Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Chinh phục Hồ Đá!

Lần này trưởng toán lặn vo chỉ định tui làm báo cáo sự kiện "Lặn Hồ Đá"! Ok thui, có điều hơi khó cho tui là trên thực tế cùng một sự kiện nhưng lại có đến hai nhóm lặn khám phá là nhóm lặn vo và nhóm lặn scuba. Chưa kể nhóm lặn scuba với lực lượng áp đảo là hai thợ lặn nhà nghề  với bác Tâm là bậc tiền bối của giới lặn VN và chú Phương - dân lặn kỹ thuật. Thành viên còn lại của nhóm scuba là bác HCQ, tuy là H2 có thâm niên cao nhất trong đám anh em mem-bờ của Blog lặn biển nhưng cũng lần đầu tiên đi lặn Hồ và không có dive guide nên có thể coi là lặn khám phá. Để dọn đường cho bài viết của nhóm scuba, bác HCQ đã có một bài viết chuẩn bị tinh thần trước. Chúc ta cùng chờ xem nhóm scuba nói gì nhé. Về phía mình, tui xin bắt đầu bằng tấm hình toàn thể của cả hai nhóm lặn. Cho tới thời điểm này, mọi người còn đang phấn khích chuẩn bị "hạ thủy". Xem trên hình, cũng có thể nhận ra hai nhân vật tiêu biểu của hai nhóm là ComputerBoy - trưởng toán lặn vo với cờ hiệu trên tay và bác HCQ, nai nịt gọn gàng trong tư thế sẵn sàng đeo bình nhảy xuống hồ.

Chuẩn bị chinh phục "Hồ tử thần"

TchyA sẽ nhận thấy 2 gương mặt mới: Người ngoài cùng bên trái với Camera "khủng" trên tay là bác Tâm - bậc tiền bối cùa làng lặn nhà nghề Việt Nam. Bác Tâm nay đã nghỉ hưu với nghề lặn khảo sát - cứu hộ và  bắt đầu với thú khám phá - chụp hình dưới nước các điểm lặn nổi tiếng thế giới. Anh chàng đứng cạnh AMk3 là chú Đạt (không phải là đạt thường, mà là Phát Đạt!) hoàn toàn newbie, mới tham gia nhóm lặn vo ở hồ bơi HK và chưa có chút khái niệm nào vể scuba. Tuy nhiên, chú Đạt này ngay lần tập static đầu tiên đã đạt hơn 2 phút sau 4 lần try ở hồ bơi. Lần đi thực tế này Đạt mới biết cái ống thở và do chưa tập nên bị sặc và chưa tập đeo chì nên không lặn xuống sâu được. Ah, còn một thú vị nữa của tấm hình này, đó là sự tương phản giữa dân lặn chuyên nghiệp và dân lặn nhởn (fun diver) qua hình ảnh của Phương và AoE!
Theo như kế hoạch thì cho đến thời điểm của tấm hình này (10h:24) thì mọi việc đều ổn, sau khi chụp hình là xuống nước và bắt đầu chiến dịch. Thế nhưng vận xui không chịu rời bỏ trưởng toán của chúng ta. Kể từ khi trở thành trưởng toán lặn vo, ComputerBoy mặc dù rất cẩn thận chu đáo trong chuẩn bị lên kế hoạch, thậm chí đôi khi mạo hiểm khi một mình khảo sát các điểm lặn ven biển miền Trung lại rất hay bị xui xẻo khi bắt đầu thực thi. Trong chiến dịch Madonna Rock, ComputerBoy là người joint cuối cùng nhóm lặn, thậm chí không kịp bận wetsuit do phải lo vụ bình hơi của Vinadive bị xì. Chiều dẫn cả đoàn đi Free Dive ở Rusanka thì lại không tìm được bến! Lần này, sau khi chụp hình, nhóm lặn vo bắt đầu xuống nước thì ComputerBoy lại bị kêu quay lên bờ. Một ông nhân viên bảo vệ của DHQG oai như cóc xuất hiện yêu cầu cả nhóm phải ngưng ngay việc lặn lội và chỉ có thể xuống nước sau trình giấy phép của cấp trên. ComputerBoy lại phải giải trình, giải thích, trình đủ thứ giấy tờ chứng minh mình là cán bộ của DHQG- chủ quản cái hồ này. Nhì nhằng mãi, một tiếng đồng hồ sau mới được phép xuống nước 30’ sau khi viết giấy cam kết và….Vì tình trạng cò cưa kéo dài và mọi người trong tâm trạng không được thoải mái nên khi xuống nước cũng không kịp thống nhất phương án chung. 

Sơ đồ dive site hôm đó: 1) chỗ đậu xe, 2) bãi đất chụp hình, 3) phao lặn vo (nằm đâu đó trong cái "hồ dưới đáy hồ"), 4) đoạn đầu đường xe chạy, nơi mà Phương & bác Quang lặn scuba, và Đạt & Coral lúc đầu cũng có đi qua (trước khi bơi ra phao bên ngoài).
Tui chất cục bê tông 11kg lên phao và kéo ra giữa hồ, chỉ nghĩ đơn giản là phải tranh thủ kiếm chỗ sâu để neo phao tiêu vì không dễ gì kiếm được nơi có độ sâu để thử sức. Cuộn dây cứ được nhả mãi, nhả mãi cho tới khi cục bù chạm đáy thì chỉ còn dư khoảng 4-5 m. Có nghĩa ở đây sâu tới 25 m! 
Tui kéo phao ra giữa hồ
Trong thời gian đó, nhóm Scuba hai người là Phương và HCQ đi theo đường xe chạy và ra chỗ sâu 4-5 m để lặn xuống. Tuy ở chỗ nông, nhưng do Phương đạp fins mạnh nêu khuấy tung bụi đất lên, còn bác Quang do không đủ chỉ nặng nên phải xuống kiểu duck dive tức là đầu xuống trước và kết quả là không quan sát được cảnh quan gì ở khu vực nông. Hai người nhái đổi hướng, bơi thẳng ra chỗ sâu 20m và xuống ở đó.
Mọi thứ máy móc được treo cả lên phao tiêu, kể cả AoE :)
Nhóm lặn vo tập trung về chỗ phao tiêu của tui, mọi thứ máy móc được treo cả vào cái phao này. Do tui không mang chiếc phao thuyền lớn từ Nha Trang vể nên lần này phải tự chế một cái phao tiêu mới. Tui theo mẫu mấy cái phao trên mạng mà dân lặn vo chuyên nghiệp hay dùng, đặt may một cái bằng bạt nhựa màu vàng. Kích thước vửa phải cho việc lặn vo. ComputerBoy đặt phao tiêu của mình xong cũng quay về  đây gửi cái máy chụp hình treo vào móc D.
Do không thống nhất trước từ đầu nên mọi người cứ thế lên xuống một cách tự do. Chú Đạt do lần đầu dùng ống thở nên cứ loay hoay với cái ống đó. Tui thử máy chụp hình, kết quả không khả quan vì chỉ chụp được cảnh gần mặt nước. Tại độ sâu này thì không cần tới Flash mà cảnh thì chỉ toàn các divers không đầu! Sau khi  chụp thử vài kiểu, tui treo máy và quyết định xách cái máy quay GoPro đi xuống. Lần thứ nhất, xuống khoảng 5-6 m là bắt đầu có cảm giác rơi. Với một ký chì, chỉ xuống 7 met là đã qua khỏi vùng độ nổi trung tính và rơi tự do. Vùng nước trước mặt cứ tối dần, cảm giác lạnh cũng tăng theo. Khi cảm thấy khó chịu, tui bắt đầu quay lên, quang cảnh khi lên không khác mấy cảnh lặn ở biển. Nước tối thẫm xanh, chỉ có một vòng sáng xa xa phía trên đầu, tui đi lên theo dây tiêu, không cần đèn.
Quang cảnh phía trên, nhìn từ độ sâu 10met
 Lên tới mặt nước, xem lại trên đồng hồ mới biết mình mới xuống 10,1 met. Bắt đầu nghỉ, thở chuẩn bị xuống lại. Lần này tui quyết định sẽ cố thử xuống tới đáy. Với chiếu dài tổng cộng 50m thì khi dynamic ở hồ bơi không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tui cũng hiểu dynamic theo chiều thẳng đứng ở hồ đá lại là một thách thức khác hẳn, nhất là khi quay trở lên. Tui xuống, dùng đèn của camera soi đường, mặc dù vẫn thấy sợi dây rất rõ ràng. Các bạn có thể phần nào thấy được cảnh tượng khi đi xuống và lên của tôi qua qua đoạn clip dưới đây. 

Càng xuống càng tối sau 7 met là bóng tối bao trùm xung quang. Cảm giác rơi tự do vào một không gian thăm thẳm với ánh đèn nhạt nhòe phía trước, bất tận. Tui bắt đầu cảm thấy khó chịu tai, dù vẫn cân bằng tai bằng cách thông thường, tui quyết định quay lên. Đồng hồ chỉ 17,7 m – là giới hạn của OWC diver.
Hình ảnh ở độ sâu 17,7 met
 Tui bắt đầu đi lên, nhìn vòng sáng phìa trên thật xa xăm. Do tay phải giữ cái cây camera, đèn sao cho ổn định nên tui không thể bơi kiểu cà heo mà vẫn phái đạp fins lên. Đã có lúc tui ước thầm “giá mà mình vứt được cái đai chì đi thì hay quá”. Tui cứ canh theo dây mà đạp lên, không ngước lên. Khi bắt đầu có cảm giác của lực đẩy lên, chắc là đã qua mốc 7 met, nhìn lên đã thấy mọi người (bóng của mọi người thì đúng hơn) đang ngó ngoáy lien tục thật chả chuyên nghiệp chút nào cả J - lẽ ra mọi người phải nằm dài trên mặt nước nghỉ để chuẩn bị xuống lại – có lẽ do độ nổi ở nước hồ thấp chăng. Lên tới mặt nước, tui hít một hơi sâu và một lúc mới trở lại bình thường.
Mọi người và phao nhìn từ độ sâu khoảng 5-6 met
 Mọi người vẩn thay nhau lên xuống, tuy nhiên không theo trình tự nào do trước đó đã không thống nhất các cặp buddy với nhau.Tui tính nghỉ để xuống lại, vừa thấy AoE đang lần dây dìm tự do (free immersion). Thế là tui xuống để quay cảnh này và cũng canh chừng thành viên nhỏ nhất đoàn này. Giống như hôm ở Morray Beach, AoE xuống theo dây theo tư thế nằm ngang hoặc thẳng đứng do chưa cân bằng tai theo tư thế đầu xuống dưới được. Aoe lần xuống, rối lại lần theo dây lên rất chậm rãi. Độ sâu 4.7 met. Rồi tui cứ loanh quanh trên mặt nước để cùng tập với AoE. Coral và Đạt cũng lên xuống quanh phao tiêu. Sau vài lần xuống, AoE đã tiến bộ hơn, chỉ lúc xuống là dìm tự do, khi lên thì lặn tự do lên, không phải bám theo dây nữa. Với cách này, AoE đã xuống tới 7,5 met (theo đồng hồ của tui).
AoE đang tự dìm...và ra hiệu OK!
Nhưng ngay sau đó lại ra hiệu "GO UP"
Và AoE lên bằng Freediving - không cần bám dây nữa.
Cuối  cùng thì cũng lên khỏi mặt nước!
Thời gian trôi qua nhanh chóng. Dù chỉ được “cấp phép” 30 phút, chúng tôi đã ở dưới nước 60 phút hơn. Nhóm Scuba lên trước. Có sự cố gì đó với bác HCQ, tui thấy hai người trồi lên và bác HCQ cởi BCD giao lại cho Coral và bơi vào bờ. Khi đang nổi cạnh phao tiêu, tui thấy bác Tâm đang lặn xuống từ đây còn chú Phương thì lên xuống theo phao của ComputerBoy để kiểm tra độ sâu của hồ. Theo ComputerBoy thì ở độ sâu 20 m vẫn có thể nhìn thấy dây rõ ràng mà không cần đèn pin.
Mọi người đã  tập trung để chuẩn bị nhổ neo! chú Đạt vẫn tiếp tục bóp mũi :)
 Khoảng 12h:30 nhóm scuba đã lên hết, Coral cũng đã đưa bộ BCD và bình khí của bác HCQ vào bờ. Nhóm lặn vo thực hiện công việc nặng  nhọc nhất của chuyến đi: Kéo cục bù 11 kg lên. ComputerBoy một lần nữa thể hiện vai trò và năng lực của mình khi một mình kéo cục bù lên. Bạn tưởng tượng cảnh vừa bơi đứng vừa kéo dây neo lên, tui chỉ đóng vai trò thu dây lại cho lên phao. Trong khi kéo liên tục như vậy ComputerBoy chìm hoàn toàn dưới mặt nước. Tui cũng úp mặt xuống nước nhưng còn thở qua cái ống snorkel. Có lẽ phải mất 2 phút mới đưa được cục bù lên phao! Tui nghĩ, chắc sẽ phải bổ sung thêm một discipline cho nhóm lặn vo là "dynamic kéo dây!" J
Trở về quán Ti-gôn cả hội vui vẻ uống bia với gỏi gà, bản luận về chuyến lặn và cả các môn thể thao mạo hiểm khác. Với các tay nhà nghề như bác Tâm, chú Phương thì đây chỉ là trò vặt, ít ý nghĩa. Bác Tâm gợi ý tổ chức các chuyến lặn tới những vùng biển đẹp, được xếp hạng trên thế giới hoặc nếu ở VN thì cũng phải là Côn Đảo nếu không ra được Trường Sa. Với bác HCQ và tui, những lão già đã về vườn thì gọi ý này thật đúng. Tuy nhiên với các bạn trẻ thì vẫn cần và muốn trải nghiệm những gì thử thách, ngay cả trong các trò giải trí  như lặn biển.
Một vài suy nghĩ: Tổ chức thành công một chiến dịch như thế này theo cách tự host là rất khó khăn, nhưng thảnh công thì rất vui. Giống như đi chơi mua tour và đi ta ba lô vậy. Chúng ta đã có 3 chuyến off-line thì chuyến đầu tiên hoàn toàn do Vinadive tổ chức. Chuyến thứ hai thì nửa nọ nửa kia: Ngày lặn vo thì tự tổ chức chỉ thuê phương tiện còn ngày scuba thì Vinadive lo. Lần này, chuyến thứ 3 thì nhóm lặn vo gần như tự lo được hết, nhóm scuba được hỗ trợ của công ty Hồng Hà. Với nhóm lặn vo, do được hình thành một cách tự nguyện và tự học nên thiếu kinh nghiệm khi tổ chức chuyến đi thư thế này. Với ComputerBoy và tui, mục tiêu chuyến đi này là khám phá (cái Hồ, độ sâu, bóng tối…và bản thân). Với Coral, AoE và nhất lá chú Đạt thì mục tiêu chuyến đi lại nặng về luyện tập thực tế. Vậy nên khi lên kế hoạch cũng cần quan tâm điều này để mọi người cùng tận hưởng tối đa lợi ích và niềm vui của chuyến đi.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Cảm giác sợ hãi bắt nguồn từ đâu?


Cảm giác sợ hãi xảy ra rất thường xuyên ở con người, song nguồn gốc của nó bắt nguồn từ đâu? (theo suckhoedoisong.vn, trích)

 TS.Adam Perkins, chuyên ngành thần kinh học, bệnh viện Maudsley, London, Anh, đã tiến hành các cuộc kiểm tra sự liên quan khi xuất hiện cảm giác sợ hãi với hoạt động của não bộ bằng cách kết hợp quét cộng hưởng từ trường MRI tại vùng não được xác định là nơi kiểm soát sự lo lắng, cảm xúc, tâm trạng của con người. 


Sau 9 tháng tiến hành nghiên cứu trên nhóm người tình nguyện, trong đó chính TS. Perkins cũng là một, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: trong não bộ có tồn tại một khu vực được coi là trung tâm của nỗi lo lắng, sợ hãi. Vùng não này nằm ngay trong vùng não trung tâm – hippocampus, bên trong thuỳ thái dương và chính là vùng não có liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người. Theo dõi trên màn hình kết quả quét cộng hưởng từ trường cho thấy: bất cứ khi nào, cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng não trung tâm hippocampus lại hoạt động và biểu hiện trên hình ảnh là các vùng phát sáng giống như một đám pháo hoa.
Thông thường, khi cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện, con người có xu hướng “cứng đờ” cơ thể. Nó cũng xuất hiện khi phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành xử (behavioural inhibition) do một vùng thuộc não bộ điều khiển. Điều này lý giải cho việc tại sao một số người trở nên bị “đơ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm đang hiện hữu, trong khi đó một số khác lại vẫn có khả năng giữ được bình tĩnh để đối mặt với mối đe doạ và xử lý được nó.


Lo lắng, sợ hãi là một hiện tượng phức tạp và rất khó hiểu. Chúng ta vẫn cho rằng cảm giác lo lắng xuất hiện như một biểu hiện tất yếu, một trạng thái tự nhiên của cơ thể, song sự thực là chỉ khi xảy ra hoạt động tích cực ở vùng não kiểm soát trạng thái này, nỗi lo lắng sợ hãi mới diễn ra. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần tác động nhân tạo khiến cho vùng não kiểm soát sự lo lắng hoạt động thì cũng có thể khiến cho một người rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi. Ngược lại, nếu muốn chấm dứt cảm giác sợ hãi của một người, đơn giản chỉ cần tác động ức chế hoạt động tại vùng não ấy.

Trong thí nghiệm của mình, TS. Perkins đặt ra yêu cầu là phải khiến cho người tham gia thử nghiệm rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi bằng các tình huống thực tế. Đồng thời với việc diễn ra trạng thái này, máy quét cộng hưởng từ trường fMRI hoạt động ghi lại không chỉ cấu trúc của não bộ, mà còn ghi lại các phản ứng của não và các tế bào thần kinh trong não.
Nghiên cứu của TS. Perkins không chỉ làm rõ nguồn gốc trạng thái lo lắng, sợ hãi của người bệnh, mà còn đem lại một phát hiện mới mẻ, thú vị, đó là, nhìn chung, những người thuận tay phải có xu hướng dễ lo lắng, sợ hãi hơn những người thuận tay trái; phụ nữ có xu hướng xuất hiện trạng thái sợ hãi nhiều hơn và mức độ trầm trọng hơn nam giới.
Theo TS. Perkins, phụ nữ dễ bị cảm giác lo lắng, sợ hãi bởi những đe doạ không chỉ về mặt thể chất mà còn bởi những ám ảnh hay tưởng tượng khác, chẳng hạn như: nỗi sợ đám đông, sợ sự mạo hiểm, sợ bóng tối… Ngoài ra, những người đàn ông có lối sống phóng túng thường là những người ít có biểu hiện lo lắng sợ hãi nhất. Và theo kết quả một điều tra xã hội, thì người già có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi trạng thái lo lắng và sợ hãi hơn so với người trẻ tuổi.
Và một điều đặc biệt nữa, trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng cảm giác sợ hãi, lo lắng là không tốt cho sức khoẻ, kết quả nghiên cứu của TS. Perkins lại cho thấy: một chút cảm giác sợ hãi đôi khi lại là rất tốt. Trạng thái này khiến cho mọi người trở nên thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định, làm giảm sự hấp tấp, vội vàng vốn là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong công việc. Một thử nghiệm với các trò game tạo cảm giác mạnh đã được tiến hành. Những người chơi với tâm lý thận trọng, đề phòng luôn đạt được số điểm cao hơn những người chơi khác. Trong cuộc sống, điều này cũng diễn ra tương tự, những người liều lĩnh, ưa mạo hiểm nói cách khác là những người không biết sợ đôi khi lại làm hỏng việc nhiều hơn.
Kết quả nghiên cứu trên đây của các nhà khoa học giúp mở ra hướng đi mới và những ứng dụng mới trong tương lai. Các thí nghiệm thực tế đã mang lại câu trả lời cho một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm qua về nguồn gốc và bản chất của cảm giác sợ hãi, cũng như mối liên quan của trạng thái cảm giác này với hoạt động của não bộ con người.
Và nếu như kết quả từ các hình ảnh quét não có thể được phân tích làm rõ, kết hợp với các dữ liệu thu được trực tiếp từ việc đặt ra các câu hỏi cho người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn toàn có thể xác định được mức độ sợ hãi của mỗi người. Điều này mở ra hi vọng phát triển các phương pháp trị liệu hoặc các loại thuốc mới giúp điều trị các dạng khủng hoảng thần kinh và căng thẳng do sợ hãi và lo lắng mang lại.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Kế hoạch chinh phục Hồ Đá 27/10

Theo nghị quyết được thông qua ở hồ bơi hôm Thứ Bảy vừa rồi, Thứ Bảy tuần này (27/10) nhóm sẽ tổ chức buổi lặn ở Hồ Đá - làng ĐH TP.HCM (tham khảo chuyến khảo sát lần trước).

Thông tin về điểm lặn hồ Đá Lớn

Hồ Đá Lớn (còn gọi hồ Lớn, hồ Đá, hồ Tử Thần) nằm đối diện Nhà khách ĐHQG, là hồ lớn nhất trong 5 hồ (khoảng 800m x 400m), sâu 20m. Là một hầm khai thác đá bị bỏ hoang nên từ bờ hồ đi ra vài mét là tới những vách đá ngầm dựng đứng thẳng xuống lòng hồ (giống như vách đá lộ thiên ở "mỏm đá dựng" trên hình bên). Như hình bên, từ bờ hồ chỉ có vài đường xe chạy (cũ) là thoai thoải để đi xuống lòng hồ.

  • Độ sâu: tối đa 20m, có những bậc thềm 3m, 5m, 15m,...
  • Tầm nhìn dưới nước: khoảng 3m. Vừa rồi khảo sát lại trên bờ, thấy trời mưa vẫn không bị đục hơn.
  • Nhiệt độ: ngang với nhiệt độ nước hồ bơi. Mùa này mưa nhiều thì lặn vo lâu sẽ hơi lạnh.
  • Chỗ xuống: Từ trên bờ có 4 bãi để xuống: 1 bãi là đường xe chạy từ bờ bên kia (phía trên của hình), 1 bãi là đường xe chạy từ bờ bên này (góc dưới phải), 1 bãi là triền dốc ở giữa bên này, 1 bãi là bãi cạn (chỉ ngập vào mùa mưa, 1-2m) ở góc trái bờ bên này.

Kế hoạch chinh phục hồ Đá

Nhóm chia làm 2 đội: lặn vo (đội "Free") và lặn scuba (đội "Scuba"). Mỗi đội đi một chiếc xe hơi tới Hồ Đá, gởi xe và thay đồ ở cà phê Tigôn, lặn, ăn trưa ở cà phê Tigôn, đầu giờ chiều trở về. Theo ComputerBoy thì không cần phải chuẩn bị đồ ăn uống vì quán Tigôn ngay cạnh hồ Đá đã có đủ, mà mình cũng mượn chỗ gửi xe & chuẩn bị đồ luôn.

  • Thành viên mỗi đội như sau:
    - Free: AMk3, ComputerBoy, Coral, AoE... (?)
    - Scuba: Phương Phạm, HCQuang, thầy Tâm, anh Hiếu
  • Tập họp:
    - Đội Free: anh Coral tới nhà chú AMk3 đón ComputerBoy & AMk3, xong trên đường đi đón AoE.
    - Đội Scuba: .... (theo kế hoạch anh Phương)
  • Ăn sáng: 7h30, cả 2 đội gặp nhau ở Cơm tấm Kiều Giang (vừa qua cầu SG, bên phải) để ăn sáng.
  • Di chuyển tới Hồ Đá: 8h, lên đường đi thẳng tới Hồ Đá, gởi xe ở cà phê Tigôn. Đường đi thì ComputerBoy sẽ dẫn (không có thời gian để chỉ đường trên đây).
  • Chuẩn bị lặn: 8h30, giới thiệu địa hình và thống nhất phương án tác chiến cụ thể.
  • Lặn: 9h, hai đội cùng xuất phát từ đường xe chạy bên này (gần đường lộ). Đội scuba theo đường xe chạy đi lần xuống lòng hồ. Thông thường thì mỗi ca lặn scuba chỉ khoảng 45 phút, nên chắc phải làm 2 ca (đường đi ca 2 sẽ tuỳ thuộc vào kết quả ca 1). Và đội Free cũng vậy, tuỳ tình hình mà có thể chuyển sang bãi dốc ở giữa hoặc không.
  • Kết thúc: 11h, cả 2 đội trở về cà phê Tigôn ăn trưa và nghỉ ngơi. Sau đó thì quay về SG.

Các lưu ý, chuẩn bị và thảo luận thêm

  • Free: dạo này lạnh, nên mặc wetsuit để lặn được thoải mái.
  • Scuba: Cần đèn pin, vì từ 10m trở xuống là ánh sáng yếu, nhất là đi trên đường xe chạy (bị vách đá bên cạnh che bớt ánh sáng).
  • Chuẩn bị: Lương thực thì không cần, nhưng cần bộ sơ cứu, vì có nhiều đá bén nhọn và trơn trợt.
  • Những thành viên khác: anh Hải, anh Đạt....
  • ...


Vài hình ảnh về hồ đá

Ở bãi cạn bên trái có nhiều người câu cá và hầu như ngày nào cũng đón vài đôi uyên ương đến chụp hình cưới.

Quang cảnh hồ đá (ảnh rộng panorama):

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Tin OFF-Line!


  Sau một thời gian khảo sát, chuẩn bị - toán lặn vo quyết định sẽ lặn Hồ Đá tại làng Đại học - Thủ Đức. Theo những thông tin trên mạng thì Hồ Đá là một nơi nguy hiểm và huyền bí. Trưởng toán lặn vo ComputerBoy đã có một bài viết về Hồ Đá theo cách nhìn của dân lặn vo: "Lặn Hồ Đá - Kỳ 1: Lật mặt "ma", hoá ra tiên cảnh" . Sau chuyến thực hành lặn vo biển Nha Trang, lần này nhóm quyết định sẽ khám phá Hồ Đá, cũng là khám phá khả năng bản thân từng thành viên, sau một thời gian luyện tập tại hồ bơi.
     Hình thức: Hoạt động dã ngoại. Thời gian dự kiến: Ngày thứ bảy 27/10/2012. Thành phần: Toán lặn vo Blog Lanbien-Scuba (4 người). Ngoài ra có thể có nhóm Scuba của Phương Phạm cũng sẽ tham gia cùng.

  Mọi người cổ võ nhe. Trưởng toán sớm trình kế hoạch để cùng chuẩn bị.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Lặn vo cưỡi tàu ngầm

Nhiều người hỏi tôi tại sao thích môn lặn, tôi cũng chẳng thể trả lời được rõ ràng, có lẽ là thích vì rất nhiều thứ, từ quang cảnh, sự lơ lửng, sự thanh tịnh,..., đến những khát khao chinh phục các giới hạn. Nhưng hôm nay xem một đoạn phim (bên dưới) thấy cảnh kỷ lục gia William Trubridge cưỡi chiếc tàu ngầm du lịch Idabel thì tôi bỗng nhớ ra một đam mê tự thuở bé thơ của mình là du hành vũ trụ. Có lẽ bây giờ không ra được ngoài vũ trụ thì tạm chui xuống thuỷ cung vậy! Nơi đó cũng có quang cảnh khác biệt với thế giới thường ngày và mình cũng được bay bổng giữa không gian lập thể sáu bề. Đó là một phần của sự đam mê...


Trong đoạn phim trên, William Trubridge giới thiệu về vịnh Bán Nguyệt trên đảo Roatan của nước CH Ôn-đu-rát vùng Caribe (Half Moon Bay, Roatan, Honduras) nói chung và chiếc tàu ngầm Idabel nói riêng. Idabel là chiếc tàu ngầm du lịch có thể chở được 3 khách xuống sâu tới 900m. Còn vịnh Bán Nguyệt thì quả là nơi lý tưởng cho môn lặn vo, theo lời giới thiệu của William:

This destination is ideal for freediving, to have (deep?) water, so close to shore, with great condition of calm and no current. That's what you need for freediving!

Dịch: Đây là điểm đến lý tưởng cho môn lặn tự do, có nước (sâu?), rất gần bờ, với trạng thái nước tĩnh lặng và không có dòng chảy. Đó là những gì bạn cần để lặn tự do!

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Du ngoạn Madonna Rock (Hòn Rơm) (cập nhật)

Sau thành công vang dội của Chiến Dịch Vùng Vịnh, các thành viên Blog Lặn biển lại có dịp cùng nhau đến Nha Trang để khám phá thế giới sinh động dưới nước. Có một điều cần phải đề cập lại, đó là sau Chiến Dịch Vùng Vịnh, nhóm lặn vo được thành lập và hoạt động khá thường xuyên. Vì thế kế hoạch của lần này dành hẳn 1 ngày cho lặn vo và bơi tự do ở Moray Beach, Hòn Mun. Ngày thứ 2 lặn scuba tại Madonna Rock (Hòn Rơm). Đây là một điểm lặn rất thú vị với những lính mới như TchyA và AoE.

Thành viên lần này bao gồm: chú AMK3, chú HCQuang, anh Coral, anh ComputerBoy, anh TchyA, AoE và những thành viên mới: anh Phương (dân lặn kỹ thuật) và chị Oanh, advanced PADI. Anh Phương không những là dân lặn kỹ thuật mà còn là thợ chụp hình dưới nước. Chắc nhóm sẽ có những thước hình đẹp mắt lắm đây.


Ngày 1: Moray Beach, lặn vo
  Trưởng toán lặn vo  ComputerBoy và tàu lặn ORCA (Vinadive)
Nơi này nước trong, nhóm đặt phao ở địa điểm có độ sâu 5m, cách bờ khoảng 150m. Từ bờ ra địa điểm này có những cụm san hô đủ sinh động cho những thành viên lặn vo mới. Tiếc là AoE ra biển khớp quá, không xuống được sâu và giữ hơi được lâu. Xem những thành viên còn lại tự do dưới nước thì ngưỡng mộ vô cùng.
Toán lặn đổ bộ lên Morray Beach
Mọi hoạt động được Cameraman của toán là Phương Phạm thực hiện
Thành viên trẻ nhất, AoE đang thực hành "Dìm tự do"...
Và luôn trong tầm giám sát của TchyA!
Thành viên già nhất toán, AMk3 - tự giám sát mình...:)
TchyA và ComputerBoy. Một dưới một trên!
ComputerBoy thực hành cân bằng tai kiểu Frenzel
Coral cũng đang bóp mũi!
Cameraman Phương làm việc siêng năng, hy vọng sẽ có những clíps sinh động và hoành tráng :D

 Các hình ảnh lặn vo này được lấy từ các clips do chú AMk3 quay bằng GoPro Hero HD Camera. Không biết TchyA có chụp được nhiều hình để góp thêm không. Dưới đây là clip ngắn cú lặn thử đầu tiên của TchyA để kiểm tra neo phao sau khi cố định vị trí. 




TchyA First Try



AoE và TchyA



ComputerBoy tự quay clip này.

Ngày 2: Madonna Rock và Orca Rock, lặn scuba
Ngày thứ 2 cả nhóm may mắn với thời tiết. (Thời điểm này Sài Gòn mưa như trút). Nước khá trong, thỉnh thoảng nắng chiếu lung linh nhìn thật thích mắt. Vừa bắt đầu lặn thì nhóm của AoE bắt gặp một chú cá đuối "bay" nhẹ nhàng trước mặt. Tiếc là không chụp được tấm hình nào hết. Được nghe là Hòn Rơm thú vị bới những hang nhỏ và nhiều cá; với một người mới tập tễnh như AoE nghe đến lặn hang thì cũng hơi khớp. Nhưng mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, AoE cảm thấy tự tin hơn nhiều. Cái hang dài khoảng 4m với những đàn cá dày đặc bên trong, thế giới dưới nước trở nên khác biệt. Vẫn mong được trở lại đây một ngày nào đó.
Chuẩn bị vào hang



Điểm lặn thứ 2 ở Orca Rock. Tầm nhìn ở đây gần hơn ở Hòn Rơm, san hô và cá cũng không nhiều bằng. Tuy nhiên đối với AoE thì tất cả đều thú vị.

Cũng bởi vì dịp này AoE được mang mask có diop nên mọi thứ trở nên rõ ràng, đẹp đẽ và mới lạ hơn những lần trước. AoE nhận ra con nhum tuyệt đẹp, cứ như được dán kim cương lên người của nó vậy. Vì cân bằng tốt hơn, AoE có thể lại gần sát những bụi san hô hơn và xem những con cá hề xúm xít trốn trong bụi hải quỳ.
Cha và con

Về tới gần tàu, ánh nắng chiếu xuống rặng san hô tuyệt đẹp. Chẳng mấy khi AoE đi lặn mà có nắng nên quý lắm, nấn ná mãi, snorkeling xem TchyA lặn vo, xem mọi người tụ tập về tàu, cảm giác vui nhẹ nhàng.
Cụm san hô nơi tàu thả neo

Clip lặn Hòn Rơm. Cameraman của nhóm hoạt động tích cực quá nên nhanh chóng xài hết khí trong chai! Qua video này bạn sẽ được chứng kiến tình huống trao đổi bình khí giữa Instructor Hùng và Cameraman Phương (với sự trợ giúp của HCQ và Coral)




Nha Trang tiễn mọi người bằng một trận mưa tầm tã. Hẹn gặp lại lần sau.



AoE

9.2012

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Cái chai sau 24 năm lênh đênh trên biển


Thời xưa, khi tàu đắm, các thủy thủ thả chai đựng lá thư tuyệt mệnh xuống biển, hi vọng có người nhận được. Còn ngày nay?

(Theo Telegraph) Trên bờ biển ở mũi Curonian, Kaliningrad, Nga, cậu bé Daniil bắt gặp một vỏ chai bia Đức có nút bằng gốm, bên trong là lá thư với nội dung “Tôi là Frank, 5 tuổi. Tôi và cha đang đi du lịch trên một con thuyền tới Đan Mạch. Nếu bạn lượm được thư này thì hãy hồi âm cho tôi. Tôi sẽ viết thư trả lời bạn”. Lá thư viết từ năm 1987, tức 24 năm về trước.

Daniil đã hồi âm cho chủ nhân bức thư, anh Frank Uesbeck, lúc này đã 29 tuổi. (Trên thư có ghi địa chỉ là huyện Coesfeld, nước Đức, và rất may, cha mẹ Frank hiện vẫn sống ở đó). Thực ra đây là lá thư do cha cậu viết dùm. Frank nói: “Lúc đầu tôi không thể tin được đây là sự thật. Phải mất một lúc lâu, tôi mới nhớ ra chuyến đi và lá thư hôm đó”.

Cậu Daniil và Frank đã gặp gỡ nhau qua Internet. Daniil đã cho Frank xem chiếc chai và lá thư của 24 năm trước. “Thật khó tin khi một cái chai lênh đênh trên biển suốt 24 năm. Nó không thể nào lênh đênh trên mặt biển trong ngần ấy thời gian. Có lẽ nó đã nằm dưới cát từ rất lâu rồi" – Daniil chia sẻ. 

H: có những cái tưởng chừng không thể xảy ra, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra (hình: cậu bé Tippi người Pháp và bạn của cậu).

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Săn thuồng luồng


(theo KTNT, trích)

Dân miệt biển gọi cá chình cỡ đại ở biển là “thuồng luồng” – loài “linh ngư” đã đi vào huyền thoại. Chính những câu chuyện liêu trai xung quanh sinh vật này đã thôi thúc tôi (phóng viên) ra cù lao Xanh, xã đảo Nhơn Châu, Bình Định, để nhập cuộc chuyến đi săn “thuồng luồng”.

Dân biển nói rằng, chình thường xuất hiện vào mùa êm gió, khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch. Có 3 loại chình: “chình dừa” màu xanh, “chình bông” với những chấm màu lam đen trên thân trắng và “chình nghệ” có chấm đen nhỏ như hạt bắp trên thân vàng. Chúng thường sống và kiếm ăn ở nơi có địa thế hiểm hóc, hang sâu trong gành đá hiểm trở, nước cuộn xiết.

Có hai cách câu, cách thông thường là “câu gành” tức “đi chà”: Dùng mồi cá tươi, chà lên gành đá gần nước có sóng để tạo mùi tanh nhử chình. Khi chình vào thì thả mồi, chúng sẽ ăn ngay. Lúc ấy, giật mạnh lưỡi câu và ghì, kéo chình lên. Đầu chình vừa nhô khỏi mặt nước là dùng lưỡi khấu (móc thép có ngạnh, cán gỗ) móc vào mang, vào cổ kéo mạnh. Rồi dùng dùi cui đập đầu. Người câu tránh để tay chân sâu dưới nước, dễ bị chình cắn.

Bộ đồ nghề câu chình khá đơn giản, một lưỡi câu bằng inox cột vào dây phanh (thắng) xe đạp dài 60 cm để chống răng chình cắn. Phía trên nối với một đoạn dây cước, dài 1 m, có “con găng” bằng gỗ để cầm tay. Khi lưỡi câu móc được chình thì dùng lưỡi khấu phụ kéo lên.

Cách thứ hai là “câu soi”: Lặn xuống biển 4 – 5 m khảo sát. Người câu sẽ bơi “bộ”, tay cầm lưỡi câu nối với dây cước, có đoạn dây thắng xe đạp ở phần lưỡi câu, đã móc mồi. Khi chình ăn, người câu giật mạnh rồi hô người trên ghe hoặc bờ kéo chình lên.

Anh Tú (dân chài) cho biết “Chình ngửi thấy mùi tanh mà ra, chứ nó nằm trong hang không nhìn thấy mình. Chuyện câu chình cũng nhiều giai thoại, có người kiên trì nhử mồi nhưng khi thấy “thuồng luồng” xuất hiện thì … chạy. Chẳng nói đâu xa, tui cũng gặp trường hợp khóc dở, mếu dở. Trong một lần đi câu, tụi tui ra gành, mỗi người ngồi ở một đầu hang. Ngồi mài cá trên mỏm đá sát cái hang chình mà thắc thỏm không yên vì hang tối và sâu hun hút. Đang chà, bất giác tui nghe tiếng động mạnh, chú cá chình nghệ to bằng gàu xách nước ló đầu lên. Tui hoảng quá … chạy luôn”.

Chúng tôi leo gành đá. Đúng lúc chân tôi muốn khụy thì anh Hiền (dân chài) reo khẽ “Đến rồi”. Đó là các tảng đá to và hang nước sâu hoắm – hang chình. Anh lách vào ngách đá, chà cá nhử chình, chốc chốc lại vốc ít nước biển tạt lên vách đá, thịt cá theo đó trôi lan ra. Chờ lâu mà chưa thấy bóng dáng “thuồng luồng” xuất hiện, tôi sốt cả ruột gan. Trên trời mây đen lòng vòng, sóng biển đập vào càng lúc càng mạnh. Bỗng một con sóng to đập vào phiến đá, nước biển phủ trọn lên bộ xương còm nhom của tôi. Chưa kịp hoàn hồn, anh thét “Coi chừng, chình!”. Tôi ngoảnh lại, một con “thuồng luồng” to bằng bắp vế, dài cả sải tay đang nương theo con sóng, há hốc mồm với hai hàng răng nhọn hoắt phủ xuống cái tay đang cầm mồi săn của tôi. Tôi điếng người thả vội mồi, nhoài người sang một bên tảng đá thì nghe một cái “cộp”, con chình đã trúng cú đập của anh, nó oằn người lao thẳng xuống hang sâu.

Chuyến câu của tôi thất bại, con chình xổng mất … nhưng tôi vui vì đã được “diện kiến” con “linh ngư” trong huyền thoại.
Hình minh họa: Chình biển.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Thấy gì khi lặn vo ở Hòn Mun, Nha Trang.

Ngày lặn vo của nhóm bạn lặn Blog lanbien-scuba được tổ chức vào này 15/9 tại  điểm lặn Moray Beach, Hòn Mun Nha Trang. Cuộc lặn này là buổi lặn thực tế đầu tiên ngoài biển (open water) của nhóm lặn vo. Việc chuần bị cho buổi lặn được chuẩn bị khá kỹ từ trước đó. Tui rối sau đó là ComputerBoy đã có các cuộc lặn khảo sát trước tại các điểm sâu 10 m và dự kiến lần này sẽ tìm chỗ sô hơn để thực hành. Tui chuẩn bị cho chuyến lặn chiếc phao "Best Hunter" để làm điểm nghỉ và 30 met dây tiêu cùng tạ neo. ComputerBoy cũng chuẩn bị sẵn phao+cờ tiêu và dây. Tuy nhiên sau khi đổ bộ lên Moray Beach, cảng duy nhất ở Hòn Mun thì chúng tôi nhận ra rằng không thể lặn sâu ở đây được. Rất nhiều tàu du lịch qua lại và neo đậu khu vực này, cũng có nhiều du khách bơi và snorkeling. Khi tui kéo phao ra xa bờ để kiếm độ sâu thì bị lực lượng bảo vệ ở đây bắt quay trở vào gần bờ. Cuối cùng chúng tôi thả neo ở nơi xa nhất có thể, là nơi tiếp giáp giữa các rạn san hô và đáy cát. Độ sâu 5 met! Chuyến lặn vo của chúng tôi trở thành buổi thực hành lặn dynamic theo đáy biển. Bù lại, cảnh quan khu vực này khá đẹp với đủ các loài san hô, hải quỳ, cá... đặc trưng của vùng Hòn Mun. Quân ta vừa lặn, vừa ngắm san hô, các loài sinh vật biển... một cách trực tiếp, tại chỗ. Không như các du khách khác ngắm từ xa qua lớp kính đáy tàu. Tui cũng tranh thủ ghi lại những hình ảnh dưới nước khi lặn vo. Điểm khác biệt của việc chụp hình hay quay phim khi lặn vo là sự thoải mái, không phải lo bám theo diver guide như khi lặn scuba.