Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Chuyến hành trình 4.600 km của bốn ông lão trên Đại tây dương

(theo BBC, trích đăng)

Vào năm 2011, Anthony Smith, người Anh, 85 tuổi, cùng ba ông bạn già tuổi từ 56 tới 61, đã hoàn thành cuộc hành trình 66 ngày trên quãng đường 4.596 km trên Đại tây dương. Họ biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm, tuy nhiên, tất cả đều khẳng định họ cảm thấy tự tin. Smith nói: “Chúng tôi muốn thực hiện giấc mơ của mình dù ở tuổi nào đi nữa”. 

Chiếc bè tự chế của họ mang tên An Tiki, cấu tạo bởi các ống nhựa, loại ống dẫn khí đốt, gồm 4 ống lớn chạy dọc và 14 ống nhỏ liên kết ngang. Phía trên là mặt bong. Bè có một cột buồm cao 11 mét và cánh buồm rộng 37 m2, tốc độ trung bình khoảng 1,8 km/h. Bè sử dụng bánh lái kép.

Bè khởi hành ngày 06/04/2011 từ quần đảo Canary Đại tây dương (tây bắc Châu Phi) tới Caribê. Họ dự kiến kết thúc cuộc hành trình tại quần đảo Bahamas, nhưng gió mạnh và biển động buộc họ phải tới đảo St Maarten thuộc Hà Lan trong vùng Caribê.

Smith nói: “Nước là thứ không thể thiếu cho cuộc sống. Việc du hành sẽ làm cho chúng ta nhận thức về nhiều nơi trên thế giới đang thiếu nước” ... “Một số người nói chuyến đi thật điên rồ. Nhưng nó chẳng điên rồ chút nào, bởi bạn sẽ làm được gì nữa khi bạn già đi trong những năm tới”.

Thủy thủ John Russell, 61 tuổi, nói ông thèm thịt bò: “Chúng tôi không có thực phẩm tươi trong một thời gian dài. Chúng tôi sống nhờ đồ hộp. Hoa quả và rau tươi đã hết từ lâu”. 

Được biết ông Smith phải dùng một chân giả bởi tai nạn cách đó 2 năm.

Smith vốn là phóng viên khoa học của The Telegraph và là một nhà thám hiểm. Vào năm 1962, ông từng dẫn đầu một đoàn thám hiểm đến Đông Phi. Năm 1963 ông là người Anh đầu tiên băng qua dãy núi Alps bằng khinh khí cầu. Smith nói: "Hầu hết mọi người ở tuổi của tôi đang hạnh phúc với một chuyến đi đến Sainsbury vào mỗi ngày thứ ba hàng tuần, hoặc có thể ra giúp việc điều hành sửa chữa mái nhà của nhà thờ. Nhưng tôi lại khác họ vì tôi không hài lòng với cuộc sống hiện giờ. Tôi muốn làm những điều khác thường ở tuổi này”. 

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Thay chai khí dưới đáy biển!

(Bài trên scubadiving.com – trích dịch)

Ron cùng bạn bè tham gia chuyến đi Thái bình dương. Các vùng biển trong thời gian này khá yên tĩnh và điều kiện môi trường rất tốt.

… Phải nói thiết bị của Ron không phải là hoàn hảo, “bạch tuộc”(*) của anh bị xì khí buộc anh phải nổi lên. Anh mượn thủy thủ đoàn một “chai mõm ngựa”(**) loại 80 foot khối. Lẽ ra thuyền viên có thể đưa cho Ron chai của những thợ lặn nổi lên sớm và còn nhiều khí, nhưng họ cho rằng anh chỉ nghịch một chút (Ron là một thợ lặn có kinh nghiệm). Ron khoác thêm “chai mõm ngựa” và nhảy xuống nước.

Ron xuống độ sâu 20 mét. Sau 15 phút chai khí sau lưng anh đã cạn (nó vẫn bị xì khí). Anh quỳ dưới đáy cát và tiến hành hoán đổi chai khí. Nhưng “chai mõm ngựa” được thiết kế chỉ để thợ lặn làm một cú đi lên trực tiếp, nó không được thiết kế để họ làm việc ở dưới độ sâu. Để hoán đổi chai, Ron phải thở bằng “chai mõm ngựa” trong vài phút. Trong thời gian đó, anh phải tháo chai khí chính ra khỏi BCD, rồi cài đặt “chai mõm ngựa” vào BCD, và cài chai khí chính vào “rọ mõm ngựa”, rồi đeo BCD và tiếp theo là đeo “rọ mõm ngựa” lên người.

… Trên tàu đã cảm thấy những gì nguy hiểm cho Ron. Một Divemaster(*) lặn xuống tìm Ron và tiếp cận được Ron đúng lúc anh ta bắt đầu có biểu hiện kiệt sức và hoảng sợ. Ron được cung cấp khí thở và được áp tải lên mặt nước.

Thợ lặn nói:

- Giống như nhiều trường hợp tai nạn lặn, mọi thứ đã đi sai trước khi thợ lặn nhập nước. Ron không nên cố gắng lặn với một “bạch tuộc” bị rò rỉ. Và cũng không giải nghĩa được lý do tại sao Ron không tìm kiếm sự giúp đỡ của thủy thủ đoàn (sửa chữa hoặc thay thế các hư hỏng).

- Mặc dù dễ dàng biết Ron sẽ “nghịch dại”, nhưng giám sát viên lặn đã không ngăn chặn việc Ron xuống nước với “chai mõm ngựa”. Kẻ hoán đổi chai khí dưới đáy biển sẽ giống như một Cascadeur chuyên đóng thế các trò mạo hiểm. Để đổi sang “chai mõm ngựa”, Ron phải cắt nguồn cung cấp khí trong vài phút. Thậm chí nếu anh có thể hoàn tất công việc một cách êm thấm, Ron vẫn gặp sự cố khác là bị nước biển tràn vào đầy hệ thống phân phối khí. Điều này sẽ dẫn đến, hoặc là phải đẩy nước biển ra khỏi thiết bị (trường hợp tốt nhất) hoặc bị cộng lỗi hệ thống.

- “Chai mõm ngựa” là thiết bị an toàn và hiệu quả, nhưng chỉ khi chúng được sử dụng cho một cú đi lên có kiểm soát(**). Tại độ sâu 20 mét, cộng thêm sự nỗ lực và gấp gáp của việc đổi chai khí, Ron đã tiêu thụ không khí gấp ba lần so với khi bình thường. Sự hỗ trợ nhanh chóng của Divemaster đã giúp dừng lại thảm họa.

Bài học:

- Thiết bị lặn: Bạn phải tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Các thiết bị đi lên khẩn cấp được sử dụng để làm một cú đi lên khẩn cấp có kiểm soát, không sử dụng cho những việc khác.

- Nếu thiết bị có lỗi, bạn phải sửa chữa hoặc hủy bỏ chuyến lặn. Không bao giờ cố gắng bù đắp cho các thiết bị có lỗi ở dưới đáy biển.

- Càng tồi tệ nếu bạn là giám sát viên lặn: Bạn cần yêu cầu khách lặn phải dừng trò đùa kỳ lạ của họ. Bạn không nên cho rằng các câu hỏi không bình thường của họ sẽ không xảy ra vấn đề gì tiếp theo.

(*) Xin xem trong Tự điển Lanbien ở bên phải trên cùng trang tin này.

(**) Chai mõm ngựa (hourse cylinder) là chai khí dự phòng độc lập. Thợ lặn sâu thường đeo nó ở bên hông bởi một quai treo (“rọ mõm ngựa”), và thường chỉ dùng nó trong lúc đi lên, một khi chai chính hết khí.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Cổ vật từ đáy biển Việt nam

(Sưu tầm, trích đăng)

Năm 2006, Vũng tàu khai mạc phòng trưng bày "Cổ vật từ đáy biển Việt nam”. Hơn 1.000 cổ vật ở đây hầu hết là những hiện vật được trục vớt từ 10 con tàu bị đắm từ đầu thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ thứ 19, dọc theo bờ biển Việt nam từ Quảng nam đến Cà mau. Từ những con tàu hàng bị đắm dọc theo bờ biển Việt nam, các chuyên gia khẳng định rằng ít nhất từ khoảng thế kỷ thứ 15, khu vực biển Việt nam đã có vị trí trên “con đường tơ lụa trên biển” và thương nhân Việt nam đã tham gia vào con đường này.

Xác tàu đắm trên vùng biển Bà rịa - Vũng tàu:

-Tàu cổ Lộc an (trục vớt tại bờ biển) Bình châu - Xuyên mộc: hơn 1.000 hiện vật, đa phần là đồ gốm gia dụng, trắng, vẽ lam, xuất xứ từ các lò gốm Nam Trung hoa vào cuối thế kỷ 19.

-Tàu cổ Bãi Dâu: 105 hiện vật, khá phong phú về chủng loại và kiểu dáng (gốm, sứ, pha lê, thủy tinh...) sản xuất tại Pháp vào giữa thế kỷ thứ 19 do Công ty Biedermann & Co-Saigon đặt làm, đặc biệt có một bình đất nung trang trí hình chim phượng.

-Tàu cổ Hòn Bà: 569 hiện vật, phần lớn là gốm dân gian liên quan đến nghề làm mắm ở miền Nam Trung bộ, một số gốm sứ thời Ung Chính nhà Thanh.

-Tàu cổ Hòn Cau, Côn đảo: nhiều hiện vật gốm sứ (gốm men trắng hoa lam và gốm men trắng) đa dạng về loại hình, kiểu dáng của các lò "Cảnh Đức Trấn" (Giang tây), "Sơn Đầu" (Phúc kiến, đời Khang Hy, 1690). Có hiện vật mang phong cách châu Âu hoặc thể hiện cả hai phong cách trên cùng một hiện vật. Đặc biệt có 7 khẩu thần công được đúc vào thời Gia Tĩnh (nhà Minh, 1522-1566)  lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt nam (Bãi Rạng, Bà rịa - Vũng tàu).

Vùng biển khác:

-Tàu cổ Cù lao Chàm - Hội an: là một kho báu đồ sộ. Chỉ riêng đồ gốm thương phẩm Chu Đậu (Hải dương, thế kỷ 15) đã gồm 240.000 hiện vật. Ngoài hàng hóa, đồ dùng, thực phẩm, người ta còn tìm thấy xương sọ của một phụ nữ khoảng 20 tuổi có đặc điểm nhân chủng Thái.

-Hai con tàu cổ tìm thấy ở Cà mau (1998) và Bình Thuận (2001): khoảng 200.000 đồ gốm sứ Trung quốc.

-Tàu cổ Hòn Đầm - Phú quốc: khoảng 10.000 đồ gốm gia dụng Sawankhalor (Thái lan, nửa đầu thế kỷ thứ 15) mang một phong cách rất riêng bởi kỹ thuật khắc chìm phủ men bên ngoài.