Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Lặn sông Matscơva.

Chúng ta may mắn sống ở đất nước có hàng ngàn Km bờ biển. Phía Nam lại ấm áp quanh năm nên hầu như lúc nào cũng có thể đi lặn biển. Nước Nga hiện nay đang lạnh dưới không độ, sông hồ đóng băng, mà ngay cả khi không đóng băng thì nước sông cũng rất lạnh. Dân lặn chơi ở loại máu me ở Nga cũng tìm mọi cách để thỏa mãn niềm đam mê lặn scuba bằng cách lặn sông, hồ - thời tiết giá lạnh thì đã có dry suit. Mời các bạn coi hình ảnh lặn sông Moskow của đôi vợ chồng Sergey và Svetlana. Hè năm ngoái, HCQuang và tui từng lặn chung với cặp này ở Hòn Ông (Whale Island) trong vịnh Vân Phong. Dịp tết dương lịch vừa qua, Svetlana gửi tặng tui một cuốn lịch tường 2011do cô làm bằng các hình chụp cảnh dưới biển, nhiều hình được chụp ở Hòn Ông. Kèm trong thư là hình cảnh đi lặn ở sông.

H2 Quang rất thích cặp chân nhái QS này.
Sergey trong bộ đố drysuit vả bộ trang bị lặn chuyên nghiệp dành cho Tech Diver
Svetlana: Hm, where's my Regulator??

Sergey, Sveta và tui khi ở Hòn Ông, Vân Phong.

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Phụ lục cho bài "Kiểm soát độ nổi (Buoyancy Control) – Kỹ thuật căn bản".

Hướng dẫn căn bản chọn trọng lực. (Lượng tạ chì cần thiết)

Trong khâu chuẩn bị cho lần lặn, việc đầu tiên là cần xác định trọng lực cần bổ sung để có được cân bằng trung tính trong nước. Việc lựa chọn lượng tạ chì (weight ) cần thiết này sẽ phụ thuộc 2 yếu tố: Thứ nhất, người lặn mặc gì khi lặn và trọng lượng cơ thể của người này là bao nhiêu. Ngoài ra cũng phải xét tới môi trường nước, nếu lặn ở biển, ta cộng thêm giá trị ở bảng 2 và ngược lại, ta cần trừ đi giá trị ở bảng này nếu lặn ở sông, hồ.
Hướng dẫn này giả định một người tầm vóc trung bình trong môi trường nước mặn. Đối với người nhẹ hơn, cần giảm bớt trọng lực (tạ chì) và ngược lại cần them chút trọng lực đối với người nặng hơn.

  Bàng 1: Chọn theo trang phục lặn.                                             
Loại áo lặn
Bắt đầu với
Đồ bơi / đồ lặn mỏng (skin)
Bộ đồ wetsuit một mảnh 3mm,
Wetsuit 2 mảnh cộc hoặc dài, dày 5mm
Wetsuit 7 mmvới mũ và găng tay
Neoprene dry suit
Shell dry suit, light undergarment
Shell dry suit, heavy undergarment

0,5 - 2 kg
5 % trọng lượng cơ thể
10% trọng lượng cơ thể,
10% trọng lượng cơ thể, + 1.5 – 3kg
10% trọng lượng cơ thể, + 3 - 5 kg
10% trọng lượng cơ thể, + 1.5 -3kg
10% trọng lượng cơ thể


Bảng 2:Thay đổi trong nước mặn / ngọt
Trọng lượng cơ thể
+ (nước mặn) hoặc - (nước ng
45 - 56 kg
57-70 kg
71-85 kg
86-99 kg
                                        
2 kg/4 lb
2.3 kg/5 lb
3 kg/6 lb
3.2 kg/7 lb

            
Ví dụ: Một người mặc wetsuit một mảnh, dày 3 mm khi lặn biển (nước mặn) sẽ cần trọng lực là 5% x 60 = 3Kg2. Người này cân nặng 60K nên cần thêm 2,3kg chì nữa. Tổng cộng là 5,3 Kg .

Hình minh họa: Độ nổi trung tính đặc biệt cần thiết cho những công việc dưới nước như quay phim, chụp hình...

Theo PADI OWDC Manual

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Kiểm soát độ nổi (Buoyancy Control) – Kỹ thuật căn bản.

Trạng thái không trọng lượng.

Nghệ thuật lặn là đạt được trạng thái không trọng lượng hoàn hảo (Perfect weightlessness). Nghĩa là kiểm soát được độ nổi của bạn – lơ lửng, không nổi lên cũng không chím xuống và có thể tiến theo bất kỳ hướng nào mà bạn muốn với cố gắng tối thiểu. Đó chính là tất cả những gì lặn scuba có và được gọi là sự nổi trung tính (neutral buoyancy).
Để đạt được điều này, bạn cần phải được “cân” trọng lượng của mình chính xác. Chúng phài đúng với trang bị của bạn, bộ áo bạn mặc cũng như môi trường nước nơi bạn lặn.

(Hình: 2// Kika trong trạng thái không trọng lượng)

Cân bằng trọng lượng của bạn.

Trọng lượng lý tưởng mà bạn cần đạt được là khi ở trong nước với tư thế thẳng đứng thì bạn sẽ nổi với đôi mắt vừa ngay trên mặt nước trong khi bình khí của bạn đầy và phổi cũng đầy không khí.
Khi nổi theo cách này, bạn sẽ bắt đầu chìm xuống khi thở ra. Hít hơi vào từ regulator sẽ làm bạn nổi lên về vị trí cũ. Bạn sẽ không bao giờ bị chìm như hòn đá. Bài kiểm tra đơn giản này có tính đến lượng không khí mà bạn sẽ tiêu thụ khi lặn. Vào thời điểm kết thúc cuộc lặn, với bình khí rỗng, bạn sẽ nhận thấy khi hit đầy phổi, cằm và vai sẽ lộ rõ trên mặt nước.

Trọng lực - Càng ít càng tốt

Khi bạn duy trì được lượng trọng lực (tạ chì) tối thiểu để cân bẳng, bạn sẽ chỉ cần tối thiểu không khí trong áo phao BCD của bạn.
Một số bạn lặn tin rằng mang quá lượng trọng lực cần thiết cũng chẳng thành vấn đề vì bạn luôn luôn có thể thêm không khí vào áo BCD của mình để bù đắp lại. Điều này cũng có thể đúng, nhưng nó sẽ làm cho việc cố gắng để đạt được sự nổi thực sự trung tính trở nên khó khăn hơn nhiều.
Khi bạn lặn xuống sâu hơn rồi nổi lên trở lại, không khí trong áo phao BCD và trong wetsuit cũng sẽ bị nén lại, giãn nở ra lien tục, tùy thuộc vào độ sâu. Nếu có nhiều không khí trong BCD, bạn sẽ cứ phải thực hiện việc thêm bớt không khí mỗi khi có thay đổi độ sâu để có thể giữ độ nổi trung tính một cách tương đối.

Hướng lên.

Có thể thấy nhiều bạn lặn thiếu kinh nghiệm có tư thế bơi không nằm ngang mà là nửa thẳng đứng thân trước. Điều này có nghĩa anh ta mang hơi quá lượng trọng lực cần thiết, hoặc không có đủ không khí trong áo BCD.
Những người này bơi với tư thế người thẳng đứng vì phần lớn cố gắng đạp chân ếch của họ là để duy trì độ sâu hơn là để tiến theo phương nằm ngang.
Nếu độ nổi của bạn gần như là chuẩn thì khi bơi theo phương nằm ngang, nếu bạn muốn có tư thế thân trước thằng đứng, bạn chỉ cần ngóc đầu hướng lên trên là được.
Khi nổi lên, không khí trong BCD sẽ nở ra theo sự giảm của độ sâu và có thể bạn sẽ gặp phải rủi ro bị nổi lên không theo kế hoạch.
Qui tắc của kiểm soát tốt độ nổi là sử dụng tối thiểu trọng lực (tạ chì) kết hợp với tối thiểu lượng không khí bù trọng lực trong BCD.

Trong trạng thái trung tính.

Độ nổi trung tính có nghĩa là mọi nỗ lực đạp chân ếch sẽ chỉ tập trung cho việc đẩy bạn “đi” theo phương nằm ngang. Nếu đạt được điều này, lượng không khí mà bạn tiêu thụ sẽ được giảm đáng kể.
Một khi kiểm soát độ nổi của bạn trở nên hoàn hảo, nó cho phép bạn tận hưởng niềm vui lặn biển và trải nghiệm thế giới thủy cung quanh bạn. Nó cũng cho bạn tự do thực hiện những việc bạn quan tâm. Thí dụ như bạn có thể chụp ảnh cận cảnh dải san hô mà không gây rủi ro cho cấu trúc của chúng.

Đời kẻ lặn biển kiếm sống (P2)

Anh Hận, sinh năm 1960, người làng Bắc Thắng, bị “biển ép” tại Phan Thiết năm 1997. Vợ chồng anh đã dắt díu nhau đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vận may vẫn không mỉm cười trước đôi chân bị liệt của anh. Năm 2001, khi anh được Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu và khám bệnh chỉ rõ nguyên nhân của bệnh thì hy vọng phục hồi đôi chân cho anh hoàn toàn tắt ngấm.

Theo Giáo sư, do sức ép của nước biển quá lớn đã làm cho cơ chân của anh bị giãn ra, ép vào tủy và các mạch máu bị tắc không thể lưu thông đi nuôi các tế bào. Nếu như bệnh nhân bị teo cơ thì có thể châm cứu hồi phục một phần hoặc toàn phần, còn bệnh nhân bị giãn cơ hiện chưa tìm ra phương pháp điều trị, chỉ còn cách tập vật lý trị liệu. Nghe lời, anh chị mỗi ngày hai buổi dìu nhau dặt dẹo trên bãi cát trước nhà, và nay anh đã đi lại được với sự trợ giúp của đôi nạng gỗ.

Kinh nghiệm của anh hiện đang được anh Hương, cũng bị “biển ép”, áp dụng khá hiệu quả. Khi chúng tôi đến thăm, anh Hương đang tập tễnh tập đi bằng cách men theo một cây tre lớn chạy dọc nhà. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả với những người bị “biển ép” nhẹ.

UBND xã Kỳ Xuân cho biết: Xã có 8 thôn thì có 6 thôn làm nghề biển và 2 thôn thuần nông. Mặc dù số dân làm nghề ngư chiếm đa số, nhưng do vị trí của xã nằm trên bãi ngang không thể đầu tư đánh bắt xa bờ, chỉ khai thác ven bờ không hiệu quả. Nghề lặn biển vì vậy trở thành nghề chính của người dân làng biển. Mỗi năm ba lượt ứng với mùa sò đẻ, người dân Kỳ Xuân lại kéo nhau về phương Nam, lặn thuê cho các chủ tàu. Mỗi chuyến đi từ 1,5 đến 2 tháng, trung bình mỗi người thợ lặn mang về từ 7 đến 10 triệu đồng. Mỗi đợt có từ 800 đến 1.200 lượt người đi lặn thuê, nên số tiền mang về quả là không nhỏ đối với một xã nghèo như Kỳ Xuân.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, xã đã có gần 100 người bị “biển ép”, trong đó có hơn 40 người chết, số còn lại bị tàn phế suốt đời. Nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro là vì thợ lặn không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết. Hầu hết rủi ro xảy ra khi người thợ lặn gặp sự cố ở dưới đáy biển, hoặc là không kịp tháo túi chì để thoát thân, hoặc khi lên bờ quá đột ngột làm cho áp suất thay đổi quá nhanh nên cơ thể không kịp thích ứng. Khi rủi ro xảy ra, thợ lặn hoàn toàn chịu trách nhiệm, chủ tàu thương thì giúp, không thì thôi, vì giữa chủ tàu và người lao động không hề có một văn bản ràng buộc nào, ngoài thỏa thuận mức ăn chia lợi nhuận bằng miệng. (hết)
(Chủ đề: Tin tức và cuộc sống)

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Đời kẻ lặn biển kiếm sống (P1)

(trích lược trên báo)
Mỗi ngày ít nhất 6 giờ, Hồng và các bạn lặn làm việc dưới đáy biển, công việc chính là bắt sò huyết cho chủ tàu. Ngư trường khai thác sò huyết thường cách bờ từ 2 đến 3km và ở độ sâu từ 15 đến 20m. Trên mỗi tàu, 10 thợ lặn chỉ có một bình ôxy cỡ một bình khí ga 10kg, mỗi người được chủ tàu trang bị cho một “ống lặn” dài chừng 100m nối vào “mũi” để thở, ngoài ra không có một thiết bị bảo hiểm nào. Để thợ lặn không bị nổi, chủ tàu trang bị cho họ một bọc chì nặng khoảng chục cân.

Thợ lặn khi đã nhảy xuống nước là phó thác thân mình cho biển, cứ đến giờ nghỉ trưa, những người ở trên thuyền sẽ giật vòi ôxy báo hiệu cho họ lên thuyền, ăn vội bát cơm rồi nghỉ một chút, rồi tiếp tục quăng mình xuống biển sâu.

Làm việc ở độ sâu ấy, lại không có các thiết bị bảo hiểm cần thiết bảo vệ nên tính mạng của họ luôn bị đe dọa. Nguy hiểm nhất là lúc lên thuyền, do sự thay đổi áp suất quá đột ngột dễ gây “sốc” đối với cơ thể người thợ. Đó là chưa nói đến những sự cố về kỹ thuật vẫn thường xảy ra, điển hình là mỗi ngày người thợ thường bị mất khí thở 3-4 lần do “ống lặn” bị gập, nếu không kịp rút “chốt” thả bọc chì cho người nổi lên hoặc xử lý chậm thì người thợ lặn coi như cầm chắc cái chết.

Mặc dù đã có kinh nghiệm 5 năm làm nghề, nhưng ngày 17/7/1998 đã trở thành ngày định mệnh của cuộc đời Hồng. Hồng bị nạn khi lên tàu nghỉ trưa. Vì bất cẩn, mọi người đã kéo anh lên tàu quá nhanh làm cho áp suất trong người Hồng bị thay đổi đột ngột. Ngồi bệt trên sàn tàu hút chưa hết điếu thuốc, Hồng đã thấy choáng váng mặt mày, bụng dưới tê buốt và có cảm giác mót tiểu nhưng không đi được. Theo kinh nghiệm, mọi người vội cột chì vào người và dòng dây thả Hồng xuống biển, nhưng do chưa “trả” đúng độ sâu nên không có hiệu quả. Sau một tuần Hồng nằm mê man bất tỉnh ở Bệnh viện Vũng Tàu, mọi người đã đưa anh về nhà.
Hình minh họa.
(Chủ đề: Tin tức và cuộc sống)

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Chuyện đi biển của ba cha con

(Bài của "Đỗ Nghĩa và các con" gửi cho blog lanbien)

Sài Gòn ít ngày nay sáng nào cũng se se lạnh để cho ai áo đơn áo kép. Miền Nam hiếm khi có cái lạnh thích thú dài ngày như năm nay, nhưng nghe báo nhiệt độ hàng ngày ở ngoài Bắc, nhất là ở vùng núi, là thấy hãi hãi. Lạnh như thế, vậy mà có bạn ở Hà Nội mỗi ngày mỗi bì bõm đi bơi, quá phục bạn ấy cái yêu thích và sự rèn luyện. Còn mẹ con nhà bạn kia đang ham muốn đi Nha Trang lặn biển. Ý muốn này thực hiện dễ thôi, ngay Tết này nghỉ tới tám ngày lận, có máy bay “công ty nhà làm được”, vé nội bộ bám càng vô Nha Trang, vừa tránh rét, rồi đi lặn biển luôn, thú vị lắm.

Một lần kể chuyện bác Quang, bác Minh ở “hội cà phê Đôi Khi” của ba, lớn tuổi mà lặn biển và nhảy dù giỏi lắm, có cấp bậc hẳn hòi mà nhảy dù từ trên máy bay xuống chớ không phải bay dù kiểu tàu kéo như Nhí đâu, nhà quê lắm. Con bé ngạc nhiên, là các bác tóc bạc nhất đó sao? Nhí nhỏ để bụng chuyện đó và ra biển bao giờ cũng đòi bay dù và lặn biển. Mấy nhỏ ở nhà cùng có chung nhiều thú vui với ba mẹ và rất yêu thích bơi lặn. Con nhà tông giống ba, biếng học ham chơi và lỳ còn hơn ba. Có máu sông nước nên bơi lội cũng lỳ như rái.

Một lần đi bay dù ở ngoài vịnh, lí do kĩ thuật làm sao không biết, bé con đang lơ lửng trên trời bỗng rớt tòm xuống biển. Cả người cả dù một đùm bì bõm dưới biển. Mọi người trên bờ hết hồn, còn hắn lỳ đòn, một mình vừa bơi vừa chờ ca nô cứu hộ từ bờ chạy ra. Thu dù, kéo dù, lên tới ca nô rồi hắn cười, tỉnh queo, còn giơ chéo hai ngón tay chữ V cười toe.

Theo dõi sự việc, lúc đầu thoáng lo lo, sau rồi thấy hắn bình tĩnh và tự tin hơn mình tưởng. Với các bé, nên tập cho các bạn ấy một thói quen bình tĩnh và tự tin để xử lí trong những tình huống bất ngờ, như một bài học kĩ năng sống vậy. Chơi với những trò chơi sông nước trước hết phải cho các bạn nhỏ học bơi cho kĩ.

Một lần ở Nha Trang, cha con rủ nhau đi lặn biển. Đi rồi, lặn rồi. Xuống lòng biển khơi mà nhìn ngắm một lần, là ai cũng ham lắm. Thế nào có dịp ra biển, nơi ấy mà có dịch vụ lặn là bạn nhỏ đòi đi cho được.

Có một hòn đảo mà đã từ lâu ông Trời đổ xuống đó những đống đá mun lốm đốm trên nền cây cỏ, bởi hình dáng vậy nên hòn đảo được mang tên là Hòn Mun. Nơi mọi người thường tới lặn là vùng biển ở gần đảo Hòn Mun này. Ở đây nước rất trong và xanh ngắt, biển sâu và có nhiều dải san hô ngắn.

Được xuống nước sau phần học lý thuyết chớp nhoáng về kĩ thuật thở bình hơi, cách “nói chuyện” dưới nước bằng tay, cách mang dây nịt, bình hơi và xử lí một số tình huống dưới biển. Tất nhiên là tay mơ nên có sỹ quan lặn đi kèm.

Phải công nhận mang trên người một mớ đồ chơi lỉnh kỉnh bình hơi mấy chục kí lại đeo thêm dây nịt bằng chì nên lúc đầu xoay trở thấy nặng nề, khó chịu. Tuy nhiên khi xuống nước, lực đẩy của nước biển cân bằng lại và một hồi là quen. Việc hít thở bằng miệng từ bình ô xy chậm hơn một tí. Ai cũng quen hít thở bằng mũi nên phải tập trung tư tưởng, lỡ quên đi, thở bằng mũi là mất nhịp, hụt hơi một tí và dễ bị cuống khi ở dưới nước.

Lượt đầu lặn xuống để làm quen với bộ đồ lặn kềnh càng, khi lên xuống nhịp nhàng rồi là thấy ham liền. Lượt hai trở đi xuống sâu dần, lâu hơn và khám phá đáy đại dương với rất nhiều bí ẩn và hấp dẫn.Thoáng thấy đâu đó một chú Hải quỳ sáng trắng như tuyết, uốn lượn mềm mại. Từ đáy biển, từng đụn san hô đẹp đẽ vươn lên như những cây nấm nhiều kích cỡ, ta thú vị mơn trớn vuốt ve những xúc tu san hô mềm mại đang ngoe nguẩy làm cho chúng giật mình co lại, giấu đi những bông hoa sắc màu. Những chú cá con bơi lăng xăng, cùng với san hô, hải quỳ tạo nên bức tranh biển hình dáng và màu sắc kì thú. Ai đó thích lặn biển lại yêu chụp hình thì sắm cho mình một máy chụp dưới nước, chắc chắn sẽ có được những bức ảnh dưới lòng biển khơi sống động tuyệt vời.

Đọc bài bên nhà hàng xóm biết được có nhiều bạn yêu thích bộ môn bơi lội nên "tám" tí chuyện lặn biển cùng các bạn mình đọc chơi. Và các bạn, nếu có dịp đi biển, hãy lặn thử chơi một lần để khám phá lòng biển khơi, sẽ thấy hấp dẫn và đầy lý thú.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Mùi của biển từ đâu ra?

Andrew Johnston (Đại học East Anglia - Anh):

Những sinh vật phù du và thực vật biển, chẳng hạn như tảo, khi chết đi, sẽ sản sinh ra một loại khí có tên Dimethylsulfoniopropionate (DMSP). Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng vi khuẩn có thể sử dụng DMPS làm thức ăn và sản sinh ra khí dimethyl sulfide (DMS). Dimethyl sulfide khiến cho không khí ở đại dương có mùi thơm nồng.

"Mặc dù biết rằng vi khuẩn có thể sản xuất dimethyl sulfide, nhưng từ trước tới này chưa ai tìm hiểu xem chúng tạo ra khí này bằng cách nào", Andrew phát biểu. "Tôi và các cộng sự quyết định làm điều đó". Nhóm nghiên cứu lấy những mẫu bùn từ ở các đầm ngập mặn dọc theo bờ biển của nước Anh để phân lập một chủng vi khuẩn chưa từng được biết tới. Sau khí sắp xếp gene của nó và so sánh với cấu trúc gene của nhiều loại vi khuẩn con người đã biết, họ phát hiện ra gene đó có liên quan tới cơ chế chuyển đổi DMPS thành dimethyl sulfide.

Giới chuyên môn từng cho rằng chỉ cần sử dụng một loại enzym đơn giản là có thể phá vỡ cấu trúc phân tử của DMSP, biến nó thành dimethyl sulfide. Nhưng trên thực tế, quá trình này hóa ra lại phức tạp hơn nhiều vì DMPS rất khó bị phá vỡ. Vi khuẩn đã áp dụng một chiến lược rất khôn ngoan: Chỉ tìm tới những sinh vật biển đang phân hủy. Chẳng hạn, khi một quần thể sinh vật phù du bị virus tấn công, vi khuẩn sẽ tới để tìm kiếm cơ hội. "Chúng chỉ khởi động gene để phá vỡ DMSP nếu gặp sinh vật phù du đang trong quá trình thối rữa", Andrew nói.

Andrew và các cộng sự đã thành công trong việc nhân bản gene của vi khuẩn lạ và đưa nó sang những chủng vi khuẩn khác, chẳng hạn như E.Coli (sống trong dạ dày). Sau khi nhận gene, những loài vi khuẩn này đã có khả năng sản xuất khí dimethyl sulfide. Các nhà khoa học ước tính rằng vi khuẩn đã phá vỡ khoảng 1 tỷ tấn DMPS ở đại dương. Nhưng điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu họ không phát hiện ra rằng dimethyl sulfide có thể tác động tới sự hình thành những đám mây ở phía trên đại dương - một trong những quá trình có ảnh hưởng tới khí hậu Trái Đất.

Một số loài chim biển dựa vào dimethyl sulfide để tìm thức ăn. Trong một lần đi lấy mẫu bùn ở đầm ngập mặn, một người của nhóm Andrew đã mở một chai đựng khí dimethyl sulfide. Ngay lập tức, họ bị một đàn chim biển lao tới tấn công.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Myanmar diệu kỳ.

Trong khi chuẩn bị bài viết về cách giữ cân bẳng nổi khi lặn scuba theo yêu cầu của ComputerBoy, tui xin đưa lên đây một video đẹp về lặn biển Myanmar. Với nhiều người, đất nước này đóng cửa và cô lập. Tuy nhiên video sau đây của Nick Hope cho ta thấy một Myanmar của đạo Phật và thế giới diệu kỳ dưới nước của họ. Có lẽ chưa có nền công nghiệp phát triển và hủy hoại môi trường như các nước xung quanh nên thế giới dưới đại dương của họ thật diệu kỳ.

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Lặn biển với IAHD: P2 - Tôi đã làm được

(sưu tầm)
Doreen kể:
... Charlie nắm vai tôi, ông xả khí trong BCD dùm tôi và chúng tôi chìm xuống. Phía trước và bên dưới tôi là quang cảnh ngoạn mục. Một bức tường san hô với cả ngàn con cá bơi lội. Tôi ở trong một thế giới của sắc đẹp ... Tôi đã hiểu tại sao Chris lại yêu môn lặn. Tôi đã nhìn thấy, bằng chính đôi mắt của mình, những điều chỉ nhìn thấy trên màn ảnh. Tôi cảm nhận được sự thanh bình và không trọng lượng ... Khi tôi nổi lên, các thợ lặn giúp tôi lên bờ, họ nói “Hôm nay tôi rất may mắn vì được thấy một người ngồi xe lăn đi lặn”. Trên đường về, tất cả các chuyện tôi nói đều là những gì ở dưới nước.

Ngày tiếp theo, tôi tập ở hồ bơi. Chris nhấn mạnh rằng anh không tham gia dạy tôi, anh muốn tôi tự trải nghiệm. Kết thúc khóa học, Lynn trao cho tôi giấy “Chứng nhận về sự dũng cảm trong lặn scuba”, mà bây giờ, cùng với niềm kiêu hãnh của tôi, nó được treo tại phòng khách của vợ chồng tôi.

Hàng tháng, tôi tới hồ bơi để luyện các bài tập dành cho tôi. Tôi dần dà học được tất cả những kĩ năng cần biết mà tôi có thể thực hiện được – những điều tôi không bao giờ mơ sẽ làm được trong sáu tháng trước đó ... Tôi tập ở hồ bơi sự mô phỏng bị “ném” từ đuôi tàu lặn xuống nước, do đó, tôi biết những gì mong đợi trong cuộc “lặn từ tàu”.
Tôi đi Dahab hai lần nữa và dành thời gian ở biển, với huấn luyện viên Tom và Clare.

Cuối cùng, chúng tôi tới Trust Scuba ở Hurghada - Ai Cập, để tôi hoàn tất khóa học “IAHD Open Water Diver” ... Tôi bị ném ra từ đuôi tàu lặn xuống biển, nơi có các cánh tay của Frank, Paul, Ron và Gill đang chờ đợi. Chúng tôi lặn xuống 10 mét và tôi làm các bài kiểm tra kỹ năng. Sau đó chúng tôi bơi tới rạn san hô gần đó. Bơi với đàn cá thực sự tuyệt vời ... Cuối kỳ nghỉ, tôi đã đủ điều kiện của “IAHD Open Water Diver”.

Tôi trở lại Dahab nhiều lần nữa. Rồi tôi đi lặn ở các điểm lặn khác và đã lặn những hang động đáng gờm. Tôi đã làm được một cái gì đó mà thậm chí anh chị em của tôi (những người hoàn toàn lành lặn) không làm được. Dive!
Hình: A.Croizon đã bơi 35km qua eo biển Pháp-Anh vào ngày 18/9/2010.

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Lặn biển với IAHD: P1 - Người khuyết tật học lặn

(sưu tầm)
Hơn 30 năm trước, tôi (tức chị Doreen-NST) bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh tình của tôi ngày càng tệ hơn. Tôi bị thay cả hai khớp hông và khớp đầu gối. Thật không may, việc thay khớp gối không thành công, và vì thế, ngày nay bạn chỉ có thể nhìn thấy tôi "đóng khung" trong chiếc xe lăn.

... Chris, chồng tôi, một thợ lặn, nói rằng, môi trường nước sẽ rất tốt đối với tôi. Nước sẽ dập tắt trọng lượng trên tất cả các khớp xương của tôi. Tuy nhiên, do từng suýt chết đuối trong hồ bơi Hydrotherapy ở bệnh viện, nên tôi sợ hãi khủng khiếp với nước. Tôi luôn từ chối tới bất cứ nơi nào có nước.

Thế rồi Chris đặt một kỳ nghỉ ở Dahab - Ai Cập. Anh đã liên hệ với Trust Scuba. Họ có chính sách giúp đỡ người khuyết tật tập bơi lặn. Tới đó, tôi thấy những người khuyết tật hơn tôi đang tập trong hồ bơi. Tôi nghĩ “Nếu họ làm được thì tôi cũng có thể”. Tôi được cấp một bình khí nén, một BCD.

Doreen kể:
Biết nỗi sợ hãi của tôi, họ nhẹ nhàng đặt tôi xuống nước cùng lời trấn an. Khí trong BCD đã ủng hộ tôi! Tôi đã nổi! Sau đó tôi được khuyến khích úp mặt xuống nước và cố gắng thở. Vào cuối bài học, tôi đã thở được dưới nước. Tôi yêu thích nước!
Tại kỳ nghỉ ở Dahab, Lynn, người phụ trách ở đây, đã giúp tôi cảm thấy tôi là một thành viên của cộng đồng lặn và tôi không có lí do gì để xa họ!
Huấn luyện viên Charlie đưa tôi bộ đồ wetsuit shortie. Chúng tôi đi xe hơi đến khu vực hải đăng Dahab - bờ Biển Đỏ. Charlie và Chris đỡ tôi xuống xe, bế tôi xuống bãi biển, xuống nước ... Tôi đã ở dưới nước! … Charlie hỏi tôi đã sẵn sàng chưa (chúng tôi đã có sẵn một tập hợp tín hiệu tay). Tôi ra hiệu “đi xuống”. Charlie úp mặt tôi xuống. Sau vài giây, ông nói “Rất tốt, Doreen, bạn đã không hoảng sợ, bạn đã giữ hơi thở bình thường, nhưng phải mở mắt ra chứ”. Té ra ông đã nhìn dưới nước để xem tôi có ổn không và thấy tôi với đôi mắt nhắm nghiền!

Chris kể:
… Khi Doreen bắt đầu chìm xuống, đầu cô ấy bị lắc lư dữ dội. Charlie và tôi nghĩ rằng cô ấy thậm chí có thể chết sặc, mặc dù tôi vẫn thấy bong bóng khí nổi lên. Chúng tôi đỡ cô ấy lên mặt nước. Charlie gỡ mồm thở dùm cô ấy, và cô ấy nói “Wow, tuyệt vời, tôi nhìn thấy các con cá nhỏ bơi tung tăng”. Chúng tôi cười! Doreen đã không hoảng loạn, cô ấy đã rất cố gắng!
(còn nữa)
Hình minh họa: Ánh sáng mặt trời nhìn từ dưới đáy biển.

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

"lanbien-scuba" tròn một tuổi.


Chào các bạn, hôm nay là ngày blog "lanbien-scuba" xuất hiện trên không gian Cyber! Ông bạn Chí Quang và tôi nảy ra ý tưởng dựng blog này để làm nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người yêu thích môn thể thao mạo hiểm nhưng rất hấp dẫn này. Mong muốn lớn nhất của hai lão già khởi động blog này là thu hút được sự chú ý của các bạn, nhất là các bạn trẻ tham gia góp sức cùng xây dựng cho blog ngày càng có nhiều thông tin hữu ích về lặn biển và qua đó hình thành cộng đồng những người yêu thích, say mê bộ môn thể thao giải trí này. Trước tiên, khi chưa có điều kiện góp bài, bạn hảy tham gia góp nhận xét cho bài viết, nói lên suy nghĩ, góp ý của mình - khi muốn đăng bài, bạn chỉ cần cho chúng tôi biết địa chỉ email của bạn, chúng tôi sẽ gửi thư mời bạn làm thành viên viết bài. Mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Chúc mừng Sinh nhật!

HCQ-AMk3