Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Có một người bị liệt làm thợ lặn


(sưu tầm, trích đăng)

Cứ khoảng 5 giờ chiều là anh Tiến, 38 tuổi, thôn Ghềnh Cả, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, lên xe lăn ra bến để đi biển. Gần 20 năm nay, lặn bắt hải sản là nghề của anh – một người bị liệt hai chân bẩm sinh, cơ bắp chân gần như không có thịt, phải dùng hai tay chống xuống đất để di chuyển.

Năm 15 tuổi Tiến theo cha của anh đi biển. Ban đầu phụ việc trên tàu và tập bơi, lặn. Qua 5 năm học nghề, Tiến được cha sắm cho bộ đồ lặn và bắt đầu làm việc. Lần lặn đầu tiên, Tiến đã bắt được vô số tôm và hàng rổ mực. Rồi Tiến trở thành thợ lặn kiếm sống chuyên nghiệp.

Hàng ngày Tiến lết xuống bãi để đi lặn. Đôi tay anh chai sạn. Hôm nào đi xa thì nhờ anh em chở đến bãi rồi nhờ cõng lên ghe. Ngày “trúng” có thể kiếm được từ 500 ngàn tới 1 triệu đồng. Trong một lần lặn, Tiến bị sự cố suýt chết, may bạn lặn phát hiện kéo lên. Lần đó anh phải đi viện và nằm nhà mất một năm. “Cũng nhờ trời thương nên sau lần đó ít đau ốm hẳn. Nhờ lặn mà lấy được vợ, con ngoan, xây được nhà đấy”, Tiến cười.

Năm 21 tuổi Tiến cưới vợ. Dân làng Ghềnh Cả vui như Tết, ai dè người bị liệt mà lấy được vợ. Vợ Tiến kể: Lần đầu ảnh tới nhà, nhìn ảnh mà tui thấy sợ. Lần thứ hai, thứ ba ... cứ đều đều ảnh ghé chơi. Chuyện trò qua lại, có lẽ ý chí và nghị lực vượt khó của ảnh nên tôi hết sợ và thấy mến phục.

Cưới xong, Tiến được cha mẹ, anh em hùn vốn xây cho căn nhà tạm, có chỗ ra vào. Tiến băn khoăn: Có vợ mà không có nhà tử tế, sau này còn con cái nữa. Chị vợ là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, cùng chung vai vượt khó với anh. Rồi qua bao năm tích góp, anh chị đã dựng được căn nhà khang trang, 3 đứa con đều học hành tử tế. Căn nhà của anh khang trang, nền lát gạch bông. Tivi màn hình phẳng 21 inch, tủ lạnh LG 160 lít, bàn ghế gỗ dổi, bếp ga Nhật. Quả thật người bình thường tạo được cơ ngơi như anh đã là khó, huống hồ là người tàn tật. Ai khen, Tiến chỉ một câu “có gì đâu, tui chỉ nghĩ là phải sống cho ra sống thôi”.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Yếu tố tiên quyết giúp quyết định chất lượng bơi ếch


Theo Hà Nội Swimming thì yếu tố tiên quyết giúp quyết định chất lượng trong kiểu bơi ếch, giúp bơi ếch lướt nhanh mà không bị mệt đó là kỹ thuật thở và kỹ thuật đạp chân trong bơi ếch. 
(trích đăng)
Lướt nhanh nhờ kỹ thuật thở
Kỹ thuật thở là bài học đầu tiên và là bài học căn bản mà bất cứ ai khi tham gia học bơi đều phải trải qua. Kỹ thuật thở theo suốt người bơi trong mọi bài tập bơi. Luyện kỹ năng thở nước trong bơi lội còn mang một tác dụng tích cức đến sự gia tăng thể tích sống của phổi. Một vận động viên bơi thường xuyên có thể gia tăng thể tích sống của phổi lên đến 1,5 hoặc 2 lít. Vì vậy, khi tham gia bơi lội, hệ thống hô hấp được cải thiện một cách đáng kể. Biết duy trì nhịp thở một cách đều đặn giúp bạn có thể bơi với đường bơi dài mà không bị mệt, không cần nghỉ giữa các phân đoạn đường bơi.Việc luyện tập kỹ thuật thở cần duy trì trong thời gian dài mới đạt được kết quả. Vì thế mà người học cần phải hết sức kiên trì.
Lướt nhanh nhờ kỹ thuật đạp chân
Kỹ thuật đạp chân trong bơi ếch mang yếu tố cơ sở trong kiểu bơi. Sau mỗi lần tiến hành đạp nước khi rút chân vào cần nhờ phải rút bằng gót chân chứ không phải bằng đầu gối như sai lầm của nhiều học viên vẫn hay mắc phải. Khi thu vào cần chú ý giữ cho gót càng gần mông càng tốt. Cẳng chân lúc này phải ở phía trong đường hông. Chân cần tới mông khi vai còn nhô cao. Cần giữ đầu và vai trên bề mặt nước cho đến khi đã thu chân vào.
Lưu ý nên rút chân vào kịp thời, nếu rút chân vào muộn vai sẽ bị thụt xuống đột ngột. Cần bẻ bàn chân ra ngoài chiều rộng vai và đạp vòng chân về phía sau đồng thời hướng xuống dưới.
Hơn hết là cần nhớ khi kết thúc động tác nhất quyết cần ép hai chân sát lại với nhau.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

lặn hang động khi chưa qua huấn luyện (P2)


(tiếp theo và hết)

Al và Ray nhìn nhau cười. Adrenalin tiết ra, kích thích họ phải làm một cái gì đó. Họ chui ngày một sâu hơn. Rồi Ray nhận ra rằng anh đã không thể tìm thấy lối ra. Anh nắm lấy chân nhái của Al, ra hiệu quay lại. Họ quay lại, tìm kiếm, nhưng không thể thấy lối ra ...

Xác họ đã được thu hồi vào ngày hôm sau trong một ngách hang khá sâu. Họ đã chết do hết không khí thở trong khi bị lạc trong hang động.

Do Al và Ray đã chết nên chúng ta không thể biết chính xác những gì xảy ra trong những phút cuối cùng của họ, nhưng khá dễ dàng suy đoán: Họ cố gắng tìm kiếm lối ra trong tâm trạng càng ngày càng lo lắng. Sự hoảng sợ xuất hiện, hơi thở của họ trở nên gấp, hành động của họ trở nên bất thường. Rồi họ dừng lại, dành vài phút cuối cùng nhìn chằm chằm vào đồng hồ đo áp lực khí của họ đang trả về số “không”. Họ hoảng loạn. Họ biết họ sắp chết và không có cách gì để họ có thể thoát được nó.

Họ đã đánh mất cuộc sống của họ khi chui vào hang động ngầm nhưng không có sự chuẩn bị trước.

Bạn cần biết, những phạm vi ra ngoài lĩnh vực lặn giải trí truyền thống, bao gồm lặn trong hệ thống hang động ngầm, lặn thâm nhập xác tàu đắm, lặn dưới băng, ... Nó cũng bao gồm cả lặn độ sâu (có thể nhìn thấy bề mặt) và buộc phải có cuộc giải nén(*) ngăn chặn một cú đi lên trực tiếp. Các khóa học lặn phổ thông không đào tạo kỹ năng xử lý trong các môi trường như vậy, chúng thuộc các khóa học chuyên ngành, và mỗi khóa học chỉ giải quyết được một trường hợp duy nhất mà thôi.

(*) Xin xem trong “Tự điển Lanbien” ở trên cùng bên phải trang tin này

Hình: Chỉ nhằm minh họa việc lặn trong hang động ngầm.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Lặn hang động khi chưa qua huấn luyện (P1)


(Bài của Eric Douglas, trích dịch)

Al 35 tuổi và Ray 19 tuổi. Trong quá trình học lấy bằng lặn, họ quen nhau vì cả hai đều thích lặn. Khi học lặn, hai người đàn ông này không ai chịu thua kém ai. Rõ ràng họ có ý định cạnh tranh.

Al và Ray đều bày tỏ sự quan tâm với lặn hang động ngầm, nhưng huấn luyện viên (HLV) của họ nói rằng, họ sẽ cần rất nhiều kinh nghiệm trước khi họ có thể ghi danh vào một khóa học lặn hang động. HLV giải thích cho họ rằng khóa học đó sẽ dạy họ làm thế nào để vào hệ thống hang động một cách an toàn.

Vào một sáng Chủ nhật, HLV nói với Al và Ray rằng, họ đã có bằng lặn nên họ sẽ không được sự chăm sóc của anh nữa, nhưng họ sẽ được chào đón trong cuộc lặn buổi chiều, và hiện anh bắt đầu phải hướng dẫn cho một thợ lặn nhập môn khác. Al và Ray nói với HLV (nay không còn là thầy giáo của họ nữa) là để cho họ lặn chung với học trò đó trong cuộc lặn, và đã được đồng ý. HLV nhấn mạnh với họ rằng, họ chưa đủ điều kiện để thâm nhập hang động ngầm.

Al và Ray lặn cùng với HLV và học trò của anh ấy trong khoảng 10 phút, nhưng cả hai nhanh chóng cảm thấy chán vì chỉ lặn ở một chỗ. Chờ lúc HLV tập trung vào học trò của mình, Al và Ray tách ra. Khi phát hiện mất họ, HLV cho rằng họ đi lặn ở lanh quanh đâu đó – họ là thợ lặn đã có bằng, còn anh thì không còn chịu trách nhiệm với họ.

Al và Ray lang thang khám phá các khu vực khác, và thấy một lối vào của hệ thống hang động ngầm. Thâm nhập hang ngầm dễ dầu gì bị lạc: trước mặt là phía đáy hang, còn quay ngược trở lại là phía cửa hang.

Cả hai thận trọng bơi vào. Họ di chuyển từ từ để đôi mắt của họ quen dần với môi trường ánh sáng yếu. Họ có mang theo đèn – một dụng cụ bị các câu lạc bộ lặn ở đây cấm, nếu như thợ lặn đó chưa được đào tạo kỹ thuật lặn hang động. Đó là một cách để tránh các thợ lặn (chưa được đào tạo) xâm nhập vào hang động ngầm.
(còn nữa)

Hình chỉ nhằm minh họa việc lặn trong hang ngầm.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Con đường dưới đáy biển

(sưu tầm, trích đăng)    

“Con đường Bimini” (Bimini Road) được phát hiện và công bố trước thế giới vào năm 1968. Nó dài khoảng 580m, hình chữ J, nằm tại vùng nước nông của hòn đảo Bimini cách bờ biển Miami Hoa Kỳ gần 100km về phía Đông. Những khối đá dựng nên "con đường" này làm bằng một loại đá gọi là beachrock. Các hình ảnh cho thấy đây là một công trình nhân tạo, được xây dựng vào một thời kỳ rất xa xưa.

Các hòn đá được tạo hình để xây dựng bến cảng và con đê chắn sóng. Nhiều nhà khoa học cho rằng bến cảng này đã rất cổ xưa, được xây dựng khi mà vùng đất này vẫn còn nằm phía trên mực nước biển. Một số cho rằng bến cảng này đã từng hoạt động ít nhất khoảng 12.000 năm trước.Người ta còn tìm thấy hàng chục tảng đá dùng làm neo thuyền, với dấu vết các sợi dây xỏ qua lỗ đá. Điều này chứng tỏ "Con đường Bimini" là tàn tích của một bến cảng đã từng hoạt động.

 Vào năm 2006, một "con đường" tương tự như thế được phát hiện cách vị trí của "Con đường Bimini" khoảng 1,6km. Trước đó nó bị cát biển che phủ, và sau một trận bão năm 2006, sóng đã bóc trần lớp cát đi để lộ ra công trình cổ đại này.

Cuối năm 2006 và tháng 6/2007, hai đoàn thám hiểm đã đến Bimini nghiên cứu. Người ta áp dụng cả hai phương pháp quan trắc địa hình dưới đáy biển và phương pháp sonar (định vị thủy âm) tại một vài địa điểm. Họ đã tìm thấy một dải các cấu trúc cách Bimini vài km về phía Tây tại độ sâu hơn 30m. Máy tính cùng với phương pháp sonar đã phát hiện vô số các mẫu vật hình chữ nhật dưới đáy biển. Họ cũng tìm thấy các cột trụ tròn bằng ximăng hoặc đá cẩm thạch làm liên tưởng đến các bến cảng Địa Trung Hải thời cổ đại. Tuy nhiên không thể khẳng định Bimini là một bến cảng La Mã. Trong thực tế, vùng đất La Mã cổ đại cách đảo Bimini tới 5.000km ở phía bên kia đại dương. Ta chỉ có thể khẳng định là công nghệ xây dựng tại Bimini có những nét tương tự với của La Mã cổ đại. Thêm nữa, có những dấu hiệu cho thấy những cây cột này được dựng lên để thay thế cho những chỗ đã bị hư hại từ trước đó, có thể là của những công trình còn cổ xưa hơn nhiều.

 Tại sao công trình này lại nằm dưới đáy biển, điều gì đã xảy ra cho hải cảng tiền sử này? Tại sao lại có nhiều công trình cùng chung số phận với nó như vậy? Ai là chủ nhân đích thực của nhiều công trình dưới đáy biển, khi giám định cho thấy chúng đã tồn tại trước nhiều ngàn năm so với những nền văn minh sớm nhất của chúng ta? Nền văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh cổ Trung Hoa, nền văn minh cổ Ai Cập và nền văn minh cổ Ấn Độ không phải là điểm bắt đầu của lịch sử nhân loại. Với những dữ liệu và bằng chứng khảo cổ thu thập được càng ngày càng nhiều hơn, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn bộ lịch sử loài người một cách nghiêm túc.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Tạo thêm lớp cách nhiệt trong bộ đồ lặn


(sưu tầm)
Viện Công nghệ Masachusetts (MIT) đã tìm ra một giải pháp đơn giản: thiết kế bộ đồ lặn (drysuit) với lớp “mỡ nhân tạo” dày, mô phỏng bộ da của hải cẩu và gấu bắc cực. Thử nghiệm cho thấy lớp "mỡ nhân tạo" có thể kéo dài thời gian bơi trong nước lạnh (dưới 10 độ C) đến ba giờ.
Nhóm nghiên cứu tạo ra bộ đồ bằng cách đặt một bộ đồ lặn bằng cao su xốp bình thường (neoprene) trong một nồi hấp chứa đầy khí (gas) nặng (như argon, krypton hoặc xenon) trong một đến ba ngày. 
Gas sẽ lấp đầy các khoảng trống trong cao su, làm cho  vào khiến cao su neoprene có độ dẫn nhiệt cực thấp. Thiết kế này không chỉ giúp người mặt giữ ấm mà còn loại bỏ máy bơm nước nóng vốn là thiết bị không thể thiếu trong các bộ đồ lặn giữ nhiệt hiện hành, từ đó giúp tránh nguy cơ bị thoát nhiệt rất nhanh nếu bị rách hoặc hư máy bơm.
MIT đã phát triển bộ đồ lặn này với sự giúp đỡ của Hải quân Hoa Kỳ nhằm giúp các binh sĩ thực hiện nhiệm vụ an toàn hơn ở vùng khí hậu Bắc Cực hoặc mùa đông. Ngoài ra phát minh cũng sẽ hữu ích cho việc sửa chữa dưới đáy biển, vận động viên bơi lội đường dài và thậm chí cả người lướt sóng.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Học mãi mà vẫn chưa biết bơi (P3)

(tiếp theo và hết)

Bắt đầu với một môn bơi quá khó


Phần lớn các cơ sở dạy bơi ở Việt Nam dạy cho người mới học một môn bơi khó là bơi ếch hay bơi trườn sấp. Điều này chẳng khác gì "chưa học lẫy, học bò đã lo học chạy", làm nhiều người dễ nản lòng, bỏ cuộc.

Nên bắt đầu học bơi với thở, lặn và nổi, sau đó mới học các kỹ thuật bơi đơn giản là bơi chó chìm đầu trong nước rồi bơi tự cứu - một kiểu bơi sinh tồn theo phương thẳng đứng. Hai kiểu bơi này mô phỏng chuyển động bản năng của con người, được lực đẩy nổi của nước hỗ trợ nên rất dễ học trong vòng 2-4 buổi. Khi đã thuần thục các kiểu bơi trên, bạn sẽ hào hứng luyện tập tiếp các kỹ thuật khó hơn như bơi ếch, trườn sấp, bướm...

Lưu ý: Trước khi xuống bể bơi, cần có những bước khởi động cơ bản giúp mềm dẻo cơ bắp, các khớp xương hoặc đi bộ vài vòng quanh bể bơi để làm nóng cơ thể.

Để cải thiện tình hình cần thực hiện mấy việc sau


Bắt đầu tập bơi với trạng thái tĩnh: Học thở (trên mặt nước há miệng thở vào, dưới mặt nước thở bong bóng ra đằng mũi); học thả nổi sấp cảm nhận điểm cân bằng; học lặn và thở ở tư thể ngồi xổm, bó gối dưới mặt nước (nhảy thẳng lên thở vào và ngồi thụp xuống thở ra) để cảm nhận lực đẩy của nước. Khi có thể thả nổi tĩnh lặng trong nước độ 10-15 giây, có thể nhảy lên ngồi xuống liên tục độ mươi lần mà không loạn là bạn sắp thành công.

Học phối hợp chân tay để tạo lực hiệu quả. Nên nhớ bơi là khiêu vũ trong nước, là hoạt động có nhịp điệu, là sự xen kẽ của tĩnh và động, của cương và nhu, của nhanh và chậm. Khi nào bạn cảm thấy mình dần làm chủ được nhịp điệu chuyển động thì bạn sắp thành công rồi.

Bạn nên bắt đầu với học bơi tự cứu để dễ dàng thả nổi, dễ dàng vươn đầu ra khỏi mặt nước thở vào nhờ sự hỗ trợ của lực đẩy nổi của nước. Nếu học bơi ếch và trườn sấp thì việc vươn thở sẽ khó hơn nhiều.

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Học mãi mà vẫn chưa biết bơi (P2)


(tiếp theo)

Không biết “thử - sai”

Có nhiều người cố gắng tập mãi một kiểu đập chân quạt tay, dù thấy không hiệu quả, họ vẫn cứ lặp đi lặp lại động tác đó một cách cần cù. Thực ra, khi cảm thấy mình rơi vào tình huống này, hãy dừng lại, quan sát những người bơi giỏi, tìm hiểu xem động tác của họ khác với mình như thế nào để chỉnh sửa. Hãy đặt câu hỏi "Tại sao tay chân họ chuyển động nhịp nhàng, khoan thai mà vẫn bơi nhanh, bơi đẹp…". Bạn phải luôn thay đổi, luôn “thử - sai” để đạt tới “4 đúng”. Chỉ như thế, bạn mới học bơi nhanh và bơi đúng kỹ thuật. Cần quan sát để thay đổi.

Tâm lý ngại không muốn xuống nước vì sợ các nguy cơ dưới nước

Nhiều người, nhất là phụ nữ, ngại đi bơi vì sợ việc này ảnh hưởng tới làn da hoặc làm mình mắc một số bệnh do môi trường dưới nước gây ra. Thực tế, đi bơi có thể đối mặt với một số nhóm rủi ro như đuối nước, mất thân nhiệt do ngâm nước lâu, mắc bệnh về phổi do hít nhiều nước vào phổi, phơi nhiễm các hoạt chất dùng xử lý nước hồ bơi, dẫn tới mắc các bệnh về tai, mũi, họng, da, vấn đề về cơ xương khớp do bơi quá sức. Ngoài ra, khi bơi ở sông, biển, bạn có thể ngã, trượt, va chạm vào thành bể, tàu thuyền, gặp nguy hiểm do thời tiết bất lợi như giông, bão, rơi vào dòng nước xoáy, gặp sinh vật lạ như sứa, cá dữ...

Tuy nhiên, thông thường, nếu bơi tại bể bơi ở thành phố thì các nguy cơ này không nhiều. Nhất là, bạn có thể phòng tránh bằng cách: Tập bơi với người hướng dẫn hoặc tập kỹ trên cạn trước khi xuống nước; tập ở nơi nước không quá sâu; không bơi quá sức; sử dụng dụng cụ bịt tai, kính bơi... để tránh nước vào tai, mắt; chú ý quan sát và chọn nơi bơi thích hợp; không bơi khi thời tiết bất lợi...

Bạn bị bệnh sợ nước do chấn thương tâm lý

Một số người từng gặp tai nạn do tiếp xúc với nước gây ra, hay từng chứng kiến người chết đuối, xem cảnh rùng rợn dưới nước trong phim... có thể cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn khi ở trong môi trường nước. Với những trường hợp nặng, họ cần được trị liệu để giải tỏa vấn đề tâm lý trước khi đi học bơi. Với các trường hợp nhẹ hơn, việc tự tập bơi trên cạn, kết hợp với việc làm quen dần với nước... có thể có tác dụng tốt.
Với các trường hợp này, tối kỵ các cách học bơi như, tự lao vào nước hay bị đẩy xuống nước, vội vã xuống nước trước khi khởi động.
(còn nữa)

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Học mãi mà vẫn chưa biết bơi (P1)

(Bài đăng trên mạng đại chúng) 

Một người được coi là biết bơi khi có khả năng bơi được 25 m và tồn tại trong nước (nơi ngập quá đầu) được 5 phút. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà nội), quy định này không có ý nghĩa nhiều trong việc phòng chống đuối nước: "Vậy nếu đến mét thứ 26 bạn không bơi được nữa thì sao, hay tới phút thứ 6 bạn không thể tồn tại trong nước thì chuyện gì sẽ xảy ra? Để phòng chống đuối nước, vấn đề không phải là bạn bơi được xa bao nhiêu, nổi được bao lâu mà quan trọng là khi rơi xuống nước bạn có khả năng ứng phó được để thả nổi, bơi tự cứu - một cách bơi theo phương thẳng đứng, tốn ít sức được để không bị đuối nước".
Theo ông Tuấn, để có thể bơi - chống đuối nước không khó. Nếu bạn đã tập bơi khá lâu nhưng mãi chưa bơi được, có thể vì một hoặc một số trong những lý do dưới đây:

Bạn không tập trung, không “cam kết” học bơi

Bạn muốn biết bơi nhưng không đặt kế hoạch cụ thể và dành thời gian ưu tiên cho việc học bơi. Bạn học theo tùy hứng, lúc thích thì đi, không thích thì nghỉ. Bạn học một vài buổi rồi nghỉ cả tuần, cả tháng, tới khi học tiếp thì coi như bắt đầu lại. Nếu việc này cứ lặp đi lặp lại thì không khó hiểu khi bạn nói "tôi học bơi lâu rồi mà vẫn chưa biết bơi".

Bạn chưa học xong “lớp 1” đã muốn lên học “lớp 4, lớp 5”

Trong học bơi, thở là kỹ năng quan trọng nhất. Muốn bơi được phải biết cách thở. Thở khi bơi lội khác với thở khi đi lại bình thường trên mặt đất nên trước khi học quạt tay, đạp chân, ta phải học thở cho tốt. Biết thở là biết bơi 70%.Khi chưa biết cách thở mà đã tập quạt chân, quạt tay thì dễ bi phân tâm, làm được cái này quên cái kia. Có rất nhiều người khoe là đã bơi được 6-10m, chỉ mắc mỗi một lỗi là chưa biết thở nên bị sặc.

Sau khi học thở, người ta mới nên học lặn - nhô lên hụp xuống theo phương thẳng đứng để chữa bệnh “sợ nước sâu”, “sợ chân rời khỏi mặt đất”. Chỉ khi lặn tốt, người ta mới học nổi và cuối cùng là học cách chuyển động theo các kiểu bơi khác nhau như bơi chó chìm đầu, bơi tự cứu, ếch, trườn sấp… Người mới học bơi thường chú trọng vào quạt tay, đạp chân mà bỏ qua tập thở. Hậu quả là có những người "bơi" được một chút là sặc nước hoặc bơi được rồi nhưng vẫn không dám ra chỗ nước sâu quá đầu người…

Không hiểu bản chất “4 đúng” của động tác bơi lội

Người lớn tuổi khó học bơi hơn con trẻ bởi cách dạy “bắt chước” hiện nay khó giúp họ làm đúng được những gì người dạy mong muốn. Muốn bơi được, cần thực hiện được 4 đúng:

·       Đúng đường: Động tác phải được thực hiện đúng đường, đúng hướng. Chẳng hạn khi bơi ếch, hai chân phải co vào rồi bung đạp theo vòng cung sang hai bên trước khi ép chặt lại với nhau... Cũng như khi đi từ Hà Nội đến Bắc Giang, Quảng Ninh thì phải theo hướng bắc, nếu bạn đi theo hướng nam thì sẽ lạc sang tỉnh khác.
·       Đúng thời: Đây là việc phối hợp chân tay sao cho nhịp nhàng, khi nào thì tay, khi nào thì chân, cùng lúc hay so le… Bơi là hoạt động có nhịp điệu, là một vũ điệu dưới nước chứ không phải là hoạt động loạn xạ.
·       Đúng cường lực: Khi nào tay, chân cần mạnh, khi nào tay, chân cần nhẹ. Trong chuyển động bơi, không phải lúc nào cơ thể cũng căng cứng mà có lúc tay hoạt động (cương), chân nghỉ ngơi (nhu), hoặc ngược lại; có lúc các bộ phận này trên mặt nước, các bộ phân kia ở dưới mặt nước…
·       Đúng điểm đến của lực: Cùng là dùng bàn tay tạo lực nhưng nếu bạn đập tay xuống mặt bàn, lực sẽ truyền xuống mặt bàn, làm rát bàn tay, nhưng nếu bạn ấn xuống bàn thì lực lại truyền lên bả vai. Trong bơi cũng vậy, điểm đến của lực khác nhau tạo ra hướng chuyển động khác nhau. Do không biết điểm đến của lực nên nhiều người vùng vẫy chân tay loạn xạ, tốn sức mà không bơi được bao xa.

Chỉ cần thiếu một trong “4 đúng” trên, bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để học bơi, thậm chí tập mãi vẫn không làm chủ được chuyển động của mình dưới nước. (còn nữa)

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Các dòng chảy gần bờ


(bài của một vận động viên lướt ván sóng Florida, trích dịch)

DÒNG XOÁY TỪ BỜ (RIP).

Có một vài tình huống gây ra dòng nước mạnh. Sóng lớn gây ra dòng nước mạnh. Những con sóng vỗ mạnh vào bờ rồi phải tìm đường trở lại biển. Điều này có thể gây ra cái đã được biết tới là “dòng xoáy từ bờ” – một dòng nước chuyển động nhanh, chảy từ mép bờ biển đi ra và kéo theo những người lướt ván sóng, kẻ bơi lội.

Nếu bạn bị rơi vào đó, đừng cố gắng chống chọi lại với nó, nó sẽ chẳng cuốn bạn tới Mêxicô đâu. Lúc đó bạn ra khỏi dòng xoáy bằng cách bơi song song với bờ. Sau đó, những con sóng sẽ đưa bạn vào bờ. Dòng nước xoáy thường có màu hơi khác những vùng nước xung quanh. (Lưu ý: Dòng xoáy từ bờ không liên quan gì tới thuỷ triều. Cụm từ “xoáy nước thuỷ triều” là không đúng cho những dòng xoáy kiểu này ở Florida).

Đây là hiện tượng không huyền bí, không khó dự đoán, đã tình cờ đe dọa nuốt chửng những người bơi lội vô tội. Dòng xoáy từ bờ được tạo thành khi sóng đẩy những khối nước lớn vào bờ. Tất cả chỗ nước đó phải tìm đường quay lại biển. Nước tích tụ lại cho đến khi thành một lượng lớn, tạo ra “dòng chảy ngược” và đổ ra biển. Nếu có sóng lớn, sẽ có những dòng xoáy từ bờ. Bạn có thể học cách nhận ra chúng ngay sau khi bạn biết bạn phải cần biết những gì.

DÒNG CHẢY DỌC BỜ (CHẢY SONG SONG VÀ MEN THEO BỜ BIỂN).

Gió lớn cũng gây ra dòng nước mạnh. Loại dòng nước này thường là những dòng chảy dọc theo bờ biển và rất thông dụng, ngay cả khi chỉ có sóng rất nhỏ. Nó cuốn bạn đi một quãng khá xa trước khi bạn kịp nhận ra rằng bạn bị đẩy đi xa như thế. Nó gây rắc rối hơn bất kì thứ gì khác: Bạn xuống nước ở điểm A và lên bờ tại điểm B, và bạn sẽ không tìm thấy cái khăn tắm bạn “làm mốc” hiện đang ở nơi đâu.

DÒNG CHẢY QUA EO BIỂN.

Một luồng nước lớn chảy qua một cái kênh hẹp sẽ tạo ra một dòng nước mạnh. Điều này xảy ra thường ngày ở hầu hết các eo biển. Eo biển là cái kênh hẹp và dòng nước ở đây sẽ mạnh nhất khi thuỷ triều lên và xuống. Tôi không khuyên bạn bơi ở gần eo biển vào bất kì thời gian nào. Do 98% thời gian không có dòng chảy mạnh trên bãi biển bên trong Vịnh, nên nếu bạn bơi trong bãi biển của Vịnh thì rất ít có khả năng bạn phải đương đầu với dòng chảy mạnh.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của những con sóng, đặc biệt là tại bờ biển Đại tây dương. Nếu bạn là người có kinh nghiệm với sóng và bơi giỏi thì đó là chuyện nhỏ, nhưng hầu hết những người lần đầu đến Florida đều bị bất ngờ bởi sức mạnh các con sóng. Nếu bạn không có kinh nghiêm lướt sóng thì đừng lướt sóng tại đây, như vậy bạn có thể sống sót để bơi vào ngày tiếp theo. Cách tốt nhất để học chế ngự những con sóng là cách mà người địa phương thường áp dụng. Bạn hãy bắt đầu với những con sóng nhỏ và dần dần, bạn sẽ thử sức với những con sóng lớn hơn khi kinh nghiệm của bạn tăng lên.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Lặn xác tàu sân bay của Đức Quốc xã (P2)

(Tiếp theo và hết)

Sàn đáp – Hầm chứa máy bay

Sàn đáp của Graf Zeppelin có cấu trúc bằng thép và được lót gỗ, dài 242 m và rộng tối đa 30 m. Sàn đáp được nâng đỡ bởi các trụ chống thép. Các sàn chứa máy bay trên và dưới của Graf Zeppelin dài và hẹp, bên hông và hai đầu không được bọc giáp. Các xưởng sữa chữa, khoang chứa và chỗ nghỉ của thủy thủ được bố trí phía ngoài các sàn, một đặc điểm thiết kế tương tự như các tàu sân bay Anh.
Sàn chứa phía trên có kích thước 185m×16 m; trong khi sàn chứa dưới có kích thước 172m ×16 m.

Tổng cộng diện tích sàn chứa máy bay được sử dụng là 5.450 m2, đủ để chứa 41 máy bay: 18 chiếc máy bay ném bom – ngư lôi Fieseler Fi167 trong sàn chứa bên dưới; 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87C và 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T trong sàn chứa bên trên.
Vũ khí

Graf Zeppelin được trang bị pháo khác nhau cho nhiệm vụ phòng không và chống tàu nổi. Vũ khí đối hạm chủ yếu của nó bao gồm 16 khẩu pháo 150mm bố trí trên 8 tháp pháo nòng đôi.Vũ khí phòng không chính bao gồm 12 khẩu pháo 105 mm bố trí trên 6 tháp pháo nòng đôi, ba phía trước và ba phía sau.

Dàn hỏa lực phòng không phụ của Graf Zeppelin bao gồm 11 khẩu đội SK C/30 nòng đôi 37 mm bố trí trên các bệ nhô dọc theo mép sàn đáp: 4 khẩu đội bên mạn phải, sáu bên mạn trái và một ở phần mũi tàu. Thêm vào đó, 7 khẩu súng máy MG C/30 20 mm trên các bệ nòng đơn bố trí hai bên mạn tàu: 4 bên mạn trái và ba bên mạn phải; sau đó được đổi thành các khẩu đội bốn nòng.

Máy bay trên hạm

Nhiệm vụ dự định ban đầu của Graf Zeppelin chủ yếu là trinh sát di động trên biển, nên các máy bay được thiết kế cho nó cũng phản ảnh rõ: 20 máy bay cánh kép Fieseler Fi 167 dùng để tuần tiểu và tấn công bằng ngư lôi, 10 máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109T và 13 máy bay ném bom bổ nhào Junkers Ju 87.

Do ảnh hưởng đường lối tác chiến sử dụng tàu sân bay của Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ (từ vai trò trinh sát thuần túy sang các nhiệm vụ tác chiến tấn công) số máy bay trên hạm của  Graf Zeppelin được đổi thành 30 chiếc máy bay tiêm kích Bf 109 và 12 máy bay ném bom bổ nhào Ju 87.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Lặn xác tàu sân bay của Đức quốc xã (P1)

Vào ngày 12/7/2006, chiếc RV St.Barbara, thuộc công ty dầu khí Ba Lan Petrobaltic, tìm thấy xác một con tàu dài 265m ở gần cảng Leba (một báo cáo của BBC cho rằng cách 55 km về phía Bắc Wladyslawowo), mà họ cho rằng có thể đó là chiếc Graf Zeppelin. Ngày 26/7/2006, tàu thăm dò ORP Arctowski thuộc Hải quân Ban Lan, tiến hành khảo sát. Ngay ngày hôm sau, Hải quân Ba Lan chính thức xác nhận đó chính là Graf Zeppelin ở độ sâu 87m. Năm 2009, một nhóm thợ lặn đã xin được giấy phép của Chính phủ Ba Lan để lặn xác tàu này.

Graf Zeppelin là tàu sân bay duy nhất của Đức được hạ thủy trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Graf Zeppelin chưa bao giờ được Hitler sử dụng xung trận, nhưng nó biểu tượng cho sức mạnh của Hải quân Đức lúc bấy giờ.

Thân tàu. 


Graf Zeppelin được chia thành 19 ngăn kín nước, sự phân chia tiêu chuẩn dành cho mọi tàu chiến chủ lực của Hải quân Đức. Vỏ giáp của nó có độ dày thay đổi (100mm bên trên các khoang động cơ và hầm đạn phía sau, 60 mm trên hầm đạn phía trước và 30 mm trước mũi, vỏ giáp phía đuôi 80 mm để bảo vệ bánh lái). Lớp vỏ giáp ngang có khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng bom và đạn, lớp giáp này có độ dày chung là 20 mm ngoài trừ khu vực chung quanh trục thang nâng và ống khói, nơi độ dày được tăng lên 40 mm nhằm giúp cho các thang nâng có sức mạnh cần thiết và các ống khói mang tính sống còn chống mảnh đạn tốt hơn.

Động cơ. 


Hệ thống động cơ của Graf Zeppelin bao gồm 16 nồi hơi La Mont áp lực cao, tương tự như kiểu dùng cho lớp tuần dương hạm Admiral Hipper. Bốn 4 turbine hộp số được nối liền với bốn trục, được hy vọng sẽ sản sinh công suất 150.000 kW và đưa chiếc tàu sân bay đạt được tốc độ tối đa 35 hải lý/h (65 km/h). Với trữ lượng nhiên liệu tối đa 5.000 tấn dầu đốt, tầm hoạt động được tính toán của Graf Zeppelin là 9.600 dặm (15.400 km) ở tốc độ 19 hải lý/h (35 km/h).
(còn nữa)

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Bơi sải tốt tức là tìm cách để đạt tới kỹ thuật vươn duỗi và êm dịu

(Trich đăng)

1.     Đôi chân và nửa sau thân mình cần được nâng cao hơn nữa trong nước – để cơ thể được thăng bằng hơn, nhằm giảm lực cản của nước: Phổi là cái phao nên nếu bạn để cơ thể “tự do” thì nửa trước của cơ thể sẽ bị nổi, và do vậy, nửa sau sẽ bị chìm.

2.     Nhấn vai, ngực chìm xuống nước. Hành vi này sẽ làm hai chân được nâng lên ở vị trí hợp lý (để cơ thể được thăng bằng hơn, nhằm giảm lực cản của nước).

3.     Cánh tay (sau khi đưa về phía trước) cần duỗi thẳng về phía trước – sẽ làm tay bạn dài thêm vài centimet, sẽ có lợi cho động tác quạt nước tiếp theo(*), và sẽ làm vai bạn nghiêng về phía trước nhằm giảm thiết diện cản nước của cơ thể.

4.     Bắt đầu vào nước với cùi chỏ cao, rồi tập trung lực vào việc quạt nước. Không chỉ quạt nước bằng bàn tay mà bằng cả cẳng tay. Hãy strokes với cùi chỏ gập sớm và nó luôn cao hơn cẳng tay.

5.     Quạt tay mạnh hơn trong nửa sau của mỗi cú stroke.

6.     Cẳng tay của bạn sẽ trở thành cái neo nếu bàn tay của bạn đi nhanh hơn so với tốc độ di chuyển của cơ thể, và/hoặc nếu bàn tay và cẳng tay của bạn bị trượt trong nước. Lỗi này có thể do vị trí cùi chỏ bị thấp.

7.     Trước khi cú quạt kết thúc vài centimet, bạn thả lỏng cơ vai, tay, rồi rút bàn tay ra khỏi nước.

8.     Kich với lực hợp lý để nửa sau của cơ thể không bị chìm. Hãy kich từ hông và đừng gập đầu gối. Bàn chân và các ngón chân luôn luôn duỗi thẳng về phía sau (để bàn chân không trở thành cái neo).

9.     Hít vào khi cơ thể quay sang một trong hai bên, thay vì ngóc đầu lên phía trước (để đầu không trở thành cái neo). Bởi vì trong khi bơi, phía trước đỉnh đầu sẽ hình thành sóng cao, nên muốn hít vào thì đầu bạn sẽ phải ngóc cao hơn so với bạn nghĩ.

10.  Hãy hít vào thật sâu, thở ra từ từ liên tục khi mặt đang ở dưới nước.

11.  Khuyến khích strokes với 2 bàn tay “gặp nhau ở một phần tư phía trước”(**) – sau giai đoạn cánh tay hồi phục kết thúc.

(*) Đây là một trong các lí do tại sao người có chiều cao (tức có tay dài) lại bơi nhanh hơn người có chiều cao khiêm tốn.

(**) 2 bàn tay “gặp nhau ở phía trước” thuộc trường phái bơi sải vươn duỗi, êm dịu, trong đó cánh tay duỗi dài về phía trước (ví dụ tay trái) sẽ cứ “để yên đó” cho tới khi cánh tay phải “quạt nước xong–hồi phục xong–duỗi về phía trước” và gặp bàn tay trái, thì tay trái mới tiến hành quạt nước.
2 bàn tay “gặp nhau ở một phần tư phía trước” cũng tương tự, nhưng bàn tay trái không đủ “kiên nhẫn” để chờ bàn tay phải, mà đi sớm hơn chút xíu – sớm hơn một phần tư chu kỳ của tay phải.


Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Một vài kinh nghiệm lặn


(Tạm dịch)

Không để bị mất kính lặn

1.        Giữ nó khi đang nhập nước cho tới khi bạn chìm hẳn, cho dù bạn lặn từ bờ hay từ tàu.
2.        Hãy nhớ rằng đó là kính lặn chứ không phải là kính mát thời trang. Bạn kéo nó lên trán khi bạn đang ở trên mặt nước y như các minh tinh màn bạc đã làm, nhưng một cơn sóng sẽ hất mất ngay, vì thế hãy kéo nó xuống cổ.

Lặn trong điều kiện tầm nhìn thấp

1.        Đi xuống theo dây neo khi lặn từ tàu, điều này sẽ ngăn ngừa bạn bị lạc nhóm ngay từ khi đang đi xuống.
2.        Không khuấy đục. Tránh chạm chân nhái vào đáy bùn, và tránh quậy chân nhái quá mức, điều này sẽ chỉ làm tăng thêm độ đục.
3.        Hãy dành thời gian làm quen với bóng tối. Sau một vài phút, tầm nhìn của bạn có thể quen với ánh sáng yếu, nó sẽ không tệ như lúc đầu bạn nghĩ.
4.        Sử dụng đèn. Đèn là một phần cần thiết trong các thiết bị lặn.
5.        Hãy kết nối với bạn lặn bằng một sợi dây. Đó là cách tốt hơn so với nắm tay nhau. Lạc nhau dưới nước thực là đáng sợ.
6.        Hãy dựa vào la bàn và chắc chắn rằng nó vẫn làm việc. Ngay cả khi bản năng của bạn cho bạn biết đúng hướng đi, bạn vẫn rất dễ mất phương hướng trong tầm nhìn thấp.
7.        Xem đồng hồ khí thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn không lo lắng vì không biết mình còn bao nhiêu khí thở, có sử dụng quá nhiều không.  
8.        Lặn nông hơn một chút. Bạn bơi cao hơn nhóm lặn một chút thì tốt hơn là bơi sát đáy biển. Nếu bơi thấp hơn nhóm, bạn sẽ không thấy bóng dáng của các bạn lặn.
9.        Nghỉ ngơi. Lo lắng là kẻ thù số một của bạn, vì vậy nếu có lo lắng, bạn hãy hít thở sâu vài lượt, thư giãn. Khi đã bình tĩnh lại thì bạn sử dụng la bàn để quay trở lại tàu.
10.     Tập trung sự chú ý của bạn vào từng khu vực nhỏ dưới đáy biển. Dừng các động tác thừa để không làm khuấy động bùn lên, và bạn sẽ thấy cả một vùng không gian ở phía trước, và “tầm nhìn thấp” lúc này chỉ có nghĩa là bạn chỉ cần chú ý chỉ tới những gì ở gần bạn.

Vài thủ thuật nhận biết hướng ở dưới nước

1.        Nhận biết từ xác tàu đắm. Đa số xác tàu đắm có hình dạng thông dụng và việc tìm hiểu về chúng sẽ giúp bạn nhận biết hướng đi.
2.        Luôn luôn sử dụng la bàn, nhưng phải cảnh giác về sự cảm ứng từ của xác tàu gần đó.
3.        Cảnh giác với dòng chảy khi xác định hướng bạn đang đi. Dòng chảy có thể xoáy quanh các vật thể dưới biển và từ đó làm bạn nhầm hướng.
4.        Nghe âm thanh. Âm thanh của động cơ tàu lặn của bạn có thể là một chỉ báo hoan nghênh.
5.        Những gợn sóng cát. Chúng thường nằm song song với đường bờ biển. Các gợn sóng có dấu ấn sâu hơn tức là bạn đã gần tới bờ.
6.        Tin tưởng vào la bàn. Nếu có sự khác biệt giữa những gì bạn cảm thấy và những gì la bàn chỉ ra, thì bạn hãy tuân theo la bàn.
7.        Di chuyển dưới mặt nước. Vì trang, thiết bị của bạn được thiết kế chỉ thuận lợi cho việc đó. Tránh di chuyển trên bề mặt.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

Bạn thích kiểu bơi sải hay kiểu bơi ếch

(Bài của một Huấn luyện viên. Nguồn fb học bơi vui với tựa đề :Tác dụng của từng kiểu bơi”)
(NST xin trích đăng một phần bài viết và đổi tựa đề để phù hợp với phần trích)

Rất nhiều người băn khoăn hỏi tôi (tác giả) học bơi bao nhiêu là đủ ? Học bơi có to vai không ? Những tình huống bất ngờ trên sông nước mà ta thường gặp ?
Vì bạn bơi để nâng cao sức khỏe thôi, nên bạn không có tham vọng phải học bơi hết các kiểu, do đó bạn học bơi thường chỉ học một kiểu bơi ếch xong là nghỉ không học nữa. Tôi xin giải thích các lợi ích của các kiểu bơi và các thắc mắc mà các học viên thường quan tâm để bạn hiểu và xác định mục tiêu học bơi của mình một cách đúng đắn : 

Nói về Bơi Ếch. 

Tốt cho tim mạch, nhịp thở đều và chậm, sâu. Do nhịp thở đều và chu kì động tác ngắn nên người bơi được thở liên tục và thoải mái, nên đa số thích bơi Ếch hơn và bằng lòng với kiểu bơi này mà không học các kiểu bơi khác (bơi sải và bơi ngửa) vì sợ sặc nước. 

- Bơi ếch tốt cho phụ nữ mang thai, do đó trong thai kì tháng thứ 4 trở đi, các bà bầu có thể vẫn học bơi được với lượng vận động vừa phải để mở rộng phần đáy chậu. Vùng chậu được tập luyện sẽ khiến bà bầu dễ sinh hơn và cơ chậu khỏe mạnh hơn.

- Nhưng : bơi ếch không tốt cho những người có bệnh về cột sống, thoát vị địa đệm, những người có vấn đề về khớp gối, nếu bơi ếch sẽ khiến tình trạng càng tồi tệ và đau đớn hơn.

- Đừng bơi ếch quá nhiều đối với người bơi phổ thông bình thường.

Nói về Bơi sải.  

Kiểu bơi đáng học nhất vì những tác dụng mà nó đem lại : Là kiểu bơi nền tảng trong 3 kiểu bơi sải, ngửa, bướm. Một khi bạn đã bơi sải giỏi, bạn sẽ học bơi ngửa và bơi bướm dễ dàng và nhanh chóng.

Ở các nước có nền bơi lội tiên tiến, kiểu bơi sải và bơi ngửa là kiểu bơi được học đầu tiên, môn cuối cùng mới là bơi ếch.

Do người Việt mình thiếu kiên nhẫn và muốn có kết quả ngay, nên đã đảo lộn trình tự tập bơi một cách không khoa học, dẫn đến những sai sót kĩ thuật bơi, cùng với các kĩ năng chỉ được dạy trong một giai đoạn rất ngắn, nên người học bơi sau thời gian nghỉ bơi khoảng vài tháng sẽ quên gần hết những gì được học. Trẻ con tuy đã học bơi được 4 kiểu, nhưng khi nghỉ xong quay lại chỉ còn dám bơi ếch chứ không bơi các kiểu khác. Ta gọi đó là giáo dục bề nổi chứ chưa phải là giáo dục kĩ năng.

Khi bạn đã có kĩ năng bơi tốt thì kiểu bơi sải là kiểu bơi ít tốn sức nhất và bơi được xa nhất (nếu bạn bơi theo nguyên lý của Cecil Colwin trong “Swimming into the 21th century” đã được phổ biến vào hồi “bước vào thế kỷ 21”).

Ngay cả vận động viên chuyên nghiệp có môn chính là bơi ếch thì cũng không thể luyện bơi bởi một giáo án mà bơi ếch nhiều hơn bơi sải được.

Bơi sải là kiểu bơi chính khi bạn rơi xuống sông, biển, hồ. Nhớ nha, đứng nước quan sát và bơi sải vào bờ, bạn có thể bơi ngửa nếu quá mệt, nhưng nói chung bơi sải sẽ làm cho bạn “nhập” vào con sóng của sông, biển và bạn sẽ bơi ít mệt hơn. Trong trường hợp ra biển, sông mà bơi ếch thì mỗi lần bạn nhấc người lên thở, sóng sẽ đánh thẳng vào người và mặt bạn. Do bơi ếch là kiểu chính diện trực tiếp với sóng khi sẽ làm bạn không di chuyển được nhanh và xa, mà còn làm bạn uống nước te tua nữa đó.

- Dĩ nhiên bơi sải tốt cho người bệnh cột sống, thoát vị đĩa đệm, các bệnh khớp và có tác dụng giảm cân tốt. Nếu bạn là người bơi sải giỏi thì bạn đã có một hệ thống hô hấp “xịn” rồi đó.