ích về điệm lặn nổi tiếng này và nếu có dịp tới Malaysia thì các bạn đừng bỏ qua nhé.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Freediving ở Côn Đảo

Mình đi Côn Đảo về đã 2 tuần rồi mà bận quá nên giờ mới tranh thủ lên blog ghi chú lại vài chữ. (Chứ bắt đầu từ tuần sau là vô học rồi, còn bận hơn nữa!)

Ở Côn Đảo thì mùa biển động là từ tháng 9 đến tháng hết tháng 2 năm sau. Ngoài khoảng đó ra thì nếu không có bão, Côn Đảo luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người. Thực ra thì trong mùa biển động vẫn lặn được, chỉ có điều là giao thông cách trở (phải đi máy bay), giá cả đắt đỏ (do không có tàu chở hàng ra), và tầm nhìn xa dưới biển hơi giảm tí thôi. Thực tế là chuyến đi vừa rồi của mình là cuối tháng 8, gần đến mùa biển động rồi nhưng biển Côn Đảo vẫn đẹp, rất êm, và ít mưa.


Ở Côn Đảo có 2 hệ thống bãi biển, một là những bãi cát (đường vàng trên bản đồ), và hai là những đầm/bãi đá (đường xanh trên bản đồ). Ở hầu hết các đầm/bãi đá đều có san hô nên chỉ cần ra khỏi bãi đá cạn là có thể snorkeling hoặc freediving được rồi. Chỉ có điều là khi nước ròng thì các bãi đá cạn thường nhô lên khỏi mặt nước hoặc chỉ cách mặt nước chừng gang tay, nên rất khó vượt qua những bãi đá rộng mấy chục mét đó.
Trong các bãi cát thì cũng có nhiều bãi có rạn san hô ở hai đầu mút của bãi. Nói chung là hầu như bãi nào ở Côn Đảo cũng đều có san hô cả, không gần thì xa thôi!



Ngoài ra, ở những đầm/bãi đá thường có hệ sinh thái rừng ngập mặn, và trong bãi đá cạn của nó cũng có san hô, tuy không đẹp lắm, nhưng được cái là có thể thoải mái đứng ngắm và chụp hình mà không cần đụng vào nước!



Kỳ rồi ra Côn Đảo, mình không có máy chụp hình dưới nước nhưng vẫn chộp được vài tấm san hô, âu cũng là nhờ những bãi đá cạn đó.


Loài thân mềm này bình thường nở ra như hoa, thấy động thì cụp lại thành 1 cái khe.


Loài thân cứng này chẳng hiểu sao lại có 2 màu đỏ/trắng cứ như bị lang beng ấy!


Những lá tảo trắng này mọc rất nhiều ở vùng đá cạn nhưng không biết tên. Bên cạnh còn có những hạt tròn màu xanh, rồi những cái "miệng núi lửa" nữa... (Chắc phải học một khoá national geography mới nắm được quá!)


Và san hô ở những bãi đá cạn này cũng thú vị ở chỗ chúng cho ta thấy rõ mô hình và quá trình hình thành của những atoll (đảo san hô vòng). Như hình trên, một hòn đá (núi) trồi lên khỏi mặt nước thì sẽ bị san hô ăn cụt đi tạo thành san hô vòng với lagoon (phá) ở giữa và wall reef (tường san hô) xung quanh. Còn những hòn đá (núi) ngầm thì tạo nên những ốc đảo san hô (tương ứng với khối san hô tròn màu tím đen trong hình).


Và loài hải sâm này cũng khá phổ biến trên những bãi cạn.



Hồi ra Hòn Bảy Cạnh, mình đã lặn vo ở cái rạn san hô bên mép phải bãi Cát Lớn. Nhưng ở đây có một điều làm mình và người bạn đi cùng hết sức thất vọng, đó là cả một vạt san hô rộng lớn chỗ neo thuyền đã bị tàn phá tan nát rất thảm thương. Mặc dù hiện giờ ở đó đã có phao đỏ & dây neo thuyền rồi nhưng hình như vẫn còn thuyền thả neo xuống đấy hay sao ấy?! Bọn mình đã phải ra khá xa ngoài đáy cát với nền cát sâu cỡ 10m mới tìm được 2 ốc đảo san hô còn 99% nguyên vẹn (1% là... vẫn có cành san hô bị gãy!)

Ngoài việc ngắm san hô ra thì chuyến đi vừa rồi "nhờ" chứng bệnh viêm họng mà mình được trải nghiệm thực tế các vấn đề trong kỹ thuật cân bằng áp suất. Số là cái họng mình đã dở chứng từ trước chuyến đi cả tuần lễ rồi nhưng chưa phát bệnh. Trải qua 2 đêm mưa gió trong rừng ở Hồ Cốc thì khi tới Côn Đảo, mình đã thực sự bị viêm họng. Vì mới viêm nên họng chỉ sưng mà chưa có ra đờm. Nhờ thế mà lần lặn vo ngày đầu tiên của mình ở bãi Ông Đụng thật là suôn sẻ. Đêm hôm đó, nó bắt đầu ra đờm, báo hiệu cho những ngày "tắc nghẽn" tiếp theo. Quả đúng vậy, buổi lặn vo ngày hôm sau ở bãi Đầm Trầu thật là khó nhọc. Nếu hôm qua mình xuống 6-7 mét nước nằm thoải mái mà trên đường lên xuống chẳng cần phải đụng tới lỗ mũi (cân bằng "nuốt", hand-free eq.), thì hôm nay mình vừa xuống vừa bịt mũi thổi (Valsalva maneuver), thổi đến ná thở mà cũng chẳng thể thông được lỗ tai! Còn tệ hơn nữa, đó là có lúc thông được thì lại chỉ được bên phải còn bên trái vẫn nghẹt cứng. Khi lên bờ, mình thử nuốt nước miếng thì thấy đúng là cái ống Eustachian bên tai trái mình nghẹt thiệt, chỉ nghe nổ (thông ống) ở bên phải thôi. Vậy là cả 2 triệu chứng (nghẹt, thông một bên) hồi đó giờ mình đọc trong sách vở đã được trải nghiệm cùng một lúc. Ngày hôm sau nữa thì đờm có phần giảm bớt, nên ở bãi Cát Lớn - Hòn Bảy Cạnh mình vẫn có thể bịt mũi cân bằng được, dù hơi cực nhọc một tí.

Cũng ở bãi Cát Lớn đó, anh bạn đi chung vừa được mình chỉ freediving 2 ngày nay đã phải lặn theo mình lòng vòng quanh mấy cái ốc đảo san hô. Thế là khi lên, anh ta bảo rằng hôm nay cảm thấy hơn khó chịu khi bị mình "quần" dữ quá, có vẻ như chóng mặt hay say gì đó. Mình cũng không hiểu là anh ta bị vấn đề gì nữa, vì từ nhỏ mình đã "biết lặn trước biết bơi" và hoàn toàn không có kinh nghiệm đó. Bác nào có kinh nghiệm chóng mặt hay say khi lặn vo thì chia sẻ với mình nhé.

Tháng hành động chống rác biển


Debris Month of Action

Hành động chống rác biển của dự án AWARE được phát động vào tháng chín này, là thời điểm thích hợp để khởi động một năm hoạt động chống rác biển. Thánh 9 cũng được chọn làm tháng hành động vì biển không rác thải.

Lặn chống rác (Dive Against Debris) kết hợp việc dọn vệ sinh đáy biển với thu thập dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề rác biển từ gốc rễ. Những dữ liệu thu thập được sẽ thể hiện toàn cảnh 360 độ về các vấn đề rác biển và giúp tác động những thay đổi chính sách để chống rác biển trong tương lai. Thánh 9 này sẽ chuyển Lặn biển chống rác sang hành động hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Tổ chức Lặn chống rác biển 

 Bạn muốn tổ chức tháng hành động chống rác biển? Xin tham khảo bộ tài liệu tổ chức hành động lặn chống rác biển tại đây

 Tham gia hành động lặn chống rác biển

 Bạn muốn tham gia hành động lặn chống rác biển? Nhấn vào đây sẽ dẫn bạn tới bản đồ hành động và tìm ra đơn vị đang tổ chức hoạt động lặn chống rác biển trong khu vực của bạn.


Trang tham khảo: 

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Chào mừng Quốc khánh 2.9!



Đảo Saint Martin tức Saint Marteen

(bài của chị Lê Thanh Hoàng Dân)

Các bạn có bao giờ du lịch tại một đảo nhỏ nhất thế giới, lại chia cho hai nước lớn cai trị lần nào chưa? Đảo St Marteen, theo cách gọi của Hà Lan, và St Martin theo cách gọi của người Pháp, là một đảo rất đặc biệt. Tôi và người tình trăm năm đã đến đây thăm viếng.

Thành phố hải cảng Philipsburg thuộc Hà Lan rất dễ thương, nhiều tiệm tùng mua sắm, bãi biển cát trắng, nước biển trong xanh rất đẹp. Thành phố Marigot thuộc Pháp hoàn toàn khác, có nhiều quán ăn, nhiều nhà cửa giống như bên Pháp lúc vợ chồng tôi thăm viếng bên đó. Phía bên Pháp gọi đảo này là St Martin.

Thế kỷ 17 là thế kỷ cực thịnh của Âu Châu. Nhiều nước Âu Châu đi tìm thuộc địa khắp nơi trên thế giới, Việt Nam và nhiều nơi khác. Tại vùng biển Caribbean này, trên một đảo nhỏ diện tích bằng 87 cây số vuông, Pháp chiếm đóng một phần của đạo và đặt tên phần đất chiếm đóng của họ là St Martin. Hà Lan chiếm một phần và đặt tên là St Maarten. Hà Lan tới đây trước. Dân Hà Lan thấy đảo này có nhiều muối (salt) trắng mịn, có thể đem về nước được, nên đến đây khai thác muối. Trên đảo này, có một ao nước biển rất lớn, khi nước khô tự nhiên trở thành muối. Ao nước này ngày nay được biết tới với tên "Great Salt Pond". Lúc người Hà Lan đến đây khai thác muối, dân thổ địa ở đây goi đảo này là "Soualiga" có nghĩa là "Land Of Salt", vùng đất nhiều muối.

Ngày nay đảo nhỏ 87 cây số vuông này (bằng một vài quận của Sài gòn) được chia cho hai nước, phía Hà Lan được 34 cây số vuông, phía Pháp được 53 cây số vuông. Dân số trên đảo có 74.852 người, theo thống kê dân số năm 2007. Phía Hà Lan được 38.927 cư dân, phia Pháp chỉ được 35.925 cư dân mà thôi. Đảo St Maarten/St Martin có hai thành phố lớn. Phía Hà Lan có thành phố Philipsburg, phía Pháp có Marigot.
(Hình: sân bay trên đảo St Maaten)