Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Một số loại "biển đặc biệt"

1. Biển giữa lục địa.

Biển giữa lục địa thường ăn sâu vào đất liền, thông với đại dương bằng các eo biển hẹp, không để cho sự trao đổi nước với đại dương thật dễ dàng.
Những biển này có chế độ thủy văn nổi bật như: thủy triều không lớn, nhiệt độ nước từ độ sâu nào đó tới đáy biển có tính chất đồng kiểu. Độ sâu đó thường là nơi có các sống ngầm (đỉnh các dãy đồi, núi ngầm), phân cách những độ sâu lớn của đại dương.
Các loại biển giữa lục địa được hiểu bao gồm biển giữa các lục địa (giữa 2 hay 3 lục địa) như Địa Trung Hải, hay biển nằm trong một lục địa như biển Catxpien, biển Aral, biển Baltic.

2. Biển ven lục địa.

Biển ven lục địa tách với đại dương bằng chuỗi các đảo, đôi khi bằng các bán đảo. Quan hệ của những biển này với đại dương chặt chẽ hơn so với Biển giữa lục địa.
Tại các biển này, thủy triều từ đại dương vào thật dễ dàng, các khối nước biển có tính chất phù hợp nhiều với khối nước của đại dương tiếp cận, các hải lưu phụ thuộc nhiều vào hải lưu của đại dương.
Một số biển ven lục địa: biển Nhật Bản, biển Bering, biển Đông của Việt Nam.

3. Vịnh.

Theo Từ điển Dầu khí do Tổng Hội Địa chất Việt Nam xuất bản năm 2004 thì "Vịnh là vùng nước rộng ăn sâu vào đất liền, nơi đường bờ biển có dạng đường cong lớn. Vũng là vùng nước có những đặc điểm tương tự nhưng nhỏ hơn vịnh".
Theo “Từ điển Địa chất giải thích” (Nguyễn Văn Chiển và NNK, 1979) thì "Vịnh là phần biển ăn sâu vào lục địa, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể. Vũng biển là phần biển ăn sâu vào lục địa, nối với ngoài khơi thường chỉ bằng các khe, lạch không lớn... Vũng biển còn được gọi là vịnh nhỏ".

Tuy nhiên chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa "vịnh lớn" (Gulf), "vịnh" (Bay) và "vũng" (small bay) nên thường hay nói "Vịnh Bắc Bộ" (Gulf of Tonkin), "Vịnh Hạ Long" (Ha Long Bay), "Vịnh Bái Tử Long" (Bai Tu Long Bay) hoặc "Vịnh Cam Ranh" (Cam Ranh Bay).

Để phân biệt rõ hơn các khái niệm "vịnh lớn", "vịnh" và "vũng" và vũng, có thể tham khảo Từ điển Địa chất Mỹ xuất bản năm 1987, tái bản năm 2001. Theo đó thì "Vịnh (bay) là một vùng nước biển hay hồ rộng lớn, mở hoặc nằm giữa hai mũi nhô ven bờ hoặc các hòn, các đảo nhỏ ven bờ. Vịnh lớn hơn vũng (cove, small bay) nhưng nhỏ hơn, nông hơn những vùng nước biển và đại dương lớn được ôm bởi những vòng cung bờ biển dài thông với đại dương được gọi là vịnh lớn (gulf)".

Theo định nghĩa trên thì Vịnh Bắc Bộ là một vịnh lớn và bao gồm cả Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long (là hai vịnh nhỏ), còn vịnh Cam Ranh nên gọi là Vũng Cam Ranh.

4. Vụng. 

Vụng là những vịnh có kích thước không lớn, được bảo vệ chống sóng gió bởi các mõm nhô ra biển. Một số vụng ở Việt Nam: vụng Đà Nẵng, vụng Dung Quất, vụng Qui Nhơn, vụng Văn Phong...

5. Vũng cạn.

Vũng cạn là loại vịnh cạn ăn lõm sâu vào đất liền, có các doi đất hoặc các cồn đất ngăn ở cửa vụng. Vũng cạn chính là thung lũng đoạn cửa sông hay vùng hạ du bị ngập đầy nước biển. Một số vũng cạn ở Việt Nam: vũng Nước Ngọt ở Bình Định, cửa Tráp ở Nghệ An...

6. Phá.

Phá kéo dài dọc theo bờ biển, là một "vịnh" cạn chứa nước mặn hay nước lợ, được nối với biển bằng những eo không lớn hoặc hoàn toàn tách biệt với biển bằng các doi đất.
Phá còn có thể là các kho nước biển nằm trong lòng các vành đảo san hô (atoll).
Có những phá mà bờ của nó kéo dài hàng nghìn km (vịnh Mexico bãi cạn ngăn cách phá với biển dài 1800 km). Ven bờ biển Việt Nam có phá Tam Giang.

7. Khe fio.

Khe fio là những vụng hẹp, nước sâu, ăn rất sâu vào đất liền, có bờ đá cao và rất dốc. Nguồn gốc các khe fio có quan hệ tới các sông băng kỷ băng hà. Khe fio điển hình là Conxky ở biển Bắc Âu.

Không có nhận xét nào: