Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Học mãi mà vẫn chưa biết bơi (P1)

(Bài đăng trên mạng đại chúng) 

Một người được coi là biết bơi khi có khả năng bơi được 25 m và tồn tại trong nước (nơi ngập quá đầu) được 5 phút. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà nội), quy định này không có ý nghĩa nhiều trong việc phòng chống đuối nước: "Vậy nếu đến mét thứ 26 bạn không bơi được nữa thì sao, hay tới phút thứ 6 bạn không thể tồn tại trong nước thì chuyện gì sẽ xảy ra? Để phòng chống đuối nước, vấn đề không phải là bạn bơi được xa bao nhiêu, nổi được bao lâu mà quan trọng là khi rơi xuống nước bạn có khả năng ứng phó được để thả nổi, bơi tự cứu - một cách bơi theo phương thẳng đứng, tốn ít sức được để không bị đuối nước".
Theo ông Tuấn, để có thể bơi - chống đuối nước không khó. Nếu bạn đã tập bơi khá lâu nhưng mãi chưa bơi được, có thể vì một hoặc một số trong những lý do dưới đây:

Bạn không tập trung, không “cam kết” học bơi

Bạn muốn biết bơi nhưng không đặt kế hoạch cụ thể và dành thời gian ưu tiên cho việc học bơi. Bạn học theo tùy hứng, lúc thích thì đi, không thích thì nghỉ. Bạn học một vài buổi rồi nghỉ cả tuần, cả tháng, tới khi học tiếp thì coi như bắt đầu lại. Nếu việc này cứ lặp đi lặp lại thì không khó hiểu khi bạn nói "tôi học bơi lâu rồi mà vẫn chưa biết bơi".

Bạn chưa học xong “lớp 1” đã muốn lên học “lớp 4, lớp 5”

Trong học bơi, thở là kỹ năng quan trọng nhất. Muốn bơi được phải biết cách thở. Thở khi bơi lội khác với thở khi đi lại bình thường trên mặt đất nên trước khi học quạt tay, đạp chân, ta phải học thở cho tốt. Biết thở là biết bơi 70%.Khi chưa biết cách thở mà đã tập quạt chân, quạt tay thì dễ bi phân tâm, làm được cái này quên cái kia. Có rất nhiều người khoe là đã bơi được 6-10m, chỉ mắc mỗi một lỗi là chưa biết thở nên bị sặc.

Sau khi học thở, người ta mới nên học lặn - nhô lên hụp xuống theo phương thẳng đứng để chữa bệnh “sợ nước sâu”, “sợ chân rời khỏi mặt đất”. Chỉ khi lặn tốt, người ta mới học nổi và cuối cùng là học cách chuyển động theo các kiểu bơi khác nhau như bơi chó chìm đầu, bơi tự cứu, ếch, trườn sấp… Người mới học bơi thường chú trọng vào quạt tay, đạp chân mà bỏ qua tập thở. Hậu quả là có những người "bơi" được một chút là sặc nước hoặc bơi được rồi nhưng vẫn không dám ra chỗ nước sâu quá đầu người…

Không hiểu bản chất “4 đúng” của động tác bơi lội

Người lớn tuổi khó học bơi hơn con trẻ bởi cách dạy “bắt chước” hiện nay khó giúp họ làm đúng được những gì người dạy mong muốn. Muốn bơi được, cần thực hiện được 4 đúng:

·       Đúng đường: Động tác phải được thực hiện đúng đường, đúng hướng. Chẳng hạn khi bơi ếch, hai chân phải co vào rồi bung đạp theo vòng cung sang hai bên trước khi ép chặt lại với nhau... Cũng như khi đi từ Hà Nội đến Bắc Giang, Quảng Ninh thì phải theo hướng bắc, nếu bạn đi theo hướng nam thì sẽ lạc sang tỉnh khác.
·       Đúng thời: Đây là việc phối hợp chân tay sao cho nhịp nhàng, khi nào thì tay, khi nào thì chân, cùng lúc hay so le… Bơi là hoạt động có nhịp điệu, là một vũ điệu dưới nước chứ không phải là hoạt động loạn xạ.
·       Đúng cường lực: Khi nào tay, chân cần mạnh, khi nào tay, chân cần nhẹ. Trong chuyển động bơi, không phải lúc nào cơ thể cũng căng cứng mà có lúc tay hoạt động (cương), chân nghỉ ngơi (nhu), hoặc ngược lại; có lúc các bộ phận này trên mặt nước, các bộ phân kia ở dưới mặt nước…
·       Đúng điểm đến của lực: Cùng là dùng bàn tay tạo lực nhưng nếu bạn đập tay xuống mặt bàn, lực sẽ truyền xuống mặt bàn, làm rát bàn tay, nhưng nếu bạn ấn xuống bàn thì lực lại truyền lên bả vai. Trong bơi cũng vậy, điểm đến của lực khác nhau tạo ra hướng chuyển động khác nhau. Do không biết điểm đến của lực nên nhiều người vùng vẫy chân tay loạn xạ, tốn sức mà không bơi được bao xa.

Chỉ cần thiếu một trong “4 đúng” trên, bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để học bơi, thậm chí tập mãi vẫn không làm chủ được chuyển động của mình dưới nước. (còn nữa)

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Các dòng chảy gần bờ


(bài của một vận động viên lướt ván sóng Florida, trích dịch)

DÒNG XOÁY TỪ BỜ (RIP).

Có một vài tình huống gây ra dòng nước mạnh. Sóng lớn gây ra dòng nước mạnh. Những con sóng vỗ mạnh vào bờ rồi phải tìm đường trở lại biển. Điều này có thể gây ra cái đã được biết tới là “dòng xoáy từ bờ” – một dòng nước chuyển động nhanh, chảy từ mép bờ biển đi ra và kéo theo những người lướt ván sóng, kẻ bơi lội.

Nếu bạn bị rơi vào đó, đừng cố gắng chống chọi lại với nó, nó sẽ chẳng cuốn bạn tới Mêxicô đâu. Lúc đó bạn ra khỏi dòng xoáy bằng cách bơi song song với bờ. Sau đó, những con sóng sẽ đưa bạn vào bờ. Dòng nước xoáy thường có màu hơi khác những vùng nước xung quanh. (Lưu ý: Dòng xoáy từ bờ không liên quan gì tới thuỷ triều. Cụm từ “xoáy nước thuỷ triều” là không đúng cho những dòng xoáy kiểu này ở Florida).

Đây là hiện tượng không huyền bí, không khó dự đoán, đã tình cờ đe dọa nuốt chửng những người bơi lội vô tội. Dòng xoáy từ bờ được tạo thành khi sóng đẩy những khối nước lớn vào bờ. Tất cả chỗ nước đó phải tìm đường quay lại biển. Nước tích tụ lại cho đến khi thành một lượng lớn, tạo ra “dòng chảy ngược” và đổ ra biển. Nếu có sóng lớn, sẽ có những dòng xoáy từ bờ. Bạn có thể học cách nhận ra chúng ngay sau khi bạn biết bạn phải cần biết những gì.

DÒNG CHẢY DỌC BỜ (CHẢY SONG SONG VÀ MEN THEO BỜ BIỂN).

Gió lớn cũng gây ra dòng nước mạnh. Loại dòng nước này thường là những dòng chảy dọc theo bờ biển và rất thông dụng, ngay cả khi chỉ có sóng rất nhỏ. Nó cuốn bạn đi một quãng khá xa trước khi bạn kịp nhận ra rằng bạn bị đẩy đi xa như thế. Nó gây rắc rối hơn bất kì thứ gì khác: Bạn xuống nước ở điểm A và lên bờ tại điểm B, và bạn sẽ không tìm thấy cái khăn tắm bạn “làm mốc” hiện đang ở nơi đâu.

DÒNG CHẢY QUA EO BIỂN.

Một luồng nước lớn chảy qua một cái kênh hẹp sẽ tạo ra một dòng nước mạnh. Điều này xảy ra thường ngày ở hầu hết các eo biển. Eo biển là cái kênh hẹp và dòng nước ở đây sẽ mạnh nhất khi thuỷ triều lên và xuống. Tôi không khuyên bạn bơi ở gần eo biển vào bất kì thời gian nào. Do 98% thời gian không có dòng chảy mạnh trên bãi biển bên trong Vịnh, nên nếu bạn bơi trong bãi biển của Vịnh thì rất ít có khả năng bạn phải đương đầu với dòng chảy mạnh.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của những con sóng, đặc biệt là tại bờ biển Đại tây dương. Nếu bạn là người có kinh nghiệm với sóng và bơi giỏi thì đó là chuyện nhỏ, nhưng hầu hết những người lần đầu đến Florida đều bị bất ngờ bởi sức mạnh các con sóng. Nếu bạn không có kinh nghiêm lướt sóng thì đừng lướt sóng tại đây, như vậy bạn có thể sống sót để bơi vào ngày tiếp theo. Cách tốt nhất để học chế ngự những con sóng là cách mà người địa phương thường áp dụng. Bạn hãy bắt đầu với những con sóng nhỏ và dần dần, bạn sẽ thử sức với những con sóng lớn hơn khi kinh nghiệm của bạn tăng lên.