Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Dao thợ lặn

(lượm lặt từ các lời góp trên mạng)

Dao chuyên dụng của thợ lặn là công cụ Tiện ích và An toàn cho thợ lặn, và không được xem là vũ khí, tuy chúng có khả năng như vậy.
- Chúng dùng để cắt/ngoặc đứt các mảnh lưới, dây nhợ … mắc vào cơ thể.
- Cắm dao xuống đáy biển để dừng lại (neo) tại nơi có dòng chảy mạnh.
- Là công cụ lao động (theo tính năng kĩ thuật của từng loại dao).
- Gõ chuôi dao vào bình lặn để gọi bạn lặn.
- Giúp thợ lặn an tâm(*) khi gặp một động vật biển to lớn.

Dao thép không rỉ và dao titanium đều phù hợp cho môn lặn giải trí. Dao titanium là con dao hoàn hảo, bởi chúng nhẹ, lâu cùn, độ chống ăn mòn cao, yêu cầu bảo trì thấp. Dao thép không gỉ được chế tạo từ thép 300-series như SS-304, hoặc 400-series như SS-420. 300-series là thép chống ăn mòn cao hơn series-400, nhưng mềm hơn nên sẽ phải mài nhiều hơn. 400-series cứng hơn, sắc hơn, nhưng dễ bị ăn mòn hơn và cần được bảo trì kỹ hơn.
Khi bảo trì, bạn nên tháo cán dao để bảo quản phần bên trong.

Có vô vàn kiểu dao, nhưng thường có cấu tạo như sau: Lưỡi dao có 1 cạnh sắc, 1 cạnh răng cưa, 1 móc cắt. Bao dao bằng nhựa cứng, có chốt hãm dao, có dây (đai) với độ dài đủ để đeo dao vào cẳng chân. Loại dao "mũi bằng" thích hợp cho đào xới, cạy; loại "mũi nhọn" thích hợp cho các “trò chơi”.
Để tăng tiện nghi, một số thợ lặn (như lặn hang động) đeo 2 con dao, mặc dù như một kẻ đã nói “tôi lặn cả trăm lần nhưng chưa một lần rút dao”.

Tùy thói quen và mục đích sử dụng mà thợ lặn có phương án (PA) đeo dao khác nhau:

1. Đeo dao ở cẳng chân “kiểu điệp viên 007”: Đeo ở mặt ngoài cẳng chân. Nếu thuận tay phải thì đeo ở cẳng chân phải. PA này tiện lợi khi rút-gài dao, nhưng dao có thể bị vướng khi bơi ngang một đám rong, đồng thời không hoàn toàn thoải mái cho thợ lặn trong khi bơi. Đây là PA của số đông thợ lặn.

Có thể đeo dao ở mặt trong cẳng chân (H1): Sẽ không gây vướng như nói trên, nhưng khi bơi đôi lúc dao quẹt vào chân bên kia.

2. Đeo dao vào đai chì (H2): So với PA trên, PA này nhằm giải phóng đôi chân, nhưng khi tháo đai chì sẽ có thêm rủi ro mất dao. Ngoài ra, nếu bạn bơi sát ngọn san hô thì đuôi bao dao có thể quẹt gây sứt mẻ san hô. Đây là PA của số đông thợ lặn hồi thế kỉ 20.

3. Đeo dao ở đùi (H3): Nếu thuận tay phải thì đeo vào đùi phải. So với các PA, PA này tiện nghi hơn cả. Phức tạp của PA này là phải chống hiện tượng dao bị tụt dần xuống. Như vậy, Wetsuit(**) phải có chi tiết giữ bao dao, hoặc bao dao được bọc bởi một bao khác bằng vật liệu Neoprene có Vencro hỗ trợ, bó vòng quanh đùi.

4. Bỏ dao vào túi của BCD (**): PA này gọn gàng nhất, nhưng nếu cần rút-gài dao nhanh sẽ bất lợi nhất. Thường đây là vị trí cất dao dự phòng (dao xếp).

5. Đeo dao vào bắp tay theo “kiểu Biệt kích” (H4): PA này thuận lợi khi rút-gài dao. Đeo lộn ngược dễ rút-gài hơn trường hợp cán dao ở phía trên, tuy sẽ có thêm rủi ro mất dao. Thường đây là vị trí dao dự phòng (đề phòng khi tay thuận bị kẹt). Nếu bạn dự kiến cầm dao tay trái thì đeo vào bắp tay phải, nhưng cần cộng với một lưu ý là bạn có thói quen tháo gỡ quai đeo BCD ở vai nào trước? Bởi khi gỡ, quai BCD sẽ có thể bị mắc vào dao. Có lẽ vậy nên PA này thường áp dụng với dao cán mỏng (cán dao không ốp nhựa).

6. Đeo dao vào dây lưng chuyên để treo đồ nghề (H2-tham khảo): PA này tiện nghi, với điều kiện bạn không mang đai chì (chì đã gắn đầy đủ ở BCD), vì đeo đồng thời 2 đai, bạn có thể gặp vướng bận khác.

7. Treo dao vào đai vai của BCD: PA này tiện nghi, nhưng khi thay bình khí (cùng BCD) ở dưới nước, thì bạn có thể quên chuyển dao sang BCD mới. Rủi ro này giống như rủi ro của PA4 .

(*) Một Instructor nói “Một số thợ lặn cho rằng dao lặn là vũ khí tự vệ. Thật sai lầm. Nếu gặp cá mập, bạn chớ vội rút dao mà hãy nghĩ về điều này trong MỘT phút”.
(**) Xin xem "Tự điển lanbien" ở bên phải trang blog.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Chơi thuyền kayak (P2)

P2 – Kayak trên Vịnh Hạ long (sưu tầm – trích).
(Bài này có liên quan tới anh Hà Oánh, dân Hà nội thứ thiệt, một trong những người đầu tiên khám phá Vịnh Hạ long bằng thuyền kayak)

… Thuyền lướt nhẹ trên mặt nước êm đềm, lăn tăn sóng. Hành trình đầu tiên tới bãi tắm Uyên Ương, đảo Phất Cờ và hang Thông Thiên. Đường vào hang rất khó đi. Rêu khắp nơi, trơn tuột. Tối như bưng, phải một lúc lâu mới quen dần thứ ánh sáng lờ mờ để bắt đầu thám hiểm lòng hang với nhiều lối đi ngoắt ngoéo. Cũng chỉ là đá, nhưng muôn hình vạn trạng, và chưa hề chịu tác động, dù là nhỏ nhất, của con người. Lần mò trong hang, say mê ngắm vân đá mềm mại như dải lụa, thỉnh thoảng bắt gặp một khoảng trống, đủ rộng để ánh sáng mặt trời ùa vào. Chặng đường dài mà chúng tôi vừa chinh phục hoá ra là những ngả uốn quanh co trong lòng núi Phất Cờ để tới cửa hang phía trên, nằm lưng chừng núi.

Điểm đến thứ hai là hang Dơi. Kayak lọt thỏm giữa trời nước bao la, tôi sục tay vào làn nước trong suốt, mát lạnh, trong khi sóng liếm nhẹ vào mạn thuyền. Thuyền dần chui vào hang Dơi, miệng hang chỉ cách mặt nước khoảng 1 mét. Càng vào càng tối, những nhũ đá bất ngờ xuất hiện, thả xuống ngang trước mặt. Cảm giác chúng thấp đến nỗi nếu không cẩn thận sẽ bị cộc đầu. Trần hang có vô số nhũ đá đủ hình thù và dày đặc những chú dơi bình thản treo ngược mình. Sâu vào phía trong là hồ nước đẹp mê ly giấu mình trong lòng núi đá vôi.

Điểm cuối cùng mà các tay chèo hướng tới là hang Luồn. Biển nơi đây trong xanh và phẳng lặng như hồ trên đất liền. Chèo kayak tới sát núi Bồ Hòn, cả nhóm mới phát hiện ra cửa hang nằm ngay sát mép nước, có hình cánh cung mở ra dưới chân đảo với vách đá dựng đứng như một cổng thành bề thế. Nền hang ngập trong nước và trải dài gần 20 mét xuyên qua đảo đá. Rón rén chèo sâu bên trong, chúng tôi phát hiện hồ nước mặn ăn thông với biển bên ngoài. Hồ rộng mênh mông, bốn mặt được những vách núi cao, dựng đứng bao kín ...
(het)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Chơi thuyền kayak (P1)

P1 - "Ông hang động" (sưu tầm, trích)
(Bài này có liên quan tới anh Hà Oánh, dân Hà nội thứ thiệt, một trong những người đầu tiên khám phá Vịnh Hạ long bằng thuyền kayak).

Họ gọi John Gray là “ông hang động” vì anh là người “phát hiện” những hang động thuộc hàng đẹp nhất Đông Nam Á, bắt đầu từ Phuket Thái Lan, và khai sinh loại hình du lịch khám phá hang động bằng thuyền kayak.

Gray quan niệm “Kinh doanh du lịch sinh thái không phải là cách làm giàu. Bạn sẽ không sở hữu được chiếc Mercedes đắt tiền, nhưng bù lại, bạn có thể mua được một cách sống cho riêng mình với sự hiểu biết, những chuyến phiêu lưu và có được những người bạn tốt ở khắp nơi – nếu lao động vì tình yêu thật sự”.

Anh nói: “Máu phiêu lưu và yêu thiên nhiên đã ngấm vào tôi từ bé. Ba mẹ tôi vốn là những nhà hoạt động môi trường. Tôi lớn lên trên những chiếc tàu rong ruổi khắp nơi. Năm 12 tuổi, tôi lấy bằng Scuba và 16 tuổi là nhân viên cứu hộ (Los Angeles, 1957), là nhân viên cứu hộ YMCA (Mỹ, 1960). Trước khi đến Thái Lan, tôi đã có 15 năm sống tại Hawaii để thám hiểm và thử sức kinh doanh du lịch sinh thái bằng kayak.

Năm 1989, tôi thực hiện chuyến khám phá dọc biển Andaman. Vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong những hang đá vôi với mùi nước đái dơi khi len lỏi qua những đường hầm nhỏ tăm tối, hay những hang lộ thiên giữa vùng nước đầy bùn nơi vịnh Phang Nga và cả những rặng san hô đẹp huyền ảo ở vùng nước sâu biển Phuket đã làm tôi mê đắm. Tôi biết đây sẽ là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhất là có thể mang đến lợi ích nhiều mặt cho người dân địa phương. Điều làm tôi tự hào cho đến bây giờ là đưa được tên tuổi những hang động của vịnh Phang Nga và sau đó là những hang động ở Việt Nam, Philippines đến tai nhiều người trên thế giới nhờ dịch vụ du lịch kayak và canoe”.

Trước khi có ý định mở rộng kinh doanh sang những vùng đất mới, anh đều dành từ 3 tới 5 năm để khám phá cảnh quan thiên nhiên và những hang động tại đó.

Khi bắt đầu gầy dựng công ty SeaCanoe ở Phuket (1992), số vốn ban đầu của anh vỏn vẹn có 4 chiếc thuyền kayak và hơn 200 USD. Sau 2 năm, công ty mở thêm chi nhánh tại vịnh Hạ Long và sau đó là Philippines. Mô hình kinh doanh này không cần nhiều tiền đầu tư vì chủ yếu dựa vào nguồn vốn quý từ thiên nhiên, đó là hệ thống cảnh quan tuyệt đẹp cùng vốn liếng văn hóa của đất nước nơi bạn đang kinh doanh.

“Lao động vì tình yêu ở đây nghĩa là tất cả những gì bạn làm đều xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, yêu con người và yêu vùng đất mà bạn đang gắn bó sự nghiệp” – Gray lý giải cho việc anh xem trọng việc bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên trong quá trình kinh doanh du lịch sinh thái, vì “Lợi nhuận từ kinh doanh du lịch sinh thái không phải ở trước mắt mà là lâu dài. Nếu bạn chỉ vì tiền mà không quan tâm đến những thứ xung quanh thì đó là sai lầm đáng tiếc - bạn đang vô tình hủy hoại đi nguồn vốn quý mà thiên nhiên ban tặng và khó phát triển mô hình này một cách bền vững”.
Hình minh họa: thuyền kayak.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Thợ lặn công nghiệp Việt nam: P1 - Dưới nước gặp bom thì có mà chạy lên trời.

(bài trên anninhthudo.vn – trích)

… Tôi (tác giả) tới trường Kỹ thuật nghiệp vụ công trình Thăng long (Trường). Họ nói: “Anh xuống Hải phòng gặp ông Tâm, một trong những thợ lặn đầu tiên của ngành giao thông từ khi xây dựng cầu Thăng long và là người duy nhất hiện vẫn thuỷ chung với nghề “nắm đuôi hà bá”. Trước khi về hưu, ông Tâm là Giám đốc Trung tâm huấn luyện kỹ thuật lặn của Trường.

… Ông Tâm năm nay ngoài 50 tuổi, tóc bạc trắng. Ông nói vui: “Nghề thợ lặn công nghiệp có ba cái nhất: tuổi thọ ngắn nhất, lão hoá nhanh nhất và thường trực những nguy hiểm nhiều nhất”.

… Xưa kia ông ở Câu lạc bộ bơi lặn Hải phòng (CLB). Trong những năm chiến tranh, CLB tham gia huấn luyện thanh, thiếu niên có khả năng làm lực lượng bổ sung cho quân đội, và thường trực một đội ngũ sửa chữa những cây cầu huyết mạch bị máy bay Mỹ đánh phá. Sau nhiều năm ngụp lặn dưới những cây cầu trong toạ độ lửa, ông kết luận: “Làm thợ lăn thời chiến, ngoài việc có thể chết vì sông nước thì khả năng chết vì “dính” bom là rất cao. Bởi ở trên bờ thì còn có đường chạy chứ dưới nước mà gặp bom thì có mà chạy ... lên trời! Vì thế, nghề thợ lặn cầu không dành cho những người thiếu bình tĩnh và lòng quả cảm”.

Sau chiến tranh, đội thợ lặn Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng long được thành lập (6/1975). Số anh em CLB được rút về đây tham gia xây dựng cầu Thăng long. Tuyển đi tuyển lại, chỉ còn 20 người. Một đội thợ lặn chỉ có từ 6-10 người vì cũng chẳng có trường nào đào tạo. Người biết lặn sâu không hiếm, nhưng lặn thi công công trình thì không phải ai cũng làm được, bởi ngoài kỹ năng lặn sâu, còn phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật thi công và xây dựng.

Ông Tâm nhớ lại: “Lúc đó cây cầu được thi công theo phương pháp “giếng chìm chở nổi”. Với phương pháp này, cầu Thăng long có 13 trụ chính là các ống thép đường kính 19 mét, bên trong có nhiều ống trụ đã bơm sẵn bê tông. Thợ lặn xuống theo các ống thép đó để hút lớp bùn dưới đáy, sao cho ống thép xuống càng sâu càng tốt. Cứ mỗi lớp bùn được hút lên thì ống thép được hạ sâu thêm một ít. Ống thép xuống sâu nhất là 52 mét, tức thợ lặn phải xuống độ sâu 52 mét”. Ông nói: “Nước sông Hồng đục ngầu phù sa và bùn, thợ lặn gần như làm mò, hoàn toàn bằng cảm giác(*)”. Mỗi ngày các ông phải ngâm mình dưới nước tới 7 giờ.

Hình minh họa: Thợ lặn công nghiệp chuẩn bị "hạ thủy".
(*) Tầm nhìn “zero visibility”–NST.

Thợ lặn công nghiệp Việt nam: P2 - Hàn điện dưới nước

... Công việc của thợ lặn công nghiệp tiềm ẩn những nguy cơ chết người. Với bộ đồ lặn 60 kg, cứ ròng rã như thế đến năm 1979, đội của ông mới hoàn thành việc hạ đáy cho 13 trụ cầu. Đây là công trình đầu tiên của thợ lặn cầu Việt nam. Sau cầu Thăng long, cầu Chương dương, đội thợ của ông bắt đầu “cuộc hành trình dưới lòng sông” của mình từ Bắc vào Nam. Tính đến nay, ông không nhớ mình đã bắc lên bao nhiêu nhịp cầu, nhưng có một kỷ niệm khiến ông nhớ nhất, đó là thi công cầu Bến thuỷ (Quốc lộ 1A).

Năm 1988, một trận bão khủng khiếp đã tàn phá tan hoang một dải Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên. Khi đó cầu Bến thuỷ đang đóng những mố cọc bê tông đỡ bệ. Cơn bão bê cả chục con tàu biển ném lên đường ray xe lửa, đã phá nát biết bao công sức của những người thợ vừa mới đóng xong giàn cọc. Nhiều khả năng phải đóng lại toàn bộ giàn cọc mới, điều đó đồng nghĩa với toàn bộ thiết bị dầm đỡ đã đúc sẵn sẽ phải huỷ bỏ. Cuối cùng, phương án là: Hàn lại toàn bộ hệ thống cọc thép, tiếp tục phương án cũ!

Đội lặn của ông được chuyển từ giàn khoan dầu khí Bạch hổ về Bến thuỷ. Tiến độ gấp đến nỗi không thể chờ thiết bị, phương tiện thi công dưới nước từ Sài gòn chuyển ra. (Ông nhớ lại: Sau chiến tranh, các công trình hạ tầng đều đã bị phá hoại, nên cả nước phải khẩn trương hết sức để xây dựng lại). Đích thân ông khảo sát và hàn toàn bộ 3 trụ số 6 - 7 - 8 bằng thiết bị hàn chỉ dành cho thi công trên cạn. (Thiết bị trên cạn không an toàn dưới nước: Trong môi trường nước, chỉ cần “mồi hồ quang” không cháy là người thợ sẽ bị điện giật(*)

Khi ông Tâm chuẩn bị lặn, toàn đội đã bắt tay chào ông, như chào một người lính cảm tử. Một que hàn chỉ cháy được 55 giây là phải mồi que mới. Mỗi lần mồi que mới là một lần đối mặt với tử thần. Ông không nhớ để hàn hết 3 trụ cầu ngầm, đã phải đốt hết bao nhiêu que hàn. Lúc ngoi lên mặt nước, ông được đón tiếp bằng những tràng tung hô nồng nhiệt. Ông nói: “Không thể tưởng tượng được là tôi còn sống trở về. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy đó là điều kỳ diệu”.

Hiện ông vẫn tiếp tục công việc “nắm đuôi hà bá” ở Công ty TNHH lặn Đại Dương chuyên nhận thi công, trục vớt những hạng mục ngầm dưới nước. Phần lớn thợ lặn đều là học sinh do ông đào tạo. Hôm tôi đến, ông mới đi công trình đường ống dẫn dầu Cảng Dung quất về, chỉ vào những người thợ của mình, ông nói: “Nghề thợ lặn là nghề lặng lẽ, ngắn ngủi và cô đơn. Chỉ những ai thực sự yêu nghề và có lòng quả cảm mới có thể theo nó được lâu dài”. (hết)

(*) Hồi đó, do thiết bị chuyên dụng thiếu thốn, lại ảnh hưởng lối tư duy thời chiến nên công tác an toàn lao động chưa được chú trọng như bây giờ-NST.
Hình minh họa: Thợ hàn dưới nước.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

US SEAL luyện tập lặn biển và nhảy dù thế nào

Đội biệt kích hải quân Mỹ - US Navy SEAL 6 đã đột kích nhà trùm khủng bố Bin Laden. Sau đây là một số hình ảnh luyện tập của lính SEAL. Khi lặn biển lính SEAL không sử dụng trang bị SCUBA thông thường mà xài loại tuần hoàn (rebreather scuba) không tạo bong bóng khi lặn để tránh bị phát hiện.

Chú ý: Không nhầm lẫn Navy SEAL của Mỹ với "lực lượng" PADI Seal Team là các học sinh lặn PADI trẻ con, dưới 15 tuổi.

Kẻ cùng hội cùng thuyền với thợ lặn (P2)

(Bài của a.Đỗ Nghĩa, nguyên Thủy thủ viễn dương – trích)

… Tiếng máy tàu ầm ì, đều đều. Rất ồn ào nhưng lại rất tĩnh lặng. Ào ào là tiếng máy cái, máy đèn và các máy móc hoạt động dưới hầm máy cùng tiếng rít của turbo lâu lâu lại òa lên, ào ạt theo gió xông vô bất cứ một phòng nào, vì một lí do nào đó cánh cửa phòng bật mở. Ồn ào hơn nữa là tiếng máy chợt gầm lên khi chân vịt chạy không một phần do hổng lên trên mặt nước. Tĩnh lặng là bởi không nghe thấy tiếng người. Bởi thiếu hẳn tiếng cười đùa, tiếng chén đũa khua trong giờ cơm, thiếu cả những tiếng nói sinh hoạt, tiếng í ới gọi ca thường ngày. Tĩnh lặng là nghe rõ mồn một tiếng lóc cóc leng keng của một vài vỏ lon Coca hay lon bia ai đó bỏ quên, lăn trên sàn qua mạn tàu bên phải rồi lăn lại qua trái theo nhịp sóng.

… Cánh cửa buồng ngủ bỗng bật mở, ai đó mới hết ca. Gió ào vào mang theo tiếng rít từ hầm máy, mang mùi dầu máy quyện theo cả mùi mỳ ăn liền từ bếp xộc vào phòng làm bụng Năm Bình cuộn lên, muốn ói. Anh thử ngồi dậy, có đỡ hơn một chút. Thôi thì thử bò ra ngoài hít thở khí trời coi có bớt khó chịu chút nào không, anh nghĩ vậy. Bám chặt tay vịn cho khỏi té, anh lò dò từng bước cầu thang lên boong tàu. Gió biển nghe cả được hơi muối trong gió, nhớp nháp, mát rượi, thấy người như khỏe hơn. Xa xa kia lập lòa ánh lửa đỏ của những giàn khoan ngoài khơi vùng biển Malayxia.

… Năm Bình trở lại phòng, tính ngủ nghê một chút lấy sức. Anh đi thay chức danh một thợ máy bảo quản, nên nằm chung phòng với anh em ban máy. Dũng "xoăn" máy Ba mới hết ca 8-12 lên phòng nghỉ, đang ngồi tu chai bia 33 ướp lạnh. Dũng người Hải Phòng, giọng nói khàn khàn, tính cách ngang ngang, bỗ bã nhưng thân thiện, dễ gần. Dũng toe toét:
- Giỏi, anh Năm đi chuyến đầu vậy là cứng sóng đó. Thằng cu gì chấm dầu mới điều xuống đi ca với tôi xẹp lép như con tép rồi kìa, khe khe.
Người Dũng toát mùi dầu nhớt, mặt mũi đẫm mồ hôi và những giọt sương nhớt vương đầy mái tóc. Một tay cầm chai bia lạnh tu oóc oóc, tay kia đang kéo đuôi một con chuột cơm giỡn đùa.
- Ôi trời, chơi gì dơ quá đi mậy.
Dũng "xoăn" cười khe khe:
- Anh Năm thấy chuột say sóng khi nào chưa. Coi này.
Đang nắm đuôi con chuột Dũng buông tay. Con chuột con nghiêng đầu, ngước mắt lờ đờ nhìn Dũng rồi nghiêng ngả bước đi. Chỉ được mấy bước chân, nó đổ dúi dụi theo chiều nghiêng của sàn tàu rồi lộn mèo mấy vòng. Loay hoay mãi không đứng dậy nổi. Dũng cười kha kha, kéo đuôi con chuột lại gần, lại thả, lại dúi dụi, lại kha kha cười. Con chuột cơm giương đôi mắt ngơ ngác và khốn khổ, lúc này nó biết sợ, là sợ sóng chứ không phải sợ người.

… Nhớ sáng sớm nay lên boong chơi đã bật cười cảnh con heo say sóng. Đó là con heo anh em mang theo, để dành tới gần xứ người ta mới mần thịt để ăn tươi một bữa cuối hành trình. Tội nghiệp con heo say sóng, ăn uống gì nổi, nằm quay lơ ngước mắt không lên, miệng xùi bọt trắng cùng những tiếng rên nhẹ, đều đều khổ não, đá mạnh vào người nó rên càng lớn hơn, như muốn nói, có mần thịt thì mần liền đi, mệt lắm, chịu hết nổi rồi.

… Năm Bình tâm sự: “Đi thực tế” với anh em thuyền viên, coi tụi nó làm, ca kíp đâu đó, sinh hoạt trên tàu thì khó khăn vất vả lắm. Hai ba bữa nay sóng gió là vậy, nhiều đứa bỏ cơm mà tới giờ làm việc vẫn đâu đó. Anh không phải đi ca, ăn ở không trên tàu, buồn thì nằm đọc sách, đọc chán đi lên xuống ngắm biển trời. Ấy vậy mà gặp sóng là “chán hẳn”, cái chán cái say của sóng biển thật khó tả. Nằm đó mà anh ước ao, muốn vứt mẹ hết công việc, chỉ thèm được ngồi ngay trên chiếc ghế xa lông trong phòng khách nhà mình. Đánh đổi lấy niềm hạnh phúc đó, cái gì anh cũng đổi.

Đêm đã khuya, sóng gió dường như bớt đi, con tàu êm êm trở lại. Làm sếp của công ty, một lần sóng gió cùng nhau, Năm Bình bỗng thấy thương quá những người anh em đi biển.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Kẻ cùng hội cùng thuyền với thợ lặn (P1)

Thợ lặn đi theo tàu, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu cuộc đời sóng gió của Thủy Thủ, kẻ cùng hội cùng thuyền với mình.

(Bài của a.Đạt, một thủy thủ, nguyên là bạn thời Phổ thông với tôi – trích)

Nếu trời yên, biển đẹp thì đời thủy thủ thật là lãng mạn. Nhưng có mấy khi, lúc thì gió mùa, lúc thì biển động, lúc thì mưa bão, thường xuyên gặp sóng, gió nổi lên, khi đó đầu của người yếu sóng sẽ cảm thấy như quay cuồng, chao đảo, mắt hoa, mày váng, ruột cồn cào muốn lộn từ trong ra ngoài bắt đầu ói lên ói xuống. Đầu tiên là thức ăn trong ruột còn cái gì thì ra tất, khi không còn gì thì tiếp theo là một thứ nước màu vàng xanh đắng ngắt mà người ta vẫn gọi là mật, ra cả mật xanh, mật vàng đúng theo nghĩa đen. Nhiều khi ói nhiều quá, mạch máu trong cuống họng vỡ ra, lúc đó nước dịch trong miệng ói ra sẽ là máu nhưng vẫn phải đi ca đều đặn.

Để có cái mà ói ra và tiếp tục làm việc, họ phải uống nước hoặc ăn tạm một thứ gì đó còn có thể nuốt được? Nhiều trường hợp yếu sóng bỏ ca, hay bị bệnh bất ngờ không thể đi ca nổi, sẽ phải có người gánh thêm một ca nữa, mà một ca là 4 tiếng, xong ca trực ai nấy đều mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi, nên việc phải trực thêm là bất đắc dĩ, nhưng có một điểm khác với mọi thứ say như say tàu, say xe vật vờ, mệt mỏi, thì say sóng khi tàu thả neo, chạy trong sông hay cập bờ là tỉnh liền như trước đó không hề có gì xảy ra, giống như giả vờ ốm vậy. Đối với người mới đi biển thì còn có cảm giác say đất. Đi trên đất liền mà có cảm giác khó chịu, bồng bềnh như trên biển và cũng ói.

Trên boong thì sau này có trang bị thêm hệ thống GPS dẫn đường, hải đồ điện tử nên đỡ vất vả. Dưới máy hầu như không có thay đổi gì nhiều! Vẫn phải dựa vào con người là chính. Trong lúc máy chạy ầm ầm, sỹ quan đi ca có trách nhiệm xử lý mọi sự cố xảy ra trong ca trực, như bể đường ống, chết máy do mọi nguyên nhân, ... Nói chuyện với nhau phải gào sát vô tai may ra mới nghe rõ, nên hầu như giữa sỹ quan phụ trách ca với thợ máy phải hiểu ý nhau mới được, ví như người bác sĩ phụ mổ phải hiểu bác sĩ mổ khi mà người đó chìa tay ra mà không nói! Ai mà xử lí chậm là ăn chửi hoặc bị một cái gì đó trong tầm tay bay ngay vào đầu, sau đó khi về bờ là "khăn gói" lên nhận nhiệm vụ tại phòng nhân sự công ty.

Đang lúc biển động, cả con tàu đang chuyển động,bỗng dưng bục đường ống nước hoặc dẫn dầu. Kim đồng hồ chỉ áp lực nước,dầu giảm xuống, phải xử lí ngay không được để cho chết máy. Nếu người thợ máy không đi kiểm tra thường xuyên hoặc không có đôi tai chuyên nghiệp nghe tiếng máy nổ (khác đi bình thường) thì hậu quả xảy ra với cả con tàu là khôn lường! Chưa kể hơi dầu bốc lên mờ mịt, nhiệt độ phòng máy luôn trên 40 độ C, sờ vào bất cứ thứ gì trong phòng máy cũng bỏng rát.

Thủy thủ đi dài ngày trên biển, mấy ngày đầu còn được ăn thức ăn tươi, còn sau đó là đồ đông lạnh, rau héo, thối, mà rau thì rất cần thiết cho con người. Nên trên mỗi con tàu, người nấu bếp rất quan trọng. Thuyền viên được ăn ngon hay không là do tài chế biến của đầu bếp! Người nấu bếp phải có cái tâm mới làm được, còn nhăm nhăm xuống tàu để đi buôn thì cả thủy thủ đoàn thường xuyên ăn mì gói hay tự nấu lấy khi xong ca là chuyện thường. Có lẽ do quá căng thẳng khi đi trên biển nên lúc thả neo hay đi bờ thủy thủ thường hay nhậu để tìm lại sự cân bằng? Thủy thủ cũng dễ đánh nhau thậm chí có trường hợp còn cắn lưỡi, cắt cổ tay ... tự tử do stress khi tàu lênh đênh vài tháng trên biển xa.

Hình: tàu buồm viễn dương thời xưa, chiếc Mayflower nổi tiếng.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

ADEX 2011

ADEX (Asian Diver Expo) Là triển lãm về lặn biển của Châu Á được tổ chức hàng năm tại Singapore "bởi Divers cho Divers". ADEX2011 là triển lãm lần thứ 17 và được tổ chức trong tòa nhà SunTech  -  Trung tâm hội nghị quốc tế của Singapore. Năm nay ADEX 2011 chọn chủ đề Rùa Biển và những mối quan tâm bảo tồn chúng. Năm ngoái, ADEX 2010 đã thu hút hơn 21 ngàn người từ 49 quốc gia tới dự. Có hơn 100 nhà triển lãm tới trưng bày các sản phẩm và dịch vụ ngành lặn biển của mình tại triển lãm.
Các Nhà sản xuất trang thiết bị lặn biển, các tổ chức đào tạo và các trung tâm lặn, các khu resort tới để quản bá và trao đổi thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình. Còn những người yêu thích môn thể thao này như chúng ta thì đến ADEX làm gì? Có mấy lý do để tới đó:


  •    Tham khảo, kiểm nghiệm các thiết bị mới nhất
  •    Tìm kiếm các điểm lặn mới, các điểm nóng và các chuyến du lịch sinh thái biển 
  •   Tìm hiểu chi tiết về khu du lịch, liveaboards và khách sạn quanh khu vực
  •   Cơ hội trải nghiệm ... xem các đoạn video và hình dưới nước của các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp 
  •   Nghe các chuyên gia nói về các chủ đề thú vị từ bảo tồn biển đến kỹ năng chụp ảnh, quay phim dưới nước.
  •   Tham gia các cuộc thi và nghe trực tiếp những người chiến thắng trên sân khấu
  •   Tận dụng một loạt các ưu đãi đặc biệt từ các nhà triển lãm ADEX!
  • So sánh các thiết bị lặn và phụ kiện để tìm thấy những gì phù hợp với bạn chỉ với một lần tìm kiếm, giao dịch trên nhiều loại hàng hóa tại ADEX!  
     Tui quyết định mình cũng phải tới triển lãm này một lần cho biết. Hơn nữa, tui và Mẹ Đốp chưa từng tới Singapore nên đây là một lí do tốt. Tui lên mạng đặt vé tại Tiger Airways và tìm được một khách sạn bình dân gần khu trung tâm Mariana Bay với sự trợ giúp của Agoda. Thế là đã có phương tiện đi lại và ở. Tính ra chi phí này cũng chỉ xấp xỉ như một chuyến đi Hà Nội. Điều thuận tiện nữa là 3 ngày triển lãm tổ chức vào cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật nên những người đang làm việc cũng có thể tranh thủ đi được.
      Liên quan chủ đề chính của triển lãm là Rùa biển, tui sẽ đề cập ở bài sau. Lần này chỉ đưa lên một số hình ảnh để các bạn có cái nhìn chung về ADEX và ADEX 2011. 
Trong sảnh chính tòa nhà Suntech. Thông báo về triển lãm và chương trình của từng ngày triển lãm.

Chủ đề năm nay: 'Rùa biển và những vấn đề bảo tồn loài sinh vật này'. Các chuyên gia có nhiều thuyết trình về rùa biển, các nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chúng (chủ yếu từ phía con người) và các biện pháp để bảo tồn chúng.

 Khu vực trưng bày với nhiều gian hàng từ nhiều nước, tổ chức, công ty trên thế giới.

Có các gian hàng chuyên về thiết bị chụp hình, ghi hình dưới nước.

Các loại vỏ hộp chống nước cho máy ảnh, camera.... (thường có giá bán đắt hơn cả bản thân chiếc máy ảnh hay camera bên trong).

Các loại đèn chiếu sáng rất cần ở độ sâu hơn 25 met, các bộ môn lặn chuyên dụng: Lặn xác tàu, lặn hang, lặn đêm ...và hỗ trợ quay phim chụp ảnh.

Các trang bị từ đơn giản nhất, tối thiểu nhất: Kính lặn và ống thở mặt nước...

Các loại chân nhái, áo bơi....

Tới các loại áo phao, BCD và phụ kiện như la bàn, computer, máy đo thành phần oxy....

Có cả hồ bơi với camera dưới nước để trình diễn, thử nghiệm các trang thiết bị lặn.

Ai chưa từng lặn biển cũng có thể thử cảm giác của lặn scuba trong cái hồ kiếng như thế này. Cô Instructor đang hướng dẫn một khách tham quan triển lãm lặn thử.

Quầy trưng bày các kiểu regulator của Mares, Italy.

Các vỏ hộp chống nước cho Camera của BS Kinetics - CHLB Đức.

Do chỉ quan tâm trang bị và công nghệ, tui bỏ qua nhiều gian hàng của các trung tâm lặn biển, các tổ chức mội trường...Đây là quầy hàng của SSI - một tổ chức quốc tế về đào tạo lặn scuba. Chương trình đào tạo của SSI cũng có tại Vietnam.

Để tìm hiểu hết những thứ mình quan tâm cũng không đơn giản vì có quá nhiều thứ ở đây. Tui chỉ tham quan được một buổi ngày 21/4 là ngày khai mạc triển lãm, nhắm sẵn các thứ mình quan tâm, xin tài liệu về coi. Ngày thứ 2 ở Sing phải dẫn mẹ Đốp đi xem quốc đảo sư tử biển, tui cũng là lần đầu nên vừa đi vừa hỏi đường. Ngày cuối cùng của triển lãm, cũng là ngày chúng tôi bay về nhà. Trước khi ra phi trường, tui kịp chạy đến triển lãm và mua mấy thứ đã ngắm nghía từ buổi tham quan đầu tiên.