Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014! CHÚC CÁC BẠN LẶN GẦN XA MỘT NĂM MỚI HẠNH PHÚC VÀ NHIỀU NIỀM VUI KHÁM PHÁ THẾ GIỚI ĐẠI DƯƠNG BAO LA VÀ BÍ ẨN.


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Lặn sâu giống như uống thuốc an thần

(Bài của một huấn luyện viên cấp cao, trích)

Những tác động tiêu cực khi lặn sâu giống như uống thuốc an thần. Đầu tiên nó làm cho bạn ngớ ngẩn, sau đó nó làm cho bạn xử lý một cách ngu ngốc.


1. Có ba hiệu ứng “ngớ ngẩn” như sau:


Làm quá trình tư duy chậm lại: Lặn đòi hỏi phải có tư duy rõ ràng, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể hấp tấp, và nếu bạn đang bị tác động bởi trạng thái mê man (narced), bạn có nhiều khả năng mắc sai lầm.


Mất khả năng đa nhiệm: Nó trở nên khó khăn hơn để suy nghĩ về vài điều trong cùng một lúc, và bạn có xu hướng gắn chặt vào một ý tưởng duy nhất. Lặn là một hoạt động đa nhiệm. Trong khi bạn đang lặn và bởi những gì bạn cần tìm kiếm, thì bạn đồng thời cũng phải cảm nhận về độ cân bằng của bạn, về độ sâu, về lượng khí trong chai, bạn phải cảm nhận tới cả bạn lặn, và nhiều thứ nữa. Nếu có phát sinh, bạn phải cân nhắc và nhanh chóng thay đổi một vài chi tiết trong kế hoạch lặn. Người ta rèn luyện thợ lặn bằng cách cho họ vào buồng áp suất và trả lời các câu hỏi. Nhưng người trong buồng áp suất lại không bị lo lắng về việc cung cấp khí thở, độ sâu, thời gian lặn.


Mất trí nhớ tạm thời: Trong quá trình làm việc, thợ lặn bỗng quên một số chi tiết có trong kế hoạch lặn, và khi lên tàu, họ mới “ô, tôi quên”. Họ có xu hướng thao tác ít nhất.


2. Làm sao bạn biết bạn đang bị narced?


Trạng thái mê man nitơ được gọi với nhiều từ ngữ “nhiễm độc khí nén”, “sự sung sướng của độ sâu”, “trạng thái mê man khí trơ”, bởi bất kỳ loại khí trơ và cả một số loại khí không trơ có thể sẽ gây ra nó.


Chóng mặt, ù tai, tê môi, khó đếm con số, lo âu, mất trí nhớ tạm thời, ngứa ran môi hoặc bàn tay, bàn chân – đó là triệu chứng của trạng thái mê man nitơ. Mặc dù đã có nhiều chương trình về nó, nhưng cơ chế chính xác của trạng thái mê man nitơ hiện vẫn là một bí ẩn, nhưng thợ lặn có thể kiểm soát được chúng.


Giả sử bạn bắt đầu bị narced. Tùy thuộc mức độ bạn bị, bạn sẽ khó nhận biết được những gì là không an toàn. Thợ lặn đôi khi bị narced thể nhẹ ở độ sâu 18 mét, nhưng tới 30 mét thì không ít. Tại 40 mét, khá nhiều thợ lặn sẽ bị narced, mặc dù họ vẫn kiểm soát được bản thân. Họ có thể không nhận ra điều này, nhưng một người khác sẽ dễ dàng phát hiện ra cho họ.


3. Cách khắc phục.


Tránh Loading task. Ví dụ bạn mới sắm máy chụp hình, bạn cần làm quen với nó ở vùng nước nông trước khi bạn định chụp hình ở độ sâu 30-40 mét. Nếu bạn phải suy nghĩ về cách sử dụng nó, trí não bạn sẽ không tập trung xử lí những điều nhỏ nhặt khác, ví dụ kiểm tra lượng khí trong bình. Lặn “chỉ với một chuyện mới” luôn luôn là nguyên tắc.


Ôn tập kỹ năng. Trước hết là kỹ năng an toàn. Bạn nên cùng bạn bè thực hành các kỹ năng cơ bản như ditching trọng lượng và chia sẻ khí thở. Nó chỉ là một thao tác đơn giản, nhưng nếu không trở thành bản năng, bạn có thể không nhớ ra khi bạn đang narced. Bạn không nên lệ thuộc vào trí nhớ của bạn (bây giờ mình sẽ phải làm gì nhỉ?). Rất ít người trong chúng ta ôn tập kỹ năng an toàn. Tương tự, một máy tính lặn mới sắm sẽ có thể trở sẽ nên khó hiểu trong khi lặn – bạn cần làm quen với nó.


Sử dụng phiếu ghi nhớ Bạn nên ghi lại các quy trình vào phiếu cá nhân, ví dụ ghi lại một vài chức năng điều khiển camera mới sắm. Nó sẽ có ích cho bạn khi đang lặn.


Theo dõi lẫn nhau. Khi lặn sâu, bạn thống nhất với bạn lặn, là cứ mỗi vài phút sẽ kiểm tra lẫn nhau. Hãy đánh giá nhau bằng mắt và kí hiệu trao đổi OK.


Xuống từ từ. Có một số bằng chứng cho thấy đi xuống nhanh sẽ dễ bị narced hơn.


Cơ thể tỉnh táo. Thuốc tây có thể thúc đẩy trạng thái narced. Nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống say tàu xe, dường như bị tương tác với nitơ để tăng tính nhạy cảm và cường độ narced. Một số chuyên gia cho rằng sự tương tác giữa nitơ và rượu đặc biệt mạnh mẽ bởi chúng có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh của bạn. Một khó chịu ngoại lai cũng có thể thúc đẩy trạng thái mê man nitơ.


Bạn tôi, Lawrence Martin, cho rằng kiêng cữ chúng trong vòng 24 giờ trước khi lặn là tốt. Bị lạnh, mệt mỏi và lo lắng sẽ gia tăng trạng thái mê man nitơ, mặc dù chúng có nguyên nhân không rõ ràng. Đây là một lý do tại sao cú lặn cuối cùng trong ngày không nên lặn sâu.


Mức cao của CO2 dường như làm trạng thái mê man tăng lên. Bạn hãy cố gắng thở chậm, sâu.

Lên một mét. Thông thường, khi cảm thấy bị narced, bạn hãy nổi lên 1 mét. Sau đó bạn sẽ đi xuống với trạng thái mê man gần như chấm dứt.

Cách kiểm tra lẫn nhau: 


Giới hạn tiếp cận: Mỗi thợ lặn có kinh nghiệm và trạng thái mê man khác nhau, và ở độ sâu khác nhau. Một số bị nhạy cảm hơn những người khác. Bạn không cần quan tâm tới chứng chỉ của bạn lặn là đã lặn ở độ sâu 130 feet. Thay vào đó, bạn kiểm tra theo gia số 10 feet: Bạn cảm thấy thế nào lúc ở 70 feet, 80 feet, 90 feet? Có bất kỳ triệu chứng gì của trạng thái mê man không? Bạn thấy có điều gì xảy ra khác với kế hoạch lặn không? Bạn có thực hiện một động tác sai lầm nào, hoặc cảm thấy bối rối tại một thời điểm nào không? Lặn giải trí không phải là một cuộc tranh đua đạt đến 130 feet.


Ghi nhận: Cứ sau vài phút, bạn xem đồng hồ độ sâu và áp lực khí của bạn, và ghi lại số liệu lên tấm bảng đeo, rồi đưa cho bạn lặn xem. Bạn lặn của bạn cũng làm như vậy và đưa cho bạn xem. Qua đó, bạn sẽ đánh giá được tình trạng của mình và của bạn lặn.


Cộng một: Bạn tôi, Bret Gilliam, đề nghị: Cứ sau vài phút, các bạn ra tín hiệu kiểm tra lẫn nhau, giả sử bạn dơ 3 ngón tay, thì bạn lặn phải trả lời là 3 cộng 1 (tức 4 ngón tay). Báo hại tác giả, bạn lặn dơ 5 ngón tay, thế là Gilling đã phải sử dụng cả hai tay (đang cầm camera) để đến với một phản ứng 6 ngón tay.


Ngớ ngẩn hoặc hưng phấn: Bạn lặn có hành vi ngớ ngẩn hoặc phấn khích đều phải được cảnh giác. Lặn giải trí để được vui vẻ, tất nhiên, nhưng quá vui dưới đáy biển thì coi chừng.


Đôi khi trạng thái mê man có dạng lo lắng (thay vì hưng phấn), và có thể dễ dàng phát hiện. Bạn có thấy mình liên tục lấy tay giữ mồm thở, hoặc cầm khư khư đồng hồ áp suất, … Nếu không có lý do khách quan nào, thì bạn có thể đang bị narced.



Có thể thích ứng với trạng thái mê man nitơ không?

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, sức đề kháng trạng thái mê man là một sự thích ứng. Thợ lặn thường xuyên lặn sâu đã phát triển cách thức để bù đắp những tác động của trạng thái mê man. Kết quả là họ đã ít lo lắng hơn và đã thích ứng hơn. Nhiều khả năng những thợ lặn có mong muốn chinh phục trạng thái mê man, thì cơ thể sẽ tự giảm nguy cơ này. 

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Cuộc thử nghiệm 65 ngày trên biển

Vào tháng 10 năm 1951, Alain Bombard, 27 tuổi, bác sĩ, một mình trên thuyền cao su, không nước uống, không lương thực: Anh tự nguyện lênh đênh trên đại dương trong vai “người bị đắm tàu” để thí nghiệm về giới hạn chịu đựng của con người. 

Thuyền anh trôi lênh đênh theo chiều gió và bị đưa đẩy bởi các dòng hải lưu. Anh câu cá ăn, uống nước ép từ thân cá và uống nước biển, ăn rong tảo. Sau 65 ngày vật lộn với sóng, gió, mưa, nắng, đói, khát, bệnh tật, và ghê gớm nhất là sự cô đơn, sợ hãi, cuối cùng, anh cập bờ vào một nơi thuộc quần đảo Antilles, Trung Mỹ, tuy kiệt sức nhưng vẫn tỉnh táo.

Kỳ công của Alain Bombard đã giải quyết mấy vấn đề quan trọng nhằm giúp những người lâm nạn trên biển có thể sống sót: 

- Người ta có thể đối phó với sóng lừng và bão tố chỉ với thuyền cao su.
- Giải quyết cơn khát bằng nước ép từ thân cá (nó không mặn như chúng ta nghĩ), rong tảo và nước mưa.
- Bác bỏ định kiến cho rằng con người không thể uống được nước biển (anh đã uống nước biển trong tuần đầu trong khi chờ mưa). Tuy nhiên về vấn đề này … các nhà khoa học vẫn khẳng định là nước biển không uống được. 
- Thực phẩm thì lấy từ cá, rong tảo và chim biển.
- Quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tư tưởng. Phải giữ được lòng tin và tinh thần phấn đấu.
 
Anh nói, phần lớn nạn nhân bị chết vì lo sợ dẫn đến hoảng loạn. Họ chết trước khi nguồn sinh học trong cơ thể họ thực sự cạn kiệt. Họ cần phải tin tưởng rằng, với ý chí và nghị lực, họ có thể làm nên những chuyện phi thường. 

H: Cậu bé 2 tuổi đang trôi dạt trên đại dương chiến tranh (Kenya 7-2011) - hình không liên quan bài viết.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Sự hình thành một biển mới ở Ethiopia

(Sưu tầm, trích)  

Theo các nhà nghiên cứu, châu Phi hiện đang chứng kiến sự hình thành của một biển mới sẽ khiến lục địa này bị nhỏ đi. Các nhà địa chất làm việc tài vùng Afar, Ethiopia, cho hay, thậm chí đại dương sẽ xẻ lục địa đen làm đôi. Tất nhiên quá trình này còn dài (sau khoảng 10 triệu năm). Tại Triển lãm mùa hè của Xã hội Hoàng gia Anh (Học viện Khoa học quốc gia Anh), TS. Tim Wright  nói “sự kiện là thực sự đáng tin cậy”. Họ cho biết, họ đã vô cùng may mắn khi có thể chứng kiến sự hình thành của một biển mới, bởi quá trình này thường bị giấu kín bên dưới các vùng biển.

TS. Wright đã theo dõi và thấy sự thay đổi này ở Afar trong 5 năm qua. Tại đây đất bị mở ra, khá rõ dưới chân họ. Năm 2005, một vạt dài 60 m, rộng 8 m đã được mở rộng trong khoảng thời gian có 10 ngày. Đá nóng chảy sâu bên trong trái đất đang chảy dần lên trên bề mặt và tạo ra sự chia cắt. Những đợt phun trào dưới lòng đất vẫn tiếp tục và cuối cùng vùng sừng châu Phi sẽ bị xẻ đôi và một biển mới sẽ được hình thành ở giữa.
  
TS. James Hammond, Đại học Bristol, Mỹ, đã làm việc ở Afar, cho hay, nhiều khu vực của vùng nằm dưới mực nước biển và đại dương đã lấy mất khoảng 20 m đất ở Eritrea. “Cuối cùng vùng này sẽ bị đẩy tách ra. Biển sẽ tràn vào và sẽ bắt đầu tạo ra biển mới”. “Vùng sẽ bị xẻ ra, chìm dần dần ngày càng sâu xuống và cuối cùng  nhiều vùng ở nam Ethoopia, Somalia sẽ bị … trôi dạt ra xa, tạo thành đảo mới. Chúng ta sẽ có một Phi châu nhỏ hơn và một hòn đảo rất lớn “trôi nổi” giữa Ấn độ dương”.

Nhóm nghiên cứu hi vọng sẽ tiến hành các thử nghiệm ở trong khu vực, nhằm giúp hiểu được bề mặt trái đất được hình thành như thế nào. Họ cũng tin rằng thông tin thu thập được từ việc quan sát sự hình thành trái đất sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các thảm họa tự nhiên, như động đất, núi lửa.

Lời góp (vui) của Diver 1: Sau 10 triệu năm nữa, thợ lặn sẽ có thêm một điểm lặn hấp dẫn.
Hình (vui) của Diver 2: Đây là thác Angel, Venexuela, cao 807 mét và 979 mét (2 nhánh), Diver 2 nghĩ rằng sau 10 triệu năm nữa, thác Angel sẽ xẻ ngọn núi này thành hai.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Lặn vo độ sâu

(sưu tầm, trích)

… Hít một ngụm nhỏ không khí, anh trượt xuống dọc theo một dây cáp với vận tốc 1,7 m/s. Có tay phanh để đề phòng trượt quá mau. Anh canh trong vòng 3 phút để xuống sâu 150 mét và lên lại mặt nước. Anh cảm thấy rất nhanh. Ánh sáng mờ dần. Vượt quá độ sâu 50 mét hầu như tối đen. Nước ép vào màng nhĩ, đau khủng khiếp. Phổi như bị nghiến bẹp, bụng bị giật lắc do những cơn co giật – cơ thể của anh đang cần ôxy.

Loic Leferme (người lặn sâu nhất thế giới vào tháng 10/2002, độ sâu 162 mét) nói: “Cuộc lặn vo như địa ngục đối với người mới bắt đầu, nhưng đem lại cảm giác ngây ngất cho những ai thành thạo”.

Trang bị của thợ lặn vo là sự luyện tập đều đặn. Yếu tố đầu tiên được chia sẻ giữa tất cả những động vật có xương sống, gồm cả con người và cá voi, đó là nhịp tim phản xạ chậm. Khi thợ lặn tiếp xúc với nước lạnh, đa số các mạch máu ở tay, chân và hệ tiêu hóa đều co lại, nhưng sự co mạch này không ảnh hưởng gì đến tim, phổi và nhất là não. Tức là ôxy sẽ tạm ngừng tiếp tế cho phần ngoại vi của cơ thể, để tập trung cho các cơ quan mang tính sống còn (đến 90% nguồn cung cấp).

Vì sự tuần hoàn giảm mạnh, nhịp tim có thể bị sụt. Thợ lặn vo chuyên nghiệp, nhịp tim có thể chuyển từ 80 lần/phút khi ở mặt nước xuống còn 40 lần/phút ở dưới nước, ngay khi xuống vài mét nước đầu tiên. Ngay cả khi không có kinh nghiệm về lặn, độ giảm nhịp đập tim có thể đạt từ 20-30%. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí trên bề mặt nước và nước càng lớn, thì phản xạ càng mạnh. Ngay từ lúc bắt đầu ngừng thở, tim có thể đập chậm lại đến mức tối thiểu.  

Tình trạng nhịp tim phản xạ chậm có thể được cải thiện nhờ tập luyện. Chế độ tập luyện đều đặn giúp thợ lặn ít nhạy cảm với sự mất ôxy. Thợ lặn vo khi nín thở chứa trong phổi khoảng 5 lít không khí, trong đó chỉ có 1 lít ôxy. Trong khi lặn, ôxy được tiêu thụ bởi những tế bào của cơ thể và được thay thế bởi khí thải CO2. Khi tỷ lệ CO2 trong máu quá lớn, các cơ quan cảm thụ ở não ra lệnh thở, nhưng thợ lặn nhà nghề có thể chịu đựng lượng CO2 cao hơn.

Theo Erika Schagatay, sự khác biệt giữa thợ lặn nín thở 7 phút và người chỉ 1 phút 30 giây, chính là sự tập luyện. Nhưng Erika Schagatay lại không rõ là sự tập luyện đó liệu có thể cải thiện khả năng tiềm ẩn của lá lách không. Cơ quan này lưu giữ thường xuyên 20 – 30 cl máu. Do tác động của các cơ, lá lách cung cấp một lượng hồng cầu giúp cải thiện thành tích của người lặn vo. 

H: Lặn vo sâu 116m trong 249s - WilliamTrubridge (để minh họa)

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Nơi thủy triều dâng cao 16 mét

Rất tiếc là phải tới giữa tháng 6 hàng năm, khu vực mực nước thủy triều cao nhất thế giới Hopewell Rocks, Vịnh Fundy, thành phố New Brunswick, Canada, mới mở cửa nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, tôi (tác giả) vẫn quyết dạo chơi dưới đáy biển. (Theo tienphong.online, trích)

Jane, một phụ nữ Canada, nói chúng tôi tới New Brunswick mà không ngắm cảnh kì vĩ này thì coi như chưa hiểu gì về thành phố lâu đời nhất Canada. Jane thận trọng chọn giúp chúng tôi một ngày nắng đẹp vào cuối tháng 5. Chị tìm kiếm thông tin, ghi chép từng giờ nước lên, nước rút và khuyên chúng tôi nên có mặt tại Hopewell Rocks trước 8 giờ: “Vậy các bạn phải khởi hành trước 6 giờ”.

Từ trung tâm thành phố đến Hopewell Rocks gần 200 cây số với 2 giờ chạy xe hơi ... Một cảnh tượng lạ kỳ diễn ra trước mắt, nửa dòng nước xanh trong phía đông đang bị nửa dòng nước đỏ quạch pha loãng ra. Dòng nước đỏ rút rất nhanh dưới ánh nắng mặt trời để lộ dần đáy biển với thảm rong biển ngay dưới nơi chúng tôi đứng. Đám cá, tôm tung tẩy bơi nhảy theo dòng nước. Những đàn chim từ trên cao lượn xuống kiếm mồi.

Đang loay hoay trước biển cấm và cảnh báo những nguy hiểm, nhóm bạn trẻ đến từ thành phố Halifax, ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Để xuống dưới đáy đại dương, chúng tôi cẩn thận theo hàng trăm bậc thang kiên cố từ lưng chừng núi xuống.

Nước vừa rút, theo từng bước chân chúng tôi có tiếng lép bép vui tai. Tiếng kêu đó là do những quả khí của đám rong biển mọc tràn dưới thềm đại dương. Loại rong ở đây mọc thành tảng lớn, ôm lấy những nền đất, mỏm đá khổng lồ và thường được Canada khai thác làm nguyên liệu chế biến thuốc và các loại thực phẩm chức năng.

Thận trọng tránh trơn trượt, một người dân bản địa chỉ cho chúng tôi những điểm trắng phía trên cao, phải ngửa cổ, nheo mắt mới nhìn thấy: Đó là điểm đánh dấu mực nước lên hàng đêm ở khu vực này. Trung bình, mực thủy triều dâng từ 10 đến 14m.

Mức triều cao nhất ở đây có thể trên 16m. Đây là chiều cao của tòa nhà năm lầu và là mức thủy triều cao nhất thế giới với khối lượng nước đổ về lên tới hàng nghìn tỷ tấn. Thủy triều dâng rất nhanh và được tính từng phút, nên muốn dạo chơi dưới thềm đại dương đều phải nắm rất chắc thời gian nước lên – nếu không muốn bị kẹt lại dưới đáy biển.

Xuống tới đáy, cả không gian rộng lớn với những kiệt tác thiên tạo khổng lồ hiện ra trước mắt. Chú “khủng long” cả trăm người ôm mới xuể. Những hình thù to lớn được đặt tên như lâu đài đá, mẹ thiên nhiên, quả táo, viên kim cương, con gấu... Xa xa, một lọ hoa bằng đá khổng lồ lúc nào cũng được bài trí hoa tươi, bởi đó là mảnh đất được tách rời ra và phía trên mặt đất cây cối mọc xanh tươi.

Điều khiến du khách hào hứng là được leo trèo lên những hình khối khổng lồ mà không gặp biển cấm hay nhắc nhở của nhân viên hướng dẫn. Quan điểm của Ban quản lý nơi này là những gì thuộc về tự nhiên sẽ luôn là của thiên nhiên, còn bạn thì cần thận trọng để bảo đảm sự an toàn của chính mình. Chúng tôi trèo lên những viên kim cương, đu đẩy những chồng bát đĩa xếp thành dãy dài dưới sàn nhà của biển.

Hopewell Rocks là góc đặc biệt nhất nằm trên Vịnh Fundy, có 600 triệu năm tuổi. Theo thời gian, những ngọn núi bị xói mòn, đá và sỏi rửa xuống từ núi tạo thành một thung lũng rộng. Chính vì đặc điểm lượng nước lớn đổ dồn về thung lũng trong thời gian ngắn mà Hopewell Rocks được ví như chiếc bồn tắm khổng lồ. Qua hàng triệu năm, những lớp đá, sỏi kết với nhau thành một thềm đá lớn xen kẽ với các lớp sa thạch. Đó chính là đáy đại dương, nơi du khách dạo chơi mỗi khi nước rút. 

H: Các cột đá bazan thiên tạo ở Irelend (không liên quan bài viết)

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Chia sẻ về kỹ thuật bơi trườn sấp (bơi sải) - P2

P2- Ba kiểu quạt tay tiêu biểu (lời góp của bạn Tumador, trích)

Kiểu thứ nhất là một kiểu rất tự nhiên, nói đến bơi sải thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến nó: Một tay quạt xuống nước là lúc tay kia đưa lên khỏi mặt nước, rất đều và nhịp nhàng. Giống như chèo thuyền kayak, không thì cũng gần gần như thế. Chuyên môn gọi nó là “Shoulder driven”, nôm na là “chèo thuyền”. Đây là kiểu bơi rất phổ biến trong thi đấu cho đến những năm 90 với đại diện đỉnh cao là Alexander Popov (Nga).

Kiểu thứ hai gọi là Front Quadrant Swimming (FQS) hoặc “Hip driven”. Kiểu bơi này được khởi xướng vào những năm 90 từ Úc, như Murray Rose, Kieren Perkins, Ian Thorpe hay Grant Hackett. Kiểu bơi này có hai điểm giúp nhận ra một cách rõ ràng là, thứ nhất, vào một lúc nào đó, cả hai bàn tay của người bơi sẽ nằm ở phía trước vai. Điểm thứ hai nằm ở tay quạt nước, người bơi tìm cách dướn vai lên, sau đó gập cánh tay ở chỗ khuỷu tay để kéo nước về đằng sau. Điểm này tương đối khó để nhận biết được lúc xem video. Lợi thế của kiểu bơi này là người được trườn dài trên mặt nước và lướt tốt hơn (thời gian lướt nước lâu hơn) so với kiểu chèo thuyền, tuy nhiên có nhược điểm là vì trong nhịp có thời điểm hai tay ở phía trước nên sẽ có lúc người không có lực đẩy nên sẽ bị cản lại một chút.

Kiểu thứ ba là kiểu “tay cứng”. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là khi tay đưa lên không và chém xuống nước thì thẳng đơ ra chứ không gập lại (lúc chèo ở dưới mặt nước thì gập như thường). Đại diện cho kiểu bơi này là Stefan Nystrand, Michael Klim và Hisayoshi Sato (là người châu Á đầu tiên bơi 100 m dưới 49 s). Ở kiểu bơi này, do tay trên không và chém xuống phải giữ thẳng nên người bơi phải “quẫy” cả người, và chính cái quẫy này làm cho người lướt đi (thực ra tui chả hiểu “quẫy” thì lướt đi thế nào, nhưng cứ tưởng tượng cảnh con cá nó quẫy để lướt đi thì chắc kiểu này cũng na ná như vậy).

Về thở:
 
Lúc bạn nghiêng người sang một bên để thở thì dễ bị nước vào miệng. Điều này có nghĩa là tay quạt nước của bạn chưa được hiệu quả lắm. Giả sử như bạn thở bên phải, lúc quay sang phải để hít hơi cũng là lúc tay phải kéo về (bạn tưởng tượng bằng cách đưa hai cánh tay ra phía trước, bây giờ tay phải bơi một nhịp đồng thời nghiêng sang phải để thở ý tui muốn nói tại thời điểm này), nếu tay quạt hiệu quả thì chỉ cần nghiêng mình sang một bên là miệng bạn hoàn toàn không chìm trong nước rồi.

Nhiều người nghĩ là mặt nước thì lúc nào cũng phẳng, nên nếu muốn thở mà không bị nước vào miệng thì miệng phải cao hơn mặt nước. Thực ra khi bơi, đặc biệt là lúc quạt nước và nghiêng sang một bên, phía đầu bạn sẽ có một đoạn sóng nhỏ và phần nước ở khoảng khoảng mặt bạn sẽ bị đẩy đi và làm cho chỗ nước ở mặt bạn trũng xuống và bạn có đủ chỗ để thở rồi.

H1: Kiểu quạt tay thịnh hành vào thời 1935.
H2: Kiểu quạt tay “Swimming into the 21th century” với 2 tay gặp nhau ở phía trước. Trong hình là trường phái quạt tay Total Immersion. 
H3: Một biến thể “Swimming into the 21th century” kiểu quạt tay với 2 tay gặp nhau ở (3/4) phía trước. Đa số VĐV (dường như) đã áp dụng kiểu này.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Chia sẻ về kỹ thuật bơi trườn sấp (bơi sải) – P1

Học bơi cơ bản (beginner) thì huấn luyện viên (HLV) là thầy. Luyện nâng cao thì HLV là bạn bơi, và trong đó, sẽ có một số lời khuyên là khác nhau (do trường phái của mỗi người là khác nhau), do vậy, bạn không cần phải coi giáo án là kinh thánh. Chỉ những gì bạn cảm nhận được mới là kinh thánh (của bạn, do bạn).

Hãy nhớ lại “thời beginner”: Bơi trườn sấp có 3 kiểu đập chân cơ bản là cứ 2 quạt tay (stroke) thì 6 đập chân (kick), 2 tay 4 chân, 2 tay 2 chân. Động tác vẩy bàn chân cũng 3 kiểu.

P1 - Lời góp của bạn Scerpio (trích)

Bạn thích bơi ếch vì bơi ếch có nhịp nghỉ và khi đó đầu bạn ngẩng lên khá cao và khá lâu, nên bạn sẽ thấy thoải mái. Nhưng bơi ếch lại là kiểu bơi bị cản nước nhiều nhất, do lực từ đạp chân khá nhiều, mà hoạt động của chân lại tiêu hao năng lượng rất nhiều. Bắt đầu bơi, bạn sẽ thấy thoải mái vì được dùng chân, nhưng bơi đường dài mà đạp ếch thì có nước rụng chân. Bạn cứ tưởng tượng bơi ếch giống như bạn đạp xe đạp ba bánh, trong khi sải như đạp xe đạp hai bánh.

Bơi sải ít bị cản nước nhất trong các kiểu bơi. Nếu bơi đúng kỹ thuật thì bạn sẽ bơi bằng toàn bộ cơ thể chứ không phải chỉ là quạt tay – như rất nhiều người nghĩ. Thử nghĩ, chân to và mạnh hơn tay nhiều mà còn mệt mỏi khi bơi ếch, thì cánh tay bạn làm sao chịu được lâu để kéo cả thân? Bí quyết là phải bơi bằng toàn bộ cơ thể. 

Bạn để ý các video quay dưới mặt nước, cơ thể của vận động viên khoan qua khoan lại xung quanh một trục. Con người không có xương sống kiểu của con rắn nên không uốn éo được như rắn, vì vậy cơ thể bạn cần khoan qua khoan lại để trườn đi trong nước. Khi quạt tay, bạn không chỉ dùng cánh tay, mà còn phải dùng cả vai, ngực và xô để kéo nước, bởi vì tay, ngực và xô là những cơ lớn nhất ở phần trên của cơ thể con người.

Tôi thấy nhiều người bơi sải cứ quạt tay liếng thoắng. Họ muốn quạt rất nhanh để đi cho nhanh và để thở cho nhanh. Động tác của họ rất tốn sức nên mau mệt, mà không đi tới đâu cả, vì họ chỉ dùng có mỗi lực của cánh tay mà thôi.

Muốn bơi sải bằng toàn bộ cơ thể, bạn cần học kỹ thuật và kinh nghiệm. Trong khi luyện tập bạn phải bơi chậm lại, và bơi nhịp nhàng hơn. Khi luyện tập, bạn hãy dành thời gian tập kỹ thuật sau:

1. Bơi bằng 1 tay: Bắt đầu bằng 2 tay duỗi thẳng ra phía trước. Mắt nhìn thẳng vào bàn tay. Quạt bằng 1 tay trong khi tay kia vẫn giữ thẳng. Bạn sẽ thấy là khi 1 tay thẳng, người thẳng, thì cú quạt của tay kia sẽ kéo bạn đi được xa nhất. Khi quạt tay, đừng thở liền và đừng quay đầu thở. Hãy giữ đầu cho thẳng, mắt nhìn vào bàn tay phía trước. Bạn quạt cách tay tới khi nào bàn tay qua khỏi bụng thì nghiêng đầu, thở ra mũi. Khi rút tay ra khỏi nước thì miệng cũng vừa lên trên mặt nước – đủ để bạn thở. Co khuỷu tay để rút tay ra khỏi nước, chứ không nên quạt tay như chong chóng cối xay gió. Đừng thở sớm quá. Tay thẳng vẫn giữ thẳng và tập quạt cho hết chiều dài hồ bơi, rồi đổi tay trong lượt về. Cách này giúp bạn tìm cho mình động tác nào sẽ làm cho mình đi được xa nhất. Mỗi lần nên tập khoảng 5x50m hay 10x25m.

2. Bơi 2 tay gặp nhau: Bắt đầu bằng bơi sải thông thường nhưng có cái khác là chờ cho 2 bàn tay gặp nhau rồi hãy quạt. Nghĩa là tay thẳng hãy chờ tay quạt trở về tới vị trí thẳng rồi mới quạt tay kia. Cách này tập cho mình bơi chậm lại và bơi theo nhịp. Nên tập khoảng 10x25m hay 5x50m cho quen cơ.

Bạn cần chú ý là làm sao cho cơ thể càng thẳng càng tốt. Bạn càng uốn éo thì càng bị cản nước và càng mất sức. Cứ nghĩ mình lướt đi như trái ngư lôi vậy. Dùng các cơ lớn (xô, vai, ngực) để hỗ trợ cho cơ cánh tay.

Cái gì cũng vậy, có chịu khó luyện thì mới đem lại hiệu quả. Hãy kiên nhẫn.

Bạn hãy để ý (tự cảm nhận bản thân) qua các điều sau:

- Bạn để ý cánh tay bạn khi rút ra khỏi nước: khuỷu tay cong (như chữ V ngược). Tay lết, trườn vào nước chứ không quạt và đập như chong chóng.
- Để ý một cánh tay bạn quạt trong khi tay kia trườn, lướt qua nước để được đi tối đa. Tay này gần vào nước tay kia mới quạt.
- Để ý dưới nước, chân bên kia quất một cái để quặn người mà lướt.
- Để ý vào vai, một vai lên, vai kia xuống. Hai vai xoay quanh một trục (shoulder rotation).
- Để ý từ đằng trước, không lúc nào vai nằm ngang (vai xiên – để giảm diện tích cản nước).
- Một chi tiết nhỏ rất quan trọng là để ý cái đầu. Khi tay bắt đầu quạt, đầu lúc nào cũng nhìn thẳng về phía trước. Động tác này làm cho cơ thể thẳng ra, ít cản nước.

Nói chung là những động tác gì của bạn cũng nhằm để tiến thẳng phía trước. Không lên, không xuống, không ngang. Đầu đi đâu thì cơ thể theo đó.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Từ một kẻ không thể bơi hết chiều dài hồ bơi …

(bài của bạn Scerpio, trích)

Chúng ta ai cũng có lý do, kinh nghiệm, và động lực bơi khác nhau. Chuyện của tôi rất là bất đắc dĩ và khôi hài. Thấy nhiều người chia sẻ kinh nghiệm học bơi nên tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi cho quý vị.

… Tôi theo mấy đứa trong xóm đi hồ bơi Chi lăng. Ban đầu thì chơi ở chỗ cạn, nhưng đông quá, có khi không có chỗ đứng, nên tôi ước gì mình ra chỗ sâu có ít người hơn. Rồi từ từ, tôi mò ra chỗ sâu hơn một ít, tập đứng nước, quạt tay đạp chân để bơi đến thành hồ là đủ. Một hôm, không biết tôi tìm đâu ra được cuốn sách dạy bơi có hình vẽ dạy những môn bơi. Tôi học lóm lấy “món sải” và thực hành khi đi bơi, đủ để bơi chiều ngang hồ thôi …
 
Khi qua Mỹ, tôi vào lớp High school, lớp 10, tương đương với cấp 3 bên Việt nam. Bên này thể thao rất phổ biến. Từ bé 4-5 tuổi họ đã khuyến khích trẻ con chơi thể thao rồi. Trường cấp 2 nào cũng có sân vận động ngoài trời và sân bóng rổ, bóng chuyền trong nhà, lại có vài đội thể thao thi đấu với trường khác. Trường cấp 3 thì đa phần có thêm Gym, hồ bơi, và nhiều đội thể thao khác. Bữa học nào ai cũng phải có một giờ gọi là “giáo dục thể thao bắt buộc”, mình có thể chọn môn nào mình thích. Do mới chân ướt chân ráo, tôi không biết là có quyền lựa chọn, nên giờ thể thao của tôi là … Gym. “Giờ Gym” của tôi chán lắm, chỉ ngồi coi tụi nó chơi bóng rổ.

Trường tôi có hồ bơi. Nghĩ lại ở Việt nam phải trả tiền vào hồ bơi đông nghẹt, còn bên này hồ đã vắng mà không tốn tiền thì quá tuyệt. Vì vậy tôi quyết tâm chọn môn bơi nào đó cho học kỳ tới. Ngày lựa chọn cũng đến. Tôi mừng rỡ khi thấy ông huấn luyện viên ghi tên ba lớp bơi trên bảng:
1. BEGINNER SWIMMING
2. COMPETITIVE SWIMMING
3. INTERMEDIATE SWIMMING

Lúc đó tiếng Anh tiếng Mỹ của tôi chưa ra gì nên tôi cứ nhìn vào thứ tự và đoán 1 có nghĩa là dễ nhất (tôi biết nghĩa của BEGINNER), 3 là khó nhất, nên tôi chọn ngay số 2! Sau này tôi mới biết (tạm dịch): BEGINNER – hạng bắt đầu, COMPETITIVE – hạng thi đấu, INTERMEDIATE – hạng trung cấp.

Ngày đầu tiên của kỳ học sau, tôi phấn khởi bỏ quần xà lỏn và cái khăn vào cặp. Đến giờ bơi, tôi thay quần, vắt khăn lên vai, hớn hở vào hồ bơi. Tôi mường tượng cảnh tôi và khoảng mười mấy đứa nữa là cùng, biết đâu sẽ có nhiều gái hơn trai, sẽ vùng vẫy, tạt nước, lặn ngụp trong một tiếng đồng hồ cho thoải mái rồi đi học tiếp. Còn gì bằng! Nhưng khi bước qua cửa, tôi chẳng thấy ma nào ở dưới nước. Nhìn qua bên kia hồ, tôi thấy khoảng mười mấy đứa Mỹ, trắng bóc, trai có, gái có, đứa nào cũng mặc đồ Speedo màu xanh bó sát người như đồng phục. Còn tôi ở bên này hồ, mặc quần xà lỏn bóng đá màu cam với “ba gạch Addidas” nổi bật! Tôi nghĩ mình vào lộn lớp rồi, nhưng tôi nhớ rất rõ là giờ bơi của mình là giờ này mà. Thôi kệ, mình đã vào đây rồi, biết làm sao đây.

Thấy một thằng nhóc da vàng, tóc đen, mặc quần xà lỏn cam bước vào, bọn Mẽo kia nhìn tôi như nhìn thấy người ở hành tinh khác mới xuống vậy. Sau một vài giây há hốc, chúng xì xào bàn tán với nhau cái gì đó. Tôi tìm một góc đứng xó ró một mình thì cánh cửa tung ra: Một người lớn xuất hiện với cái kèn trên cổ, chắc ổng là huấn luyện viên. Ổng nói bí ba bí bô gì đó tôi không hiểu lấy một chữ, và khi ánh mắt ông ấy quẹt đến tôi thì tôi thấy rõ sự ngạc nhiên trên mặt của ổng trong vài giây, rồi ổng quát tiếp. Tôi không nghe ra được một chữ nào, nhưng nghĩ cứ tụi kia làm gì thì mình làm nấy là được.

Điểm danh xong, tụi nó sắp thành 4 hàng ở một bên hồ. Tôi đi theo tụi nó, lựa hàng có nhiều đứa nhỏ nhất mà đứng vào ... chót. Ông ta lại bí bô một tràng nữa, rồi một tiếng kèn reo “toét”. Lập tức thằng đứng đầu nhảy xuống nước, rồi trồi lên ở giữa hồ, quạt tay vài cái thì “toét” tiếng nữa, thằng kế tiếp nhảy xuống và bơi qua bên kia hồ, rồi đứa kế tiếp. Qua đến bên kia, bọn nó trèo lên bờ, đứng chờ.

Rồi cũng đến lượt tôi. Tôi ùm xuống nước, ngóc đầu lên ngay lập tức, quạt tay đạp chân, hì hục bơi làm sao cho đến được bên kia. Tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra, chỉ nhớ qua đến bên kia hồ là đã mệt nhoài, mắt mờ đi (tôi không có kính bơi). Tôi không ngờ mình có thể bơi xa 
được đến như thế, và rất hãnh diện với bản thân vì đã làm được một việc ghê gớm mà tôi chưa bao giờ dám làm! Tôi thở hổn hển, trèo lên chưa xong thì “toét” cái nữa. Tôi vừa quay lại thì thằng thứ nhất đã bơi qua nửa hồ rồi. Rồi "toét, toét, toét", lần lược chúng nó nhảy xuống bơi qua bên kia hết. Tôi rã rời, nhưng không biết làm gì hay nói gì được, đành liều nhảy xuống theo bọn nó luôn. Qua đến bờ bên kia thì thảm kịch lại tái diễn và cứ lặp đi lặp lại ít nhất cũng nửa tiếng, nhưng với tôi nó là thiên thu! Bơi xong, trong khi đi sang lớp học, tôi quỵ xuống vì chuột rút. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ vất vả tới như vậy. Tôi ráng xoa bóp cho đỡ rồi đi tiếp.

Cứ như thế, ngày nào cũng như ngày nào, tôi cứ vào lớp bơi mà lãnh đòn.

Vài tuần sau, khi có dịp nói chuyện với mấy đứa trong lớp, tôi mới biết tụi nó thuộc đội bơi của trường. Thường chúng nó tập sau giờ học mỗi ngày, nhưng muốn bơi thêm nên chúng nó mới vào đây. Vậy là tôi, một thằng không biết bơi, mà nhập chung với dân chuyên nghiệp! Tôi tính xin đổi lớp nhưng không biết nói ra sao nên đành cắn răng chịu đựng.

Tuổi trẻ mầu nhiệm làm sao. Mỗi ngày tôi bơi một khá hơn. Bụng lúc nào cũng đói. Có mệt thì ngày hôm sau phục hồi liền, mà còn khỏe hơn nữa. Nhưng tôi vẫn là thằng hạng chót, bơi không bằng ai. Nhiều đứa khinh tôi vì tôi quá dở, nhưng cũng có vài đứa tội cho tôi, còn ông huấn luyện viên thấy tôi chịu khó, không một lời than thở hay cằn nhằn như đám khác, nên ổng để cho tôi “vương vấn”.

Đến cuối năm học, có mấy đứa khuyên tôi nên thử vào đội bơi. Năm học sau tôi 
thử xin vào đội bơi và đã được tuyển. Tôi bơi không bằng ai, nhưng môn ếch thì không ai bằng tôi. Có lẽ cũng nhờ bà dì tôi dạy cho hồi nhỏ nên tôi quen đạp và có cú đạp ếch rất mạnh – thế thì tôi đi chuyên ếch, rồi từ từ tập thêm bướm. Rồi vì khá hai môn này nên tôi thêm môn bơi phối hợp luôn (Individual Medley).


Ở tuổi teen thì sức càng ngày càng khỏe thêm. Vì có ý chí và không nản cực nhọc, không than thở, tôi bơi càng ngày càng khá hơn. Vào năm sau, tức là năm lớp 12, tôi phá kỷ lục bơi ếch của trường tôi và được vào chung kết thành phố.

Từ một đứa bọt bèo bị chê bai, lúc này ai cũng muốn làm bạn với tôi(*). Trước kia tôi nghĩ mình không phải là dân thể thao, nhưng kinh nghiệm bơi lội cho tôi thấy là mình không thử làm sao biết được. Nhờ bơi lội mà tôi đã tự tin mình hơn, và từ đó tôi thử chơi nhiều môn khác và thấy là mình cũng có máu thể thao, “văn võ song toàn” chứ không phải là thư sinh như hồi xưa mình đã nghĩ. 


Nếu ai có hỏi làm cái này thế nào, bắt đầu cái kia ra sao, theo kinh nghiệm của tôi thì nhiều khi tôi chỉ muốn khuyên là Just Do it! 


(*) Bên Mỹ, bạn sẽ không có chỗ đứng trong giới bạn bè nếu bạn không rành một môn thể thao nào, cho dù bạn học rất giỏi (NST).

Hình vui: "Cũng như" bạn Scerpio hồi đầu, du khách này đang "thách đấu" với các VĐV lò võ Bình định (hình do anh Đỗ Nghĩa cung cấp).

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Sóng ma hay sóng sát thủ trên đại dương

(sưu tầm, trích)

Vào một ngày trời quang mây tạnh, trên bề mặt đại dương đột ngột xuất hiện bức tường nước cao từ mười tới ba chục mét – bạn đã gặp “sóng ma” hay “sóng sát thủ”.

Trong 500 năm qua, các nhà thám hiểm và các thủy thủ vẫn kể về những con sóng xuất hiện trên đại dương mà không hề có dấu hiệu báo trước. Chúng đủ cao và đủ mạnh để có thể lật úp các con tàu đồ sộ.

Tàu SS.Waratah, dài 150m, Australia, năm 1909 bị mất tích trên đường tới Nam Phi cùng 211 người. Tàu chở hàng MS.München, Đức, ngày 7/12/1978 bị mất tích khi đi từ cảng Bremerhaven tới Gruzia. Tàu chở hàng SS.Edmund Fitzgerald, dài 220m, Mỹ, bị đắm ngày 10/11/1975 ở Hồ Lớn, Bắc Mỹ. Sự giống nhau là tai nạn đều xảy ra vào một ngày biển lặng, gió êm (tức không có dấu hiệu báo trước). Họ không hề gặp bão (bão luôn được báo trước vài ngày). Họ đã gặp “sóng ma”?

Tới tận đầu thập niên 90, người ta vẫn cho rằng “sóng ma” chỉ là sản phẩm của ảo giác, bởi có quá ít chứng cứ về sự tồn tại của nó.

Nhưng vào năm 1995, giàn khoan dầu trên Biển Bắc đã ghi được hình ảnh một con sóng cao 25,6m đột ngột xuất hiện. Năm 2000, tàu nghiên cứu đại dương, Anh, đã ghi nhận một con sóng cao 29m gần bờ biển Scotland. Năm 2004 vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện những đợt sóng cao hơn tòa nhà 10 tầng trên đại dương. Rồi tàu Louis Majesty bị hư hại nhẹ khi bị con sóng cao 10m đột ngột tấn công trên vùng biển Tây ban nha.

Sóng trên đại dương sẽ hình thành khi có gió thổi trên mặt nước, gió càng mạnh thì sóng càng cao, và bão lớn có thể tạo nên bức tường nước cao tới tận chân mây – nhưng không phải là sóng ma. Sóng thần chỉ thể hiện sức mạnh của nó khi chạm vào đất liền – nó không tạo nên sóng ma. Núi lửa đang hoạt động dưới đáy biển thì hoàn toàn có thể khảo sát, đo, đếm được.

Một số nhà khoa học cho rằng sóng ma có thể sinh ra bởi sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như gió mạnh và dòng biển di chuyển nhanh, thậm chí những con sóng nhỏ cũng có thể tạo nên bức tường nước khổng lồ nếu chúng “biết” kết hợp với nhau. Một sự thay đổi trong tốc độ gió cũng có thể gây nên sóng ma – bằng chứng là một số vùng biển có các dòng biển mạnh trên đại dương, như khu vực gần bờ biển châu Phi, đã xuất hiện nhiều sóng ma hơn những vùng biển khác.

Gần đây, trường Đại học Turin, Italy, và Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, đã tiến hành mô phỏng trên máy tính, cho thấy làm cách nào để có thể hình thành sóng ma, khi những con sóng đại dương bình thường chạm phải một Hải lưu mạnh đang chảy theo hướng ngược lại. Quan điểm của họ là một xung gồm ba hoặc bốn con sóng như vậy sẽ thành một breather (vùng/điểm hội tụ).

Họ mô phỏng với loại sóng phẳng thường thấy trên đại dương: Đỉnh sóng 2,5m truyền đi theo một hướng nhất định. Những con sóng này sẽ gặp Hải lưu chảy theo hướng ngược lại. Khi các sóng phẳng truyền từ vùng không có Hải lưu sang vùng có Hải lưu, chúng cắt qua một gradient dòng chảy. Sự va chạm với gradient đó làm năng lượng của sóng phẳng tập trung vào một vùng rất nhỏ, gây ra sự mất cân bằng ở sóng phẳng, làm kích hoạt sự xuất hiện của một breather. Mô phỏng cho thấy sự hình thành breather có thể xảy ra khi những sóng phẳng có chu kì khoảng 10s – một điều kiện điển hình trong một cơn bão – gặp phải một Hải lưu chảy với vận tốc 1,5m/s, một tốc độ “phổ biến” của các Hải lưu.

Viện Vật lí ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng đồng ý về lý thuyết hình thành các breather nói trên, và cho rằng quá trình nói trên có xảy ra trong những vùng có gió thường niên thổi ngược chiều với Hải lưu.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Bão Nhiệt đới trên Biển Đông - khái niệm

Theo nhiều nhà khoa học:

Bão là hiện tượng gió mạnh kèm theo mưa rất lớn do có sự xuất hiện và hoạt động của các khu áp thấp khơi sâu. 
Bão biển Nhiệt đới (Tropical cyclone, Tropical storm) có gió mạnh hơn 63 km/h (gió cấp 8). Nếu dưới 63 km/h gọi là áp thấp nhiệt đới (Tropical depression). Nếu gió mạnh hơn 118 km/h (cấp 12) gọi là bão to hay cuồng phong. Còn siêu bão thì ... rất to.

Tên gọi của bão theo khu vực phát sinh: Bão hình thành trên Đại tây dương gọi là Hurricanes,  trên Thái bình dương gọi là Typhoons, trên Ấn độ dương gọi là Cyclones.

Điều kiện cơ bản để hình thành bão là nhiệt độ cao và những vùng dồi dào hơi nước. Nhiệt độ cao sẽ làm cho hơi nước bốc lên mạnh và bị đấy lên cao, tại khu vực đó một tâm áp thấp sẽ hình thành. Do sự chênh lệch khí áp, không khí ở khu vực lân cận sẽ tràn vào. Tại tâm bão (mắt bão), không khí chuyển từ trên xuống dưới, xung quanh tâm bão không khí bốc mạnh lên cao, ngưng tụ thành một bức tường mây dày đặc, tạo ra những cơn mưa cực lớn và gió xoáy rất mạnh. Khi đi vào đất liền hoặc vùng biển lạnh ở các vĩ độ cao, bão mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, cộng với đó là ảnh hưởng của lực ma sát với mặt đất nên  suy yếu dần và tan đi.

Cấu tạo của bão: gồm mắt bão (the eye), thành mắt bão (the eyewall), dải mây (rainbands) và lớp mây ti dày đặc phía trên (the dense cirrus overcast).

Đặc điểm bão ở Biển Đông: 
Là bão Nhiệt đới (Tropical storm), thường xảy ra vào những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng có thể vẫn còn đến tháng 1. Vào giữa mùa gió Đông Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội và kéo dài trong nhiều ngày.

Triệu chứng như sau: Trời oi, khí áp xuống nhanh. Trên bầu trời xuất hiện những mây cao như bó lông, bay nhanh. Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một lớp mây rất mỏng, mặt trời chung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt. Sau đó đến lượt những mây thấp có hình vẩy cá. Rồi đến một lớp mây đen, dày, ở cao khoảng 3.000m, tất cả trở nên đen, u ám. Mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống nhanh. Trần mây thấp dần xuống (100m hay 50m), mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn. Bão đã tới.

Phán đoán bão và gió mạnh theo kinh nghiệm dân gian Việt nam:

Trạng thái bầu trời:

Bầu trời quang đãng, không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió, kéo dài vài ba ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích (loại mây tầng cao, độ cao khoảng 7 km trở lên, gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn) hội tụ về một hướng chân trời. Sau mây tầng cao xuất hiện mây vũ tích (loại mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, giới hạn trên thường nhẵn lì hay dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây thấp rách xác xơ), gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy bão có thể đang di chuyển từ hướng đó tới. 
Chớp xa xuất hiện liên tục, đều đặn. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão hoạt động. Trước khi bão tới thường xuất hiện chớp ở hướng Đông-Nam.

Kinh nghiệm của người dân vùng ven biển Bắc Bộ: Sáng sớm nhìn về phía Đông thấy mây ti tích dạng “vẩy tê tê” di chuyển từ phía Đông về phía Tây là dấu hiệu cho thấy có khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. (Khá phù hợp với thực tế của mây bão, vì mây ti tích ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão).

Trạng thái mặt biển: 

Sự xuất hiện của sóng lừng, hướng lan truyền của sóng không trùng với hướng gió là dấu hiệu cho thấy có bão hoạt động ở cách xa hàng trăm km. Nhìn chung, hướng lan truyền của sóng gần trùng với hướng di chuyển của bão. Tuy nhiên sóng lừng có thể không xuất hiện ở những vùng biển quá gần bờ hoặc có nhiều đảo. 
Mặt biển từ trạng thái lặng chuyển dần sang trạng thái động, mức độ tăng dần.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Lặn thâm nhập Blue Hole ở Vịnh Aqaba, Hồng hải – không phải lúc nào cũng thi vị

(theo baodatviet, trích)
 
Không có những rặng san hô đẹp và cũng không có nhiều cá, nhưng Blue Hole ở Vịnh Aqaba, Hồng Hải, vẫn là cục nam châm thu hút thợ lặn đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều thợ lặn thám hiểm đã mất mạng ở đây trong vài năm qua và thợ lặn Tarek Omar chính là người đưa thi thể của họ lên mặt đất.

Tarek Omar nhớ nhất là chuyện của hai thợ lặn đầu tiên mà ông kéo lên: “Hai người xấu số đó là Conor O'Regan và Martin Gara, đều là người Ireland. Cả hai đã chết đuối ở đây ngày 19/11/1997. Họ chỉ 22 - 23 tuổi. Tôi tìm thấy thi thể họ ở độ sâu 102 mét”.

Đi dọc theo một con đường bụi bặm, Omar dừng lại trước phiến đá cẩm thạch màu đen khắc dòng chữ "Tưởng niệm”. Trên vách đá gắn nhiều tấm biển: “Yuri, người Nga, chết đuối ngày 28/4/2000 ở độ sâu 115 mét”,  “James, chết ngày 1/6/2003 ở độ sâu  135 mét”,…, trông giống như một nghĩa trang của thợ lặn. Có 14 bia đá tưởng niệm những thợ lặn đã mất mạng ở đây, một vực nước xanh thẳm có đường kính khoảng 80 mét, nằm giữa các rặng san hô. Vực nước này trông giống như một cái giếng thẳng đứng. Nó có một ngách ngang chui qua các rặng san hô để ra biển lớn.

Blue Hole được coi là điểm lặn nổi tiếng nhất thế giới  bởi vì nó nguy hiểm nhất. Thật dễ dàng khi tiếp cận Blue Hole vì người ta có thể nhảy từ bãi biển xuống "vũng" nước xanh này, và chính vì thế mà nó đã trở thành một cái bẫy nguy hiểm đối với thợ lặn ít kinh nghiệm lặn thâm nhập nhưng thích phiêu lưu mạo hiểm. 

Hơn 130 thợ lặn đã mất mạng ở Blue Hole trong vòng 15 năm qua. Ông so sánh những gì đang xảy ra ở Blue Hole với những người chinh phục đỉnh núi Everest cao nhất thế giới.

Không một ai hiểu Blue Hole này hơn Omar. Ông là người đầu tiên khám phá vùng nước này và vẫn giữ kỷ lục về lặn sâu ở đây: 209 mét. Omar Omar, 47 tuổi, thuộc bộ lạc Bedouin, là người thuộc một ngôi làng gần biên giới Libya. Ông đến Dahab năm 1989 để tìm việc làm. Năm 1992, Omar học lặn và sau đó làm huấn luyện viên lặn, và đảm nhận thêm một sứ mạng thiêng liêng là đưa xác những người thợ lặn xấu số lên mặt nước để họ về với gia đình.

Người dân địa phương ở Dahab kể về truyền thuyết linh hồn một cô gái đã lôi kéo thợ lặn chết theo để có bạn. Cô là con một vị tướng, người đã buộc con gái mình phải trẫm mình xuống Blue Hole. Thợ lặn Omar quả quyết: "Tôi biết rõ mọi ngóc ngách của Blue Hole và không nhìn thấy bất cứ điều gì - không có quái vật và cũng không có nàng tiên cá”.

H: Khu vực rộng 24m của một hang ngầm dài 10km ở Bahamas (để minh họa)

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lặn biển Fiji với cá mập

(sưu tầm, trích)

Fiji là quốc gia gồm hơn 300 đảo ở Nam Thái Bình Dương, với 2 đảo lớn là Viti Levu và Vanua Levu. Lặn biển Fiji mang đến cho du khách cảm giác phiêu lưu khi đối diện với nhiều loài cá lớn, đặc biệt là cá mập.

Điểm lặn biển với cá mập tốt nhất là từ cảng Pacific, cách sân bay quốc tế Viti Levu vài giờ lái xe. Hướng dẫn viên (HDV) chỉ cho du khách cách gọi cá mập rất hiệu quả, đó là nhử bằng cá chết xắt miếng.

Quỳ dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 30 mét đã được thả mồi, du khách lập tức đếm được hàng chục con cá mập Bò bơi vòng quanh, phía trên nữa là hàng tá cá mập Đốm đen ... đang háo hức chờ ăn. Giữa khung cảnh đáng sợ đó, du khách có thể cảm nhận được làn nước chuyển động sau mỗi cái quất đuôi của chúng. Cá mập được HDV cho ăn theo từng độ sâu khác nhau. Loài nhỏ như cá mập đốm đen và đốm trắng cho ăn ở độ sâu khá nông nhưng loài lớn như cá mập Bò phải sâu hơn. Dưới góc độ khoa học, việc cho cá mập ăn có thể làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của chúng, nhưng không thể phủ nhận tính hiệu quả của nó trong việc lôi kéo cá mập đến.

Ngoài áo lặn, du khách (nếu muốn) sẽ được mặc thêm áo lưới kim loại. HDV rút từng mảnh cá vụn ra khỏi túi, vẫy từng con cá mập đến gần và cho chúng ăn ngay trên tay họ. Những con cá mập nhỏ thì nhút nhát và cần một chút khích lệ, dẫn dụ. Đáng ngạc nhiên là chúng thường xếp hàng lần lượt đến ăn cá trên tay HDV. Du khách nhìn rõ mồn một cái bụng trắng toát của chúng lướt qua trên đầu mình. Cá mập Bò là loài cá dữ nhưng nhút nhát, chỉ thỉnh thoảng chúng mới đụng vào những thức ăn được thả ra.

Dean Grubbs, chuyên gia về cá mập Đại học Florida, cho biết, đó có lẽ là cách tiếp cận với cá mập bò an toàn nhất. Trong nước sâu và trong, nơi chúng không nhầm lẫn con người với con mồi. Thêm vào đó, việc cá mập tự bơi đến là tín hiệu tốt, điều ấy cho thấy chúng không bị làm phiền và sẽ không có biểu hiện hung dữ, hay đột ngột tấn công người.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lặn vo bắn cá ở sông Nhật lệ

(Bài của một phóng viên, trích)

Các con sông ở miền trung tuy không sâu nhưng sự biến động dòng chảy rất phức tạp và ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm cho thợ lặn chuyên nghiệp. Lặn ở các sông này phải có những kỹ năng chuyên biệt (lời anh Cù Sinh Huy – Sỹ quan Không quân, nguyên thợ lặn vo kiếm sống bán chuyên nghiệp ở Hà tĩnh).

Khi tôi (phóng viên) tò mò tìm hiểu về nghề săn cá, Vượng, 23 tuổi, với thâm niên gần 10 năm trong nghề săn cá, cho tôi xem: Chỉ gồm khẩu “súng” gỗ thon dài cỡ 80 cm, nặng chừng một kí. Hai phần ba thân súng phía đầu nòng cột bốn sợi thun “dép râu”, đuôi súng có một thanh hãm làm cò. Hai mũi tên nhọn hoắt, nhỉnh hơn chiếc đũa ăn, dài một mét, bằng inox. Mũi tên có ngạnh sắc dùng để bắn cá dưới 10 kí, còn mũi tên không có ngạnh dùng để bắn cá to hơn. Sợi dây thép nhỏ cột vào đuôi mũi tên, có gắn hai cục phao to bằng hai nắm tay làm hiệu, để khi tên găm vào cá, nó bỏ chạy, nhưng với sợi dây cột vào mũi tên, chúng sẽ không thoát. Ngoài ra là chân nhái và kính lặn.

Với dụng cụ này, Vượng đã hạ không biết bao nhiêu cá. Tuệ, em trai Vượng, phụ việc kiêm học nghề, cho tôi hay, Vượng là thiện xạ số một và kình ngư số một trong nghề này. Vượng chính thức kế nghiệp bố kể từ sau khi ông bố qua đời. Vùng Quán Hàu ai cũng biết đến tài bơi, lặn của anh. Hơi lặn của Vượng làm người trên bờ cứ tưởng anh đang trải chiếu nằm dưới đáy sông. Tôi hỏi sao không dùng bình ôxy, Vượng nói “mang bình ôxy bị dòng chảy cản dữ lắm, chỉ có nước lặn “tay bo”, với lại dùng bình ôxy sẽ tạo bong bóng khí nên cá sợ bỏ chạy”.

Vượng thích chinh phục độ sâu của sông. Khu vực nước càng sâu, càng tĩnh lặng thì càng có nhiều loài cá to trú ngụ. Làm nghề này chẳng phải ngày nào cũng gặp cá vì phải bám vào con nước. Khi nước đục sẽ không thấy cá và bắn không chính xác. Bắn trượt sẽ kinh động bầy cá, lần sau gặp lại chúng sẽ bỏ chạy.

Anh đã nhiều lần hạ được cá hàng chục kí. Năm kia (2005) hai anh em Vượng vòng đường biển đến cầu sông Gianh, sâu 5 sải nước, nằm phục dưới mố cầu gần nửa ngày mới hạ được chú cá trồi (cá vược) nặng 35 kí, phải vật lộn gần một giờ mới lôi được nó lên thuyền. Vượng nói, cá vài chục kí trúng tên có thể kéo thuyền đi hàng chục mét. Những vực sâu, bến cảng ở Quảng Bình, Vượng đều đã lui tới. Săn ở vùng Thanh Khê, sông Gianh, là đã nhất. Ngay dưới chân cầu Gianh, cá to và hầu hết là những loài có giá cao như cá nâu, cá vược, cá hênh, cá hồng. “Ở đấy không gặp thì thôi, chứ gặp thì phải cỡ 20 – 30 kí trở lên, đưa được một con lên bờ có giá vài ba triệu chứ ít đâu. Vả lại “đầu ra” lúc nào cũng thuận lợi, đám nhà hàng giành nhau mua”.

Còn sông Nhật Lệ thì không đâu họ không tới. Khúc sông dài gần 20 km có cá 2 – 3 kí, đôi khi 10 –15 kí. Khu vực quen thuộc là chân cầu Quán Hàu, ngã ba Trần Xá, hay ngược lên sông Đại Giang ngay chân cầu Long Đại. Những loài cá to chỉ thích môi trường yên tĩnh, ở quanh các mố cầu, các hang hốc, vực sâu, nên phải mất nhiều sức. 

Anh kể lại những tình huống oái oăm: … Khi gặp cá quá to, nó cứ nhìn trừng từng vào mũi tên, đối mặt nó thậm chí bị “khớp”, trong khi mình phải đến thật gần. Cá cỡ trên 15 kí bị tên găm vẫn vùng vẫy chạy thoát. Con cá chạy quấn vào đá, cứa đứt sợi dây, thế là “xôi hỏng bỏng không” ... Tối kỵ khi bắt cá vược là không để tay vào mang của chúng, cái mang sắc ngọt như dao, có khi cứa đứt lìa bàn tay ... Cá bị trúng tên rồi thế nào cũng chết, nhưng mất công bám theo chúng. Cá mà thoát, nếu vào chài lưới nhà nào thì nhà đó hưởng. Cá mình bắn có mũi tên làm chứng hẳn hoi, nhưng mà chim trời cá nước, ai gặp nấy hưởng.


Hình: Sát thủ lặn vo bắn cá.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Cảm nghĩ về lặn scuba giải trí

(lời góp của bạn lặn)

Thợ lặn thứ nhất:

Tôi Montreal. Tôi là một quản trị viên khá thành công trong ngành công nghiệp IT sân bay. Tôi có hai con, đứa lớn 25 đứa bé 18 tuổi. Niềm đam mê của tôi khúc côn cầu, bóng đá, khiêu vũ, và cuối cùng, nhưng chắc chắn không hề thua kém, đó là lặn scuba.
Trước kia, tôi cho là mình quá bận rộn nên không thể dành thời gian cho thể thao. Nhưng nay tôi đã quyết định phải thêm một chút gia vị cho cuộc sống, cũng để cân bằng trong công việc ngày thường.

Thợ lặn thứ hai:

Tôi đã thấy rằng chúng ta có niềm đam mê chung, đó là lặn scuba.

Sau khi
lanh quanh tìm hiểu để cố gắng tìm được một cái đó mới, tôi đã đến với môn lặn scuba, cùng với những kinh nghiệm tuyệt vời, thú vị và chắc chắn một đề tài thường xuyên mỗi khi chúng tôi tới văn phòng. Một người bạn của tôi cuối cùng đã thuyết phục được tôi. Rồi chúng tôi tham gia và hoàn thành khóa học lặn (rất quan trọng phải không, các bạn). Chúng tôi đã trải qua nhiều giờ học thú vị và quan trọng. Chúng tôi đã thở hơi đầu tiên dưới nước, tại hồ bơi, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Một cảm giác thật đặc biệt.

Dưới độ sâu 60 feet, tại vùng Saint Lawrence Seaway Canada, chúng tôi khảo sát một xác tàu đắm. Nó đứng yên lặng, trong vinh quang bất diệt. Chúng tôi khảo sát chiếc Gaskin Robert, một xà lan bằng gỗ mà số phận của nó đã bị định đoạt vào năm 1889. Nó vẫn còn nguyên vẹn. Vậy đó, chúng tôi đã lặn với nhiều loại hình khác nhau, mà một c thực thụ cũng không thể có nhiều sự kiện tới như vậy.

Trong những năm qua, kể từ
khi có bằng lặn, chúng tôi đã lặn Carribean, Mexico và một số vùng nhiệt đới khác trên thế giới. Và trong cùng thời gian đó, chúng tôi đã cảm nhận được những cách sống, và cảm nhận các nền văn hóa của những địa phương mà chúng tôi đã tới.

Chúng tôi có mục tiêu dài hạn là đầu tư điều hành một câu lạc bộ lặn một nơi nào đó trong vùng biển Caribbean, nơi mà chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ hội để gặp các bạn trong một ngày nào đó.đến thời điểm đó, chỉ cần thế thôi là chúng tôi đã đủ để để chia sẻ niềm vui của lặn scuba, và tiến hành những cuộc du lịch giao lưu giữa chúng tôi với các bạn. Chúng tôi cũng hy vọng kinh nghiệm lặn của chúng tôi và của các bạn sẽ được thông tin giá trị cho nhau.

Hình (không liên quan bài viết): Thợ lặn và phi công vũ trụ - ai khoái hơn ai? 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Một chút về biển Nha trang

(bài của anh Đỗ Nghĩa)

Giang Bay cách Nha Trang chừng hơn bốn chục cây số về phía Tây Nam. Đó là một điểm du lịch mới được đưa vào chương trình được vài năm nay. Khu du lịch Giang Bay gồm một tổ hợp du lịch đang được hoàn thiện trên điểm nhấn là dòng thác Giang Bay, nơi thượng nguồn của con sông Cầu.

Ai ơi chớ nhầm lẫn thị xã Sông Cầu ở gần đó của tỉnh Phú Yên, hàng xóm Khánh Hòa và cũng không có bà con với con sông Cầu nước chảy lơ thơ của xứ quan họ Kinh Bắc. Dòng thác Giang Bay nằm giữa khu rừng nguyên sinh nơi những người dân tộc Raglai sinh sống thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, hòa cùng các dòng suối khác làm nên con sông Cầu, đổ về sông Cái rồi chảy qua thành phố Nha Trang xinh đẹp để ra nơi cửa biển.

Tới Giang Bay, du khách có một vài thú vui như câu ở trại cá sấu nước ngọt, là câu giỡn chơi cho cá sấu ngáp và cười, hoặc coi đua heo, hay chơi với đám đà điểu, xem trại gấu ở đây nuôi đã từ lâu. Bạn cũng được thưởng thức giàn nhạc dân tộc, đàn đá Khánh Sơn hay ngồi quán ven suối nhâm nhi thịt cá sấu, thưởng thức món đà điểu của nơi đây nuôi được. Các bạn trẻ lên tới đỉnh thác, kiếm một tảng đá lớn bày ra những món ăn ta mang theo từ nhà và cây đàn ghi ta để hội hè. sau rồi thả mình dưới hồ nước trong mát dưới kia. Khỏe mạnh và ưa khám phá, ta đi sâu thêm vào khu rừng nguyên sinh tìm hiểu các loài thảo mộc, để bất chợt nghe tiếng chim gọi bạn và những tiếng ve chợt rộ lên thưa thớt cuối mùa Hè. 

Dòng thác Giang Bay không lớn lao hùng vĩ, đủ làm một chỗ vui chơi, thư giãn. Nếu được khai thác thêm, tiềm năng khu du lịch Giang Bay còn có nguồn suối nước nóng, nước khoáng và tắm bùn hay những khám phá trong khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn đằng xa kia, khu du lịch này sẽ là hấp dẫn.

Đi ca nô sau mười phút từ cảng Cầu Đá là ra tới Hòn Tằm, hòn đảo mang hình dáng một con tằm quay đầu ra biển, nên được mang tên vậy. Hơn mười năm trước là đảo hoang, nay Hòn Tằm được đầu tư thành một khu vui chơi và nghỉ dưỡng hợp lý.

Ai đó ham mê khám phá đại dương thì đi lặn biển. Có thể lặn biển ở đâu đó, nhưng tốt nhất ta đến Hòn Mun, nơi nước sâu, xanh ngắt và có những vỉa san hô cùng nhiều sinh vật biển. Mang vào mình một bình khí, choàng thêm chiếc thắt lưng chì nặng trĩu, mang kính lặn vào rồi lao xuống đại dương sâu hút để ngắm nhìn những đàn cá muôn vàn màu sắc bơi lội tung tăng quanh mình. Ta sẽ phát hiện được lòng biển khơi thật là sặc sỡ và kỳ ảo. Những dải san hô đủ màu loe ngoe và các chú cá con bạo dạn, coi ta như bạn. Nhưng ai ơi, nhớ tránh ve vuốt giỡn đùa những nàng san hô sặc sỡ ấy nhiều bởi đôi khi sẽ gặp cô nàng khó tính, gây ngứa cho ta. Ngày biển êm, thích nhất là lấy một chiếc thuyền kayak bơi đi chơi tung tăng ra thật xa. Mệt rồi, ngả lưng trên thuyền, thả mình giữa vịnh ngắm trời mây, chỉ mình ta với trời với nước, không một tiếng động đời. 

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bơi lội – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P4)

(bài của anh misamainguyen, (tiếp theo)

Mỗi một nhịp quạt tay cần có một pha nghỉ :

Hãy nhớ: ĐÂY LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT. Đôi vai bạn hay bất cứ cơ phận nào, ngoài cơ tim, đều không thiết kế cho việc vận động liên tục 2-3 giờ đồng hồ. Kể cả cơ tim cũng có pha (phase) nghỉ của nó. Hãy nhớ rằng: Dù bạn bơi sải, ếch, hay kể cả bướm, cũng phải có ít nhất một pha nghỉ dù chỉ trong 0,5 giây – đó là lúc cơ phận của bạn hoàn toàn thả lỏng. Khi có pha nghỉ này thì dù bạn vận động cả tiếng đồng hồ bạn vẫn thấy bình thường, nếu không chỉ 5 phút là hết chuyện – bạn cứ thử giơ ngang tay 5 phút là thấy rõ.

Khi bơi ếch, bạn dễ dàng tìm thấy pha nghỉ này, đó là ngay sau khi bạn quạt tay, tay giơ ra phía trước và tập trung cho chân đạp ếch. Nhưng bơi sải thì hơi khác, VẬY PHA NGHỈ CỦA TAY SẢI NẰM Ở ĐÂU ? Nói luôn cho dễ nhớ: đó là khi tay của bạn vươn thẳng ra hết phía trước và nằm ngay song song mặt nước. Lúc đó bạn đừng quạt (ôm nước) ngay, mà hãy mặc kệ, hãy thả lỏng toàn bộ cánh tay (vẫn duỗi thẳng nhé), khi đó cánh tay bạn sẽ chìm dần xuống nước (trong khi tay kia đang bắt đầu quạt và ôm). Khi tay bạn chìm trong nước tạo thành một góc 45 độ là lúc thích hợp nhất để ôm nước vào rồi đó. Trong 4 pha của tay, bạn đã có 1 pha nghỉ, cánh tay đã tái sản xuất sức lao động đầy đủ, sẽ phục vụ bạn tận tình và trung thành trong 3 pha kia.

Đây là điều quan trọng nhất trong bơi sải: BẠN PHẢI TÌM ĐƯỢC 1 PHA NGHỈ để cơ tay hồi phục, hay làm chính xác (như tôi nói ở trên) thì bạn sẽ không bao giờ phải lên internet hỏi rằng "tại sao tôi luôn bị mỏi vai khi bơi sải ?". Tất nhiên bạn sẽ mỏi, nhưng là sau khi bơi 2 km đàng hoàng ở bể và đã về nằm nghỉ ở nhà trước bữa cơm tối
.

Nói thêm vê quạt tay sải: Quạt sải gồm 4 pha (phase) tính từ lúc tay thẳng hoàn toàn ra phía trước:

- PHA 1: THẢ CHÌM TAY (pha nghỉ) tay thả chìm dần trong 1,5-2 s đến khi tạo thành 1 góc 45 độ so với phương mặt nước.
- PHA 2: ÔM NƯỚC: khi cánh tay thẳng tạo thành 1 góc 45 độ so với cơ thể (cũng là mặt nước) rồi, thì cổ tay giữ thẳng, bàn tay khép, khủy gập, tay ôm mạnh về phía bụng, kéo nước từ đầu xuống bụng, đến ngang rốn.
- PHA 3: VUỐT NƯỚC: Khi tay ôm đến ngang rốn, bàn tay sát gần rốn nhất, thì tiếp tục duỗi thẳng khủy, vuốt nước ra sau đến khi bàn tay sát với hông - xương chậu, hoặc đùi.
- PHA 4: VƯƠN TAY: ngay sau khi tay ở vị trí hông - đùi, thì rút tay rời khỏi mặt nước, mũi bàn tay LƯỚT trên mặt nước chạy thẳng tới trước trán 10-20 cm rồi duỗi thẳng trên mặt nước.
- TIẾP TỤC PHA 1.

Lưu ý: trong tất cả các pha, chỉ vai và khủy tay gập, cổ tay luôn giữ thẳng, bàn tay khép (như bàn tay người lính trong tư thế chào cờ). Mỗi khi cảm thấy mỏi vai, hãy nhớ cho vai thư giãn hoàn toàn trong pha 1 (bằng 1/4 thời gian vận động), bạn nhé.

Nếu bạn đã đọc đến đây, trước khi sang phần phụ (sẽ đăng, với tựa đề: 
CÁC KỸ THUẬT CẦN CÓ KHI BƠI ĐƯỜNG DÀI ), vui lòng đọc kỹ lại
ba kỹ thuật trên, và khi đã nắm vững được, bạn hoàn toàn có thể cải thiện được quãng đường bơi của mình gấp 5 hay 10 lần. Tất nhiên phải ít nhất 3 buổi vất vả để tự điều chỉnh.

Ba điều trên chính là nội dung Key của bài viết này, quan trọng đến mức tôi buộc phải nhắc lại một lần nữa:

A. ĐÔI CHÂN THÍCH ĐẬP THÌ ĐẬP KHÔNG THÍCH ĐẬP THÌ THÔI.
B. KHI MỆT NGHĨA LÀ BẠN ĐANG THIẾU OXY.
C. MỖI 1 NHỊP QUẠT TAY CẦN CÓ 1 PHA NGHỈ.

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tướng Giáp


Người nước ngoài gọi tướng Giáp là ngọn núi lửa phủ băng tuyết.
Người dân Việt gọi tướng Giáp là ông Thánh.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đường qua biển - Hiện tượng đặc biệt của tự nhiên

Đường qua biển – Điều kì diệu tưởng như chỉ có trong kinh thánh.

Hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này đều đặn diễn ra tại Hàn Quốc. Hai lần trong năm, thủy triều sẽ xuống thấp đặc biệt, và một dải dất dài 2,8 km, rộng 40 mét lộ ra, hình thành một “con đường” nối hai đảo Jindo và Modo với nhau trong vài giờ. Người ta có thể đi bộ trên “con đường” này.

Theo truyền thuyết của Hàn Quốc, ngôi làng ở Jindo bị cọp dữ tấn công và người dân phải chạy sang đảo Modo ẩn náu. Tất cả đều đã ra đi, trừ một bà cụ già bị bỏ rơi. Trong cơn tuyệt vọng, bà cầu nguyện, và ông trời của người Hàn quốc đã tạo ra con đường nối liền hai đảo để giúp bà thoát nạn.

Cây cầu của Rama.

"Cây cầu của Rama” hay “Ram Setu” hay “cây cầu của Adam”, nối liền Tamil Nadu, Ấn Độ, với Mannar, Sri Lanka. Người Ấn Độ nói rằng “cây cầu” dài 48 km này đã 17.000 tới 25.000 năm tuổi. Biển tại vị trí đó rất nông, chỉ từ 1 tới 10 mét tùy theo mùa.

Công trình huyền thoại này nay một dải đá vôi và bãi cát ngầm chỉ nhô lên khi thủy triều xuống. Theo những văn bản ghi chép tại những ngôi đền, con đường nổi thiên nhiên này trước kia đã tồn tại, nhưng đã bị một cơn bão mạnh (có thể là một cơn lốc xoáy) năm 1480 phá huỷ.

Nền văn minh Ấn độ ra đời khoảng 7.000 năm, cùng thời đại của những nền văn minh xuất hiện sớm, như Lưỡng Hà, Ai cập, Trung hoa. Tuy nhiên người Ấn Độ không chấp nhận quan điểm đó. Theo họ, nền văn minh Ấn Độ đã bắt nguồn từ những thời đại vô cùng xa xôi, vượt xa tất cả những trí tưởng tượng phong phú nhất của Tây phương.


Sử thi Ramayana của Ấn Độ nói về “chiếc cầu Rama”: Từ xa xưa, vua Rama đã xây một cây cầu bằng “đá nổi”, vượt qua eo biển để tấn công vua Ravena nhằm giải cứu nàng Sita, vợ của Rama bị Ravena bắt cóc. Ravena là kẻ tham lam vô độ, bị ám ảnh bởi sự giàu sang và quyền lực, chìm đắm trong dục vọng. Một cuộc chiến lớn đã diễn ra, và cuối cùng Rama đã chiến thắng, cứu được nàng Sita. Câu chuyện trở thành một biểu tượng chiến thắng của cái Tốt trước cái Xấu, cái Thiện trước cái Ác, của Ánh sáng trước Bóng tối.


H1. Đường qua biển ở Hàn quốc. 
H2-3. Đường qua biển ở Ấn độ.