Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Cá “cãi lộn” tiếng vọng lên bờ (P4)

(tiếp theo và hết)
Nhưng đáng tiếc, không phải tất cả những người nghe thấy âm thanh của loài cá đều tiến hành nghiên cứu. Người đánh cá Trung Quốc sử dụng tai nghe dưới nước để định vị loài cá đỏ dạ gần như tuyệt chủng. Bong bóng của chúng có giá đến 60.000 đôla do công dụng chữa bệnh của nó.

Cá heo cũng dựa vào tiếng rì rầm của cá mà theo dấu con mồi. Joseph J. Luczkovich – PGS sinh học tại đông Carolina cho biết “10 loài cá đứng đầu danh sách thực đơn của cá heo có thể phát ra âm thanh”.

Khi ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của những tiếng gọi bạn tình trong mùa đẻ trứng của cá, chúng ta lại càng nhận ra một mối lo đáng kể. Những tiếng động từ tàu chở dầu, thiết bị phát hiện tàu ngầm hay dò tìm chấn động, thiết bị phát hiện dầu thường phát ra ở cùng tần số âm thanh với tiếng gọi của cá. Những âm thanh đó có thể cắt đứt sợi dây liên lạc của đàn cá.

Cơ quan ngư nghiệp biển quốc gia với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu đã tiến hành lắng nghe âm thanh của các sinh vật biển, không chỉ bao gồm cá voi và cá heo. Do những loài cá thường được dùng để chế biến món ăn như cá tuyết, cá mú và cá efin đều phát âm, nên chỉ cần bản thu âm các sinh vật biển cũng đã mang lại tiềm năng trong việc quản lý khai thác thủy sản – trong thời điểm số lượng thủy sản đang sụt giảm như hiện nay.

Brandon Southall – giám đốc chương trình âm học đại dương thuộc cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia – cho biết “bằng cách lắng nghe những âm thanh của biển cả, có rất nhiều điều giúp ta xác định những gì đang tồn tại và diễn ra trong lòng đại dương”. Cơ quan này hi vọng âm thanh có thể giúp nhận biết khu vực sinh sản của loài cá cần được bảo vệ và có thể được sử dụng giống như một công cụ nhằm đánh giá số lượng cá thể một cách chính xác. Theo tiến sĩ Lobel thuộc đại học Boston, kỹ thuật vô hại này chính là một bước tiến lớn. Ông cho biết “nếu không có âm thanh thụ động, ngư dân có thể đánh bắt những loài cá đang bị đe dọa, khiến chúng bị tuyệt chủng nếu chúng đang ở giai đoạn đẻ trứng. Con người đang lấy đi hàng triệu tấn cá chỉ để tìm nơi chúng đẻ trứng mà thôi”.

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Lặn biển, tôi có chút lo lắng

(sưu tầm)
Chào các bạn. Lặn biển là một cách trải nghiệm vương quốc tuyệt vời của Thủy tề. Nó cung cấp cho bạn cơ hội để tiếp nhận sự tiết lộ của những bí ẩn kỳ diệu của một môi trường chiếm phần lớn trong hành tinh của chúng ta. Tôi tin rằng, một khi bạn đã lặn biển thì chúng sẽ trở thành những kỉ niệm đẹp đẽ đi theo suốt cuộc đời bạn.

Tôi có một kỉ niệm, đó là thời gian đi học chứng chỉ “lặn nhập nước” (OWD). Boracay là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Với những bãi biển cát trắng mịn và nước trong vắt, xanh thẳm, nó được coi là một đảo thiên đường. Sinh vật biển ở đấy rất đa dạng mà một thợ lặn chắc chắn sẽ thú vị khi thưởng thức và tận hưởng niềm hạnh phúc với biển. Lúc học nhập môn, tôi rất vui, nhưng có chút lo lắng. Tôi cố gắng không hoảng sợ, và rồi tôi đã đi sâu vào lòng nước ... Đây là cơ hội để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Chuyến lặn đó không kéo dài và tôi đã cảm thấy thoải mái. Nó là một kinh nghiệm tuyệt vời cho tôi. Tôi đã nhìn thấy vẻ đẹp của động vật biển với sự hiện diện của nhiều loại cá, rạn san hô, với Lagoon Rays và Moray. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, nó đẹp. Với tôi, đó là thư giãn.

Một kỉ niệm khác không thể nào quên, đó là lần lặn ở Tulum, Mexico. Tulum có các rạn san hô đẹp nhất và chỉ cần lặn ống thở (snorkeling) ở Riviera Maya thôi cũng đã rất thú vị rồi. Ở Tulum, bạn có thể xâm nhập vào hang động nước ngọt được biết đến như một Cenotes – một phần của hệ thống sông cổ chạy từ rừng sâu ra biển trên bán đảo Yucatan, Mexico. Một sự kết hợp của các sự kiện địa chất khác nhau và sự thay đổi khí hậu tạo ra một hệ sinh thái lạ thường và duy nhất chỉ có tại bán đảo này.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Cá “cãi lộn” tiếng vọng lên bờ (P3)

Mặc dù được nghiên cứu khá kĩ nhưng các cơ chế phát âm ở nhiều loài vẫn còn là điều bí ẩn. Âm thanh của cá là một phương thức để mời gọi bạn tình, thể hiện thái độ với kẻ xâm lược, hay để biểu thị sự sợ hãi hoặc tình huống hiểm nguy. Tuy nhiên những ẩn ý khác của chúng vẫn chưa thể lý giải.

Andrew H. Bass – GS nghiên cứu “sinh học thần kinh và hành vi” Đại học Cornell - cho biết “cá có một cơ chế khá tinh vi và phức tạp để giao tiếp nhờ âm thanh với các ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào môi trường xã hội của âm thanh đó. Giao tiếp bằng âm thanh có lẽ là hình thức giao tiếp xã hội tiến hóa đầu tiên ở loài cá”.

Mặc dù âm thanh của loài cá rất đa dạng và đôi khi mạnh mẽ, nhưng hiếm khi chúng ta có thể nghe được trên đất liền vì mặt phân cách giữa không khí và nước đã tạo nên rào chắn. Âm thanh thường dội lại khi tiếp xúc với mặt phân cách. Trong quá trình tiến hành khảo sát âm học thụ động, TS Rountree đã đặt thiết bị nghe dưới nước ở ngoài khơi Cape Cod. Ông rất ngạc nhiên khi thu được rất nhiều hình thái tiếng líu lo của “cá chồn tiên” vì không ai biết chúng có sống trong khu vực. Các nhà nghiên cứu thuộc viện Woods Hole Oceanographic Institute gần đó đã không hề phát hiện ra cá chồn tiên trong suốt hơn 100 năm nay mặc dù họ đã tiến hảnh khảo sát trên diện rộng.

TS Gerald D’Spain – viện đại dương học Scripps, San Diego – có một phát hiện khác: ông ghi lại âm thanh những con cá “đồng ca” dọc bờ biển Thái Bình Dương, từ Ensenada đến Point Loma. Ông so sánh âm thanh này với làn sóng người tại sân vận động: bản hợp xướng hòa ca bên bờ biển giống như các khán giả đồng loạt đứng dậy và tung hô. Ông tin rằng bản hợp xướng của cá được truyền từ con này đến con khác với tốc độ gần bằng tốc độ lan truyền âm thanh trong nước – gấp gần 4,5 lần tốc độ âm thanh lan truyền trong không khí.

Thiết bị nói trên đem lại điều bí ẩn khác của đại dương, đó là âm thanh của những loài cá và các sinh vật biển khác chưa từng được biết đến. TS Mann Đại học Nam Florida và Susan Jarvis nhà nghiên cứu Hải quân, đã khám phá ra một loài cá bí ẩn tại Bahamas có thể phát ra những tiếng gọi từ độ sâu 600 mét. TS Mann cho hay “chúng ta biết có một nguồn âm thanh ở dưới đó. Chúng ta biết nó từ đâu, nhưng chúng ta lại không biết nó là cái gì”.
(còn nữa)

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Cá “cãi lộn” tiếng vọng lên bờ (P2)

Hai thập kỉ trước cũng có một tình huống tương tự xảy ra tại Sausalito, Calif, khi mà những người dân sống trên nhà thuyền luôn luôn phải chịu đựng tiếng gọi của cá nóc. Một bài viết có ghi “chúng tôi không thể tin, ngay lập tức, rằng âm thanh như tiếng kèn túi khiến những người dân Sausalito sống trên nhà thuyền thức trắng cả đêm lại do những con cá nóc lãng mạn, ngân nga bài tình ca Ấn Độ với ngôn ngữ của riêng chúng”.

Greg Coppa – giáo viên phổ thông – cũng bị người ta cười nhạo khi ông nói mình nghe được tiếng ồn ào của cá lúc chèo thuyền gần đảo Block, tiểu bang Rhode Island – Hoa Kì. Coppa nói “một số người thậm chí còn hỏi tôi rằng tôi đã uống thứ gì trước khi nghe thấy những âm thanh đó, hoặc ném cho tôi cái nhìn dè dặt dành cho một người bạn tuy tốt nhưng thật đáng thương”. Với sự hỗ trợ của Rodney A.Rountree (nhà khoa học, Công ty nghiên cứu Marine Ecology and Technical Applications), Coppa đã biết được rằng loài cá mà ông tưởng là một sinh vật to lớn sống dưới biển thực chất lại là loài cá chồn tiên sọc đen bé nhỏ phát ra âm thanh như một cái búa khoan.

Đại dương có khoảng 30.000 loài cư trú nhưng chỉ có khoảng 1.200 loài có thể phát ra âm thanh được biết đến và số loài có âm thanh đã được ghi lại thì còn ít hơn nhiều. Đến loài cá vàng bình thường cũng chỉ được góp mặt trong hai ấn bản khoa học. Philip Lobel – GS sinh học Đại học Boston – cho biết: Thật ra “hầu hết các loài cá đều có thể phát ra âm thanh. Nhưng việc nuôi một con cá trong bể kính chẳng khác gì nuôi một con chim hoàng yến trong cái lồng cách âm”.

Bộ sách hoàn chỉnh nhất về âm thanh của cá được xuất bản năm 1973 của Marie Poland Fish và William H. Mowbray – phòng thí nghiệm Narragansett Marine, đại học tiểu bang Rhode Island –đã sử dụng phòng thu “phát hiện tàu ngầm địch” của Hải Quân. Do những âm thanh ồn ã dưới biển gây phân tán mục tiêu của quân đội, họ đã được mời đến để phân loại những âm thanh sinh học với âm thanh do con người tạo ra. Kết quả là tác phẩm “Âm thanh của những loài cá sống ở vùng đông bắc Đại Tây Dương: Hồ sơ tham khảo về âm thanh sinh học dưới nước” đã phân biệt được âm thanh của hơn 150 loài cá.

Với hầu hết các loài cá, cơ chế phát âm của chúng bắt nguồn từ cơ làm rung bong bóng (không giống các dây thanh âm của con người). Bong bóng cá là một túi chứa khí giúp cá nổi được, nhưng nó cũng được sử dụng với vai trò giống như một cái trống. Cá nóc vịnh Gulf gắn cơ thanh với bong bóng hàng nghìn lần trong một phút để phát ra một âm thanh lớn. Với tần số lớn gần gấp ba số lần đập cánh trung bình của loài chim ruồi, cá nóc là loài có cơ nhanh nhất trong lớp động vật có xương sống. Cá chồn tiên đen lại uốn xương quanh bong bóng, cá hề lại sử dụng dây chằng để tạo nên tiếng chiêm chiếp. Một số loài cá khác lại tạo ra tiếng ngáy, hay chà xương với nhau làm phát ra âm thanh giống như chà răng lược, hoặc có thể chúng sử dụng vây ngực để tạo âm thanh. Cá trích ngộ nghĩnh với âm thanh giống như tiếng tích tắc lặp đi lặp lại với cường độ nhanh bằng cách phát ra bong bóng từ … hậu môn.
(còn nữa)

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Cá “cãi lộn” tiếng vọng lên bờ (P1)

(sưu tầm)
Năm 1956, khi Jacques Cousteau đặt cho cuốn tài liệu của mình cái tên “Thế giới câm lặng” thì mọi tưởng tượng của công chúng về thế giới dưới nước đã chấm dứt, khiến chúng ta làm ngơ với tiếng của loài cá. TS Rountree nói “Con tàu của Cousteau đã che giấu mọi âm thanh của biển cả. Kì thực đại dương là một nơi luôn náo nhiệt”.

Đó là vào cuối tháng 01/2005 khi mùa đẻ trứng của cá “trống đen” bắt đầu. Những tiếng gọi bạn tình vang vọng mãnh liệt giữa đêm khuya. Nhưng không một người dân nào sống trong khu vực đó nhận ra âm thanh hỗn loạn kéo dài này lại bắt nguồn từ biển cả. Những người đã nghỉ hưu thường đến vùng cửa sông êm đềm của vịnh Guft tại bang Florida vào kì nghỉ đông. Họ phàn nàn về hệ thống công trình tiện ích nơi đây.Thậm chí họ còn buộc Ủy ban thành phố phải chi hơn 47.000 đôla cho việc sửa chữa kĩ thuật nhằm loại bỏ tiếng ồn lẩn khuất trong nhà mình.

James Locascio – một người đang theo học ngành khoa học nghiên cứu sinh vật biển tại đại học Nam Florida – đã cứu cả thành phố khỏi một dự án công cốc. Locascio giải thích rằng, ở tần số 100 - 500 Hz, tiếng gọi tìm bạn tình của cá trống đen có tần số đủ thấp và có bước sóng đủ dài để xuyên qua các đập ngăn nước ở biển, vượt lên đất liền, xuyên qua các ngôi nhà trên bến cảng, với cảm giác giống như tiếng ình ình khi có chiếc xe hơi đi qua. Locascio cho biết “loài cá trống đen đặc biệt ưa thích hệ thống kênh rạch của Cape Coral. Tiếng trầm trầm gọi bạn vào ban đêm của chúng không khác gì tiếng nước nhỏ giọt từ ngày này qua ngày khác, trong suốt mấy tháng trời”.
Thoạt đầu người ta không chấp giải thích đó. Những người hay phàn nàn và cũng là những người bướng bỉnh nhất, quả quyết rằng, không thể có chuyện con cá lại phát ra được âm thanh mà ở trong nhà cũng nghe thấy được.

Locascio và David Mann – nhà sinh học nghiên cứu động thực vật biển Đại học Nam Florida, chuyên gia nghiên cứu âm thanh sinh học – đã đề nghị những người không tin, là họ tự ghi lại âm thanh và thời gian vào sổ tay. Locascio cho biết “chúng tôi đã lấy các ghi chép từ người dân rồi cho họ nghe âm thanh của loài cá trống mà chúng tôi thu bằng tai nghe dưới nước. Quả thực chúng ăn khớp với nhau tuyệt đối”.
(còn nữa)
Hình "anh" người nói với "ông" cá: "này ông, khuya rồi, nói nhỏ nhỏ thôi".

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Cá heo cứu người

(sưu tầm)
Ronnie Dabal đang câu cá ngoài vịnh Puerto Princesa (Phillipine) vào chiều 17/12 thì một cơn gió mạnh lật úp chiếc thuyền của anh. Anh vội tóm lấy tấm ván lướt sóng bằng nhựa mang theo và cố giữ cho đầu ở phía trên mặt nước. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua song không có chiếc thuyền nào đi ngang qua. Những tia nắng cuối cùng trong ngày tắt dần như hy vọng của anh. Cảm giác bị bóng tối vây bủa giữa một vùng nước mênh mông khiến Ronnie cảm thấy sợ hãi. Anh lịm dần đi vì đói và lạnh.

Đột nhiên Ronnie nghe thấy những tiếng quẫy mạnh, rồi một đàn cá heo và một cặp cá voi xuất hiện. Lũ cá heo thay phiên nhau cõng anh bơi vào bờ, còn cặp cá voi hộ tống hai bên. 24 giờ sau, Ronnie tỉnh giấc trên bờ biển.

Ronnie, 35 tuổi, là nhân viên bán thời gian, bảo vệ cá heo tại vịnh Puerto Princesa. Nhiệm vụ của anh là tìm kiếm các đàn cá heo để du khách ngắm và thu lượn rác thải trong khu vực sinh sống của chúng.

Thị trưởng thành phố Puerto Princesa tỏ ra phấn khích khi nghe câu chuyện của Ronnie. Ông nói: “Câu chuyện của Ronnie là bằng chứng tuyệt vời nhất cho thấy nỗ lực bảo vệ môi trường của con người sẽ được đền đáp xứng đáng. Tôi dám nói rằng cứu Ronnie là cách để cá heo và cá voi thể hiện sự biết ơn đối với anh ấy”.

Nhưng có một tài liệu lại nói rằng, việc cá heo cứu người có liên quan với hành vi vốn có của nó. Sau khi cá heo con được sinh ra, con mẹ sẽ nâng chúng ra mặt nước, thậm chí có thể lâu đến mấy tiếng, mấy ngày. Các con cá heo với nhau cũng thường hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là giúp đỡ đồng loại bị bệnh hoặc bị thương. Tính cá heo thích chơi đùa, thường xuyên đẩy các vật thể trôi nổi trên mặt biển để nghịch, hơn nữa chúng rất thân với con người, thậm chí còn chủ động tìm người để chơi cùng. Do cá heo vốn có những hành vi này, nên khi gặp một người bị chìm xuống nước, chúng bèn nâng họ lên và đẩy vào bờ (như một vật thể trôi nổi khác), do đó người được cứu thoát.

Dù sao đi nữa, loài người cũng không thể chối cãi rằng cá heo đã từng cứu người.
(Tranh vẽ: Các nàng tiên cá thuyết phục con người về sự nhân đạo).

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Ngày mùng 8 tháng 3


Blog lanbien-scuba xin gửi tới các chị, các em gái và các cháu gái lời chúc mừng ngày Phụ nữ quốc tế mùng 8 tháng 3.
(Hình: Vận động viên lặn Linden Wolbort trong trang phục Nàng tiên cá).

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Hoa mắt, nhức đầu sau khi lặn

(bài của một Huấn luyện viên)

1/ Do dây đeo kính lặn quá chặt. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.

2/ Đau gáy, nhức đầu, căng thẳng: Bị căng cơ do bạn quá lo lắng, do bạn lên gân cơ gáy, do bạn đã cắn chặt răng trong lúc lặn. Để ngăn chặn, bạn phải thư giãn trong nước.

3/ Do bị cảm lạnh, hoặc do đang bị viêm xoang hoặc dị ứng.

4/ Do bị ngộ độc khí CO2: Do CO2 tồn đọng trong cơ thể. Đơn giản là do bạn thở không đủ để giải phóng CO2, cũng có thể do “mồm thở” kém hiệu quả. Cảm giác u mê là một tác động tiềm ẩn do khí CO2 quá mức. Ngộ độc CO2 dễ xảy ra hơn khi ở độ sâu 30 mét trở lên. Cách điều trị tốt nhất là thở chậm, thở sâu. Không được dùng thuốc giảm đau.

5/ Mất nước là vấn đề chưa được thừa nhận. Triệu chứng đầu tiên của mất nước là đau đầu kèm theo chóng mặt. Khi mất nước, cơ thể sẽ tập trung nước cho phần quan trọng của cơ thể và lượng nước đưa ra “vùng ngoại vi” bị cắt giảm. Ngoài ra máu lên não bị giảm do bị mất nước, dẫn đến giảm oxy não. Nhức đầu và chóng mặt có thể xảy ra. Máy tính lặn sẽ không giúp được bạn trong việc này. Cách điều trị là uống đầy đủ nước trong ngày lặn.

6/ Có thể là dấu hiệu của DCS (tức “bệnh thợ lặn”) – căn bệnh do bọt khí nitơ trong máu. DCS có thể dẫn đến suy giảm thể chất thường xuyên hoặc tử vong. Bạn cần sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu đau đầu và có dấu hiệu khác của DCS như đau hay sưng khớp, nổi mẩn da, ngứa, chóng mặt, buồn nôn hay nôn, ù tai, kiệt sức. Lặn scuba có nguy cơ DCS nếu không giải áp sau khi lặn lâu. Hoặc có thể do bạn đã đi máy bay ngay sau khi lặn.

7/ Đau do bệnh lý (đau nửa đầu, gồm rất đau, bị thay đổi thị giác, yếu hoặc tê liệt cánh tay, muốn ói): Một số loại thuốc điều trị đau đầu có chứa các chất làm tăng nguy cơ gây mê nitơ. Người bị đau nửa đầu không nên lặn nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ về y học lặn.

Theo PADI, có một sự cố gây hoa mắt, choáng váng nhưng xảy ra ngay khi bắt đầu lặn: Đây là sự cố của những người có tật ở mắt, ví dụ cận thị, và thường xuyên phải đeo kính thuốc. Khi lặn, do bạn xài kính lặn thay vì kính cận, nên sẽ … lạng quạng (thói quen ngày thường là có kính thuốc). Cách điều trị là bạn đặt mua kính lặn có độ (mắt kính lặn đồng thời là mắt kính cận) tại cửa hàng Scuba.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Bão biển - 8 điều có thể bạn chưa biết

(theo vietnamnet)
1. Trong tiếng Anh, bão gọi là “Hurricane”, đọc theo tên của vị thần hung dữ của thổ dân Nam Mỹ là “Hurracana”. Các nhà khoa học dùng từ “Typhoon” để chỉ các cơn bão trên Thái Bình Dương, dùng từ “Cyclone” (vùng xoáy) để chỉ bão ở Ấn Độ Dương và Vịnh Bengal, dùng từ “Willy willy” để chỉ bão ở Úc.

2. Trước đây, bão không có tên hoặc được gọi tùy ý, cũng có lúc được gọi theo tên của vị thần thánh ứng với ngày xảy ra bão. Ví dụ cơn bão đổ bộ vào Puerto-Rico ngày 26/7/1825 gọi là bão “Santa Anna” vì đó là ngày Thánh Anna theo Thiên Chúa giáo.

3. Clement Ragg, nhà khí tượng người Úc, đưa ra phương pháp đặt tên: đặt cho các cơn bão tên của những nghị sĩ không bỏ phiếu thông qua việc cấp tín dụng hỗ trợ nghiên cứu khí tượng thủy văn.

4. Hồi Chiến tranh thế giới thứ 2, không quân và hải quân Mỹ nghiên cứu bão ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương và để khỏi nhầm lẫn, họ dùng tên vợ và bạn gái của mình đặt tên cho các cơn bão. Sau chiến tranh, cơ quan khí tượng thủy văn Hoa Kỳ đã theo đó tổng hợp lại và lập một danh sách tên bão.

5. Có một quy tắc đặt tên bão theo thời gian xảy ra bão. Cơn bão đầu tiên trong năm được đặt tên bắt đầu bằng chữ A (chữ đầu tiên của bảng chữ cái) và theo thứ tự đó cho đến cơn bão cuối cùng của năm.

6. Có vài khu vực thường xảy ra bão lớn sẽ có vài danh sách tên khác nhau. Có 6 danh sách cho các cơn bão hình thành trên Đại Tây Dương, mỗi danh sách có 21 tên, được sử dụng dần dần sau đó lặp lại. Ở khu vực Thái Bình Dương, người ta dùng 1 danh sách gồm 84 tên.

7. Nếu bão quá lớn hoặc gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, người ta sẽ dùng tên của cơn bão ấy cho riêng nó và sau đó, gạch tên nó khỏi danh sách. Bão Katrina là một ví dụ.

8. Người Nhật đặt tên bão theo tên động vật, hoa, cây và thậm chí là thức ăn, như Nakri, Yufoong, Kanmuri, Copu. Ở Nhật người ta không gọi bão bằng tên phụ nữ, vì phụ nữ được coi là yên bình, dễ thương và ấm áp.
Hình: theo báo chí thì đây là hình chụp bão Conson ở Đồ sơn 17/7