Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Ảnh đẹp



Anh bạn tôi mới gửi cho tôi 2 tấm hình mới chụp. Xin đưa lên blog để các bạn nhận xét.
H1: bóng ma của đại dương.
H2: Sư tử.

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Lặn tự do (free dive) - Ai cũng có thể.

Có nhiều clips về các kỷ lục lặn tự do (free dive) hay còn gọi là lặn vo - lặn nín hơi trên Net. Xin được giới thiệu một clips về kỷ lục lặn tự do. Điểm thú vị của clips này là hiển thị độ sâu và thời gian lặn tương ứng để người xem dễ hình dung.

Dù sao thì đây cũng là màn trình diễn của dân chuyên nghiệp, có vẻ xa vời với những con người bình thường như chúng ta. Tuy nhiên, với một chút say mê và luyện tập đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia môn thể thao tuyệt vời này. Dưới đây là clips của một free diver không chuyên. Chúng ta thấy lặn tự do cũng thật thú vị và có vẻ đẹp quyến rũ riêng. Quan trọng hơn, ai cũng có thể tham gia môn này vì trang bị đơn giản (tối thiểu là 1 kính bơi thông thường).

Với kính lặn và chân nhái, bạn hoàn toàn thoải mái chinh phục đáy biển ven bở. Ngắm rạn san hô đầy màu sắc, đàn cá tung tăng và thậm chí chụp hình dưới đáy nước nếu điều kiện cho phép.

Một mình chèo thuyền vượt đại dương

Từ Tây Phi, sau 70 ngày 5 giờ 22 phút lênh đênh trên đại dương, vượt qua 4.500 km, Katie Spotz, 22 tuổi, người Mỹ, đã cập bến ở Georgetown, Guyana, Nam Mỹ lúc 5g22 ngày 14/3/2010 (tin trên mạng).

Katie bắt đầu chuyến hành trình một mình chèo thuyền vượt Đại tây dương vào ngày 3-1 từ Dakar, Senegal, bờ biển phía tây châu Phi. Đáng ra Katie có thể rút ngắn kỷ lục của mình xuống thêm tám ngày, nhưng khi cô tiến vào Cayenne của Guyana, gió và dòng nước quá mạnh khiến cô không thể cập bờ cách đó chỉ vài kilômét. Và với quyết tâm vượt qua trở ngại bằng nỗ lực bản thân, Katie tiếp tục chèo đến Georgetown cách đó 644km về phía tây bắc, nơi dòng chảy nhẹ hơn để cập bờ.

Katie chuẩn bị lương thực cho chuyến đi dài 110 ngày với các loại đồ ăn khô đông lạnh, bánh mỳ đặc biệt và hoa quả khô. Tuy nhiên chuyến đi của cô rút ngắn được đáng kể thời gian do lợi dụng dòng chảy và may mắn không phải đối mặt với thời tiết quá xấu cũng như hỏng hóc kỹ thuật.

Chiếc thuyền chèo bằng gỗ màu vàng dài 5,8m của cô bị ngọn sóng cao 6m đánh thẳng vào mạn khi cô tiến gần Nam Mỹ. Spotz cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại sau chuyến đi là cô đã lo ngại con thuyền có thể bị lật úp trong đợt sóng đó. Trong chuyến đi, cáp lái thuyền bằng chân bị đứt, buộc cô phải sử dụng hệ thống lái bằng tay nặng nề. Một ngày trước khi cập bến, cô ngửi thấy mùi khét và phát hiện máy định vị GPS bị bốc cháy. Rất may là sau khi dập tắt lửa, thiết bị định vị không bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là những thiết bị như tấm thu năng lượng mặt trời, hệ thống accu, máy lọc nước ngọt từ nước biển và chiếc iPod để nghe nhạc luôn hoạt động tốt.

Trong chuyến đi, ngủ là khó khăn lớn nhất với Katie do con thuyền lắc lư thất thường theo con sóng. Để tránh bị quăng khắp cabin, cô phải dùng quần áo và thiết bị nêm mình vào tấm nệm mỏng nhưng cũng không mang lại nhiều hiệu quả.
Trước khi đến Senegal, kinh nghiệm chèo thuyền của cô chỉ gồm một chuyến luyện tập dài 64km ở hồ Erie, kết thúc bằng việc con thuyền của cô bị sóng ghim vào vách đá khiến nó gần như vỡ tung.

Katie Spotz đạt kỉ lục người phụ nữ trẻ nhất một mình chèo thuyền vượt Đại tây dương. Kỉ lục người phụ nữ đầu tiên một mình chèo thuyền vượt Đại tây dương là Sarah Outen, 24 tuổi, người Anh, xuất phát từ bờ biển tây nước Úc và đã đến đảo Mauritius vào tối 3/8/2009 sau 124 ngày lênh đênh trên biển.

Theo cộng đồng chèo thuyền vượt đại dương, trong thập kỷ qua đã có 110 tay chèo vượt đại dương thành công và cũng gần chừng đó, 102 người đã thất bại. Năm 2001, một tay chèo người Mỹ, Nenad Belic đã bị mất tích trên biển khi anh chèo một mình vượt Đại Tây Dương.

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

Lặn vo - kỉ lục lặn sâu

Nín thở trong 3 phút 36 giây, lặn xuống biển ở độ sâu 96m, Sara Campbell, cựu HLV yoga 37 tuổi người Anh đã lập kỉ lục thế giới mới ở nội dung lặn tự do (lặn vo).
Trong suốt quá trình lặn, theo đúng luật của môn này, Sara Campbell không sử dụng bất cứ thiết bị nào ngoại trừ một chân vịt để lặn và bám theo một sợi dây thừng.
Mục tiêu tiếp theo của Campbell sẽ là lặn độ sâu 100m. Sara Campbell chia sẻ bí quyết "Chiến thuật là phải thư giãn và không được nghĩ rằng mình đang ở đâu. Đó là sức mạnh của tôi, sau nhiều năm suy tưởng và tập yoga tôi rất giỏi trong việc đẩy những ý nghĩ không liên quan đi chỗ khác".
Năm 2007, Campbell đã gây sốc cho giới lặn tự do bởi vì chỉ sau 7 tháng chơi môn này, cô đã liên tiếp lập 3 kỉ lục thế giới chỉ trong vòng 48 tiếng. Và từ đó Sara Campbell với thể hình rất khiêm tốn, cao chưa đầy 1m50 được đặt biệt danh là Con chuột đáng thương.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Kỉ lục lặn lâu nhất

Will Goodman, 33 tuổi, người Anh, đã thiết lập kỉ lục lặn bằng bình khí nén lâu nhất thế giới là 48 giờ 9 phút 17 giây.

Để thiết lập kỉ lục, ban đầu Will phải xuống độ sâu 20 mét trong 6 phút. Để anh có thể duy trì độ sâu ổn định, người ta lắp đặt một khung kim loại ở dưới đó, đồng thời giúp cho việc giám sát và hỗ trợ.
Tổ chức O'Three đã thiết kế cho Will bộ đồ dày 7mm với những ưu việt nổi bật. Để giải trí dưới nước, người ta cung cấp cho anh chiếc iPod. Dinh dưỡng được cung cấp dưới dạng lỏng. Kỉ lục này sẽ được đăng kí với tổ chức Kỉ lục thế giới.
Trước đó Will đã xác lâp hai kỉ lục không chính thức: vào năm 2005 là 22 giờ và vào năm 2008 là 33 giờ.

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Người nhái Hàn quốc


Xin gửi các bạn scuba-dân sự hình ảnh người nhái quân sự Hàn quốc để ... ngỡ ngàng và để ... thắc mắc.

Đội người nhái này được huấn luyện theo "gu" của đặc công nước Việt nam hồi chiến tranh chống Mỹ: Không bình khí nén, không wetsuit, không BCD, ... mà chỉ có kính lặn, chân nhái, đồng hồ giờ và ... quần cụt (tất nhiên phải có vũ khí tấn công). Ống thở lính phải tự lo. Cách thức vận động tác chiến là "lặn vo" trong đêm tối.
Thực tình hồi đó do Việt nam quá thiếu thốn nên không có điều kiện để trang bị, mà có trang bị rồi thì cũng không có điều kiện nuôi dưỡng, bảo trì, nên mới ... sơ sài như thế.
Cái khó ló cái khôn.
Ngoài ra, việc không mang trang bị cũng có tác dụng vô hiệu hóa (phần nào) các máy do thám dưới nước. Quân đội Hàn quốc thành lập đội người nhái lặn vo này với hi vọng có thể phát huy được "tiềm năng" của lối đánh của "Việt cộng".

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Dân lặn sẽ không cần bình lặn

Dự án máy lọc khí trong nước (thiết bị kiểu mạch mở độc lập).

Các nghiên cứu cho thấy ngay cả ở độ sâu 200 mét dưới mặt biển vẫn có khoảng 1,5% khí hoà tan. Con số này không lớn nhưng thừa đủ để các loài cá lớn nhỏ thở được thoải mái. Alan Izhar Bodner, người Israel, tạo ra một hệ thống mô phỏng cách cá lấy khí từ trong nước, để sử dụng cho tàu ngầm và thợ lặn thay cho bình khí nén. Thiết bị của ông sử dụng lượng “oxy hoà tan” trong nước, giống như các loài cá vẫn làm.

Hệ thống này áp dụng Định luật Henry “lượng khí hoà tan trong một chất lỏng tỷ lệ với áp suất lên chất lỏng đó. Khi tăng áp suất, người ta có thể tăng lượng khí hoà tan trong chất lỏng. Còn khi áp suất giảm, khí hoà tan trong chất lỏng sẽ thoát ra ngoài”. Đây đúng là những gì ta nhìn thấy khi mở một chai nước có gas: khí CO2 được hoà tan trong chất lỏng và chịu một áp suất trong cái chai này. Khi mở nắp chai, làm giảm áp suất, khí sẽ phát sinh (trào ra).

Hệ thống của Bodner sử dụng máy ly tâm để hạ áp suất lượng nước biển đưa vào máy, từ đó tách ra khí hoà tan cung cấp cho người dùng. Bản tóm tắt phát minh ghi như sau “đây là một máy thở mạch mở độc lập, sử dụng trong vùng nước tự nhiên có chứa khí hoà tan. Nó được thiết kế để cung cấp không khí sạch cho người bơi lặn. Thiết bị có một đầu vào để đưa nước từ ngoài vào trong máy, một bộ phân tách để chiết khí hoà tan từ số nước này, tạo khí sạch cho thợ lặn. Máy thở có hai đầu ra, một để đưa nước đã bị rút khí ra ngoài, và đầu ra thứ hai là để thu khí sạch, cấp cho thợ lặn. Số khí sau khi qua sử dụng được đưa trở lại môi trường nước bên ngoài”.

Bodner đã thử nghiệm thành công trên mô hình thí nghiệm. Phát minh đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất đồ lặn lớn nhất cũng như hải quân. Nếu tiến triển tốt đẹp, trong vài năm nữa, các hệ thống thở không cần bình khí nén sẽ được gắn cho thợ lặn và tàu ngầm, giúp ở dưới nước trong nhiều giờ (tất nhiên vẫn nên có bình khí nén dự phòng tình huống khẩn cấp).

Nhận xét của bạn đọc: Thiết bị này có tác dụng ở độ sâu không quá 200 met. Trường hợp tàu ngầm lặn sâu hơn 200 met mà hết khí thở thì chỉ cần ngoi lên độ sâu 200 met là bổ sung được khí chứ không cần ngoi lên mặt nước (hoặc dùng “ống thở”) như tàu ngầm truyền thống. Tuy nhiên, thiết bị này chỉ hiệu quả ở những vùng nước có đủ lượng “oxy hòa tan”, còn vùng nước mà lượng “oxy hòa tan” đã bị khử bởi các nguồn ô nhiễm thì cần … xem xét lại.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Ốc đảo

Ở điểm lặn Moray Beach - Hòn Mun, khi ta lặn xuống và rời xa bờ đá sẽ gặp đáy cát rộng. Nơi đây thuận tiện cho việc huấn luyện, đào tạo lặn. Các divers có thể đứng, nẳm trên cát để thực hành các bài tập trong chương trình huấn luyện mà không làm hại các loài sinh vật biển như ở các bải đá ngầm. Tuy nhiên, ở những đáy cát của đại dương đôi khi có những mỏm đá nhô lên. San hô, cá và các loài thủy cư tới đây sinh sống và tạo thành các ốc đảo. Giống như các ốc đảo giữa sa mạc khô cằn, nơi đây qui tụ về những cư dân dưới đáy biển sống quần cư. Trong lúc bé Hai nhà tui cùng Instructor thực hiện các bài test của chương trình OWC, tui rình mò một ốc đảo nhỏ giữa hoang mạc...Mời các bạn coi clip về cái ốc đảo này. Trình độ trung sỹ PADI của tôi chỉ cho phép gọi tên một trong các cư dân của ốc đảo, đó là con cá Sư tử (Lionfish) :). Có lẽ phải tham gia một khóa  chuyên môn về định dạng các loài sinh vật biển hoặc phải đi lặn thường xuyên hơn để tự học hỏi.



Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Lặn Scuba là gì ? Phần 6


5. Scuba: Các trang bị bổ trợ



Người đi lặn có một loạt các đồng hồ đo cung cấp thông tin. Họ thường mang theo đồng hồ đo áp suất bình hơi nén, đồng hồ đo độ sâu và la bàn để định hướng. Các đồng hồ này thường được bố trí trên một mặt điều khiển riêng treo vào áo phao BCD. Thêm vào đó, một số người lặn cũng mang theo cả máy tính lặn (dive computer) để theo dõi độ sâu và thời gian được phép lặn. Máy tính lặn gồm bộ vi xử lý được cấp nguồn bằng pin và lập trình sẵn bảng tính lập kế hoạch lặn. Máy tính theo dõi liên tục độ sâu và tính toán thời gian cho phép người lặn được phép ở dưới đáy nước với tố độ tính toán 200 lần một giây.

Tầm nhìn và động lựcKhi bạn lặn, bạn mang kính lặn để nhìn rõ và ngăn cách mũi khỏi nước. Kính lặn có thể là loại mắt kính đơn hoặc mắt kính đôi, và cũng có thể được chế theo độ cận (viễn) của người lặn.

Để có thể bơi dễ dàng, bạn mang chân nhái vào chân. Chân nhái có nhiều kiểu và nhiều màu khác nhau, bao gồm thiết kế nguyên bàn chân (full-feet) và nửa bàn chân (half-feet).

Phụ tùng Bạn cũng có thể mang theo các phụ tùng sau:

Dao lặn (knife) – Là loại dao nhỏ người đi lặn dùng để cắt khi bị vướng, kẹt hoặc đánh tín hiệu bằng cách gõ vào bình hơi.
Bảng viết dưới nước (Dive slate board) – Bảng nhỏ để những người lặn viết lên đó khi trao đổi với nhau dưới nước.
Đèn lặn (Dive light) – Đèn pin để chiếu sáng các đối tượng dưới nước.
Phao an toàn (Dive light) – Phao với dây và cờ lặn nổi trên mặt nước để cảnh báo tảu thuyền qua lại là có người lặn ở dưới mặt nước.
Thiết bị báo hiệu (Signaling device) – thiết bị như còi hay kèn hơi, dùng để lôi kéo sự chú ý đến mình của người lặn khi đã nổi lên trên mặt nước.
Bạn cũng có thể trang bị bộ đồ nghề sửa chữa (dive kit) để sẵn trên tầu thuyền, trong đó có các dụng cụ sửa chữa, các bảng lập kế hoạch lặn, log book và hộp cấp cứu y tế để trị vết thương.

Huấn luyện đào tạo Scuba
Để học lặn, bạn cần đủ điều kiện về sức khỏe. Không thừa nếu như bạn kiểm tra sức khỏe và tham vấn bác sỹ trước khi tập lặn. Bước đầu tiên là học một khóa học lấy chứng chỉ open water (của PADI hoặc NAUI) là khóa căn bản nhập môn lặn scuba. Để tham gia khóa này, bạn ít nhất phải 10 tuổi. Khóa học gồm các mục tiêu:

Định hướng – Giới thiệu cơ bản về bộ môn thể thao này.
Đào tạo kiến thức – Học về sinh lý học lặn và các nguy cơ, các trang thiết bị lặn, an toàn, cách sử dụng các bảng lặn, lập kế hoạch lặn và các qui trình cấp cứu, sơ cứu.
Huấn luyện kỹ năng ở hồ bơi (vùng nước đóng) – Thực hành các kỹ năng lặn ở hồ bơi
  •  Làm sạch kính lặn đầy nước
  •  Tìm lại mồn thở sau khi bỏ ra khỏi miệng
  •  Mặc và cởi trang bị lặn khi ở dưới nước
  •  Thực hành kỹ thuật độ nổi – trung tính (neutral-buoyancy)
  •  Thiết lập trọng lượng đai chì phù hợp
  •  Thực hiện nổi khẩn cấp có kiểm soát
  •  Thở bằng bình thở của bạn lặn
Các kỹ năng lặn biển (vùng nước mở) – Thực hiện cùng các kỹ năng ở vùng nước mở (sông, hồ, biển)
Bạn cần thực hiện ít nhất bốn lần lặn để hoàn thành phần huấn luyện open-water.

Bạn cần phài có chứng chỉ open-water để thuê trang thiết bị lặn, hoặc đăng ký tham gia lặn tại các trung tâm lặn biền của PADI, NAUI… Tuy bạn không nhất thiết phải thi lại (renew) chứng chỉ, bạn nên theo các khóa “làm tươi” lại kỹ năng lặn nếu như bỏ lâu không lặn.

Sau khi có chứng chỉ open-water, bạn có thế quyết định học tiếp lên một số bậc sau:

Các mức tài tử (Amateur levels)
  •  Khóa nâng cao (Advanced Open-Water)
  •  Lặn cứu hộ (rescue diving)
Chuyên nghiệp
  •  Huấn luyện Kiện tướng (Master training)
  •  Kiện tướng lặn (dive master)
  •  Huấn luyện viên (instructor)
  •  Huấn luyện viên kiện tướng lặn (dive master trainer)
Cho dù bạn ở trình độ huấn luyện cấp độ nào, lặn scuba luôn là môn thể thao hứng thú cho phép bạn khám phá môi trường và giao tiếp với xung quanh theo một cách thức hoàn toàn mới.

Bài này kết thúc loạt bài tổng quan Scuba. Nếu muốn xem lại, bạn có thể theo các links dưới đây:

  1. Giới thiệu Lặn Scuba
  2. Bộ đồ lặn, áo phao BCD
  3. Thiết bị thở dưới nước
  1. Vật lý, sinh lý lặn và các tác hại
  2. Ảnh hưởng của lặn scuba đối với cơ thể

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Bông hoa của biển cả


Chúc mừng Binh nhất bé Hai. Chú xin tặng con bông hoa của biển cả.

Binh nhất PADI

Bé Hai nhà tui đã xong 2 ngày quân trường ở Hòn Mun Nha Trang, chính thức nhận quân hàm binh nhất PADI. Sỹ quan huấn luyện là tay trung tá PADI 26 tuổi Ki Ka hay còn được biết với nick "Super Kha" do thành tích rèn luyện lính PADI của gã nổi tiếng trung tâm PADI 5 sao Rainbow Nha Trang. Dưới đây là 1 số hình ảnh bé Hai lúc tốt nghiệp.
Khoảng khắc thực hiện xong bài kiểm tra kỹ năng cuối cùng.

Hoan hô! Tôi đã có thể bay bổng trong không gian...nước.

Do đạt thành tích trong học tập, binh nhất bé Hai được thưởng cú lặn cuối khóa với bình Nitrox (bình thường phải trả thêm tiền và phải có chứng chỉ (như tui :))

Nhận quân hàm B1 PADI do 2// PADI Super Kha trao.

  Sau 3 ngày học Lý thuyết và thực hành hồ bơi tại Rainbow Saigon cộng 2 ngày quân trường căng thẳng ở Raibow Nha Trang dưới sự huấn luyện nghiêm khắc của các sỹ quan PADI, cuối cùng bé Hai đã trở thành binh nhất PADI. Sẽ được nhận chứng chỉ chính thức của PADI Châu Á TBD gửi về địa chỉ ở Đức. Trước mắt bé Hai sẽ tham gia đóng góp cho blog Lặn biển-Scuba những trải nghiệm của mình và khi về nước có thể cắp tráp cho hai trung sỹ già khám phá đại dương.



Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Nữ thợ lặn Hàn quốc


Vì mưu sinh, họ phải lặn. Vì chồng con, họ phải lặn. Cái duy nhất họ "không quan tâm", đó là sức khỏe của chính họ (hình năm 1962).

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Trang bị của người nhái hồi xưa


H1: người nhái quân sự bị phạt hít đất (1962).
H2: trang bị của người nhái công nghiệp (1946).

(Có thể bạn chưa biết)
- Bạn nhấp chuột vào các hình để xem rõ hơn.
- Bạn nhấp chuột vào "nhận xét" ở dưới mỗi bài viết để xem nhận xét của mọi người và để cùng trao đổi với mọi người.
- Tới cuối trang blog, bạn nhấp chuột vào "bài đăng cũ hơn" để xem các bài đã đăng ở kì trước.

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Lặn Scuba là gì ? Phần 4 và 5

3. Vật lý học, sinh lý học của lặn biển và các rủi ro.


Ở dưới nước, bạn cần đối phó với hai vấn đề chính: Áp suất và nhiệt độ. Áp suất ảnh hưởng tới số lượng khí Ni-tơ và Oxy tan vào máu và mô của chúng ta. Áp suất cũng ảnh hưởng tới tai và xoang mũi. Khả năng của nước hấp thu thân nhiệt của bạn có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể của bạn và đưa bạn vào tình huống có nguy cơ bị giảm thế nhiệt (hypothermia)

Vấn đề: Phân rã khí trong điều kiện chịu áp lực Không khí thở của chúng ta là một hỗn hợp gồm chủ yếu là ni-tơ (78%) và oxy (21%). Khi ta hít vào, cơ thể chúng ta hấp thu oxy, tạo ra khí cacbonic và hoàn toàn chẳng làm gì với ni-tơ cả. Trong điều kiện áp suất không khí bình thường, một ít khí ni-tơ và oxy hòa tan vào phần chất lỏng của máu và mô. Khi chúng ta lặn xuống sâu dưới nước, áp suất đè lên cơ thể tăng lên và có nhiều hơn khí ni-tơ và oxy hòa tan vào máu chúng ta. Hầu hết khì oxy được mô của chúng ta hấp thụ, tuy nhiên khí ni-tơ vẫn còn. Sự tăng lượng khí ni-tơ do áp suất gây ra hai vấn đề đối với cơ thể chúng ta: Sự say ni-tơ (nitrogen narcosis) dư thừa ni-tơ (residual nitrogen).

Thứ nhất, khi áp lực một phần của ni-tơ đạt mức cao, thường xảy ra khi ta xuống độ sâu 100ft (30 m) hoặc hơn, ta sẽ trải nghiệm cảm giác trạng thái phởn phơ gọi là say ni-tơ (nitrogen narcosis). Cảm giác phởn phơ cũng giống như trạng thái khi bác sỹ nha khoa hay bác sỹ gây mê cho ta thuốc nitrous oxide (khí gây cười) Say ni-tơ có thể làm suy giảm óc phán đoán, tính suy xét và làm cho bạn thấy thoải mái hoặc thậm chí buồn ngủ - có nghĩa là bạn có thể bắt đầu không để ý tới các thiết bị đo, tới bạn lặn và thậm chí chết đuối. Narcosis xảy ra bất thình lình và không có đấu hiệu cảnh báo, tuy nhiên có thể được dịu đi khi ta nổi lên ở độ sâu nông hơn do ni-tơ được giải phóng ra khỏi dung dịch khi áp suất giảm.

Thứ nhì, lượng ni-tơ dư thừa tích tụ trong mô phụ thuộc vào độ sâu bạn lặn và thời gian mà bạn lặn ở độ sâu đó. Cách duy nhất để bạn có thể tống khứ ni-tơ dư thừa trong cơ thể bạn là nổi lên bề mặt, làm giảm áp suất và để cho ni-tơ thoát ra khỏi dung dịch. Nếu bạn nổi lên một cách chậm rãi, ni-tơ sẽ được giải phóng từ từ. Tuy nhiên, một khi bạn lên đến mặt nước, bạn vẫn còn tích ni-tơ dư thừa trong người, nên bạn phải nghỉ ngơi để cơ thể tống bớt lượng ni-tơ dư thừa trước khi có thể thực hiện cú lặn tiếp theo.

Ngược lại, nếu bạn nổi lên nhanh, khí ni-tơ giải phóng nhanh từ máu tạo thành các bong bóng li ti. Giống như khi ta mở lon soda : Bạn sẽ nghe một tiếng chít của khí nén áp lực cao và nhìn thấy bong bóng được tạo ra sủi lên bởi khí thoát nhanh ra khỏi dung dịch. Đây chính là điều xảy ra trong máu và mô của chúng ta. Khi bong bóng ni-tơ được tạo trong cơ thể bạn, xảy ra trạng thái được biết đến như là bệnh giảm áp (decompression sickness hay còn gọi là "the bends”. Những bong bóng này sẽ làm nghẽn các mạch máu nhỏ li ti. Điều này sẽ dẫn tới đau đầu, đột quỵ, vỡ mạch máu phổi và đau khớp ( một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh giảm áp là cảm giác ngứa râm ran tứ chi)

Cách tốt nhất để tránh bệnh giảm áp là tối thiểu hóa lượng ni-tơ dư thừa bằng cách tuân thủ độ sâu và thời gian đáy “không giảm áp” được chỉ ra trên bảng lặn. Nếu bạn vi phạm giới hạn “no decompression” (“không giảm áp”), bạn sẽ phải ở dưới nước lâu hơn, theo thời gian và tại độ sâu nhất định (được xác định bởi bảng lặn) để cho phép ni-tơ được giải phóng một cách chậm rãi. Điều này có thể dẫn tới rắc rối do lượng khí thở của ta là hạn chế; và nếu bạn bỏ qua các chỉ dẫn về giảm áp, bạn sẽ bị “the bends” (bệnh giảm áp), sẽ phải đưa cấp cứu và thực hiện giảm áp trong buồng giảm áp dưới sự giám sát y tế. Đây là tình huống nguy hiểm tới tính mạng.

Chúng ta đã nói về ni-tơ trong điều kiện chịu áp suất, còn oxy thì sao?

4. Những ảnh hưởng của lặn Scuba đối với cơ thể.

Oxy dưới áp suất cao có thể gây co giật, tai biến và chết đuối. Sự nhiễm độc oxy xảy ra rất nhanh và không báo trước. Đối với những người lặn dùng bình khí nén, điều này không xảy ra cho tới độ sâu 65m (212 ft) dưới mực nước – nghĩa là sâu hơn nhiều so với mức giới hạn của “no decompression". Tuy nhiên, đối với người thở Nitrox, nhiễm độc oxy xảy ra ở độ sâu nông hơn do áp suất thành phần của oxy trong hỗn hợp khí cao hơn. Lời khuyên tốt nhất để tránh nhiễm độc oxy là nhận thức được giới hạn độ sâu và tuân thủ theo nó.

Ghi nhận cuối cùng về khí trong điều kiện áp suất cao: Chúng phải được lưu chuyển tự do vào và ra phổi liên tục trong suốt cuộc lặn. Khi bạn nín thở lúc nổi lên, lượng không khí bên trong sẽ nở ra và làm nghẽn lưu thông trong phổi hoặc thậm chí làm rách phổi. Bởi vậy, Không bao giờ được nín thở khi đang thở bẳng trang bị scuba.

Tai và xoang: Bên trong đầu và xương sọ có các khoang khí, xoang bên trong xương, và túi khí trong ống tai. Khi bạn lặn xuống, áp suất nước dồn nén khí trong các khoang, hốc này, tạo ra cảm giác bị áp suất ép và đau trong đầu và tai. Bạn cần phải cân bằng lại áp suất trong các hốc này bằng các cách khác nhau, như bịt mũi và thổi nhẹ nhàng vào mũi. Nếu cân bằng đúng cách, các xoang của bạn sẽ chống đỡ được sự tăng áp suất mà không có vấn để gì. Tuy nhiên, chứng xổ mũi do lạnh, cảm cúm hay dị ứng sẽ cản trở khả năng cân bằng áp suất của bạn và có thể dẫn tới tổn hại màng nhĩ tai.

Sự giảm thế nhiệt (Hypothermia):Nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể sẽ lấy nhiệt của cơ thể. Điều quan trọng là phải bảo vệ đúng cách ( bộ đồ ướt hoay khô) để tránh sự giảm thế nhiệt. Run rẩy là phản ứng của cơ thể bạn đối với sự giảm nhiệt của cơ thể và là một trong những triệu chứng sự giảm thế nhiệt; bạn cần phải kết thúc cuộc lặn nếu cảm thấy rùng mình.

Các nguy cơ khác:Tăng cường các hoạt động thể lực dưới nước dẫn tới sự mỏi mệt, mất nước, và gây chuột rút. Người lặn cần phải nhận thức được giới hạn vật lý của mình và không vượt ra ngoài những giới hạn này.

Trong khi có rất nhiều mối đe dọa liên quan scuba diving, những người mới lặn cũng vẫn có thể hạn chế các nguy hiểm này thông qua giáo dục và đào tạo. Chương trình OWC (Open Water Certfication ) nhấn mạnh khía cạnh vật lý học của lặn, các rủi ro và cách thực hành lặn an toàn. Người lặn có kinh nghiệm có thể tận hưởng sự an toàn thể thao và tối thiểu các mới đe dọa đối với sức khỏe.

Xem bài đã đăng:

  1. Giới thiệu Lặn Scuba
  2. Bộ đồ lặn, áo phao BCD
  3. Thiết bị thở dưới nước
  1. Vật lý, sinh lý lặn và các tác hại
  2. Ảnh hưởng của lặn scuba đối với cơ thể

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ!

Hôm nay chị Hai nhà tui vừa hoàn thành phần thi lý thuyết và thực hành tại hồ bơi (confined water training) đúng vào dịp 100 năm Quốc tế phụ nữ1 :)) . Cuối tuần này hai ba con sẽ đi Nha Trang để thực hiện nốt 2 ngày - 4 lần lặn biển để cô bé chính thức trở thành binh nhất PADI.

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Giao tiếp dưới nước thế nào?


 Khi ở dưới nước, ta không thể nói với nhau bằng ngôn ngữ bình thường như trên cạn được. Giống những người câm điếc, các Diver "nói chuyện" với nhau bẳng ngôn ngữ dấu hiệu. Ngôn ngữ dấu hiệu của các diver đơn giản và chỉ gồm những chủ đề thiết yếu nhất như OK. OK? Chú ý!, Cẩn thận! Tôi gặp rắc rối, Bạn còn bao nhiêu khí thở? ....Nói chung, ngôn ngữ dấu hiệu đơn giản, dễ hiểu vì mô tả trực tiếp hành động. Để trao đổi các vấn đề phúc tạp hơn, các divers viết ra tấm bảng (slate) mang theo. Mời các bạn coi clips dưới đây và đoán xem anh bạn Huấn luyện viên nói gì với hai cô học trò đang học khóa Open Water Diver.

  Khi học Binh nhất PADI (OWD) học viên sau khi học lý thuyết sẽ được thực hành ở hồ bơi ( Confined water Training) và được hướng dẫn mọi kỹ năng cần thiết để có thể thực hiện phần thực hành và thi chứng chỉ  ở ngoài biển sau đó. Trong clips trên đây: Max, PADI Instructor của trung tâm RainBow Divers Saigon đang hướng dẩn thực hành cho hai học viên OWD tại hồ bơi Thiên Ngân, Thảo Điền.

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Tôi đi luyện thi

HUẤN LUYỆN LÊN “BINH NHẤT”.
(bài cũ soạn lại)

Tôi và viên “Thiếu tá PADI” dơ tay “chào tàu”, xả khí trong áp phao và chìm. Từ bỏ bầu trời, mặt nước, chúng tôi đi vào thế giới không tiếng động, không bụi bặm, khói thải. Xuống chừng 4 mét, tai tôi bị nước ép rất khó chịu. Tôi bóp mũi “thở” mạnh vài lần, xong. Tiếp tục xuống, chậm rãi, đúng với “nguyên tắc slowy”. Xuống tới đáy, tôi xem đồng hồ: 12 mét sâu. Viên Thiếu tá quỳ xuống đáy – một bãi cát nhỏ. Tôi quỳ đối diện với hắn. Hắn ra hiệu “hãy xem tôi làm”. Hắn gỡ kính lặn quăng đi, mò tìm, đeo vào và xả nước trong kính ra, xong. Hắn ra dấu cho tôi “mời anh làm”. Tôi làm theo, có vẻ gọn gàng. Hắn ra hiệu “tốt” và đánh dấu vào thẻ nhựa kiểm soát. Hắn yêu cầu tôi nhả ống thở để dùng hai lá phổi bơm áo phao (bơm một chút thôi), và cứ thế, với vài thao tác khác. “Tốt”, hắn lầm lì đánh dấu vào thẻ nhựa. Xong một bài. Hắn ra hiệu “ta bơi nhé” ...

Chúng tôi lặng lẽ bơi giữa những vỉa san hô đủ màu sắc. Chúng mềm mại chứ không cứng đơ như trong tiệm bán đồ lưu niệm. Con hải quỳ như bông cúc trước gió, nhiều con to như cái mâm ở nhà quê. Những con cầu gai đen nhẻm nằm rải rác đâu đó. Chúng xấu xí nhưng chấm muối chanh mù tạt thì tuyệt. Ở đây không có sự bon chen, giành giật, ngoài những cái bong bóng nước xô đẩy nhau nổi lên ... Tôi ngó lên “trời”, trên tôi chừng 6 mét sâu là một anh “Mỹ la tinh” đang bì bõm “lặn khám phá” (Discover Diving). Nhìn cảnh anh ta, kềnh càng như con hải tượng, bị cậu hướng dẫn viên nhỏ thó “dong” đi, mà phì cười, bong bóng nổi lên ùng ục ...

Khi kí hợp đồng “luyện thi và thi”, trung tâm lặn biển “trao” tôi cho viên Thiếu tá này, một “thằng Mẽo” trên trăm kí lô, cùng lời “đe dọa”: “Hắn rất khó tính, không biết nhân nhượng là gì. Nếu chú không thích, tụi con sẽ đổi người khác”. Nhìn bộ dạng của hắn, một gương mặt lạnh lùng của lính lê dương nhà nghề, người ngợm chằng chịt vết xăm, cánh tay to như bắp vế dân Việt ta, mà thấy ngài ngại, cái ngài ngại của gã đàn ông ngoài sáu mươi, xộc xệch, đứng bên cô hoa hậu hoàn vũ. Tôi ngập ngừng “cứ để chú thằng này”.

Chúng tôi bơi tới bờ vực có màu nước thẫm hơn. Hắn quay lại hỏi “bình anh còn bao nhiêu khí?”. Tôi nhìn đồng hồ “còn 130 bar” (bình chúng tôi nạp 200 bar khí). Hắn ra hiệu “tốt” và hỏi tiếp “xuống nữa chứ?”. Tôi “đồng ý”. Chúng tôi trườn xuống. Chừng 18 mét sâu hắn không cho xuống nữa. Chúng tôi bay trên lớp thảm thực vật, nhẹ nhàng trườn qua các tảng đá bám đầy sinh vật biển. Một con cá “gộc” thao láo nhìn tôi, dò xét. Con cá chình thập thò. Con bạch tuộc trầm tư. Một đàn cá liu riu ào ào phóng qua mặt tôi. Lũ nhóc ở đâu cũng vậy, hiếu động. Chúng tôi len lỏi bên vách đá rêu phong trầm mặc. Cảnh vật hư hư thực thực, như khói như sương ...

Khi trở thành loài đi bằng hai chi sau, con người bị trả giá bằng chứng đau lưng. Trong lòng biển, anh ta không trọng lượng, anh ta trở về điểm khởi thủy, cái lưng được giải phóng.

Trong lòng biển, người ta không đi mà bay ... Tôi khoái trá “kéo” từng ngụm không khí từ bình lặn rồi thong thả nhả ra, đĩnh đạc như anh thợ cày kéo thuốc lào. Hai lá phổi được rửa sạch, thật sảng khoái. Khái niệm thời gian biến mất. Việc gì phải tìm cõi Thiên đường ở tận đâu đâu ... Hắn đưa tôi tới khu vực khác với các vỉa san hô khác nhau. Như một chủ nhà hiếu khách, hắn dẫn tôi xem các đồ gia bảo “của hắn”, gương mặt rạng rỡ ...

Bỗng hắn quay lại “chúng ta lên nhé?”. Tôi xỉa đồng hồ vào mặt hắn “mày nhìn này, bình tao còn nhiều khí, tại sao phải lên?”. Hắn nhìn xói vào mặt tôi “chúng ta phải lên!”. Ừ thì lên. Phản đối thằng này chỉ tổ mang họa. Tôi từ từ trồi lên. Tai lại đau đau, lại bóp mũi “thở”. Y bám theo, ra hiệu “chậm thôi”. Tới mặt nước, chúng tôi bơm hơi vào áo phao và lềnh phềnh áp vào mạn tàu.

Bữa đó tôi lặn 45 phút với độ sâu 17,6 mét. Tôi hỏi hắn “sao không lặn sâu hơn một chút cho nó tròn số?”. Hắn xua tay “PADI đã giới hạn ở độ sâu 18 mét” (đối với người lấy chứng chỉ “Binh nhất” tức Open Water Diver). Vậy là hắn đã “xén” bớt một “bàn chân” vì sợ đụng vô “hàng rào pháp lý”. Tụi chuyên nghiệp cứng nhắc, chẳng biết “vận dụng” là gì.

Cuối “khoá”, hắn bắt tay tôi, mỉm cười (sau bốn lần lặn nay mới thấy hắn cười): “Chúc mừng. Anh đã đạt yêu cầu của PADI. Bên đó sẽ gửi chứng chỉ về cho anh”.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Lặn Scuba là gì ? Phần 3

3. Thiết bị thở Scuba

Những người lặn giải trí thường hoặc thở dưỡng khí nén (78% Ni tơ và 21% Oxy) hoặc thở khí giàu oxy, là hỗn hợp Ni-tơ và Oxy gọi là Nitrox (64% Ni-tơ và 32% Oxy) Khí nén được chứa trong bình khí mà ta mang trên lưng. Bình khí thông thường được làm bằng nhôm, khi rỗng nặng cở 14 kg và có thể chứa dung tích khí là 2256 lít (80 feed khối) ở áp suất 204 atmosphrres (3000psi). Dung lượng khí này tương đương lượng không khí trong một bốt điện thoại và cân nâng 3.2 Kg (7 pounds)

Bạn không thể thở trực tiếp từ bình khí vì áp suất cao sẽ làm rách phổi của bạn. Bởi vậy, kèm theo bình khí ta cần có bộ điều áp regulator. Bộ điều áp (regulator) làm hai việc: Giảm áp suất từ bình khí vể mức an toàn cho ta thở, và cung cấp khí theo nhu cầu. Để thực hiện hai chức năng này, bộ điều áp có hai tầng:
Tầng sơ cấp – Tầng sơ cấp gắn với bình khí. Nó thực hiện chức năng giảm áp từ áp suất bình (3000 psi hay 204 ATM) xuống áp suất trung gian (140 psi hay 9.5 ATM).
Tầng thứ cấp – Tầng thứ cấp được nối với tầng sơ cấp bằng ống dẫn. Nó tiếp tục giảm áp suất khí thở từ mức trung gian xuống áp xuất môi trường xung quanh ( quãng 1 đến 5 ATM tùy thuộc độ sâu) Tầng thứ cấp cũng có chức năng cung cấp không khí, cả khi bạn hít vào (hoạt động thông thường) hoặc liên tục (hoạt động khẩn cấp)
Cấu tạo tầng sơ cấp bao gồm các khoang cao áp và trung áp, được tách biệt bời tổ hợp van (khóa) màng ngăn hoặc piston, có tiếp xúc với áp lực nước xung quanh. Hệ thống hoạt động như sau:
Hình A.
1. Khi ta hít vào (Hình A), làm giảm áp trong khoang trung áp xuống thấp hơn áp suất nước xung quanh.
2. Áp lực của nước ép vào trong, mở van hoặc piston.
3. Van được mở nối khoang cao áp với khoang trung áp.
4. Không khí chuyển từ khoang cao áp sang khoang trung áp, dẫn tới tăng áp suất trong khoang trung áp.
5. Khi áp suất trong khoang trung áp ngang bằng với áp suất xung quanh của nước (Hình B), van hoặc piston đóng lại.
6. Tiến trình lặp lại khi bạn lại hít vào.

Hình B.
Tầng sơ cấp thường có một số cổng nối các ống dẫn khí tới tầng thứ cấp cũng như các thiết bị khác như tầng thứ cấp thứ hai (vòi thở dự phòng), đồng hồ đo áp lực khí và áo phao.

Tầng thứ cấp của bộ điều áp bao gồm: Hình C,D
• Khoang bằng nhựa với màng cao su bên ngoài tiếp xúc với áp lực nước xung quang
• Nút xả
• Van cửa được nối với cơ cấu đòn bẩy động
• Van xả
• Miệng thở



Hình C.
Tầng thứ cấp được nối bằng ống dẫn tới khoang trung áp của tầng sơ cấp. Tầng thứ cấp vận hành như sau:
1. Khi ta hít vào (Hình C), làm giảm áp trong tầng thứ cấp xuống thấp hơn áp suất nước xung quanh.
2. Áp lực nước ép lên màng ngăn và làm chuyển động cơ cấu đòn bẩy.
3. Chuyển động của đòn bẩy mở van cửa vào. Không khí do vậy được chuyển từ tầng sơ cấp vào tầng thứ cấp, và vào phổi của bạn thông qua miệng thở.
4. Khi bạn thở ra (Hình D), áp suất trong tầng thứ cấp vượt quá áp suất nước xung quanh và đẩy tấm màng ra.
5. Tấm màng mở ra, cho phép đòn bẩy trở về vị trí thông thường dẫn tới đóng van cửa lại.
6. Điều này dẫn tới mở van xả và giải phóng khí thở ra ra khỏi tầng thứ cấp.
7. Khi bạn hít vào trở lại, van xả đóng lại và tiến trình lặp lại.
Hình D.

Bộ điều áp cần được rửa sạch bẳng nước ngọt sau mỗi lần lặn để ngăn nước muối, bùn cát có thể cản trở chuyển động của các van và màng ngăn và làm sét các bộ phận. Bộ điều áp cũng phải được bảo trì ít nhất 1 lần mỗi năm. Do bộ điều áp là một trong các bộ phận quan trọng nhất của thiết bị, nhiều người chọn mua bộ điều áp riêng cho mình ( thay vì thuê) để có thể an tâm vể hoạt động của bộ điều áp và được bảo trì đúng cách.

Phần cuối về các thiết bị thở là các phụ tùng cung cấp không khí dự phòng hay cho trường hợp khẩn cấp. Chúng gồm có:
Pony tanks – Là các bình khí nhỏ gá cùng bình khí chính. Pony tanks chứa khí nén và có bộ điều áp riêng. Chúng cung cấp đủ không khí trong nhiều tình huống khẩn cấp, ví dụ như việc nổi lên từ độ sâu sâu.
Spare air unit – thiết bị khí dự phòng có bộ điều áp gắn trực tiếp ngay vị trí van đóng mờ. Thiết bị này nhẹ và có thể bỏ trong túi của áo phao. Nó được thiết kế để cung cấp không khí chỉ đủ ngoi lên từ độ sâu nông.
Snorkel - Ống thở nhỏ nhẹ hình chữ J, có miệng thở ở một đầu. Nó được gắn với kính lặn. Khi trên mặt nước, snorkel giúp to thở không khí xung quanh khi bơi mặt úp xuống nước, để tiết kiệm khí trong bình.

Xem bài đã đăng:

  1. Giới thiệu Lặn Scuba
  2. Bộ đồ lặn, áo phao BCD

Ảnh nghệ thuật


Đây là hình thật (không lắp ghép, không dùng kĩ xảo) và là một trong các hình có tiếng trong giới diving. Người mẫu là một vận động viên bơi lặn chuyên nghiệp.