Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Chia sẻ về kỹ thuật bơi trườn sấp (bơi sải) – P1

Học bơi cơ bản (beginner) thì huấn luyện viên (HLV) là thầy. Luyện nâng cao thì HLV là bạn bơi, và trong đó, sẽ có một số lời khuyên là khác nhau (do trường phái của mỗi người là khác nhau), do vậy, bạn không cần phải coi giáo án là kinh thánh. Chỉ những gì bạn cảm nhận được mới là kinh thánh (của bạn, do bạn).

Hãy nhớ lại “thời beginner”: Bơi trườn sấp có 3 kiểu đập chân cơ bản là cứ 2 quạt tay (stroke) thì 6 đập chân (kick), 2 tay 4 chân, 2 tay 2 chân. Động tác vẩy bàn chân cũng 3 kiểu.

P1 - Lời góp của bạn Scerpio (trích)

Bạn thích bơi ếch vì bơi ếch có nhịp nghỉ và khi đó đầu bạn ngẩng lên khá cao và khá lâu, nên bạn sẽ thấy thoải mái. Nhưng bơi ếch lại là kiểu bơi bị cản nước nhiều nhất, do lực từ đạp chân khá nhiều, mà hoạt động của chân lại tiêu hao năng lượng rất nhiều. Bắt đầu bơi, bạn sẽ thấy thoải mái vì được dùng chân, nhưng bơi đường dài mà đạp ếch thì có nước rụng chân. Bạn cứ tưởng tượng bơi ếch giống như bạn đạp xe đạp ba bánh, trong khi sải như đạp xe đạp hai bánh.

Bơi sải ít bị cản nước nhất trong các kiểu bơi. Nếu bơi đúng kỹ thuật thì bạn sẽ bơi bằng toàn bộ cơ thể chứ không phải chỉ là quạt tay – như rất nhiều người nghĩ. Thử nghĩ, chân to và mạnh hơn tay nhiều mà còn mệt mỏi khi bơi ếch, thì cánh tay bạn làm sao chịu được lâu để kéo cả thân? Bí quyết là phải bơi bằng toàn bộ cơ thể. 

Bạn để ý các video quay dưới mặt nước, cơ thể của vận động viên khoan qua khoan lại xung quanh một trục. Con người không có xương sống kiểu của con rắn nên không uốn éo được như rắn, vì vậy cơ thể bạn cần khoan qua khoan lại để trườn đi trong nước. Khi quạt tay, bạn không chỉ dùng cánh tay, mà còn phải dùng cả vai, ngực và xô để kéo nước, bởi vì tay, ngực và xô là những cơ lớn nhất ở phần trên của cơ thể con người.

Tôi thấy nhiều người bơi sải cứ quạt tay liếng thoắng. Họ muốn quạt rất nhanh để đi cho nhanh và để thở cho nhanh. Động tác của họ rất tốn sức nên mau mệt, mà không đi tới đâu cả, vì họ chỉ dùng có mỗi lực của cánh tay mà thôi.

Muốn bơi sải bằng toàn bộ cơ thể, bạn cần học kỹ thuật và kinh nghiệm. Trong khi luyện tập bạn phải bơi chậm lại, và bơi nhịp nhàng hơn. Khi luyện tập, bạn hãy dành thời gian tập kỹ thuật sau:

1. Bơi bằng 1 tay: Bắt đầu bằng 2 tay duỗi thẳng ra phía trước. Mắt nhìn thẳng vào bàn tay. Quạt bằng 1 tay trong khi tay kia vẫn giữ thẳng. Bạn sẽ thấy là khi 1 tay thẳng, người thẳng, thì cú quạt của tay kia sẽ kéo bạn đi được xa nhất. Khi quạt tay, đừng thở liền và đừng quay đầu thở. Hãy giữ đầu cho thẳng, mắt nhìn vào bàn tay phía trước. Bạn quạt cách tay tới khi nào bàn tay qua khỏi bụng thì nghiêng đầu, thở ra mũi. Khi rút tay ra khỏi nước thì miệng cũng vừa lên trên mặt nước – đủ để bạn thở. Co khuỷu tay để rút tay ra khỏi nước, chứ không nên quạt tay như chong chóng cối xay gió. Đừng thở sớm quá. Tay thẳng vẫn giữ thẳng và tập quạt cho hết chiều dài hồ bơi, rồi đổi tay trong lượt về. Cách này giúp bạn tìm cho mình động tác nào sẽ làm cho mình đi được xa nhất. Mỗi lần nên tập khoảng 5x50m hay 10x25m.

2. Bơi 2 tay gặp nhau: Bắt đầu bằng bơi sải thông thường nhưng có cái khác là chờ cho 2 bàn tay gặp nhau rồi hãy quạt. Nghĩa là tay thẳng hãy chờ tay quạt trở về tới vị trí thẳng rồi mới quạt tay kia. Cách này tập cho mình bơi chậm lại và bơi theo nhịp. Nên tập khoảng 10x25m hay 5x50m cho quen cơ.

Bạn cần chú ý là làm sao cho cơ thể càng thẳng càng tốt. Bạn càng uốn éo thì càng bị cản nước và càng mất sức. Cứ nghĩ mình lướt đi như trái ngư lôi vậy. Dùng các cơ lớn (xô, vai, ngực) để hỗ trợ cho cơ cánh tay.

Cái gì cũng vậy, có chịu khó luyện thì mới đem lại hiệu quả. Hãy kiên nhẫn.

Bạn hãy để ý (tự cảm nhận bản thân) qua các điều sau:

- Bạn để ý cánh tay bạn khi rút ra khỏi nước: khuỷu tay cong (như chữ V ngược). Tay lết, trườn vào nước chứ không quạt và đập như chong chóng.
- Để ý một cánh tay bạn quạt trong khi tay kia trườn, lướt qua nước để được đi tối đa. Tay này gần vào nước tay kia mới quạt.
- Để ý dưới nước, chân bên kia quất một cái để quặn người mà lướt.
- Để ý vào vai, một vai lên, vai kia xuống. Hai vai xoay quanh một trục (shoulder rotation).
- Để ý từ đằng trước, không lúc nào vai nằm ngang (vai xiên – để giảm diện tích cản nước).
- Một chi tiết nhỏ rất quan trọng là để ý cái đầu. Khi tay bắt đầu quạt, đầu lúc nào cũng nhìn thẳng về phía trước. Động tác này làm cho cơ thể thẳng ra, ít cản nước.

Nói chung là những động tác gì của bạn cũng nhằm để tiến thẳng phía trước. Không lên, không xuống, không ngang. Đầu đi đâu thì cơ thể theo đó.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Từ một kẻ không thể bơi hết chiều dài hồ bơi …

(bài của bạn Scerpio, trích)

Chúng ta ai cũng có lý do, kinh nghiệm, và động lực bơi khác nhau. Chuyện của tôi rất là bất đắc dĩ và khôi hài. Thấy nhiều người chia sẻ kinh nghiệm học bơi nên tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi cho quý vị.

… Tôi theo mấy đứa trong xóm đi hồ bơi Chi lăng. Ban đầu thì chơi ở chỗ cạn, nhưng đông quá, có khi không có chỗ đứng, nên tôi ước gì mình ra chỗ sâu có ít người hơn. Rồi từ từ, tôi mò ra chỗ sâu hơn một ít, tập đứng nước, quạt tay đạp chân để bơi đến thành hồ là đủ. Một hôm, không biết tôi tìm đâu ra được cuốn sách dạy bơi có hình vẽ dạy những môn bơi. Tôi học lóm lấy “món sải” và thực hành khi đi bơi, đủ để bơi chiều ngang hồ thôi …
 
Khi qua Mỹ, tôi vào lớp High school, lớp 10, tương đương với cấp 3 bên Việt nam. Bên này thể thao rất phổ biến. Từ bé 4-5 tuổi họ đã khuyến khích trẻ con chơi thể thao rồi. Trường cấp 2 nào cũng có sân vận động ngoài trời và sân bóng rổ, bóng chuyền trong nhà, lại có vài đội thể thao thi đấu với trường khác. Trường cấp 3 thì đa phần có thêm Gym, hồ bơi, và nhiều đội thể thao khác. Bữa học nào ai cũng phải có một giờ gọi là “giáo dục thể thao bắt buộc”, mình có thể chọn môn nào mình thích. Do mới chân ướt chân ráo, tôi không biết là có quyền lựa chọn, nên giờ thể thao của tôi là … Gym. “Giờ Gym” của tôi chán lắm, chỉ ngồi coi tụi nó chơi bóng rổ.

Trường tôi có hồ bơi. Nghĩ lại ở Việt nam phải trả tiền vào hồ bơi đông nghẹt, còn bên này hồ đã vắng mà không tốn tiền thì quá tuyệt. Vì vậy tôi quyết tâm chọn môn bơi nào đó cho học kỳ tới. Ngày lựa chọn cũng đến. Tôi mừng rỡ khi thấy ông huấn luyện viên ghi tên ba lớp bơi trên bảng:
1. BEGINNER SWIMMING
2. COMPETITIVE SWIMMING
3. INTERMEDIATE SWIMMING

Lúc đó tiếng Anh tiếng Mỹ của tôi chưa ra gì nên tôi cứ nhìn vào thứ tự và đoán 1 có nghĩa là dễ nhất (tôi biết nghĩa của BEGINNER), 3 là khó nhất, nên tôi chọn ngay số 2! Sau này tôi mới biết (tạm dịch): BEGINNER – hạng bắt đầu, COMPETITIVE – hạng thi đấu, INTERMEDIATE – hạng trung cấp.

Ngày đầu tiên của kỳ học sau, tôi phấn khởi bỏ quần xà lỏn và cái khăn vào cặp. Đến giờ bơi, tôi thay quần, vắt khăn lên vai, hớn hở vào hồ bơi. Tôi mường tượng cảnh tôi và khoảng mười mấy đứa nữa là cùng, biết đâu sẽ có nhiều gái hơn trai, sẽ vùng vẫy, tạt nước, lặn ngụp trong một tiếng đồng hồ cho thoải mái rồi đi học tiếp. Còn gì bằng! Nhưng khi bước qua cửa, tôi chẳng thấy ma nào ở dưới nước. Nhìn qua bên kia hồ, tôi thấy khoảng mười mấy đứa Mỹ, trắng bóc, trai có, gái có, đứa nào cũng mặc đồ Speedo màu xanh bó sát người như đồng phục. Còn tôi ở bên này hồ, mặc quần xà lỏn bóng đá màu cam với “ba gạch Addidas” nổi bật! Tôi nghĩ mình vào lộn lớp rồi, nhưng tôi nhớ rất rõ là giờ bơi của mình là giờ này mà. Thôi kệ, mình đã vào đây rồi, biết làm sao đây.

Thấy một thằng nhóc da vàng, tóc đen, mặc quần xà lỏn cam bước vào, bọn Mẽo kia nhìn tôi như nhìn thấy người ở hành tinh khác mới xuống vậy. Sau một vài giây há hốc, chúng xì xào bàn tán với nhau cái gì đó. Tôi tìm một góc đứng xó ró một mình thì cánh cửa tung ra: Một người lớn xuất hiện với cái kèn trên cổ, chắc ổng là huấn luyện viên. Ổng nói bí ba bí bô gì đó tôi không hiểu lấy một chữ, và khi ánh mắt ông ấy quẹt đến tôi thì tôi thấy rõ sự ngạc nhiên trên mặt của ổng trong vài giây, rồi ổng quát tiếp. Tôi không nghe ra được một chữ nào, nhưng nghĩ cứ tụi kia làm gì thì mình làm nấy là được.

Điểm danh xong, tụi nó sắp thành 4 hàng ở một bên hồ. Tôi đi theo tụi nó, lựa hàng có nhiều đứa nhỏ nhất mà đứng vào ... chót. Ông ta lại bí bô một tràng nữa, rồi một tiếng kèn reo “toét”. Lập tức thằng đứng đầu nhảy xuống nước, rồi trồi lên ở giữa hồ, quạt tay vài cái thì “toét” tiếng nữa, thằng kế tiếp nhảy xuống và bơi qua bên kia hồ, rồi đứa kế tiếp. Qua đến bên kia, bọn nó trèo lên bờ, đứng chờ.

Rồi cũng đến lượt tôi. Tôi ùm xuống nước, ngóc đầu lên ngay lập tức, quạt tay đạp chân, hì hục bơi làm sao cho đến được bên kia. Tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra, chỉ nhớ qua đến bên kia hồ là đã mệt nhoài, mắt mờ đi (tôi không có kính bơi). Tôi không ngờ mình có thể bơi xa 
được đến như thế, và rất hãnh diện với bản thân vì đã làm được một việc ghê gớm mà tôi chưa bao giờ dám làm! Tôi thở hổn hển, trèo lên chưa xong thì “toét” cái nữa. Tôi vừa quay lại thì thằng thứ nhất đã bơi qua nửa hồ rồi. Rồi "toét, toét, toét", lần lược chúng nó nhảy xuống bơi qua bên kia hết. Tôi rã rời, nhưng không biết làm gì hay nói gì được, đành liều nhảy xuống theo bọn nó luôn. Qua đến bờ bên kia thì thảm kịch lại tái diễn và cứ lặp đi lặp lại ít nhất cũng nửa tiếng, nhưng với tôi nó là thiên thu! Bơi xong, trong khi đi sang lớp học, tôi quỵ xuống vì chuột rút. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ vất vả tới như vậy. Tôi ráng xoa bóp cho đỡ rồi đi tiếp.

Cứ như thế, ngày nào cũng như ngày nào, tôi cứ vào lớp bơi mà lãnh đòn.

Vài tuần sau, khi có dịp nói chuyện với mấy đứa trong lớp, tôi mới biết tụi nó thuộc đội bơi của trường. Thường chúng nó tập sau giờ học mỗi ngày, nhưng muốn bơi thêm nên chúng nó mới vào đây. Vậy là tôi, một thằng không biết bơi, mà nhập chung với dân chuyên nghiệp! Tôi tính xin đổi lớp nhưng không biết nói ra sao nên đành cắn răng chịu đựng.

Tuổi trẻ mầu nhiệm làm sao. Mỗi ngày tôi bơi một khá hơn. Bụng lúc nào cũng đói. Có mệt thì ngày hôm sau phục hồi liền, mà còn khỏe hơn nữa. Nhưng tôi vẫn là thằng hạng chót, bơi không bằng ai. Nhiều đứa khinh tôi vì tôi quá dở, nhưng cũng có vài đứa tội cho tôi, còn ông huấn luyện viên thấy tôi chịu khó, không một lời than thở hay cằn nhằn như đám khác, nên ổng để cho tôi “vương vấn”.

Đến cuối năm học, có mấy đứa khuyên tôi nên thử vào đội bơi. Năm học sau tôi 
thử xin vào đội bơi và đã được tuyển. Tôi bơi không bằng ai, nhưng môn ếch thì không ai bằng tôi. Có lẽ cũng nhờ bà dì tôi dạy cho hồi nhỏ nên tôi quen đạp và có cú đạp ếch rất mạnh – thế thì tôi đi chuyên ếch, rồi từ từ tập thêm bướm. Rồi vì khá hai môn này nên tôi thêm môn bơi phối hợp luôn (Individual Medley).


Ở tuổi teen thì sức càng ngày càng khỏe thêm. Vì có ý chí và không nản cực nhọc, không than thở, tôi bơi càng ngày càng khá hơn. Vào năm sau, tức là năm lớp 12, tôi phá kỷ lục bơi ếch của trường tôi và được vào chung kết thành phố.

Từ một đứa bọt bèo bị chê bai, lúc này ai cũng muốn làm bạn với tôi(*). Trước kia tôi nghĩ mình không phải là dân thể thao, nhưng kinh nghiệm bơi lội cho tôi thấy là mình không thử làm sao biết được. Nhờ bơi lội mà tôi đã tự tin mình hơn, và từ đó tôi thử chơi nhiều môn khác và thấy là mình cũng có máu thể thao, “văn võ song toàn” chứ không phải là thư sinh như hồi xưa mình đã nghĩ. 


Nếu ai có hỏi làm cái này thế nào, bắt đầu cái kia ra sao, theo kinh nghiệm của tôi thì nhiều khi tôi chỉ muốn khuyên là Just Do it! 


(*) Bên Mỹ, bạn sẽ không có chỗ đứng trong giới bạn bè nếu bạn không rành một môn thể thao nào, cho dù bạn học rất giỏi (NST).

Hình vui: "Cũng như" bạn Scerpio hồi đầu, du khách này đang "thách đấu" với các VĐV lò võ Bình định (hình do anh Đỗ Nghĩa cung cấp).

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Sóng ma hay sóng sát thủ trên đại dương

(sưu tầm, trích)

Vào một ngày trời quang mây tạnh, trên bề mặt đại dương đột ngột xuất hiện bức tường nước cao từ mười tới ba chục mét – bạn đã gặp “sóng ma” hay “sóng sát thủ”.

Trong 500 năm qua, các nhà thám hiểm và các thủy thủ vẫn kể về những con sóng xuất hiện trên đại dương mà không hề có dấu hiệu báo trước. Chúng đủ cao và đủ mạnh để có thể lật úp các con tàu đồ sộ.

Tàu SS.Waratah, dài 150m, Australia, năm 1909 bị mất tích trên đường tới Nam Phi cùng 211 người. Tàu chở hàng MS.München, Đức, ngày 7/12/1978 bị mất tích khi đi từ cảng Bremerhaven tới Gruzia. Tàu chở hàng SS.Edmund Fitzgerald, dài 220m, Mỹ, bị đắm ngày 10/11/1975 ở Hồ Lớn, Bắc Mỹ. Sự giống nhau là tai nạn đều xảy ra vào một ngày biển lặng, gió êm (tức không có dấu hiệu báo trước). Họ không hề gặp bão (bão luôn được báo trước vài ngày). Họ đã gặp “sóng ma”?

Tới tận đầu thập niên 90, người ta vẫn cho rằng “sóng ma” chỉ là sản phẩm của ảo giác, bởi có quá ít chứng cứ về sự tồn tại của nó.

Nhưng vào năm 1995, giàn khoan dầu trên Biển Bắc đã ghi được hình ảnh một con sóng cao 25,6m đột ngột xuất hiện. Năm 2000, tàu nghiên cứu đại dương, Anh, đã ghi nhận một con sóng cao 29m gần bờ biển Scotland. Năm 2004 vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện những đợt sóng cao hơn tòa nhà 10 tầng trên đại dương. Rồi tàu Louis Majesty bị hư hại nhẹ khi bị con sóng cao 10m đột ngột tấn công trên vùng biển Tây ban nha.

Sóng trên đại dương sẽ hình thành khi có gió thổi trên mặt nước, gió càng mạnh thì sóng càng cao, và bão lớn có thể tạo nên bức tường nước cao tới tận chân mây – nhưng không phải là sóng ma. Sóng thần chỉ thể hiện sức mạnh của nó khi chạm vào đất liền – nó không tạo nên sóng ma. Núi lửa đang hoạt động dưới đáy biển thì hoàn toàn có thể khảo sát, đo, đếm được.

Một số nhà khoa học cho rằng sóng ma có thể sinh ra bởi sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như gió mạnh và dòng biển di chuyển nhanh, thậm chí những con sóng nhỏ cũng có thể tạo nên bức tường nước khổng lồ nếu chúng “biết” kết hợp với nhau. Một sự thay đổi trong tốc độ gió cũng có thể gây nên sóng ma – bằng chứng là một số vùng biển có các dòng biển mạnh trên đại dương, như khu vực gần bờ biển châu Phi, đã xuất hiện nhiều sóng ma hơn những vùng biển khác.

Gần đây, trường Đại học Turin, Italy, và Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, đã tiến hành mô phỏng trên máy tính, cho thấy làm cách nào để có thể hình thành sóng ma, khi những con sóng đại dương bình thường chạm phải một Hải lưu mạnh đang chảy theo hướng ngược lại. Quan điểm của họ là một xung gồm ba hoặc bốn con sóng như vậy sẽ thành một breather (vùng/điểm hội tụ).

Họ mô phỏng với loại sóng phẳng thường thấy trên đại dương: Đỉnh sóng 2,5m truyền đi theo một hướng nhất định. Những con sóng này sẽ gặp Hải lưu chảy theo hướng ngược lại. Khi các sóng phẳng truyền từ vùng không có Hải lưu sang vùng có Hải lưu, chúng cắt qua một gradient dòng chảy. Sự va chạm với gradient đó làm năng lượng của sóng phẳng tập trung vào một vùng rất nhỏ, gây ra sự mất cân bằng ở sóng phẳng, làm kích hoạt sự xuất hiện của một breather. Mô phỏng cho thấy sự hình thành breather có thể xảy ra khi những sóng phẳng có chu kì khoảng 10s – một điều kiện điển hình trong một cơn bão – gặp phải một Hải lưu chảy với vận tốc 1,5m/s, một tốc độ “phổ biến” của các Hải lưu.

Viện Vật lí ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng đồng ý về lý thuyết hình thành các breather nói trên, và cho rằng quá trình nói trên có xảy ra trong những vùng có gió thường niên thổi ngược chiều với Hải lưu.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Bão Nhiệt đới trên Biển Đông - khái niệm

Theo nhiều nhà khoa học:

Bão là hiện tượng gió mạnh kèm theo mưa rất lớn do có sự xuất hiện và hoạt động của các khu áp thấp khơi sâu. 
Bão biển Nhiệt đới (Tropical cyclone, Tropical storm) có gió mạnh hơn 63 km/h (gió cấp 8). Nếu dưới 63 km/h gọi là áp thấp nhiệt đới (Tropical depression). Nếu gió mạnh hơn 118 km/h (cấp 12) gọi là bão to hay cuồng phong. Còn siêu bão thì ... rất to.

Tên gọi của bão theo khu vực phát sinh: Bão hình thành trên Đại tây dương gọi là Hurricanes,  trên Thái bình dương gọi là Typhoons, trên Ấn độ dương gọi là Cyclones.

Điều kiện cơ bản để hình thành bão là nhiệt độ cao và những vùng dồi dào hơi nước. Nhiệt độ cao sẽ làm cho hơi nước bốc lên mạnh và bị đấy lên cao, tại khu vực đó một tâm áp thấp sẽ hình thành. Do sự chênh lệch khí áp, không khí ở khu vực lân cận sẽ tràn vào. Tại tâm bão (mắt bão), không khí chuyển từ trên xuống dưới, xung quanh tâm bão không khí bốc mạnh lên cao, ngưng tụ thành một bức tường mây dày đặc, tạo ra những cơn mưa cực lớn và gió xoáy rất mạnh. Khi đi vào đất liền hoặc vùng biển lạnh ở các vĩ độ cao, bão mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, cộng với đó là ảnh hưởng của lực ma sát với mặt đất nên  suy yếu dần và tan đi.

Cấu tạo của bão: gồm mắt bão (the eye), thành mắt bão (the eyewall), dải mây (rainbands) và lớp mây ti dày đặc phía trên (the dense cirrus overcast).

Đặc điểm bão ở Biển Đông: 
Là bão Nhiệt đới (Tropical storm), thường xảy ra vào những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng có thể vẫn còn đến tháng 1. Vào giữa mùa gió Đông Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội và kéo dài trong nhiều ngày.

Triệu chứng như sau: Trời oi, khí áp xuống nhanh. Trên bầu trời xuất hiện những mây cao như bó lông, bay nhanh. Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một lớp mây rất mỏng, mặt trời chung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt. Sau đó đến lượt những mây thấp có hình vẩy cá. Rồi đến một lớp mây đen, dày, ở cao khoảng 3.000m, tất cả trở nên đen, u ám. Mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống nhanh. Trần mây thấp dần xuống (100m hay 50m), mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn. Bão đã tới.

Phán đoán bão và gió mạnh theo kinh nghiệm dân gian Việt nam:

Trạng thái bầu trời:

Bầu trời quang đãng, không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió, kéo dài vài ba ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích (loại mây tầng cao, độ cao khoảng 7 km trở lên, gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn) hội tụ về một hướng chân trời. Sau mây tầng cao xuất hiện mây vũ tích (loại mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, giới hạn trên thường nhẵn lì hay dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây thấp rách xác xơ), gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy bão có thể đang di chuyển từ hướng đó tới. 
Chớp xa xuất hiện liên tục, đều đặn. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão hoạt động. Trước khi bão tới thường xuất hiện chớp ở hướng Đông-Nam.

Kinh nghiệm của người dân vùng ven biển Bắc Bộ: Sáng sớm nhìn về phía Đông thấy mây ti tích dạng “vẩy tê tê” di chuyển từ phía Đông về phía Tây là dấu hiệu cho thấy có khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. (Khá phù hợp với thực tế của mây bão, vì mây ti tích ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão).

Trạng thái mặt biển: 

Sự xuất hiện của sóng lừng, hướng lan truyền của sóng không trùng với hướng gió là dấu hiệu cho thấy có bão hoạt động ở cách xa hàng trăm km. Nhìn chung, hướng lan truyền của sóng gần trùng với hướng di chuyển của bão. Tuy nhiên sóng lừng có thể không xuất hiện ở những vùng biển quá gần bờ hoặc có nhiều đảo. 
Mặt biển từ trạng thái lặng chuyển dần sang trạng thái động, mức độ tăng dần.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Lặn thâm nhập Blue Hole ở Vịnh Aqaba, Hồng hải – không phải lúc nào cũng thi vị

(theo baodatviet, trích)
 
Không có những rặng san hô đẹp và cũng không có nhiều cá, nhưng Blue Hole ở Vịnh Aqaba, Hồng Hải, vẫn là cục nam châm thu hút thợ lặn đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều thợ lặn thám hiểm đã mất mạng ở đây trong vài năm qua và thợ lặn Tarek Omar chính là người đưa thi thể của họ lên mặt đất.

Tarek Omar nhớ nhất là chuyện của hai thợ lặn đầu tiên mà ông kéo lên: “Hai người xấu số đó là Conor O'Regan và Martin Gara, đều là người Ireland. Cả hai đã chết đuối ở đây ngày 19/11/1997. Họ chỉ 22 - 23 tuổi. Tôi tìm thấy thi thể họ ở độ sâu 102 mét”.

Đi dọc theo một con đường bụi bặm, Omar dừng lại trước phiến đá cẩm thạch màu đen khắc dòng chữ "Tưởng niệm”. Trên vách đá gắn nhiều tấm biển: “Yuri, người Nga, chết đuối ngày 28/4/2000 ở độ sâu 115 mét”,  “James, chết ngày 1/6/2003 ở độ sâu  135 mét”,…, trông giống như một nghĩa trang của thợ lặn. Có 14 bia đá tưởng niệm những thợ lặn đã mất mạng ở đây, một vực nước xanh thẳm có đường kính khoảng 80 mét, nằm giữa các rặng san hô. Vực nước này trông giống như một cái giếng thẳng đứng. Nó có một ngách ngang chui qua các rặng san hô để ra biển lớn.

Blue Hole được coi là điểm lặn nổi tiếng nhất thế giới  bởi vì nó nguy hiểm nhất. Thật dễ dàng khi tiếp cận Blue Hole vì người ta có thể nhảy từ bãi biển xuống "vũng" nước xanh này, và chính vì thế mà nó đã trở thành một cái bẫy nguy hiểm đối với thợ lặn ít kinh nghiệm lặn thâm nhập nhưng thích phiêu lưu mạo hiểm. 

Hơn 130 thợ lặn đã mất mạng ở Blue Hole trong vòng 15 năm qua. Ông so sánh những gì đang xảy ra ở Blue Hole với những người chinh phục đỉnh núi Everest cao nhất thế giới.

Không một ai hiểu Blue Hole này hơn Omar. Ông là người đầu tiên khám phá vùng nước này và vẫn giữ kỷ lục về lặn sâu ở đây: 209 mét. Omar Omar, 47 tuổi, thuộc bộ lạc Bedouin, là người thuộc một ngôi làng gần biên giới Libya. Ông đến Dahab năm 1989 để tìm việc làm. Năm 1992, Omar học lặn và sau đó làm huấn luyện viên lặn, và đảm nhận thêm một sứ mạng thiêng liêng là đưa xác những người thợ lặn xấu số lên mặt nước để họ về với gia đình.

Người dân địa phương ở Dahab kể về truyền thuyết linh hồn một cô gái đã lôi kéo thợ lặn chết theo để có bạn. Cô là con một vị tướng, người đã buộc con gái mình phải trẫm mình xuống Blue Hole. Thợ lặn Omar quả quyết: "Tôi biết rõ mọi ngóc ngách của Blue Hole và không nhìn thấy bất cứ điều gì - không có quái vật và cũng không có nàng tiên cá”.

H: Khu vực rộng 24m của một hang ngầm dài 10km ở Bahamas (để minh họa)

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lặn biển Fiji với cá mập

(sưu tầm, trích)

Fiji là quốc gia gồm hơn 300 đảo ở Nam Thái Bình Dương, với 2 đảo lớn là Viti Levu và Vanua Levu. Lặn biển Fiji mang đến cho du khách cảm giác phiêu lưu khi đối diện với nhiều loài cá lớn, đặc biệt là cá mập.

Điểm lặn biển với cá mập tốt nhất là từ cảng Pacific, cách sân bay quốc tế Viti Levu vài giờ lái xe. Hướng dẫn viên (HDV) chỉ cho du khách cách gọi cá mập rất hiệu quả, đó là nhử bằng cá chết xắt miếng.

Quỳ dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 30 mét đã được thả mồi, du khách lập tức đếm được hàng chục con cá mập Bò bơi vòng quanh, phía trên nữa là hàng tá cá mập Đốm đen ... đang háo hức chờ ăn. Giữa khung cảnh đáng sợ đó, du khách có thể cảm nhận được làn nước chuyển động sau mỗi cái quất đuôi của chúng. Cá mập được HDV cho ăn theo từng độ sâu khác nhau. Loài nhỏ như cá mập đốm đen và đốm trắng cho ăn ở độ sâu khá nông nhưng loài lớn như cá mập Bò phải sâu hơn. Dưới góc độ khoa học, việc cho cá mập ăn có thể làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của chúng, nhưng không thể phủ nhận tính hiệu quả của nó trong việc lôi kéo cá mập đến.

Ngoài áo lặn, du khách (nếu muốn) sẽ được mặc thêm áo lưới kim loại. HDV rút từng mảnh cá vụn ra khỏi túi, vẫy từng con cá mập đến gần và cho chúng ăn ngay trên tay họ. Những con cá mập nhỏ thì nhút nhát và cần một chút khích lệ, dẫn dụ. Đáng ngạc nhiên là chúng thường xếp hàng lần lượt đến ăn cá trên tay HDV. Du khách nhìn rõ mồn một cái bụng trắng toát của chúng lướt qua trên đầu mình. Cá mập Bò là loài cá dữ nhưng nhút nhát, chỉ thỉnh thoảng chúng mới đụng vào những thức ăn được thả ra.

Dean Grubbs, chuyên gia về cá mập Đại học Florida, cho biết, đó có lẽ là cách tiếp cận với cá mập bò an toàn nhất. Trong nước sâu và trong, nơi chúng không nhầm lẫn con người với con mồi. Thêm vào đó, việc cá mập tự bơi đến là tín hiệu tốt, điều ấy cho thấy chúng không bị làm phiền và sẽ không có biểu hiện hung dữ, hay đột ngột tấn công người.