Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

SOS – tín hiệu không có ý nghĩa về mặt “văn phạm”

Nhiều người cho rằng “SOS” có nghĩa là Save Our Souls (hãy cứu rỗi linh hồn chúng tôi), hoặc Save our Ship, hoặc Send out Succour, Save Our Shelby, Shoot Our Ship, Sinking Our Ship, Survivors On Shore, hoặc … Vậy SOS có nghĩa là gì ?

“Mã Morse”: Telegraphers (điện báo) vô tuyến đã được G.Marconi thực hiện trong những năm cuối thế kỷ 19. Điện báo vô tuyến áp dụng mã Morse để chuyển tin, một kiểu viết thư bằng cách “gõ” các nhóm dấu chấm (“.”) và dấu gạch ngang (“-”), trong đó chữ “A” (chữ cái đầu tiên) kí hiệu là một dấu chấm và một dấu gạch ngang (“.” “-”). Tín hiệu “.” đọc là “dih” và “-” đọc là “dah” (Việt nam gọi “.” là “ti” và “-” là “tà”).

“Phát CQ”: Là dạng thông báo một chiều phát lên không trung với mong muốn mọi đài điện báo vô tuyến và truyền thanh trên thế giới thu được, tức từng trạm thu đều nhận được một tin nhắn như nhau. Từ năm 1904, nhiều tàu viễn dương của Anh đã được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến. Công ty Marconi đề nghị sử dụng nhóm chữ “CQD” làm tín hiệu gặp nạn, trong đó chữ “D” bắt nguồn từ nghĩa “đau khổ”, với hàm ý “kêu gọi sự cứu hộ từ mọi nơi”.

Ngày 01/04/1905, tín hiệu SOS lần đầu tiên được giới thiệu ở Đức, như một phần của “hệ thống các quy chuẩn phát thanh quốc gia”. Năm 1906, Hội nghị Radiotelegraphic lần thứ hai ở Berlin đã nhất trí sử dụng tín hiệu “SOS” (mã Morse: “.” “.” “.” “-”“-” “-” “.” “.” “.”) với quan niệm rằng ba chấm (“S”), ba gạch ngang (“O”) và ba chấm (“S”) viết liền sẽ không thể bị hiểu sai. Tín hiệu “SOS” được thông qua bởi nó dễ nhận biết và không thể gây nhầm lẫn ý nghĩa, đồng thời đơn giản hóa cho người “gõ Morse”.
Kể từ đây, “SOS” không còn là cụm từ có ý nghĩa về “văn phạm” mà chỉ là một từ kĩ thuật. Mọi giải thích kiểu như “Save Our Souls” đều trở nên không hợp lệ.

Mặc dù tín hiệu “SOS” được quy định áp dụng vào năm 1908, nhưng việc sử dụng “CQD” vẫn còn nán lại vài năm nữa, đặc biệt là ở nước Anh. Theo lưu trữ của Carpathia SS, tàu Titanic đã phát tín hiệu “CQD” để xin cứu hộ. Sau đó, khi được một hành khách đề nghị, tàu Titanic mới phát thêm tín hiệu “SOS”. Tới lúc đó các đội cứu hộ không phải của nước Anh mới hiểu rằng Titanic đã gặp nạn. Nhưng tới năm 1935 nước Anh mới thay “CQD” bằng “SOS”.

Nước Mỹ sử dụng tín hiệu “SOS” lần đầu tiên vào tháng 8/1909 khi tàu SS Iroquois của họ gặp nạn ở gần Diamond Shoals, nơi được mệnh danh là Nghĩa địa tàu trên Đại Tây Dương. Nhưng tới năm 1912 Mỹ mới chính thức áp dụng tín hiệu này.

Việt nam hồi xưa đánh trống ngũ liên (5 tiếng tùng, tức “.” “.” “.” “.” “.”) và trong hai cuộc kháng chiến gần đây thì gõ kẻng ba tiếng một (keeeng - keng keng, tức “-” “.” “.”) - một tín hiệu báo động đơn giản, không gây nhầm lẫn và rất thúc dục.
Hình: mã sê-ma-pho được sử dụng phổ biến trên các tàu biển hồi TK20.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Thử nghiệm GoPro dưới nước với ống kính phẳng.

Ở bài trước " GoPro Hero HD Underwater Test - Kiểm nghiệm GoPrp Hero dưới nước" cho thấy kết quả quay phim dưới nước của "Người Hùng" (hero) GoPro thật hạn chế. Lý do chính ở chỗ ống kính hình cầu của vỏ hộp GoPro nguyên thủy đã làm sai hướng đi của ánh sáng (khuyếch tán) từ thị vật đến sensor, gây nhòe hình. Đã có nhiều giải pháp được đề xuất để khắc phục nhược điểm này, giúp các bạn lặn có được một máy quay nhỏ gọn, linh động dưới nước. Các giải pháp này chủ yếu là của các hãng thứ 3 đưa ra, thay đổi chính là thay thế ống kính gốc của GoPro bằng ống kính phẳng, đồng thời thêm bộ gá để người dùng có thể gắn thêm các kính lọc tiêu chuẩn - tăng hiệu quả về màu sắc cho hình ảnh. Tui cũng đặt hàng một vỏ máy GoPro cải tiến của Backscatter, một hãng chuyên về thiết bị nhiếp ảnh và quay phim dưới nước. Giá của vỏ máy này cũng không rẻ, tuy nhiên nếu so với vỏ máy chống nước cho máy quay phim loại Camcorder thì lại quá rẻ.
  Nơi thử nghiệm vẫn là tại hồ bơi CLB hàng không TSN. Thời gian bắt đầu lúc sáng sớm (6h:15). Chế độ R (HD 720, 60 frames/s) Mời các bạn xem clip:




Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Nguyên lý bơi lội của thế kỷ 21 – Kỹ năng thay thế cơ bắp

(Nguyên lý bơi theo cách hiểu của anh thợ cơ khí)

Trong TK20, các huấn luyện viên (HLV) đều tin rằng, bơi là đẩy nước về phía sau để tạo phản lực đẩy cơ thể tiến về phía trước (kiểu như chạy bộ vậy). Nhưng nước có độ đậm đặc gấp hơn 800 lần không khí, tức vận động viên (VĐV) bơi lội giống như VĐV chạy bộ chạy ngược cơn bão cấp 8. Để tăng tốc độ, VĐV chỉ có cách tăng công suất cơ bắp. Bơi lội trở thành môn tranh đua về thể lực, và bơi ếch trở nên “độc tôn” ở cự li bơi maratông (25km và hơn).

Bước vào TK21, HLV Cecil Colwin, tác giả của “Swimming into the 21th century”, cho rằng “bơi lội là môn thể thao kỹ năng chứ không phải là môn thể thao thể lực”:

1. Lực cản thứ nhất tác động lên VĐV: Nước đặc quá.

VĐV chạy bộ đạp chân vào đất cứng để lao về phía trước, anh ta chỉ mất có 1% năng lượng để thắng lực ma sát. VĐV nhảy cao, 90 trong số 100 calo có tác dụng trực tiếp nâng họ lên khỏi mặt đất. Còn VĐV bơi lội bỏ ra 100 calo thì chỉ có 10 calo có tác dụng trực tiếp đưa VĐV tiến về trước, 90 calo còn lại bị nước tước đoạt. Đó là VĐV đẳng cấp quốc tế, còn người mới có thể chỉ còn 2% có hiệu quả, nghĩa là 98 trong mỗi 100 calo đã bị nước tước đoạt.
Do vậy, nếu VĐV tăng công suất cơ bắp thêm 10 calo thì chỉ có thêm 1 calo có tác dụng đưa họ tiến lên.
Nếu bạn áp dụng kĩ xảo sao cho lực cản của nước giảm được 1 calo (quy đổi) thì bạn sẽ không bị mất thêm 10 calo nhưng lại cùng tốc độ với kẻ phải bỏ ra thêm 10 calo. Colwin gọi đó là “kĩ năng bơi không dùng (nhiều) sức”, như làm thuôn dòng cơ thể, tạo dòng xoáy nước, thư giãn ở tốc độ cao, ...

2. Nước lỏng quá, VĐV không thể tựa vào nó được.

Bạn chạy bộ trên đầm lầy và sẽ thấy các cú đạp chân vào sình không giúp bạn lao về phía trước như VĐV chạy bộ đạp vào đất cứng, đạp càng mạnh càng … lỗ. VĐV bơi lội quạt, đạp vào nước cũng có kết quả kém khả quan ít ra là như vậy. Colwin khuyên VĐV dùng kỹ xảo tạo dòng xoáy nước quanh cơ thể, thay vì cố sức quạt, đạp về phía sau.
Hình: Kỹ xảo quạt tay bơi sải của TK20 làm ta liên tưởng tới chiếc tàu thủy máy hơi nước với guồng quạt nước, còn kỹ xảo TK21 giúp ta hình dung ra chiếc “chân vịt” (của tàu thủy đời sau) tạo ra dòng xoáy tròn.

3. Càng tăng tần số động tác thì càng … lỗ.

TK20, để bơi nhanh hơn, VĐV tăng tần số quạt nước (quạt nhiều lần hơn). Nhưng sự tiêu hao năng lượng trong nước tăng theo lập phương tần số động tác, tức nếu tăng tần số quạt nước lên gấp đôi thì năng lượng tiêu hao sẽ tăng lên gấp tám. VĐV sẽ nhanh chóng bị vắt kiệt sức. Colwin khuyên VĐV duỗi dài cánh tay về phía trước, hết cỡ, để sau đó có đoạn kéo nước dài nhất cho mỗi động tác.

4. Lực cản tại mặt phân cách giữa không khí và nước – Lực cản thứ ba.

Đó là “lực cản của sóng”. Chuyển động dọc theo bề mặt nước chắc chắn tạo thành sóng. VĐV bơi đánh một khối nước phía trước họ văng lên ngược với lực tiến. Nó không chỉ cướp đoạt năng lượng của bạn mà khi bạn bơi càng nhanh thì tác động của nó càng lớn. Vấn đề là ở chỗ, lực cản của sóng tăng theo lập phương của sự gia tăng tốc độ bơi. Nó “là kẻ sát nhân của VĐV bơi”.
Và sự việc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu VĐV bơi giật cục, chuyển động không đều, hoặc bơi nhấp nhổm, hoặc bơi lắc qua lắc lại sang hai bên. “Tới một giới hạn nào đó, việc nâng cao tốc độ bằng cách chèo mạnh hơn sẽ chỉ tạo ra sóng cao hơn chứ (hầu như) không tạo ra tốc độ cao hơn”. Colwin khuyên VĐV dùng kĩ xảo lướt đi êm dịu để giảm thiểu sự tạo sóng.
Tàu bè "né" mặt phân cách này bằng cách nhấc lên khỏi mặt nước (tàu cánh ngầm), còn VĐV bơi sải của TK21 thì “chui” xuống dưới mặt nước "bằng các mẹo như đầu và ngực chìm trong nước ..."

5. Thả lỏng (thư giãn, Relaxation) trong khi bơi.

TK20, để bơi nhanh hơn, VĐV phải căng các cơ bắp nên nhanh chóng bị kiệt sức. Colwin khuyên hãy để cơ thể bạn có nhóm cơ vận động và nhóm cơ nghỉ ngơi theo chu kì. Luân phiên thả lỏng từng bộ phận cơ thể không chỉ để tiết kiệm năng lượng mà còn để ngăn chặn mệt mỏi. VĐV J.Weissmuller nói “bí quyết lớn nhất của bơi sải là sự thả lỏng (ngay cả khi bơi) ở tốc độ cao”.

6. Cần hình thành “cảm giác nước”:

Con người có xu hướng lảo đảo khi chuyển động rất chậm và họ phải liên tục chuyển trọng tâm để lấy lại thăng bằng. Khi VĐV bơi di chuyển nhịp nhàng ở tốc độ rất chậm thì họ sẽ di chuyển nhịp nhàng ở tốc độ cao. Bơi siêu chậm buộc VĐV phải tập trung vào động tác duỗi thẳng tay về phía trước, hết cỡ, để đạt được biên độ tối đa trong mỗi động tác và cải thiện khả năng thả lỏng của VĐV ở tốc độ cao. Hãy dành thời gian cho việc này.
Việc này còn giúp VĐV mài dũa trực giác quan trọng là “cảm giác nước” để đoán trước, điều khiển và lái dòng chảy. Cảm giác nước giúp VĐV biết khi nào họ tì nước chính xác và kéo cơ thể về phía trước với lực cản tối thiểu. Nó là “năng lượng tiềm ẩn của VĐV bơi”.


7. Ổn định nhịp điệu (rhythm) bơi.
Khi bơi, nhịp điệu ổn định sẽ loại trừ sự giật cục trong mỗi chu kì. Lúc tay VĐV kéo nước, tốc độ cơ thể di chuyển tăng, nhưng lúc tay rút khỏi mặt nước, tốc độ di chuyển lại giảm, điều này đưa đến sự chuyển động không đều. Sự không đều càng lớn thì sự lãng phí năng lượng càng nhiều. HLV Tourestki đề nghị VĐV lướt đi êm dịu với “chuyển động: Chính xác – Ổn định – Đều – Đẹp” (như hoạt động của động cơ vậy).

8. Lực cản thứ hai.

Khi chuyển động trong nước, sự tiếp xúc giữa nước và da của VĐV sinh ra lực ma sát. Người ta khắc chế lực này bằng bộ đồ bơi công nghệ cao mô phỏng da cá heo (FINA cấm sử dụng trong thi đấu).

- Rút cục: Nếu bạn có khả năng bơi 400 mét trong 10 phút nhưng muốn cải thiện thành tích còn 9 phút, thì chỉ có 10 – 5 giây được rút ngắn do nỗ lực của cơ bắp, 50 – 55 giây còn lại có được từ việc bạn chuyển động trong nước như thế nào cho hiệu quả.

- Tính “kinh tế”: VĐV S.Kolmogorov nói “kỹ xảo bơi êm dịu giúp bạn tiết kiệm được 30% năng lượng so với những VĐV khác bơi cùng tốc độ”.
- Lời góp: Trong 4 kiểu bơi, bơi sải (trườn sấp, krun (crawl), freestyle) là kiểu bơi tiết kiệm sức nhất và nhanh nhất – nếu áp dụng nguyên lý TK21.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Lặn bắt tôm hùm ở Phan Thiết.

Dịp tết, tui cùng gia đình đi nghỉ ở Phan Thiết. Đúng nghĩa đi nghỉ sau một năm lao động, chúng tôi tránh nơi đông đúc ồn ào và tập trung nhiều resorts, nhà nghỉ như Mũi Né - bắc Phan Thiết. Nơi chúng tôi ở là một nơi được gọi là "Làng Sinh thái và Spa" cách Phan Thiết 25 km về phía Nam. Quả là Sinh Thái vì nhà ở là nhà tranh cất trên lưng đồi, hướng ra biển. Bờ biển ở đây chủ yếu là các giải đá nhô ra biển thành các bãi lớn có rất nhiều các hang hốc nhỏ cho tôm hùm sinh sản.
   Ngay buổi đầu tiên xuống bãi biển của khu nghỉ dưỡng, chúng tôi đã gặp những người săn tôm hùm. Thực ra là lặn bắt tôm giống cho các trại nuôi tôm hùm ở đây. Theo những chàng thanh niên săn tôm nói thì từ tháng riêng đến tháng 4 là mùa tôm hùm vào đây đẻ và sau khi tôm con lớn cỡ 2 cm thì chúng bỏ đi. Các bạn trẻ dân chài lặn xuống các hốc đá và bắt tôm hùm con về bán cho các trại nuôi tôm. Một con giống có giá tới 140 - 150 ngàn đồng /con.
    Nhìn từ xa, tui thấy hai thanh niên bận wetsuit đang bận rộn với đám dây nhợ (thực ra là ống nhựa cỡ 15 mm) đã tưởng lầm là có bạn lặn free dive ở đây :)) Đến nơi mới nhận ra là những ngư dân  lặn bắt gì đó. Một máy nén khí chạy sành xạch với một đầu chia khí có thế nối vào tối đa 4 cuộn ống nhựa cung cấp không khí cho 4 người lặn. Không thể đơn giản hơn, thậm chí bình khí nén trung gian cũng không có. Trang bị thợ lặn cũng hoàn toàn là tự chế : Kính lặn, đèn pin, đai chì (rất nặng...cỡ 10Kg). Trang phục thì trừ cái mũ lặn có vẻ là hàng hiệu còn "wetsuit" là đồ thung thể thao thông thường.Khi xuống nước, các bạn lặn này mang đai chì, cài bằng một cây đũa, đeo một chai plastic nhựa có nước biển ở trong để đựng tôm con bắt được. Ống thở được cột với người và bạn lặn ngậm ống mà thở trực tiếp từ ống đó, khỏi cần regulatop với 2 tầng điều chỉnh rắc rối! Họ cũng không mang chân nhái mà mang giày để đi ở khu vực toàn đá và hàu sắc. Độ sâu chỉ tối đa 2 met, men theo các triền đá ven bờ nhưng sóng rất lớn lại lạnh nữa. Tui rất muốn lặn xuống quay cảnh bắt tôm này nhưng ở đây mà không có đai chì đủ nặng thì thua, vì lặn xuống là đi chứ không bơi.Tui đã từng mang kính và ống snorkel, chân nhái xuống từ bãi biển cát, sóng đánh xuýt mất ống snorkel, bơi ra ngoài một chút là bị dòng chảy kéo về phía dải đá rất mạnh, thế là phải lựa bơi vào bờ. Mời các bạn coi clip tui quay bằng điện thoại do khi đó làm biếng quá, không muốn leo đồi để lên nhà lấy máy ảnh.
   Kiếm sống bằng nghề lặn bắt hải sản thật gian truân.

    


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Minh họa cho bài "Thợ lặn vo săn cá giải trí..." của anh HCQ


Video này do nhóm thanh niên Hawaii tự quay bằng camera GoPro. Theo như họ nói, video này được tập hợp từ nhiều lần đi săn cá khác nhau và họ cũng không thường xuyên bắt cá. Có ý thức bảo vệ sự cân bằng sinh thái và không bao giờ bắt cá quá mức (overfishing). Những lần đi bắt cá như thế này chỉ là để dùng cho ngày Mahalo's.




Tui cũng mê free dive, nhưng chỉ săn cá bằng camera thui.

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Cafe Scuba

Buổi Cafe off-line đã được tổ chức chiều nay tại "Thư giãn thời @" 21/3 Lý Chính Thắng. Thành phần đông đủ với Coral đến sớm nhất - tiếp theo là HCQ và tui. Ngay sau đó là 2 bạn trẻ từ trường KHTN là Computerboy cùng anh bạn lặn mới lấy bằng SSI và chưa có kinh nghiệm fun dive :) - Cũng chính vì vậy mà vấn đề đầu tiên được quan tâm là tổ chức lặn refreshing tại Thảo Điền. Việc đơn giản này nay cũng hơi rắc rối vì anh bạn Clive quản lý cửa hàng RB Sài gòn nay đang về Anh, khó có thể kiếm được giá ưu đãi :((. Mọi người cũng sôi nổi thảo luận xem chuyến đi lặn tới đây sẽ ở đâu: Côn Đảo, Nha Trang ...hay Whale Island? Khoảng 18h thì có thêm một buddy tới. Đó là Hardbone - thành viên blog từ thời gian đầu, nếu các bạn đã xem loạt bài "Kỹ thuật thực hành" thì cô bạn này chính là các hình và clip minh họa phần thực hành. Hardbone đã về VN và có cơ hội cùng đi lặn với nhóm bạn Blog Scuba. Hardbone hứa hẹn sẽ có một bài về thiên đường lặn biển là Biển Đỏ - Ai cập. Mọi người nhất trí là phải tăng cường chất lượng nội dung của blog lặn biển và cố tìm cách quảng bá rộng rãi hơn trong cộng đồng - nhất là giới trẻ sao cho nhóm bạn lặn ngày càng đông, vui hơn. Trong tháng 4 cũng sẽ có đại biểu đi dự ADEX 2012 - triển lãm quốc tế về lặn biển châu Á tổ chức hàng năm tại Singapore để cập nhật tình hình về lặn biển và trang thiết bị lặn.
Blog Scuba's Buddies - tăng 2 bạn lặn so với lần offline đầu tiên 2011

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thợ lặn vo bắn cá giải trí (spearfisherman). P2: Thỏa mãn nỗi đam mê

... Dân lặn biển nể nhau về kinh nghiệm, sự lỳ lợm, gan góc và sức chịu đựng. Khác với lặn với bình khí, lặn vo từ 2 đến 2,5 phút đã là giỏi. Trong khoảng thời gian ít ỏi ấy, người lặn phải xử lý gọn ghẽ các thao tác đã định trước như: lặn xuống, bắn cá, gỡ cá, thu dây... Khi xuống quá 10 mét nước, cơ thể con người cảm nhận rất rõ sự thay đổi áp suất. Quyết định bắn con cá là cả một sự tính toán kỹ lưỡng. Với những con cá lớn, khi trúng tên thường vùng chạy quyết liệt và chúng lôi theo cả người bắn là chuyện bình thường. Dưới đáy biển đâu có bằng phẳng mà muôn hình vạn trạng những hang hốc. Khi con cá kéo người ta vào đó, người thiếu kinh nghiệm dễ gì tìm được lối ra trong vòng một phút ít ỏi. Chỉ cần sơ ý để ống thở chạm nhẹ vào chướng ngại vật thì kính lặn bật ra và nước tràn vào trong, kể như nguy hiểm cận kề. Những lúc như thế, thợ lặn phải bình tĩnh, buông súng hoặc cắt dây, định hướng để luồn ra và trồi lên trước khi ngạt nước.

Hùng (trong nhóm lặn) kể lại lần gặp nguy hiểm: anh bắn trúng con cá nhái to lắm. Con cá oái oăm không tìm vào hang mà lao lên chạy quay cuồng phía trên. Khi anh nhô lên thì đúng lúc dây của mũi tên quấn tròn vào người anh. Vô tình, con cá quay cuồng kia đã trói người anh lại. Chiếc kính lặn văng ra. Thoáng trong đầu nghĩ chuyến này hỏng hẳn. Chợt nhớ tới con dao bên đùi, anh gắng sức quay ngược lưỡi dao và... phựt! Cả người anh nhẹ băng, chân tay như bứt phá và anh chuồi nhanh lên mặt nước; cả con cá và cây súng cũng mất dạng trong thăm thẳm của biển xanh. Hú vía!

Sau mỗi lần lặn, cứ khoảng nửa giờ một lần, trên đai đeo nơi lưng người thợ lặn là một xâu cá gồm những hồng, mú, mó, chình ... tươi nguyên, ai cũng phấn chấn. Một gương mặt rạng ngời trước chiến tích pha sự thỏa mãn trước thiên nhiên đã hấp dẫn và làm nức lòng biết bao thanh niên ưa mạo hiểm. Có lẽ, lặn biển là một môn mà người ta dễ xích lại gần nhau nhất. Tôi gặp cô Sumi người Nhật cùng hai thanh niên Hàn Quốc trong nhóm lặn của Lộc. Họ chơi với nhau rất thân. Sumi kể rằng, bên Nhật cô cũng có một câu lạc bộ lặn vo. Thế nhưng cô thích mỗi năm sang Việt Nam lặn hơn bởi vì lặn vo bên này "tự do" hơn.

Lộc nheo mắt “Làm đàn ông, hình như ai cũng tốn kém chút đỉnh về những khoản chi cho sự đam mê. Người thì bỏ tiền chơi xe, câu kéo, bay mô hình, chơi diều, nhậu nhẹt ... Còn chúng tôi thì rủ nhau đi lặn. Tốn kém ư? Không bao nhiêu nhưng cái được thì nhiều lắm. Vâng! Chỉ nguyên cái chuyện ém hơi, dai sức, tăng đề kháng với bệnh tật cũng khó có môn nào hiệu quả hơn môn này”. (hết)
H: Người phụ nữ này là một trong những kẻ lần đầu tiên lặn biển scuba ở tuổi 60 (không lên quan bài viết, trừ mấy hàng chữ cuối cùng).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Photo: Port Hardy

Lỗ xanh (Blue hole) – Năm Thìn nói chuyện “hang rồng”

Lỗ xanh là hang động ngầm dưới đáy đại dương, có vách dốc đứng như cái giếng. Chúng là hang cac-xtơ bị sụp nóc, xuất hiện vào cuối Kỷ Băng hà (cách đây khoảng 15.000 năm):

Nhiều triệu năm trước, các hang cac-xtơ đã hình thành trên đất liền. Những vỉa đá vôi dưới tác động (ăn mòn, lắng đọng) của không khí và nước ngọt, đã tạo nên hệ thống hang động ngang dọc và vô vàn nhũ đá. Sau một thời gian nữa, hang động này rộng thêm làm mái vòm trở nên nặng nề (và cộng với động đất) làm một số đã bị sụp nóc, tạo ra "giếng (thông lên) trời".

Tới cuối Kỷ Băng hà, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao thêm khoảng 100-120 mét (như ngày nay) làm chúng bị nằm lại dưới đáy đại dương. Các dấu vết do nước biển khắc trên vách hang dưới độ sâu 45-50 mét và 5-6 mét là những chứng cứ cho thấy các thời kì nước biển dâng lên.

“Lỗ xanh” có nghĩa là lỗ sụp màu xanh. “Lỗ” vì sự thay đổi độ sâu đột ngột của đáy biển nơi đó, “xanh” vì màu sắc giữa nó với vùng biển xung quanh có độ tương phản rõ rệt, bên trong xanh đậm còn xung quanh xanh lạt. Từ mặt nước nhìn xuống, chúng giống như chiếc giếng khổng lồ ghê rợn dưới đáy biển. Chúng thật sự nguy hiểm.

Do nước biển trong nhiều lỗ xanh bị hạn chế lưu thông, nên chúng bị thiếu oxy trầm trọng, thậm chí có hydrogen sulfide trong nước, và cũng do rất thiếu ánh sáng, nên sinh vật biển ít định cư ở nơi đây, nhưng lại hình thành một quần thể sinh vật biển kì lạ. “Dưới đó giống như một hành tinh khác vậy. Điều này còn vượt qua cả sự tưởng tượng của tôi” – Wes Skiles (nhà nhiếp ảnh tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh hang động dưới nước) kể lại.

Nhiều lỗ xanh đã được phát hiện nằm rải rác từ quần đảo Bahama và Belize cho đến Biển Đỏ. Đa số lỗ xanh có đường kính khá rộng, đặc biệt hang Great Blue Hole có đường kính tới 305 mét. Lỗ xanh sâu nhất là hang Dean, 202 mét, nằm ở vịnh phía tây Clarence Town của Long Island, Bahamas. Các lỗ xanh khác có chiều sâu chừng phân nửa so với Dean. Các lỗ xanh ăn thông với những hang nằm ngang, với các “sảnh đường” hùng vĩ, trong đó có hang Cascade Room sâu 24 mét với hơn 10 km chiều dài hang đã được khám phá.

Thợ lặn lỗ xanh cần có kinh nghiệm lặn hang động, phải có các thiết bị phù hợp và qua huấn luyện chuyên ngành. Những mảnh xương rùa biển tìm thấy trong lỗ xanh cho thấy rùa đã chui vào hang nhưng không bao giờ tìm thấy lối ra. Điều này cũng sẽ nguy hiểm đối với thợ lặn: Tuy có thể chỉ đang ở độ sâu 30 mét, nhưng anh ta phải tìm thấy lối ra trong một hàng lang dài 70 mét có nhiều ngóc ngách – trước khi anh ta có thể nổi lên. Nếu anh ta, bạn lặn hoặc một con rùa biển đã khuấy động phù sa, thì rất có thể anh ta sẽ không bao giờ tìm ra lối về. Cũng tương tự nếu anh ta không dự phòng đầy đủ khí thở.
Hình: Lỗ xanh ở Belize nhìn từ trên không.

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Cafe offline đầu năm.

Chào các bạn lặn của blog lặn biển - scuba! 
    Xin chúc các bạn một năm mới an khang và hạnh phúc! Nhân dịp đầu năm mới mời các bạn chúng ta gặp nhau tại quán Cafe "Thời @" . Trước tiên là để thăm hỏi tình hình ăn tết và sau là bàn chương trình "Đi lặn cùng nhau" năm nay. Tin vui là có một bạn từ tận thủ đô cũng muốn tham gia nhóm bạn lặn này, tất nhiên chỉ có thể tham gia online qua Blog. Tui cũng xin mạnh dạn đề xuất thời điểm gặp nhau là chiều thứ sáu ngày 10/2 - nếu OK, xin mọi người phản hồi sớm.

Chú Black Lionfish chộp được ở Hòn Mun, Nha Trang 12/2011

Thợ lặn vo bắn cá giải trí (spearfisherman). P1: Họ là những ai ?

(bài trên Việt Báo – trích)

Xe ôm thả tôi (phóng viên) xuống một bến nhỏ bên con sông Cái (Nha Trang) thơ mộng xanh mướt bóng dừa. Chỉ trong vòng 30 phút, dân lặn vo đã tập trung đầy đủ. Khá phong phú: hai cô gái Nhật có làn da trắng phau, quần lửng đời mới, áo thun cá sấu căng hum, trên ngực phập phờ dây chuyền mặt Phật. Hai ông bạn tháp tùng, đeo mắt kính dày dặn gói trong khuôn gọng vàng thanh thoát, phong thái ung dung gọn gàng với túi lặn và dàn camera quay dưới nước. Bốn anh dáng phong trần, bộ đồ lặn rằn ri, mũ bê rê, đồng hồ to như quả lựu, vai cồng kềnh túi lặn, tay lăm lăm súng bắn cá khoan thai từng bước ra bến ca-nô. Chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc ca-nô cao tốc. “Thắt chặt áo phao nghe các vị!”. Vừa dứt lời, chiếc ca-nô ngỏng lên, đuôi hơi thấp xuống, gió tạt mạnh và hai bên sườn tung sóng e... e... e!

Trong lòng biển xanh đầy lý thú và ngoạn mục nhưng cũng đầy bất trắc, đòi hỏi người lặn biển phải chuẩn bị kỹ càng, có kinh nghiệm và quyết đoán. Bộ quần áo lặn là không thể thiếu vì nó không chỉ giữ nhiệt cho cơ thể mà còn tránh được những trầy xước do vách đá, san hô, tránh những nguy hiểm từ bọn cầu gai, cá độc... Chân nhái là sự cơ động dưới nước, bằng 60% khả năng của con người. Đeo chân nhái vào, người lặn có thể rảnh rang hai tay để xử lý súng bắn, dao và thao tác hàng loạt các kỹ năng khác. Ngay cả cái đai lưng có gắn chì cũng vô cùng quan trọng bởi nó là nơi móc theo những đèn pha, máy ảnh, dao tay, móc cá... Một khẩu súng ưu việt, bắn ở tầm xa luôn là niềm mơ ước của thợ lặn vo. Với người thợ lặn, khi lặn xuống đáy biển không gì yên tâm bằng có đồng đội bên mình và cây súng cầm nơi tay. Dù có chạm trán với một con cá mập đi chăng nữa thì với một chiều dài cỡ 1,8 mét cả chân nhái, thêm chiều dài cây súng nơi tay, người thợ lặn đã “ngang nhiên” trở thành một ... loài cá lạ dài hơn 2 mét, như thế thì cá mập cũng chỉ lượn lờ thủ thế chứ không dám chủ động tấn công.

Người lặn được chứng kiến những màn trình diễn vô cùng ngoạn mục và xuất sắc của thiên nhiên. Dưới cái thủy cung bao la và phong phú kia hằng ngày đang xảy ra những chuyện mà kể ra chưa chắc đã có ai tin. Lộc kể: anh say mê hàng giờ chỉ để chứng kiến một màn dựng vở bắt mồi rất điêu luyện của một con bạch tuộc. Khi phát hiện ra sự di chuyển của một chú cua, gã bạch tuộc mắt sáng lên và toàn bộ vỏ ngoài của nó chuyển màu y hệt màu của vách đá. Những cái tua của nó uốn lại, tạo thành một cái hốc. Con cua tội nghiệp kia vô tình tưởng rằng đó là một cái hang đá và bò vào. Rắc! Con bạch tuộc ép gọn chú cua và hiện nguyên hình là một gã lừa đảo tinh quái. Rồi, trong những lần lặn hy hữu, người thợ lặn còn được mát-xa bởi những mũi chích của hàng ngàn con cá cơm đột ngột xuất hiện.

Những lúc như thế, họ không thấy biển đâu cả mà chỉ thấy một màu xám xịt của cá và cá, giống hệt như trời chuyển cơn giông. Và có những khi người lặn phải đi nương theo dòng chuyển của nước biển để ngắm nhìn từng đàn cá nối đuôi nhau hành quân trong trật tự. Ngoạn mục hơn: tôm hùm thì bò ngang, ghẹ thì bò dọc còn những con cá chình thì cứ thập thò. Nói đến chình, dân lặn vo ngại nhất cá chình hoa bởi chúng biết biến đổi thành vân hoa màu đất và không sợ người; cánh thợ lặn sơ ý khi lặn lại gần, chúng tấn công và vết cắn dễ bị nhiễm trùng. (còn nữa)

Hình: Sam Bester và Cá Nhám voi ở Durban-Namphi (không liên quan bài viết)